2013/11/28

Hãy Sống Với Lòng Biết Ơn

Đào Văn Bình
 
Hãy biết ơn Mặt Trời đã cho ta sự sống.
 
Hãy biết ơn từng vạt nắng đang lung linh nhảy múa trong vườn để ta cảm nghiệm được sự ấm áp của thiên nhiên.
 
Hãy biết ơn Mặt Trăng kia đã cho ta bao đêm dài thơ mộng mà qua đó bao bài hát, bài thơ trữ tình nảy nở.
 
Hãy biết ơn từng con suối nhỏ để cho ta nghe được tiếng thủ thỉ của núi rừng.
 
Hãy biết ơn từng cơn gió nhẹ làm lòng ta tươi mát.
 
Hãy tạ ơn biển đã cho ta nguồn dinh dưỡng, từng chuyến viễn du đầy thi vị và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm làm phong phú hóa tình cảm con người.
 
Hãy biết ơn cả tiếng chim ca vì đó là tiếng nhạc của Trời.
 
Hãy tạ ơn cả những con sông đang ôm ấp những bờ kênh thửa ruộng, cho phù sa tuôn tràn màu mỡ, cho lúa tốt trổ bông, cho tôm cá đầy đồng, cho xóm làng tụ hội, cho chợ búa mọc lên, cho thương buôn trên bến dưới thuyền, cho giao thông thuận tiện, cho mạch sống làng quê ngày thêm phong phú.
 
Hãy biết ơn từng bài ca dao, từng tiếng chuông chùa êm ả để thấy hồn dân tộc vẫn còn năm sâu trong tâm khảm.
 
Hãy tạ ơn tiếng ru của mẹ để con biết rằng vòng tay đó chính là Thiên Đường.
 
Hãy cám ơn mẹ già:
Cho dù áo rách sởn vai,
Cơm ăn bát vơi bát đầy
mà vẫn  kiên trì nuôi con cho đến ngày khôn lớn.
 
Hãy cám ơn các bậc Thầy vì những vị đó đã khai mở trí tuệ cho ta “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
 
Hãy tạ ơn đời.
 
Hãy cám ơn cả những người đã dối gạt ta để ta hiểu được thế nào là lòng trung tín.
 
Hãy cám ơn cả người xỉ vả, chụp mũ, bôi lọ, đánh phá ta để ta có dịp huân tập hạnh nhẫn nhục và hiểu được thế nào là sự tha thứ.
 
Hãy biết ơn những gì gọi là bạo lực vì qua đó ta liễu ngộ được chân lý vĩnh cửu của tình thương.
 
Hãy biết ơn cả những thiên tai, thảm họa để cho thấy cuộc sống này qúy giá.
 
Hãy tạ ơn những người đã nằm xuống để cho ta được sống.
 
Hãy biết ơn người chiến sĩ đang ngày đêm canh gác, xả thân nơi chiến địa, biển đảo để ta được sống yên bình, mưu cầu hạnh phúc.
 
Hãy cám ơn sự vấp ngã vì qua đó ta trưởng thành.
 
Hãy biết ơn cả những người thợ vì họ là những vị thần sáng tạo.
 
Hãy tạ ơn cả những đang phục vụ ta, những người đang làm những nghề nghèo hèn nhất vì không có họ ta phải chân lấm tay bùn.
 
Hãy cám ơn người nông phu đã:
Vài ngàn năm đứng trên đất cày
Minh đồng da sắt không thay màu
 
để dân tộc này có chén cơm hạt gạo.
 
và cũng:
Dã ơn cái cối cái chày.
Đêm khuya giã gạo có mày có tao
 
Hãy biết ơn cả tiếng gà gáy trong những buổi trưa hè, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng sáo diều ngân, tiếng trẻ nói bí bô, tiếng con sáo hót, tiếng ai hát đúm, hát dân ca, hát văn, hát ru, hát hò quan họ để thấy hồn Việt Nam thiêng liêng, bất tử.
 
Hãy cám ơn cây Đa đã cho ta bóng mát, là nơi dừng chân trên con đường làng dài mệt mỏi.
 
Hãy cám ơn cả cái Đình để xóm làng mở hội, văn hóa lưu truyền, gái trai hò hẹn.
 
Hãy cám ơn cả cái Miếu vì qua đó ta thấy các tiên hiền, liệt sĩ, danh nhân vẫn còn ở với chúng ta.
 
Hãy cám ơn mái Chùa đã đứng đó qua vài ngàn năm để lưu giữ hồn dân tộc.
 
Hãy cám ơn cả những chuyện thần tiên “Tấm Cám” để con trẻ hay ăn chóng lớn, người già quên đi bao nỗi nhọc và gái trai nuôi bao mộng đẹp.
 
Hãy cám ơn cả chiếc nón đã che mưa nắng cho cả dân tộc. Thuơng thay “chiếc nón bài thơ” đã lưu giữ hồn thi ca của dân tộc mà bây giờ vẫn còn đây:
Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
 
Hãy biết ơn tất cả dù là một hạ mưa, hạt cát, hạt muối, bó rau, miếng khoai, miếng cà, miếng sắn, con tôm, con tép...
 
Hãy biết ơn và tạ ơn tất cả.
 
Lòng biết ơn là lòng Từ Bi là bài Kinh Sám Hối sâu xa và mầu nhiệm.
 
Kẻ sống với lòng biết ơn chính là kẻ sống với Chân Hạnh Phúc và là kẻ có tâm hồn cao thượng nhất./.
 
 
Đào Văn Bình
(California Tháng 11, 2008)
Đăng lại (California Tháng 11, 2013)

Khai Dân TríTác Giả

2013/11/26

MỆNH LỆNH XUỐNG ĐƯỜNG: TIẾNG GỌI CÔNG DÂN (04 - bài chót)

MỆNH LỆNH XUỐNG ĐƯỜNG
Bài số 4 – bài chót

TIẾNG GỌI CÔNG DÂN
HỒ TẤN VINH

1.- Sau khi đã trình bày ôn hòa bằng lời nói, bằng chữ viết mà ý nguyện của người dân không được nhà cầm quyền lưu tâm thì người dân chỉ còn một cách cuối cùng là dùng hai bàn chân của mình để nói chuyện.

2.- Dầu cho muốn giữ trật tự và bất bạo động tối đa, nhưng việc xuống đường rất là nguy hiểm và có thể bị đàn áp đẫm máu.

3. - Lịch sử thế giới từ xưa đến nay cho thấy -  người Pháp năm 1789, rồi đến gần đây, các người dân Ba Lan, Tiệp Khắc năm 1956, người Algérie, người Lybia, người Ai Cập, và gần bên nước ta, người Miến Điện, người Thái Lan -  TỰ DO ĐÃ PHẢI ĐÒI HỎI BẰNG MÁU.

4. – Ai cũng mong muốn tránh cái thảm cảnh sắp xẩy ra, nhưng dường như dân tộc Việt Nam muốn hưởng tự do thì chắc cũng không thể nào tránh khỏi cái định luật khắc khe mà các dân tộc khác cũng đã phải trải qua.

5.- Sẽ không bao giờ có ai giải phóng dùm mình.Thái độ chờ đợi người khác làm dùm mình đủ chứng tỏ rằng mình chưa xứng đáng.

6.- Máu của người dân đổ ra có ý nghĩa khi đó là vì một giá trị cao thượng, sự sống còn của Tổ Quốc và sự tự do của người dân.

7.- Kết quả thảo luận bấy lâu nay về bản Hiến Pháp chứng tỏ sự thành tâm hay không thành tâm của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

8.- Nếu trong đó còn lải nhải ba cái ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’, còn cái điều 4 Phản Động  -  những thứ đó là nhục mạ tàn nhẫn Văn Hóa Dân Tộc, làm xấu hổ đối với các bản Hiến Pháp của các dân tộc khác trên thế giới xưa nay  – thì người dân Việt Nam trong nước nếu không muốn sống cuộc đời nô lệ cho Trung Cộng phải đành xem cái ù lỳ của bản Hiến Pháp là MỆNH LỆNH XUỐNG ĐƯỜNG.


HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 26 tháng 11 năm 2013

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

Diễn Biến Nguy Hiểm tại Biển Hoa Đông

Đào Văn Bình

Trong lúc cuộc tranh chấp chủ quyền về Đảo Điếu Ngư/Senkaku không có dấu hiệu hòa dịu kể từ khi Nhật Bản tuyên bố mua lại ba trong số các đảo này hồi tháng 9/2012,  thì vào ngày 23/11/2013 Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập vùng gọi là Air Defence Identification Zone mà BBC tiếng Việt dịch là “Vùng Nhận Dạng Phòng Không”. Theo định nghĩa chung của tòan thế giới đây là không phận thuộc chủ quyền của một quốc gia cho nên có bố trí hệ thống phòng không (hỏa tiễn hoặc máy bay tuần thám). Theo mệnh lệnh của nhà cầm quyền Trung Quốc:  Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và duy trì trật tự hàng không,  các máy bay nước ngòai bay vào vùng trời này phải cung cấp lịch trình, thông báo rõ quốc tịch và duy trì liên lạc thông tin hai chiều để đáp ứng kịp thời và chính xác các yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc. Các máy bay nào không tuân thủ sẽ phải hứng chịu các biện pháp phòng vệ khẩn cấp.

Vùng Nhận Dạng Phòng Không này bao gồm một không phận rất lớn, trùm phủ lên vùng Đảo Senkaku, không phận của Nam Hàn, áp sát bờ biển Nhật Bản. Hành động này lập tức gây nên phản ứng mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ và Nhật Bản.

-VnExpress trích dẫn bản tin của AFP về lời tuyên bố của Thủ Tướng Nhật Bản  Abe trước quốc hội, "Tôi đặc biệt lo ngại vì đây là một hành động hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả ngoài ý muốn. Nhật Bản sẽ yêu cầu Trung Quốc kiềm chế, đồng thời chúng ta cũng sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế". Còn Ô. Katsunobu Kato, phát ngôn viên của chính phủ Nhật nói rằng, “Quyết định của Trung Quốc không có hiệu lực đối với đất nước chúng tôi".

-Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel - trong một thông  cáo báo chí - gọi đây này là “hành động gây bất ổn nhằm thay đổi hiện trạng khu vực. Hành động đơn phương này làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai. Ông Hagel nói tuyên bố này của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa sẽ không thể nào thay đổi cách Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.” (BBC tiếng Việt)

-Bộ Trưởng Ngọai Giao John Kerry trong một thông cáo báo chí, tuyên bố, "Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc công bố xác lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không trên Biển Hoa Đông. Hành động đơn phương này là một nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông. Hành động leo thang sẽ chỉ gia tăng căng thẳng ở khu vực và tạo ra các nguy cơ xảy ra xung đột".

-Còn Nam Hàn thì phản ứng nhẹ nhàng hơn và chỉ gọi đây là “hành động đáng tiếc”. Có thể Nam Hàn không muốn mất lòng Trung Quốc hiện giữ vai trò quan trọng trong việc kiềm chế Bắc Hàn. 

            Trong khi phản ứng của thế giới như thế, Ô. Dưong Ngọc Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc nói rằng, “Chúng tôi mạnh mẽ yêu cầu Nhật Bản chấm dứt toàn bộ các động thái phá hoại chủ quyền lãnh thổ cũng như những lời bình luận thiếu trách nhiệm đánh lạc hướng dư luận quốc tế và gây ra căng thẳng trong khu vực." (BBC tiếng Việt)

Nhận Định:
1)      Để thực thi quyển kiểm sóat không phận của mình, Hoa Lục không gì khác hơn là bắn hạ các máy bay quân sự của nước ngòai xâm phạm không phận này để chứng tỏ “Vùng Nhận Dạng  Phòng Không” không phải chỉ là lời đe doa suông hoặc nằm trên giấy tờ. Riêng phần Nhật Bản họ  có dám đem máy bay chiến đấu tiếp tục bay trên vùng trời Senkaku, vừa để kiểm sóat vừa để xàc định chủ quyền của mình và cũng để thử thách Trung Quốc hay không?

2)      Cùng “bài bản” này, liệu một lúc nào đó Hoa Lục có thiết lập một “Vùng Nhận Dạng  Phòng Không” trên Biển Đông theo hình thể của Đường Lưỡi Bò rồi cho máy bay chiến đấu cất cánh từ Hải Năm hoặc đưa một hạm đội vào đây đê thực thi chủ quyền lãnh thổ của mình không? Khi đó tương lai của Đông Nam Á ra sao?

3)      VOA trích dẫn phát biểu của Ô. Wendell Minnick- biên tập viên Á Châu của tập san Tin Tức Quốc Phòng, cho biết hành động của Trung Quốc rõ ràng là được tính toán kỹ để gây bất ngờ cho Washington. Ông nói, "Loan báo của Trung Quốc dường như là một mưu toan thường được gọi là cắt thịt băm. Trung Quốc có xu hướng chiếm cứ lãnh thổ hoặc ban hành những qui định mới vào một thời điểm mà Hoa Kỳ có thái độ rất thân thiện với họ. Hoa Kỳ đã cố gắng rất nhiều để cải thiện các mối quan hệ quân đội-quân đội với Trung Quốc. Ông Minnick nói rằng sự chồng lấn giữa hai khu vực phòng không mang lại một số thách thức cho cả Tokyo lẫn Washington

4)      Có lẽ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, không một chính trị gia, tổng thống và người dân Hoa Kỳ nào mà không tự hào về vai trò “lãnh đạo thế giới” của Hoa Kỳ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc nói chung, sự hung hăng, hiếu chiến và tham vọng bành trướng lãnh thổ của Hoa Lục ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nói riêng - đã khiến Hoa Kỳ giật mình, hối hả “xoay trục”, rồi thấy có vẻ mạnh bạo quá liền đổi qua “tái cân bằng lực lựợng”. Tất cả những chuyển động đó phản ảnh sự lúng túng, tiến thóai lưỡng nan của Hoa Kỳ trước tình hình mới của thế giới. Cái lúng túng của Hoa Kỳ ở chỗ vừa muốn kiềm chế Hoa Lục lại vừa muốn “hợp tác chiến lược” về cả kinh tế lẫn quốc phòng với Hoa Lục, giống như một người muốn làm ăn buôn bán với bạn nhưng lại muốn đốn ngã ông bạn mình. Dường như Trung Quốc hiểu được thế lúng túng của Hoa Kỳ cho nên “không sợ”  mà cứ từ từ lấn tới. Sự kiện 23/11/2013 (Vùng Nhận Dạng Phòng Không) đúng như nhận định của Wendell Minnick  là thử thách nghiêm trọng - không phải chỉ cho Nhật Bản mà cho cả Hoa Kỳ. Mình là “lãnh đạo thế giới” mà thế giới nát bét hoặc nói chẳng ai nghe thì còn là “lãnh đạo” nữa không? Không ai phủ nhận vào giờ phút này đây Hoa Kỳ vẫn là siêu cường số 1 về cả hai mặt vũ khí lẫn kinh tế nhưng vị trí “ lãnh đạo thế giới” của Hoa Kỳ đang bị thử thách (challenge). Liệu cái thế ổn định giả tạo ở Biển Hoa Đông và Đông Nam Á kéo dài bao lâu? Nếu Hoa Kỳ không làm mạnh thì chuyến công du Á Châu và Đông Nam Á của Ô. Obama Tháng 4, 2014 tới đây chỉ có tác dụng “trấn an”. Khi ông ra về rồi thì các nước Đông Nam Á cũng chỉ “thank you” rồi lại phải họp bàn rồi tự lo liệu lấy có khi phải mời Ô. Tập Cận Bình hoặc Ô. Putin qua cho chắc ăn. Thế “Xuân Thu Chiến Quốc” bây giờ là đây. Khi mình không lo liệu được cho “đàn em” thì “đàn em” phải đi tìm một “đại ca” khác. Ngồi “chờ sung rụng” chết sao?

Đào Văn Bình
(California ngày 25/11/2013)

Khai Dân TríĐào Văn Bình

2013/11/24

MỆNH LỆNH XUỐNG ĐƯỜNG: NHẬN DIỆN AI BẠN AI THÙ (03)

MỆNH LỆNH XUỐNG ĐƯỜNG
Bài số 3

NHẬN DIỆN AI BẠN AI THÙ
HỒ TẤN VINH

1.- Nước Việt Nam đang lệ thuộc Trung Cộng trên mọi phương diện: kinh tế, thương mại, quân sự, ngoại giao, lãnh thổ và nội tuyến. 

2.- Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa nước Việt Nam tới tình trạng ngặt nghèo hôm nay nên đảng này không thể nào gở được cái bế tắc mình tạo ra. Thêm một ngày nào Đảng CS còn cầm quyền thì tình trạng này càng lún sâu.

3.- Chỉ có một thể chế dân chủ tiến bộ với những nhân sự có khả năng và tinh thần dân tộc mãnh liệt mới có hy vọng lèo lái con thuyền Việt Nam qua cơn bảo này.

4.- Muốn cái thể chế đó và những nhân tài đó xuất hiện thì phải có một cuộc bầu cử dân chủ thật sự.

5.- Muốn có một cuộc bầu cử thật sự dân chủ thì phải có một Hiến Pháp thật sự dân chủ.

6.- Cho nên xác định ai bạn ai thù là xác định ai tranh đấu cho một bản Hiến Pháp mới viết trên những nguyên tắc Tự Do, Dân Chủ. Và ai muốn duy trì bản Hiến Pháp năm 1992 viết ra từ sự kiêu ngạo lố bịch của một Chủ Nghĩa Ảo Tưởng.

7.- Người Việt quốc gia bị đánh thua hay quần chúng đang đau khổ vì chế độ cai trị hà khắc của CS muốn có thay đổi là sự đương nhiên, nhưng cũng có những đảng viên CS quyết liệt đòi thay đổi. Đây mới là yếu tố quyết định.

8.- Có những người khi mới sinh ra là đã có tình nước, tình người trong huyết quản của mình rồi. Khi lớn lên, để thực hiện ước mơ của mình, có khi họ gia nhập những khuynh hướng chánh trị khác nhau. Nhưng ít có người có một chọn lựa với đầy đủ ý thức. Cái chọn lựa quan trọng này lại dường như thường do những hoàn cảnh, số phận đẩy đưa.

9.- Đảng phái chánh trị chỉ là những tập họp một số người để tranh đấu cho những mục tiêu quyền lợi hay quyền hành trong đời sống trần tục. Nó không có cái gì là thiêng liêng hay hoàn hảo hay siêu việt hết. Quyền lợi của những tập họp nhỏ đó không thể nào đặt trên quyền lợi của Đất Nước. Đặt quyền lợi của một đảng phái trên quyền lợi của Đất Nước là trắng trợn phản quốc rồi.

10.- Nếu bất ngờ mà phác giác ra rằng cái đảng mà mình chọn theo làm ngược lại những gì mà mình tin tưởng thì mình phải biết dừng lại. Nhưng bầu nhiệt huyết bẩm sinh vẫn không mất đi. 

11.- Đó là tình trạng của những đảng viên Đảng CSVN ngày nay. Hồi tưởng lại những gì mà đảng CS đã làm đối với người dân và Đất Nước, họ phải rùn mình. Chủ Nghĩa mà họ tin tưởng nồng nhiệt lại là một Chủ Nghĩa Ảo Tưởng. Họ đã bị gạt để đi giết đồng bào, có khi là giết cả cha mẹ, họ hàng. Bàn tay của tất cả đảng viên CS đều có dính máu dân vô tội. Và bây giờ lại hiện ra người chủ đứng sau lưng điều khiển màn bịp: Trung Cộng.

12.- Ai cũng biết sai rồi, nhưng tại sao có người không chịu quây đầu lại?

13.- Ai cũng nghĩ rằng có một số đảng viên đang hưởng lợi lộc vì địa vị của mình nên không muốn thay đổi. Nhưng thật ra ngoài cái vẽ ích kỷ dễ hiểu đó ra còn có một lý do sinh tử hơn nữa. Đảng Cộng Sản Việt Nam đang bị tình báo Trung Cộng xiết chặt, nếu ai có muốn nhúc nhích quây đầu là bị giết liền. Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đàn áp tàn nhẫn đám Xét Lại. Nông Đức Mạnh, Đỗ Mười giết Võ Văn Kiệt. Cái gương sờ sờ ra đó.

14.- Người cộng sản hồi tâm đang suy nghĩ về cái bi thảm của đời mình. Khi xưa lúc lên đường là để chống bất công xã hội cứu dân lành. Bây giờ các người mà mình xưng hô thân thiết ‘đồng chí’ lại là những cường hào ác bá. Khi xưa, mình lên đường là vì độc lập của Tổ Quốc để người dân được tự do. Bây giờ  thì các ‘Đồng Chí Lãnh Đạo’ của mình đem dâng nước cho ngoại bang.

15.- Cái bầu nhiệt huyết vì dân vì nước vẫn chảy trong tim. Cho nên cái hồi tâm không thể dừng lại một chỗ mà nó phải tiến tới. Vẫn cái bầu máu nóng chống cường hào ác bá, vẫn cái hào hùng chống xâm lăng,  nhưng bây giờ mục tiêu đích thực chính là một nhóm nhỏ đang ‘úp hụi’ đảng CSVN theo lệnh của Trung cộng. Bọn này đã lộ mặt Hán gian.

16.- Năm xưa, cái lằn ranh phân biệt giữa người quốc gia và người cộng sản hay thân cộng là xảo trá cốt ý để đổ thừa mà chạy tội. Hôm nay, cái lằn ranh  giữa những người dấn thân tranh đấu cho một Hiến Pháp Dân Chủ và những người chống lại mới là cần thiết để phân biệt ai là người trước sau một lòng yêu nước, ai là Hán gian.

17.- Trong cuộc chiến đấu này, những người cộng sản hồi tâm đã đi tiên phong và chắc chắn theo lệnh của Bắc Kinh, họ sẽ bị đàn áp tàn nhẫn. Họ cũng không thể lùi bước – trong số những ngưòi này, có người đã từng ở Côn Đảo về - CÁC BẠN CỦA CHÚNG TA ĐANG LÃNH ĐẠO CUỘC CHIẾN CỦA TOÀN DÂN ĐỂ HOÀN THÀNH Ý NGHĨA CỦA ĐỜI MÌNH.


HỒ TẤN VINH
Melbourne
24 tháng 11 năm 2013
(còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

2013/11/23

Những Tình Huống Trung Quốc Tấn Công Việt Nam


Đào Văn Bình

Việc Trung Quốc hạ thủy và đưa vào sử dụng tàu sân bay Thi Lang và ngày 22/11/2013 thử nghiệm thành công máy bay chiến đấu tàng hình không người lái J-20 (có hình dạng giống như B-2 của Mỹ) tạo thêm lo sợ cho khu vực Đông Nam Á và trực tiếp đe dọa Việt Nam. Trực tiếp đe dọa Việt Nam có nghĩa là Trung Quốc có khả năng tấn công Việt Nam bất cứ lúc nào bằng hỏa lực áp đảo và đánh chiếm luôn phần còn lại của Trường Sa khi đó làm chủ Biển Đông. Tháng 10/2013, Trung Quốc lại tiến hành một cuộc tập trận quy mô mang tên “Sứ Mệnh Hành Động 2013” ngòai khơi Phúc Kiến với sự phối hợp của Quân Khu Quảng Đông và Hạm Đội Hải Nam thực tập bắn đạn thật với hỏa tiễn không-đối-hải và ngược lại để răn đe Nhật Bản và Đông Nam Á.

Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra ở đây là kế họach “Tái Cân Bằng Lực Lượng” (trước gọi là Xoay Trục) và sự hiện diện của Hàng Không Mẫu Hạm Washington của Mỹ tại Biển Đông có ý nghĩa gì? Cho đến giờ phút này vì Hoa Kỳ là “con nợ” của Trung Quốc, do kinh tế suy thoái, làm ăn buôn bán , hợp tác chiến lược với Trung Quốc, mới đây lại tập trận hải quân chung với Trung Quốc tại Hạ Uy Di (Hawaii) cho nên luôn luôn tuyên bố “không đứng vào phe nào” trong tranh chấp Biển Đông. Việc tàu sân bay Washington ghé ngòai khơi Đà Nẵng năm 2011, mời các giới chức Việt Nam lên thăm và mới đây vào Tháng 11, 2013 lại ghé thăm Mã Lai, Singapore và Phi Luật Tân …chỉ có tác dụng trấn an các quốc gia Đông Nam Á vì Hoa Kỳ cần sự hậu thuẫn của các quốc gia này, hiện tại cũng như khi xảy ra cuộc chiến tranh với Trung Quốc trong tương lai xa. Do đó khi Hải Quân Trung Quốc tấn công Việt Nam, tàu sân bay Washington nếu đựợc gửi tới Biển Đông hay có đóng tại căn cứ Oyster Bay, Palawan đang được xây dựng cách Trường Sa khoảng 160km…thì cũng chỉ đứng nhìn vì không có lý do gì Hoa Kỳ lại tấn công Trung Quốc khi Trung Quốc không đụng chạm đến họ (Ngoại trừ Phi Luật Tân vì Phi Luật Tân có hiệp ước an ninh hỗ tương với Hoa Kỳ). Chuyến viếng thăm Trung Quốc ngày 17/8/2011 của Phó Tổng Thống Joe Biden, đem theo cả đội bóng rổ đấu giao hữu rồi cuộc gặp gỡ giữa Ô. Tập Cận Bình và Obama vào Tháng 2, 2012 cho thấy Hoa Kỳ thực sự muốn hòa dịu với Trung Quốc và không muốn tình hình căng thẳng thêm. Do đó niềm tin cho rằng tàu sân bay Washington và tàu chiến Hoa Kỳ sẽ bảo đảm nền an ninh, biển đảo cho Việt Nam là hoàn toàn sai lầm.Việt Nam phải tự lo liệu lấy. Đó là sự thực hiển nhiên.

Vì Trung Quốc không phải là một cường quốc có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế mà là một con khủng long đầy tham vọng, cho nên có thể làm bất cứ điều gì mà một quốc gia văn minh không bao giờ dám làm. Thực ra thì không ai có quyền ngăn cản ai trở thành bá chủ thế giới. Nhưng điều mà mọi người quan tâm là “cách” anh trở thành bá chủ và “cách” anh đối xử với thế giới. Vươn lên để tranh ngôi “minh chủ võ lâm” với Hoa Kỳ không phải là đìều cấm kỵ. Nhưng thay vì theo vương đạo tức tôn trọng và thỏa hiệp với các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Lục theo con đường bá đạo của Tần Thủy Hoàng ỷ mạnh hiếp yếu. Sau đây là những tình huống Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam:

1. Mở cuộc chiến tranh biên giới như năm 1979
Tôi hoàn toàn bác bỏ khả năng này vì Trung Quốc không có lợi gì khi mở một cuộc tấn công như vậy. Nếu làm thế Trung Quốc sẽ lộ rõ bộ mặt xâm lược và cũng không thể lấy lý do rất “hỗn láo” là “dạy cho Việt Nam một bài học” như năm 1979. Việt Nam đã ký hiệp ước biên giới với Trung Quốc và là thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Uy tín của Trung Quốc về mặt chính trị, ngoại giao và kinh tế sẽ tổn thương nghiêm trọng và thế giới sẽ lên án khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam bằng đường biên giới. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ liên tục duy trì áp lực bằng cách tập trung quân đội, khiêu khích, quấy rối không ngoài mục đích đe dọa, khiến Việt Nam lo sợ, lúng túng, từ đó suy yếu trên mặt trận chính là Biển Đông. Đây là kế “Dương đông kích tây” và chiến tranh cân não. Nhưng lịch sử cho thấy các danh tướng của Đại Việt ta khôn ngoan và mưu trí hơn con cháu Tần Thủy Hoàng rất nhiều. 

2. Mở một cuộc không kích và bắn phá quy mô các hải cảng, quân cảng, căn cứ hải quân, các giàn khoan/thăm dò dầu khí của Việt Nam
 
Muốn thế, Hải Quân Trung Quốc phải trải dài dọc theo bờ biển từ Hải Phòng tới Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc, Trường Sa v.v..Nếu liều lĩnh mở một cuộc chiến tranh hạn chế (trong nước gọi là cục bộ) như vậy, Trung Quốc sẽ gây một số thiệt hại lớn cho Việt Nam, nhưng phải trả một giá rất đắt vì hệ thống hỏa tiễn phòng thủ ven biển, phòng không, không quân và hải quân của Việt Nam. Tôi không tin Trung Quốc sẽ tiến hành giải pháp này vì Trung Quốc sẽ khó ăn khó nói với dư luận quốc tế về việc bắn phá, oanh tạc các cơ sở trên đất liền và ven biển Việt Nam vì các vùng này vốn không có tranh chấp. Đây là hành vi xâm lược trắng trợn. 

3. Tấn công và nuốt gọn Trường Sa
            Đây chính là tham vọng và ý đồ của Trung Quốc trong một tương lai rất gần và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi tấn công và nuốt gọn Trường Sa, Trung Quốc có lý do biện minh là: 
Chúng tôi chỉ “lấy lạinhững gì của chúng tôi. Bằng cớ là chúng tôi đã công bố cho thế giới biết “Đường Lưỡi Bò” xác định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của chúng tôi trước đây. Như thế, thêm một lần nữa, từ cuộc xâm lăng, Trung Quốc lèo lái dư luận qua một cuộc tranh chấp chủ quyền rất dai dẳng mà không có một tổ chức quốc tế nào có khả năng giải quyết. Để thực hiện ý đồ nham hiểm này, Trung Quốc phải xử dụng ưu thế vừa mới có là tàu sân bay Thi Lang. Cộng thêm với sự hộ tống của khoảng 5 khu trục hạm, 3 tuần dương hạm và đội tầu ngầm khoảng 6 chiếc và dăm ba tàu đổ bộ hạng nặng. Hỏa lực của hạm đội này dư sức nghiền nát hệ thông phòng thủ của Việt Nam trên Quần Đảo Trường Sa. Và lực lượng thủy bộ khoảng 4000 trên tàu sân bay sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh phần còn lại của Trường Sa. Vậy Việt Nam phải làm sao đây? Theo các chiến lược gia về quân sự:

Thứ nhất: Việt Nam cần phải theo dõi từng bước di chuyển của tàu sân bay Thi Lang qua hệ thống vệ tinh, đồng thời chia xẻ tin tức tình báo quân sự với Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ và nhất là Hoa Kỳ về mọi động tĩnh của tàu sân bay này. Tôi tin chắc rằng với sức mạnh hiện tại của Hải Quân Việt Nam, nếu không có tàu sân bay, Trung Quốc sẽ không dám mở một cuộc tấn công quy mô để nuốt gọn Trường Sa. 

Thứ hai: Cũng theo các nhà quân sự, để phân tán bớt lực lượng trên biển của Trung Quốc, Việt Nam cần ngụy tạo tin tức về cuộc tái chiếm Hoàng Sa nếu nổ ra chiến tranh. Nắm được tin tức này chắc chắn Trung Quốc sẽ phải dàn mỏng tàu chiến để bảo vệ Hoàng Sa. Nếu Trung Quốc lơ là, Việt Nam có thể nhân đó tấn công tái chiếm Hoàng Sa, chặn đường về của tàu chiến Trung Quốc. 

Thứ ba: Tương kế tựu kế. Tăng cường phòng thủ Trường Sa và biến Trường Sa thành mồi nhử để tiêu diệt tàu sân bay Thi Lang. Muốn thế Hải Quân Việt Nam cần phải bí mật, linh hoạt. Ngay từ phát súng đầu tiên, hỏa lực phải tập trung để tiêu diệt tàu sân bay này. Một khi tàu sân bay Thi Lang bị đánh hỏng, tất cả máy bay chiến đấu trên boong cũng bị tiêu hủy, chiếc nào đã cất cánh sẽ rớt xuống biển vì không đủ nhiên liệu bay về Hải Nam.Tin này sẽ làm rúng động thế giới. Phần còn lại của hạm đội Trung Quốc như rắn mất đầu, mất tinh thần, phải thoái lui về Hoàng Sa và sẽ bị Hải Quân và Không Quân Hải Việt Nam ở Cam Ranh, Khánh Hòa, Đà Nẵng chặn đánh. Lúc đó, Việt Nam dễ dàng giải phóng Trường Sa. Hiện nay Việt Nam đã có một lữ đòan thủy quân lục chiến (trong nước không còn dùng danh từ “lính thủy đánh bộ” nữa). Nhiệm vụ chính của lữ đòan này là tấn công tái chiếm các đảo bị chiếm. Nói tóm lại theo các chuyên viên quân sự:  Chiến lược sinh tử của Việt Nam là tiêu diệt cho bằng được tàu sân bay Thi Lang, dù phải trả giá đắt. Không tiêu diệt được tàu sân bay Thi Lang thì không sao giữ được Trường Sa. Đây là kế hoạch hết sức táo bạo nhưng thiết nghĩ không còn phương cách nào hơn. Một khi tàu sân bay Thi Lang bị tiêu diệt, phải đợi ít nhất năm, muởi nữa Trung Quốc khi đóng được tàu sân bay khác mới dám gây sự với Việt Nam. Lúc đó Hải Quân Việt Nam đã mạnh hơn và tình hình thế giới đổi khác. 

Hiện nay tình hình tại Biển Hoa Đông và Biển Đông mỗi lúc mỗi trở nên căng thẳng và biến chuyển khôn lường. Rõ ràng Nhật Bản đang tăng cường binh bị và liên kết với Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á để chống lại Hoa Lục. Ngày 8-8-2013 Nhật Bản cho hạ thủy tàu sân bay khổng lồ Izumo là chiếc tàu chiến lớn nhất của tính từ Thế Chiến II tới giờ. Rồi vào ngày 31/10/2013 Nhật lại trình làng chiếc tàu ngầm Soryu tối tân trị giá khoàng 540 triệu đô-la làm Hoa Lục choáng váng. Còn về phía Việt Nam, liên tiếp trong thời gian qua đã có khá nhiều cuộc đối thọai quốc phòng Việt-Mỹ - khi ở Hà Nội, khi  ở Hoa Thịnh Đốn. Những vấn đề như tìm kiếm hài cốt lính Mỹ, rà phá bom mìn, tiêu hủy chất độc da cam, cứu cấp, ứng phó với biển đổi khí hậu v.v.. chỉ là bề nổi. Không biết bên trong hai bên bàn tính những gì. Xin nhớ Mỹ là vua về đi đêm/mật đàm. Không hiểu Mỹ có bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương để Việt Nam có thể mua máy bay săn tàu ngầm Orion P-3 để tăng cường khả năng phòng thủ biển đảo hay không? Trong khi Mỹ còn đang do dự thì cuộc viếng thăm Việt Nam của Ô. Putin ngày 12/11/2013 đã tạo sự chú ý đặc biệt của các nhà quan sát thế giới. Ô. Putin đã dành cho Việt Nam những ưu đãi đặc biệt về quân sự như: Mở rộng các hạng mục về vũ khí và thiết bị bán cho Việt Nam, hợp tác chế tạo tàu chiến và hỏa tiễn chống hạm, bàn giao căn cứ huấn luyện và sửa chữa tàu ngầm và các lọai tàu chiến chế tạo tại Nga. Tất cả những căn cứ này đều ở Cam Ranh. Thiết lập trường đại học công nghệ để Việt Nam lần hồi tự chủ về kỹ nghệ chế tạo cơ khí dành cho quốc phòng. Tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên mang tên Hà Nội (NATO gọi là Hố Đen) ngày 7/11/2013 đã lên đường vể Việt Nam. Chiếc thứ hai chuẩn bị bàn giao. Chiến thứ ba đã khởi công. Theo dự tính khoảng cuối năm 2014 ba con cá kình lợi hại này sẽ tham gia lực lượng phòng thủ biển đảo…và dĩ nhiên làm cho Hoa Lục vô cùng khó chịu. 

Trước tình thế sự việc có thể “trở nên quá trễ” Trung Quốc có thể phải ra tay trước. Nếu phải ra tay trước thì Hoa Lục lựa chọn đánh ai đây? Theo tôi nghĩ Hoa Lục sẽ đánh Việt Nam trước, bởi vì dầu sao Việt Nam cũng là đối thủ yếu hơn. Nếu đánh Nhật trước, Hoa Lục sẽ “bươu đầu sứt trán”, còn sức đâu để đánh Việt Nam nữa? Ngòai ra, khi đánh Việt Nam, nuốt gọn Trường Sa, Hoa Lục sẽ khống chế tòan bộ Biển Đông- tức “một công đôi việc”. Lúc đó Nhật Bản chắc chắn phải quỳ gối hay nhựợng bộ. 

Thế nhưng khi tấn công Việt Nam thì Hoa Lục đã tiến hành một cuộc viễn chinh xâm lược. Bản chất của viễn chinh xâm lược phi chính nghĩa, xa xôi, tiếp vận tốn kém, người dân thường chống đối cho nên không thể kéo dài vô tận. Trong khi chiến tranh phòng vệ - tức chiến tranh bảo vệ tổ quốc đầy chính nghĩa, người dân chấp nhận hy sinh và hy sinh cho đến ngày tòan thắng. Do đó nếu Hoa Lục liều lĩnh mở cuộc tấn công nhằm nuốt gọn Trường Sa thì chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”. 

Hơn thế nữa, căn bản của chiến tranh viễn chinh xâm lược… là phải tốc chiến tốc thắng và phải có khả năng phòng thủ vững chắc phần đất hay các hòn đảo vừa đánh chiếm…hầu tạo “chuyện đã rồi trước dư luận quốc tế. Nếu cuộc chiến bất phân thắng bại, kéo dài khoảng một tuần lễ thì hải lộ quốc tế xuyên qua Biển Đông tắc nghẽn. Lúc đó Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn và cả Hoa Kỳ nữa lâm nguy vì hải lộ này là con đường huyết mạch và là “nồi cơm hũ gạo” của thế giới. Để bảo vệ hải lộ chiến lược và “nồi cơm hũ gạo” này, có thể một lực lượng hải quân quốc tế hùng hậu sẽ kéo tới lấy cớ “bảo vệ an tòan hàng hải” . Khi đó thì Hoa Lục sẽ “xôi hỏng, bỏng không”. Về sức mạnh của Hoa Lục - kinh tế lẫn quân sự thì không ai phủ nhận. Nhưng Hoa Lục không phải không ở vào tình thế tiến thóai lưỡng nan./.

Đào Văn Bình
(California ngày 22/11/2013)

Khai Dân TríTĐào Văn Bình

2013/11/20

MỆNH LỆNH XUỐNG ĐƯỜNG: ĐÃ LÀ TẬN CÙNG CỦA CHỊU ĐỰNG (02)

MỆNH LỆNH XUỐNG ĐƯỜNG
Bài số 2

ĐÃ LÀ TẬN CÙNG CỦA CHỊU ĐỰNG
HỒ TẤN VINH

1929- 2013, đã hơn 80 năm dài, Chủ Nghĩa Cộng Sản đã đem tang tốc và đau thương cho người dân Việt Nam.
Cũng có những lúc tưởng là huy hoàng, như chiến thắng trận Điện Biên Phủ năm 1954 hay chiến thắng Miền Nam năm 1975. Nhưng đó chỉ là những tiếng cú kêu đêm, báo trước những tai họa lớn hơn sẽ xẩy ra sau đó.
Trong suốt chiều dài của 80 năm oan nghiệt, những thức giã Việt Nam, nhứt là những người trong Đảng đã lên tiếng giải thích, kiến nghị, chỉ trích, cảnh cáo. Danh sách những người can đãm này rất dài. Chúng ta đều biết họ là ai. Có những người trong số đó đã phải trả giá thê thảm vì cái liêm sĩ của bản thân.
Cách giải quyết tốt nhứt để thoát ra khỏi cái bế tắc hôm nay là thành tâm sửa đổi Hiến Pháp trên căn bản tự do dân chủ. Từ đó trao lại quyền làm người cho mọi công dân một cách đường đường chính chính rồi tự mình thoát ra còn danh dự.


Tôi chỉ xin tóm lược lại những cố gắng gần đây nhứt của quần chúng trong chiều hướng này.

1.-  Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 19-1-2013 của Nhóm 72 nhân sỹ, trí thức Việt Nam nêu ra 7 đề nghị trong đó có câu ‘Việc đảng cầm quyền chấp nhận sự cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của đảng Cộng sản VN trước bối cảnh hiện nay của đất nước’.

 2.-  Tuyên bố của Các Công dân tự do ngày 28-2-2013 chẳng những đòi bỏ Điều 4 trong Hiến Pháp cũ, mà còn đòi ‘Chúng tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam. Không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng toàn trị đất nước’

3.-  Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 01-03-2013:
1. Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phải chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào.
2. Xác định tính độc lập của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền này cách độc lập và hiệu quả.
3. Luật hóa sự kiểm soát của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quy định cụ thể. 

 4.- Tuyên bố của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Tăng thống Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất ngày 5-3-2013:
          Gần hai tháng qua, Giáo hội chúng tôi vui mừng thấy giới sĩ phu đất nước, giới trẻ, giới công dân mạng đã gạt phăng sợ hãi bấy lâu, đứng lên nói bằng lời, bằng bài viết, bằng kiến nghị, bằng cả xuống đường đòi hỏi dân chủ hóa đất nước. Điển hình là “Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp” viết ngày 19.1.2013 đăng trên Mạng Bauxite Việt Nam với 72 chữ ký đợt đầu mà đa số là những công thần chế độ, tính đến hôm nay, ngày 5.3.2013, đã tăng thành 6611 chữ ký ; và “Lời tuyên bố của các Công dân Tự do” gợi ý từ bài viết của Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, công bố ngày 28.2.2013 trên Mạng DânLàmBáo với 5 yêu sách : Bỏ điều 4 trên Hiến pháp và tổ chức Hội nghị Lập hiến / Ủng hộ đa nguyên đa đảng / Đòi hỏi một nhà nước tam quyền phân lập / Phi chính trị hóa quân đội / và Quyền tự do ngôn luận của người công dân ; tính đến hôm nay, ngày 5.3.2013, đã lên tới 4200 chữ ký hậu thuẫn.

5.-  Lời Hiệu triệu của CLê Quang Liêm, Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy ngày 08-03-2013, kêu gọi đồng bào liên kết đấu tranh đòi Đảng cộng sản chấp nhận một cuộc trưng cầu dân ý dưới sự giám sát của quốc tế để Việt Nam có được một Hiến pháp dân chủ.

6.-   Tuyên bố chung về HP 1992 của Chức sắc 5 tôn giáo  ngày 1.5.2013:

Sài Gòn – Từ quốc nội, hôm qua, 22 tháng 03 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 01.05.2013, một số Vị chức sắc của 5 tôn giáo đang hoạt động tại VN là Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt, Công Giáo, Tin Lành – Giáo Hội Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ, Cao Đài chính thống – Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy, đã cùng đứng tên ra Tuyên Bố Chung về Hiến Pháp 1992.
Bản Tuyên Bố Chung đưa ra 8 yêu cầu:
“1- Do ý kiến nguyện vọng của toàn dân Việt Nam lập nên, tức là phải trưng cầu dân ý, có Liên Hiệp Quốc giám sát.
2- Tránh tất cả mọi sự lệ thuộc vào ngoại bang, nhất là Trung Quốc.
3- Tránh mọi điều xâm phạm đến quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam như: Tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội…
4- Bầu cử Quốc Hội, tất cả các đảng phái đều được tự do ứng cử.
5- Bầu cử chính quyền do dân cử, dân bỏ phiếu trực tiếp dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc.
6- Bầu cử theo thể chế Dân Chủ Tự Do.
7- Tam Quyền Phân Lập rõ ràng.
8- Xây dựng một nước Việt Nam thật sự Hòa Bình – Trung Lập – Tự Do – Dân Chủ; Do Dân – Phục Vụ Dân – Lập Quyền Dân.”

7. -Tuyên bố về Hiến pháp Việt Nam  của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền ngày 29 tháng 10 n ăm 2013

1- Đảng CS hãy khôn ngoan, sáng suốt và phục thiện trước hiện tình của đất nước và khát vọng của đồng bào. Chớ bất chấp quá khứ thê thảm, thách thức dân ý hiện thời mà đem thí nghiệm tương lai của dân tộc. Nhớ cho rằng gieo gió thì sẽ gặt bão!
 2- Các đại biểu Quốc hội hãy ý thức bổn phận của mình trước quốc dân và trách nhiệm của mình trước lịch sử, để nhân cơ hội này hình thành một HP đúng nghĩa, hợp lý và thuận lòng dân.
 3- Đồng bào khắp nơi hãy ủng hộ cho một HP dân chủ, nhất là Đồng bào trong nước hãy quyết liệt đấu tranh bất bạo động (bằng biểu tình ôn hòa chẳng hạn) cho bộ luật gốc này!    

8. - LỜI KÊU GỌI Của GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT.
GỬI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ngày 5 tháng 11 năm 2013

Lòng người và thời cuộc đang đòi hỏi quý vị phải hành động để cứu nguy đất nước, cứu nguy dân tộc và cứu nguy chính bản thân và gia đình quý vị.

Đây là cơ hội quý báu để quý vị đóng góp tâm huyết của mình cho đất nước, để xứng đáng với tổ tiên chúng ta đã mấy ngàn năm khai phá và gìn giữ giang sơn này.

Quý vị hãy can đảm vượt qua chính mình, vượt qua sợ hãi, vượt qua những mặc cảm tội lỗi và quyền lợi cá nhân, phe nhóm nhất thời. Quí vị hãy thức tỉnh một lần cho muôn đời đất nước được bền vững, cho dân tộc được sống trong tự do, dân chủ, nhân quyền.

Chùa Giác Hoa, Sài gòn, ngày 05.11.2013
Thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện
GHPGVNTN
Viện Trưởng Viện Hoá Đạo
Tỳ kheo Thích Viên Định.


9. - THƯ GỬI ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP HỒ CHÍ MINH ĐANG THAM DỰ KỲ HỌP QUỐC HỘI LẦN THỨ 6 
Kính thưa quý‎ vị đại biểu,
Chúng tôi, một số trí thức, nhân sĩ, cử tri của thành phố Hồ Chí Minh trân trọng gửi đến quý vị kiến nghị sau đây:
1. Qua theo dõi thông tin về kỳ họp Quốc hội với những trao đổi thảo luận và những ý kiến phát biểu tại diễn đàn cũng như một số kết luận của Đoàn Chủ tịch về nội dung bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai, chúng tôi biết được rằng, một số đại biểu của thành phố ta đã có cố gắng trình bày một số ý kiến và đòi hỏi bức xúc của cử tri thành phố. Chúng tôi đánh giá cao những cố gắng đó mà phát biểu của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm là những ví dụ cụ thể.
Tuy nhiên còn quá nhiều ý kiến bức xúc của cử tri thành phố, trong đó có ý kiến của chúng tôi được thể hiện trong Kiến nghị về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 gửi đến Quốc hội ngày 19.1.2013 (thường được gọi tắt là “Kiến nghị 72”) tập trung vào 7 điểm rất cụ thể với sự nghiêm túc, có trách nhiệm và xây dựng, đã không được Ban Soạn thảo để ý đến. Vì vậy bản Dự thảo được đưa ra Quốc hội thảo luận đã không thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, của đông đảo cử tri, trong đó có chúng tôi.
Trên thực tế, bằng những điều đã làm, các vị đã không chấp hành Nghị quyết của Quốc hội về Sửa đổi Hiến pháp ban hành ngày 23.11.2012, trong đó ghi rõ phải tạo được sự đồng thuận xã hội, tập hợp đầy đủ ‎ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, giải trình đầy đủ và công khai những điểm đã tiếp thu đưa vào Dự thảo Sửa đổi và những điểm không tiếp nhận với l‎í do rõ ràng, minh bạch.
Ấy thế mà, những nhà lãnh đạo Đảng, Quốc hội và cả hệ thống báo chí và truyền thông Nhà nước vẫn nói rằng bản Dự thảo Hiến pháp và Luật Đất Đai đã được tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình, nhất trí và quyết định cho biểu quyết để thông qua bằng được Bản Hiến pháp và Luật Đất đai trong kỳ họp này, bất chấp những ý kiến của nhiều đại biểu, quay lưng lại với đòi hỏi của đông đảo cử tri trong cả nước. Nếu vội vã thông qua Hiến pháp và Luật Đất đai khi còn quá nhiều điều bất cập thì đó là một sai lầm mà cái giá nhân dân ta phải trả là quá lớn, đất nước sẽ lại phải lún sâu vào khủng hoảng, trước hết là khủng hoảng lòng tin.
2. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định thành lập một nhóm đại biểu cử tri của TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội gặp đoàn đại biểu Quốc hội của thành phố ta để trực tiếp trình bày kiến nghị, bày tỏ ý chí nguyện vọng và thái độ của cử tri thành phố. Chúng tôi đã liên tục gọi điện thoại đến Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, nhưng cuối cùng thì nhận được lời khuyên là đoàn đại biểu cử tri chúng tôi không nên ra Hà Nội vì sẽ không thể giải quyết được gì đâu! Những gì cần làm thì các đại biểu Quốc hội của thành phố đã làm, nhưng những gì đã quyết định sẽ không thay đổi được.
Quả đúng là “sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII sẽ làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc” như đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu trước Quốc hội.
3. Để hậu thế có cứ liệu mà đánh giá một cách chuẩn xác và nghiêm minh, chúng tôi kiến nghị các đại biểu Quốc hội của thành phố Hồ Chí Minh chúng ta sẽ đi trước một bước, công khai danh tính gắn liền với quyết định bấm nút biểu quyết thông qua hay phủ quyết bản Hiến pháp sửa đổi và Luật Đất đai. Làm như thế, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ phải đối diện với chính mình, đối diện với “sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm” như đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phát biểu trong phiên thảo luận ngày 24.10.2013, trước khi đối diện với sự thẩm định của cử tri, sự phán xét của lịch sử.
4. Vì không đến gặp được đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, chúng tôi kiến nghị quý vị trình bày trước Quốc hội kiến nghị của chúng tôi yêu cầu Ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp và lãnh đạo Quốc hội trả lời rõ lí‎ do không chấp nhận 7 điểm mà chúng tôi đã nêu lên trong “Kiến nghị 72” gửi đến Quốc hội này 19.1.2013. Nếu không công khai và minh bạch điều này tức là không tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội ngày 23.11.2012 nêu ở trên, cũng có nghĩa là không có đủ cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, không thể đưa ra biểu quyết thông qua Hiến pháp được.
Xin gửi đến quý‎ vị đại biểu lời chào trân trọng và kính chúc qu‎í vị dồi dào sức khỏe để tiếp tục nhẫn nại hoàn thành sứ mệnh cao cả mà cử tri thành phố đã trao cho quý vị.
TP Hồ Chí Minh, ngày 11.11.2013

DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI GỬI THƯ:
1. Bùi Tiến An, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, TP HCM
2. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP HCM, TP HCM
3. Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động, TP HCM
4. Hoàng Dũng, PGS TS, Đại học Sư phạm TP HCM
5. Phạm Chí Dũng, nhà báo, TP HCM
6. Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM khóa 4, 5, TP HCM
7. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Tổng công ty Du lịch Thành phố (Saigontourist), TP HCM
8. Hà Thúc Huy, PGS TS, Đại học Khoa học Tự nhiên, TP HCM
9. Lê Phú Khải, nhà báo, nguyên phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Miền Nam, TP HCM
10. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
11. Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, TP HCM
12. Lương Văn Liệt, nguyên cán bộ Thanh niên Xung phong, nguyên cán bộ Chi cục Thuế, TP HCM
13. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), nguyên Phó phòng PA 25 CA thành phố HCM, nguyên thư ký của Bí thư thành ủy TP HCM Mai Chí Thọ, TP HCM
14. Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, TP HCM
15. GB Huỳnh Công Minh, linh mục Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
16. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
17. Hạ Đình Nguyên, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
18. Mai Oanh, chuyên viên Phát triển nông thôn, TP Hồ Chí Minh
19. Nguyễn Kiến Phước, nhà báo, nguyên Đại diện báo Nhân Dân ở phía Nam, TP HCM
20. Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
21. Trần Công Thạch, hưu trí, TP HCM\
22. Lê Thân, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
23. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, TP HCM
24. Phan Văn Thuận, giám đốc doanh nghiệp, TP HCM
25. Trần Quốc Thuận, luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TP HCM
26. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên văn hóa, TP HCM
27. Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM
28. Võ Thị Bạch Tuyết, hưu trí, TP HCM
29. Lưu Trọng Văn, nhà báo, TP HCM

10. Có những cá nhân độc lập như các ông Kha Lương Ngãi đã gởi tâm thư đề ngày 10/11/2013, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng  với tư cách cử tri, kiến nghị dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, kéo dài thảo luận đến cuối năm 2014. Bên cạnh đó còn hình thành tổ chức giám sát độc lập về quá trình thu thập ý kiến người dân. Hiến pháp mới phải bảo đảm các quyền con người một cách thực chất, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cơ chế tam quyền phân lập.


TÔI ĐÃ TRÌNH BÀY Ý KIẾN CỦA NGƯỜI DÂN QUA CÁC VĂN KIỆN TRÊN ĐÂY. ĐÂY LÀ NHỮNG Ý KIẾN VỪA CHÂN THÀNH, VỪA ÔN HÒA VÀ CŨNG RẤT QUYẾT LIỆT. NẾU CÒN CHÚT THÔNG MINH THÌ ĐẢNG CỘNG SẢN NÊN THẢO LUẬN VỚI  DÂN.

SAU BAO NHIÊU LẦM LỖI, ĐÂY LÀ CƠ HỘI CHÓT ĐỂ ĐẢNG CỘNG SẢN TẠ TỘI VỚI QUỐC DÂN.

NẾU ĐẢNG CỘNG SẢN BỊT MẮT BỊT TAI ĐI RIÊNG MỘT MÌNH THÌ ĐÓ LÀ MỘT HÀNH ĐỘNG NGU XUẨN. NÓ THÁCH THỨC QUẦN CHÚNG XUỐNG ĐƯỜNG.


HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 20 tháng 11 năm 2013
(Còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh