2010/11/12

Việt Nam trước tia chớp dân chủ từ phương Bắc

Việt Nam trước tia chớp dân chủ từ phương Bắc

Lê Duy Nhân

Bỗng nhiên nhiều biến cố lớn như cơn sóng thần đổ ập vào Trung Hoa lục địa trong tháng Mười, tạo nên một cơn địa chấn chính trị làm rung chuyển lãnh đạo ở Bắc Kinh, trong khi những người yêu tự do-dân chủ trên thế giới hồi hộp theo dõi sít sao ảnh hưởng của ba cơn địa chấn chính trị:
- giải Nobel Hoà Bình về tay nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba,

- Thủ tướng Ôn Gia Bảo đòi đổi mới chính trị ở Trung Hoa Lục Địa,

- 23 cựu đại thần và đại trí thức Trung Quốc đòi tự do ngôn luận.
Phản ứng chống giải Nobel Hoà Bình trao cho Lưu Hiểu Ba là hành động chống lại con người và bóp nghẹt khát vọng của toàn bộ nhân dân Trung Hoa khiến cả thế giới bất bình nhưng lại tăng thêm sức mạnh cho phong trào dân chủ trên đất Trung Hoa. Mặc dù chính quyền Bắc Kinh ra sức ngăn chặn tin Lưu Hiểu Ba được giải Nobel nhưng vẫn không thể hoàn toàn vô hiệu hóa các kênh thông tin Internet. Khi tước đoạt vinh dự của ông Lưu Hiểu Ba là đảng CSTQ đã huỷ diệt giấc mơ mà nhân dân TQ ấp ủ hàng bao nhiêu thập niên. Liệu nhân dân Trung Hoa có cúi đầu mãi trước một chế độ chà đạp lên danh dự vài khát vọng làm người tự do của họ không?

Trong cuộc phỏng vấn ngày 3-10 dành cho phóng viên Fareed Zakaria trên đài CNN, thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo đã làm cả thế giới sửng sốt khi tuyên bố:
"Tôi tin rằng tự do ngôn luận là điều không thể thiếu sót được cho mọi quốc gia… Tôi thường nói rằng chúng tôi không những phải cho người dân quyền tư do ngôn luận mà chúng tôi, quan trọng hơn nữa là phải tạo điều kiện cho họ chỉ trích việc làm của chính quyền. Tất cả những điều đó phải thực hiện trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp cho phép để đất nước có trật tự bình thường. Và tất cả điều đó càng cần thiết hơn đối với một quốc gia rộng lớn như Trung quốc với 1,3 tỷ dân số…"
Đây không phải là lần đầu tiên TT Ôn Gia Bảo nói về cải cách chính trị. Cách đây không lâu, ông tuyên bố ở Thẩm Quyến (Shenzhen) rằng : "Song song với đổi mới kinh tế chúng ta phải thực hiện đổi mới chính trị". Ôn Gia Bảo muốn đổi mới chính trị như thế nào? Ông tóm gọn lý tưởng chính trị trong bốn nguyên tắc sau:
-Cho phép mọi người có cuộc sống hạnh phúc có nhân phẩm

- Làm cho mọi người cảm thấy an toàn và vững tâm

- Xây dựng xã hội công bằng và công lý

- Làm cho mọi người tin tưởng ở tương lai
Tiếc thay đại đa số người dân Trung Hoa chỉ được mơ ước một trong 4 điều trên. Tại sao ở cương vị thủ tướng, người điều hành công việc cai trị đất nước, ông Ôn Gia Bảo không thực hiện các "lý tưởng chính trị" trên của mình mà chỉ lên tiếng như một người dân thấp cổ bé miệng? TT Ôn Gia Bảo đã tự đặt mình ra khỏi guồng máy lãnh đạo đảng CSTQ, chối bỏ trách nhiệm đối với những bất công xã hội to lớn, chối bỏ trách nhiệm đối với chính sách đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình… do chính ông đã và đang thi hành một cách sắt máu trên đất nước ông. Tại sao những phát biểu tiến bộ của ông lại bị guồng máy thông tin tuyên truyền do chính ông cầm đầu lược bỏ hết trên các cơ quan truyền thông? Nếu tiếng nói của TT Ôn Gia Bảo không phải tiếng nói của lãnh đạo đảng thì Đảng là ai? Một tổ chức vô hình hay ông Ôn Gia Bảo chỉ đóng vai trò ông Thiện nhằm xoa dịu bất mãn trong quần chúng để ông Ác tiếp tục chuyên quyền cai trị? Người dân Trung Hoa có lý do khi nghi ngờ "thiện chí đổi mới chính trị của ông Ôn Gia Bảo. Vì TT Ôn Bảo không phải là người duy nhất nêu lên vấn đế đổi mới chính trị. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ít lâu sau ngày nhậm chức đã hứa hẹn sẽ gỡ bỏ các rào cản báo chí và mở rộng diễn đàn cho công luận". Nhưng xưa nay và ở bất cứ đâu có khi nào lời nói của lãnh đạo CS đi đôi với việc làm của họ. Cho nên ít ai tin được sự chân thật trong các tuyên bố của Ôn Gia Bảo.

Chỉ còn hai năm nữa là TT Ôn Gia Bảo sẽ rút khỏi sân khấu chính trị nên "thiện chí" dân chủ của ông –nếu có- cũng theo ông "về vườn". Dân chủ không bao giờ là món quà do người cai trị ban phát mà kẻ bị trị phải tự đứng lên giành lấy. Đó chính là lý do ra đời của bản kiến nghị dân chủ do 23 cựu công thần và trí thức TQ, gồm nhiều nhân vật từng nắm giữ các chức vụ quan trọng trong đảng CSTQ như:
- Lý Nhuệ, nguyên thứ trưởng thường trực Vụ Tổ chức Ủy Ban TW Đảng

- Hồ Tích Vĩ, nguyên Chủ nhiệm Nhân Dân Nhật Báo

- Giang Bình, nguyên Giám đốc Đại Học Khoa Chính Trị

- Lý Phố, nguyên Phó Giám Đốc Tân Hoa Xã…
Bản kiến nghị lên án nặng nề chế độ kiểm duyệt bóp nghẹt quyên tự do ngôn luận, tư do báo chí… vi phạm trắng trợn điều 35 trong Hiếp Pháp Trung Quốc và cho đó là "một vết nhơ trong lịch sử của nền dân chủ thế giới". Những người ký vào bản kiến nghị dân chủ nhận định rằng: "Quy chế "chủ" của nhân dân tại Trung Quốc lục địa hiện nay còn quá thấp kém. Vì vậy việc chúng ta tự hào là một "quốc gia dân chủ xã hội chủ nghĩa" với sắc thái Trung quốc là một điều đáng xấu hổ".

Việt Nam nhìn ánh sáng dân chủ loé lên từ "phương Bắc vĩ đại" sẽ phản ứng như thế nào? Giai cấp trí thức "không XHCN" sẽ có nguồn cảm hứng để nhập cuộc đấu tranh cho dân chủ. Các chiến sĩ dân chủ sẽ có thêm nghị lực phấn đấu. Giới báo chí hy vọng sẽ được nới lỏng vòng kim cô kiểm duyệt. Quả vậy mới đây, lần đầu tiên một tờ báo trong nước (dĩ nhiên của ông nhà nước) dám đăng nguyên văn một bài báo kêu gọi dân chủ. Ngày 18/10, báo đện tử VietnamNet được ban tuyên giáo Đảng cho phép đăng trọn vẹn bài Fareed Zakaria của CNN phỏng vấn TT Ôn Gia Bảo kêu gọi tự do ngôn luận. Hai ngày sau VietnamNet đăng bản kiến nghị "ngưng Bauxite" của báo "phản động Bauxite Vietnam". Dấu hiệu gì đây? Đảng CSVN chơi trò té nước theo mưa để trả thù ông anh TQ hay TT Dũng đang dọ dẫm bước theo vết chân của TT Ôn Gia Bảo? Hay "phe ta" mượn gió bẻ măng để "chơi phe mình"? Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng , ứng viên rất sáng giá vào ghế TBT Đảng vì được Bắc Kinh "gật gù", bị quả "bom bauxite" phá bĩnh nên rất bực mình.

Đảng CSVN đang sửa soạn bước vào đại hội XI vào đầu tháng 1/2011. Trong khi vấn đề nhân sự còn đang ở giai đoạn "bất phân thắng bại" thì vấn đề khai thác Bauxite bỗng trở thành khối u bất trị. Sau thảm kịch bauxite ở Hung Gia Lợi, đông đảo người dân bỗng cảm thấy họ không thể khoanh tay nhìn đất nước rơi vào thảm hoạ bauxite. Hàng ngàn trí thức và cựu đảng viên CS từng giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyến CS (như nguyên Phó chủ tịch Nhà nước Nguyễn Thị Binh, Chu Hào, Đặng Hùng Võ, …) đã ký kiến nghị yêu cầu chính quyền ngưng ngay việc khai thác bauxite ở cao nguyên. Đảng CSVN đang ở thế ngồi trên lưng cọp. Không rút lui thì phong trào bauxite sẽ có khả năng thành "Diễn Biến Hoà Bình" hay "Cách Mạng Nhung". Lùi bước trước áp lực của dân chúng thì vừa mất uy thế lãnh đạo vừa mất lòng các nhà đầu tư của thiên triều.

Khi nói về tương lai của tiến trình đổi mới chính trị ở Trung Hoa Lục Địa, TT Ôn Gia Bảo ví von rằng: "Cũng như sông Dương Tử sóng sau đè sóng trước, các thế hệ mới sẽ vượt qua thế hệ trước. Tôi tin rằng lãnh đạo Trung Hoa tương lai sẽ vượt trội lãnh đạo trước. Thứ nữa, chính nhân dân và sức mạnh dân tộc quyết định tương lai và lịch sử của đất nước. Khát vọng và ý chí của nhân dân không có gì ngăn cản nổi. Những kẻ đi theo xu thế (thời đại) sẽ thành công, kẻ đi ngược xu thế sẽ thất bại". Đảng CSTQ cầm quyền từ năm 1949, tức hơn 6 thập kỷ, mà chỉ có "làn sóng chuyên chế" sau thay thế "làn sóng chuyên chế" trước.

Cũng như ở TQ, nếu quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tiếp tục bị bóp nghẹt thì không có làn "sóng sau dân chủ" nào đè được "làn sóng độc tài" và không có xu thế thời đại nào thay đổi được cái xu thế chính trị độc tài, tham nhũng và bất lực của thứ chủ nghĩa XHCN giả hình, mang cốt lõi tư bản mafia.

Lê Duy Nhân



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment