2011/12/23

Từ Việt Nam nhìn sang Miến Điện



Từ Việt Nam nhìn sang Miến Điện

Lê Duy Nhân

Miền Điện (Burma, còn gọi là Myanmar) giáp giới với các nước Trung Hoa, Lào, Cam-bốt và Thái Lan, dân số khỏang 50,5 triệu là một đất nước có nhiều tài nguyên nhất nhưng lại là nước nghèo nhất ở Đông Nam Á (lợi tức bình quân dưới $995 USD, nguyên nhân chính là mọi họat động kinh tế đều nằm trong tay nhóm quân phiệt liên kết với bọn trùm phiến lọan cũ. Nạn tham nhũng và điều hành kinh tế bê bối tạo ra nền kinh tế chợ đen tệ hại nhất thế giới với xuất khẩu chính là nha phiến. Vì bị thế giới cô lập chính quyến Miến Điện phải dựa vào Bắc Kinh về chính trị và kinh tế, do đó nguồn tài nguyên phong phú gồm hơi đốt, gỗ qúy và đá quý hầu như bị Trung Quốc độc quyền khai thác bừa bãi một cách táng tận.

Chính quyến Miến Điện nằm trong tay bọn độc tài quân phiệt kể từ năm 1962 cho đến năm 2010 mới thành lập chính phủ dân sự nhưng cũng chỉ hữu danh vô thực vì đại biểu quốc hội đa số là cựu tướng tá và các chức vụ quan trọng như quốc phòng, kinh tế, nội vụ, giáo dục, ngọai giao… đều do quân đội nắm giữ.

Đảng đối lập National League for Democracy do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo thắng cử vẻ vang trong cuộc đầu phiếu năm 1990 nhưng bị chính quyền quân phiệt phế bỏ kết quả và sau đó bà Aung San Suu Kyi bị cầm tù và quản chế trên hai chục năm mãi đến năm 2010 mới được trả tự do.

Do chính sách đàn áp nhân quyền dã man của chính quyền quân phiệt, Miến Điện bị hầu hết các nước trên thế giới phong tỏa kinh tế ngọai trừ một vài nước trong liên minh ma quỷ như Trung Quốc, Nga, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam.

Nhưng kể từ năm 2010, Miến Điện bỗng thức tỉnh sau cơn mê dài dưới sức ép Trung Quốc. Chính quyền Thein Sein cảm nhận được âm mưu bá quyền của Trung Quốc tại Đông Nam Á nên từng bước cố thoát ra khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời dần dần trả lại cho nhân dân các quyền tự do căn bản như trả tự do cho 200 tù nhân chính trị (mặc dầu vẫn còn giam giữ 1.800 người đối lập), cho phép báo chí tư nhân ra đời và nhất là sau chuyến thăm viếng của ngọai trưởng Hilary Clinton, TT Thein Sein đã phê chuẩn luật biểu tình, cho phép dân chúng được biểu tình hòa bình. Lãnh tụ đảng NLD, Aung San Suu Kyi, chính thức loan báo sẽ ra ứng cử. Tuy đây là dấu hiệu Dân Chủ hào hứng nhất nhưng cho dù bà Aung San Suu Kyi và Đảng NLD có thắng cử đi nữa thì Miến Điện vẫn bị bọn quân phiệt lũng đọan vì theo Hiến Pháp quân đội vẫn được kiểm sóat 80% chính quyền. Dân tộc Miến gồm nhiều sắc dân như người Burman - hầu hết có nguồn gốc Tây Tạng và Hán - chiếm đa số rồi đến người Karen, Shan, Rakhine, Mon, Chin, Khachin và các sắc dân khác luôn luôn kèn cựa, tranh chấp các nguồn tài nguyên nhất là ngành xuất khẩu nha phiến do đó rất khó kêu gọi đoàn kết để thành lập được một phong trào dân chủ thỏa mãn mọi người. Chỉ tại Rangoon, nơi giao lưu của các văn minh thế giới, phong trào Dân Chủ mới có khả năng trở thành cái nôi của cách mạng Dân Chủ Miến Điện.

Bà Hillary Clinton là ngọai trưởng Mỹ đầu tiên thăm viếng Miến Điện kể từ cuộc công du của ngọai trưởng John Foster Dulles năm 1955 đã thổi vào giới trí thức trẻ Miến Điện một tư duy và hy vọng mới: Thóat khỏi cái bóng đen Trung Quốc và dân chủ hóa là sinh lộ duy nhất cho Miến Điện.

Mặc dầu chính quyền Miến Điện vẫn chưa từ bỏ chính sách đàn áp đối lập, chưa thật tâm tôn trọng nhân quyền, chưa từ bỏ tham vọng độc quyền lãnh đạo nhưng một chút ánh sáng dân chủ dù chỉ lập lòe trong bóng tối dày đặc của độc tài tòan trị vẫn là nguồn hy vọng cho người dân Miến Điện. Có bột là có hy vọng gột hồ.

Hoa Kỳ giang tay ôm Miến Điện là chấp nhận mang tiếng xấu đã công nhận một chính quyền độc tài khát máu nhưng quyền lợi đất nước là tối thượng, nên chính quyền Obama phải ngậm quả bồ hòn Miến Điện. Để ngăn chặn ảnh hưởng và chiến lược bá quyền ở Đông Nam Á của Đế Quốc Trung Hoa, một mặt xây dựng các liên minh quân sự với Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Đài Loan, Singapore, Úc Châu… một mặt lôi kéo các nước bị Trung Quốc uy hiếp vào vòng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn bước chân bá quyền của anh khổng lồ Trung Quốc, Hoa Kỳ hành động không hẳn là vì lòng nghĩa hiệp quốc tế mà chính vì quyền lợi của Hoa Kỳ ở đây sẽ là "quyền lợi cốt lõi" khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại các nơi khác đang mất dần chân đứng.

Tuy bước tiến Dân Chủ của Miến Điện còn giới hạn và rất khiêm tốn nhưng so với Việt Nam thì họ đã đi được một bước đi dài. Việt Nam cũng nên học bài học độc-lập-với-Bắc Kinh của chính quyền Miến Điện. TT Nguyễn Tấn Dũng cứ tuyên bố xuông về chủ quyền trên Hoàng-Trường Sa, cứ sắm thêm tàu chiến, máy bay hiện đại mà không có ý chí tự cường thì vĩnh viễn không thể nào thóat khỏi cái vòng Kim Cô Trung Quốc. Cứ mỗi lần TT Dũng tuyên bố chủ quyền ta trên biển đảo thì lại có một ngư thuyền Việt Nam bị "tầu lạ" đâm thủng, lại thêm một rừng đầu nguồn giao cho TQ khai thác dài hạn, thêm một khu phố Tàu mọc lên trên một thành phố Việt, thêm hàng nghìn tấn hàng độc hàng đểu TQ ào ào đổ vào Việt Nam, thêm công ty Trung Quốc trúng thầu lớn ở Việt Nam, thêm vài xí nghiệp Việt Nam phá sản vì không cạnh tranh nổi các anh Ba Tàu vừa to xác vừa to quyền lớn thế.

Lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn vỗ ngực là đỉnh cao của trí tuệ loài người nhưng trong thực tế so với đám quân phiệt ít học của Miến Điện thì còn thấp hơn họ một cái đầu.

Lê Duy Nhân

No comments:

Post a Comment