2011/12/30

Xuân này con không về



Xuân này con không về

Quảng Trung Thiên

Hàng năm cứ vào cuối Đông (1), vé tàu xe lại lên giá và những người tha hương cầu thực như tui không có cơ hội để quê ăn tết cho dù nhà nước đã tăng cường bán vé …chợ đen. Tui dốt, học hành chẳng tới đâu nên chữ nghĩa đựng không đầy cái lá mít. Sinh sống ké tại vùng đất được mệnh danh là "địa linh nhân kiệt" có "ngũ phụng tề phi" nhưng trong khi tụi bạn bay mất thì tui ngày hai bữa chỉ biết giữ trâu lội ruộng. Nghĩ cũng hận mình "sinh bất phùng thời", phải chi tui ra đời cách đây mấy mươi năm thì tui cũng "nhảy núi" như mấy ảnh, để rồi giờ ai cũng giàu sang, vênh váo thấy đã! Nhưng phải chi mấy thằng chả ở nhà, dốt học không ra chữ thì cũng được học làm người, đất nước bây giờ khỏi khốn nạn! 

Túng quá, tui đành vét hết tiền dành dụm "nhảy tàu" vô Nam kiếm sống. Hôm ra đi mẹ tui dặn dò, "đói quá thì về mẹ nuôi chứ đừng có quẩn mà … 'nhảy cầu' Bình Triệu". Trời! Đúng là bà mẹ Việt Nam, lúc nào cũng lo lắng bảo vệ con cái.

Đó là chỉ là chuyện bình thường của con người thôi mà, theo "thuyết về động lực của nhân loại" (Abraham Maslow, "Theory of Human Motivation") thì nhu cầu kiếm ăn của con người là quan trọng nhất, kế đến là an ninh. Cho nên ông phải ra đi tìm đường kiếm ăn, cứu …nhà, và mẹ ông có trách nhiệm lo lắng cho con cái? Không, cuộc sống của xã hội Việt Nam nó lại tréo ngoe không theo quy luật tiến hóa của nhân loại. Tui chỉ đi kiếm ăn đơn thuần cho bản thân chứ không thèm làm theo kiểu, dốt học không ra chữ, xin đi học trường thuộc địa của Pháp không được bèn nhảy núi, nhảy sông, nhảy tàu …thủy theo đám du côn đi lừa thiên hạ, để rồi "thúc gió đấu tranh độc lập, trả thù người!" (Khái Hưng,(2)), trả thù luôn cả tổ tiên, dân tộc. 

Những ngư dân Quảng Ngãi chỉ làm công việc cơ bản nhất của con người đó là kiếm sống trên vùng biển quê hương nhưng vẫn bị đám hải tặc Trung Quốc đuổi bắt. Trong khi đó đám quan chức chính quyền, cho mình là cha mẹ dân, lại không bảo vệ an ninh cho ngư dân lại quay ra hùa theo đám hải tặc Trung Quốc, tước đi những quyền lợi sinh sống tối thiểu của những ngư dân sức cùng lực kiệt. 

Hơn thế nữa, chính quyền cộng sản đã học được chiêu bài thử nhân dân mà họ được học từ Tào Tháo trong Tam Quốc Chí của nuớc Tàu. Tại cuộc đi săn ở Hứa Điển, Tào Tháo chỉ con hươu mà nói đó là con ngựa để thử đám quan chức ai muốn theo mình, và nay chính quyền cộng sản đã bắt nhân dân tỉnh Lào Cai phải treo đèn chào đón quốc khánh Trung Quốc, gắn thêm một sao lên cờ Trung Quốc để chào mừng Tập Cận Bình, cũng để răn đe và báo cho dân Việt chuẩn bị đón chủ mới. Để sự chuyển giao êm thấm, chính quyền cộng sản đã giàn xếp cho lũ sâu dân mọt nước với tâm lý của cái gọi là "cái tâm thế nhược tiểu khốn nạn", cúi gục đầu dâng tổ quốc cho ngọai bang bằng những lập luận rắc rối, ngu xuẩn để lừa nhân dân, bọn chúng quên hoặc là mất dạy để hiểu điều sơ đẳng vỡ lòng của sử Việt, "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư" (Lý Thường Kiệt, "Nam quốc sơn hà") của ông cha từ ngàn năm về trước. Chính quyền cộng sản đã không còn biết xấu hổ, không thèm lén lút bán nước như xưa, thậm thò cắt xén vài miếng đất của cha ông, một động thái "nhảy dù" rồi quay về giả danh trinh trắng, lương thiện vì trong tâm thức còn đè nén bởi sự liêm sỉ. Bây giờ chính quyền cộng sản đã tuột hẳn bộ mặt giả dối liêm sỉ dùng che mặt lâu nay, và không còn ngại ngùng khi chường bộ mặt trâng tráo trơ trẽn, "nhảy cỡn" ra trước ngã ba Đông Dương mà rao bán tổ quốc Việt Nam. Sự bỉ ổi được thể hiện trên nét mặt hả hê của ngài thủ tướng khi ăn vận đúng kiểu với quan thiên triều, qua sự ôm hôn thắm thiết chỉ có giới đồng tính ái mới bày tỏ chứ không phải lối ngoại giao của ngài tổng bí thư. Và hèn hạ trả thù những người dân yêu nuớc dám chống lại mưu đồ bán nước như sư tổ của chúng đã làm từ mấy mươi năm về trước.

Chính quyền cộng sản đã tạo ra sự hỗn loạn, bất an trong xã hội để mọi người dân sợ hãi, chỉ còn biết lo cho bản thân sống còn, quên đi hiện tình của tổ quốc. Trộm cướp triền miên, người dân bước ra đường là lo âu thủ thế, bị hại nhưng không bao giờ thấy bóng dáng của nhân viên công lực. Thế thì công an đâu? Bận đi ăn cướp! Công an chỉ biết trấn lột, trấn áp và trấn ...nước những người dân lương thiện. Ừ, thì Chí Phèo cũng đã nói, 'giang hồ như tao chỉ đấu tay đôi, còn chúng nó năm thằng chọi một" (Quảng Trung Thiên, "Xin lỗi Chí Phèo"). Anh Chí ơi, đó là tụi nó …chơi anh Chí Đức mà thôi, chứ thực tế cả ngàn thằng chọi một. Hèn hạ hơn, chúng dùng chiêu thức học từ thầy nó, "tá đao sát nhân" (mượn tay kẻ khác để giết người), mượn tay Khơ Me Đỏ để tàn sát dân làng Ba Chúc tại An Giang vào năm 1978, vì toàn bộ dân làng theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hoà Hảo, tôn giáo mà vô thần, vô nhân tính như cộng sản quyết không đội trời chung. Chính quyền Trung Quốc đã đàn áp Ngãi Vị Vị như thế nào thì tại Việt Nam "tân thuộc địa", chính quyền thuộc hạ cũng bắt chước y hệt, như gia đình của ông Huỳnh Ngọc Tuấn tại Tam Kỳ, Quảng Nam đã bị hơn 100 công an xông vào đánh đập, cướp của và phạt tiền, để tạo tiền đề cho những cuộc khủng bố tiếp theo. 

Chính vì mất đi tính năng con người nên chính quyền cộng sản đã thẳng tay giết hại những người dám cản đường ăn cướp và bán nước của họ. Ngay từ khi mới thành lập, cộng sản đã giết những người đối lập như Huỳnh Phú Sổ, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Khái Hưng…, thì nay họ đã bắt giữ không cần xét xử những người yêu nước như Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Lê Sơn, Bùi Hằng và nhiều blogger khác nữa. Vì những người này dám lên tiếng đối lập, lột trần bộ mặt man trá và bỉ ổi của chính quyền hiện tại. Càng không may cho cộng sản Việt nam, vì sống trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin nên mọi thông tin bắt nóng, bắt nguội đều được cập nhật hằng ngày trên Internet, nên chính quyền cộng sản không áp dụng được chiêu thức thủ tiêu người yêu nước bằng cách bỏ vào bao đá mò tôm đáy sông, đáy biển. Họ chỉ còn cách cho đám công an, mệnh danh là chó điên, chó săn và ...chó đẻ, đi phá các trang mạng yêu nước, và giả dạng côn đồ đánh đập, tông xe những người biểu tình hòng dập tắt cơn lũ căm hờn của dân Việt. Khi những hành động đê hèn không ngăn cản được những tấm lòng thiết tha với cơ đồ dân tộc, thì chính quyền cộng sản phải dùng lao tù để tiếp tay cho tâm địa dã thú của mình, giam hãm những người con kiên cường của mẹ Việt Nam.

Cho dù trăm phương ngàn kế để dìm đắm đất nước Việt Nam trong đêm dài lạnh cóng của mùa Đông mà cộng sản đã sang đến nước Nga mang về, những người con kiêu hãnh của nước Việt đã bừng thức tỉnh. Cho dù chính quyền cố công chặn mọi nẻo đường để ngăn mọi người con mang về đất mẹ Việt Nam một mùa Xuân an bình, họ đã lầm, vì bảo tồn đất mẹ Việt Nam luôn nằm trong tâm trí của mọi người Việt. Lao tù, đàn áp, khủng bố vẫn không dập tắt ngọn lửa yêu nước được nung ấp trong tim của tinh thần bất khuất, Xuân này chúng con không về với mẹ, hẹn với mẹ vào mùa Xuân sau. Những đóm lủa, sẽ thổi bùng lên ngọn lửa, xua tan đi những đêm Đông lạnh lẽo trên đất Mẹ Việt Nam. Băng giá phải tan ra trước nhiệt huyết con người, tội đồ dân tộc phải "nhảy vọt" vào... ống cống, nhường chổ cho ánh dương của dân tộc. Mẹ Việt Nam ơi, xin đợi ngày mai...

Quảng Trung Thiên


(1) Thanh Tịnh, "Tôi đi học"
(2) Tôi đọc bài này trong cuốn sách rách nát, không còn bìa và tên tác giả. Chỉ biết đó là của Khái Hưng-Trần Khánh Giư viết tặng Hồ Chí Minh và theo tác giả cuốn sách thì chính vì bài này và Khái Hưng là người của Việt Nam Quốc Dân đảng nên cộng sản giết Khái Hưng vào năm 1947. Tôi đăng lại để rộng đường dư luận.

"Vùng vẫy bốn mươi năm ngang dọc đất trời
Tranh thủ tự do đền nợ nước
Hô hào năm vạn lý dồn mây
Thúc gió đấu tranh độc lập, trả thù người!"

NGHÈO VÀ HIỂM HỌA CỦA NGHÈO


NGHÈO VÀ HIỂM HỌA CỦA NGHÈO

Đào Văn Bình

Chữ Nghèo (Bần) và Nghèo Hèn (Bần Tiện, Bần Cùng) đã có từ ngàn xưa chứ không phải đời nay mới có. Cái nghèo đã gây ra biết bao thảm cảnh xã hội nhưng nó cũng là nguồn cảm hứng cho bao "ca khúc đoạn trường" như "LesMisérables" (Những Kẻ Khốn Cùng) của Victor Hugo mà Hồ Biểu Chánh đã mô phỏng theo với "Ngọn Cỏ Gió Đùa"… rồi "Gánh Hàng Hoa" của Nhất Linh đã làm cho chúng ta rơi lệ. Mở lại kho âm nhạc của Miền Nam trước 1975, biết bao nhiêu ca khúc khóc than cái nghèo còn được lưu truyền và hát đi hát lại cho tới ngày hôm nay, trong nước cũng như hải ngoại, chẳng hạn như: "Kiếp Nghèo" của Lam Phương với những lời than van:

" Đời nghèo lòng nào dám mơ tình chung"

 Và lòng chỉ thầm mong:

" và một ngày mai mưa không nghe tiếng khóc trong đêm dài"

Rồi Phạm Đình Chương với "Xóm Đêm":

"Đường về canh thâu"
"Đêm khuya ngõ sâu như không màu"
"Qua phên vênh có bao mái đầu"
"Hắt hiu vàng ánh điện câu" (*)

Và "Phố Buồn" của Phạm Duy với hình ảnh thê thảm:

"Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen."

Sau nữa, cái nghèo còn là khởi nguyên hay trở thành "chính nghĩa" của những cuộc "cách mạng" long trời lở đất khi giai cấp nghèo khổ có tổ chức dám đứng lên lật đổ giai cấp bóc lột. Lenin nói rằng "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh".

Trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem cái nghèo từ đâu tới.

- Nghèo là do Ông Trời, Thượng Đế khiến thế.

Những người tin theo Thuyết Định Mệnh hoặc tín đồ của Thần Giáo tin tưởng rằng Giàu, Nghèo là do Trời Đất, Thượng Đế an bài. Nếu đã do Thần Linh Tối Thượng an bài rồi thì không thể cải sửa được. Điều đó có nghĩa là hễ nghèo thì nghèo suốt đời, đời con, đời cháu vẫn cứ tiếp tục nghèo không sao ngóc đầu lên được. Lý thuyết và niềm tin này không đúng bởi vì có khá nhiều người nghèo, do nỗ lực bản thân, do may mắn, do đổi thay của xã hội mà trở nên giàu có. Cũng có khá nhiều người đang giàu có, do ăn chơi phung phí, gia đình đổ vỡ, do đam mê rượu, gái, cờ bạc, xì-ke ma túy, quản trị tài chính kém cỏi hoặc do thời thế đổi thay mà trở nên nghèo rồi trở thành ăn mày "homeless" vô gia cư. Hình ảnh này dễ thấy ở Hoa Kỳ. Lý thuyết và niềm tin dựa vào Thần Quyền để giải thích nguyên do của cái nghèo, ngoài sự phỏng đoán rất vu vơ lại còn nguy hiểm ở chỗ - vì không thể cải sửa được cái nghèo cũng như thân phận cho nên chỉ còn cách cầu nguyện, van vái và đôi khi "mặc kệ người nghèo" bởi vì "số kiếp" của nó như thế thì mặc nó như thế. Theo Ấn Độ Giáo, giai cấp cùng đinh (Untouchables) sinh ra từ bàn chân của Thượng Đế cho nên phải chấp nhận cuộc sống nghèo hèn và làm những nghề nhơ bẩn mãi mãi.

-Nghèo bẩm sinh, nghèo tự nhiên.

       Khi ông bà nghèo thì cha mẹ nghèo. Cha mẹ nghèo thì con cái nghèo. Tục ngữ Việt Nam có câu "Con vua thì lại làm vua. Con sãi chùa lại quét lá đa". Chắc chắn con của một ông đạp xích-lô, hoặc hành nghề "cửu vạn" (**) hoặc con của một cô gái đang ở đợ, gánh nước mướn chui rúc ở những khu bùn lầy nước đọng, nghĩa trang, hè phố…là phải nghèo rồi mà nghèo từ trong bụng mẹ lận. Những em bé này có thể không bao giờ được cắp sách đến trường vì còn phải phụ với cha mẹ kiếm miếng cơm manh áo, chân thì đi đất, mặt mày lem luốc, thèm khát từng món đồ chơi, cái kẹo và có khi không có bạn để chơi vì nghèo quá "ai chơi với mình"? Chính vì sợ hãi cái nghèo mà người đời đua nhau làm giàu, trước hết để ngoi lên, sau cho con cháu sau này đỡ khổ. Gần đây một nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng của Hoa Kỳ tuyên bố rằng cô cần phải để lại cho con ít nhất 50 hoặc 60 triệu đô-la thì cô mới yên tâm! Đấy, người ta sợ hãi cái nghèo đến như vậy đó.

-Nghèo tại mình

      Nghèo không phải hoàn toàn tại số mà do thuở nhỏ chỉ mê "chơi games", biếng học, lớn tí nữa thì tụm năm túm ba tán dóc, tập tành hút thuốc lá, uống rượu, phá làng phá xóm, không chịu làm ăn, ngại khó ngại khổ…cho nên nghèo là cái chắc. Trong một gia đình, anh chị em giàu có, học hành nên người mà mình thì nghèo "rớt mùng tơi" đâu phải cha mẹ muốn thế mà chỉ vì cái bệnh lười biếng mà ra. Ngoài ra, thế giới ngày hôm nay đang ở vào kỷ nguyên Toàn Cầu Hóa, chủ nhân các đại công ty được tự do thuê mướn nhân công ngoại quốc. Trong lãnh vực điện tử, cách đây vài năm, các công ty lớn của Hoa Kỳ đã thuê một lúc cả chục ngàn kỹ sư điện tử Ấn Độ. Lý do: Gía rẻ và người Ấn Độ rất giỏi về lãnh vực Programmer (viết các software) khiến các kỹ sư trẻ Mỹ mới ra trường không sao kiếm được việc làm. Vậy thì: Toàn cầu hóa có nghĩa là tự do cạnh tranh và cạnh tranh khốc liệt. Nếu công nhân trong nước- kể cả kỹ sư- nếu không tiếp tục trau giồi kỹ năng - đến một lúc nào đó kiến thức (tay nghề) tụt hậu, các công ty, vì lý do cạnh tranh, phải mướn nhân công giỏi từ ngoại quốc…thì công nhân trong nước thất nghiệp. Khi đã thất nghiệp, xin việc mà không ai mướn, lúc đó nghèo đói chỉ trong gang tấc. Xin nhớ cho thế giới ngày hôm nay đầy rủi ro, bất trắc chứ không "êm đềm phẳng lặng" như những thập niên trước. Giàu nghèo biến nhanh như "giấc mộng kê vàng".

-Nghèo vì chủ nhân bóc lột

      Bóc lột ở đây có nghĩa là chủ nhân, dù thu lợi rất nhiều nhưng lại trả lương công nhân với giá không cân xứng. Dưới thời Pháp thuộc, các chủ đồn điền cao-su, hỏa xa, nhà máy, hầm mỏ v.v..đều do Thực Dân làm chủ và đã bóc dân ta một cách thậm tệ giống như nô lệ, khiến đời sống của công nhân muôn vàn thống khổ với những câu ca dao còn truyền lại của người vợ có chồng đau ốm như sau:

"Thương chồng nấu cháo đường xe"
"Nấu canh tà-vẹt nấu chè bù-loong"

Ngày nay, Chủ Nghĩa Thực Dân không còn, nhưng tệ nạn bóc lột công nhân vẫn chình ình ra đó, và ở khắp mọi nơi trên thế giới. Với đồng lương gọi là "đồng lương chết đói" thì vợ con nheo nhóc, giật gấu vá vai, nghèo đói là chuyện đương nhiên.

-Nghèo là vì lạm phát, vật giá gia tăng

      Khi vật giá leo thang tức lạm phát thì nông dân, chủ nhân các hãng xưởng, xí nghiệp, người cung cấp dịch vụ như taxi, hớt tóc, nhà hàng, siêu thị, luật sư, bác sĩ, bảo hiểm v.v.. còn có thể tăng giá thành sản phẩm hoặc tăng giá bán đề bù lại - nhưng người quân nhân, công nhân các hãng tư, viên chức chính phủ lấy gì để tăng đây? Họ chỉ còn cách kêu nài tăng lương mà vũ khí duy nhất là đình công. Ở các nước khác thì tôi không rõ, tại Hoa Kỳ, ngoại trừ quân đội thì không được phép đình công, chống đối hay nói xấu chính phủ, còn từ nhân viên cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, giáo chức, công nhân hỏa xa, phi trường, ngân hàng - nghĩa là tất cả mọi nghành - đều được phép và được quyền biểu tình, đình công đòi tăng lương. Xin nhớ cho, lạm phát tức vật giá leo thang là một trong những yếu tố tệ hại gây bất ổn xã hội và làm cho hằng triệu công nhân, viên chức bỗng trở nên nghèo khó trong chớp nhoáng. Để bảo đảm đời sống cho công nhân viên chức, nhiều quốc gia có qui định xét tăng lương định kỳ, nhưng tỷ lệ tăng đó không thấm vào đâu so với đà gia tăng rất tự nhiên của vật giá. Tại Hoa Kỳ, tôi còn nhớ ở thập niên 80-90, một bữa ăn sáng no bụng, ngon miệng tại Mc Donal's là 2.15 đô-la, nay là 4.75 đô-la tức tăng hơn 200%. Còn một ổ bánh mì thịt tại các tiệm Việt Nam từ 1 đô-la, nay là 2.75 đô-la tức tăng 250%. Điều này cho thấy đời sống khó khăn của người dân Hoa Kỳ.

-Nghèo là vì đất nước không tạo đủ công ăn việc làm

      Các quốc gia chậm phát triển vừa ra khỏi thời kỳ nô lệ, chiến tranh hoặc theo chính sách bế quan tỏa cảng đều không tạo đủ công ăn việc làm cho người dân. Khi khu vực kỹ nghệ, dịch vụ và nông nghiệp không thu hút lực hết lượng lao động thì số dư thừa biết làm gì đây? Họ đành cam lòng làm các công việc như lau chùi, quét dọn, khuân vác, đạp xích-lô, ở đợ, buôn gánh bán bưng, mò cua bắt ốc, bươi móc các đống rác…Tóm lại đều là những nghề "nghèo hèn" không bảo hiểm sức khỏe, không tương lai, không gì hết…để sống qua ngày. Hình ảnh rõ nét nhất của một xã hội nghèo khổ là: trẻ em lang thang ngoài đường phố trong giờ học, thanh niên thiếu nữ tụm năm túm ba ở quán cà-phê tán dóc hay chờ đợi mánh mung, ăn mày đầy các quán ăn, ông già đạp xích-lô, phụ nữ gánh gồng, đàn ông sửa "bút bi", cụ già gần 80 tuổi ngồi vá xe đạp v.v..Dĩ nhiên những hình ảnh này làm chúng ta đau lòng và chắc chắn không được thiện cảm của thế giới.

-Nghèo vì bất công xã hội

      Khi một chính quyền ưu đãi và dành độc quyền khai thác tài nguyên quốc gia, hoặc làm chủ các công ty huyết mạch của nền kinh tế cho một thành phần nào đó thì công nhân bị bóc lột, điều kiện lao động tồi tệ và đất nước không tiến lên được vì không có cạnh tranh, tự tung tự tác mà không ai dám kiểm soát. Đó là trường hợp của Nam Dương với Tổng Thống Suharto - con cưng của Hoa Kỳ và Tây Phương trong Chiến Tranh Lạnh (Cold War), nổi tiếng khát máu vì đã giết khoảng nửa triệu và bỏ tù khoảng 1.5 triệu đảng viên Đảng Cộng Sản và các nhà đối lập Indonesia. Sau 32 năm trị vì với bàn tay sắt của quân phiệt và tham nhũng, đã bị dân chúng đứng lên lật đổ, đốt phá các cửa hàng của Hoa Kiều vì đất nước nghèo đói, thất nghiệp, khủng hoảng tài chính năm 1998. Sau khi bị lật đổ, người ta mới khám phá ra đất nước Nam Dương đã bị lũng đoạn bởi gian thương Hoa Kiều, mọi nguồn khai thác tài nguyên và các đại công ty trọng yếu của quốc gia đều nằm trong tay con cháu của Suharto và phe nhóm. Tài sản của Suharto ước tính từ 15-35 tỉ đô-la. Ông bị truy tố ra tòa vì tội tham nhũng 571 triệu đô-la viện trợ và tội diệt chủng. Nhưng vì thế lực của phe nhóm quá mạnh, cho nên chính quyền mới đành phải chấp nhận giải pháp "quản thúc tại gia" vì lý do sức khỏe cho đến khi ông mất vào năm 2008.

Hậu quả của cái nghèo

       Cái nghèo đưa đến những hậu quả vô cùng tệ hại. Chúng ta tạm liệt kê một số như sau:

-Bần cùng sinh đạo tặc. Không dám vơ đũa cả nắm bởi vì một số người dù nghèo, nhưng do thấm nhuần đạo lý, nề nếp gia đình, vẫn giữ gìn phẩm hạnh, nép mình trước cảnh phồn vinh của xã hội trong tinh thần " Đói cho sạch, rách cho thơm". Thế nhưng tuyệt đại đa số thì không vậy. Vì nghèo nên sống chui rúc, thiếu vệ sinh từ đó đẻ ra bệnh tật. Vì thiếu dinh dưỡng nên thân thể gầy còm, nhỏ thó, tính tình cau có, ăn nói thô lỗ tục tằn, dễ nóng giận. Vì nghèo nên thường hay gây gổ, cãi lộn, mắng chửi nhau sinh ra bạo hành, ly dị. Nếu nghèo biến thành đói thì không chuyện gì không dám làm… từ cắp vặt, gian dối, lừa đảo, buôn gian bán lận…cho đến cướp của giết người chỉ trong gang tấc. Cái tệ hại hơn nữa là từ nghèo mà thành túng. Từ túng thiếu sinh ra trộm cắp và nhất là phá hại của công. Tất cả các hành vi phá rừng, phá núi, xâm phạm các nơi bảo tồn sinh thái, săn bắt trái phép thú hiếm quý, vào chùa ăn trộm chuông đồng, tượng Phật…đều xuất phát từ căn bệnh nghèo đói mà ra.

-Cái nguy hiểm nhất của bệnh nghèo là con cái thất học hay bỏ học. Vì thất học cho nên không công ăn việc làm từ đó các em trở thành miếng mồi ngon cho các băng đảng và các trùm buôn lậu ma túy. Theo phóng sự điều tra của một số hãng truyền hình lớn ở Hoa Kỳ- dù không phải tất cả, nhưng một số gia đình nghèo ở Palestines, Iraq, Afghanistan… là đối tượng dễ tuyển chọn nhất cho các vụ đánh bom tự sát. Bởi vì gia đình nghèo, cho thằng con đi ôm bom tự sát thì được 5000 đô-la và được phong "thánh tử đạo". Ngay tại Hoa Kỳ hoặc Pháp, Đức cũng vậy, các khu vực nghèo khó đều có tỷ lệ tội phạm xã hội và băng đảng rất cao, đồng thời đẻ ra những tổ chức tôn giáo cực đoan.

-Nghèo đói  dễ bị dụ dỗ và những gì gọi là "tinh thần" đều trở nên phù phiếm. Vợ con tôi đang không có gạo ăn đây thì Quốc Tổ Hùng Vương, văn hóa dân tộc có ý nghĩa gì? Chính vì thế mà đối tượng mà các tôn giáo ngoại lai nhắm tới để cải đạo người Việt Nam là các thành phần nghèo khó. Và khi kế hoạch cải đạo trở nên có hệ thống và được ngoại bang hỗ trợ thì sự cải đạo có thể diễn ra hàng loạt, từ đó đưa tới thay đổi cấu trúc xã hội rồi tiến tới xung đột văn hóa, xung đột chính trị và nếu không khéo sẽ đưa tới chia cắt đất nước. Thường thường những kẻ tân tòng dễ bị đầu độc để trở thành kẻ thù của chính đất nước mình. Hiện nay điều làm người Hoa Kỳ đau đầu là: Chính những công dân Hoa Kỳ cải đạo sang Hồi Giáo sau đó lại gia nhập các tổ chức khủng bố quốc tế rồi quay sang kêu gọi giết hại chính đồng bào mình. Rồi cuốn sách "The Son of Hamas" của một thanh niên Hồi Giáo, du học Hoa Kỳ, cải đạo sang Ki-tô Giáo, tố khổ Tổ Chức Hamas mà cha của mình là thành viên cao cấp - đã làm điên đầu người Palestines. Thế nhưng dù một số đông người Mỹ da trắng và Thổ Dân Da Đỏ đã cải đạo sang Phật Giáo, nhưng không thấy hoặc chưa thấy một tín đồ Phật Giáo tân tòng nào gia nhập các tổ chức thù nghịch với Hoa Kỳ và kêu gọi giết hại người Hoa Kỳ. Và họ cũng chẳng bao giờ kêu gào hoặc đấu tranh để đòi hỏi một vị thế chính trị cho cộng đồng Phật Giáo. Cái tốt lành, cái thiện của Phật Giáo nằm ở chỗ đó, không biết người Hoa Kỳ có nhìn thấy không?

-Nghèo thì thường đi đôi với hèn. Người đời thường nói "nghèo hèn" và bị người ta khinh khi. Cùng là công dân với đầy đủ quyền hạn ghi trong hiến pháp nhưng tiếng nói của người nghèo như tiếng kêu trong sa mạc, chẳng ai buồn nghe, trong khi tiếng nói của tài phiệt thì "có gang có thép", bởi vì "Tay mang túi bạc kè kè. Nói khuếch nói khoác người nghe ầm ầm". Khi đất nước có chiến tranh, thường con nhà giàu, hoặc có thế lực, trốn quân dịch bằng cách du học để con nhà nghèo chết thế trên chiến trường...từ đó gây bất công rồi bất mãn rồi đi tới bạo loạn.

Làm thế nào để chữa bệnh Nghèo?

       Hiện nay thế giới đặc biệt là Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Liên Hiệp Quốc rất quan tâm tới vấn đề nghèo đói của nhân loại. Một số quốc gia đã được viện trợ hoặc cho vay với lãi xuất thấp để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. Chúng ta không phải là chính quyền cho nên chúng ta không bàn tới những kế hoạch có tầm vóc quốc gia để phát triển kỹ nghệ, thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp, dầu khí, tìm kiếm thêm thị trường quốc tế để tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng. Chúng ta cũng không bàn tới những chương trình xã hội nhằm trợ cấp cho những gia đình nghèo khó, đồng bào sắc tộc, những cụ già neo đơn, cô quả cô độc…mà chúng ta nói tới nghĩa vụ của người Phật tử làm thế nào để góp phần vào việc chữa trị căn bệnh nghèo khó.

       Là người con Phật, chúng ta hiểu rằng chư Phật và chư vị Bồ Tát thị hiện ở đời là nhằm cứu độ chúng sinh. Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy rất rõ, "Hằng thuận lợi ích chúng sinh là cúng dường chư Phật." Do đó, song song với việc tu học, chúng ta phải đặt công việc cứu độ chúng sinh, tức công tác thiện nguyện lên hàng đầu. Mà chúng ta phải làm công việc đó trong tinh thần hoan hỉ, khiêm tốn, bất thối chuyển. Chất liệu nuôi dưỡng tinh thần đó chính là Hạnh Nguyện Từ Bi. Trong nước thì tôi không rõ, tại hải ngoại, trong các dịp lễ lớn hoặc đại hội của Phật Giáo, sau nghi thức chào cờ thường có giây phút rất linh thiêng gọi là "Phút Nhập Từ  Bi Quán". Vì không phải là ban tổ chức và cũng không quen biết nhiều với quý thầy cho nên tôi không rõ trong "Phút Nhập Từ  Bi Quán" này quý thầy, quý ni, quý Phật tử làm gì? Phải chăng đây là "Phút mặc niệm" của thế tục? Hay giây phút im lặng, đình chỉ mọi suy nghĩ "Chỉ quán"? Hay giây phút "Thiền Định"? Theo giáo lý của nhà Phật, Từ Bi Quán phát xuất từ Ngũ Đình Tâm Quán mà "Quán" tức là suy nghĩ cẩn thận, thông suốt, hiểu rõ. Vậy thì "Phút Nhập Từ  Bi Quán" không phải là giây phút để cầu nguyện hay hướng về Phật, mà qua qua lời giáo huấn của Chư Phật, chúng ta hướng về, nghĩ tới muôn loài chúng sinh - tức những người khác ta - bằng tâm lượng từ bi. Theo nghĩa này, nếu chúng ta dùng tâm từ bi mà quán xét thì:

-Khi chúng ta no, chúng ta nhớ nghĩ tới người đói.

-Khi chúng ta ấm, chúng ta nhớ nghĩ tới người đang giá lạnh.

-Khi chúng ta mặc quần nọ áo kia, chúng ta nhớ nghĩ tới người túng thiếu.

-Khi chúng ta giàu, chúng ta nhớ nghĩ tới người nghèo.

-Khi chúng ta đang ở nơi chốn bình yên, chúng ta nhớ nghĩ tới bao chiến sĩ đang xả thân nơi biên ải, nơi hải đảo xa xôi.

-Khi chúng ta có quyền thế, chúng ta nhớ nghĩ tới bao dân lành vì có họ ta mới có ngôi vị ngày hôm nay như Vua Lý Thánh Tông lúc nào cũng thương dân như con cái của mình.

-Khi chúng ta được học hành, chúng ta nhớ nghĩ tới người không may mắn được cắp sách đến trường.

-Khi chúng ta được khai mở trí tuệ, chúng ta nhớ nghĩ tới người không được biết tới những tư tưởng và giáo lý cao thượng.

-Khi chúng ta vui vầy cùng con cháu, chúng ta nhớ nghĩ tới những trẻ em côi cút.

Bằng sự quán chiếu đó, bằng tâm lượng đó, bằng tinh thần đó, chúng ta đến với người nghèo khó. Chắc chắn chúng ta không thể chuyển đổi ngay được cái nghèo, nhưng chúng ta an ủi, chia xẻ, cảm thông với họ. Qua công tác thiện nguyện, chúng ta làm cho người nghèo ấm lòng, không cảm thấy cô đơn hay mặc cảm để rồi từ đó họ vững tin, cố gắng vươn lên trong tinh thần đạo đức và trọng pháp. Ngày xưa ông Châu Trí nghèo quá, đêm tối phải đốt lá đa lên để học, Phạm Ngũ Lão phải làm nghề đan sọt, Chử Đồng Tử không có cả cái khố mà mặc… đều nên người và trở thành những nhân vật lẫy lừng trong lịch sử.  Vậy thì chúng ta không bao giờ có ý nghĩ khinh thị người nghèo khó, và đừng nghĩ rằng họ không bao giờ "ngóc đầu" lên được. Hãy đến với họ và giúp họ một cơ hội.

Ngoài ra, cũng đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta có thể dửng dưng trước sự nghèo đói của người khác. Theo giáo lý Hoa Nghiêm của nhà Phật thì trong vũ trụ này, không có vật gì có thể đứng một mình mà vạn hữu liên quan mật thiết với nhau, "tất cả là một và một là tất cả". Trong từng sát-na cái giàu đang từng giây từng phút tác động vào xã hội và cái nghèo cũng đang từng giây từng phút ảnh hưởng tới văn hóa, chính trị và xã hội. Khi số lượng nghèo trở nên nhiều quá thì xã hội lâm nguy. Vậy thì giúp đỡ người nghèo khó ngoài việc xiển dương Tâm Đại Bi của nhà Phật, chúng ta còn góp phần bảo vệ sự ổn định của xã hội và cuộc sống của chính chúng ta.

Vậy thì bạn ơi !

 -Hãy đến với người nghèo khó bằng hạnh nguyện của Thường Bất Khinh Bồ Tát, bằng lòng nhân đạo, bằng tâm Từ Bi, bằng hạnh nguyện cứu khổ của Mẹ Hiền Quán Thế Âm và bằng tình huynh đệ, nghĩa đồng bào.

 -Những quán cơm xã hội, quán cơm từ thiện, quán cơm thiện tâm, quán cơm lao động, quán cơm tình nghĩa, những cửa chùa rộng mở để tặng "sĩ tử" những bữa cơm chay trong mùa thi tuyển vào đại học, những học bổng, những buổi khám bệnh miễn phí, những buổi phát quà cho đồng bào ở Kampuchia, cho các em ở buôn làng xa xôi...đều là sự thể hiện tấm lòng cao cả nói trên.

-Thế nhưng chúng ta vẫn cần có thêm những "tấm lòng vàng" khác, những ông tỷ phú Cấp Cô Độc sẵn lòng cùng quý ni, sư dấn thân vào lãnh vực khó khăn này. Là người con Phật chúng ta làm trước, hy sinh trước, chứ không chờ đợi hoặc phê phán người khác. Rõ ràng, bằng trí tuệ, bằng nỗ lực của chính con người chứ không dựa vào Thần Linh, chúng ta góp phần chuyển hóa nghiệp lực để cùng nhau kiến tạo một đất nước tuy chưa giàu lắm nhưng đẹp và có tình người./.

Đào Văn Bình

(*) Nghèo quá không đủ tiền mở một compteur điện riêng mà phải "câu điện" từ hàng xóm. Vì nhiều người cùng "câu" một lúc cho nên điện yếu, ánh đèn trở nên vàng vọt, hiu hắt.
(**) Phu khuân vác

2011/12/29

Biển Đông: Gió đang đổi chiều


Biển Đông: Gió đang đổi chiều

Trần Kinh Nghị

"Phép thử" dùng sức mạnh đã thất bại?

Tục ngữ nói nhiều về gió, như "gió chiều nào suôi chiều đó", "gieo gió gặt bão", "gió đông thổi bạt gió tây", "đòn gió", v.v… Có thể nói chuyến thăm Việt Nam và Thái Lan của Phó Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình mới đây cũng là một loại gió, và có lẽ cơn gió này nhằm ngăn chặn một cơn bảo ngược chiều đang tích tụ từ chân trời, đó là sự trở lại của Mỹ tại khu vực châu Á –TBD mà trọng tâm là vành đai chạy từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống khối SEATO (cũ) liên kết với khối ANZUS ở phía Nam và Ấn Độ ở phía Tây.

Thông điệp của chuyến đi là khá rõ ràng: Với tư cách phó Chủ tịch nước, chuyến thăm lần này của ông Tập tuy không ồn ào, nhưng có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Đây là chuyến vi hành mở đầu của người sẽ cầm lái con thuyền Trung Quốc ít nhất trong một thập kỷ tới. Bắc Kinh chọn cơ hội này để phát đi tín hiệu về sự thay đổi chính sách đối với khu vực Châu Á-TBD, đặc biệt đối với Biển Đông, nơi mà biện pháp dùng "phép thử" bằng sức mạnh đã thất bại buộc họ phải điều chỉnh theo hướng ôn hòa hơn. Dấu hiệu có thể thấy ở sự lắng diệu tình hình Biển Đông gần đây với ít hơn các vụ quấy rối của tàu thuyền TQ trong khi Tân hoa xã chủ động đưa tin về chuyến thăm của ông Tập như một cử chỉ thân thiện. Một động thái đáng lưu ý khác là, phía TQ tuyệt nhiên không phản ứng gì trước lời tuyên bố chủ quyền của Thủ tướng Việt Nam với những từ ngữ cụ thể và nêu đích danh "Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974", v.v… Khi ở thăm Việt Nam và Thái Lan ông Tập cũng không chủ động nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông mà chỉ tập trung về hợp tác tài chính, thương mại, trong đó có việc cho VN vay 300 triêu USD, cho Thái Lan vay theo phương thức hoán đổi đồng tiền hai nước với trị giá 11 tỷ USD. Những cử chỉ trên hoàn toàn khác với những gì mà phía Trung Quốc thường thể hiện ttrong mấy năm qua.

Hiện tại còn quá sớm để khẳng định điều gì, nhưng rõ ràng đang có những động thái mới từ phía Bắc Kinh theo hướng ôn hòa. Có lẽ giới lãnh đạo nước này giờ đây đã thấm thía với lời khuyên của tiền nhân Đặng Tiểu Bình: Hãy "ẩn mình" trước khi đủ mạnh. Quả vậy, vừa qua họ đã quá nôn nóng muốn đạt mục tiêu bá chủ Biển Đông bằng cách phô trương lượng quá sớm, quá trắng trợn., và rốt cuộc đã tạo cớ cho quân đội Mỹ trở lại Châu Á –TBD nơi mà chính người TQ đã mất ½ thế kỷ để xua đuổi Mỹ đi. Có thể nói, không còn bài học nào thấm thía hơn thế đối với Bắc Kinh.

Láng giềng không bình đẳng

Có thể nói, cả hai bên TQ và VN đến nay đều thấu hiểu "bụng dạ" của nhau, chỉ còn vấn đề là lập trường của mỗi bên không dễ san bằng. Người TQ luôn tự coi mình là một dân tộc lớn, một nước lớn, và có sứ mệnh "do trời ban cho". Cách tư duy này dù muốn hay không, luôn tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của họ và cũng là nguyên nhân sâu xa của tư tưởng sô vanh nước lớn và chủ nghĩa bá quyền - điều mà tuy không được tuyên bố công khai nhưng vẫn luôn được dung túng tại nước này.

Việt Nam do vị trí địa lý phải hứng chịu hậu quả của thứ chủ nghĩa bành trướng bá quyền truyền kíp như vậy. Một số cuộc khảo sát quốc tế gần đây cho thấy đại đa số người TQ được hỏi tin rằng Biển Đông là của cha ông họ nhưng bị Việt Nam và các nước nhỏ xung quanh chiếm đoạt, và do đó bây giờ họ có quyền đòi lại là lẽ đương nhiên! Đó cũng là lý do tại sao có tới hơn 80% ý kiến tán thành "đánh" Việt Nam vì tội xâm chiếm nhiều biển đảo của người Trung Quốc (!?)". Được biết, trong dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thămTQ, một quan chức TQ so sánh rằng nếu nhân dân VN biểu tình chống TQ thì hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra khi 1,3 tỷ dân TQ cũng biểu tình chống VN(?). Đó không phải là một sự so sánh, mà là một lời đe dọa! Đó là cách tư duy điển hình của người TQ, không chỉ về con người mà còn về sức mạnh kinh tế, quân sự, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với tất cả các nước. Ở đâu họ thấy mình đông hơn, mạnh hơn là họ lấn lướt. Thế mới có chuyện họ chủ trương huy động số đông tàu thuyền để lấn chiếm ngư trường của Việt Nam và của các nước khác. Mới đây họ dùng thuyền đánh cá kết bè lại để đối phó với tàu tuần tra Hàn Quốc.

Phải chung sống đời đời kíếp kiếp với một nước láng giềng như vậy, người Việt Nam đã hình thành một truyền thống mang tính đặc thù, đó là vừa phát huy tinh thần dân tộc quật cường, vừa phát huy tinh thần nhẫn nhục chịu đựng, để tồn vong trước một đối phương lúc nào cũng lăm le nuốt chững mình. Đó là lý do mà lịch sử luôn hằn sâu dấu vết của điều trăn trở từ bao thế hệ người Việt: "Đánh hay hòa...hòa hay đánh... ?". Đây chính là cái khó đối với dân tộc Việt Nam, cũng là cái khó đối với giới lãnh đạo đất nước trong bất cứ thời kỳ nào. Ta và đối phương đều có lúc thịnh lúc suy. Thời nào cũng có kẻ cơ hội bán nước cầu vinh. Nhưng hào kiệt thời nào cũng có. Và đó là bí quyết sinh tồn của dân tộc Việt Nam.

Phải giải tỏa trạng thái "bằng mặt không bằng lòng"

Trong chuyến thăm hữu nghị của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây có một số động thái rất đáng lưu ý. Đó là trong khi phía khách không chủ động nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, thì phía chủ nhà đã chủ động nhắc lại vấn đề tranh chấp Biển Đông (cả trước và trong chuyến thăm). Đay là một động thái mới đáng nghiên cứu. Về hình thức, ta thấy một số hoạt động hưởng ứng chuyến thăm như cầu truyền hình, giao lưu thanh niên… nhưng chúng đã diễn ra một cách rời rạc, gượng gạo. Cũng thấy có sự chậm trễ trong việc đưa tin và những sai sót lễ tân như vụ "cờ TQ có 6 sao",v.v… Suy cho cùng, những biểu hiện trên đây cho thấy ít nhiều tình trạng thiếu nhất quán giữa các cơ quan tổ chức sự kiện của phía Việt Nam. Còn những "lời hay ý đẹp" hai bên giành cho nhau trong chuyến thăm là điều dễ hiểu, không nên dựa vào đó để đánh giá thực chất vấn đề. Thực chất nằm trong lòng dân chúng khi họ quay lưng lại với khẩu hiệu "hữu nghị Việt –Trung", thậm chí biểu thị thái độ bất tín, bất bình trước chủ trương quá mền mỏng của lãnh đạo mà họ cho là nhu nhược, hèn nhát... Tóm lại, với tất cả những dấu hiệu nêu trên, có thể nói đang hình thành sự khác biệt quan điểm trong nội bộ giới lãnh đạo và giữa Lãnh đạo với dân chúng liên quan đến quan hệ Việt-Trung, nỗi cộm là vấn đề chọn đối sách nào trước âm mưu bành trướng, lấn chiếm biển đảo từ phía nước láng giềng phương Bắc.

Những dấu hiệu phát ra từ chuyến thăm cho thấy phía Việt Nam vẫn lúng túng về đường lối và biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước mặc dù chủ đề này như vẫn thường được nhắc đi nhắc lại và trong các văn kiện của Đảng và các diến đàn Quốc hội và Chính phủ. Từ khi có phương châm "làm bạn với tất cả", Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong các lĩnh vực đối nội , đối ngoại, nhưng có lẽ chưa có sự thay đổi căn bản nào trong quan hệ với nước láng giềng phương Bắc. Trở lực chính có lẽ là do ý thức hệ đã ăn sâu bám rễ trong một bộ phận lãnh đạo và dân chúng. Đó là nguyên nhân vì sao bất chấp mọi hành động, thậm chí xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo từ phía đối phương, nhưng giới chức và truyền thông Việt Nam vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc "vừa là đồng chí, vừa là anh em", "láng giền tốt, đồng chí tốt"..., dù đó có là quan hệ bề ngoài theo kiểu "bằng mặt không bằng lòng đi chăng nữa! Bất chấp mọi sự điều chĩnh chiến lược của TQ và các nước lớn, Việt Nam chưa hề có sự điều chỉnh đáng kể nào trong quan hệ với song phương với TQ. Nói cách khác "đường đi nước bước" của Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ nét, và đó là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam đã để nhỡ mất nhiều cơ hội. Nhiều ý kiến khách quan của người ngoài và cả trong nôi bộ lãnh đạo Việt Nam đều thừa nhận điều này. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến trạng thái "chênh vênh" trong thế trận của Việt Nam mỗi khi có sự cố tranh chấp lãnh thổ với ông bạn láng giềng phương Bắc? Bài học chiến tranh biên giới cùng hàng loạt các cuộc xung đột biển đảo đã chúng minh điều đó.

Phải chăng giờ đây cơ hội đồng thời với thách thức lại một lần nữa mở ra đối với Việt Nam . Cuộc đấu tranh còn ở phía trước, đó là một chặng đường dài đầy khó khăn phức tạp. Dư luận đã từng nhận xét rằng nếu đối phương công khai nóng vội dùng vũ lực xâm lược thì đó là một tình huống không mong muốn nhưng cũng là tình huống đơn giản đối với Việt Nam . Nếu đối phương sử dụng chiến thuật lâu dài bằng các thủ đoạn kinh tế và "diễn biến hòa bình" thì vấn đề khó khăn, phức tạp hơn. Và đây dường như là kịch bản mới đang bày ra đối với Việt Nam. Để đón nhận cơ hội và đối phó thách thức, có lẽ ngoài việc phát huy những bài học kinh nghiệm của bản thân, VN cần học kinh nghiệm của một số quốc gia nhỏ cận kề Trung Quốc như Hàn Quốc, Myanma, Thái Lan, và cả Đài Loan, Hồng Kông... là những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nhỏ yếu nhưng vẫn duy trì độc lập bình đẳng với TQ để phát triển kinh tế mạnh hơn cả TQ. Có hai bài học không bao giờ quên: Biển Đông bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa là cửa ngõ sống còn của Việt Nam không ai có quyền xây rào chắn lối; muốn phát triển kinh tế Việt Nam không thể quay lại với công nghệ của TQ ./.

Trần Kinh Nghị

Căng Thẳng Ngoại Giao Nga-Mỹ

Căng Thẳng Ngoại Giao Nga-Mỹ

Đào Văn Bình

Hôm nay, 28/12/2011 các hãng thông tấn lớn của Hoa Kỳ đều đưa tin Bộ Trưởng Ngoại Giao Nga, lần đầu tiên đã công kích thành tích nhân quyền của Mỹ và mô tả Mỹ đạo đức giả chuyên dạy dỗ các nước khác về nhân quyền trong khi "Thực trạng tại Hoa Kỳ khác xa những lý tưởng mà Hoa Kỳ thường tuyên bố", và đưa ra những bằng chứng như sau:

- Tại Guantanamo Bay nơi mà các nghi can khủng bố đã bị tra tấn và giam giữ tại đây từ ngày 11/9/2001 và  "TT.Obama đã cho phép giam giữ vĩnh viễn và trái phép các nghi can và cho tái lập tòa án binh".

- Lấy cớ chống khủng bố, xâm phạm đời tư của công dân (theo dõi và nghe lén điện thoại qua Luật Yêu Nước) và vi phạm nhân quyền đối với công dân Hoa Kỳ theo Hồi Giáo.

-Trong vòng 30 năm qua đã kết án tử hình và hành quyết oan uổng khoảng 130 người mà một số sau này mới khám phá ra vô tội và được tha.

-Ngăn chặn các ứng cử viên độc lập ra tranh cử và chỉ trích luật lệ cho phép thống đốc tiểu bang bổ nhiệm người điền khuyết ghế thượng nghị sĩ - chẳng hạn như Thống Đốc Rod Blagojevich đã gạ bán chức vụ này khi Ô. Obama đắc cử tổng thống khiến ghế thượng nghĩ sĩ bỏ trống.
               
Trong bản báo cáo dài 90 trang, Nga còn công kích luôn cả Liên Hiệp Quốc, Canada và Georgia.

Thực ra sự căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Mỹ đã âm ỉ từ lâu. Vào ngày 22/10/2011, Nga đã ban hành quyết định cấm một số giới chức Hoa Kỳ (mà không nêu rõ tên) không được tới nước Nga với lý do "Hoa Kỳ bắt cóc, giết hại thường dân ở Afghanistan cũng như Iraq và xâm phạm hoặc bắt cóc kiều dân Nga ở Mỹ." Hành động này nhằm trả đũa quyết định của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trước đó đã cấm 60 giới chức (mà không nêu rõ tên) thuộc Bộ Nội Vụ Nga không được vào Mỹ nhân cái chết của Luật Sư Sergi Magnitsky trong tù năm 2009.

                Và có lẽ phản ứng mạnh mẽ của Nga ngày hôm nay 28/12/2011 chính là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước khi vào đầu tháng 12/2011 Bà Hillary Clinton cũng như Ô. Obama đã "mau miệng" tuyên bố cuộc bầu cử ở Nga mà đảng của Ô. Putin thắng cử- là gian lận, làm tức giận Ô. Putin.


Nhận định:

-Trong tình hình rối beng của thế giới ngày hôm nay, trước sự trỗi dậy của Hoa Lục ở Á Châu mà Hoa Kỳ đang vẫn còn sa lầy ở Afghainistan và Iraq (dù đã rút quân nhưng trách nhiệm vẫn còn nặng nề), bất cứ sự căng thẳng nào với Nga, đều vô cùng bất lợi cho Hoa Kỳ. Ấy là chưa kể Hoa Kỳ đang cần sự hợp tác của Nga để tìm kiếm một giải pháp hợp lý cho vấn đề Palestines-DoThái và kiềm chế Bắc Hàn tại Á Châu. Xin nhớ cho Nato và Hoa Kỳ và kể cả Liên Hiệp Quốc không dám có phản ứng mạnh hoặc tìm kiếm một giải pháp quân sự đối với Syira như kiểu "No fly zone" ở Libya vì sự chống đối của Nga - mặc dù số người bị sát hại ở Syria cao hơn ở Libya. Cuối cùng, vì sự chống đối của Hoa Lục và Nga, Liên Hiệp Quốc, Nato và Hoa Kỳ đành buông xuôi bằng cách để cho Liên Đoàn Ả Rập giải quyết vấn đề Syria.

-Mới đây nhất Iran đã tập trận quy mô để chuẩn bị cho cuộc phong tỏa Eo Biển Hormuz - con đường huyết mạch để chuyển vận dầu lửa từ Hồng Hải (Red Sea) qua Ấn Độ Dương nếu Iran bị Hoa Kỳ hoặc Do Thái tấn công. Trong bầu không khí sục sôi như thế này, lợi dụng mối bất hòa giữa Nga và Mỹ, Iran có thể tiếp cận với Nga. Nếu Nga công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ Iran thì Mỹ không dám động thủ và việc Iran thủ đắc vũ khí nguyên tử là chuyện dễ dàng như trở bàn tay, và Iran có thể trở nên một "Power" ở vùng này.

-Nam Mỹ ngày nay hoàn toàn độc lập và một số đang vươn lên. Về kinh tế Basil đã qua mặt cả Anh Quốc và một số nước cũng không có thiện cảm với Hoa Kỳ chẳng hạn như Venezuela. Tổng Thống Chavez của nước này chống Mỹ ra mặt. Vì Nga còn nể Mỹ cho nên chưa tìm cách "làm khó" Mỹ. Nếu tình hình căng thẳng cứ leo thang, khi đó Nga sẽ chơi "lá bài Cuba" như thời "Chiến Tranh Lạnh" bằng cách bán hỏa tiễn cho Venezuela. Lúc đó Hoa Kỳ tính sao? Xin nhớ cho dù Liên Bang Sô-viết xụp đổ nhưng sức mạnh quân sự của Nga vẫn một chín một mười với Hoa Kỳ.

-Hoa Kỳ vừa rút quân khỏi Iraq và chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan. Để cuộc rút lui được êm thắm không chiến thắng vào năm 2014 - Hoa Kỳ với sự hợp tác của Đức - đang công khai họp với phái bộ liên lạc (Liaison) của Taliban tại Qatar để từ từ dồn hết sức mạnh của mình về Á Châu mà Đông Nam Á đang là trung tâm điểm. Trong bối cảnh đó, các nhà chiến lược Hoa Kỳ có tính tới "yếu tố Nga" trong cuộc đối đầu lâu dài với Hoa Lục ở Biển Đông không? Phớt lờ hay cần sự hợp tác của Nga? Phớt lờ? Tôi nghĩ khó quá. Còn nếu cần sự hợp tác hoặc muốn Nga đứng trung lập trong trận chiến này - thì gây căng thẳng với Nga ngay từ lúc này là "wrong policy".

-Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh bất cứ quốc gia nào "chơi" với Nga hoặc mua vũ khí của Nga đều bị Mỹ "ghim" và coi như thù nghịch với Mỹ. Khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, mọi quốc gia đều tự chủ và nhất là xu thế Toàn Cầu Hóa đã khiến các đại công ty của Hoa Kỳ  xé "lằn ranh tự do và cộng sản" để nhảy vào đầu tư, làm ăn buôn bán với Hoa Lục là quốc gia mà trước năm 1973 - tức trước Minh Ước Thượng Hải - Mỹ đã nhiều lần tính dội bom nguyên tử lên đầu họ. Ngày nay, rất nhiều quốc gia vừa làm bạn với Hoa Kỳ nhưng cùng lúc lại làm bạn và mua vũ khí của Nga như Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ v.v..Sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ gây khó xử cho các quốc gia này và nếu không khéo sẽ đưa tới sự phân cực Nga- Mỹ, xáo trộn thế giới như thời Chiến Tranh Lạnh.

                Bà Hillary Clinton điều khiển chính sách ngoại giao của Mỹ hơn 3 năm qua. Do uy thế quá lớn của bà, nào là cựu đệ nhất phu nhân và chồng là xếp lớn, là người đỡ đầu cho Ô. Obama trong nhiều vấn đề quan trọng của đất nước - cho nên Ô. Obama phải chiều hoặc không dám phản đối các chính sách do bà đưa ra. Việc bà phê phán cuộc bầu cử tại Nga mới đây là gian lận – khách quan mà nói - đã xía vào chuyện của người ta và coi thường vị thế của Ô. Putin tức của Nga trên chính trường quốc tế mà Hoa Kỳ đang cần tranh thủ. Phản ứng mạnh mẽ của Nga qua bản báo cáo nhân quyền nói ở trên biểu lộ sự tức giận của Ô. Putin. Ô. Putin có thể lướt qua giai đoạn khó khăn này nếu ông thành công trong việc dùng lá bài "tự ái dân tộc" để lái dư luận Nga vào cuộc đối đầu với Mỹ. Đó là điều không may cho thế giới và cho cả nước Mỹ. Xin nhớ cho, Ô. Bush dù hiếu chiến và kiêu ngạo nhưng cũng đã biết mời Ô. Putin tới trang trại để ân cần tiếp đón..trong khi Bà Hillary Clinton và Ô. Obama lại "phang" Ô. Putin. Không biết phản ứng của Hoa Kỳ trong những ngày tới như thế nào? Chờ xem. Khi Ô. Obama mới vừa đắc cử tổng thống ông đã đi khắp nơi và nhiều lần xin lỗi thế giới về tính kiêu căng của Hoa Kỳ. Điều này lộ rõ trong bài diễn văn nhậm chức rất khiêm tốn của ông. Lúc đó ông đã được thế giới ái mộ và tặng ông giải Nobel Hòa Bình. Nay có thể ông đã quên "cái thuở ban đầu dễ thương"đó chăng? Xin nhớ cho muốn lãnh đạo thế giới – dù mạnh - cũng cần phải có đức tính khiêm tốn nữa. Và là bộ trưởng ngoại giao, nhất là ngoại giao Hoa Kỳ, khi nói gì "phải uốn lưỡi bảy lần."

Đào Văn Bình

Câu chuyện nợ nần của chính phủ Hoa Kỳ



Câu chuyện nợ nần của chính phủ Hoa Kỳ

Lê Văn Bỉnh

Đôi dòng về tác giả.
Lê Văn Bỉnh, cựu sinh viên Đốc sự khóa 10, Cao Hoc 2 Ban Kinh Tế Tài Chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Saigon. Du học Hoa Kỳ (1972-74), xong M.A. (Economics). Về nước, phục vụ tại Khu Chế Xuất Saigon và dạy học tại Đại Học Kinh Thương, Đại Học Cửu Long v.v.
Ông là tác giả một số bài viết kinh tế giá trị đã đăng trên các báo Việt ngữ và điện tử hải ngoại. Dưới đây là một bài viết công phu của ông về tài chánh Hoa Kỳ.

Trọng Đạt
--------------------------

Trong một bức thư gửi cho một người bạn, vị Bộ Trưởng Ngân Khố đầu tiên của Hoa Kỳ Alexander Hamilton (hình trên tờ giấy bạc $10), đã viết:
Quốc trái, nếu không dư thừa, sẽ là quốc phúc đối với chúng ta. Nó sẽ là một chất xi măng có tác dụng mạnh mẽ gắn chặt Liên Hiệp của chúng ta lại. Nó còn đưa đến sự cần thiết duy trì thuế khóa tới mức độ nào đó, nếu không bị áp chế, sẽ là một kích thích cho nền kinh tế.

Hamilton đã viết những lời trần tình trên vào năm 1780, tức trên hai trăm ba mươi năm về trước, để giải thích vì sao quốc gia tân lập này cần huy động quốc trái để trả dứt nợ mà một số tiểu bang còn mắc trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ nước Anh. Quan điểm của ông đã thắng thế thời bấy giờ. Và quốc trái Hoa Kỳ hình thành từ đấy.

Nhiều người khi biện minh cho việc chính phủ vay nợ, đã cố tình bỏ đi mấy chữ "if it is not excessive" trong câu "A national debt, if it is not excessive, will be to us a national blessing."

Có lẽ chỉ vì Hamilton đã không cho biết đến mức độ nào thì nợ bị gọi là "dư thừa", cho nên vấn đề quốc trái đã không ngừng được bàn cãi trong những thập niên vừa qua khi mức nợ cứ lần lần lên cao, và "nổ tung" ra từ giữa năm 2011 khi cần phải quyết định xem đến đâu thì được xem là mức nợ không được phép vượt qua (debt ceiling). Báo chí của cộng đồng người Việt hải ngoại bỗng dưng cũng bị hai "chữ lạ" xâm nhập. Đó là "Nợ trần"! Nếu dịch là "trần nợ" theo nguyên văn và đúng ngữ pháp, thì may ra người đọc còn có thể tưởng tượng để mà hiểu được!

Chữ quốc trái trong bài này dùng để dịch chữ national debt. Nếu đề cập đến Hoa Kỳ mà thôi, nó cũng dùng để chỉ nợ liên bang (federal debt) mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ vay mượn từ các nguồn trong và ngoài nước.

Thật ra đã từ lâu các nhà lãnh đạo trên thế giới đã sử dụng quốc trái để tài trợ những chi phí cần thiết. Đế quốc La Mã, đế quốc Anh v.v. không những chỉ được xây dựng trên xương máu của binh sĩ, mà còn trên nợ nần để mua sắm vũ khí, tàu bè, quân trang, quân dụng. Và từ năm 1936, khi học thuyết của kinh tế gia John Meynard Keynes ra đời thống ngự chính sách kinh tế của hầu hết các nước Tây phương nhiều thập niên sau đó, thì vay mượn trở thành "chuyện thường ngày". Không phải chỉ khi có chiến tranh lớn, chính quyền mới vay mượn nợ; mà trong thời bình, mỗi khi thấy cần thiết, chính quyền cũng vay mượn nợ như một công cụ cho chính sách kinh tế tài chánh. Thậm chí nhiều chính quyền còn vay mượn nợ để tài trợ cho những chương trình được xem là dân sinh để nhằm duy trì hay củng cố quyền lợi của cá nhân hay đảng phái của mình.

Song song với cuộc khủng hoảng nợ nần của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, người ta cũng đang chứng kiến cảnh bên kia bờ Đại Tây Dương, nhiều nước châu Âu trong Châu Âu Thống Nhất lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bắt đầu từ Hy Lạp, rồi đến Ý, đến Tây Ban Nha v.v., vấn đề quốc trái đang đe dọa nền tiền tệ của khu vực sử dụng đồng euro. Ban đầu nhiều người nghĩ nếu không có sự ra tay của "hiệp sĩ" Đức dưới một hình thức nào đó, thậm chí của "hảo hớn" Bắc Kinh mà ngũ tạng kinh tế cũng đang có vấn đề, thì tổ chức bên kia bờ Đại Tây Dương này, vốn đã được dày công thành lập với tham vọng đối kháng với sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ, sẽ trở về giấc mơ nguyên thủy. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh European Leaders ngày 26/10/11 vừa qua, thì tình hình tài chánh của châu Âu đã bớt khẩn trương và các vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng mà hội nghị đã vạch ra, tuy chi tiết thi hành cũng sẽ gây xích mích ít nhiều giữa các nước trong tổ chức, nhất là giữa Pháp và Đức.

Một chút lý thuyết

Để tài trợ công chi, chính phủ thường sử dụng 2 biện pháp chính: thuế và vay mượn. Tại Hoa Kỳ, cả hai đều phải có sự chấp thuận của Quốc Hội: thuế thường được biểu quyết riêng biệt và vay mượn thường được thông qua khi biểu quyết ngân sách. Lệ phí cũng giúp khá nhiều cho số thu[1], do các cơ quan hành chánh quyết định. Ngân sách hằng năm của liên bang mang tên niên lịch năm sắp tới, bắt đầu vào ngày 1 tháng 10 của niên lịch năm nay và chấm dứt vào ngày 30/9 niên lịch sau. Thí dụ Ngân Sách 2012 bắt đầu ngày 1/10/2011 (đã được soạn thảo xong và chuyển sang quốc hội vào tháng Hai năm 2011 để Quốc Hội thảo luận và biểu quyết) và sẽ chấm dứt ngày 30/09/12.

Lý tưởng là số dự thu bằng số dự chi. Đôi khi nền kinh tế bỗng nhiên phồn thịnh hơn dự tính, thì số thực thu có thể vượt quá số dự thu, nhờ căn bản thuế tăng lên, trong khi thuế suất vẫn không thay đổi. Khi số thực thu nhỏ hơn số thực chi thì xảy ra khiếm hụt ngân sách (budget deficit). Và khi số thực thu lớn hơn số thực chi thì là thặng dư ngân sách (budget surplus).

Khi số thu (revenues) nhỏ hơn số chi (outlays), thì ý nghĩ đầu tiên là phải tìm cách nâng số thu lên, bằng cách tăng thuế suất các loại thuế hiện hành hoặc đặt ra các loại thuế mới. Giải pháp tăng thuế suất có thể đưa đến việc trốn thuế (tax evasion), tức người bị đánh thuế sẽ không khai thuế, hoặc khai gian, mặc dầu biết đó là phạm pháp; hoặc họ tìm mọi cách để tránh thuế (tax avoidance) nếu có thể được, chẳng hạn không đi làm thêm nếu là cá nhân, hay tân tạo, sửa chửa máy móc dụng cụ theo luật định, mặc dầu không cần thiết, nếu là cơ sở thương mại. Cả hai hành vi trốn thuế và tránh thuế, nếu ở mức độ cao sẽ đưa đến thất thu cho ngân sách. Ngoài ra, cả hai giải pháp tăng thuế hay ra thuế mới không phải dễ thực hiện, vì dễ đưa đến hậu quả chính trị không hay cho những nhân vật đề nghị, hay bỏ phiếu.

Một câu hỏi tự nhiên khác cũng được đặt ra: Tại sao khi dự trù ngân sách lại không bớt số dự chi để cho nó cân bằng với số dự thu? Thông thường vị Tổng Thống đương nhiệm, muốn chứng tỏ mình làm được việc, thường có khuynh hướng thêm chương trình này, dự án nọ v.v. dĩ nhiên đưa đến tốn kém hơn dưới thời người tiền nhiệm, hay ngay cả dưới tài khóa trước; hoặc để cứu nguy cho tình thế kinh tế suy thoái, thì lại tốn kém nhiều hơn. Dự trù chi thêm, nhưng lại không dám dự trù tăng thuế, nhất là phải tăng nhiều cho cân bằng. Khi thảo luận, các vị dân cử –nhất là các vị thuộc đảng đối lập — có thể đề nghị cắt bớt các khoản chi; nhưng thường thì chẳng mấy ai dám đề nghị tăng thuế, nhất là tăng thuế đụng chạm đến quyền lợi của cử tri, đặc biệt cử tri đã từng ủng hộ, hay có thể sẽ còn ủng hộ mình. Vai trò của các tay vận động hành lang (lobbyists) sẽ trở nên rất lợi hại đối với các công ty, các ngành nghề lớn (xe hơi, xăng dầu, nông nghiệp vv.)

Khi Quốc Hội thảo luận cắt bỏ một số loại thuế, nhất là khi giảm thuế suất cho các loại thuế hiện hành –đặc biệt thuế lương bỗng (payroll tax) và thuế lợi tức (income tax), dư luận thường lên án là cắt giảm thuế chỉ "giúp cho người giàu trở thành giàu thêm". Câu chuyện này đã xảy ra từ thời Tổng Thống Reagan. Tái diễn ra dưới thời Tổng Thống G.W.Bush, lúc nền kinh tế Hoa Kỳ đã dấu hiệu suy thoái trước khi ông bước vào Tòa Bạch Ốc, chứ không cần phải đợi đến biến cố lịch sử 9-11-2001. Có phải thực sự Đảng Cộng Hòa đã hai lần hành động vô lý và "điên rồ" hay không?

Vì chủ trương giảm thuế suất để tăng thu cho ngân sách là một chủ trương tương đối mới, chỉ phổ biến từ đầu thập niên 1970, cho nên xin bàn thêm một chút. Thật vậy, từ khi phương pháp sản xuất hằng loạt (mass production) được áp dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới, lý thuyết kinh tế dựa chủ yếu trên số cầu tổng gộp (aggregate demand): muốn kinh tế tăng trưởng cần phải nâng cao số cầu tổng gộp, tức cầu của những người tiêu thụ (consumption), cộng với cầu của những nhà đầu tư (investment) và cầu của chính phủ (government), tức (C + I + G) như thường viết vắn tắt. Theo Keynes, cung cầu không thể tự điều chỉnh; do đó muốn giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, thì chính quyền cần ảnh hưởng đến cầu tổng gộp qua chính sách tài chính, tức tăng công chi. Theo lý luận này, thì một đô la chính phủ chi ra sẽ làm cho tổng sản lượng quốc gia tăng thêmnhiều hơn một đô la theo tác dụng số nhân (multiplier effect), và càng lớn hơn khi càng qua tay nhiều người hơn. Nói chung, cầu tổng gộp tăng kéo cung tổng gộp (hàng hóa và dịch vụ) tăng theo, làm cho kinh tế lớn mạnh thêm, và chính quyền sẽ thu nhiều được thuế hơn. Năm 1971, sau khi quyết định tách đồng đô la ra khỏi kim bản vị (tức không thể đổi đồng đô la để lấy vàng như trước đó), Tổng Thống Nixon tuyên bố: "Giờ đây tôi cũng là một người theo chủ nghĩa Keynes trong kinh tế học" (I am now a Keysian in economics).

Sang đầu thập niên 1970, một số kinh tế gia thuộc trường phái "kinh tế dựa trên phía cung" (supply side economics, trong đó có Arthur B. Laffer[2], sau trở nên một thành viên của Economic Policy Advisory Board của Tổng Thống Reagan 1981-89), lý luận rằng việc giảm thuế suất không những không bớt mà còn tăng tổng số thu cho ngân sách nữa. Nếu tổng số thuế thu là tích số của thuế suất và căn bản thuế (tax base), như công thức dưới đây:

Tổng số thuế thu = (thuế suất) X (căn bản thuế),

thì khi giảm thuế suất đến một mức nào đó, căn bản thuế sẽ mở rộng ra, và chính phủ sẽ thu thuế vào nhiều hơn. Theo một nghiên cứu, khi thuế suất lên cao đến 70%, như trường hợp Thụy Điển năm 1969, chính quyền giảm thuế suất, thì tổng số thu đã tăng lên. Cơ sở cho lý luận của lý thuyết "kinh tế dựa trên phía cung" là: Giảm thuế suất sẽ khuyến khích và thúc đẩy người ta hăng hái làm việc hơn: người lao động cung cấp thêm sức lao động để làm thêm giờ, thêm jobs; các nhà sản xuất cung cấp thêm hàng hóa dịch vụ, các nhà tư bản cung cấp thêm vốn để đầu tư vv. Và Chú Sam sẽ có thêm tiền thuế bỏ vào túi, nhiều hơn khi không giảm thuế suất.

Một thí dụ giản dị: Giả sử có 10.000 người đang thất nghiệp, và mỗi người hưỏng trợ cấp thất nghiệp 1.300 đô la/tháng. Nếu có jobs mở ra cho họ, trung bình 2.000/tháng và thuế suất là 20%; như vậy khi đi làm, họ sẽ lãnh 1.600 đô la/tháng, không hơn trợ cấp thất nghiệp bao nhiêu và chưa chắc họ muốn đi làm ngay. Bây giờ, nếu giảm thuế bằng cách hạ thuế suất xuống chỉ còn 10%, nếu đi làm mỗi người sẽ lãnh 1.800 đô la/tháng. Họ có thể suy nghĩ lại. Nếu tất cả đều đi làm, thuế chính phủ sẽ thu: 2.000 x 10% x 10.000 = 2.000.000 đôla/tháng. Đó là chưa kể đến số tiền tiêt kiệm lớn vì không còn phải trả cho trợ cấp thất nghiệp: 13.000.000 đôla/tháng.

Ứng cử viên Tổng Thống Ronald Reagan đã đưa ra chương trình giảm khiếm hụt ngân sách và nợ nần liên bang như một trong những chủ đề tranh cử. Thắng cử vẻ vang, ngày 20/1/81, ông tuyên bố như sau về chuyện nợ nần trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên:
"Đồng bào và tôi, với tư cách cá nhân, có thể sống quá phương tiện của chúng ta bằng cách vay mượn, nhưng chỉ trong một thời gian hạn định mà thôi. Vậy thì, nói chung như một quốc gia, chúng ta có nên nghĩ rằng chúng ta không bị ràng buộc bởi cùng cái giới hạn đó hay chăng? Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để duy trì mai hậu. Và đừng để hiểu lầm. Chúng ta sẽ bắt đầu hành động, bắt đầu ngay hôm nay."

Ông lại còn quả quyết: "Chính quyền không là một giải đáp cho vấn đề; chính quyền mới chính là vấn đề." Ông đã thành công trong việc thuyết phục quốc hội chịu giảm thuế suất lợi tức (từ 70%, xuống còn 50% năm 1984, rồi chỉ còn 33%; rồi với cuộc cải cách thuế khóa năm 1986, thuế lợi tức chỉ còn 2 thuế suất 28% và 15% khi ông mãn nhiệm kỳ 2). Ông cũng tận lực cắt giảm tổng công chi của chính phủ liên bang, từ 23,5% TSLQG năm 1983 xuống cò 21,2% năm 1989. Chỉ riêng trong lãnh vực quốc phòng, ông cũng làm cho các vị dân cử bùi tai thông qua kế hoạch tốn kém "Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao" (Star War), lôi cuốn Liên Xô phiêu lưu vào cuộc thi đua võ trang, và cuối cùng tan rã, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh không một phát súng như chúng ta đã biết. Và kết quả sau 2 nhiệm kỳ là: khiếm hụt từ 73.845 tỷ (tài khóa 1981) 152.481 tỷ (tài khóa 1989), và nợ liên bang cùng thời đã tăng theo, từ 909.050 triệu tỷ lên 3.206.564 triệu, tức trên 3,2 ngàn-tỷ (3.2 trillion). Nói cách khác, nợ nần tính bằng ngàn-tỷ bắt đầu từ thời Reagan![3]

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh ở đây: Khiếm hụt ngân sách và quốc trái không phải là các tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của chính sách kinh tế, vì các mục tiêu chính của chính sách kinh tế là chống lạm phát, tạo công việc làm, tăng lợi tức cho dân chúng. Thật vậy, dưới thời Reagan, ngân sách năm nào cũng khiếm hụt – năm ít hơn, năm nhiều hơn – và quốc trái mỗi năm đều tăng về số lượng, cũng như về tỷ lệ so với tổng sản lượng quốc gia (Quốc Trái/TSLQG)[4], nhưng nhờ chính sách cắt giảm thuế và chủ rrương tháo gỡ các ràng buộc (deregulation, chẳng hạn không còn qui định giá cả, lệ phí, không hạn chế địa lý hoạt động của các ngân hàng v.v.) mà nền kinh tế Hoa Kỳ bành trướng thêm ra hơn 30% trong thời kỳ 7 năm hồi phục. Chỉ riêng năm 1984, mức tăng trưởng kinh tế lên con số kỷ lục 6,8%. Về phương diện nhân dụng, đã có thêm 20 triệu công việc làm; tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, chỉ còn 5,3% vào năm 1989. Tỷ lệ lạm phát năm 1980 (trước khi Reagan nhậm chức) xuống phân nửa, tức chỉ còn 6,2% vào năm 1982; rồi lại xuống thêm phân nửa vào năm sau đó, tức 3,2%, nghĩa là gần đạt mức lý tưởng 3% mà các kinh tế gia xem là lúc nền kinh tế toàn dụng. Cũng dưới thời Reagan, lợi tức khả dụng thực (real per capita disposable income, tức lợi tức khả dụng sau khi điều chỉnh lạm phát) đã tăng lên 18%, khiến cho mức sống của dân chúng được nâng cao nhiều.

Lúc đầu, nhiều kinh tế gia không mấy tin tưởng vào hiệu quả của nguyên tắc giảm thuế theo lý thuyết kinh tế dựa trên phía cung. Nhưng về sau, khi nó phát huy đầy đủ tác dụng thì kết quả rất khả quan. Thực vậy trong tài khóa 1986, khiếm hụt ngân sách lên đến con số kỷ lục: 221 tỷ. Nhưng trong 3 tài khóa kế tiếp sau đó, thì khiếm hụt chỉ còn 149,8 tỷ; 155,2 tỷ và 152,5 tỷ. Một vài tác giả còn dành công lao cho lý thuyết này khi kể đến sự ra đời và phát triển của các đại công ty như Microsoft, Intel, Wal Mart v.v.

Trên đây là lời giải thích rất đơn sơ cho biết vì sao những chính quyền sau đó vẫn còn chuộng các biện pháp giảm thuế.

Khiếm hụt Ngân sách và quốc trái

Khi ngân sách khiếm hụt, thì chính quyền đi vay nợ để tài trợ các khoản chi, nếu không thể thu thuế đủ để trang trải. Nhìn lại lịch sử của Hoa Kỳ trong một trăm năm vừa qua, chúng ta thấy rằng không phải đợi đến khi có chiến tranh, thì ngân sách mới thâm thủng; mà ngay trong thời bình chính phủ cũng phải vay mượn, tuy thường ít hơn.

Thật vậy từ tài khóa 1909 đến 1917, tỷ lệ quốc trái so với tổng sản lượng quốc gia (TSLQG) chỉ trong khoảng 2% – 3%. Mười tài khóa thời bình (1930-1940) do ảnh hưởng của cuộc Đại Suy Thoái Kinh Tế (Great Depression), tỷ lệ này lên từ 17,90% lên 50,85%. Các biện pháp can thiệp khá thành công của nhà nước dưới thời Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945) vào lãnh vực kinh tế tài chánh, cùng sự ra đời của học thuyết Keynes về vai trò tích cực của chính quyền trong việc giải quyết thất nghiệp như đã đề cập là một bước ngoặc quan trọng giúp chính quyền càng ngày càng thêm bạo dạn trong việc sử dụng nợ nần trong thời bình.

Thế Chiến Thứ Hai là một biến cố gây tốn hao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ so với tất cả những biến cố trước đó: Tài khóa 1946, ngân sách khiếm hụt 17.389 triệu, đưa quốc trái tích lũy lên mức 269.422 triệu, tức 129,98% TSLQG. Nhưng trong sáu tài khóa kế tiếp, ngân sách đều thặng dư, nợ được trả dần; quốc trái chỉ còn bằng 74% TSLQG (1952).

Từ đó đến năm 1997, ngoại trừ một năm thặng dư (1960), ngân sách liên bang đều khiếm hụt, nhưng tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG lại giảm dần (phần lớn nhờ TSLQG tăng nhanh), thấp nhất là 33,84% (1981), rồi lại tăng lên. Cuối nhiệm kỳ của Reagan (1989), tỷ lệ này là 54,68%. Và cứ thế mà tăng. Đến nhiệm kỳ 2 của Bill Clinton, thì có bước ngoặc rất lịch sử: liên tiếp 4 tài khoá (1998, 1999, 2000 và 2001), ngân sách đều thặng dư. Được như thế, một mặt, là do giảm chi: trung bình mỗi năm chi tiêu thực (đã điều chỉnh lạm phát) chỉ tăng 1,5% TSLQG (so với 5% dưới thời Lyndon Johnson và George W. Bush) nhờ chi phí quốc phòng sau khi Bức Tường Bá Linh đổ xuống chỉ còn chiếm 3% TSLQG (so với 10% trong 3-4 thập kỷ trước đó) . Mặt khác, cũng nhờ tăng thu, chẳng hạn, tăng thuế suất áp dụng cho nhóm lợi tức cao nhất lên đến mức 39.6% (Bush hứa "read my lips" không có thuế mới "no new taxes" nhưng đã tăng thuế suất này từ 28% lên 31%, và tạo nhiều bất lợi chính trị khi ông tái tranh cử dù đã tạo chiến thắng quân sự huy hoàng ở Vùng Vịnh), tiền hưu an sinh xã hội (social security benefits) cũng bị thuế. Tóm lại, do giảm chi và nhờ bội thu do kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG thấp xuống: lần lượt là 62,60%; 60,50%; 57,30% và59,20%. Đến đây, những chuyên viên kinh tế, tài chánh, ngân hàng, ngân sách tỏ ra vô cùng phấn khởi, hy vọng là nếu tiếp tục giữ cơ cấu thuế và hạn chế chi tiêu như thế này thì đến năm 2013, chính phủ Mỹ sẽ trang trải hết nợ nần.

Nhưng đó chỉ còn là một giấc mơ lớn! Như đã thấy, trong trên 50 năm, từ 1949 đến 2001, Hoa Kỳ chỉ có 10 tài khóa ngân sách thặng dư, thì trong 50 năm tới, con số tài khóa thặng dư chắc chắn sẽ còn ít hơn. Và giấc mộng trả dứt nợ nần không thể nào thành sự thật được.

Thật vậy, năm 2001, sau khi Tổng Thống G.W. Bush được bầu vào Tòa Bạch Ốc, thì nhiều biến cố lớn xảy ra: vụ không tặc tấn công New York và Washington DC làm kinh tế trì trệ, hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq vô cùng tốn kém. .

Như đã nói trên, phấn khởi vì 4 tài khóa thặng dư trong nhiệm kỳ hai của Tổng Thống Clinton, nhiều chuyên viên đề nghị tỷ lệ Khiếm Hụt/TSLQG không được vượt quá 1%. Nhưng khi Tổng Thống G.W. Bush bước vào Nhà Trắng năm 2001, thì kinh tế có đã dấu hiệu suy thoái rồi. Để chống suy thoái, ông tạm cắt giảm thuế trong một thời gian Trước hết, là thuế lương bỗng và thuế lợi tức cá nhân. Sở dĩ thuế suất của 2 loại thuế này đưọc sử dụng thường xuyên vì nó không những là một công cụ tài chánh hữu hiệu dễ đem lại nguồn thu lớn nhất cho chính quyền liên bang mà còn phản ảnh khá rõ ràng lập trrường chính trị của đảng cầm quyền. Thí dụ, individual income tax & tax withholding trong 2 tài khóa 2004 và 2005 chiếm trên 80% ngân sách dự trù[5]. Bush giảm tỷ lệ 39,6% cho nhóm cao nhất thời Clinton, xuống còn 35% (rất thấp so với tỷ lệ 94% thời Thế Chiến Hai, hay 90% thời Tổng Thống Eisenhower 1963-61); và cho nhóm thấp nhất từ 15% xuống còn 10%. Năm 2003, thuế suất đánh trên thắng lợi tư bản (capital gains tax rate) và thuế suất thuế lợi tức đánh trên tiền lời cổ phiếu công ty (income tax rate on corporate dividents) được giảm hơn phân nửa. Năm sau đó, Đạo Luật American Jobs Creation Act lại giảm thuế lợi tức cho các công ty Hoa Kỳ kinh doanh ở nước ngoài.

Nhưng với những phương cách giảm thuế suất đó, tổng số thu không tăng lên nhanh như dự trù, mà trái lại còn sụt xuống nhiều — chủ yếu do ảnh hưởng biến cố 11/9/2001– từ 20,9% GNP trong tài khóa 2000 xuống còn 16,3% GNP trong tài khóa 2004. Chỉ riêng trong tài khóa này, quốc trái lên đến 413 tỷ. Tuy nhiên, trong 3 năm kế tiếp, sau khi các biện pháp cắt giảm thuế nói trên được áp dụng và phát huy tác dụng, thì nền kinh tế cải tiến phục hồi khả quan: chi phí tư doanh tăng trung bình mỗi quý 6,7%, nhờ đó tạo thêm 7,8 triệu công việc làm, hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 6% xuống còn 4,4%, sản lượng công nghiệp vọt lên cao nhất tính trong vòng 20 năm, đẩy suất số tăng trưởng kinh tế lên 3,5%, tức tăng gấp đôi 3 năm trước đó. Riêng số thu đánh trên thắng lợi tư bản (capital gains tax) lại tăng gấp đôi mặc dù thuế suất giảm đi 25%.

Nhưng những thuận lợi trên không kéo dài được lâu.

Nếu trước đây đến cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Clinton, thì nay chỉ mới đến năm thứ 7 của nhiệm kỳ của vị Tổng Thống G.W. Bush, nền kinh tế phồn vinh dựa trên nợ nần vay mượn của Hoa Kỳ cho thấy nhiều dấu hiệu suy thoái. Những người Mỹ lớn tuổi đã từng chứng kiến thị trường nhà cửa vỡ tung ở nhiều thập niên truớc, cũng như người Việt di tản đã từng chứng kiến thị trường chim cút sụp đổ ở Saigon hồi đầu thập niên 1970, cũng nghĩ sẽ có chuyện không hay xảy ra. Một số kinh tế gia Mỹ — không nhiều — đã lên tiếng cảnh giác; nhưng rất tiếc không mấy ai tiên liệu rõ được thời điểm, nguyên nhân và hậu quả! Giá xăng dầu lên vùn vụt, giá nhà đất mỗi ngày một lên cao khi có nhiều người tranh giành nhau mua, các gia chủ refinance để tiêu xài thoải mái, hệ thống tín dụng sự cho vay bừa bãi v.v. chỉ là một tín hiệu tuy đáng ngại nhưng không rõ ràng lắm. Sự kiện hàng hóa ế ẩm mùa Giáng Sinh 2007, và hàng hóa bán đại hạ giá vài tuần sau đó cũng không được chiếu cố như những năm trước là một tín hiệu rất rõ nét. Tháng 2/2008, quốc hội thông qua đạo luật nhằm kích thích nền kinh tế (Econonomic Stimulus Act) cho phép hành pháp tung ra $168 tỷ — gọi là hoàn thuế, $600/người cho hầu hết người lớn và $300 cho mỗi trẻ em. Lần "giảm thuế" này không phải là để kích thích phía cung, mà là để kích thích phía cầu. Các tác giả của giải pháp này hy vọng khoảng 3 tháng sau khi các checks được gửi đi, thì TSLQG sẽ tăng lên từ 1 đến 3%. Nhưng thực tế cho thấy những người nhận được tiền chỉ xài 20-30% cho việc sắm sửa; số còn lại thì tiết kiệm để xài từ từ cho những nhu cầu khác, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu đổ xăng, mà giá cả càng ngày càng tăng, trung bình là $4.00/gallon vào cuối tháng 5 năm đó.

Cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2007-2008 bắt nguồn từ việc cho vay dễ dãi (subprime mortgage crisis) đã gây tác hại rất lớn mà đến nay ảnh hưởng vẫn còn, nhất là đối với các địa phương. Theo ý kiến của một số chuyên viên kinh tế, nó xuất phát từ thời Clinton: Dưới sự vận động của nhóm khuynh tả Assosiation for Community Organization for Reform Now (ACORN), năm 1993, Bộ Trưởng Phát Triển Nhà Ở và Đô Thị (HUD) Henry Cisneros đã cho sửa đổi nhiều điều khoản về cho vay của 2 công ty tính cách "bán công" Fannie Mae và Freddie Mac's để các tổ chức này tạo điều kiện giúp những người có lợi tức thấp được dễ dàng vay tiền để mua nhà. Trong một cuộc họp báo tháng 6/1995, Clinton tuyên bố: "Kế hoạch sở hữu chủ gia cư của chúng ta sẽ không tốn hao thêm một xu nào cho người thọ thuế. Nó cũng không đòi hỏi thủ tục lập pháp."[6] Năm 1998, khi bị chất vấn tại Quốc Hội về việc không tiết kiệm của xã hội Mỹ, vị Chủ Tịch FED Alan Greenspan giải thích: "Vâng, nhưng giá nhà đang lên cao, và vì vậy mà người ta có tiền tiết kiệm." Nếu lúc đó, ông mua cái biệt thự sang trọng 5 triệu đô la, thì giờ đây nếu bán được thì chỉ còn không hơn 3,5 triệu: ông không tiết kiệm, mà còn lỗ to.

Tháng 9/2008, sau 2 tháng cố gắng cứu nguy nhưng không hiệu quả, ngày 7/9/08 chính quyền liên bang đành nhận đảm nhiệm 2 công ty trên, cam kết đền bù 200 tỷ để đền bù thiệt thòi cho các cổ đông, và 150 tỷ cho 2 năm kế tiếp. Bỏ mặc cho đại công ty Lehman Brothers khai phá sản, vào ngày 19/6/08, Bộ Ngân Khố tuyên bố sẽ bỏ thêm 85 tỷ bailout đại công ty bảo hiểm khác AIG.

Trong khi cuộc tranh cử gần kết thúc và ứng cử viên Tổng Thống Obama đang có chiều thắng thế, thì ngày 13/10/08, Bộ Trưởng Ngân Khố Henry Paulson của chính quyền Bush, Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Ben Bernake, Tổng Giám Đốc Sheila Bair của FDIC và Chủ Tịch Fed ở New York Timo Geithner gặp gỡ làm việc với 9 vị Tổng Giám Đốc ngân hàng lớn nhất của nước Mỹ, yêu cầu họ điền và ký vào mẫu in sẵn để bán preferred stock của các ngân hàng này cho chính phủ, nhiều ít tùy theo tầm cở của ngân hàng, với giá tính trung bình thấp hơn 20% total equity của các ngân hàng. Nói cách khác, nếu các ngân hàng này không muốn bị chính phủ bailed out, thì bất kỳ lúc nào FBI cũng có thể xin lệnh bố ráp … và đóng cửa. Đến 6 giờ rưỡi tối, thì quý vị TGĐ đành tuân thủ ghi tiền bán đã được định sẵn, ký tên và ghi ngày tháng vào. Có lẽ Bộ Ngân Khố đã đãi họ ăn trưa với cái hamburger và lon nước soda rồi. Mà nếu Paulson có đãi cơm chiều vì tình đồng nghiệp cũ, thì họ cũng không ăn nỗi! Thật ra, sự kiện xảy đến cũng không có gì đáng ngạc nhiên: Mười ngày trước đó, sau khi đã bị đánh bại ở Hạ Viện, một dự luật nhằm cho phép Hành Pháp xuất một ngân khoản lớn đã được Thượng Viện bổ sung, rồi thông qua và được Tổng Thống Bush ban hành có hiệu lực kể từ ngày 3/10/08. Đó là Luật Cứu Trợ Kinh Tế Khẩn Cấp (The Emergency Economic Stabilization Act) cho phép Bộ Ngân Khố thiết lập chương trình TARP (Troubled Asset Relief Program) với ngân khoản 700 tỷ để mua các chứng khoán được bảo đảm bằng mortgage (mortgage-backed security) cũng như giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Nói tóm lại, giảm thuế, lún sâu vào 2 cuộc chiến Afghanistan và Iraq, cứu trợ Katrina, suy thoái kinh tế nhiều năm sau vụ tấn công của khủng bố, các vụ bailout vv. đã khiến cho khiếm hụt ngân sách tăng lên đáng ngại. Trừ tài khóa 2001, mà ngân sách được soạn thảo và thực hiện từ thời Clinton, tất cả tài khóa dưới thời ông (2002 – 2009) đều khiếm hụt, khiến tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG vượt quá con số 60%. Ông bay về Texas thảnh thơi bửa củi cho khỏe tay, để lại ngân sách khiếm hụt trên 1.420 tỷ, hay 1,42 ngàn-tỷ (trillion), và đưa quốc trái lên 1,909 ngàn-tỷ, khiến tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG là 81.54%. Để cho dễ nhớ, chúng ta có thể ghi nhận rằng: Tổng Thống Bush là vị Tổng Thống Mỹ đầu tiên đưa khiếm hụt ngân sách lên đơn vị ngàn-tỷ (trillion); còn trước đó thì Tổng Thống Reagan đã mở kỷ nguyên đưa quốc trái lên ngàn-tỷ.

Quả là một sự chuẩn bị trao ấn kiếm hứa hẹn nhiều thách thức cho chủ nhân mới của Tòa Bạch Ốc.

Trước tình hình kinh tế rất khẩn trương: tỷ lệ thất nghiệp càng ngày càng cao, dân chúng không trả nổi mortgage, hệ thống ngân hàng hầu như bất động, nhiều người lo sợ một đại khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra.

(Amazon.com cho biết các sách viết về cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế hồi đầu 1930 được tái bản và bán rất chạy. Người viết này cũng là một trong những người mua). Ngay từ tháng 11/2008, Tổng Thống Đắc Cử Obama loan báo đề cử một số chuyên gia kinh tế thượng thặng vào các chức vụ cao cấp nhất trong chính phủ mới, và họ bắt đầu làm việc ngay, rất khẩn trương. Vì dân chúng không có việc để mà làm, cho nên biện pháp giảm thuế để khuyến khích người ta làm việc đã không được nghĩ tới. Các kinh tế gia đều nghĩ đến các chương trình New Deal hồi phục kinh tế của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945, vị TT được bầu lại nhiều nhiệm kỳ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ), và John M. Keynes với tác dụng số nhân của tiền chính phủ tung ra như đã đề cập ở trên.

Trong bức thư đề ngày 14/2/11 kèm theo dự án Ngân Sách 2012, nghĩa là ông đang bước vào năm thứ ba của nhiệm kỳ, Tổng Thống Obama phân trần: "Khi tôi tuyên thệ nhậm chức 2 năm trước đây, Chánh Phủ của tôi được để lại cho một ngân sách khiếm hụt hàng năm 1,3 ngàn-tỷ, hay 9, 2% TSLQG; và một khiếm hụt được dự phóng trên 8 ngàn-tỷ cho 10 năm kế. Những khiếm hụt này là hậu quả của 8 năm đã không chi trả cho nhiều chương trình – đáng lưu ý, 2 lần cắt giảm thuế lớn lao, và lợi ích mới Medicare chi trả cho việc mua thuốc có toa – cũng như cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chánh đã làm tệ hại thêm tình hình thuế má trong khi số thu lại giảm và các loại chi phí tự động của Chính Phủ (automatic government outlays) lại tăng lên để đối phó với cuộc suy thoái, và làm nhẹ bớt ảnh hưởng của nó."[7]

Tổng Thống Obama tuyên bố Chính Phủ của ông đã thực hiện nhiều bước để "tái lập trách nhiệm tài chánh (re-establish fiscal responsibility)." Khác với Tổng Thống Kennedy muốn ám chỉ việc tránh khiếm hụt thêm ngân sách (avoidance of additional deficits)[8] khi đầu tiên dùng chữ "trách nhiệm tài chánh" trong Thông Điệp gửi Quốc Hội ngày 04 20/4/61, Tổng Thống Obama còn muốn đề cập tới việc đã hoàn thiện thủ tục ngân sách, cắt bỏ, cải tổ các chương trình kém hiệu năng hay trùng dụng. Theo phân tích của Congressional Budget Office (thường được gọi tắt CBO, một cơ quan không mang tính cách đảng phái của Quốc Hội phụ trách ngân sách, được thành lập nhiều năm sau Office of Management and Budget, gọi tắt OMB trực thuộc Tòa Bạch Ốc), thì khiếm hụt ngân sách giảm hơn 200 tỷ trong thập niên này, và 1.000 tỷ trong thập niên kế.

Để đạt các mục tiêu trên, ngân sách tài khóa 2012 sẽ không tăng các dự chi cho các lãnh vực khác ngoài lãnh vực an ninh; không tăng lương cho công chức liên bang trong 2 năm; bãi bỏ nhiều cơ quan; giảm chi phí Bộ Quốc Phòng, trong đó bỏ hẳn các dự án quân dụng tốn kém, giải ngũ trên 100 vị đại tướng và đô đốc. Để duy trì nguồn thuế, ông chống lại việc triển hạn cắt giảm thuế cho những gia đình có lợi tức hàng năm trên 250.000 đô la đã được ban hành năm 2001 và 2003 dưới thời TT. Bush. Dự án ngân sách cũng đề nghị cải tổ hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, cải tổ Công Ty Pension Benfits để bảo đảm tiền hưu cho công nhân của các công ty suy sụp và phá sản, cải tổ Cục Federal Housing Administration phụ trách giúp đỡ nhà ở rẻ tiền cho những người có lợi tức thấp; cải tổ thêm hệ thống bảo hiểm sức khỏe để đủ chi trả trong 2 năm theo tỷ lệ tăng lên ở mức chịu đựng được, mà không phải cắt giảm lớn lao số tiền bồi hoàn y tế cung cấp cho người lớn tuổi.

Trong khi đó, sẽ có những đầu tư mới và lớn lao cho một số lãnh vực quan trọng sau đây. Trước hết, Ngân Sách 2012 khuyến khích giáo dục đại học qua việc triển hạn Luật American Opportunity Tax Cut, duy trì chương trình học bỗng Pell Grant có từ nhiều thập niên vùa qua, ngõ hầu đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ có số sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất thế giới; đào tạo thêm 100.000 giáo chức toán và khoa học kỹ thuật; thúc đẩy và khuyến khích các trương học, các tiểu bang thi đua trong giáo dục qua chương trình "Race to Top". Kế đến ngân sách này cũng sẽ tích cực trợ giúp những nghiên cứu cơ bản (basic research), tức những nghiên cứu chỉ có thể sinh lợi về lâu về dài mà các công ty không muốn thực hiện, chẳng hạn trong lãnh vực kỹ thuật năng lượng sạch (clean energy technology) để sao cho đến năm 2015, Hoa Kỳ là nước đầu tiên có 1 triệu chiếc xe hơi chạy điện; đến năm 2035, có 80% điện lực được cung cấp bằng năng lượng sạch. Hơn nữa, ngân sách này sẽ tiếp tục sửa sang, tu bổ hay tân tạo hạ tầng cơ sở, hệ thống lưu thông đã khá cũ kỹ, với số đầu tư sơ khởi 50 tỷ và qua sự thành lập của một ngân hàng mới có tên National Infrastructure Bank.

Ngân Sách 2012 do Obama đưa sang đề nghị phần thu (revenues) là 2,627 ngàn-tỷ và phần chi (outlays) là 3,732 ngàn-tỷ. Vào tháng 4, đảng Cộng Hòa đề nghị 2 con số này lần lượt là 2,533 ngàn-tỷ và 3,529 ngàn-tỷ; nghĩa là đề nghị giảm cả thu lẫn chi. Tuy nhiên, trong phần dự chi, có những khoản được gọi là entitlements, thì đề nghị cắt giảm của Đảng Cộng Hoà không đáng kể, vì chúng được xem như là bắt buộc (mandate). Chính Obama đã đề nghị giảm chi phí cho các chương trình sau đây: Medicare 0,6% (còn 761 tỷ), Medicaid và Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Trẻ Em Cho Các Tiểu Bang 2,5% (còn 269 tỷ), Trợ Cấp Thất Nghiệp 14% (còn 612 tỷ), Cứu Nạn Nhà Cửa Gặp Khó Khăn 54% (còn 13 tỷ). Tuy nhiên, trong thành phần entilements này có 2 loại chi phí tăng lên. Đó là tiền an sinh xã hội (social security), lý do là vì các baby boomers bắt đầu về hưu, tăng 2.6% (lên 761 tỷ) và tiền lãi cho quốc trái sẽ tăng 17% (lên đến con số 242 tỷ).Nhìn chung, các chi phí bắt buộc (entitlements) lên đến 2,382 ngàn-tỷ, chiếm 67,5% ngân sách; và Đảng Cộng Hòa dù có cắt giảm thành công chăng nữa, thì cũng chẳng giảm được bao nhiêu. Riêng tiền lãi trả cho quốc trái đã chiếm trên 10% ngân sách.

Chi phí cao nhất vẫn là chi phí cho Bộ Quốc Phòng (553 tỷ, tăng 0,7%); Kế đến là Overseas Contingecies Operations, tức các hoạt động chống khủng bố hải ngoại, (118 tỷ, giảm 26%); Bộ Y Tế Xã Hội (79, 9 tỷ, giảm 1,8%) vv. Ngân Sách của Bộ Giáo Dục tăng 6,2%; của Bộ Năng Lượng tăng 4,2%, của Bộ Gia Cư tăng 0,5% phù hợp với các chương trình phát triển đã đề cập trên đây. Và dĩ nhiên ngân sách Bộ Cựu Chiến Binh cũng tăng nhiều (3,1%) để đáp ứng nhu cầu cho quân nhân về hưu, thương tật trở về.

Trong khi đó, thì tổng số thu chỉ là 2,627 ngàn-tỷ, trong đó thuế lợi tức cá nhân như bấy lâu nay vẫn đem lại số thu cao nhất: 1,141 ngàn tỷ (43,4%). Kế đến là thuế lợi tức công ty 329 tỷ (12,5%); thuế công quản (excise tax) 103 tỷ (3,92%). Deposits of Earnings và Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang cũng sẽ đem lại 66 tỷ (2,5%). Riêng Thuế An Sinh Xã Hội và Thuế Lương Bỗng đem lại 925 tỷ (35%). Chúng ta cũng đừng quên rằng thuế an sinh xã hội của những người chưa về hưu mỗi tháng 2 kỳ phải bỏ vào trust fund, trên nguyên tắc là để sau này trả mỗi tháng cho người đó. Nhưng trust này có nhiều tiền quá, trong khi chính phủ lại thiếu tiền. Vì vậy chính phủ cứ tiếp tục mượn đỡ để "xoay xở" và trả tiền lãi. Đã có lúc Quỹ An Sinh Xã Hội không có tiền mặt, vì thu vào chưa kịp, để trả cho những người đã về hưu!

Thu không đủ chi, khiếm hụt ngân sách phát sinh từ đó. Và vay mượn là kết quả hiển nhiên.

Nhưng câu hỏi quan trọng đã được đặt ra là: Khiếm Hụt Ngân và Quốc Trái lên đến mức nào thì đáng được gọi là báo động?

Đến ngày 17/12/11, TSLQG Hoa Kỳ là 15,074 ngàn-tỷ và quốc trái lên đến 15,128 ngàn-tỷ (so với 14,294 ngàn-tỷ ngày 12/2/11 lúc TT Obama chuyển Ngân Sách 2012 sang Quốc Hội). Nghĩa là tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG là 100,36%. Trong khi đó, khiếm hụt ngân sách là 1.303 ngàn-tỷ. Như vậy, tỷ lệ Khiếm Hụt/TSLQG là 8,64%. [9]

Theo thỏa hiệp The Maastricht Treaty được các nguyên thủ quốc gia Châu Âu Thống Nhất ký kết ngày 10/12/199, một trong những điều kiện để một quốc gia được chấp nhận vào Liên Hiệp Tiền Tệ là khiếm hụt ngân sách không được vượt quá 3% TSLQG, và tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG phải dưới 60%.Nếu Hoa Kỳ cũng theo tiêu chuẩn này, thì khiếm hụt và quốc trái phải đáng được báo động từ lâu rồi.

Tuy nhiên, theo tính toán của Reinhart &Rogoff thuộc Viện Peterson Institute for International Economics, một tổ chức chuyên nghiên cứu nợ nần của Hoa Kỳ và các nước phát triển khác, thì:
"…mối liên hệ giữa nợ của chính phủ và TSLQG thực sẽ yếu đối với những tỷ lệ Nợ/TSLQG bắt đầu ở mức 90%. Trên mức 90% này, thì các suất số tăng trưởng trung bình giảm 1% xuống, và sự tăng trưởng trung bình giảm xuống nhiều hơn."[10]

Vả lại, cân bằng ngân sách một cách tuyệt đối (nghĩa là chi phải bằng thu) cũng không phải là một giải pháp lý tưởng. Lý do là nếu xảy ra lạm phát chẳng hạn, thì Federal Open Market Committeee, bộ phận phụ trách mua bán chứng khoán chính phủ (government securities) thuộc Quỹ Dự Trữ Liên Bang, tức ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, sẽ khó thi hành hữu hiệu chính sách tiền tệ.

Tỷ phú Warren Buffet trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNBC (8/7/11) đã sử dụng tỷ lệ 3% đề cập trong Thỏa Hiệp Maastritch khi ông tuyên bố: "Tôi có thể chấm dứt khiếm hụt ngân sách trong 5 phút. Chỉ cần ra một đạo luật quy định rằng bất kỳ khi nào khiếm hụt ngân sách trên 3% TSLQG, thì tất cả thành viên đương nhiệm của quốc hội không đủ điều kiện để tái tranh cử." Ông chỉ nói cho vui, chứ nếu ông bỏ ra phân nửa tài sản để vận động, thì cái luật như vậy cũng không thể ra đời! Ba năm trrước đó (2008), trong một cuộc phỏng vấn, ông cho rằng tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG 40% đã không gây rắc rối gì trong quá khứ, thì cũng sẽ không gây phiền toái trong tương lai.

Chúng ta đồng ý với Tổng Thống Reagan là cá nhân thì không nên xài quá khả năng tài chánh của mình, bởi lẽ nợ nhiều quá nếu thiên hạ biết được sẽ không cho mượn tiếp; và không trả thì sẽ gặp rắc rối đối với pháp luật. Nhưng đối với nhà nước thì lại khác. Không ai bắt giam nhà nước cả; nhà nước lại còn có uy tín và có nhiều phương cách để vay mượn.

Tuy nhiên, nếu nhà nước nợ nần nhiều quá, cứ phải in tiền mới để trả, hoặc cứ phải tiếp mượn nợ mới để trả tiền lãi và nợ cũ, thì có cơ thiên hạ sẽ không dám cho vay nữa, vì sợ lạm phát sẽ làm mất giá cả vốn lẫn lãi. Do đó cũng cần phải có biện pháp qui định mức vay mượn, mục tiêu và cách thức vay mượn, cũng như kế hoạch và thời gian hoàn trả v.v. Đó là lý do Quốc Hội Hoa Kỳ muốn đặt ra một mức nợ không được vượt qua (debt ceiling) mà Hành Pháp phải tuân theo. Đáng lẽ đến ngày 30/9/11 vừa rồi Quốc Hội phải biểu quyết xong ngân sách để được ban hành và áp dụng từ ngày 1/10/11, nhưng Quốc Hội đã không làm xong, vì chưa thỏa thuận được mức nợ đó, cho nên Quốc Hội đã làm một chuyện bất thường; đó là lập ra liên ủy ban gọi là Joint Select Committee on Debt Reduction, gồm 12 thành viên (3 Dân Biểu và 3 Thượng Nghị Sĩ, tức 6 người mỗi đảng) được cử ra ngày 10 và 11/8 . Làm việc trên 2 tháng dài, 2 phía không đi đến thỏa hiệp nào cả về thời gian gia hạn gỉảm thuế (ban hành từ thời TT Bush), các khoản chi tiêu cần cắt giảm hay thêm mới; mức quốc trái không được vượt qua (debt ceiling) cùng thời gian bắt đầu hiệu lực (việc này đáng lẽ TT Obama nên làm khi đảng Dân Chủ còn chiếm đa số ghế ở Quốc Hội, trưóc cuộc bầu cử cuối năm 2010) vv. Đến ngày 21/11/11, siêu ủy ban này tuyên bố sứ mạng đã thất bại, hai bên đổ lỗi cho nhau và chờ đợi Quốc Hội họp lại quyết định! Nếu Quốc Hội quyết định mau chóng đi nữa, thì chỉ mới xong cho Ngân Sách 2012 mà thôi.

Riêng chuyện nợ nần của Chánh Phủ Hoa Kỳ vẫn còn là câu chuyện dài, khó có thể giải quyết trong một hay hai nhiệm kỳ Tổng Thống sắp tới vì Ngân Sách hằng năm của Hoa Kỳ theo một tiên liệu mặc dầu rất lạc quan của Congressional Budget Office (CBO) thì từ nay đến tài khóa 2020, năm nào cũng khiếm hụt vì kinh tế chưa phục hồi.[11] Mà ngân sách còn khiếm hụt, thì chính phủ còn phải vay mượn.

Nói chung, các chủ nợ trong và ngoài nước có thể mua đủ loại chứng khoán của Chính Phủ Hoa Kỳ từ ngắn hạn đến dài hạn do Bộ Ngân Khố, nhân danh Chánh Phủ Hoa Kỳ bán ra để trang trải nhu cầu tài chánh vào mỗi thời điểm. Loại thứ nhất gồm những loại chứng khoán mà chủ nợ mua vào và có thể bán lại được (marketable debt) gồm US Treasry Bills (13, 26, 52 tuần); US Treasury (1-10 năm); US Treasury Bonds (10 năm trở lên). Loại thứ hai, gồm những loại chứng khoán không bán lại (non-marketable debt) gồm USgovernment accounts; Foreign governments; US Savings Bonds.[12]Như vậy, chúng ta có thể hiểu được rằng không bao giờ xảy ra tình trạng các loại chứng khoán trên đáo hạn cùng một lúc. Do đó, một trong những công tác quan trọng của Bộ Ngân Khô là bán những loại chứng khoán này cho người mua trong cũng như ngoài nước để có tiền trả cho các nợ đáo hạn, cũng như tài trợ cho các chi tiêu mới đã được Quốc Hội cho phép. Chỉ khi nào không còn người mua các loại chứng khoán chính phủ, nghĩa là không còn ai cho vay nữa, thì lúc đó Chánh Phủ Hoa Kỳ mới gặp khó khăn và vỡ nợ. Trong chiều hướng này, thì quyết định vào đầu năm 2012 của công ty lượng giá Standard & Poor's trong việc hạ thấp hạng (downgrade) các chứng khoán dài hạn của chính phủ mà nhiều người chê trách là vội vã (so với tích sản còn quá lớn của Mỹ) và có tính cách giả nhân giả nghĩa (tổ chức này được các công ty tài chánh bảo trợ cho nên muốn tạo áp lực để Bộ Ngân Khố tăng lãi suất cho các chứng khoán dài hạn mà các công ty này sẽ mua) có ảnh hưởng không ít cho việc vay nợ dài hạn của Chánh Phủ.

Đến tháng 12/10/11, Hoa Kỳ đã nợ nước ngoài 4.440 tỷ. Nhiều nhất từ Hoa Lục: 1.160 tỷ (26,1%); kế đến từ Nhật: 882,3 tỷ (19.9%); Anh: 272, 1 tỷ (6,1%); các xứ xuất cảng dầu hỏa: 221, 9 tỷ (4,8%) v.v. Tuy đứng đầu danh sách chủ nợ, nhưng nợ Hoa Lục, theo Phó Tổng Thống Joe Biden cho biết trong cuộc phỏng vấn cuối năm dành cho tuần báo Newweek, chỉ bằng 1% tích sản tài chánh (financial assets) của Hoa Kỳ, khoảng 6% hay có thể 7% – 9% tổng số chứng khoán Chính Phủ Hoa Kỳ bán ra cho công chúng. Nghĩa là không có gì đáng lo ngại. Ông còn nói ông sang Bắc Kinh, sau vụ lượng giá nói trên, không phải để "xin lỗi" Hoa Lục. Bởi vì ông biết Hoa Lục khó tin ai khác hơn Chú Sam về tiền bạc! [13]

Cựu Tổng Thống Clinton cho rằng nếu không tính các lưu giữ của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed's holdings) và các chứng khoán chính phủ (Treasury bonds) giữ bởi Social Security và các trust funds khác như là những thành phần của quốc trái, thì ngoại quốc là chủ nợ của hơn phân nửa tổng số quốc trái Hoa Kỳ.[14]

Sở dĩ các công ty, các ngân hàng ngoại quốc, cũng như các chánh phủ ngoại quốc (qua Ngân Hàng Trung Ương của họ) mua các chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ nói trên là vì: (1) đồng đô la vẫn còn là key currency dùng cho các thanh toán quốc tế theo Hội Nghị Bretton Woods; (2) mua các chứng khoán của Chính Phủ Hoa Kỳ vẫn an toàn hơn là gửi tiền vào các ngân hàng; (3) theo quy ước, các xứ xuất cảng dầu hỏa đồng ý để đồng đô la lại ở Hoa Kỳ, vậy thì nên mua các loại chứng khoán nói trên vừa an toàn, vừa được lãi, tuy không cao; (4) có khi Chánh Phủ Hoa Kỳ đến "năn nỉ" các chánh phủ ngoại quốc, và các chánh phủ này trực tiếp mua (qua Ngân Hàng Trung Ương) hay thuyết phục các ngân hàng, hay công ty công/tư v.v. mua chứng khoán của Chánh Phủ Hoa Kỳ để "giúp cho đồng minh."

Đến đây có thể có người hỏi tại sao chính phủ không in tiền ra để xài hay trả nợ, mà lại phải vay mượn cho phiền toái và tốn kém vì phải trả tiền lãi và các chi phí khác. Câu trả lời là: Nếu in tiền ra thêm, thì dễ đưa đến lạm phát; càng tung thêm nhanh tiền mặt ra thì lạm phát sẽ càng lên cao mau lẹ, rất khó đối phó, và nền kinh tế dễ đưa đến suy sụp.

Kết luận

Khi một nền kinh tế tự hào, hay mang tiếng không mấy tốt "một nền kinh tế dựa trên tiêu thụ", nó sẽ lần lần sản sinh một nền văn hóa sống ngoài khả năng của mình (overdraft culture). Đó là chưa nói đến thói quen của một bộ phận không nhỏ của xã hội đã quen trông cậy và đòi hỏi ở chính quyền, cũng như sẵn sàng lợi dụng những kẽ hở của luật lệ mà trục lợi. Đến lượt nó, nền văn hóa sống ngoài khả năng này sẽ đòi hỏi cho kỳ được một loại chính quyền chi tiêu vượt khả năng (overdraft government) để thỏa mãn nó, không cần phải ưu tư nhiều vì rồi đây sẽ có người khác trả nợ cho mình. Ngành bảo hiểm gọi đây là "nguyên tắc nguy hiểm về tinh thần" (the principle of moral harzard). Nay nếu vì một sức mạnh tinh thần nào đó – chứng tỏ trách nhiệm tài chánh, nêu gương "tri túc/ tri hữu" và "đứng trên hai chân mình", hoặc cảm thấy tội lỗi với thế hệ mai sau vì bắt buộc chúng phải chịu sưu cao thuế nặng để trả món nợ cho mình gây ra– chính quyền loại này muốn bớt tiêu xài và hạn chế nợ nần, thì điều đó không phải thực hiện dễ dàng và nhanh chóng được, dù cho quốc gia đó đó là Hoa Kỳ.

Như chúng ta đều biết: Kinh tế học là môn học nghiên cứu về sự phân bố tài nguyên khan hiếm. Nợ là một loại tư bản khan hiếm. Do đó, nó cần phải được sử dụng khôn ngoan để phục vụ cho ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Trong nhiều thập niên vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã sử dụng quốc trái chủ yếu cho tiêu thụ hơn cho đầu tư, cho mục tiêu quân sư hơn cho tăng trưởng kinh tế.
 Với biện pháp hạn chế mức nợ không được phép vượt qua trong thập sắp đến,và dự trù sử dụng tiền vay mượn vào việc tái thiết hạ tầng cơ sở; cải tổ giáo dục; tăng cường nghiên cứu cơ bản v.v., mà Chánh Phủ của Tổng Thống Obama và Quốc Hội hiện nay đang cố gắng thực hiện có đánh dấu được một bước khởi đầu kiên quyết mới, và sẽ được các chính quyền sau này tiếp tục không; hay hóa ra đó chỉ là những nổ lực nhằm mục tiêu tranh cử mà thôi. Người ta còn phải chờ đợi câu trả lời trong tương lai

Lê Văn Bình
Virginia, 12/2011


[1] Mỗi năm đóng góp vào ngân sách 16,3% đến 20,9% tổng sản lượng quốc gia trong khoảng thời gian 1953- 2008 (Presimetrics, by Mike Kimel & Miachael Kanell, 2010, p. 40)
[2] Nổi tiếng với khúc tuyến Laffer curve: Trục tung biểu thị tổng số thuế thu, trục hoành biểu thị thuế suất. Khúc tuyến Laffer có hình một paroble úp xuống và không đối xứng; phát xuất từ điểm O (thuế suất 0%) và cắt trục hoành ở điểm p (thuế suất 100%). Ở 2 thuế suất này, không thu được gì cả. Theo Laffer, thuế suất lớn hơnOm (m là điểm chiếu của đỉnh paroble xuống trục hoành) chỉ làm cho tổng số thu sụt giảm mà thôi.
[3] Trong bài này, các con số được viết theo lối tiếng Việt (23,5%) thay vì tiếng Anh (23.5%) và ngàn-tỷ dùng để dịch trillion
[4] Những tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG sử dụng dưới đây có nguồn là U.S. Dept. of Commerce, được in lại trong Hamilton's Blessing, by John S. Gordon (2010), p. 207.. Nguyên văn Gordon ghi: Debt as % of GNP/GDP. Xin lưu ý là GNP Hoa Kỳ trong mấy thập niên vừa qua chỉ bằng 20-25% GDP (tổng sản lượng quốc nội) vì chưa cộng thêm hiệu số giữa lợi tức của người Mỹ đầu tư ở hải ngoại và lợi tức người ngoại quốc đầu tư ở Hoa Kỳ. Nói khác đi, Quốc Trái/TSLQG < Quốc Trái/TSLQN.
[5] Financial Report of theUnited States ( 2006), p.192
[6] America's Ticking Bankrupcy Bomb, by Peter Ferrara (2011) , pp. 184-186
[7] Fiscal Year 2012 BUDGET of theU.S. Government
[8] Macroeconomic Decision Making in the World Economy, 3rd ed., by Michael G. Rukstad (1992), p. 238
[9] Tính theo U. S. Debt Clock.org mà các con số thay đổi không ngừng
[10] A Decade of Debt by Carmen M. Reinhard & Kenneth S. Rogoff (2011), p.27
[11] Debt, Deficits and the Demise of the American Economy by PeterTanous & Jeff Cox (2011), p.6
[12] Red Ink: The Budget, Deficit and Debt of the ỤS. Government by Gary R. Evans (1997), p.6
[13] The World According to Joe Biden (Newweek December.26. 2011 /January 2, 2011), p.45
[14] Back to Work: Why We Need Smart Government for a Strong Economy by Bill Clinton (2011), p.33 & p.55