2012/02/13

Người dân còn chờ đợi gì về vụ Tiên Lãng

Người dân còn chờ đợi gì về vụ Tiên Lãng
 

Văn Quang

Vụ cưỡng chế đất, phá nhà, cướp công cướp của dân ở Tiên Lãng – TP Hải Phòng đang đi vào "giai đoạn cuối" sau khi có quyết định của Thủ Tướng chính phủ VN. Nhưng sẽ còn để lại dấu vết lâu dài trong lòng người dân và nhất là niềm tin vào cách hành xử mọi vấn đề xã hội của chính quyền địa phương. Từ này có lẽ người ta sẽ gọi vắn tắt là "vụ án Tiên Lãng" cũng như "vụ Thái Bình" vào năm 1997.


Bạn đọc quan tâm đến vấn đề này đã theo dõi những diễn biến của sự việc này và cách giải quyết của Thủ Tướng chính phủ VN vào ngày 10-2 nên ở đây tôi không nhắc lại. Tôi chỉ xin nêu lên vài sự kiện chính.

Vai trò của báo chí và thông tin

Trước hết là vai trò của báo chí, của thông tin nói chung, cả báo viết và báo mạng internet, phát thanh, truyền hình… trong toàn bộ sự việc. Đây là một sự kiện đáng mừng, báo chí VN đã thông tin đầy đủ, phản ảnh dư luận cùng tiếng nói của người dân không chỉ ở Tiên Lãng hay Hải Phòng mà lan rộng khắp nước. Chính nhờ những thông tin đó mà người dân trong nước cũng như ở nước ngoài có thể nhìn mọi sự việc một cách rõ ràng, minh bạch. Bởi thế nên ngay khi mở đầu buổi thông báo kết quả cuộc họp của Thủ tướng với các bộ ngành và TP Hải Phòng chiều 10-2 vừa qua, ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo ý kiến của người đứng đầu chính phủ: "Hai tuần nay, tôi thường xuyên đọc báo và thấy có khoảng 800 tin, bài về vụ Tiên Lãng. Thủ tướng cảm ơn báo chí đã đưa thông tin nhanh, đa chiều".


Điều này phù hợp với nguyện vọng của người dân. Ngày 6-2, khi nghe tin phóng viên bị ngăn cản, một người dân đã viết trên báo mạng VNExpress:
"Tại sao lại chận các phóng viên làm nhiệm vụ thông tin? Trước khi nói đến tự do thì tự do ngôn luận là căn bản nhất, thiếu nó thì mọi tự do khác đều là vô nghĩa và không thể nào thi hành được... Trong đệ tứ quyền thì tự do ngôn luận được xếp đầu tiên, chính vì tự do thông tin nên người dân mới kiểm soát được chính quyền để chính quyền mới đi theo con đường ích nước lợi dân… không có truyền thông thì ai biết được những việc các ông ấy âm mưu hại dân hại nước thế nào? Phải bảo vệ cho bằng được quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp của Việt Nam".

Trong buổi giải quyết các vấn đề liên quan đến "vụ Tiên Lãng", Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phát huy vai trò và trách nhiệm của mình, đóng góp thiết thực hơn nữa vào việc xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân".

Nếu nói đến "chiến công" trong vụ này, có thể nói báo chí và thông tin đã đi tiên phong. Không có thông tin trung thực thì mọi việc ở Tiên Lãng có thể đi vào lãng quên hoặc bị hiểu hoàn toàn sai về sự chống lại "người thi hành công vụ" của gia đình ông Vươn. Vì thế người dân và ngay cả những cơ quan hành pháp, tư pháp cũng đã nhìn thấy sự quan trọng vô cùng của những ngòi bút, những tiếng nói trung thực trong mọi thời đại, trong mọi hoạt động của vòng xoáy xã hội. Không vì bất cứ lý do gì hạn chế, đe dọa quyền tự do thông tin của người dân. Vấn đề là thông tin phải trung thực, đừng bóp méo thông tin, đừng dùng hình thức này hay hình thức khác đe dọa quyền tự do báo chí, tự do nhận và phổ biến thông tin của người dân. Sức mạnh của báo chí, sự tận tâm của những người làm báo đem tiếng nói của người dân ra trước công luận đã góp phần lớn tạo nên sự công bằng cho xã hội. Có như thế mới ngăn chặn được những hành động tàn ác, đập tan những thủ đoạn đen tối đàn áp con người, mang lại công lý cho mọi người, đem lại cho toàn xã hội một đời sống tốt đẹp hơn.  

Chờ đợi điều gì ở tòa án

Về mặt pháp lý, ai đúng ai sai đã quá rõ, kết luận của chính phủ VN là chính quyền Tiên Lãng sai toàn diện. Các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) đều trái luật. Thủ tướng VN yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn.  

Và "TP Hải Phòng phải chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm minh việc phá dỡ nhà của ông Đoàn Văn Vươn; đình chỉ công tác những cán bộ đã chỉ đạo phá nhà; khẩn trương đưa vụ án "giết người và chống người thi hành công vụ" ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng".

Đây chính là điểm mấu chốt trong toàn bộ vụ án. Nước nào cũng vậy thôi, chống người thi hành công vụ và chống bằng vũ khí, tất nhiên là bị "ra tòa". Nhưng nguyên nhân chống lại một lực lượng vũ trang hùng hậu làm sai luật lại khác. Khi làm sai luật thì lực lượng vũ trang không còn được hiểu là người thi hành công vụ nữa mà là thi hành lệnh của những cấp đứng ngoài pháp luật.

Thế nên chính phủ VN mới đề  nghị "xem xét tình tiết giảm nhẹ". Như tôi đã trình bày với bạn đọc trong bài trước, đó là "trường hợp giảm khinh" cho gia đình anh em ông Vươn. Giảm nhẹ đến mức nào, có bị kết án, giam giữ hay nói cho rõ là "ở tù" bao lâu hay chỉ "kết án cho đúng pháp luật", cho tại ngoại hoặc "hưởng án treo" vì trường hợp đặc biệt. Nếu như chuyện này xảy ra thì chắc chắn người dân sẽ hoan nghênh, không một ai chê bai rằng "pháp luật không nghiêm" mà thật ra người dân có thể nói "pháp luật không những đã nghiêm mà còn minh, còn có tình nữa". Đây là thuộc phạm vi tòa án, việc của ngành tư pháp. Nhưng khi đã có lời đề nghị của hành pháp tất nhiên tòa án sẽ căn cứ vào đó, căn cứ vào những chứng cứ cụ thể, hoàn cảnh cụ thể để xét xử. Kết quả của việc xét xử này trở thành mục tiêu chính mà người dân chờ đợi.
Căn lều gia đình ông Vươn ăn tết

Bên cạnh đó là việc bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình ông Vươn sẽ được thực hiện ra sao. Ai phải bồi thường? Không thể lấy công quỹ dù là của xã hay của huyện ra bồi thường vì đó là của dân. Người trực tiếp ra lệnh phá nhà, để kẻ cắp ngang nhiên ăn cướp trong đầm của anh em ông Vươn phải bồi thường mới đúng đạo lý. Đấy là chưa kể về mặt tinh thần và những thiệt hại khác trong thời gian anh em ông Vươn bị giam.

Sự thờ ơ của chính quyền TP Hải Phòng

Điểm thứ ba, dư luận cũng còn đang rất chú ý là thái độ của Thành Ủy TP Hải Phòng. Đã có những ý kiến cho rằng nên giao cho Bộ Công An điều tra vụ này. Bạn Trần Văn Bền viết: "Theo tôi vụ án này nên giao cho bộ công an điều tra khởi tố. Bởi nếu giao cho công an Hải Phòng thì không được khách quan. Bởi trước đó ông Ca (trưởng CA TP Hải Phòng) đã từng lên tiếng bảo vệ chính quyền huyện Tiên Lãng và đã từng phát ngôn nhà ông Vươn không phải là nhà mà là chòi canh".

Căn nhà hai tầng của gia đình ông Vươn trước khi bị phá

Thủ tướng chính phủ VN nói rõ:
"Ở cấp thành phố, phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm vì Tiên Lãng đã báo cáo chủ trương thu hồi đất và được thành phố chấp thuận. Thành phố cũng phải kiểm điểm vì xử lý chậm, báo cáo Thủ tướng chưa đầy đủ. Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng sớm báo cáo kết quả thực hiện từng việc".

Thủ tướng chính phủ VN đã có chỉ thị:
Cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về việc:
- Chấp thuận đề nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.
- Khi vụ việc xảy ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo chưa đầy đủ, nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận".

Nhìn lại thái độ của Thành ủy và UBND TP Hải Phòng từ khi xảy ra vụ Tiên Lãng, họ có phần thờ ơ. Một người dân đã viết trên trang báo VN Express:
"Và rồi qua các thông tin, tôi thấy sự vô tâm, vô tâm đến tàn nhẫn của các cấp chính quyền Hải  Phòng bởi có việc đã quá rõ ràng song vẫn loanh quanh không nhận và không chỉ đạo xử lý…"
Suốt gần 1 tháng trời, ông bí thư thành ủy và ông Chủ tịch UBND TP Hải Phòng không lên tiếng. Cho đến khi dư luận đã quá nóng, nóng đến muốn đốt cháy cả 2 chiếc ghế mới thấy ông bí thư thành ủy lên tiếng.

Tự xử trước khi bị xử khôn hay dại?

Xin nhắc lại, ngày 7-2 khi Bí thư Thành ủy Thành Phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã "nhận lỗi trước nhân dân". Ông đã tự nêu ra những khuyết điểm hay đúng hơn là những sai phạm của những cơ quan và "quan chức" trong việc này. Ông tỏ ra thận trọng, cân nhắc từng lời nói để né tránh những vấn đề thuộc phạm vi pháp lý. Ông cũng cho rằng Thành Ủy Hải Phòng chỉ có lỗi là "thiếu kiểm tra chỉ đạo". Ông nói:
"Đối với UBND thành phố, mặc dù việc cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ nhà thầu thi công nói chung đã phân cấp cho huyện, song cũng phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc thiếu kiểm tra chỉ đạo để xảy ra vụ việc làm 4 cảnh sát và 2 bộ đội bị thương".

Thái độ "thành khẩn" này quả là khôn ngoan. Thành ủy chỉ nhận lỗi chút xíu còn trách nhiệm lớn là ở mấy anh cấp huyện.

Nhưng ông cần nhớ rằng ngày 17-1, ông Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Đỗ Trung Thoại đã cho biết thay mặt Thành ủy, UBND TP Hải Phòng trình bày với lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - truyền thông và báo giới về việc "người dân bất bình phá nhà ông Vươn". Như vậy có nghĩa là ông Thoại đã thay mặt cho Thành Ủy và cả UBND Thành Phố Hải Phòng, trong đó ông Thành là "sếp lớn", tức bí thư Thành ủy, chứ không phải với tư cách cá nhân ông Thoại. Nếu ông bí thư Thành Ủy thấy ông Thoại nói sai hay nói lầm thì phải cải chính ngay chứ sao lại im lặng suốt thời gian dài (từ 17-1 đến 01-2) như vậy?

Người ta không thể không đặt dấu hỏi tại sao đến giờ này ông bí thư Thành Ủy mới nhận ra sai phạm và đứng ra xin lỗi tùm lum?

Lý do dễ hiểu là ông bí thư thành ủy Hải Phòng thú nhận đã đọc tới hơn 750 bài báo nên đã nhìn thấy rõ áp lực của dư luận báo chí, sự bất bình của người dân trong cũng như ngoài nước trước những sai phạm (chứ không phải sai sót) của việc cưỡng chế trái pháp luật.

Nhất là khi Thủ Tướng chính phủ VN sẽ đích thân giải quyết việc này, giao cho các cơ quan trung ương điều tra, chắc chắn là từ thành ủy trở xuống đều "lãnh đạn" nên mới tổ chức cuộc họp báo xin lỗi này. Trong thời gian đầu, có lẽ thành ủy Hải Phòng đã quá chủ quan, tưởng rằng có thể "cả vú lấp miệng em" bằng cách đưa các lý lẽ dựa vào "pháp luật" là xong việc. Nhưng đó là thứ pháp luật tưởng tượng, thứ pháp luật của "miệng nhà quan có gang có thép" chứ không phải pháp luật của quốc gia. Thứ đó nhanh chóng bị bẻ gãy bởi những người "cao tay ấn" hơn, bởi thực tế chứng minh lẽ phải thuộc về người dân.

Thế nên, ông bí thư thành ủy Hải Phòng vội vàng tổ chức cuộc xin lỗi này để ít nhất làm nhẹ tội của thành ủy và tất nhiên trong đó là của cá nhân ông. Và hơn thế, ông cho rằng làm như thế sẽ xoa dịu được mọi áp lực, mọi mũi dùi tấn công vào thành trì của ông và các bạn trong thành ủy. Ông buộc phải "hy sinh" ông phó Thoại và một vài cấp dưới đang bị soi mói, ngưng công tác và kiểm điểm trước 3 ngày Thủ Tướng chính phủ có kết luận chính thức.

Nhưng điều đó lại có tác dụng ngược. Ông đã bị nắm áo kéo lại, không thể chạy tội. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu 4 đã thẳng thắn nhận định: "Một việc tày trời như thế không thể không có chỉ đạo của cấp cao nhất là thành phố Hải Phòng. Thế nên, việc kiểm điểm từ cấp huyện là chưa thỏa đáng. Theo ông Thước, trong cuộc họp, khi nêu tính chất của sự việc, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chỉ nhận "thiếu sót", không có từ nào là "sai lầm". Điều đó chưa thể hiện được sự nghiêm trọng của vụ việc.

Ông Thước nói:
"Rõ ràng vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, làm chưa đến nơi đến chốn, chưa đúng quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, không có tình, không minh bạch và vi phạm vấn đề quốc phòng an ninh (khi sử dụng quân đội tham gia cưỡng chế). Tôi mong rằng Thủ tướng sẽ giải quyết một cách triệt để vụ việc để làm bài học răn đe vì 70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai".

Ai đã ra lệnh sử dụng quân đội vào việc cưỡng chế?

Ở đây, một sự việc quan trọng hơn được "phát hiện", đó là sự sử dụng quân đội bừa bãi. Theo đúng luật, chỉ có Quốc Hội, Thủ Tướng, Bộ Quốc Phòng mới được phép điều động quân lực. Vậy ai đã ra lệnh cho quân đội thi hành lệnh cưỡng chế này. Cần phải làm cho rõ ai đã ra lệnh? Ra lệnh cho đơn vị nào, đại đội nào thuộc tiểu đoàn nào, binh chủng nào? Ai chỉ huy lực lượng đó? Thiếu tướng hay Đại tá A hay B? Ai đã trực tiếp chỉ huy toán quân đi cưỡng chế này để cho lính bị thương? Những câu hỏi này cần được trả lời, cần được xác định một cách rất cụ thể và nếu có tội phải xử nghiêm.

Những người lính và mấy anh CA không có tội, họ chỉ thi hành lệnh của cấp trên. Vấn đề là cấp trên của họ ra lệnh họ bắn vào đâu, vào kẻ thù hay vào nhà dân. Tôi đã từng là lính và đã từng viết "người lính không phản bội ai cả, chỉ có người ta lợi dụng người lính mà thôi". Trường hợp này cũng giống như vậy. Cho nên người lính và người dân đều đáng thương như nhau. Tuy nhiên người chỉ huy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cựu chiến binh VN, khẳng định:
"Việc Tiên Lãng đưa hàng chục bộ đội và công an, nói là để cưỡng chế nhưng với vẻn vẹn chỉ có mấy người dân thì đây rõ ràng là một vụ trấn áp không thể chấp nhận được".
Quân đội, Công an và cho nghiêp vụ

Tư Lệnh họ Đỗ chỉ huy cuộc hành quân cưỡng chế


Ông kể lại câu chuyện về việc tranh chấp đất đai kéo dài giữa 2 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An năm 1992. Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Quân khu cho lực lượng thiết giáp ra để đẹp loạn. Trung tướng đã hỏi: 
"Đưa quân đội ra để đánh ai? Nếu là địch thì không cần thiết giáp, chỉ 15 phút tôi có thể giải quyết xong, nhưng đây lại là dân và dân quân, Tư lệnh quân khu ra lệnh 'quân ta đánh quân mình' sao?"

Ông nói: "
Phải tìm cách hạ nhiệt hai bên, không đổ thêm dầu vào lửa, nếu không, tranh chấp đất đai sẽ biến thành vấn đề chính trị phức tạp". 

Ông đã chỉ thị cấp dưới không mang theo vũ khí vào sát trận địa để giải thích rõ và tổ chức giải giáp. Sau khi vận động dân quân cả hai bên thu súng trở về nhà, việc điều tra đã kết luận rõ cấp ủy và chính quyền hai bên vì mục đích cá nhân đã kích động nhân dân gây rối. Cán bộ lãnh đạo vi phạm đều bị xử, có người bị đưa ra pháp luật. Số người chống đối cũng bị xử. Từ đó chính quyền cơ sở được củng cố, tình hình trở lại bình thường.

Chia sẻ câu chuyện này, vị tướng già ngậm ngùi: 
"Vụ việc nghiêm trọng đó nếu hành xử như Tiên Lãng thì chắc tôi không còn ngồi ở đây để trả lời báo chí".

Người nhận lệnh và ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế ở Tiên Lãng nếu cũng thông minh và hành động như vậy thì anh em ông Vươn không đến nỗi phải nổ súng và nổ mìn, lính cũng không bị thương oan uổng.

Người dân sẽ còn chú tâm theo dõi sát sao từng sự việc

Nhận định sau cùng về vụ việc này, ông Thước cho biết:
"Theo dõi vụ việc, tôi cho rằng kết luận của Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thông báo mấy hôm nay là chưa đạt yêu cầu, chưa nghiêm túc trước một sự việc nghiêm trọng như vậy. Trong khi đó, đồng chí Bí thư Thành ủy lại là ủy viên Trung ương Đảng nên cần phải làm nghiêm túc.

Bí thư Thành ủy Nguyễn văn Thành

Sau kết luận của Thủ tướng thì phần quan trọng hơn là phải làm triệt để, phải làm rõ trách nhiệm của từng người một, chứ nói rằng thường vụ Thành ủy kiểm điểm nghiêm túc, xin nhận khuyết điểm nghiêm túc, nhưng nghiêm túc ở mức độ nào phải làm rõ. Bí thư như thế nào, Phó Bí thư như thế nào, rồi ông chủ tịch, phó chủ tịch như thế nào… từng người một làm rõ trách nhiệm".

Tôi cho rằng đó cũng là ý sự chờ đợi của người dân. Họ sẽ theo dõi sát sao xem công việc điều tra, xét xử, cách thi hành những chỉ thị có thật sự công bằng hay không. Cho nên sự việc vẫn còn đang ở phía trước.

Hai chữ "nếu" lẩm cẩm bên lề chuyện Tiên Lãng

Đến đây, tôi xin  kể với bạn đọc thứ chuyện bên lề và bạn cho là chuyện lẩm cẩm nhất VN cũng OK. Sáng nay một người cháu đến thăm tôi, khi bàn về chuyện Tiên Lãng, nó nói một cách hết sức thành thật:
"Cậu ơi, tối hôm qua, cháu suy nghĩ, nếu cháu mà có quyền thì cháu sẽ cho ông Vươn làm chủ tịch huyện Tiên Lãng sau khi thi hành xong án phạt. Bởi xét về thân thế lý lịch thì hoàn toàn yên tâm, ông ấy là bộ đội, xứng đáng là kỹ sư nông nghiệp, dám nói dám làm, được nhân dân tin yêu. Ông Vươn đã có quá nhiều kinh nghiệm vì đã từng bị chèn ép, bị đàn áp, ông ấy hiểu thế nào là nỗi khổ của người dân, ông ấy hiểu người dân ở địa phương đó cần gì. Đó là điều người "lãnh đạo" nào cũng phải biết, vậy mà ít ông biết. Ở Tiên lãng khó mà có thể chọn được một người hơn ông ấy".

Tôi cho rằng thằng này chỉ bàn chuyện vớ vẩn. Nó có vớ vẩn hay nó cũng có lý của nó, tùy bạn.

Chuyện thứ hai là khi ngồi ở quán café Bean, một ông bạn ở nước ngoài về, nhân bàn ngang tán dọc về chuyện này, bỗng tủm tỉm cười và nói:
"Nếu tớ làm Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường ở VN hoặc làm Chủ Tịch TP Hải Phòng thì tớ sẽ có một quyết định giản dị nhưng vô cùng hấp dẫn, các cậu sẽ phải cúi đầu kính phục và nhiều ông Bộ Trưởng sẽ phải giật mình".
Anh em ngồi quanh tròn mắt nhìn cho rằng anh ta nói dóc. Anh ta ậm ọe ra cái điều quan trọng rồi mới phát ngôn:
"Giản dị là tớ xin từ chức, có thế thôi".
Anh em cười xòa, một ông ở VN chắp tay vái:
"Ông mang cái văn hóa từ chức ấy về Mỹ mà xài, chúng tớ không quen với thứ văn hóa ấy".


Văn Quang - Từ Sài Gòn, ngày 11.02.2012

No comments:

Post a Comment