2012/03/17

Việt Nam bị chỉ trích tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Việt Nam bị chỉ trích tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Trong vài ngày qua tình hình nhân quyền Việt Nam lại một lần nữa nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế khi chính phủ ở Hà Nội tham dự cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc tại Geneve để báo cáo về việc thực thi Công ước Quốc tế về Bài trừ Kỳ thị Chủng tộc mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982.

Duy Ái - VOA

Người sắc tộc Hmong ở Việt Nam
Hình: REUTERS
Người sắc tộc Hmong ở Việt Nam
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này chúng tôi đã tiếp xúc với ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam, là tổ chức đã cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ khác, nộp báo cáo phản biện cho Ủy ban bài trừ kỳ thị chủng tộc (CERD) của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

VOA: Xin chào ông Võ Văn Ái. Theo chúng tôi được biết Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam mới đây có nộp cho Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, cá biệt là Ủy ban Bài trừ Kỳ thị Chủng tộc, một báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam. Xin ông vui lòng tóm lược báo cáo này cho thính giả của đài VOA được biết.

Võ Văn Ái: Chúng tôi có làm một báo cáo phản biện, dài 30 trang, có tên "Những vi phạm các quyền cơ bản đối với các dân tộc ít người và tôn giáo tại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam." Báo cáo này đặc biệt khác với báo cáo của phái đoàn Việt Nam là chúng tôi đưa rất nhiều tư liệu chính xác và những trường hợp cụ thể. Nói chung, chúng tôi có phê phán bản báo cáo của Việt Nam, vì trước khi đến cuộc họp báo cáo của phái đoàn Việt Nam cũng như báo cáo của chúng tôi đã được đưa lên trang nhà của Liên hiệp quốc. Chúng tôi đã đọc và chúng tôi phê phán rằng bản báo cáo của Việt Nam chỉ là danh sách dài về những văn bản pháp luật được thông qua gọi là để bảo vệ các quyền cho dân tộc ít người, nhưng thực tế tất cả những luật pháp đó không được thực thi hay áp dụng. Chúng tôi cũng phê phán rằng chính sách của Đảng Cộng Sản đã điều kiện hóa pháp luật khiến cho các quyền của người dân tộc ít người bị tiêu hủy, và cái gọi là chiến dịch của nhà nước chống phân biệt chủng tộc của Việt Nam chỉ đưa tới trong thực tế sự thanh toán đa văn hóa, tôn giáo và chính trị của nhân dân. Ví dụ như trưng dụng đất đai của tổ tiên, cưỡng bức di dân, đán áp tôn giáo, bắt bớ tùy tiện, cưỡng bức mất tích, v..v. Và vấn đề ngăn cách giàu nghèo rất đáng báo động. Chúng tôi đưa ra con số là năm 1990 số người nghèo của các dân tộc ít người chỉ có 18%, nay đã tăng lên 58%, tức là 9 lần hơn so với người Kinh. Và một vấn đề cũng rất quan trọng đối với dân tộc ít người là vấn đề kỳ thị tôn giáo, là một chính sách có chủ tâm của nhà nước. Ví dụ đó là những việc xảy ra cho người Tin Lành, những người Thiên chúa giáo, H'mong, Thượng, Phật giáo Khmer-Krom hay là thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa Hảo, Cao Đài, v..v… Trong bản báo cáo chúng tôi đưa ra các ví dụ cụ thể và chúng tôi đưa ra 3 yêu cầu.

Thứ nhất, xin chấm dứt tất cả những vụ đàn áp dân tộc ít người và tôn giáo, trả tự do cho tất cả các tù nhân của dân tộc ít người và tôn giáo chỉ vì họ hành xử ôn hòa cho tự do tôn giáo và nhân quyền.

Thứ hai, Việt Nam phải công nhận cơ chế kháng thư, trong điều 14 của Công ước chống phân biệt chủng tộc, để cho tất cả các nạn nhân tại Việt Nam có quyền viết trực tiếp kháng thư gởi cho Ủy ban chống phân biệt chủng tộc. Cho tới nay ủy ban không nhận được kháng thư nào cả trong khi họ biết rằng có những cuộc đàn áp.

Và thứ ba, Việt Nam phải cải cách chính trị và luật pháp để có thể thực sư xóa bỏ nạn kỳ thị chủng tộc và tôn giáo, như khuyến cáo của hai chuyên gia Liên hiệp quốc đã đến thăm Việt Nam vào tháng 7 và tháng 8 năm 2010.

VOA:
Thưa ông, ông vừa nhắc tới chuyện những chuyên gia Liên hiệp quốc đến thăm Việt Nam để xem xét tình hình về nạn phân biệt chủng tộc. Theo chúng tôi được biết, báo cáo của Việt Nam có nói rằng những chuyên gia này đánh giá tốt những nỗ lực của Việt Nam trong lãnh vực chống phân biệt chủng tộc. Ông nghĩ như thế nào về việc này?

Võ Văn Ái: Hôm nay chúng tôi cũng nghe phái đoàn Việt Nam do ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, làm trưởng đoàn. Phái đoàn Việt Nam khá hùng hậu, có đến 16 người. Hôm nay họ cũng trả lời như vậy. Hôm nay chúng tôi có 40 câu hỏi của các thành viên ủy ban Liên hiệp quốc. Tất cả các câu hỏi bao giờ cũng giáo đầu bằng những câu ca tụng "Việt Nam anh hùng chống đế quốc", "Việt Nam rất can đảm", "kinh tế tăng trưởng" vân vân … Nhưng sau phần đó rồi, khi đi vào phần chất vấn thì chỗ chất vấn mới là quan trọng. Hai bà đi thăm vào tháng 7 và tháng 8 thì họ cũng ca tụng "tăng trưởng kinh tế," "có tiến bộ rất nhiều", v..v… nhưng khi họ đưa ra yêu sách hay khuyến chỉnh, bên phía phái đoàn Việt Nam không có trả lời.

VOA: Thưa ông, trong bản báo cáo của Việt Nam mà ông Hà Hùng trình cho Liên hiệp quốc, chúng tôi nhận thấy có một đoạn nói rằng "ở vùng Tây bắc miền bắc Việt Nam có hơn 100,000 tín đồ Tin Lành trong giới những người sắc tộc H'Mong và người Dao; và trong vùng đó số giáo hội tại gia đã tăng từ con số 29 trong năm 2010 lên tới 258 trong năm 2011. Tại vùng Tây Nguyên, họ nói, những giáo hội tại gia có tới 268 giáo hội được thừa nhận trong đó có 400,000 tín đồ Tin Lành. Ông có ý kiến gì đối với những số liệu cụ thể đó không?

Võ Văn Ái: Ý kiến của chúng tôi cũng như của những người tham dự đã nghe từ sáng hôm qua cho đến chiều hôm nay, phải công nhận – như tôi có nói, bản báo cáo của nhà nước Việt Nam hết sức hoàn hảo, luôn luôn tôn trọng nhân quyền và dân chủ, giúp đỡ đồng bào thiểu số trên các phương diện giáo dục, y tế, vân vân … luôn luôn đề cao những số liệu như vậy. Nhưng những chất vấn, ví dụ như chất vấn của ông De Goutre. Ông ấy bảo tại sao giữa bản báo cáo của Việt Nam và những báo cáo của những tổ chức phi chính phủ có mặt hôm nay thì không thấy phía Việt Nam đề cập. Những sự kiện đưa ra đó không hề thấy thống kê. Sau khi ông Hà Hùng trình bày rồi những gì hết sức tốt đẹp – ta có thể thấy như thiên đường, của Việt Nam cuối cùng ông ấy cũng có phần gọi là "những khó khăn mà chúng tôi gặp phải". Khi ông ấy trình bày những khó khăn đó, một số các thành viên của ủy ban Liên hiệp quốc cũng nói chúng tôi thấy rất mâu thuẫn – một bên thì ông trình bày rất tốt đẹp nhưng bên khác lại có những khó khăn. Ví dụ như sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trở thành một hiệu ứng tiêu cực đối với đồng bào dân tộc thiểu số vì sự nghèo nàn càng ngày càng cao. Những cái chúng tôi đưa ra đã được các thành viên trong ủy ban nêu lên. Ví dụ, chúng tôi tố cáo điều 87 trong bộ luật hình sự, bắt bớ những người biểu tình vì nguyên cớ là phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Chúng tôi cũng tố cáo là điều 14 của Công ước là người dân tộc thiểu số có quyền gởi kháng thư nếu bị lâm nạn. Đặc biệt chúng tôi cho rằng hộ khẩu là chính sách cơ bản về phân biệt chủng tộc tại Việt Nam, thì được các thành viên của ủy ban Liên hiệp quốc đưa ra. Nhưng cái khổ là vấn đề đưa ra như vấn đề hộ khẩu thì không thấy ông Hà Hùng trả lời.

VOA: Thưa ông, trong cùng ngày phái đoàn Việt Nam bị chất vấn tại Geneve về vấn đề nhân quyền  báo chí Việt Nam loan tin Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, người đứng đầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã chủ trì một phiên họp tại Hà Nội ngày 21 tháng 2. Tại phiên họp đó ông Hùng nói rằng "dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến quyền con người." Ông nghĩ sao về phát biểu này?

Võ Văn Ái: Sáng nay, ông Hà Hùng cũng nhấn mạnh tới điểm đó và 4, 5 người trong phái đoàn cũng nói rằng vấn đề nhân quyền sẽ được ưu tiên chú ý tới. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng vấn đề nhân quyền là vấn đề thực thi chứ không phải là vấn đề sửa đổi hiến pháp hay bộ luật hình sự. Bởi vì tôi nghĩ rằng tất cả những tự do được bảo đảm và qui định trong hiến pháp Việt Nam 1992 là quá đầy đủ, kể cả quyền biểu tình. Nhưng khổ thay, như chúng tôi đã phê phán tại Liên hiệp quốc, những văn kiện về pháp lý cho con người có những quyền tự do đã có đầy đủ nhưng không áp dụng, không thực thi. Vấn đề ông Nguyễn Sinh Hùng, nếu ông có thể đẩy mạnh sự thực thi những điều đã được bảo đảm trong hiến pháp thì tôi thấy nhân quyền sẽ được tôn trọng hơn rất nhiều trong mấy chục năm qua.

VOA: Cám ơn ông Võ Văn Ái đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Chúc ông mọi sự an lành.

Võ Văn Ái: Xin cám ơn đài VOA và xin chào quí thính giả tại Việt Nam.

No comments:

Post a Comment