2011/12/19

Tù nhân và Thuyền nhân với những nhà văn gốc Việt


Tù nhân và Thuyền nhân với những nhà văn gốc Việt

Nguyễn Mạnh Trinh

Nạn nhân của chế độ Cộng sản không phải chỉ riêng với người Việt Nam. Mà còn trên bình diện quốc tế với nhiều sắc dân bị kềm kẹp trong chế độ độc tài toàn trị và hệ thống công an cũng như trại giam là những công cụ đàn áp tàn bạo nhất.

Ở Canada, có một phong trào "Tribute to Liberty" hô hào xây dựng một tượng đài để vinh danh những nạn nhân của chế độ Cộng sản. Trong những tài liệu trưng dẫn có tới hàng trăm tác phẩm của các tác giả nổi tiếng hoặc vô danh của 19 sắc dân từng chịu sự đọa đầy của chế độ Cộng sản. Trong các sắc dân ấy có Cambodge, Trung Hoa, Cuba, Croatian, Tiệp Khắc, Slovakian, Estonian, Phần Lan, Đức, Hung Gia lợi, Đại Hàn, Atvian, Lithuanian, Mennonite, Ba Lan, Roumanian, Slovenian, Ukrainian, và Việt Nam.

Nhà văn gốc Việt có tác phẩm trên là Vo, Nghia M. với hai tác phẩm: "The Bambou Goulag: Political Imprisonment in Communist Vietnam"xuất bản năm 2004 và "The Vietnamese Boat People, 1954 and 1975-1992" xuất bản năm 2006.


Võ, Nghia M. là một nhà văn và khảo cứu, hiện sống tại Virginia, là tác giả của "Saigon : A History", " The Pink Lotus", "The Viet Kieu in America", "Faces of The War", "The Trung Sisters", "The Vietnamese Mayflower of 1975", và là một trong những người chủ trương SACEI (Saigon Arts, Culture & Education Institute). Những tác phẩm của ông với chuyên đề Việt Nam, từ thời sự chính trị, đến đặc thù văn hóa xã hội trong thời chiến tranh và hậu chiến tranh.

Với tác phẩm "The Bambou goulag", là những khám phá đến từng chi tiết về hệ thống lao tù của Cộng sản Việt Nam qua ba thời kỳ, sau năm 1945, sau năm 154 và sau năm 1975. Tùy từng thời kỳ, tùy theo chính sách, với chế độ độc tài toàn trị xử dụng hệ thống công an và hệ thống nhà tù để ép buộc dân chúng vào những khuôn khổ ấn định sẵn bởi Đảng và tiêu diệt ngay tức thì những lực lượng đối kháng ngay tư lúc ban đầu.


"Vietnamese Boat People, 1954 and 1975-1992" Là một cuốn sách viết rất rõ ràng với nhiều chi tiết xác thực về những người tị nạn Việt Nam. Đã có rất nhiều sách viết về đề tài này nhưng đây là một cuốn sách có giá trị hơn theo như nhiều nhà phê bình nhận định. Tác phẩm khởi đầu với biến cố từ năm 1954 sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam và chính quyền Cộng sản được thiết lập tại miền Bắc. Đó là cuộc chạy trốn chế độ Cộng sản đầu tiên của hơn một triệu người miền Bắc vào Nam. Những người tị nạn ra đi đâu phải dễ dàng ở những vùng đã bị Cộng sản chiếm từ trước. Họ cũng gặp những hiểm nguy có thể bị bắt lại, bị bắn chết. Những chiếc mảng tre, những thuyền bè sơ sài của những giáo dân đã vượt tuyến bắt đầu cho những trang sử thuyền nhân. Sau đó, tác giả đã phân tích về sau này, 20 năm sau, thời kỳ 1975-1992, với những đợt di tản, thuyền nhân, bộ nhân với nhiều sự kiện làm xúc động cả lương tâm thế giới. Bắt đầu từ lúc chính quyền Hoa Kỳ thay đổi chính sách, không trợ giúp chính quyền VNCH dẫn đến biến cố sụp đổ chính quyền miền Nam khởi đầu cho những biến cố thương tâm của những người đi tìm tự do.

Trong vai trò của người kể truyện, tác giả đã trộn lẫn những tình tiết thật của những người tị nạn từ những mảnh đời sống cá nhân riêng tư đến những biến cố có tầm mức đông đảo hơn. Cuộc sống ở những trại tị nạn và cả những kinh nghiệm sống sau khi được định cư ở các quốc gia đệ tam. Ông còn lược qua những chính sách đối với người tị nạn của những quốc gia đã giúp đỡ người tị nạn như Hoa kỳ, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Canada, Úc và nhiều quốc gia khác. Với những chi tiết xác thực, gạn lọc từ kinh nghiệm và đời sống, tác phẩm đã làm cho độc giả ngoại quốc thấy được những đặc biệt của tác giả. Là người Việt Nam và viết với tâm tư thực, đời sống thực của mình, phản ánh tâm tư của những người tị nạn chống Cộng của một cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ.

Có nhiều cuốn sách viết về những thuyền nhân được giới truyền thông và văn chương bản xứ nơi định cư để ý đến. Những chuyện vượt biển, được kể lại như những truyện truyền kỳ, mà người kể là những nhân chứng sống động của một thời kỳ đặc biệt của không những riêng của dân tộc Việt Nam mà còn của cả thế giới nữa. Một ví dụ điển hình là tác phẩm "South Wind Changing" của Jade Ngọc Quang Huỳnh, một thuyền nhân Việt Nam.


Theo như tiểu sử được phổ biến, ông sinh năm 1957 tại Vĩnh Bình, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và đang học đại học tại Sài Gòn thì bị bắt vào tù giam Cộng Sản khi đang là sinh viên. Một năm trong tù, bị ngược đãi, đói khổ và hành hạ nên sau đó đã vượt thoát bằng một may mắn kỳ lạ. Sau đó vượt biển và thành một thuyền nhân và tạo dựng cuộc sống mới tại Hoa Kỳ. Cuộc sống bắt đầu với những công việc bằng lao động chân tay trong các xưởng sản xuất kỹ nghệ, sau đó vào trường đại học tốt nghiệp cử nhân tại Bennington College. Sau ông chọn học lớp viết văn tại Brown University và tốt nghiệp M. F. A. Ông là một trong những người biên tập của Voices of Vietnamese People và tác phẩm đầu tay "South Wind Changing" viết về tù ngục Cộng sản cũng như những cuộc vuợt thoát của người tị nạn Việt Nam. Tác phẩm này được giới truyền thông Hoa Kỳ đặc biệt để ý.

Như trong bài điểm sách dài tới hơn bốn trang của The New York Review of Books hay bài giới thiệu dài hơn 2 trang của mục điểm sách của The New York Times. Tác phẩm này cũng được liệt kê vào những cuốn sách ở vòng chung kết của the National Book Award và được chọn là tác phẩm trúng giải Times Magazine Non-Fiction Book of the Year 1994. Những bài viết hoặc những bản dịch của ông được đăng tải rộng rãi trong những tuyển tập như Asian American Literature; Tilting the Continent" Southeast Asian American Writing; Screaming Monkeys" Critiques of Asian American Images; Times It Was: American Stories from the Sixties and Beyond. Hiện ông là giáo sư tại Cardiff University in Wales, Appalachian State University at North Carolina và Community College of Vermont.

Tác phẩm đầu tay của Jade Ngoc Quang Huynh, "South Wind Changing" là một cuốn hồi ký tự thuật của một thuyền nhân, lớn lên trong chiến tranh. Khi Việt Cộng xâm chiếm miền Nam thì ông bị bỏ tù với lý do vu vơ để "giáo dục cải tạo tư tưởng, tâm lý và thể lực bằng lao động khổ sai". Hồi ký này kể lại những ngày tù ngục, cuộc vượt thoát kỳ lạ, cuộc vượt biển nguy nan và cuộc sống đầy cố gắng để học hỏi tạo dựng cuộc đời mới tại xứ sở định cư. Sau sáu năm làm việc lao động cực nhọc, ông tốt nghiệp đại học và trở thành một giáo sư đại học. Ông đã vượt qua cái bạo tàn của chế độ Cộng sản chuyên chế cũng như vượt qua được những khắc nghiệt những trở ngại cũa xã hội tư bản Hoa Kỳ cũng như những rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa khi tạo dựng lại đời sống mới ở xứ sở định cư.

George Packer, trên bài điểm sách của The New York Times đã viết: "Có những truyền thuyết không bao giờ được nói, hoặc ít nhất là chúng ta hiếm được nghe. Cả hơn một triệu người tị nạn, những người bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến Việt Nam mà người Mỹ đã quen thuộc tên họ ít nhất là hai hoặc ba lần. Những người ấy phần đông không thể kể lại hoặc viết lại bằng Anh ngữ, hoặc họ không muốn trở về lại tình trạng tâm lý của những trường hợp vô cùng kinh khiếp trong đời, nên đã im lặng. Nhưng có một biệt lệ. Jade Ngoc Quang Huynh không ở trong số đông im lặng ấy, ông viết để kể lại những trường hợp thập tử nhất sinh của đời ông, với những chi tiết lôi cuốn người đọc của thiên hồi ký "South Wind Changing"... "

Publishers Weekly thì cũng điểm về thiên hồi ký này: "năm 1975, Huynh, một thanh niên quê mùa của vùng đồng bằng Cửu Long, khi bắt đầu theo học tại Đại Học Sài Gòn thì bị bắt giam bởi những người Cộng Sản vừa chiếm đoạt được đất nước với một tội danh khá mù mờ là một trí thức và bị đưa xuống một trại lao động khổ sai. Huynh đã khởi đầu thiên hồi ký của mình với những điều diễn tả có vẻ kỳ thú đối với anh - và có lẽ cả với người đọc chúng ta nữa. Thứ nhất, anh đã làm quen để thành thân thuộc với một tên cán bộ phó ban trại giam và từ đó đã tạo cho mình cơ hội vượt thoát khỏi tù ngục. Khi vượt biển làm thuyền nhân, anh đã phải trải qua nhiều nguy nan đối diện với một loạt những trận cướp bóc của hải tặc Thái Lan trước khi đến được trại tị nạn. Thứ nữa, anh đã tạo dựng cho mình một con đường đi đúng hướng ở Hoa Kỳ, nơi mà anh đã làm liên tiếp những công việc lao động lương ít và khổ nhọc cũng như cũng phải đối phó và vượt qua những khác biệt văn hóa. Thực sự hầu như là không nhà cửa với trách nhiệm người chủ gia đình gồm hai người em và đứa cháu, Huynh đi lang thang nhiều nơi trên đất Mỹ cho đến khi anh tự tìm kiếm cho mình một cơ hội đến sống tại thành phố Bennington nơi mà anh cảm thấy mình được đón nhận với sự an tâm. Nơi đó anh làm công việc lau chùi janitor bán thời gian nhưng đã có một huyền diệu tuyệt vời đã làm thành kết cuộc cho thiên hồi ký, Huynh được nhận một học bổng và đã tốt nghiệp B, A. tại Bennington College năm 1984 và sau đó tốt nghiệp Master in Fine Arts từ một trường đại học Brown thuộc hệ thống đại học Ivy League nổi tiếng. Câu chuyện của một thuyền nhân, tuy giản dị nhưng đầy sức sống để vươn lên trong mọi nghịch cảnh đã có một cuối cùng tốt đẹp. Huỳnh đoàn tụ lại được với cả gia đình trong tác phẩm gom hết được cả đời sống của đất nước mà anh đã phải trốn chạy và rời bỏ nó... "

Thiên hồi ký bắt đầu với chuyện kể từ biến cố Tết Mậu Thân năm 1968 với những ngày thơ ấu sống với gia đình tại An Tân, một vùng ngoại ô của thị xã Vĩnh Bình. Tác giả đã chứng kiến cái chết của người em gái út của mình cũng như đã chứng kiến những nạn nhân chiến cuộc bỏ mình trên đường chạy loạn. Và tác giả cũng đã gặp và tiếp xúc với những cán binh Cộng sản khi hai anh em bị bắt buộc dùng xuồng để tản thương binh lính của họ. Biến cố này để lại trong tâm trí tác giả những ấn tượng không thể nào quên được.

Sau năm 1968, tác giả học trung học và cố gắng để khỏi phải tham chiến bằng cách học cho xong bậc trung học để được hoãn dịch. Trong thời học sinh, anh có một người bạn thân tên Hạnh và về sau này là một ân nhân giúp đỡ rất nhiều. Và anh cũng có một mối tình học trò với cô nữ sinh tên Di với nhiều lãng mạn mộng ước về một tương lai mở ra. Năm 1973, anh tốt nghiệp trung học với giải thưởng ưu hạng. Và anh cũng tâm sự với Hạnh về những nhận xét của mình về cuộc chiến đang diễn ra trên đất nước. Theo Jade Ngọc Quang Huỳnh, những người cầm quyền ở cả hai miền Nam Bắc đều là những kẻ cơ hội làm tay sai cho những lý thuyết của ngoại bang sử dụng vũ khí của ngoại quốc trong mưu đồ quyền lực địa vị của mình. Và tác giả cũng mơ ước về một thể chế dân chủ, đặt căn bản trên đạo đức dân tộc và theo truyền thống triết lý của tổ tiên với sự chú trọng đặc biệt về giáo dục. Mùa hè năm đó cô bạn gái sửa soạn lấy chồng là một anh nông dân ít học nhưng chăm chỉ làm ăn theo sự sắp xếp của gia đình. Lúc đó anh mới biết là mình yêu Di. Năm đó, anh có hai biến cố lớn : đám tang của ông nội và đám cưới của cô bạn gái tên Di. Và biến cố nào cũng đều gây ra cho anh những xúc động mãi đến về sau.

Năm 1975, Sai gòn thất thủ. Tác giả đã cùng Hạnh đi xuống Vũng Tàu để di tản nhưng không thành công và trở về Vĩnh Bình sống. Ở đây anh đã chứng kiến cảnh Việt Cộng xử tử 10 thanh niên bị gán tội phản động ở sân vận động Vĩnh Bình. Những cảnh tượng ấy mãi mãi in sâu trong ký ức anh. Công an địa phương thì dòm ngó đe dọa nên anh xin lên Sài Gòn để đi học lại vì sợ hãi không khí đàn áp khó thở ở địa phương này. Nhưng được ít lâu thì anh cũng bị bắt với lý do vu vơ rồi bị gửi đi lao động khổ sai ở trại cải tạo Hiệp Tam.

Phần thứ hai của thiên hồi ký là những ngày bị tù tội ở những trại tù nổi tiếng là dữ dằn khắc nghiệt. Trại cuối nằm ở vùng biên giới Việt Miên trước là mật khu của Việt Cộng. Đời sống ở trại tù thì vừa đói khổ vừa nguy hiểm vì những mìn bẫy những lưu đạn gài còn sót lại từ thời chiến tranh. Chính tác giả cũng suýt chết trong một vụ một trái lựu đạn nổ và người bên cạnh anh bị tử thương. Ở trại tù này anh có một người bạn tên Hùng và hai người thành đôi bạn thân chia ngọt sẻ bùi với nhau trong đời sống thiếu thốn gian lao. Một đêm Hùng đi trộm sắn để thêm vào khẩu phần thiếu thốn của mình nhưng bị phát giác và bỏ chạy. Những tên quản giáo coi tù thật là dã man, đánh đập hành hạ tù nhân bằng những lề lối tệ hại nhất. Hùng bị bắt lại nhưng người mẹ đã đến trại tù mang vàng đến hối lộ để xin trả tự do cho con. Tên cán bộ trại nhận vàng nhưng rồi sau đó dẫn Hùng đi biệt tích, Sau này khám phá ra ở một chỗ gần đó một xác người bị đánh đập đến chết mà có thể là xác của Hùng. Chuyện đối xử dã man với tù nhân coi sinh mạng con người thật rẻ rúng đã được tác giả kể lại rất chi tiết và người đọc bản xứ sẽ thấy được rõ ràng tội ác của chế độ Cộng sản. Những trò hành hạ dã man, trói ngón tay cái vào chân của người tù hàng đêm để tra khảo, chuyện ác độc lấy vàng rồi giết người diệt khẩu, những lề lối tra tấn hành hạ tàn bạo hơn thời trung cổ được tác giả mô tả trong thiên hồi ký như một chứng liệu về tội ác diệt chủng trong lịch sử nhân loại.
Khi làm những công việc lao động, tác giả có dịp để gần gũi thân cận với người phó ban quản giáo là chú Tư và tạo dịp may để tác giả trốn chạy khỏi trại giam. Người quản giáo này là người miền Nam tập kết ra Bắc rồi vào Nam tham gia chiến tranh. Nhưng bây giờ ông ta làm việc với một người Bắc làm thủ trưởng và bị chèn ép nên rất bất mãn vì công lao không được đền bù dù đã có nhiều hy sinh cho Đảng để chiến thắng. Khi đi công tác chung thì ông này bị thương rồi đưa vào bệnh viện để cứu chữa thì bị cưa chân vì sự dốt nát của người y sĩ. Tác giả được cử để coi sóc nên nhân dịp này bỏ trốn khỏi bệnh viện…

Phần thứ ba của tác phẩm là chuyện tường thuật lại từ lúc trốn chạy khỏi trại tù rồi đời sống sau những ngày đó trôi nổi đến khi vượt biển và qua định cư ở xứ người. Khi rời khỏi được bệnh viện Hà Tiên trốn chạy ra khỏi trại tù tác giả đã sống vất vưởng để tìm đường vượt biên. Nhờ người bạn tên Hạnh giúp đỡ, che giấu nên tác giả đã có dịp được vượt biên một lần nhưng bị thất bại. Sau cùng với người anh tên Lan tổ chức một chuyến vượt biển từ Rạch Giá. Cuối cùng thì tác gỉa cũng đến được trại tị nạn sau một cuộc hải hành đầy nguy hiểm. Có ngư dân Thái Lan hiền lành giúp đỡ cho đồ ăn, nước uống và sửa tàu giúp trong cơn nguy nan nhưng cũng có hải tặc dữ dằn hung ác cướp của hiếp người đánh đập thanh niên hiếp dâm phụ nữ. Tàu vượt biển của tác giả dạt vào bờ sau khi bị một tàu hải tặc cướp phá vơ vét và thuyền nhân tự phá tàu để không phải kéo dài cuộc hải hành vô vọng với con tàu què quặt. Họ được đến trại tị nạn Leamsing và bắt đầu sống một cuộc sống lưu lạc. Tác gỉa được người anh tên Tường là một phi công đã đi di tản từ năm 1975 bảo lãnh qua định cư ở Corinth, Mississipi. Đời sống ở đây coi bộ không có gì tốt đẹp nên tác giả và gia đình người anh tên Lan di chuyển về sống ở San José nơi có đông đảo người Việt Nam định cư. Ở đây, tác giả học nghề thợ tiện và bắt đầu gửi tiền về quê nhà giúp gia đình. Nhờ vậy mà gia đình người chị, hai em trai, một em gái và một cháu trai có tiền để vượt biển đến Galang Nam Dương. Nặng gánh gia đình nên phải nhờ hệ thống an sinh xã hội giúp đỡ nhưng vì sự khinh rẻ nên tác giả quyết định phải tìm một phương cách khác để đời sống được tự lập và có tương lai khá hơn. Thu xếp công việc của gia đình xong, gom góp chút ít tiền để dành cho một chuyến đi, tác giả cùng hai người em và người cháu cùng nhau chồng chất trên một chiếc xe cũ khởi hành đi về một nơi đất hứa vô định. Cuộc hành trình từ San José, theo xa lộ I-80 về hướng đông qua miền đồi núi bắc California, rồi Nevada, rồi Salt Lake City của Utah, rồi Casper và Cheyene của Wyoming tiến về Nebraska rồi Iowa, Michigan, Ohio, Newyork rồi ngược phía bắc đến Vermont, New Hampshire và Maine. Đến Bennington, Vermont chiếc xe cũ bị hư và tiền cũng cạn nên cả gia đình phải dừng lại ở đây. Nhờ may mắn và có người giúp đỡ nên tác giả ở lại đây vừa kiếm việc làm vừa tính chuyện trở lại trường đại học. Cuộc hành trình được kể lại có nét sống thực và diễn tả được tâm trạng khai phá của những người đi tìm đất mới để sinh sống và lập nghiệp ngày xưa.

Tác giả đã trù tính cho tương lai của mình như đã viết về cuộc phỏng vấn của người giáo sư cố vấn và hướng dẫn của trường đại học với tác giả trong thiên hồi ký này:
"Anh dự tính sẽ học những lớp nào tại Bennington College?
Tôi dự trù sẽ học Anh ngữ trước rồi sau đó sẽ học về văn chương Anh và Hoa kỳ.
Tại sao chọn lớp văn chương? Người cố vấn hướng dẫn hỏi và tiếp theo "Sẽ rất khó khăn bởi vì Anh ngữ không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của anh!
- Tôi đã học về văn chương Việt Nam trước khi học về văn chương Anh và Hoa Kỳ. Tôi nghĩ chúng tôi chỉ bị giới hạn ở vỏn vẹn ở trí tưởng tượng mà thôi!
- Rồi anh sẽ ước muốn điều gì sau đó?
- Tôi muốn là một người Việt Nam viết tiểu thuyết bằng Anh ngữ!"
Và mùa đông năm ấy, tác giả nhận được học bổng vào nhập học trường Bennington College. Trước tương lai có vẻ hơi sáng sủa ấy tác giả vẫn không thể nào quên được những người thân đã vì thời thế mà lưu lạc ở những nơi chốn xa xôi. Tác giả viết: "Tôi đã rời bỏ mẹ tôi và gia đình tôi. Tôi có một đại gia đình gồm cha mẹ, anh chị em, một gia đình hạnh phúc và cùng chia sẻ với nhau nỗi đau đớn cũng như sự khó khăn. Bây giờ, mỗi người trong gia đình đã có những số phận khác nhau. Chín anh em tôi đều là những người tị nạn sống rải rác ở Hoa Kỳ và đều cố gắng tạo dựng một đời sống mới yên ổn. Chúng tôi đã bỏ lại cha mẹ và hai người anh lớn cùng gia đình ở lại Việt Nam. Tôi tự hỏi. Những điều gì chúng tôi đã làm và đã hoàn tất? Chúng tôi có phải là những người phản bội lại cha mẹ chúng tôi không, đặc biệt là mẹ tôi? Và tôi có phải là người bỏ giở cuộc cờ nửa chừng không? Tôi có phải là một người đã cống hiến?"

Hồi ký "South Wind Changing" kết cuộc với nỗi nhớ thương người mẹ của tác giả đang còn sống ở quê nhà. Một bà mẹ mà theo tác giả là một bà mẹ tuyệt vời, luôn luôn hy sinh xả mình lo lắng cho gia đình và con cái mà không bao giờ nghĩ đến bản thân mình. Trong mọi hoàn cảnh, lúc đầy bom đạn chiến tranh, lúc ngưng chiến thì bị đàn áp vùi dập bởi những người Cộng sản chuyên chế, lúc nào bà mẹ này cũng là một chỗ dựa tinh thần cho gia đình cho đàn con. Và tác giả tự hỏi "Có ngôn ngữ nào diễn tả đầy đủ được cuộc đời của mẹ không?

"South Wind Changing" là một tác phẩm đầu tay của một thuyền nhân Việt Nam nhưng lại được sự chú ý của giới văn học và truyền thông Hoa Kỳ. Tại sao như vậy? Một độc giả người bản xứ đã viết trong một web-site khi đọc xong tác phẩm: Tôi đã thật bất ngờ khi đọc những trang sách của hồi ký này. Tôi tự hỏi có phải thật là con người đã cư xử với nhau tàn bạo như thế trong những trại tù Cộng sản? Và tôi cũng ngạc nhiên khi một người như Huynh không có một liên hệ nào với chế độ miền Nam cũ mà vẫn bị phân biệt đối xử, bắt bỏ tù và rốt cuộc phải đẩy đến trường hợp phải bỏ nước ra đi. Và tự hỏi xong tôi lại thấy mình là người hạnh phúc khi may mắn sinh trưởng và lớn lên ở xứ sở này, nơi mà khi tôi đọc những trang sách mà tưởng là chuyện không có thực ở một nơi nào không phải là trên mặt đất này... "

Qua câu chuyện kể của Jade Ngọc Quang Huỳnh, chắc chắn sẽ gây ra nhiều xúc động cho người đọc. Vừa bất ngờ vừa xúc động khi biết được những thảm kịch của người dân Việt Nam lúc nào cũng bị đe dọa dù trong chiến tranh hay lúc ngưng tiếng súng. Ở đó có những người như cá nhân tác giả, quả cảm trực diện với khó khăn của cuộc sống với nỗ lực vươn lên. Và rõ ràng một điều là trong khắp hồi ký, đầy những bóng dáng của các bà mẹ. Như bà mẹ của Hùng người bạn tù với tác giả, hay bà mẹ của Tam mà anh này nhớ tưởng đến trước khi bị chết vì nọc rắn độc hay bà mẹ của Hạnh luôn luôn xốc vác gánh nặng gia đình lo lắng chắt chiu cho từng đứa con. Nhưng đặc biệt nhất là hình ảnh của bà mẹ tác giả, một người mẹ mà trong giây phút sung sướng nhất của đời người được nhắc đến với sự tôn kính và yêu mến nhất.

Với người Việt Nam, câu chuyện của South Wind Changing có lẽ là chuyện bình thường của mọi người vì những hoàn cảnh ấy đã xảy ra hàng trăm ngàn lần nên dù có đau thương có bi đát đến đâu cũng ít tạo ra bất ngờ cho người đọc. Nhưng với người bản xứ thì những câu chuyện kể như thế về thuyền nhân đã gây được nhiều ấn tượng sâu xa và họ không thể tưởng tượng được những cảnh ngộ như thế đã xảy ra. Họ bị lôi kéo vào một cảnh giới khác lạ của một thế giới khác với thế giới của xã hội họ đang sống. Dù rằng tác giả đã thú thực là viết bằng ngôn ngữ Việt Nam chuyển qua Anh ngữ cho người Mỹ đọc nhưng tác phẩm cũng mở ra được những cánh cửa trước nay còn khép kín.

Cũng có người nhận xét là tác giả đã quá ôm đồm khi viết hồi ký nhưng bằng cách thế viết tiểu luận. Tác giả tạo cho người đọc có cảm giác đọc một cuốn sách nhận định về chiến tranh Việt Nam qua đời sống cá nhân của mình và gia đình mình. Nhiều khi, tác giả còn đề cập đến nhiều vấn đề khá khúc mắc phức tạp của những phương diện chính trị, đạo đức, thời sự khiến cho câu chuyện kể bớt đi những nét tự nhiên sống thực của đời những người tị nạn phải chiến đấu để sống còn, cả những lúc bị tù tội ở quê nhà và ngay cả ở đời sống nước người. Vươn lên, ngoi lên, gió nồm nam đã thổi để cho những cánh buồm bắt đầu những cuộc hải hành tìm ý nghĩa của đời sống con người để làm tốt hơn đời sống có lẽ là điều mà Jade Ngọc Quang Huynh muốn nêu ra với độc giả.

Nguyễn Mạnh Trinh

No comments:

Post a Comment