2011/12/16

Ông Tập Cận Bình Đến Việt Nam Để Làm Gì?

Ông Tập Cận Bình Đến Việt Nam Để  Làm Gì?

Đào Văn Bình

Các trang thông tin điện tử lớn mới đây vừa đưa tin Ô. Tập Cận Bình - Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Hoa, người kế vị Ô. Hồ Cẩm Đào trong tương lai sẽ thăm Việt Nam từ ngày 20 tới 22 Tháng 12 và chi tiết của chuyến đi chưa được hai nước công bố. Để tìm hiểu tầm quan trọng của chuyến thăm viếng này chúng ta cần nhắc lại:

-Vào Tháng 10/2011 Ô. Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh và hội kiến với Ô. Hồ Cẩm Đào và hai bên đã đưa ra bản thông cáo chung với những đoạn quan trọng như sau "Trong bầu không khí chân thành, hữu nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến về việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đạt được nhận thức chung rộng rãi. Ngoài Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm tỉnh Quảng Đông.Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và đi vào chiều sâu, đồng thời có ảnh hưởng tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới."

-Thế nhưng cũng trong thời gian đó, Ô. Trương Tấn Sang lại thăm Ấn Độ, sau đó là Phi Luật Tân làm người ta thắc mắc, không biết Việt Nam theo đuổi chiến lược nào và thông cáo chung ký kết với Hoa Lục có ý nghĩa gì? Việt Nam có thật sự tin cậy Hoa Lục không? Cũng trong thời gian này Việt Nam tiếp nhận hàng loạt tàu chiến và máy bay từ Nga, Hòa Lan và đặt mua hỏa tiễn tối tân của Ấn Độ, Do Thái.

- Rồi vào ngày 16/11/2011 ngay sau Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh Tế Á Châu, vừa bắt tay Ô. Hồ Cẩm Đào xong, Ô. Obama đã bay qua Úc và công bố kế hoạch triển khai 2500 thủy quân lục chiến ở Darwin, một cuộc triển khai quân sự gần giống như thời kỳ Chiến Tranh Lạnh mà các quốc gia lân cận như Tân Tây Lan, Nam Dương, Mã Lai không phản ứng gì. Tại hội nghị thượng đỉnh này, mọi người đều nhận thấy không khí cô lập và khó xử của Hoa Lục.

-Thế rồi vào ngày ngày 6/12/2011, chỉ hai tuần sau hội nghị thượng đỉnh, gặp gỡ các đại biểu trong Đại Hội Đảng Bộ Hải Quân Trung Quốc lần thứ 11 tại Bắc Kinh, ông Hồ Cẩm Đào thúc giục lực lượng hải quân phát huy truyền thống của Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA), "đẩy mạnh việc chuyển đổi và hiện đại hóa hải quân một cách vững chắc và tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh, để bảo vệ an ninh quốc gia cũng như hòa bình thế giới". Một lời tuyên bố làm Á Châu và thế giới giật mình. Trong thời gian này Việt Nam cho thao diễn bắn đạn thật và hỏa tiễn phòng không kéo dài một tuần lễ ở Bắc Giang để cho thế giới thấy khả năng phòng thủ của Việt Nam; Ô. Trương Tấn Sang thăm và chụp hình ở Thác Bản Giốc, Cao Bằng, làm việc với các giới chức địa phương và đồng bào sắc tộc của Tỉnh Hà Giang là tỉnh sát biên giới với Trung Hoa. Với tình hình như thế, vào ngày 20/12 tới đây thì Ô. Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam. Trước những biến chuyển dồn dập, mâu thuẫn với nhau một cách có ý nghĩa đó, người ta không thể không đặt những câu hỏi:

1) Trong chuyến đi Bắc Kinh nói trên, chắc chắn Ô. Nguyễn Phú Trọng đã đạt lời mời, tại sao Ô. Hồ Cẩm Đào không đích thân đi mà lại cử ông phó? Các tổng thống của Hoa Kỳ như Bill Clinton, George W. Bush, bà thủ tướng Đức, kể cả các tổng thống của Nga, Ân Độ, Do Thái, Nam Dương, Phi Luật Tân, Nam Phi v.v.. đều đã tới Việt Nam. Có gì trở ngại để Ô. Hồ Cẩm Đào không thể đích thân thăm Việt Nam cho đúng nghi lễ ngoại giao và bày tỏ "tình hữu nghị thắm thiết, đoàn kết giữa đảng và nhân dân hai nước" trong bối cảnh mà Hoa Lục cảm thấy rất bất lợi cho mình? Hay Ô. Hồ Cẩm Đào trịch thượng, giữ tác phong "thiên tử" truyền thống của Trung Hoa, chỉ cử sứ thần đi là đủ? Sự thật không phải vậy. Theo tôi, hình ảnh của Ô. Hồ Cẩm Đào rất khó thương, ít ra trong giai đoạn này đối với Việt Nam. Các sự kiện sóng gió do Hoa Lục gây ra trên Biển Đông  như cản trở hợp đồng của BP với Việt Nam trong vùng Nam Côn Sơn (năm 2007), cản trở hợp đồng của Exxon Mobil với Việt Nam (năm 2008)[3], vụ tàu Trung Quốc bắn ngư dân Việt Nam năm 2007[4], vụ căng thẳng giữa tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ với một số tàu Trung Quốc đầu năm 2009[5] và mới đây vụ cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh và ngăn chặn tàu chiến Ấn Độ khi hai tàu này di chuyển trong hải phận Việt Nam năm 2011… đều xảy ra dưới triều đại của Ô. Hồ Cẩm Đào. Qua những sự kiện đó, dưới con mắt quốc tế và quần chúng trong nước, thật khó cho các nhà lãnh đạo Việt Nam dành cho Ô. Hồ Cẩm Đào một cuộc tiếp đón nồng ấm. Hơn thế nữa, ông sẽ nói gì đây và cam kết gì đây khi ông vừa tuyên bố chuẩn bị chiến tranh? Thà để ông phó đi, dễ ăn nói hơn.

2) Theo BBC, "một chuyên gia về quan hệ Việt-Trung ở trong nước, đề nghị giấu tên, nói rằng chuyến đi của ông phó chủ tịch Trung Quốc có thể liên quan tới các động thái gần đây trong bang giao quốc tế. Thái độ mạnh bạo, thậm chí hung hăng của Bắc Kinh đã bị nhiều quốc gia chỉ trích, bởi vậy ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ có các chuyến công du để xoa dịu dư luận và hàn gắn quan hệ."   Theo tôi, phỏng đoán này chỉ đúng một nửa. Thông thường một nước muốn bày tỏ chính sách hợp tác hữu nghị với một nước khác trong bầu không khí nghi ngại đang trùm phủ, thì ít ra cũng phải có một vài cử chỉ ngoại giao đẹp, nói khác đi một món quà trước chuyến đi để làm vừa lòng chủ nhà và cho thế giới thấy mình thật lòng chứ không phải thủ đoạn lừa mị. Cử chỉ đẹp làm vui lòng Việt Nam, ít ra trong lúc này,  chưa phải là "trả lại Hoàng Sa" hoặc cam kết không dùng võ lực để tấn chiếm Trường Sa, song ít ra cũng là một lời xin lỗi và bồi thường cho những ngư phủ Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn chết trên biển năm 2007. Ngay một nước nhỏ theo chế độ độc tài quân phiệt khét tiếng như Miến Điện còn biết thả tù chính trị, rộng rãi cho Bà Suu Kyi - như một dấu hiệu cởi mở để tranh thủ dư luận thế giới và để cho chuyến viếng thăm của Bà Hillary Clinton xuôi chèo mát mái. Còn Ô. Tập Cận Bình thì chẳng có món quà ngoại giao nào. Vậy ông đến Việt Nam để làm gì? Có hai giả thuyết.

Thứ nhất: Tiếp theo lời tuyên bố nảy lửa của Ô. Hồ Cẩm Đào mới đây Ô. Tập Cận Bình sẽ đem theo một tối hậu thư, một lời cảnh báo mặt đối mặt là: Nếu Việt Nam còn khẳng định chủ quyền của mình đối với các Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chịu khuất phục mà còn liên kết với các quốc gia Đông Nam Á, dựa vào Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Châu, Anh Quốc, Nga v.v…để cản hoặc làm chậm bước tiến của Trung Quốc ở Biển Đông thì sẽ gánh chịu một hậu quả không lường hết được, giống như tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã từng cảnh cáo các quốc gia Đông Nam Á trước đây. Ô. Tập Cận Bình có thể nói thế và nếu nó được nói ra, chắc chắn không phải lời nói đùa.

Thứ hai: Cũng có thể Ô. Tập Cận Bình sẽ đem theo một món quà hậu hỹ bí mật vào giờ phút chót để bày tỏ thái độ hòa hoãn- đó là quyết định của Đảng Cộng Sản Trung Hoa trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam. Nhưng xin thưa món quà này phải đợi tới "Tết Công gô" mới có. Còn hòa hoãn thì phải nói và hứa như thế nào đây? Quả thật nếu tôi là Ô. Tập Cận Bình thì tôi cũng không biết nói gì và chỉ có nước cười trừ. Hứa bỏ Đường Lưỡi Bò? Hứa không bắn giết hoặc bắt bớ ngư dân Việt Nam đánh cá ở Hoàng Sa và Trường Sa? Hứa không áp lực để các công ty quốc tế hủy bỏ các chương trình khai thác, thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Hứa không tập trung vài trăm ngàn quân ở biên giới để gây áp lực? Hứa không chiếm nốt Trường Sa? Hứa như vậy chẳng khác nào Lưu Bị hứa trả Kinh Châu cho Đông Ngô. Thế nhưng ai chứ Hoa Lục dám hứa lắm, bởi vì lời hứa không bị đóng thuế và cũng chẳng có Liên Hiệp Quốc, Tòa Án Quốc Tế nào làm chứng cả. Cứ hứa đi, rủi sau này có chuyện gì xảy ra, chẳng hạn như Hoa Lục "lỡ tay"chiếm luôn Trường Sa thì thiên hạ sẽ khen ngợi Hoa Lục khôn ngoan và chê cười Việt Nam ngu dại. Theo tôi, các nhà lãnh đạo Việt Nam chắc đang họp bàn ráo riết để chuẩn bị đối phó với chuyến viếng thăm của Ô. Tập Cận Bình. Có thể họ sẽ lựa chọn thái độ khôn ngoan nhất là "im lặng, ghi nhận và cám ơn", " xiế xiế nì ", mà không cần tranh cãi, hứa hẹn gì cả. Làm sao Việt Nam có thể hứa hẹn điều gì khi mà "chiếc chìa khóa" đang nằm trong tay Hoa Lục? Trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam hay không - nằm trong tay Hoa Lục. Đánh chiếm Trường Sa hay không do Hoa Lục quyết định. Gây dông bão ở Biển Đông là chuyện Hoa Lục có thể tiến hành bất cứ lúc nào. Đối đầu với Hoa Kỳ là chuyện Hoa Lục có thể dám liều lĩnh. Việt Nam chỉ có thể tự chủ trong kế hoạch phòng thủ chứ không có khả năng ngăn chặn kế hoạch khống chế Biển Đông và tham vọng bá chủ Á Châu của Hoa Lục ngoại trừ quốc tế và Hoa Kỳ. Nhưng cho tới giờ phút này Hoa Kỳ - ngoài lời hứa trở lại Á Châu và cam kết không theo phe nào trong tranh chấp Biển Đông - vẫn chưa có một kế hoạch hay bước tiến cụ thể nào. Biếu không Phi Luật Tân hai tàu tuần duyên đã cũ, triển khai 2500 thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin chưa phải là nước cờ làm Hoa Lục chùn bước. Khi chưa có một cường quốc hải quân thứ hai thường trực ở Biển Đông, Việt Nam rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

            Chỉ còn một tuần lễ nữa Ô. Tập Cận Bình sẽ tới Việt Nam, cả thế giới sẽ phải theo dõi chuyến đi này. Cục diện Đông Nam Á sẽ vẫn cứ như ngày hôm qua, tức cứ tiếp tục căng thẳng - hay có thể sẽ thay đổi (tốt hoặc xấu đi) - tùy theo cái gì Ô. Tập Cận Bình đem tới Việt Nam. Chúng ta chờ xem./.

Đào Văn Bình

1 comment:

  1. Xin cảm ơn ! Bạn nói hay lắm,chúng ta hãy chờ xem nhé.
    Người Vn từ trước đến nay rất tôn trọng hòa hiếu với lân bang nhưng cũng rất biết bảo vệ lợi ích dân tộc đấy. Chúng ta hãy chờ xem và thưc hiện theo phương châm"Không để tổ quốc bất ngờ"

    ReplyDelete