2013/01/09

TƯỢNG ĐÀI NHỮNG MÙA XUÂN

TƯỢNG ĐÀI NHỮNG MÙA XUÂN
 
Xuân Quí Tỵ đang về
Nhìn ngắm các tượng đài
Lòng trăn trở bâng khuâng!
Ai đã dựng cái tượng đài đứng kia
Tay chống nạnh ngực ưỡn về phía trước?
Sao lại phải xây hàng ngàn tượng đài đắt tiền
Khắp các thành phố và bảo tàng trên đất nước?
Mà cốt hồn không có chút nhân văn!
Có thừa chăng những tượng đài
Hoành tráng tốn tiền dân?
Mà lại thiếu tượng đài
Những mùa xuân
Đã đi vào ký ức!

Đâu tượng đài Vua Quang Trung cưỡi voi ngà đuổi giặc?
Vào Tết Kỷ Dậu trước ba quân tuốt gươm đón xuân sang[1]
Làm Tôn Sĩ Nghị tướng Tàu phải hồn xiêu phách lạc
Bỏ Ngọc Hồi, Đống Đa thoát qua Ải Nam Quan!

Xuân Ất Dậu cả Miền Bắc hai triệu người đói lả[2]
Chết đè xác lên nhau khắp nẻo chợ, cung đường
Có làng chết không còn người chôn cất
Sao không dựng tượng đài để con cháu khói hương?

Xuân Ất Mùi, Bính Thân bao làng quê tơi tả![3]
Con đẻ lên đấu cha, vợ dựng tội tố chồng
Người lương thiện bị qui thành “bọn cường hào ác bá”
Hơn vạn người bị bắn oan! Hỏi có tượng đài không?

Tết Mậu Thân đạn B40 rơi đúng vào mân cỗ[4]
Làm chết oan vạn dân lành cúng Năm Mới đón xuân!
Đây là mùa xuân có một không hai trong lịch sử
Sao không xây tượng đài “dân ăn Tết thịt dân”?

Xuân Giáp Dần cả Non Sông đau thắt
Hoàng Sa đâu? Tàu cưỡng chiếm mất rồi!
Người lính VNCH thành anh hùng Hải Chiến[5]
Sao chưa dựng tượng đài ngoài hải đảo xa xôi?

Xuân Kỷ Mùi sắp đến thì vạn người ngã xuống[6]
Trước cảng Xihanucvin khi nước thủy triều dâng!
Sao tại đây không có tượng đài Anh Lính Ta ngơ ngác?
Ngỡ đó là quê hương! Chết còn kêu cả tên phố, tên làng!
 
Tết Kỷ Mùi vừa qua thì vào lúc 5 giờ sáng
Ngày 21 tháng Giêng, quân Tàu đã tràn sang[7]
Từ Quảng Ninh đến Lào Cai cả vạn người ngã xuống!
Thành tượng đài “Răng cắn Môi” ngay tại Ải Nam Quan[8]

Cám ơn Mùa Xuân Ả Rập đã thổi bùng lên luồng gió mới?[9]
Đến với Việt Nam vừa trải qua thời “Trịnh Nguyễn phân tranh”
Ai thích tượng đài này thì xây, nhưng hãy trả lời dân nước Việt
“Thiếu Dân Chủ khổ đau hơn? Hay nội chiến tranh giành?”

Còn nếu ai thích xây tượng đài của Mùa Xuân Miến Điện[10]
Để Dân Chủ được nở hoa trên Đất Nước của Hùng Vương
Thì kẻ cố vị tham quyền vẫn còn nguyên vương miện
Mà dân tộc lầm than thoát được ách đau thương!
 
Ôi! Tết Quý Tỵ đang về náo nức bao mong ước
Ước không còn bè lũ thân Tàu gây bắt bớ tràn lan!
Mong Quý Tỵ tới đây chính quyền ta đổi mới
Để hoa Dân Chủ, Tự Do xuân sang nở ngập tràn!

 
Hà Nội, 9/1/2013
Ts. Đặng Huy Văn

 
CHÚ THÍCH:

 

[1] Xuân Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Nay chỉ mới có tượng Quang Trung đứng hoặc cưỡi ngựa, còn tượng Quang Trung cưỡu voi ra trận chưa có!

 

[2] Xuân Ất Dậu 1945, miền Bắc Việt Nam có tới hơn 2 triệu người dân chết đói.



[3] Từ 1954-1956, Miền Bắc tiến hành CCRĐ làm chết oan hơn 2 vạn người vô tội.



[4] Năm 1968, Miền Bắc bất ngờ tổng tấn công tất cả các đô thị Miền Nam vào Giao Thừa và Mùng Một Tết làm hàng vạn dân lành chết tức tưởi trong dịp tết Nguyên Đán.

 

[5] Tại Hải Chiến Hoàng Sa 19/1/1974, Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. 74 người lính VNCH đã anh dũng hi sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc.

 

[6] 7/1/1979, Việt Nam đánh Cămpuchia qua cảng Xihanucvin và dọc theo biên giới.



[7] Tức ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã bất ngờ dùng hàng chục sư đoàn tràn qua toàn tuyến Biên Giới của 6 tỉnh phía Bắc nước ta tàn sát hàng chục ngàn thường dân vô tội.

 

[8] Ải Nam Quan (có thời gọi là Hữu Nghị Quan) trước đây nằm ngay trên đường Biên Giới Việt Trung, tại Km số 0, nay đã bị lùi vào đất Trung Quốc tới hơn vài trăm mét!

 

[9] Mùa Xuân 2011, nhân dân các nước Ả Rập đã biểu tình và gây cả nội chiến để lật đổ các chế độ độc tài ở các nước Ả Rập gồm Ai Cập, Tunisia, Algieria, Libia, Yê men...

 

[10] Mùa Xuân Miến Điện do vị tổng thống đương nhiệm Thein Sein tự nguyện hợp tác với phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi để mở mang nền dân chủ cho đất nước. Đây là một mô hình chuyển từ độc tài sang dân chủ một cách ôn hòa và rất nhân văn. Ước gì Việt Nam chúng ta được đi theo con đường của Mùa Xuân Miến Điện!


Khai Dân TríĐặng Huy Văn

No comments:

Post a Comment