2012/06/25

Những con đường Việt Nam

Những con đường Việt Nam

Tiêu Dao Bảo Cự

Trong lịch sử, chưa bao giờ dân tộc Việt Nam bị chia rẽ, phân ly và đứng trước nguy cơ như hiện nay. Ai cũng mong muốn có một con đường giúp đất nước thoát khỏi thảm họa, nhưng hiện nay không chỉ có một con đường mà rất nhiều con đường, kể cả những con đường đi ngược chiều nhau.

Đảng Cộng sản chọn con đường xã hội chủ nghĩa để đưa đất nước đến độc lập, tự do, hạnh phúc nhưng cho đến nay mục đích đó hãy còn xa vời. Độc lập nhưng vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào Trung quốc. Quá nhiều quyền tự do thuộc dân quyền và nhân quyền bị vi phạm. Hạnh phúc sao được khi Việt Nam vẫn là một đất nước nghèo đói với bao nhiêu thiên tai nhân họa mà nhân họa rình rập từng ngày từng giờ với bất cứ ai, nhất là những người thấp cổ bé miệng.

Những người tự nhận là "quốc gia", trước đây thuộc Việt Nam Cộng Hòa và những người chống cộng triệt để tin rằng chỉ có lật đổ chế độ cộng sản hoặc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản mới có thể xây dựng lại đất nước. Họ cho rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam trước 1975 mới là chế độ dân chủ tự do, hơn hẳn chế độ hiện nay và mơ ước "bao giờ cho đến ngày xưa". Tuy nhiên họ chưa có cách nào hữu hiệu để lật đổ chế độ cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa chỉ là một chế độ dân chủ phôi thai, còn rất nhiều khiếm khuyết và sự bất tài, yếu kém của những người lãnh đạo chính là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa đến sự thua trận và tan rã của Việt Nam Cộng Hòa.

Những người yêu nước xuất thân từ nhiều nguồn khác nhau, phần lớn là trí thức trong cũng như ngoài nước, kể cả một số đảng viên cộng sản, thường được gọi là những "nhà đấu tranh cho dân chủ", đã để ra nhiều công sức và tâm huyết đi tìm giải pháp cho dân tộc trước hiện tình. Bằng những bài lý luận hay hành vi đối lập với nhà cầm quyền, bằng các blog, websites, bằng các cuộc vận động quốc tế, thành lập tổ chức hay không có tổ chức, phần lớn với tinh thần đấu tranh bất bạo động hay nghiên cứu các cuộc cách mạng xanh, cách mạng nhung, cách mạng hoa nhài hi vọng vận dụng vào tình hình Việt Nam…Tất cả đều đang ở giai đoạn tìm đường gay go, nhiều khi phản bác nhau và luôn phải đối phó với sự đàn áp của guồng máy độc tài toàn trị.

Con đường của nông dân, lực lượng đông đảo nhất của dân tộc vẫn là "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", tiếp tục đổ mồ hôi sôi nước mắt trên ruộng đồng như cha ông vẫn làm từ ngàn xưa. Lực lượng làm ra lúa gạo, của cải nhiều nhất cho đất nước lại là những người nghèo đói thiệt thòi nhất vì lợi nhuận làm ra bị những thành phần trung gian và cơ quan nhà nước chiếm phần lớn. Cũng có những nông dân biết cách làm giàu nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nhưng chỉ là số ít. Ruộng đồng bị thu hẹp nhanh chóng do đô thị hóa và nạn cướp đất của cường hào ác bá mới. Con đường của nông dân bị mất đất chỉ còn là nhọc nhằn đau khổ lê lết đến cửa quan tìm đến nơi khiếu kiện một cách vô vọng.

Công nhân bây giờ không còn là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Họ làm việc đầy trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hay công ty hãng, xưởng, bị chủ trong nước và nước ngoài bóc lột tối đa với đồng lương rẻ mạt. Con đường của họ là thực hiện hàng nghìn cuộc bãi công (bị gọi là bất hợp pháp)  hàng năm chỉ để mong tăng được đôi chút tiền lương còm. Phần lớn họ sống lây lất kiếp thợ thuyền trong những căn nhà trọ ổ chuột, cố dành dụm chút ít tiền bạc để tết về thăm gia đình nơi chốn quê.

Trí thức phức tạp hơn. Nổi tiếng nhất là các "trí thức phản biện". Phản biện là tiếng nói của lương tri và tri thức trước những vấn đề chính trị - xã hội. Phản biện mạnh thì vào tù, vừa phải bị quản chế, chút chút cũng bị răn đe. Tất cả đều ở trong vòng kềm tỏa thui chột ý thức tự do sáng tạo và guồng máy cai trị cố biến họ thành tay sai, con hát. Những trí thức không phản biện hàng ngày cần cù làm công việc chuyên môn của mình trên các lãnh vực. (Về một phương diện, không thể cho rằng trí thức phản biện có giá trị hơn trí thức không phản biện. Chỉ riêng trong hai lãnh vực đông đảo trí thức nhất là giáo dục và y tế, dù có rất nhiều điều đáng thất vọng từ nền tảng đến hiện tượng, đội ngũ thầy cô giáo, y bác sĩ; trường học, bệnh viện đủ thứ bê bối nhưng không ai có thể phủ nhận được công sức và tâm huyết của hàng triệu trí thức trong hai lãnh vực này đang ngày đêm phục vụ cho nhân dân và giới trẻ.)

Các tầng lớp khác đều có con đường của mình. Thành phần nghèo khổ có các con đường hẹp, chỉ để giải quyết cuộc sống hàng ngày, từ các bãi rác hôi hám cho đến chợ búa, lòng lề đường chật hẹp. Chỉ quan chức tham ô và các nhóm lợi ích cấu kết quyền – tiền (không kể các doanh nhân thành đạt do làm ăn chân chính) có những con đường xanh sạch đẹp, hoa thơm cỏ xén lối thẳng cây trồng nơi những "khu dự án sinh thái" như những thiên đường trần gian nho nhỏ. Đó chỉ là những con đường cụt của sự hưởng thụ xa hoa ích kỷ trên nền tảng đau thương của toàn xã hội.

Vậy đâu là con đường Việt Nam, con đường chung cho cả dân tộc mở ra biển lớn, mở ra thế giới, mở ra tương lai huy hoàng?

Với khát vọng của toàn dân, chắc phải có con đường đó. Nhưng con đường này không thể hình thành nếu thiếu hai yếu tố cơ bản sau đây:

-          Sự thông cảm, bao dung, hòa giải, đoàn kết giữa các thành phần dân tộc đối lập với chế độ độc tài toàn trị để tạo nên nội lực của dân tộc. Chỉ có nội lực của dân tộc mới chống lại được sự khống chế của chế độ độc tài toàn trị đang đưa dân tộc vào con đường huyễn hoặc. Nếu nói mâu thuẫn thời đại lớn nhất hiện nay là chế độ toàn trị đối lập với dân tộc mà dân tộc vẫn còn yếu kém thì dân tộc vẫn còn chịu thúc thủ. Nếu các thành phần của dân tộc vẫn còn khích bác, chia rẽ, thù hận nhau, không biết chấp nhận khác biệt trong tiểu tiết và phương tiện, ai cũng khăng khăng cho mình nắm được chân lý, dân tộc chỉ là những mảnh vỡ rời rạc không có chút sức mạnh. Nội lực dân tộc không chỉ cần để chống độc tài toàn trị mà còn là yếu tố quan trọng nhất để chống xâm lược từ phương bắc, chứ không phải là dựa vào một cường quốc nào, dù trong chiến thuật, chiến lược ở từng thời điểm, đó cũng là điều quan trọng . Bài học lịch sử này của Việt Nam đã quá rõ ràng trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

-          Từng người dân có ý thức, tinh thần và năng lực làm chủ vận mệnh cá nhân mình và đất nước. Ý thức để hiểu rõ, tinh thần để có lòng nhiệt thành và năng lực để biết cách biến thành hiện thực chứ không phải chỉ là ước mơ suông. Chế độ toàn trị chỉ tồn tại khi cai trị trên nỗi sợ và sự thờ ơ, bạc nhược của nhân dân. Nếu người dân từng tổ dân phố, từng xóm làng biết làm chủ thì không quan chức – cường hào ác bá nào có thể tác oai tác quái. Nếu người đi đường tuân thủ luật giao thông và biết phản ứng đúng mức, đúng luật pháp khi cảnh sát giao thông lạm dụng quyền lực thì những chuyện tiêu cực ngày sẽ càng ít đi. Nếu cử tri cương quyết gạch tên những ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn thì các cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu cũng khó thành công. Và cả từng đảng viên cộng sản, từng ủy viên trung ương, từng ủy viên bộ chính trị, nếu có những "người cộng sản chân chính" (tạm định nghĩa là những người thực sự vì lý tưởng xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh) dám đấu tranh để thực hiện đúng mục đích lý tưởng của đảng được đề ra giấy trắng mực đen trong cương lĩnh, thì đảng sẽ bớt suy thoái đến mức báo động như hiện nay. Khi nói từng người là bao hàm sẽ hình thành đa số, nếu đa số nhân dân vẫn thiếu ý thức, tinh thần và năng lực làm chủ thì khát vọng cũng chỉ là ước mơ suông.

Với thực tế hiện nay, hai điều kiện trên xem ra vẫn còn nhiều thiếu sót. Ngoài sự vận động tự thân của mỗi người thì những người hoạt động chính trị xem ra không thể không quan tâm, nếu không nói là phải đặt thành trọng tâm trong chương trình hành động của mình.

Lịch sử không loại trừ những bất ngờ. Trong bầu khí xã hội bị dồn ép, không biết lúc nào bạo loạn có thể nổ ra và khi bạo loạn nổ ra, tình hình sẽ rất khó lường và kiểm soát. Sau bạo loạn, tình hình sẽ tốt hay xấu hơn cho đất nước, trả bằng giá nào, trong bao lâu, không ai có thể nói trước. Nhưng không ai có quyền hô hào bạo loạn, đẩy người khác vào con đường máu lửa trong khi mình đứng bên ngoài để hưởng lợi. Không ai được quyền nhân danh tập thể để hi sinh cá nhân trừ khi cá nhân tự nguyện. Không ai được quyền nhân danh tương lai để hi sinh hiện tại. Đó cũng chỉ là một cách "mục đích biện minh cho phương tiện" bẩn thỉu và tàn bạo của những kẻ hoạt đầu chính trị, chẳng tốt đẹp gì cho đất nước.

Phong trào Con đường Việt Nam vừa được phát động đang gây sôi nổi trong cộng đồng mạng. Những ưu khuyết điểm đang dần được cộng đồng phân tích trên nhiều khía cạnh nhưng những hoài nghi, nghi vấn cũng vẫn chưa được hoàn toàn làm sáng tỏ trong một tình hình quá ư phức tạp.

Người viết bài này có tên trong danh sách mời của những người khởi xướng phong trào. Tôi chưa nhận lời tham gia nhưng tôi chân thành   chúc cho những người khởi xướng, tán thành, ủng hộ phong trào đủ khôn ngoan, sáng suốt và thiện tâm từng bước thực hiện được lý tưởng tốt đẹp của phong trào, góp phần hình thành con đường Việt Nam đích thực trong tương lai.
Đà Lạt 22/6/2012
TDBC

No comments:

Post a Comment