2011/06/27

Trí Tuệ: Sinh Mệnh Của Đạo Phật

Trí Tuệ: Sinh Mệnh Của Đạo Phật

Đào Văn Bình

Nhân đọc bài viết về tiểu sử và sự nghiệp hoằng pháp của Tôn Giả Ca Chiên Diên (Maha Katyayana) một trong mười đại đệ tử của Đức Phật nổi tiếng là "biện luận đệ nhất" đăng trên trang mạng Hoằng Pháp Hà Nội tôi không nén được xúc động và không thể không bày tỏ lòng tôn kính tột độ đối với một vị bồ tát, một đạo sư thật vĩ đại đã đi đúng mạch sống của Phật Giáo, đi đúng giáo lý của Đức Phật và xứng đáng đại diện Phật nói trước đại chúng trong một số pháp hội. Bằng lý luận đanh thép, bằng chứng nghiệm bản thân, Tôn Giả Ca Chiên Diên đã dùng ánh sáng trí tuệ chiếu rọi vào tận cùng của sự vật, những khúc mắc của chuyện đời, cội nguồn khổ đau của nhân thế, đâu là thánh thiện, đâu là bợn nhơ, đâu là đạo giải thoát rốt ráo và đâu là con đường phải theo. Và những điều đó đã thuyết phục và chuyển hóa lòng người.

Trước đây qua giáo lý của Đức Phật chúng ta hiểu rằng Đạo Phật là đạo xây dựng trên nền tảng trí tuệ, tức dùng sự giác ngộ, hiểu biết và sức mạnh của lý trí để giải quyết vấn đề tâm linh của con người cùng những vấn nạn của xã hội mà không dựa vào Thần Linh. Đây là sự kiện lạ lùng và chấn động vì khi đó Bà La Môn Giáo đang thời cực thịnh mà Brahma (Thượng Đế) là điểm tựa duy nhất để giải quyết mọi vấn đề. Trong quá trình tu chứng 49 ngày cuối cùng, Đức Phật không dựa vào thần quyền, không cầu nguyện van vái. Mà Ngài đã trải qua những chặng đường chuyển hóa nội tâm "chứng được quả Túc Mệnh Thông tức thấy rõ tất cả khoảng đời quá khứ của mình trong tam giới. Đến nửa đêm Ngài chứng được quả Thiên Nhãn Minh, thấy được bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. Đến canh tư Ngài chứng được quả Lậu Tận Minh, rõ biết nguồn gốc của khổ đau và phương pháp diệt trừ đau khổ để giải thoát khỏi sinh tử, luân hồi." (1) Và cuối cùng Ngài vẫn còn phải chiến đấu với những níu kéo ghê gớm của Ái – Dục vốn gắn chặt với kiếp người, biểu hiện qua cuộc chiến đấu với Ma Vương.

Trong suốt 45 năm hành đạo, thu nhận, dạy dỗ đệ tử, Đức Phật chỉ nói về những gì Ngài trải qua và chứng đắc, không thêm, không bớt và không giữ lại cho mình bất cứ điều gì. Giáo pháp của Ngài là một kho tàng tư tưởng nhân bản, lý luận phong phú, dùng ẩn dụ, dùng toán học, khúc triết, có dẫn chứng, có so sánh để khai mở trí tuệ. Ngoài danh hiệu "Đấng Từ Phụ", Đức Phật còn là một triết gia, một nhà giáo dục, một tâm lý gia vĩ đại mổ xẻ những khúc mắc tâm lý của con người.

Từ những điểm thù thắng và hi hữu nói trên, qua cuộc đời bằng xương bằng thịt của Đức Phật, qua công hạnh và việc hoằng pháp của các đệ tử của Ngài, chúng ta có thể rút ra những đặc điểm của Phật Giáo như sau:

a) Đạo Phật không dựa vào Thần Linh, phép mầu nhiệm để xây dựng nền tảng giáo lý của mình. Đạo Phật trực chỉ nhân tâm, lấy con người làm gốc, lấy sức mạnh của con người – tức bộ óc – tức trí tuệ của con người – để giải quyết những vấn đề của con người. Hạnh phúc do con người kiến tạo. Khổ đau do con người tự gây ra cho nhau và cho chính mình. Khi dùng trí tuệ làm nền tảng thì ai cũng như ai, mọi người đều bình đẳng vì ai cũng đều có trí tuệ, ai cũng có Phật tánh. Khi dùng Thần Linh làm nền tảng thì con người trở thành tôi tớ cho Thần Linh. Tầng lớp trung gian với Thần Linh sẽ trở thành Thánh và có quyền sinh sát, có quyền quyết định vận mệnh của con người bởi vì chỉ có tầng lớp trung gian này mới có khả năng tiếp cận hoặc là đại diện chân chính của Thần Linh mà thôi.

Trước khi gặp Phật, nhờ sự thông thái đặc biệt mà Tôn Giả Ca Chiên Diên đã có thể đọc được tấm bia đá viết bằng cổ ngữ do vua của Thành Ba La Nại đào được mà người đời cho rằng đó là văn tự của Đấng Phạm Thiên (Thượng Đế). Dù đọc được nhưng Tôn Giả không sao tìm ra lời giải đáp. Tấm bia viết như sau:

Vua của các vị vua là ai?
Thánh của các bậc thánh là ai?
Thế nào là người ngu?
Thế nào là người trí?
Làm sao xa lìa được dơ bẩn?
Làm sao chứng đạt được niết bàn?
Ai chìm đắm trong biển sinh tử?
Ai tiêu dao tự tại trong cõi giải thoát?

Dù đã đi vấn hỏi Nhóm Lục Sư là những nhà thông thái nhất lúc bấy giờ, họ cũng không tìm ra lời giải đáp. Cuối cùng, nhớ lời dặn của người cậu là Đạo Sĩ A Tư Đà (Asita) trước khi qua đời, Tôn Giả đã phải tới thỉnh hỏi Đấng Đại Giác và sau đây là giải đáp của Đức Phật:

Vua của các vua là vị thiên vương cung trời thứ sáu.
Thánh của các bậc thánh là đức đại giác Phật Đà.
Để cho vô minh làm ô nhiễm là người ngu.
Có khả năng tiêu diệt mọi phiền não là người trí.
Dứt bỏ được tham sân si thì lìa được dơ bẩn.
Hoàn thành được giới định tuệ thì chứng niết bàn.
Còn vướng mắc vào ngã và pháp là còn chìm đắm trong biển sinh tử.
Thấy rõ được pháp tánh duyên khởi thì tiêu dao tự tại trong cõi giải thoát. 
(2)

Lời giải đáp không hề dựa vào bóng dáng của thần quyền, không huyền hoặc, hoàn toàn thuần lý, rõ ràng và bày tỏ sự chứng đắc rốt ráo của đấng Đại Giác, khiến cho "những bóng mờ vẫn ẩn núp trong tâm trí ông từ bấy lâu nay đều bị ánh sáng trí tuệ quét sạch." (3) Và đây là nguyên do khiến Tôn Giả tới đảnh lễ qui y và trở thành đệ tử của Đức Phật, từ bỏ danh vọng, quyền thế cao tột của dòng dõi Bà La Môn.

b) Đạo Phật không dựa vào những thiên tai dịch họa như núi lửa, động đất, sóng thần, hạn hán, lụt lội, bệnh tật hoặc những tai họa do chính con người gây ra như chiến tranh v.v… để minh chứng cho sự hiện hữu của Thần Linh để rồi từ đó hù dọa, khuyến dụ con người tôn thờ Thần Linh và đi theo đạo tôn thờ Thần Linh. Đạo Phật đi lên từ những khổ đau của con người trong đó thiên tai, dịch họa chỉ là một trong những khổ đau của con người. Chính bản thân Đức Phật khi còn là thái tử đã phải đối đầu với những khổ đau như Sinh, Lão, Bệnh, Tử mà giáo lý của thần giáo đương thời, thậm chí thân phụ ngài, dù là một quốc vương cũng không sao giải quyết được. Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc ra đi không phải đi tìm thiên đàng, không phải để tu luyện phép mầu mà chỉ để giải quyết những khổ đau của chính mình và của nhân thế. Do đó Đạo Phật là đạo diệt khổ. Khổ Đế là khởi nguyên của Đạo Phật. Cứu cánh của Phật Giáo là giải thoát khỏi khổ đau, giải thoát khỏi sự thống ngự của thần quyền, giải thoát khỏi Tham-Sân-Si là nguyên do của bao thảm họa xảy ra trên cõi đời này. Dĩ nhiên khi đã diệt hết khổ thì chúng ta hạnh phúc. Niết Bàn chỉ là trạng thái mà con người đã xa lìa tất cả các phiền não chứ không phải là cuộc sống ở một cung trời nào đó. Do đó, trong Đạo Phật, bất cứ ai tự xưng mình là thánh thần mà còn nhăn nhó, khổ đau, van nài, kêu cứu…thì đó là chỉ là phàm phu chứ không phải thánh thần. Vì không tôn thờ Thần Linh, không tôn thờ Tự Ngã cho nên cứu cánh của Phật Giáo không phải là sự thờ phượng. Nếu chúng ta có thờ Phật cũng chỉ để tôn thờ một bậc thầy vĩ đại để từ đó đi theo giáo lý của Phật, để được hạnh phúc như chính Phật. Truyện về quãng đời hoằng pháp của Ngài Ca Chiên Diên kể rằng: (4)

"Một lần nọ, khi Đức Phật trở về quê hương Ca Tỳ La Vệ để giáo hóa. Trong số tăng chúng đi theo có Tôn Giả Ca Chiên Diên. Phật và đại chúng tạm trú tại thôn Hạ Lỵ. Trong thời gian lưu trú tại đây, một hôm, trong thôn có một vị trưởng giả lâm trọng bệnh. Ca Chiên Diên muốn đích thân đến dùng Phật pháp để tiêu trừ bệnh khổ cho ông ta.

Tôn Giả đến trong lúc vị trưởng giả đang nằm trên giường bệnh. Tôn Giả hỏi thăm:

- Thưa trưởng giả! Đức Thế Tôn nghe nói trưởng giả không được khỏe nên sai tôi đến thăm. Chẳng hay trưởng giả đã cho mời thầy thuốc đến chữa trị chưa?

Vị trưởng rất cảm động trả lời:

- Con xin cám ơn Đức Thế Tôn và đại đức. Bịnh của con đã đến lúc quá nặng rồi, không còn hi vọng gì chữa được. Rất nhiều thầy thuốc đều đã bảo như vậy.

- Vậy xin trưởng giả hãy chuyên tâm quán niệm Tam Bảo, mong nhờ uy đức lớn lao của Tam Bảo mà tâm ý của trưởng giả được thanh tịnh, rồi bịnh sẽ thuyên giảm.

- Thưa đại đức! Con qui y Tam Bảo với hi vọng được hộ trì Tam Bảo để đam lại lợi lạc cho nhân gian. Con nên hiến cúng cho Tam Bảo những gì mình có chứ đâu dám yêu cầu này nọ nơi Tam Bảo!

- Trưởng giả nói rất đúng! Cõi thế gian là vô thường, chúng ta không thể nào yêu cầu Tam Bảo làm cho ta được thường trú mãi mãi. Thân thể phải bị bịnh tật, chúng ta không thể nào yêu cầu Tam Bảo làm cho ta khỏe mạnh suốt đời. Người có đức tin vào Tam Bảo lúc nào cũng hi sinh cá nhân để xây dựng cuộc sống chung. Bịnh hoạn, đau khổ của cá nhân, chúng ta hãy biết tự lo lấy chứ đâu có dám làm phiền đến Phật Pháp Tăng, nhưng thưa trưởng giả, sức người thì có giới hạn mà ánh từ quang của Tam Bảo thì trải khắp mọi nơi, nếu chúng ta thành tâm cần cầu thì ánh từ quang ấy sẽ rọi chiếu đến.

Nghe lời khuyên của Ca Chiên Diên, vị trưởng giả hàng ngày chuyên niệm Tam Bảo. Ông cảm thấy thân tâm dần dần trở nên an lạc và bệnh tình cũng ngày càng thuyên giảm."

Lời khuyên của Tôn Giả thật nhân bản, hợp tình, hợp lý. Dĩ nhiên Tam Bảo không thể chữa lành bệnh cho ai. Ai nói rằng Phật Pháp Tăng có thể chữa lành bệnh cho tất cả mọi người thì đó là sự lừa mị. Thế nhưng nếu chúng ta chú tâm nhiếp niệm Tam Bảo thì thân tâm chúng ta thanh tịnh, nghị lực tăng trưởng. Có thể vì thế mà chúng ta lướt qua được bệnh tật. Đó cũng là phương pháp tâm lý trị liệu của thời đại ngày hôm nay.

c) Đạo Phật không dùng tình cảm để thuyết phục ai. Vì Đạo Phật nhằm khai mở trí tuệ cho con người cho nên Đạo Phật không lợi dụng tình cảm yếu đuối, không lợi dụng những hoàn cảnh khốn khó của người để truyền đạo. Đạo Phật luôn luôn đến với con người khi con người sáng suốt nhất. Đạo Phật là sự bừng nở hoa tâm, giã từ sự ích kỷ, giã từ gian tham, giã từ tật đố, giã từ bóng tối, giã từ kiêu mạn, giã từ cái hữu hạn để tìm về nơi vô hạn. Do đó có thể nói "Nếu bạn mở cánh cửa Trí Tuệ ra, bạn sẽ thấy Đạo Phật. Nếu bạn khép cánh cửa Trí Tuệ lại, bạn sẽ không thấy Đạo Phật." Đạo Phật không dùng ơn nghĩa để truyền đạo. Trong khi người ta đói khát mình cho người ta một bát cơm đó là cử chỉ đẹp, nhưng lợi dụng bát cơm đó để dụ người ta vào đạo là một hành vi cưỡng ép và ngay trong cử chỉ "cho" đó đó đã ngầm chứa một âm mưu, một thủ đoạn bất chính. Đạo Phật là đạo "phá tà hiển chính". Chúng ta có thể cam đoan rằng không một tu sĩ Phật Giáo nào có can đảm làm thế. Nếu họ làm thế thì họ là tín đồ của "Ma Giáo" chứ không phải Phật Giáo và họ nên cửi áo của Như Lai để đi theo một tôn giáo khác. Chúng ta hãy xem Tôn Giả Ca Chiên Diên hóa độ một người đàn bà nô lệ bất hạnh:

"Một hôm, sau khi hành hóa ở A Bàn Đề, Ca Chiên Diên lên đường trở về Tịnh Xá Kỳ Viên ở Thành Xá Vệ. Giữa đường, tôn giả trông thấy một thiếu phụ ôm một vò nước, ngồi khóc lóc thảm thiết bên bờ sông, tình cảnh có vẻ rất thương tâm. Sợ người thiếu phụ vì quá thất ý mà có thể nhảy xuống sông tự tử, tôn giả vội vàng đến hỏi thăm:

- Thưa bà! Có chuyện gì làm bà đau khổ đến nỗi khóc lóc thảm não như vậy?

Nghe có người hỏi, thiếu phụ càng khóc to thêm:

- Thôi ông hỏi han làm gì, dù có nói cũng vô ích thôi!

- Thưa bà! Xin bà cứ nói! Tôi là đệ tử của đức Phật. Tôi có thể giúp bà giải quyết được bất cứ vấn đề khó khăn nào.

- Ông không có cách nào giúp tôi đâu! Ông thấy không? Trên thế gian đầy dẫy những hoàn cảnh không bình đẳng, người giàu kẻ nghèo cách biệt một trời một vực! Tôi là một kẻ nghèo mạt rệp, suốt đời chịu khổ, và cũng vì cái nghèo đã đem đến cho tôi quá nhiều đau khổ nên hiện giờ tôi không còn muốn sống làm gì trên cõi đời này nữa!

Nói xong mấy lời ấy thì thiếu phụ vật vã lăn lộn như có ý muốn liều mình. Tôn giả hoảng hốt, vội nhanh chân đứng chận trước mặt thiếu phụ, rồi thương xót an ủi:

- Thưa bà! Xin bà đừng quá thất vọng như vậy! Bà hãy bình tâm nhìn lại thử xem, trên đời này người nghèo nhiều lắm chứ đâu phải chỉ có một mình bà! Lại nữa, người nghèo không hẳn là bất hạnh, mà người giàu cũng không hẳn là có hạnh phúc. Bà thấy không! Có những người giàu có, nhà cao cửa rộng, ruộng đất thênh thang, kẻ ăn người ở đầy nhà, nhưng họ hàng ngày cứ bị các tính xấu như tham lam, sân hận, ganh ghét giày vò, đó mới là đau khổ, đó mới là bất hạnh. Cho nên làm người, chỉ cần có được cuộc sống bình an là tốt nhất, còn cái nghèo đâu đáng để cho ta đau buồn!

- Bởi vì ông là một vị sa môn nên cứ dửng dưng với sự thế, chứ kẻ tục như tôi thì đâu được như vậy. Ông biết không? Tôi nguyên là kẻ nô lệ của một nhà đại phú hào ở vùng này. Quanh năm suốt tháng tôi chỉ biết làm nô dịch cho người, không có một chút thì giờ rảnh rỗi nào, thế mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại còn bị người chủ tham tàn bạo ác, hở một chút là mắng chửi đánh đập, khiến cho bọn tôi tớ chúng tôi, muốn sống cũng không được mà muốn chết cũng không xong! Tôi nghĩ, sở dĩ tôi bị hành hạ như vậy là chỉ vì cái nghèo mà ra, sao ông lại bảo cái nghèo không đáng để làm cho người ta đau khổ?

- Thôi thì cứ cho là bà có lý, nhưng dù sao thì tôi cũng khuyên bà đừng đau buồn nữa. Tôi sẽ chỉ cho bà cách thức chẳng những thoát được cái nghèo mà còn phát tài nữa.

Nghe vậy, thiếu phụ lật đật lau nước mắt, hỏi dồn:

- Cách gì, thưa đại đức?

- Giản dị lắm! Bà đã bị cái nghèo làm cho đau khổ, sao bà không đem cái nghèo ấy bán cho người khác đi?

- Đại đức nói đùa sao chứ! Cái nghèo mà bán được thì hóa ra trên đời này chẳng còn ai nghèo cả? Vả lại, có ai mà lại chịu mua cái nghèo!

- Tôi chịu mua, bà hãy bán cho tôi đi!

- Cái nghèo lại có thể bán được, và cũng có người như đại đức chịu mua, nhưng rất tiếc là tôi không biết bán nghèo bằng cách nào!

- Bằng cách bố thí, thưa bà! Bà nên biết rằng, sự giàu nghèo của mọi người đều có nguyên nhân. Sở dĩ người ta nghèo là vì kiếp trước người ta tham lam keo kiệt, không biết bố thí và tu phước. Sở dĩ người ta giàu có là vì kiếp trước người ta biết bố thí và tu phước. Cho nên, bố thí và tu phước là cách tốt nhất để bán nghèo mua giàu.

Nghe mấy lời khai thị của tôn giả, thiếu phụ bỗng cảm thấy như tâm trí mình vừa được khai sáng, dù vậy, bà vẫn còn có điều thắc mắc:

- Thưa đại đức! Bây giờ thì con thấy tâm trí con đã được sáng tỏ. Con hiểu được lời dạy của đại đức rồi, nhưng con vốn dĩ rất nghèo, không có bất cứ vật gì gọi là của riêng; ngay cả cái vò nước này cũng là của người chủ tham lam độc ác ấy, con đâu biết lấy gì để cúng dường cho đại đức!

Ca Chiên Diên đưa cái bình bát của mình ra trước mặt thiếu phụ:

- Không nhất thiết phải có tiền bạc hay của cải mới bố thí được.Mỗi khi thấy người khác bố thí mà mình khởi niệm hoan hỷ, đó cũng là bố thí rồi. Hiện giờ bà có thể trút nước trong cái vò bà đang có sang bình bát này cho tôi. Thế tức là bà bố thí cho tôi đó!

Tới đây thì thiếu phụ hoàn toàn tỉnh ngộ. Từ đó bà nguyện luôn luôn y theo lời dạy của tôn giả mà thực hành, và không còn thấy bị đau khổ vì cảnh nghèo nữa." (5)

Thưa quý vị, làm sao một vị sa môn đi chân đất, ôm bình bát khất thực, dù trí tuệ siêu việt như thế nào đi nữa, lại có thể chuyển hóa một cấu trúc xã hội bất công chằng chịt từ trên xuống dưới trùm phủ cả ngàn năm rồi? Và người đàn bàn bất hạnh này chỉ là nạn nhân của cấu trúc xã hội bất công đó. Nhưng chẳng lẽ thấy chết, thấy người ta khổ mà không cứu? Nhưng cứu làm sao đây? Do sự linh hoạt và minh mẫn khác thường, Tôn Giả đã nảy ra ý nghĩ "mua nghèo" tức rước lấy cái nghèo cho người đàn bà bất hạnh. Có thể đề nghị này đã làm cho người đàn bà phì cười. Nhưng cũng nhờ cáitức cười đó mà tâm trí bà bừng sáng, như nở tâm hoa và một thứ ánh sáng chiếu rọi vào đầu óc và chuyển hóa tâm thức. Bà không còn cảm thấy nghèo hèn và khốn khổ nữa: Một chuyển hóa tâm thức trong hòa bình, không làm khổ mình và khổ người, không cần sự trợ lực hay quyền phép của thần linh.

d) Đạo Phật không dùng quyền lợi vật chất trước mắt, cũng như ảo tưởng về một cuộc sống bất tử để dụ dỗ con người. Những người đi theo Phật đều vứt bỏ quyền lợi, danh vọng tột đỉnh của thế gian như bao bậc vua chúa, đại thần, tỉ phú, những nhà tiên tri, các vị Bà-la-môn tăm tiếng thời Đức Phật còn tại thế. Theo Phật hay theo Đạo Phật không phải để được thăng quan tiến chức, đặc quyền đặc lợi kinh tế, ăn trên ngồi trước, hoặc là cái mộc che, cái vỏ đạo đức để vênh vang trong xã hội. Đạo Phật lại càng không phải là cái "mode"hay phong trào để theo. Mode hay phong trào giống như kiểu cọ đầu tóc, quần áo, vẽ môi vẽ mắt ồn ào đó rồi quăng bỏ đó. Theo Phật hay theo Đạo Phật là mong muốn trở thành Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, bơi lội trong biển Trí Tuệ, tắm mát trong suối Từ Bi và rong chơi trong vườn Giải Thoát, là người nhưng biết thương người và bình đẳng với muôn loài. Đạo Phật là như thế đó.

e) Đạo Phật không dựa vào lời sấm truyền, huyền thoại, lời tiên tri để xây dựng giáo lý của mình. Trong suốt cuộc đời hành đạo, Đức Phật không hề để lại một lời tiên tri, phỏng đoán nào về vận mệnh của con người và trái đất…mà Đức Phật chỉ nói về nhân duyên và pháp vô thường của vạn hữu, thể hiện qua bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt mà ai cũng có thể chứng ngộ và thấy được qua bao ngàn năm. Tương lai của trái đất tốt xấu thế nào xin để cho các khoa học gia, các nhà bác học cho ý kiến. Mới đây Stephen Hawking – lý thuyết gia lừng danh về vật lý của Anh đã tuyên bố trong cuốn sách mới của ông là Thượng Đế không sáng tạo ra vũ trụ mà "Sự Nổ Lớn" (Big Bang) là hậu quả tất yếu của định luật vật lý. Nếu năm xưa Đức Phật nói rằng vũ trụ này do Thượng Đế (Brahma) tạo lập, ngày nay chắc chắn giáo lý của Đức Phật bị suy giảm nghiêm trọng.

g) Đạo Phật không dùng bạo lực, giết hại, kỳ thị để ép buộc con người đi theo. Khi tôn thờ Thần Linh thì có yêu ghét, cao thấp, sang hèn, đúng sai, phẫn nộ, trừng phạt…do đó có đe dọa, ra oai, trả thù, đàn áp, giết hại. Khi dùng trí tuệ chiếu vào thì vạn pháp "bất bần bất phú, bất cao bất đê, bất phàm bất thánh, bất ái bất ố, bất tịnh bất cấu, bất tăng bất giảm..." khiến Trí Tuệ lắng yên và Tâm Đại Bi hiển lộ. Chúng ta hãy đọc một giai thoại hoằng pháp của Tôn Giả Ca Chiên Diên:

"Một lần nọ, khi đức Phật ngự tại Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana), Ca Chiên Diên đã một mình vượt rừng rậm đi về hướng Tây, đến du hóa ở Vương Quốc Ma Du La. Khi đến nơi, trước hết tôn giả tìm hiểu dân tình và học hỏi phong tục, tập quán cùng cách thức sinh hoạt của dân địa phương. Sau đó tôn giả mới tìm vào kinh thành để yết kiến quốc vương. Trông thấy tôn giả, quốc vương hỏi:

- Đại đức! Trẫm nghe nói đại đức vốn thuộc dòng giống Bà La Môn cao quí, nhưng lại đi qui y làm đồ đệ của Sa Môn Cồ Đàm vốn thuộc dòng giống Sát Đế Lợi; như vậy chẳng hóa ra là đại đức đã tự hạ thấp mình quá sao?

- Thưa đại vương! Làm đệ tử Phật, chẳng những tôi không cảm thấy tự hạ thấp mình, trái lại đó là điều vinh quang cùng tột của đời tôi.

- Lạ lùng thật! Bỏ đi cái chủng tộc thanh tịnh sinh ra từ miệng Phạm Thiên của mình để làm đệ tử của ông Phật dòng Sát Đế Lợi thì có ai mà hiểu nổi!

Dù vị quốc vương tỏ rõ thái độ kinh rẻ như vậy, nhưng tôn giả không lấy thế làm khó chịu, vẫn ôn hòa đáp lại:

- Thưa đại vương! Trước đây, khi còn là một đạo sĩ Bà La Môn, tôi cũng đã từng có cái nhìn giống hệt như đại vương vậy, nhưng từ khi nghe được những lời chỉ dạy của Đức Phật, tôi mới biết là mình đã có những nhận thức đầy sai lầm. Xã hội phân ra có bốn giai cấp khác nhau chẳng qua là vì có các chứng nghiệp khác nhau, đại khái như tôn giáo, chính trị, thương nghiệp, công nông v.v… Đó chỉ là vấn đề phân công làm việc, tự chúng không có cao thấp, sang hèn. Nếu y cứ vào đó để lập thành các giai cấp cao thấp, phân chia chủng tộc sang hèn thì hoàn toàn là những lợi dụng vô lý và phi pháp. Bất cứ ở giới nào cũng có người tốt kẻ xấu. Ngày nay, ngay trong dòng Bà La Môn cũng đầy dẫy những phần tử làm nhiều việc xấu xa như tà dâm, giết người, và hầu hết đều là những người bảo thủ, tà kiến. Vậy có thể bảo đó là những người tôn quí bậc nhất hay sao. Bởi thế, sự tôn quí hay thấp hèn của con người không phải do chủng tộc hay giai cấp cao thấp sinh ra. Bất luận là ở chủng tộc nào, hễ ai biết làm việc tốt, có công phu tu học, có giác ngộ và chứng quả thì đều là người trong sạch, cao thượng, đáng tôn quí.

Quốc vương nghe xong mấy lời này thì bừng tỉnh ngộ, tự nói với mình: "Đúng rồi, ta thật quá sai lầm! Bao nhiêu nhà tù trong nước từ trước đến giờ chỉ dành để giam cầm hạng Thủ Đà La, còn hạng Bà La Môn phạm tội thì không hề hấn gì cả. Thật chẳng lấy làm lạ, tiếng oán than dẫy đầy trong dân chúng!"

Lòng hối cải đã lộ rõ trên nét mặt quốc vương. Thấy thế, tôn giả thuyết phục thêm:

- Thưa đại vương! Vì vậy mà đại vương nên tin phụng và thực hành chánh pháp. Phật là bậc đại giác ngộ, là bậc chí tôn trong đời. Chúng ta qui y làm đệ tử của Người để tìm thấy con đường tự do giải thoát. Đó là hạnh phúc và vinh quang tột của đời chúng ta." (6)

Sáng suốt và linh hoạt thay lời giải đáp của Tôn Giả Ca Chiên Diên. Chính sự phân tích có tính khách quan và hợp lý đó đã đem lại công lý, bình đẳng cho Vương Quốc Ma Du La và xác định rõ một khuôn thước thẩm định giá trị của con người qua phẩm hạnh đạo đức, qua những gì tốt lành cống hiến cho đời… vẫn còn xác quyết cho tới ngày hôm nay.

h) Theo Đạo Phật, tôn giáo là nhằm giải thoát tâm linh cho con người, san bằng bất công xã hội, giải trừ giai cấp. Tôn giáo không phải là một nghề nghiệp sinh sống, không phải là một chức vụ để trả lương, không phải là một vị thế để hưởng thụ. Tu sĩ phải là biểu tượng sống động của giáo lý cao thượng. Tu sĩ không phải là một đẳng cấp siêu vượt trong xã hội. Tu sĩ phạm giới ngoại trừ sự trừng phạt của giáo đoàn (nay là giáo hội), nếu phạm tội, phải chịu sự chi phối của luật pháp không một miễn trừ nào. Nếu người đời xâm phạm tiết hạnh, hãm hiếp phụ nữ trẻ em, bị trừng  phạt như thế nào thì tu sĩ cũng bị trừng phạt như thế. Sở dĩ tu sĩ được cúng dường và kính trọng là vì phẩm hạnh chứ không phải vì địa vị, phẩm trật trong giáo hội. Tu sĩ chân chính không thể cười nói nhởn nhơ, ăn mặc diêm dúa, nhảy múa, hớn hở bên rượu thịt…bởi vì những cái đó thuộc về thế tục, không phải thánh đạo để mọi người sùng bái, quỳ lạy, dựng tháp miếu để kính ngưỡng. Chúng ta hãy nghe một đoạn đối đáp của Tôn Giả Ca Chiên Diên với người bạn Lỗ Ê Giá – một trưởng giả của dòng Bà La Môn:

"Này người bạn hiền, xin hãy nghe lời tôi nói! Tín ngưỡng và sự tu hành của chúng ta là nhằm mục đích giải thoát khỏi vòng sinh tử, để cho cuộc sống đạt được an lạc, tự tại. Chúng ta đừng xem đó là một thứ nghề nghiệp để sinh sống. Hiện nay, những tu sĩ Bà La Môn lìa bỏ gia đình để sống theo nếp sống phạm hạnh của người tu hành chân chính phỏng có là bao! Mà phần đông họ đều chỉ có cái hình tướng trá ngụy ở bề ngoài, cúng lễ tế tự cho người giống như việc kinh doanh để sinh nhai, lấy tôn giáo làm cái chiêu bài để tranh dành đoạt lợi, cốt thỏa mãn cái tư dục của mình; thật là đáng buồn! Tu sĩ Bà La Môn ngày nay đều lo tìm những thứ gì ở ngoài Tâm, cũng chẳng phải mong cầu phước báo ở cõi Trời hay cõi Người, mà chỉ toàn nói hươu nói vượn về những hiện tượng này nọ của vũ trụ, nào có mấy người biết chính mình là ai!" (7)

i) Sau hết, Đạo Phật là đạo duy nhất hoan nghênh mọi sự cật vấn, tranh luận mà không sợ bị sa hỏa ngục hay can tội "phạm thánh". Phạm trù của lý trí là phạm trù cần tranh luận, bàn cãi cho ra lẽ. Nếu vấn đề đã thuộc về lý trí thì con người có thể hội, có thể hiểu và lý giải được. Phạm trù của lý trí không có ngằn mé, không cấm kỵ, không biên giới, không phân biệt tuổi tác, vị thế, màu da, chủng tộc. Chính vì tôn trọng trí tuệ cho nên một trong ba lời nguyện mà chư tăng/ni và Phật tử đọc tụng hằng ngày có câu:

Tự quy ý Pháp
Đương nguyện chúng sinh
Thấu rõ kinh tạng
Trí tuệ như biển

Như vậy theo tinh thần của Phật Giáo, đọc tụng, nghiên cứu kinh điển là để mở mang trí tuệ rộng lớn như biển cả, chứ kinh điển Phật Giáo không phải là một thứ bùa mê làm lu mờ trí tuệ, lú lẫn con người.

Còn phạm trù thần linh thì không có tranh luận, lý giải mà chỉ là sự tuân phục và tin theo – dù rất phi lý và phi trí tuệ. Hễ không tin thì phải sa hỏa ngục. Trong Đạo Phật, không hề có lời hăm dọa nào buộc tín đồ phải tuân theo lời Phật dạy. Lời Phật dạy giống như một viên thuốc trị bệnh, không uống thì không hết bệnh, chỉ có thế. Đức Phật luôn luôn nhắn nhủ hàng đệ tử cùng ngoại đạo đến vấn hỏi là phải suy nghĩ cho thật kỹ những gì Phật nói. Nếu những điều đó tốt lành cho mình, cho người thì mới tuân theo chứ đừng vội tin một cách mù quáng. Trong những giờ phút cuối cùng trước khi Đức Thế Tôn nhập diệt tại rừng Sa La Song Thụ, dù sức khỏe của Ngài rất suy yếu nhưng Ngài vẫn dành nhưng giây phút cuối để cho các hàng đệ tử thưa thỉnh nhiều vấn đề chưa hiểu rõ hoặc còn hồ nghi. Thậm chí có rất nhiều vị bồ tát đã vặn hỏi, cật vấn, đặt ngược vấn đề với Phật mà Phật vẫn vui vẻ giải đáp thỏa đáng. Hãy cứ xem Kinh Đại Bát Niết Bàn thì rõ.

Từ những nhận định trên chúng ta có thể kết luận rằng Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng Trí Tuệ và Phật Giáo là đạo của Trí Tuệ. Cũng giống như Mặt Trời chính là ánh sáng. Nền tảng Trí Tuệ chính là sinh mệnh của Phật Giáo. Khi Mặt Trời tắt thì ánh sánh không còn. Xa lìa trí tuệ, bám víu vào hiện tượng trăng sao, mưa gió của trời đất, khấn nguyện phép mầu, van vái Thần Linh, mê hoặc bởi những lời sấm truyền vu vơ…hướng ngoại mà không hướng nội… là giết chết Phật Giáo trên tự thân của nó. Thế nhưng nói Trí Tuệ thì phải hiểu đó là Trí Tuệ Rốt Ráo, Trí Tuệ Bát Nhã, Trí Vô Sai Biệt hay Đại Viên Cảnh Trí. Khi đạt tới loại Trí Tuệ này rồi thì Tâm Đại Bi hiển lộ. Trong Đạo Phật, Trí Tuệ và Từ Bi như hình với bóng. Bi là Trí mà Trí cũng là Bi. Mất Trí Tuệ thì mất Đại Bi. Mất Đại Bi thì cũng mất Trí Tuệ.

Vậy thì bạn ơi,
Hãy tôn thờ trí tuệ của con người
Nó như ngọn đuốc soi đường
Nó như bình minh trong đêm tối
Nó là nền hòa bình trong tương lai của nhân loại
Nó là nơi mà chúng ta có thể kết tình huynh đệ
Vậy hãy tin nơi sáng suốt của chính mình
Sự sáng suốt do nhận thức những gì chung quanh ta
Do cuộc sống này nảy sinh
Do kinh nghiệm học hỏi từ quá khứ
Từ những bậc thày giác ngộ (8)
Đừng tin những gì ở thần quyền
Qua sự diễn dịch của tầng lớp trung gian
Đừng tin những gì nơi thần linh, ma quỷ
Đừng vội tin những gì người ta nói
Đừng vội tin những lời truyền tụng vu vơ.

(California Tháng Tư năm 2555.PL tức năm 2011. TL)

(1) Phật Học Phổ Thông

(2), (3), (4), (5), (6) & (7) Bài "Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật" đăng trên mạng lưới Hoằng Pháp Hà Nội

(8) Đức Phật là một vị đã giác ngộ và sau này tất cả những ai liễu ngộ được chân lý của Đức Phật và tin theo cũng đều là các bậc giác ngộ

http://daovanbinh.cattien.us/?p=569

2011/06/26

CÓ MỘT TRUNG QUỐC KHÁC

CÓ MỘT TRUNG QUỐC KHÁC

Bùi Công Tự


Theo chúng ta được biết thì "Văn minh Trung Hoa" thật sự đáng kính nể. Đó là một nền văn minh vào loại sớm nhất và lớn nhất của loài người. Trong số những sáng tạo của họ, tôi đặc biệt khâm phục kiểu chữ viết tượng hình độc đáo mà cụ Hàn Thuyên ngày xưa đã học để tạo ra chữ Nôm cho người Nam chúng ta. Cũng nhờ có chữ Nôm mà chúng ta lưu giữ được Truyện Kiều trước khi có chữ Quốc ngữ.

Tôi có cảm giác là hình như các học giả Việt Nam nghiên cứu về Trung Quốc (TQ) còn nhiều hơn cả nghiên cứu về đất nước mình ? Các nhà văn, nhà báo, doanh nhân và khách du lịch Việt Nam cũng nói về TQ với rất nhiều mỹ tự.

Nhưng có một đất nước TQ khác như là những điều tôi nói dưới đây thiết nghĩ ngay cả người TQ cũng không thể không thừa nhận.


1. Một nước TQ nội chiến liên miên

Người Việt Nam ta, đến trẻ con cũng biết ít nhiều về lịch sử TQ. Đó là lịch sử của những cuộc nội chiến liên miên giữa các tập đoàn quân phiệt cát cứ, giữa Đại Hán với Đại Hán. Những cuộc chiến "nồi da xáo thịt", "cốt nhục tương tàn". Hiện thực ấy ngoài ghi chép của các sử gia (như Tư Mã Thiên) còn được tái hiện một cách sinh động trong các tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như "Đông chu liệt quốc", "Tam quốc diễn nghĩa", vv.. mà chúng ta đọc thấy họ chém giết nhau dã man, coi mạng người như con ngóe. Những trận đánh xương chất thành núi, máu chảy thành sông (như trận Xích Bích).

Cuộc nội chiến gần đây nhất của người Trung Hoa là cuộc chiến giữa Hồng quân của ĐCS Trung Quốc và quân đội của Quốc dân đảng TQ, kéo dài từ năm 1927 đến năm 1949. Lúc đầu quân của ĐCS thất bại, phải làm cuộc vạn lý trường chinh, một cuộc rút chạy dài 12000km từ Giang Tây đến Diên An trong thời gian 370 ngày (từ 16/10/1934 đến 19/10/1935). Trong cuộc rút lui này, Hồng quân từ lúc có 300.000 người đã bị quân Tưởng tiêu hao, bị chết đói, chết rét, chết bệnh mất 270.000 người, khi tới Diên An chỉ còn 30.000 người.

Có thể nói cuộc nội chiến này đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những năm 1960 trong một thời gian dài TQ bắn đại bác qua eo biển Đài Loan. Hiện nay chính phủ Đài Loan đang mua nhiều vũ khí, hiện đại hóa quân đội, đề phòng TQ lục địa tấn công bất cứ lúc nào.


2. Một nước TQ bá quyền xâm lược

Lúc ban đầu, lãnh thổ của người Hán chỉ là một vùng đất nhỏ là bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua lịch sử nghìn năm, họ đã liên tục gây chiến tranh xâm lược các quốc gia láng giềng, mở rộng lãnh thổ gấp 900 lần. Có thời gian TQ xâm lược nước ta 1000 năm mà sử ta quen gọi là nghìn năm Bắc thuộc. Nhưng vượt trội hơn các tộc Việt khác (trong Bách Việt) tổ tiên chúng ta đã không cam chịu khuất phục, không để bị đồng hóa, đã vùng lên giành độc lập. Sau đó các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đời nào cũng đem quân xâm lược nước ta nhưng chúng đều chuốc lấy thất bại nhục nhã.

Tại TQ hiện nay vẫn nổ ra các cuộc bạo động của các dân tộc thiểu số (người Duy Ngô Nhĩ, người Tạng). Bởi vì hai vùng đất bao la này vốn là những quốc gia riêng biệt. Người Trung Quốc xâm chiếm Tân Cương vào thời nhà Thanh. Còn vùng Tây Tạng – nóc nhà của thế giới – thì mới sát nhập vào TQ năm 1951 sau khi ĐCS TQ giành được chính quyền năm 1949. Bây giờ đang tồn tại một chính phủ Tây Tạng lưu vong mà lãnh tụ tinh thần là Đạt Lại Lạt Ma – một người được cả thế giới biết tiếng và ủng hộ (trừ TQ).

Có điều đáng lên án là ở lịch sử hiện đại, khi các nước đế quốc có nhiều thuộc địa như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, … đã trả lại độc lập cho các nước thuộc địa của họ thì nước CHND Trung Hoa vẫn tiếp tục đi xâm lược. Năm 1951 họ xâm lược Tây Tạng, năm 1956 xâm lược 3 đảo phía đông và năm 1974 xâm lược nốt 3 đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988 họ xâm chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1995 họ xâm chiếm đảo Vành khăn của Philipin. Hiện tại họ đang từng bước xâm chiếm biển Đông và các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước ASEAN.


3. Một nước TQ không có truyền thống giữ nước, chống ngoại xâm

TQ có "truyền thống đi xâm lược" nhưng lại không có truyền thống đấu tranh giữ nước khi đất nước họ bị xâm lăng. Câu chuyện "Chiêu Quân cống Hồ", "Tô Vũ chăn dê" cho thấy người Hán đã phải thần phục người Mông Cổ ngay từ TCN.

TK XIII, năm 1279 quân Mông Cổ xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ TQ (lúc ấy đã rộng tới vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay). Người Hán đầu hàng. Người Mông cổ lập nên nhà Nguyên cai trị Trung Quốc 100 năm từ 1279 đến 1368.

Năm 1662 người Mãn Thanh, một tộc người ở phía Đông bắc (không nói tiếng Hán) đã đánh bại nhà Minh. Người Mãn lập nên nhà Thanh cai trị người Hán đến tận năm 1912.

Những năm cuối TK XIX – đầu TK XX, người Anh, Pháp, Bồ Đào Nha chỉ đem đến những lực lượng nhỏ với súng trường và ít khẩu pháo trên những tàu chiến cũ kỹ. Thế mà người TQ đã vội đầu hàng, phải cắt đất cho họ làm tô giới, nhượng địa.

Năm 1931 quân đội Nhật Hoàng chỉ có 10.000 lính gồm bộ binh, pháo binh đánh chiếm vùng Mãn Châu (Đông bắc TQ). Quân TQ tại đó cả bộ đội chủ lực và địa phương đông tới 448.000 binh sĩ mà vẫn bị thất bại. Nhật chiếm được Mãn Châu lập ra Mãn Châu quốc.

Sau đó trong thế chiến II, Nhật chiếm đại bộ phận lãnh thổ TQ một cách dễ dàng. Chỉ có lực lượng của Quốc Dân Đảng chống cự yếu ớt. Bạn đọc chắc còn nhớ chúng ta đã được xem nhiều bộ phim do điện ảnh TQ thực hiện, trong đó mô tả người TQ run sợ trước quân lính Nhật như thế nào ? Chính Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật giải phóng TQ.

Ông Mao Trạch Đông – "Người cầm lái vĩ đại" của TQ có câu nói :"Bất đáo trường thành phi hảo hán" (Ai chưa đặt chân đến Vạn lý trường thành thì chưa là hảo hán).

Vậy thưa các vị hảo hán Trung Hoa, các vị tự hào vì ngồi trên con tàu vũ trụ nhìn xuống quả đất thấy vạn lý trường thành. Nhưng tôi xin hỏi: Tổ tiên các vị xây đắp bức Trường thành vạn lý ấy để làm gì ?

Trong con mắt nhiều người nước ngoài bức thành ấy không phải là kỳ quan mà là nỗi nhục cho dân tộc Hán. Vì sao ? Vì chỉ để ngăn vó ngựa của tộc người du mục với số dân ít ỏi ở phía Bắc (người Mông Cổ, người Mãn) mà người Hán đã phải mất 20 thế kỷ (từ TK V-TCN đến TK XVI), bỏ mạng biết bao nhiêu triệu người dài vạn dặm. Bức thành ấy không phải đắp bằng đất, bằng đá mà bằng xương máu nhân dân TQ. Nhiều câu chuyện, nhiều bài thơ kể về nỗi thống khổ này. Hãy tưởng tượng những người lao động khổ sai trong đói rét bệnh tật và sự đàn áp dã man. Như thế người TQ chẳng nên tự hào về Vạn lý trường thành.


4. Một nước TQ luôn gây xung đột với các quốc gia láng giềng

Từ khi thành lập, nước CHND Trung Hoa luôn gây ra những vụ xung đột căng thẳng ở biên giới với các quốc gia láng giềng.

Năm 1962 xung đột với Ấn Độ. Chiến tranh nổ ra trong 1 tháng từ 20/10/1962 đến 20/11/1962. TQ đánh chiếm được một số vùng đất của Ấn Độ. Bị Ấn Độ phản công họ phải rút quân nhưng đến nay vẫn còn chiếm đóng một vùng đất của Ấn Độ mà họ nhận là của TQ.

Những năm thập niên 1960 TQ gây căng thẳng với Liên Xô suốt dọc 4380km đường biên. Nhiều cuộc đấu súng và cả đấu mồm (chửi bới). Cao điểm là cuộc nổ súng dữ dội tại nhiều vị trí ngày 2/3/1969. Kết quả TQ thất bại vì quân Liên Xô quá mạnh và đã chuẩn bị kỹ. Đối với Việt Nam, năm 1956 và năm 1974 họ chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Suốt 2 thập niên 1970-1980 họ gây căng thẳng ở biên giới phía Bắc với các thủ đoạn lấn đất, di chuyển cột mốc, gài mìn, bắn pháo, lôi déo dân, …tháng 2/1979 họ đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc và đã thất bại. Năm 1988 họ đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1995 họ chiếm đảo Vành Khăn của Philipin.

Từ năm 2004 đến nay TQ liên tục có những hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt nam và các nước trong vùng biển Đông với những thủ đoạn thô bạo. Có thể nói trong hơn nửa thế kỷ qua nước CHND Trung Hoa thường xuyên gây xung đột với tất cả các quốc gia láng giềng có chung đường biên, kể cả Myanma. Với Nhật Bản thì xung đột trên biển.


5. Một TQ với nhiều thủ đoạn thâm độc

Người Hán rất đa mưu. Họ có những "đại gia mưu lược" chỉ ngồi trong màn mà vận trù tính toán thế cuộc. Những thủ đoạn, mưu lược của họ rất thâm độc, lắm khi "quái thai", phi nhân tính. Ở đây tôi chỉ giới hạn trong những thủ đoạn chính trị, không nói đến những thủ đoạn về kinh tế và các lĩnh vực khác.
Thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng có chủ trương "đốt sách chôn nho" và đã thực hiện cực kỳ dã man. Mục đích là diệt tận gốc những tư tưởng phê phán triều đình. Khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta vào thành Thăng Long chúng cũng thiêu hủy hết các văn tự của ta mà chúng chiếm được. Ta còn thấy chủ trương đó truyền đến cả bọn diệt chủng Pôn Pốt khi tập đoàn này được TQ nuôi dưỡng. Và khi Mao Trạch Đông nói câu: "Trí thức là cục phân" thì ông ta đích thực là con cháu Tần Thủy Hoàng.

Vùng miền núi tỉnh Vân Nam là nơi trồng nhiều cây thuốc phiện, lại tiếp giáp vùng "Tam giác vàng". Có nguồn tin nói rằng trong một thời gian dài ĐCS TQ tổ chức đường dây chế biến, vận chuyển thuốc phiện để đưa vào các nước phương Tây nhằm tiêu diệt CNTB tận sào huyệt của chúng ?

Nhiều thủ đoạn thâm độc của họ thường được đúc kết trong những câu nói ngắn gọn:

"Tọa sơn quan hổ đấu": Ngồi trên núi xem hai con hổ đánh nhau, không phải động tay chân mà có xương hổ nấu cao.
"Viễn giao cận công": Giao thiệp hữu hảo với nước ở xa để đánh chiếm nước ở gần.


Những câu trong cái gọi là "phương châm 16 chữ" và "nội dung 4 tốt" mà Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lừa phỉnh chính là một thủ đoạn thâm độc của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với nước ta. Thực chất chúng nói một đằng làm một nẻo.

Ngoài những thủ đoạn thâm độc của các nhà chính trị, quân phiệt TQ, giới trí thức "phù quyền" TQ cũng nghĩ ra nhiều thủ đoạn nguy hiểm.

Những năm gần đây họ tuyên truyền khái niệm "biển là lãnh thổ quốc gia" để hợp thức hóa đường yêu sách lưỡi bò phi lí của TQ trên biển Đông. Hiện tại họ lại đang bàn thảo về khái niệm "nhu cầu không gian sống". Họ nói rằng TQ cần mở rộng không gian sống không chỉ ở biển Nhật Bản, biển Đông mà còn cần phải mở rộng ra cả Ấn Độ Dương.


Kết luận


Các nhà thơ thường ví tổ quốc Việt Nam như một con thuyền mong manh đậu bên bờ biển cả. Tôi nghĩ nếu là con thuyền thật thì cha ông chúng ta đã nhổ cây sào khua mái chèo rẽ sóng đưa đất nước đến một miền xa nào đó nơi có những láng giềng thân thiện, để tránh xa ông láng giềng Đại Hán lúc nào cũng âm mưu thôn tính chúng ta.

Nhưng đất nước lại là núi sông, ruộng đồng, biển cả. Ta đã ở nơi này thì ta chấp nhận chiến đấu để sống còn với trọn vẹn độc lập chủ quyền. Điều đó cha ông ta đã làm được, chúng ta phải nối tiếp truyền thống kiên cường ấy.

Muốn đập tan âm mưu thâm độc, ngang ngược, tham lam, quái thai, bất chấp lẽ phải của bành trướng đại Hán thì chúng ta phải hiểu rõ về họ. Bài viết trên đây của tôi mong đóng góp một phần cho mục đích đó./.


Bùi Công Tự

Nhân Quả Có Thật Không?

Đào Văn Bình

Nói tới chuyện Nhân Quả một số người khinh thị, cho đó là lạc hậu, lỗi thời, quê mùa giống như chuyện "Rắn Báo Oán" chẳng hạn. Thế nhưng Luật Nhân Quả lại là định luật bất biến chi phối sự tồn vong của khoa học. Nếu mai đây khí Hydrogen và khí Oxygen hợp lại mà không thành nước thì khoa học xụp đổ, cuộc sống con người và thiên nhiên đảo lộn hoàn toàn.

Luật Nhân Quả (Law of Cause and Effect) chi phối mọi hoạt động của con người, từng giờ, từng phút, từng sát-na nhưng con người không thèm để ý. Chỉ khi hậu quả xảy đến người ta mới chịu tin. Luật Nhân Quả là trụ cột giáo lý của Đức Phật. Chúng ta hãy nghe nhận định của Trung Tâm Phật Giáo SOKA GAKKAI INTERNATIONAL tại Anh Quốc, "As we go about our daily lives, in every single moment, we make causes in the things that we think and say and do. Buddhism teaches the existence of a law of cause and effect which explains that when we make a cause, the anticipated effect of that cause is stored deep in our lives, and when the right circumstances appear then we experience the effect. This concept of cause and effect is at the heart of Buddhism…" (Quán chiếu cuộc sống hàng ngày, từng giây từng phút, chúng ta tạo Nhân qua những gì chúng ta suy nghĩ, nói và làm. Phật Giáo dạy chúng ta về sự hiện hữu của luật nhân quả, nói rằng khi chúng ta tạo Nhân, hậu quả của nhân đó nằm sâu trong đời sống của chúng ta, và trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, chúng ta sẽ nhận lãnh Quả đó. Khái niệm nhân quả là trung tâm điểm của Phật Giáo…) (1)

Hiện nay dù khoa học và kiến thức nhân loại đã tiến bộ vượt bực nhưng một số không nhỏ vẫn tin rằng những bất hạnh, những khổ đau, những tội ác ghê tởm, chiến tranh, sự diệt chủng, sự thù ghét, kỳ thị chủng tộc v.v… là do Thần Linh (God) an bài sẵn rồi. Nếu có xảy ra thì cũng là do ý chỉ của Ngài. Vậy con người nếu muốn thoát khỏi sự "trừng phạt" hoặc những thảm họa đó, thì chỉ có nước quỳ lạy, van vái, cầu nguyện Thần Linh xót thương mà thôi. Thế nhưng cũng một số không nhỏ, thấm nhuần giáo lý của Đức Phật lại không tin như thế. Họ không tin vào Thuyết Định Mệnh với một "Sổ Đoạn Trường" nằm sẵn ở Thiên Đình, họ bác bỏ sự hiện hữu của một Thần Linh không bao giờ biết xót thương mà chỉ biết gây thảm họa triền miên cho nhân loại và có thể ban phép mầu để "rửa tội" cho những kẻ bất nhân hoặc những kẻ gây tội ác khủng khiếp đối với nhân loại. Đối với các Thần Giáo thì không có Luật Nhân Quả gì hết. Thần Linh có thể biến tội thành phước, biến phước thành tội và biến kẻ sát nhân thành Thánh. Để lý giải về Luật Nhân Quả, chúng ta có thể dùng thí dụ nho nhỏ sau đây:

Chẳng hạn một cậu thanh niên gia nhập băng đảng, trộm cướp rồi vào tù. Trong tù cậu hối hận suy nghĩ. Cái chuyện ngồi tù ngày hôm nay chẳng phải tình cờ mà có hoặc do Thần Linh làm ra. Nguyên do, nguyên nhân (cái Nhân) bắt nguồn từ lúc cậu không nghe lời cha mẹ, thầy cô, chơi bời lêu lổng. Từ chơi bời lêu lổng cho nên có dịp (có duyên) gần gũi với băng đảng, du đãng, trộm cướp, xã hội đen. Từ chuyện gia nhập băng đảng du đãng đưa tới việc làm phi pháp, bất chính. Việc làm phi pháp, bất chính đưa đến tù tội. Ngày hôm nay, dù cậu có ăn năn, hối hận thì cũng quá muộn màng. Muộn màng ở đây có nghĩa là cậu không thể thay đổi cái Quả – tức là bản án tù, hoặc cảnh tù tội đang diễn ra sờ sờ trước mắt. Cậu phải nhận lãnh cái Quả do việc mình làm. Tuy nhiên sự hối cải, sự ăn năn, sám hối lại rất tốt đẹp và không có gì muộn màng nếu nhìn về tương lai. Giả sử cậu thanh niên thật sự hối hận và không muốn sau này cuộc đời u ám nữa. Cậu bắt đầu hiểu sơ sơ về Luật Nhân Quả tức là sẽ không gieo nhân xấu nữa. Muốn gieo nhân lành thì không gì bằng không làm việc xấu hoặc làm việc tốt lành. Trong hoàn cảnh tù tội, việc làm tốt lành có thể là: Tuân thủ mọi luật lệ của trại giam, giữ gìn hạnh kiểm tốt. Không kết bè, kết đảng trong tù để tranh giành chút lợi lộc, thanh toán lẫn nhau. Tham gia các chương trình huấn nghệ để sau này có một nghề nghiệp chân chính để sinh sống (Chánh Nghiệp). Xin phép giám thị trại giam đem sách vở, kinh Phật vào trau giồi thêm vì cuộc sống tù tội cách ly với thế giới bên ngoài khiến người tù trở nên lạc hậu. Nếu đêm đêm ngồi Thiền, quán tưởng được thì càng tốt (Chánh Định). Trong những lúc đêm khuya vắng lặng hãy quán xét về những việc mình làm trong quá khứ xem có thật sự là những việc đúng đắn không? 

(Chánh Niệm) Nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng bi quan, tiêu cực, hủy hoại thân thể. Luôn luôn quán tưởng rằng "vạn vật vô thường" cho nên cái cảnh tù tội ngày hôm nay cũng là vô thường, tạm bợ (Chánh Tư Duy). Rồi ngày mai đây sẽ là một ngày mới. Ngày mới có tốt đẹp hay không là tùy nơi ta. Rồi cậu có thể hình dung tới cha già, mẹ yếu, gia đình anh chị em đang ray rứt khổ đau vì đứa con, người cha, người chồng, người anh, đứa em đang trong vòng tù tội. Rồi quán tưởng tới bạn bè cũng đang mong ngóng mình trở về với thế giới an lành. Rồi nguyện rằng trong ngày trở về, cậu sẽ ôm cha mẹ khóc rồi hứa từ đây sẽ tu chỉnh lại, sẽ làm ăn chân chính, sẽ không ngại khó ngại khổ, sẽ cố gắng vươn lên với đời để đền đáp công ơn dưỡng dục (Chánh Tinh Tấn). Ngày nay, một số nhà giam tại Anh Quốc và Hoa Kỳ, phạm nhân đã được Nha Cải Huấn cho phép học Thiền và hành Thiền để phạm nhân quán xét lại chính mình, nhận ra được lý Nhân Quả tức hiểu rõ hậu quả của việc mình làm, từ đó tạo được sự an tĩnh tâm hồn.

2011/06/25

PHẬT GIÁO TỪ ẤN ĐỘ TRỰC TIẾP TRUYỀN VÀO VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO

PHẬT GIÁO TỪ ẤN ĐỘ TRỰC TIẾP 
TRUYỀN VÀO VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO
TS. Lâm Như Tạng


A. Bề Lưng của bán đảo Ấn Trung

Việt Nam là cái lưng của bán đảo Ấn Trung, vị trí của bán đảo nầy nằm giữa Ấn Ðộ và Trung Hoa. Vì địa thế nằm giữa hai nước lớn có nền văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại nên đương nhiên Việt Nam có ảnh hưởng cả hai nền văn hóa đó, kể cả tôn giáo. 

Từ phương Bắc, Trung Quốc đã tràn xuống chiếm cứ đất đai với âm mưu đồng hóa dân Việt, biến Việt Nam thành một phần lãnh thổ của họ. Do đó dân Việt chiến đấu không ngừng để sống còn và giữ gìn sự độc lập của mình, thế nhưng không tránh khỏi sự ảnh hưởng qua lại về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo ...

Từ phía Tây, Ấn Ðộ trong cao trào bành trướng văn minh văn hóa, tôn giáo của họ ra các nước chung quanh có tính cách ôn hòa, hòa bình, vì lúc đầu chỉ là mục đích giao thương qua lại, sau đó nhờ giáo lý cao sâu bất bạo động của Phật Giáo đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, dễ dung hợp với các nền văn hóa địa phương. Do đó người Ấn Ðộ đã gây được ảnh hưởng rất sâu rộng ra các nước chung quanh. Bằng chứng cho thấy rằng Phật Giáo có số tín đồ đông nhất trên thế giới hiện nay. Từ trước đến nay có rất nhiều giả thuyết về thời điểm và phương hướng của sự du nhập Phật Giáo vào Việt Nam. Thông thường có nhiều sách sử cũ tin rằng Phật Giáo từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam. Ðiều đó không đúng. Khởi nguyên Phật Giáo Việt Nam phải nói là được thương nhân theo đạo Phật và các Tăng sĩ người Ấn Ðộ trực tiếp truyền vào Việt Nam. Sau đây xin được dẫn chứng các dữ kiện lịch sử, các tài liệu để minh chứng những tuyến đường và thời điểm du nhập của Phật Giáo từ Ấn Ðộ vào Việt Nam.


B. Phương cách và các tuyến đường du nhập

Sau khi bình phục được toàn cõi Ấn Ðộ, vua A-Dục (Asoka) lên ngôi năm 273 trước Tây lịch làm vua được 37 năm. Ông là một Phật tử rất thuần thành trị nước an dân bằng tinh thần Bi Trí Dũng của Phật Giáo. Ấn Ðộ dưới thời ông trị vì rất thái bình thịnh vượng. Ông rất hăng say trong việc chấn hưng Phật Giáo nên đã cho dựng trên 84.000 tháp thờ Phật trên toàn cõi Ấn Ðộ. Ðồng thời nhà vua cũng cho dựng vô số những trụ đá tại những nơi di tích của Ðức Phật như tại vườn Lâm Tỳ Ni nay nằm trong địa phận nước Nepal nơi Ðức Phật Ðản Sanh, tại Bồ Ðề Ðạo Tràng nơi Ðức Phật thành đạo, tại Lộc Uyển nơi Ðức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, tại rừng Ta La Song Thọ nơi Ðức Phật nhâp Niết Bàn ...

Nhờ những trụ đá A-Dục các nhà khảo cổ mới xác định được một cách rõ ràng các thánh tích của Ðức Phật. Ngoài ra các nhà khảo cổ còn tìm được 35 di tích ngự chỉ có đánh số của vua A Dục dặn dò con cháu mai sau phải tiếp tục phụng thờ Ðức Phật và phát huy truyền bá Phật Pháp. Trong số đó có ngự chỉ số 4 tìm được tại núi Kandahar ngày nay thuộc địa phận Afghanistan có ghi những lời dạy của nhà vua là phải tổ chức đại lễ Phật Ðản hằng năm cho trọng thể và truyền bá lời dạy của Ðức Phật đến mọi người... Ngự chỉ số 6 được tìm thấy tại núi Gimar miền tây Ấn Ðộ có ghi rõ hơn lời dặn về việc phụng thờ Ðức Phật bằng cách tổ chức rước tượng Ðức Phật và di tích trọng thể trong ngày đản sanh...
 
Sử Tích Lan (Sri-Lanka) Mahavamsa có ghi rằng vua A Dục (Asoka) cho Hoàng tử Mahinda qua Tích Lan để truyền bá Ðạo Phật và kể từ đó về sau mỗi năm đại lễ Phật Ðản được tổ chức trọng thể. Mặc dầu Tích Lan đã bị Anh xâm lăng và bị áp lực của hội truyền giáo Thiên Chúa Tây phương bỏ ngày lễ Vesak từ năm 1815 nhưng Phật tử Tích Lan đã tranh đấu và đã đòi lại được ngày nghỉ lễ Phật Ðản từ ngày 17.4.1885. Kể từ đó Ðạo Phật rất hưng thịnh tại đảo quốc nầy.

Từ phong trào chấn hưng Phật Giáo dưới thời vua A Dục, Phật Giáo có đầy đủ năng lực, nhiều nhân tài trí thức kể cả Phật tử tại gia và nhiều trí thức lỗi lạc thuộc hàng tăng lữ nên đã là thuận duyên cho việc truyền bá đạo Phật ra nước ngoài. Nói tiếp từ thời A Dục, theo nhiều sử liệu được kiểm chứng cho thấy rằng vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên tại Ấn Ðộ có tư trào Phật Giáo Ðại Thừa rất phóng khoáng, rất năng động, rất hăng say hoạt động truyền giáo trong nước và truyền sang nước ngoài nhất là theo đường biển truyền sang các nước chung quanh.

Sự truyền bá Ðạo Phật từ Ấn Ðộ cùng trong tư trào truyền bá văn minh Ấn ra các nước chung quanh. Trong thập hùng ca Ramayana của Ấn Ðộ có nói đến tên các xứ như Sumatra, xứ của vàng (Suvanna Bhumi), Java ...Theo các tư liệu của W. Cohn trong Buddhha in der Kunst des Ostens, Leipzig 1925; F.M. Schnitger trong The Archaellogy of Hindoo Sumatra, Leyde 1937 và G. Ferrand trong tạp chí Journal Asiatique Juillet - Aout 1919 ... Người ta đã tìm thấy các dòng chữ Sanskrit của Mulavarman tại các vùng Kutei ở Borneo và các bia đá khắc chữ Sanskrit của Purnavarman ở Tây Java. Các tượng Phật thuộc trường phái Amaravati được tìm thấy ở Sampaga (Célèbes) phía nam tỉnh Giember (Ðông Java) trên đồi Se Guntang ở Pelembang (Sumatra) là xưa nhất có thể là trước công nguyên. Do đó người ta đã kết luận rằng những bước đầu văn minh và tôn giáo từ Ấn Ðộ đã truyền qua Indonesia phải xảy ra trước công nguyên. Do đó hệ luận đương nhiên là nền văn minh và tôn giáo từ Ấn Ðộ xuôi buồm đến Giáo Châu cũng cùng thời điểm và cùng đi theo đường biển lên phương Bắc.

Văn minh và tôn giáo từ Ấn Ðộ cũng đã truyền qua Mã Lai tại các vùng như Perak, Xêlebơ ..., qua Thái Lan, Campuchia, Miến Ðiện ... Tại Campuchia các nhà khảo cổ đã tìm thấy được 4 bia đá có khắc chữ Sanskrit.

Theo V. Rougier trong sách Nouvelles Découvertes Chames au Quang Nam, Befeo XI, đã viết rằng các nhà khảo cổ đã tìm thấy tượng Phật Ðông Dương một trong những tác phẩm điêu khắc đẹp nhất thuộc trường phái Amaravati Ấn Ðộ. Ðiều nầy cho thấy chính người Ấn Ðộ đã truyền đạo Phật thẳng vào Việt Nam chứ không phải từ Trung Hoa truyền vào.

Theo H.G. Quaritch Wales trong A. Newly Explored Route of Ancient Indian Cultural Expansion Indian Art and Letters, các nhà truyền giáo và thương nhân người Ấn còn dùng những con đường vừa thủy vừa bộ từ nam Ấn thay vì phải qua eo biển Malacca về phía nam xa xôi họ đã qua eo đất Kra và bán đảo Mã Lai, họ có thể vượt mấy tiếng đồng hồ đường bộ là có thể từ biển Ấn Ðộ để vào biển Mã Lai. Họ dùng thủy đạo giữa Andaman và Nicobar, hoặc dùng thủy đạo giữa Nicobar và Achin để đến Kedah, tại những địa điểm nầy các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ vật cổ của nền văn minh Ấn Ðộ. Họ tiếp tục đường bộ nầy đến Thái Lan, Campuchia và vào Viêt Nam.

Ðồng thời những người Ấn phát xuất từ Trung Ấn còn dùng tuyến đường bộ quang qua đèo Hasse Des Trois Pagodes, theo sông Kanburi xuống châu thổ sông Menam, từ đó đến sông Mekong qua đất Lào rồi vào Thanh Hóa, Nghệ An và đến Luy Lâu của Giao Châu. Trên tuyến đường nầy các nhà khảo cổ cũng đã tìm được các cổ vật của nền văn minh Ấn Ðộ và di tích Phật Giáo.

Về Thiền Tông nếu phân tích các văn thơ thiền sớm nhất tại Việt Nam như các dòng thiền thuộc hệ Tỳ Ni Ða Lưu Chi (Vinitaruci, năm sanh không rõ như Sư mất năm 594, Sư người miền nam Ấn Ðộ, qua Việt Nam truyền bá thiền tông. Thiền sư hành đạo tại chùa Pháp Vân thường gọi là chùa Dâu tại Luy Lâu hiện nay vẫn còn tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Ðây là một trong những ngôi chùa được thành lập sớm nhất tại trung tâm Phật Giáo Luy Lâu) và dòng thiền Vô Ngôn Thông (năm sanh không rõ chỉ biết Thiền sư mất năm 826) chẳng hạn ta thấy rõ ràng là trực tiếp ảnh hưởng tư tưởng Bát Nhã từ Ấn Ðộ.
 
Trong sách Thuyền Uyển Tập Anh, có ghi đoạn văn Thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi gọi đệ tử Pháp Hiền bảo rằng:
"Ðại phàm tâm ấn của chư Phật không lừa dối ta. Tâm ấn tràn đầy như thái hư, không thiếu, không thừa, không đi, không tới, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạ; vốn không ở chỗ sinh, cũng không ở chỗ diệt, không lìa xa mà cũng chẳng không lìa xa vì phải đối lập các nhân duyên hư vọng mà phải đặt giả ra các tên như vậy. Cho nên chư Phật ba đời đều do đó mà đắc pháp, Tổ các đời cũng do đó mà đắc pháp, ta cũng do đó mà đắc pháp, ngươi cũng do đó mà đắc pháp. Ðến như những loài hữu tình hay vô tình cũng do đó mà đắc pháp".
 
Ðó là tư tưởng Bát Nhã, nếu ai đã từng nghiên cứu kinh Bát Nhã đều rõ, như đối chiếu với Bát Nhã Tâm Kinh ta cũng hiểu được điều đó.
 
Theo K. Mukerji trong sách Indian Literature in China and the Far East, ở Trung Hoa phải đợi đến đầu thế kỷ thứ V, Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) đến Trung Hoa dịch kinh Bát Nhã và sau đó mới có ảnh hưởng sâu rộng của bộ kinh nầy. Trong khi đó bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã (Astasahasrika) do Khương Tăng Hội dịch tại Giao Châu vào đầu thế kỷ III được các nhà Phật học đánh giá là bộ kinh từ Ấn Ðộ xuất hiện xưa nhất trong toàn bộ văn hệ Bát Nhã. Trong khi đó kinh Bát Nhã Damasahasrika do Lokasema dịch tại Trung Quốc cuối đời nhà Hán là bộ kinh xuất hiện chậm hơn nhiều, có thể nói là vào thời kỳ thứ hai của văn hệ Bát Nhã tại Ấn Ðộ (tham khảo Jaidava Singh trong sách An Introduction to Hadhyamaka (Trung luận) Philosophy).

Ðiều nầy cho thấy bộ Bát Thiên Tụng Bát Nhã do Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán là do các Tăng sĩ từ Ấn Ðộ trực tiếp đưa sang Giao Chỉ vào thời điểm sớm hơn lúc dịch kinh rất nhiều. Vì để có đủ trình độ ngôn ngữ và kiến thức về Bát Nhã để có thể dịch kinh được, chắc chắn tại Giao Chỉ phải có các viện nghiên cứu và giảng dạy Phật Pháp nhất là về kinh Bát Nhã và dạy tiếng Pali, Sanskrit do các Tăng sĩ người Ấn giảng dạy.
 
Có nhiều lối giải thích về nguyên nhân của sự truyền bá văn minh và tôn giáo từ Ấn Ðộ ra các nước chung quanh trong đó từ việc di dân từ Ấn Ðộ ra nước ngoài cũng là những nguyên nhân quan trọng. Vào những năm đầu công nguyên có các cuộc xâm lăng của người Kushans cũng có thể là nguyên nhân gây ra những đợt di tản người Ấn ra nước ngoài. Những người Ấn ra nước ngoài đã truyền bá tôn giáo và văn minh của họ cho dân địa phương trên quê hương mới đó là lẽ đương nhiên và nó đã trở thành như vết dầu loang dần dần rộng ra khắp các vùng lân cận.

Thế nhưng theo G. Coedes tác giả sách Histoire Ancienne Des États Hindouisée d'Extrême Orient, 1944, thì nguyên nhân sâu xa của sự bành trướng nền văn minh và tôn giáo của Ấn Ðộ trước công nguyên là kinh tế, thương mại, sự giao dịch giữa Viễn Ðông và Ðịa Trung Hải. Kế đến là sự đông tiến của Alexandre, sự thành lập triều đại Maurya, sau đó là triều đại Kaniskha ở Ấn Ðộ... Nhất là đế quốc La Mã ở phương Tây đã kích thích mạnh mẽ nền ngoại thương Ấn Ðộ (tham khảo E.H. Warminton trong sách The Commerce Between The Roman Empire and India, Cambridge 1928). Những món hàng giao thương chính yếu là tiêu, quế, gỗ trầm hương và vàng...

Từ những thế kỷ trước công nguyên Ấn Ðộ vẫn mua được vàng ở Xibêri đi bằng con đường xuyên qua Bactriane nhưng từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên vì các đợt di dân lớn ở Trung Á đã làm chướng ngại con đường chuyên chở đó. Sau đó họ chuyển hướng nhập vàng từ La Mã thế nhưng chẳng bao lâu La Mã không bán vàng ra nước ngoài nữa nên Ấn Ðộ mới chuyển qua các nước phía Ðông và lên tận Giao Châu để mua những tiêu, quế, gỗ trầm hương, vàng bạc và các loại ngọc thạch. (Tham khảo sách Roman coins found in India của R. Sewell, 1904).
 
Vì địa thế của Việt Nam nằm trên trục giao thông từ Nam Á lên Bắc Á và gần như nằm giữa các nước Ðông Nam Á nên các tàu buôn Ấn Ðộ theo gió Tây Nam lên trước khi đến Trung Quốc họ phải ghé qua Giao Châu như trạm dừng chân để nghỉ ngơi cũng như học Hán văn và làm quen với phong tục của Việt Nam và Trung Hoa trước khi đi sâu vào lục địa Trung Quốc.
 
Ðể có đủ những thương phẩm kể trên cung ứng cho thị trường rộng lớn ấy, các thương gia Ấn phải theo gió mùa Tây Nam dong thuyền đến các nước như Mã Lai, Indonesia, Việt Nam... Chuyến về họ phải đợi năm sau mới có gió mùa Ðông Bắc để xuôi buồm về Ấn Ðộ.

Những thương gia Ấn Ðộ cố nhiên họ không phải là những Tu sĩ Phật Giáo nhưng vì đường đi quá xa và lênh đênh trên biển cả lâu ngày nên họ thường thờ và cầu nguyện Ðức Quán Thế Âm (Avalokitedvara) Bồ Tát và Ðức Phật Nhiên Ðăng (Dipankara) để cầu che chở cho tai qua nạn khỏi trên biển cả. Những người Ấn Ðộ rất tin tưởng vào Ðức Phật Nhiên Ðăng che chở cho họ khi họ chí thành niệm danh hiệu của Ngài (Tham khảo A. Fouchet trong sách Iconographie Bouddhique)
 
Phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa có những câu như sau: Trì niệm danh hiệu Quan Âm Ðại Sĩ thì vào lửa dữ, lửa ấy không đốt được, và đó là thần lực của vị Ðại Sĩ nầy. Nếu bị nước lớn cuốn trôi mà trì niệm danh hiệu Quan Âm Ðại Sĩ, thì tức khắc được vào chỗ nước cạn. Trăm ngàn vạn ức người, vì kiếm bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, và những thứ quí báu khác..., phải ra biển cả; giả sử bị trận gió lớn trong bầu trời u ám thổi bạt thuyền tàu sa vào đảo quốc la sát, trong những người ấy đến nỗi chỉ có một người trì niệm danh hiệu Quan Âm Ðại Sĩ, những người ấy cũng vẫn thoát được cái họa la sát. Vì những lý do như vậy mà vị Ðại Sĩ nầy có danh hiệu là Quán Thế Âm".
 
Bởi lẽ những thương thuyền Ấn Ðộ luôn luôn đem những tượng Phật và Bồ Tát theo họ để thờ phụng nên khi họ đến Giao Châu lưu lại để chờ đến năm sau xuôi theo gió Ðông Bắc trở về, trong khoảng thời gian dài hăng năm đó họ đã gây ảnh hưởng một cách tự nhiên đến dân bản xứ Giao Châu. Ngoài ra còn có một số người đã định cư ở lại Giao Châu làm ăn lấy vợ lấy chồng. Những người Ấn đó đã là những hạt nhân truyền bá Phật Giáo tại Giao Châu trong thời kỳ phôi thai ban đầu.
 
Ngoài ra cũng vì lý do cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi trên biển nước mênh mông đầy sóng to gió lớn nguy hiểm như vậy nên những thương gia người Ấn thường mời một vài vị tu sĩ Phật Giáo cùng đi trên thuyền với họ để cầu nguyện. Chính những vị tu sĩ Phật Giáo nầy đã lưu lại Giao Châu và do những sinh hoạt tín ngưỡng của họ đã dần dần ảnh hưởng một cách tự nhiên đến dân địa phương mà họ có dịp tiếp xúc. Như thế là Phật Giáo đã được thâm nhập vào dân Việt Nam một cách rất ôn hòa và được đón nhận đầy thiện cảm của dân địa phương. Do đó mà Phật Giáo đã phát triển nhanh chóng và được lan dần ra các địa phương khác của Giao Châu lúc bấy giờ. Nhờ những thuận duyên như vậy nên trung tâm Phật Giáo Luy Lâu được hình thành tại Giao Châu rất sớm.

Sau đó Phật Giáo từ Luy Lâu được truyền sang Trung Quốc, từ Trung Quốc truyền qua bán đảo Triều Tiên và từ bán đảo nầy truyền qua nhật Bản. (Tham khảo sách Trung Quốc Phật Giáo Thông Sử của nhà sử học Nhật Bản Kamata, Tokyo 1981).
 

C. Thời gian và sự hiện hữu của Phật Giáo tại Việt Nam

Hai thế kỷ trước công nguyên các trung tâm Phật Giáo tại miền duyên hải Ðông Nam Ấn Ðộ như Amaravati và Nagarjunakonda... đã trở thành những trung tâm Phật Giáo Ðại Thừa rất hưng thịnh. Chính từ phong trào Phật Giáo Ðại Thừa hưng thịnh tại Ấn Ðộ các vị Tăng sĩ đã lên các thương thuyền qua truyền đạo Phật và do đó trung tâm Phật Giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ (Việt Nam thời bấy giờ) được thành lập. Hiện nay tại Luy Lâu còn những di tích lịch sử trong đó chùa Dâu còn gọi là chùa Pháp Vân, nơi mà sau nầy vào khoảng năm 580 Thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi (người Ấn Ðộ) đã hành đạo tại đây.

Phật Giáo từ Ấn Ðộ được truyền trực tiếp qua Việt Nam trước rồi sau đó mới truyền qua Trung Quốc chứ không phải Phật Giáo từ Trung Quốc truyền qua Việt Nam như những sách cũ đã ghi (Theo sách "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển I, của Nguyễn Lang, 1994).

Theo sử gia Nhật Bản, ông Kamata, trong sách Trung Quốc Phật Giáo Thông Sử, xuất bản tại đại học Ðông Kinh năm 1981, đã nhiều lần xác nhận rằng Phật Giáo đã du nhập vào Trung Quốc từ Việt Nam, có đoạn ông gọi là Việt Nam, có đoạn gọi là Giao Chỉ. Ðề cập đến Phật Giáo Giao Chỉ tức là đề cập đến trung tâm Phật Giáo tại Luy Lâu.
 
Do đâu mà có từ Luy Lâu ? Tiếng Việt gọi là Dâu, tiếng Hán phiên âm ra Luy Lâu còn gọi là Liên Lâu, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, Bắc Việt. Ngày xưa Việt Nam có 3 thị trấn cổ là Luy Lâu, Long Biên và Cổ Loa. Riêng Luy Lâu nằm trên bờ sông Dâu cách sông Ðuống 5 cây số về phía Bắc. Dân Luy Lâu có nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa rất nổi tiếng. Về địa thế, có nhiều đường thủy bộ chạy ngang qua Luy Lâu khiến nơi đây thành một trung tâm giao dịch rất quan trọng. Có những đường bộ như con đường đi Phả Lại, Ðông Triều đến biên giới Việt Trung (nay là đường số 18). Ðường thủy từ Dâu nối sông Ðuống, sông Hồng ra biển, hoặc nối với sông Lục Ðầu, sông Thái Bình rồi ra biển.
 
Vì địa thế thuận lợi cho việc giao thông như thế nên Dâu là trung tâm thương mại rất sầm uất đương thời. Các thương gia Ấn Ðộ và Trung Quốc đều đổ về đây để mua bán các nông sản, lâm sản, vải vóc và các hàng công kỹ nghệ khác rất thạnh hành. Họ mua hàng tại đây để đem về nước hoặc trên đường buôn bán tiếp tục qua các nước khác trong vùng.

Luy Lâu còn là trung tâm chính trị, là thủ phủ của Giao Châu qua nhiều thời đại của chính quyền đô hộ từ phương Bắc. Thủ phủ nầy có thể được xây dựng từ thời Triệu Ðà, 179 năm trước công nguyên. Sau khi nhà Hán chiếm được Nam Việt của Triệu Ðà, họ vẫn giữ nguyên Luy Lâu làm trị sở của Giao Chỉ. Trong sách biên niên của nhà Hán ghi 10 huyện của quận Giao Chỉ trong đó Luy Lâu là đứng đầu.

Nhờ vào vị thế như vậy nên chẳng những các thương nhân mà các vị Tu sĩ Phật Giáo Ấn Ðộ cũng đến đây để truyền bá Phật Giáo, học chữ Hán và dịch kinh điển từ tiếng Phạn ra Hán văn trước rồi mới tiếp tục công việc công việc truyền bá dễ dàng hơn để đi sâu vào lục địa Trung Quốc.
 
Từ Luy Lâu Phật Giáo được lan truyền ra khắp vùng đồng bằng sông Hồng, và khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ lúc bấy giờ. Phật Giáo đã tạo cho Luy Lâu một phong tục tốt đẹp, một hình ảnh thân thương mà dân chúng nơi nầy rất tự hào không bao giờ quên qua những câu ca dao như sau :

"Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu"

hay là

"Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp Dâu thì về"
 

Như thế là Phật Giáo Luy Lâu đã gắn liền với tín ngưỡng dân gian, được dân gian hóa và phong tục hóa. Nó thể hiện tâm lý dân gian, thế giới quan và lòng mong ước, tính hiền hòa của dân quê vùng Dâu và cả vùng đồng bằng Bắc Việt cho mãi đến ngày nay vẫn giữ được nét đặc thù của Phật Giáo dân gian.
 
Ngược về quá khứ lúc bấy giờ tại Ấn Ðộ nhằm thời kỳ vua A Dục (Asoka lên ngôi vào năm 273 trước Tây lịch và làm vua được 37 năm, theo Phật Giáo Từ Ðiển của Ðoàn Trung Còn) bình phục được toàn cõi Ấn Ðộ, đóng đô tại Pâliputra, Ngài mời hàng ngàn vị Thánh Tăng để lo việc kết tập Kinh Luật Luận và cử nhiều phái đoàn ra nước ngoài truyền đạo đến các nước phương Tây, phương Ðông cũng như vùng Ðông Nam Á.

Sử liệu Miến Ðiện có chép rằng, một phái đoàn do hai Cao Tăng Uttara và Sona đã đến Miến Ðiện để truyền bá Ðạo Phật. Sử liệu Phật Giáo Thái Lan cũng có ghi hai Cao Tăng nói trên cũng đã qua Thái Lan để truyền bá Ðạo Phật. Thế nhưng hai Cao Tăng đó tiếp tục hành trình đến Việt Nam và Trung Quốc hay không, không thấy sử liệu nào ghi lại. Theo sử liệu Trung Hoa có ghi rằng ở Giao Châu tại thành Nê Lê (chính là Ðồ Sơn hiện nay) có bảo tháp của vua A Dục. Ðiều đó có thể nói lên rằng Phật Giáo được truyền trực tiếp từ Ấn Ðộ qua Việt Nam rất sớm có thể vào thời vua A Dục bên Ấn Ðộ.
 
Chúng ta vẫn biết rằng từ Bắc Ấn Ðộ có những đường bộ có thể qua Trung Quốc nhưng đến Lạc Dương, Bành Thành và các thành phố khác của Trung Quốc rất xa xôi, đường đi qua núi non hiểm trở đầy thú dữ và tiếp đến phải qua những sa mạc mênh mông, mùa hè rất nóng bức và mùa đông thì băng giá cực lạnh, rất nguy hiểm về nhiều mặt không tiện lợi cho việc giao thương. Hơn nữa lúc bấy giờ đi đường bộ chỉ có thể dùng ngựa, do đó việc chuyên chở hàng hóa không thuận tiện. Bởi những lý do đó mà đường bộ không được các thương nhân và các Tu sĩ Phật Giáo sử dụng.

Theo George Coedes trong sách "Histoire ancienne des états hindouisés d'Extrême Orient" viết rằng: Hầu hết các vùng ở Ấn Ðộ đều tham gia vào việc truyền bá nền văn minh Ấn Ðộ ra ngoài lục địa Ấn, nhưng phần tham gia lớn nhất thuộc về vùng Nam Ấn.

Khi nhìn vào bản đồ thế giới, ta thấy rằng sự truyền bá trên phải đi bằng đường biển mới có thể đến Việt Nam và các nước trong vùng Ðông Nam Á được. Giáo sư Louis De La Vallée Puossin trong sách "Dynasties et histoire de l'Inde" viết rằng: Tất cả các hải cảng vùng Ðông Ấn đều có tham gia vào sự nghiệp chung truyền bá nền văn minh Ấn Ðộ ra các nước ngoài, nhưng các hải cảng Nam Ấn cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp đó. Cả hai sử liệu trên đều cho ta thấy rằng sự truyền bá nền văn minh Ấn Ðộ, đương nhiên là trong đó có cả Phật Giáo, ra các nước lân cận phải là đường biển, có nghĩa là Phật Giáo phải được truyền vào Việt Nam trước rồi mới vào Trung Quốc sau.
 
Vào thế kỷ thứ V có Pháp Hiển và vào cuối thế kỷ thứ VII có Nghĩa Tịnh của Trung Quốc đều lên thuyền tại Tamralipti cũng gọi là Tamluk, cửa sông Hằng để trở về Trung Hoa. Như vậy không phải những thế kỷ trước kỷ nguyên mà mãi về sau đến thế kỷ thứ VII đường biển vẫn là phương tiện giao thông thuận lợi nhất từ Ấn Ðộ đi Ðông Nam Á và lên đến Trung Quốc.
 
Những điều kể trên nói lên rằng sự truyền bá nền văn minh Ấn trong đó có cả Phật Giáo được truyền ra các nước lân cận bằng đường biển thuận lợi hơn là đường bộ. Như vậy càng làm rõ nét hơn sự truyền bá Phật Giáo từ Ấn Ðộ qua Việt Nam lúc bấy giờ bằng đường biển và như thế hệ luận đương nhiên là sớm hơn qua Trung Quốc rất nhiều năm.
 
Trong sách "Lĩnh Nam Chích Quái" có câu chuyện Ðồng Tử và Tiên Dung như sau: 
"Ðồng Tử và Tiên Dung lập phố xá buôn bán, giao thiệp với nhiều nhà buôn nước ngoài. Một hôm Ðồng Tử theo một khách buôn ngoại quốc đi bằng thuyền ra khỏi xứ. Họ ghé lại một hòn núi tên là Quỳnh Viên để lấy nước ngọt. Dưới núi Quỳnh Viên, Ðồng Tử gặp một nhà sư Ấn Ðộ ở trong một túp lều. Nhà sư giảng cho Ðồng Tử nghe, Ðồng Tử phát tâm ở lại đảo để học đạo, giao vàng cho bạn để bạn đi buôn dùm mình, hẹn khi về thì ghé lại đón cùng về. Khi về, Ðồng Tử được nhà sư cho một cây gậy và một nón lá, bảo rằng với những vật nầy có thể làm phép lạ. Sau khi về nước, Ðồng Tử giảng Phật Pháp cho Tiên Dung nghe, cả hai đều được giác ngộ, bỏ chuyện buôn bán, tìm thầy học đạo...".
 
Trong câu chuyện trên thấy nói đến khách buôn nước ngoài đó là những người Ấn Ðộ. Ðồng thời việc Ðồng Tử và Tiên Dung bỏ nghề buôn bán để tầm thầy học đạo cho thấy đạo Phật rất được dân chúng mến mộ. Câu chuyện càng làm sáng tỏ thêm Phật Giáo được truyền bá vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Ðộ, và do chính các Tu sĩ người Ấn truyền vào. Trong sách "Ngô Chí" có chép bức thư của Viên Huy gửi cho thượng thư lệnh Tuân Húc năm 207, trong đó có đoạn khen Sĩ Nhiếp giữ gìn quận Giao Châu được thái bình an ổn hơn 20 năm, và có đoạn viết: "Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết, kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe đốt hương thường có mấy mươi người...". Người Hồ tức là các vị sứ người Ấn Ðộ, bấy giờ đã có nhiều ở Giao Châu. Vì Sĩ Nhiếp rất sùng kính đạo Phật nên trong những lễ lạc đều có các sị sư bản xứ và sư người Ấn Ðộ tham dự.
 
Theo Trần Văn Giáp,. tác giả sách "Le Bouddhism En Annam Des Origines Au XIIIè Siècle" có đề cập đến Mâu Tử là người Trung Hoa trước theo Lão Giáo, sau đó nhập tịch Giao Châu, theo đạo Phật và học giáo lý Phật Giáo tại Giao Châu. Sau đó ông viết sách "Lý Hoặc Luận" (những luận lý để làm tiêu tan các mối nghi hoặc về Phật Giáo), là sách về Phật Giáo sớm nhất tại Việt Nam bằng Hán văn. Ðiều đó nói lên rằng Ðạo Phật đã phát triển phổ biến lắm từ nhiều thế kỷ trước đó nghĩa là từ thế kỷ trước công nguyên. Nếu không như thế tại sao Mâu Tử lại học Phật tại Giao Châu mà không học Phật Giáo tại nội địa Trung Hoa, có nghĩa là Phật Giáo tại Trung Quốc lúc bấy giờ chưa được phổ cập đến mọi nơi hay vừa mới được du nhập vào lục địa nầy chưa lâu nên chưa phát triển bằng đất Giao Châu, mặc dù vẫn biết rằng lúc bấy giờ tại Trung Quốc có nội loạn nhưng không vì thế mà hoàn toàn không thể nghiên cứu Phật Pháp được.
 
Trong sách "Lý Hoặc Luận" của Mâu Tử được viết vào thế kỷ thứ II Tây lịch tại Giao Châu có nói nhiều về Tăng Ni tại Giao Châu trong đó có cả Tăng sĩ bản xứ và Tăng sĩ nước ngoài và những tệ trạng trong giới Tăng Ni như sau: "Sa Môn ngày nay có kẻ lại thích uống rượu ngon, có khi có vợ con, biết cất giữ tiền bạc, của quí...". Trong đoạn văn trên cho ta những nhận xét như sau: Trước tiên là từ "Sa Môn". Theo thứ bậc của Tăng Ni Phật Giáo khi xuất gia thọ 10 giới gọi là Sa Di. Sau nhiều năm tu học có công hạnh, rành rõi về Kinh Luật Luận Phật Giáo và phải trên 20 tuổi mới có thể thọ 250 giới để trở thành Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni phải thọ 348 giới. Sau khi thọ Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, mỗi năm phải nhập hạ và liên tục tu học mấy mươi năm sau và phải có đức hạnh tốt, gương mẫu và thường là trên 50 tuổi Giáo Hội mới suy tôn lên hàng Thượng Tọa.

Quí Thượng Tọa tiếp tục đạo nghiệp, có đức độ gương mẫu được mọi người kính nể và thường là trên 60 tuổi mới được Giáo Hội lập ra giới đàn truyền giới để suy tôn lên hàng Hòa Thượng và cao hơn nữa là Ðại Lão Hòa Thượng. Thường thì những Thượng Tọa cao tuổi hoặc Hòa Thượng trở lên mới được gọi là Sa Môn. Thế nhưng không phải đạo Phật truyền bá vào Việt Nam một sớm một chiều trong vòng một thế kỷ có thể có nhiều vị Tu sĩ như Mâu Tử đã viết. Vì để có những bậc Sa Môn theo như quá trình đào tạo kể trên có thể là phải trải qua mấy thế hệ mới có đủ nhiều bậc chân sư trưởng thượng, mới có đủ Tam Sư (Hòa Thượng, Yết Ma, Giáo Thọ), và Thất Chứng (bảy vị Tôn Chứng), và phải có nhiều Tu sĩ có đủ tài đức để có thể thọ Sa Di, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni v.v... khi đó giới đàn mới được thiết lập để truyền giới. Những điều kiện tối cần yếu để đào tạo ra Tăng sĩ là phải có nhiều tín đồ mới có đủ điều kiện tài chánh để thiết lập chùa chiền và nuôi Tăng chúng để sau đó họ mới trở thành những bậc trưởng lão có đủ tài đức để thiết lập giới đàn cho Tăng Ni đến thọ giới.
 
Như vậy nếu tính ngược thời gian từ lúc Lý Hoặc Luận ra đời (theo Paul Pelliot nói rằng Mâu Tử sinh vào khoảng 165-170. Trong bài tựa Lý Hoặc Luận, Mâu Tử nói vì thời ấy tại Trung Quốc loạn lạc nên ông cùng mẹ đến Giao Châu tỵ nạn, năm 26 tuổi lấy vợ. Theo Hồ Thích và Paul Pelliot thì Lý Hoặc Luận được viết vào cuối thế kỷ thứ II, nghĩa là những mẩu chuyện về Phật Giáo mà ông đã viết thuộc về thế kỷ thứ hai và trước đó rất lâu có thể phải tốn trên vài trăm năm mới có đủ thời gian đào tạo được những Sa Môn như trong sách đã kể.

 Ðiều tiếp theo là Ðạo Phật phải có mặt tại Giao Châu lâu lắm, có rất nhiều chùa chiền và rất nhiều Tăng Ni, sinh hoạt Phật Giáo cũng rất nhiều thế hệ nên tín đồ Phật Tử lâu ngày sinh ra lờn đi, xem thường các vị Sa Môn, trong sự thờ ơ bất kính, quên lãng của tín đồ, các sị Sa Môn mới sinh tật như trong Lý Hoặc Luận đã viết.

Theo sử liệu trên ta có thể kết luận rằng đạo Phật đã được các Tu sĩ Ấn Ðộ truyền vào Việt Nam chậm lắm phải là vào thế kỷ trước công nguyên hoặc sớm hơn mới sinh ra những hiện tượng tiêu cực mà Mâu Tử đã đề cập đến.
 
Trường hợp vị sư Khương Tăng Hội (200-280). Theo sách "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận" quyển I, của Nguyễn Lang từ trang 85, viết như sau:
"Cha mẹ Tăng Hội người gốc Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán. Tăng Hội chắc chắn là sinh trên đất Giao Chỉ, cha mẹ ông mất năm ông lên mười tuổi. Không biết ai đã nuôi dạy Tăng Hội sau khi cha mẹ ông mất, chỉ biết rằng lớn lên ông đi xuất gia và tu học rất tinh tiến (Cao Tăng Truyện). Ta cũng không biết thầy của ông là ai và trong số mười vị Tăng sĩ truyền giới cho ông có vị nào là Tăng sĩ ngoại quốc không. Ta chỉ biết ông giỏi cả Phạn ngữ lẫn Hán tự. Trong các tác phẩm của ông ta thấy có tập Nê Hoàng Phạm Bối là một tập thi ca về đề tài Niết Bàn tuyển dịch từ những bài thi tụng Phạn Ngữ, Lục Ðộ Tập Kinh của ông văn từ điển nhã, chứng tỏ Hán văn của ông không thua gì người Trung Hoa thời ấy. Cố nhiên là sinh trưởng tại Giao Châu ông phải nói thạo tiếng nước ta.

"Sách Cao Tăng Truyện nói rằng ông đến Kiến Nghiệp thủ đô nước Ngô (nay là Nam Kinh) vào năm Xích-Ô thứ mười, tức là năm 247. Ông mất vào năm 280, niên hiệu Thái Khương nguyên niên đời nhà Tấn. Như vậy ông đã ở trên đất Trung Hoa 33 năm. Nhiều người cho rằng ông đã trước tác và dịch thuật tại đây, nhưng kỳ thực một phần quan trọng của công việc nầy đã được ông làm tại Giao Chỉ.

"Trong bài tựa kinh An Bang Thủ Ý do ông viết, ta thấy có một chứng cớ rõ rằng ông đã viết bài tựa nầy trước năm 229, nghĩa là hồi ông còn hành đạo tại Giao Chỉ. Ðó là chi tiết An Thế Cao, người đã dịch kinh An Bang Thủ Ý: "Có vị Bồ Tát tên là An Thanh, tự là Thế Cao, con đích của vua nước An Tức, sau khi nhường ngôi cho chú lánh nạn qua đất nầy, sau bèn về ở Kinh Sư...". Kinh Sư ở đây là Lạc Dương, chính ở Lạc Dương mà An Thế Cao đã dịch nhiều kinh vào hậu bán thế kỷ thứ hai. Nếu bài tựa nầy viết sau năm 229, tức năm Ngô Tôn Quyền xưng đế thì Kinh Sư phải là Kiến Nghiệp chứ không phải là Lạc Dương nữa. Bởi vì sau ngày Tôn Quyền xưng đế, nước ta đã nội thuộc Ðông Ngô rồi mà không theo Bắc Ngụy.

"Chi tiết quan trọng trên còn cho ta một dữ kiện lịch sử nữa: Những cuốn kinh mà An Thế Cao dịch tại Lạc Dương đã được mang tới và lưu hành tại Giao Chỉ trong thời gian Tăng Hội hành đạo tại đây. Những kinh nầy ví dụ như kinh An Bang Thủ Ý, đã được mang xuống do những người Phật tử Lạc Dương tới tỵ nạn tại Giao Chỉ. Trong số những người Phật tử nầy có Cư sĩ Trần Tuệ, học trò của An Thế cao, người mà Tăng Hội đã gặp và đã cùng cộng tác để chú sớ kinh An Bang Thủ Ý".

 Sau khi đọc những đoạn trên chúng ta thấy rõ rằng những kinh mà An Thế Cao dịch đã được lưu hành tại Giao Châu và từ Giao Châu được Phật tử đem đến Lạc Dương cho An Thế Cao dịch. Ðiều đó một lần nữa khẳng định rằng Phật Giáo đã được truyền vào Việt Nam sớm hơn vào Trung Quốc rất lâu và đã phát triển cũng như đã có rất nhiều kinh sách lưu hành tại đây sau đó mới được chuyển sang Trung Quốc.

 Trong bài tựa kinh An Bang Thủ Ý, Khương Tăng Hội viết: "Tôi sinh ra như dấu tích cuối cùng, vừa mới đủ sức vác củi thì mẹ cha đều mất, bậc Tam Sư cũng viên tịch, nhìn lên mây trời, buồn thấy mình thiếu người chỉ dạy". Tam Sư tức là Hòa Thượng, Yết Ma, Giáo Thọ ba chức vị cao nhất trong giới đàn truyền giới cho Tăng Ni và Phật tử như đã nói phần trên. Ðiều nầy một lần nữa cho ta thấy rằng Phật Giáo Việt Nam đã phát triển sớm lắm và đã có hệ thống hoằng pháp, truyền giới một cách có truyền thống lâu đời. Trong khi đó có nhiều sử liệu cho thấy rằng đến giữa thế kỷ thứ ba Trung Hoa mới có lễ truyền giới cần đến bậc "Tam Sư". 

Theo sách "Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục" (được soạn từ cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XIII, khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) truyện Quốc Sư Thông Biện có nói về truyền đạo Phật vào nước Việt Nam với những chi tiết rằng: Nhân ngày rằm tháng hai, mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1096), Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (tức Y Lan nguyên Phi, mẹ vua Lý Nhân Tông, được phong làm Hoàng Thái Hậu năm 1073) đến chùa thiết lễ Trai Tăng. Trong khi đàm đạo bà hỏi Thiền sư Trí Không (tức Quốc Sư Thông Biên) về Ðạo Phật truyền vào nước ta khi nào, nhà sư đã dẫn lời sư Ðàm Thiên người Trung Quốc trả lời Tùy Văn Ðế về Phật Giáo Giao Châu như sau: "Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật Pháp mới đến Giang Ðông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 bảo tháp, độ được 500 vị Tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi. Như vậy là Phật Giáo đã truyền đến Giao Châu (Việt Nam) trước nước ta (Trung Quốc). Hồi ấy đã có các vị Tăng như Ma Ha Kỳ Vực (Mahajivaka, nhà sư Ấn Ðộ đến Luy Lâu khoảng năm 168-169), Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương (Kalaruci, nhà sư người nước Nhục Chi (Trung Á) đến Giao Châu đầu thế kỷ thứ 3), Mâu Bác v.v... cư trú tại đó".

Theo sử liệu Lý Hoặc Luận ta có thể hiểu rằng số kinh đã được dịch tại Giao Châu rất nhiều chứ không phải chỉ 15 quyển mà thôi.

Trong Lý Hoặc Luận có đoạn:
"Người ta hỏi Mâu Tử: Chân lý chí thật thì thường không văn hoa, lời nói chí lý thì không hoa hòe... cho nên châu ngọc thì quý giá mà ngói vụn thì đồ bỏ. Xưa thánh nhân chế ra bảy kinh, văn từ không quá ba vạn lời và không gì không đủ trong từng ấy kinh văn. Ngày nay, chương điển của Phật Giáo có tới hàng ngàn, ngôn từ có tới hàng ngàn ức, sức một người không thể nào đọc hết được. Tôi chán mà không muốn đọc".

Ðó là sách được viết vào cuối thế kỷ thứ hai có thể cho ta hình dung được số lượng kinh điển đã được dịch và lưu hành tại Giao Châu thời bấy giờ rất nhiều. Ðiều đó cũng cho ta thấy Phật Giáo đã du nhập vào Giao Châu lâu lắm, đã có nhiều Tăng sĩ, nhiều học giả lắm mới có đủ thời gian và trình độ dịch kinh nhiều đến như thế như thế.
 
Những kinh mà An Thế Cao đã dịch tại Lạc Dương là do Phật tử mang từ Giao Châu đến đó là những kinh gì ? Theo sử gia Nhật Bản Kamata. Trong sách đã dẫn là Trung Quốc Phật Giáo Thông Sử gồm có 35 bộ 41 quyển như sau:

1. An Bang Thủ Ý kinh, 1 quyển
2. Ấm Trì Nhập kinh, 1 quyển
3. Bách Lục Thập Phẩm kinh, 1 quyển
4. Ðại Thập Nhi Môn kinh, 1 quyển
5. Tiểu Thập Nhi Môn kinh, 1 quyển
6. Ðại Ðạo Ðịa kinh, 2 quyển
7. Nhơn Bổn Dục Sanh kinh, 1 quyển
8. Ðạo Y Phát Hành kinh, 2 quyển
9. A Tỳ Ðàm Ngũ Pháp kinh, 1 quyển
10. Thất Pháp kinh, 1 quyển
11. Ngũ Pháp kinh, 1 quyển
12. Thập Pháp kinh, 2 quyển
13. Phổ Pháp Nghĩa kinh, 1 quyển
14. Nghĩa Quyết Luật kinh, 1 quyển
15. Lậu Phân Bố kinh, 1 quyển
16. Tứ Ðế kinh, 1 quyển
17. Thất Xứ Tam Quán kinh, 2 quyển
18. Cửu Hoàng kinh, 1 quyển
19. Bát Chánh Ðạo kinh, 1 quyển
20. Tạp Kinh Tứ Thập Tứ Biến, 2 quyển
21. Ngũ Thập Giảo Kế kinh, 2 quyển
22. Ðại An Bang kinh, 1 quyển
23. Tư Duy kinh, 1 quyển
24. Thập Nhị Nhơn Duyên kinh, 1 quyển
25. Ngũ Ấm Dụ kinh, 1 quyển
26. Chuyển Pháp Luân kinh, 1 quyển
27. Lưu Nhiếp kinh, 1 quyển
28. Thị Pháp Phi Pháp kinh, 1 quyển
29. Pháp Thọ Trần kinh, 1 quyển
30. Thập Tứ Ý kinh, 1 quyển
31. Bổn Tướng Y Trí kinh, 1 quyển
32. A Hàm Khẩu Giải, 1 quyển
33. A Tỳ Ðàm Cửu Thập Bác Kiết kinh, 1 quyển
34. Thiền Hành Pháp Tưởng kinh, 1 quyển
35. Nan Ðề Ca La Việt kinh, 1 quyển.
 

Những sử liệu đã dẫn đủ để cho chúng ta kết luận được rằng các nhà sư Ấn Ðộ đã trực tiếp đến nước Việt Nam để truyền bá Phật Giáo và do đó trung tâm Phật Giáo tại Luy Lâu đã được thành lập, hiện nay còn nhiều di tích trong đó có chùa Dâu là một trong những trung tâm Phật Giáo rất quan trọng trong những thế kỷ đầu công.

Về thời điểm du nhập của Phật Giáo như trên đã nói chậm lắm phải là trong thế kỷ trước công nguyên. Sau đó Phật Giáo đã phát triển khá phổ biến tại Luy Lâu và những vùng lân cận.


TS. Lâm Như Tạng

 

2011/06/24

Khi Nước Toàn Có Lậu

Khi Nước Toàn Có Lậu

  Nguyễn Xuân Nghĩa

     Là khi nước Tầu có loạn....

     Sau những biến động ngoài Đông hải và trước những cuộc thử lửa sắp tới, chúng ta đừng nên giận dữ lãnh đạo Bắc Kinh. Mà nên thương họ! Họ đáng thương lắm, xin độc giả dằn hỏa xuống để đọc tiếp....

     Chẳng là suốt một tuần qua, Quảng Đông lại dậy mùi Tứ Xuyên. Khét lẹt.

     Ngày mùng sáu Tháng Sáu, thị trấn Triều Châu của Quảng Đông có loạn vì một số dân công biểu tình phản đối về chuyện lương lậu và xô xát với lực lượng thành quản. "Dân công" là di dân từ nơi khác đến kiếm việc và kiếm ăn. "Thành quản" là bọn đầu gấu mặc đồng phục để bảo vệ trật tự của thành phố, nhưng hèn hơn cảnh sát, ác hơn công an và... mất dậy có đăng ký.

     Đầu đuôi là có chú dân công 19 tuổi tự trói mình vào hàng rào để phản đối việc cha mẹ bị hãng xưởng quịt lương nên bị thành quản lên gối thấy tam tinh. Đám dân công bèn nổi đoá và tờ Global Times báo cáo là có 200 người nhập cuộc đánh lộn với thành quản. Tờ Dương Thành Vãn báo kể lại là có 40 xe hơi bị phá tan tành!

     Bốn ngày sau, mùng 10, cũng tại Quảng Đông nhưng cách đó 400 cây số, ở thị trấn Tăng Thành trong khu vực phụ cận của thành phố Quảng Châu, một phụ nữ bán hàng rong bị thành quản đánh gần trụy thai. Chị ta cũng là gốc dân công. Vụ đàn áp đê tiện gây ra ba ngày hỗn loạn ở Tăng Thành.

     Đầu đuôi chỉ vì lũ thành quản mẫn cán dẹp các gánh hàng rong đang kiếm chút bạc cắc ngoài lề một cửa hàng bách hóa. Dùng chữ mẫn cán là đúng vì chúng phang lên đầu lũ dân công những đòn nặng như cán búa. Ngẫu nhiên sao, đám dân công này đều là dân Tứ Xuyên.

     Muốn hiểu tại sao lại là Tứ Xuyên, xin quý vị tìm đọc lại bài "Vịt Tứ Xuyên" có yết trên dainamax.org.

     Bị khuyển ưng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đám dân công Tứ Xuyên bèn gọi nhau ơi ới. Và biểu tình, rồi dàn trận với lũ thành quản. Cảnh sát bèn nhảy vào can cả đôi bên, cũng lại với cái cán, làm khách qua đường bèn nổi điên nhảy vào. Ta có bốn lực lượng lâm chiến là dân công, thành quản, cảnh sát, và khách vô can gốc Quảng Đông.

     Ba ngày khói lửa tại Tăng Thành với cả ngàn dân công Tứ Xuyên từ các nơi khác tụ về, có nhiều người đến từ Triều Châu. Như vậy chúng ta có chuyện đồng hương đùm bọc lẫn nhau và tất nhiên là họ phải có hệ thống liên lạc giữa đám "tong xiang" này.

     Tứ Xuyên là một vựa người, thưa rằng dân số là hơn 82 triệu - bằng cả nước Đức. Nhưng rất đông những người đói khát nơi đó phải tha phương cầu thực và nương tựa vào nhau chứ chẳng có cái tổ tam tam hay chi bộ chi đoàn nào cả. Họ lập ra "xã hội dân sự" con con, mini civil society qua một mạng lưới liên kết để giải quyết chuyện tương tế.

     Trong lực lượng dân công lầm than toàn quốc - chừng 150 triệu người - dân Tứ Xuyên là một mũi nhọn. Nơi đất khách quê người, họ bị bọn chủ nhân trấn lột, bị địa phương trấn áp, nên đã đan lưới rất rộng và rất bền để đùm bọc lẫn nhau. Vì vậy, dù cách nhau 400 cây số và bốn ngày, trận chiến tại Triều Châu và Tăng Thành đã hòa làm một.

     Để trở thành vấn đề địa phương, khiến trung ương phải giật mình.

     Trung ương giật mình vì bọn dân công gốc Tây Xuyên đang tự tổ chức với cùng phương pháp của dân Tây Tạng, hay dân Hồi giáo Tân Cương, và dân Nội Mông! Ngày xưa, thực dân Pháp gọi trò liên lạc theo kiểu rỉ tai đó tại Đông Dương là "radio bambou" hay tại Bắc Phi là "radio Arabe".

     Ngày nay, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc đã văn minh hơn, nên một số dân chúng đã có cell phone và internet. Họ cũng có mạng lưới xã hội kiểu social network chớ bộ!

     Mà nói đến Tứ Xuyên - hoàn toàn không phải là tin vịt hay món vịt quay ròn tan - thì một dọc từ trên xuống gồm có đảng, nhà nước, mật vụ, công an võ trang, cảnh sát hay thành quản đều nhớ đến vụ nổi loạn của di dân Tây Tạng tại Tứ Xuyên năm 2008, trước Thế vận hội Bắc Kinh.

     Rồi vụ nổi loạn của dân Tứ Xuyên sau trận động đất Vấn Xuyên ở nơi đây khiến năm triệu người lâm cảnh màn trời chiếu đất, ít ra là bảy vạn người chết, trong đó có chừng một vạn trẻ em. Lũ trẻ bị chôn vùi khi bảy ngàn lớp học của loại trường ốc xây theo lối kiến trúc tào hủ thoải mái sụp lên đầu.

     Đảng và nhà nước khai báo là chỉ có năm ngàn nạn nhân trẻ nít thôi, nhưng dân Tứ Xuyên cũng biết đếm. Và còn biết chơi chữ: họ gọi loại dự án xây trường đó là "đậu phụ tra học hiệu" - trường học làm bằng bã đậu!

     Khi nổi loạn và bị đàn áp tra tấn, họ gọi nhau lập chiến tuyến và xung đột  kéo dài từ Tháng Tám năm 2008 qua đến Tháng Chín! Chuyện lớn như vật thì thủ phủ Thành Đô rúng động, làm sao trung ương ở Bắc Kinh không biết?

     Bây giờ, lũ thành quản đầu gấu lại chọc giận dân Tứ Xuyên khi mà nhiều thành phần dân chúng ở nơi khác cũng thấy ứa gan và gọi nhau đi làm loạn.

     Lại còn học nhau đi làm loạn.

     Khi bọn hải giám - một lũ thành quản có phao - chơi bạo ngoài khơi Vũng Tầu với tầu Viking II của Việt Nam vào ngày chín Tháng Sáu, thì trụ sở Công an của hai tỉnh bên trong bị đặt bom và trụ sở đảng tại Thiên Tân bị tấn công! Làm sao mà Bắc Kinh chẳng hốt hoảng, vì cái kiểu chơi bạo này không lạ mà quen: y hệt như vụ Phủ Châu của tỉnh Giang Tây vào ngày 26 Tháng Năm, ngày hải giám lập thành tích với tầu Bình Minh 02 của Việt Nam! Tội nghiệp.

     Ngày 26 đó, ba địa điểm khác nhau bị đặt bom. Hung thủ chẳng là một tay khủng bố tự sát mà chỉ là một người dân phẫn nộ đến cùng quẫn nên cho nổ bom và tự giải thoát khỏi thiên đường cộng sản.

     Hình như tấm gương đem thân làm đuốc soi đường kiểu đó đã khiến nhiều người noi theo. Hôm mùng chín Tháng Sáu mới có ba vụ... tập huấn chết người.

     Đầu tiên là trụ sở Công An trên một cao ốc bốn tầng của địa khu Hoàng Thạch trong tỉnh Hồ Bắc bị đặt bom vào lúc nửa đêm. "Địa khu" là đơn vị hành chánh khá lớn, dưới cấp tỉnh mà trên cấp huyện và Hoàng Thạch có hơn hai triệu rưởi cư dân chứ không nhỏ. Cao ốc bốn tầng bị sạt mất sườn và đổ ụp như một bánh đậu phụ! Công an bèn báo cáo lên là gian thương trữ chất nổ và bị tai nạn, chứ không đến nỗi nào.

     Gian thương mà lại trữ chất nổ trong trụ sở công an?

     Hai giờ sau, cách đó hơn 900 cây số, hình như gian thương cũng lại... lỡ tay, và cũng tại một trụ sở Công An trong thủ phủ Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam! Từ Hoàng Thạch mà... đi xe lửa cao tốc đến Trịnh Châu thì cũng mất năm tiếng nếu như có xe cao tốc. Gian thương Hoàng Thạch không thể là tác giả hay chủ mưu của vụ Trịnh Châu.

     Có ai đó đã bắt chước ai và đặt bom làm loạn!

     Hiển nhiên vậy vì chất nổ là loại có pha chế, đòi hỏi một trình độ nghiệp vụ mà gian thương buôn lậu không thể có. Ai đó đã lặng lẽ làm bom, dù là theo kiểu thủ công nghệ thì cũng là có công nghệ!

     Mờ sáng hôm sau, đến lượt thành phố Thiên Tân được chiếu cố. Trụ sở đảng tại quận Hà Tây bỗng có pháo ran vì một người dân bất mãn ném liên tiếp năm quả bom tự chế vào trong. Theo đúng phép nêu cao chính nghĩa trước khi hài tội của văn hóa Trung Hoa, tay bất mãn này xưng danh Lưu Trường Hải và đưa thư ngỏ đả kích đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi ném bom!

     Đến chỗ này thì địa phương không thể lấp liếm báo cáo lên trên: "dạ thưa thủ trưởng, chỉ là bọn gian thương bất cẩn mà thôi"!

     Tại Trung Quốc, người dân có chán vạn điều gây ra bất mãn. Đó là hoàn cảnh gọi là "nước toàn có lậu" vì bước ra khỏi nhà là có chuyện bất bình với đời sống và hệ thống cai trị. Mà ở trong nhà cũng chẳng yên, trong hãng cũng chẳng lành. Vì vậy, nơi nơi đều có những vụ phẫn nộ, đập phá - hoặc tự sát. Chuyện ấy đã thường.

     Chuyện bất thường là ngày càng có những vụ phản ứng tập thể, tức là biểu tình, khiếu kiện và dàn trận với thành quản hay công an.Từ khoảng 60 ngàn vụ biểu tình vào năm 2006, nay đã lên gấp đôi! Và đám phản động này có trình độ nghiệp vụ cao hơn là chỉ đốt xe hay chế bom xăng.

     Mà thành phần tham dự cũng ngày một "phức tạp", tức là đủ mọi loại người.

     Từ đầu Tháng Sáu, Tứ Xuyên - lại Tứ Xuyên - có các vị sư Tây Tạng xuống đường và bị đánh, sau khi một vị đã tự thiêu gần hai tháng trước đó. Trước khi mất, cơ thể còn được công an chiếu cố cho thêm bấy nhầy. Qua  mùng tám thì có dân Mông Cổ tại Nội Mông nổi cơn mông muội với Thiên triều vì một tai nạn xảy ra mùng 10 tháng trước. Nội Mông bỗng khói lửa mịt mù.

     Mà chẳng cứ dị tộc mông muỗi như Mông Cổ hay Tây Tạng, nhiều người thuộc tộc Hán đầy cao quý cũng nổi điên và theo nhau chế bom, bảo nhau liệng đá. Chưa nói đến đám sinh viên trí thức bị nhiễm độc vì hương hoa nhài mà cứ đòi dân chủ và nêu câu hỏi về Ngải Vị Vị, Lưu Hiểu Ba. Hai nghệ sĩ đó bị giam tại đâu, tội gì?

      Kể ra không hết được những nỗi băn khoăn của lãnh đạo vì đảng gặp trăm mối ngổn ngang.

     Khi nước toàn có lậu như vậy thì nước Tầu có loạn. Trung ương biết rõ hơn chúng ta và rút ra kết luận đó từ đã lâu. Kết luận rồi cũng chửa biết tính sao.

     Vì, thưa đồng chí Ôn Tổng lý, tại Lợi Xuyên của Hà Bắc, bọn biểu tình lên tới gần hai vạn đứa. Cả thị xã hơn bảy vạn dân mà có tới hai vạn phản động! Chưa đáng sợ bằng nạn lạm phát, thua đồng chí! Dù là con số chính thức của ta thì vẫn vượt mức báo động! Có đồng chí báo cáo lên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rằng nhờ nạn hạn hán 50 năm mới có một lần nên mình bớt lo nạn lạm phát, nhưng thưa đồng chí, hạn hán làm đập Tam Hiệp đang rung rinh lại có thể bục! Mất bốn chục tỷ đô la và vài triệu dân chứ không ít...

      Đúng lúc ấy, bong bóng bay qua: coi chừng bể bóng đầu tư!

      Mà nào chỉ có vậy!

      Tờ Forbes của bọn doanh gia phản động đã theo lời Mỹ đế mà tri hô rằng nhiều đảng viên cao cấp của ta bỏ đảng chạy lấy người và của. Đa số là các đồng chí phụ trách an ninh, và nạn tẩu tán tài sản lên đến hơn 123 tỷ đô la. Chuyện nhỏ, thưa đồng chí, các công ty đầu tư địa phương có khi còn bào thêm ngàn tỷ của ngân hàng vì những dự án tầu hủ....

     Chung quanh các đồng chí lãnh đạo, mọi người cứ ào ào báo cáo như ong!

     Cho nên, như cụ Cố Hồng của Vũ Trọng Phụng, lãnh đạo thở hắt: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!..."

     Hỏi có đáng thương không nào?

     Người Việt ta đều thấm vào xương tủy cái câu "khi nước Tầu có loạn". Vì đấy là lúc dân ta vùng dậy bước ra khỏi trật tự Trung Quốc. Nhưng, nói chuyện đây đấy làm chi? Đấy là thời phong kiến, chứ đây là thời dân ta xây dựng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa....

     Bỗng muốn khóc òa!


       Nguyễn Xuân Nghĩa