Tại sao vũ khí hạt nhân của Trung Cộng lại làm người ta lo lắng?
Nguyên tác : Michael Richardson ( The Japan Times online )Dịch giả : Phạm Nguyên Trường
SINGAPORE — Theo đánh giá mới nhất của các nhà phân tích Tây Phương thì Trung Cộng hiện có 240 đầu đạn hạt nhân, trong đó 175 chiếc đang ở trong tình trạng sẵn sàng, 65 chiếc còn lại là lực lượng dự bị hoặc chờ được tháo dỡ vì bị coi là quá cũ, không thể sử dụng được.
Số lượng như thế là nhỏ nếu so với Mỹ và Nga. Mỹ tuyên bố rằng họ có 5.113 đầu đạn hạt nhân trong tình trạng sẵn sàng. Người ta cho rằng Nga cũng có số lượng tương đương, nước này cũng nói rằng họ sẽ theo gương Mỹ và sẽ công bố toàn bộ số lượng sau khi hiệp ước mới về giải trừ vũ khí chiến lược với Mỹ được thông qua.
Mấy năm trước Pháp nói rằng họ có ít hơn 300 đầu đạn. Anh, quốc gia cuối cùng trong 5 cường quốc hạt nhân, cách đây một thời gian ngắn nói rằng họ có 225 đầu đạn hạt nhân, trong đó 160 chiếc đã được triển khai.
Kho vũ khí của Trung Cộng không chỉ tương đối nhỏ mà người ta tin rằng trong những điều kiện bình thường chúng vẫn nằm trong kho chứ không được triển khai trên những hệ thống phóng – chủ yếu là các loại hỏa tiển.
Ngoài ra, Bắc Kinh đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không phải là người sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên, nếu xung đột xảy ra. Theo người ta biết thì chỉ có hai nước châu Á khác là Ấn Độ và Pakistan (đồng minh của Trung Cộng) là có vũ khí hạt nhân, các nước không có vũ khí hạt nhân ở châu Á dường như có thể ngủ ngon.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế. Khác với bốn cường quốc hạt nhân tham gia hiệp ước cấm phổ biến vũ khí nguyên tử, Trung Cộng chưa công bố kho hạt nhân của họ và theo số liệu của bộ quốc phòng Mỹ thì trong 5 năm qua nước này đã tăng số lượng các hệ thống có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lên khoảng 25%.
Trung Cộng có khoảng 130 hỏa tiển địa-không đặt trên mặt đất, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Chúng lại được chia làm sáu loại, tùy thuộc vào cự li và trọng tải.
Trung Cộng có khoảng 130 hỏa tiển địa-không đặt trên mặt đất, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Chúng lại được chia làm sáu loại, tùy thuộc vào cự li và trọng tải.
Những Hỏa tiển có tầm bắn từ 7.200 đến 13.000 Km hay hơn là nhắm vào Mỹ và Nga. Nhưng có khả năng là Trung Cộng có không đến 50 Hỏa tiển loại này và chúng cũng chỉ mang được từng ấy đầu đạn hạt nhân mà thôi. Trong tương lai, một số Hỏa tiển loại này có thể mang tới ba đầu đạn hạt nhân và mỗi đầu đạn có thể bắn vào một mục tiêu riêng biệt chứ không chỉ mang một đầu đạn như hiện nay nữa.
Nhưng phần lớn Hỏa tiển đặt trên mặt đất của Trung Cộng có cự li dưới 3.300km, có thể bắn tới hầu hết các khu vực châu Á cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng này. Toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ cũng nằm trong cự li của các Hỏa tiển loại này.
Trung Cộng có khoảng 60 Hỏa tiển " Đông phương – 21" (DF-21) , số lượng đã gia tăng gấp 4 lần, kể từ năm 2005. Trong đó có một số "Đông phương - 21C" (DF-21C) có thể mang bom thông thường có sức công phá lớn hay đầu đạn hạt nhân. Điều này làm cho các nhà phân tích cảnh báo về nguy cơ khi DF-21C được sử dụng trong cuộc xung đột với Ấn Độ, nước có lịch sử căng thẳng với Trung Cộng về tranh chấp biên giới và những vấn đề khác.
Trong trường hợp như thế Ấn Độ sẽ không thể biết Hỏa tiển mang vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân. Họ có thể rút ra kết luận là đang đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân và sẽ phản ứng phù hợp.
Nguy cơ tương tự, xuất phát từ việc hiểu sai và leo thang xung đột còn liên quan đến việc Trung Cộng gia tăng số lượng Hỏa tiển có cánh của họ. Hỏa tiển có cánh đi chậm hơn Hỏa tiển hành trình, nhưng chính xác hơn và bay thấp hơn, khó bị phát hiện và bắn hạ.
Ngũ Giác Đài khẳng định rằng Trung Cộng có chương trình phát triển Hỏa tiển hành trình và Hỏa tiển có cánh tích cực nhất thế giới và họ đang "phát triển và thử nghiệm một số loại mới và một số loại Hỏa tiển tấn công đã được cải tiến, thành lập những đơn vị Hỏa tiển mới, nâng cấp một số hệ thống Hỏa tiển và phát triển các phương pháp chống Hỏa tiển hành trình".
Số giàn phóng dành cho Hỏa tiển có cánh "Đông Hải – 10" (DH-10) – cự li 1.500KM, bắn vào các mục tiêu trên mặt đất – vẫn chỉ là khoảng 50. Nhưng Ngũ Giác Đài cho rằng số lượng Hỏa tiển Trung Cộng đã tăng khoảng 50%, kể từ năm 2009, nghĩa là tới 500 chiếc.
Tương tự như Hỏa tiển hành trình DF-21C, Hỏa tiển có cánh DH-10 có thể mang cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí nguyên tử. Vì vậy mà nó có thể kích hoạt một cuộc chiến hạt nhân trong cuộc xung đột khu vực. Phóng xạ hạt nhân có thể lan ra bên ngoài biên giới các quốc gia ở châu Á. Trung Cộng muốn chắc chắn rằng nếu nước này tham gia vào cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ, Nga hoặc Ấn Độ thì họ phải giữ được số vũ khí đủ sức trả đũa và gây ra cho kẻ thù thiệt hại không thể nào chịu đựng nổi.
Trung Cộng sợ rằng công nghệ tiên tiến nhằm bắn hạ Hỏa tiển do các đối thủ tiềm tàng của họ nghiên cứu và phát triển có thể xói mòn khả năng ngăn chặn bằng vũ khí hạt nhân của họ. Vì vậy mà họ muốn có nhiều đầu đạn và hệ thống phóng hơn nữa.
Nhưng Ấn Độ cũng sợ rằng Trung Cộng hiện đại hóa và tăng cường lực lượng hạt nhân có khả năng bắn trúng mục tiêu riêng rẽ sẽ buộc các nước láng giềng chấp nhận những điều kiện của Bắc Kinh trong khi giải quyết các cuộc tranh chấp.
Kịch bản lạc quan là khi Trung Cộng nghĩ rằng họ đã đủ sức ngăn chặn bất kỳ nước nào trong số những kẻ thù tiềm tàng của họ thì họ sẽ theo gương Mỹ, Nga, Anh và Pháp và công khai kho vũ khí hạt nhân cũng như phương tiện phóng của họ.
Lúc đó Trung Cộng và Ấn Độ sẽ cần phải thảo luận về vấn đề hạt nhân, với điều kiện là Ấn Độ cũng tự tin vào khả năng kiềm chế hạt nhân của họ. Pakistan, kẻ thù của Ấn Độ và cũng có vũ khí hạt nhân, phải được mời tham gia các cuộc đàm phán như thế.
Nhận thức được rằng minh bạch làm gia khả năng dự đoán và làm giảm nguy cơ của một cuộc chiến tranh kinh hoàng do tính toán sai lầm của ai đó là động lực buộc Nga và Mỹ giảm kho vũ khí và có những biện pháp nhằm kiểm soát chúng. Một hiệp ước tương tự như thế chắc chắn sẽ có lợi cho cả Trung Cộng, Ấn Độ, Pakistan, cũng như tất cả các nước khác ở châu Á.
Michael Richardson là cộng tác viên khoa học cao cấp được mời của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore (Institute of South East Asian Studies in Singapore).
No comments:
Post a Comment