Văn Quang - Viết từ Sài Gòn, ngày
25.5.2013
Không thể lạm dụng “văn hóa”
Vào những ngày cuối tháng 5 này, dư luận VN đang nóng lên
với kỳ họp Quốc hội VN kéo dài 1 tháng từ 20-5 đến 21-6. Kỳ họp sẽ bàn đến rất
nhiều vấn đề quan trọng ảnh hưởng lâu dài tới đời sống người dân. Trong hơn một
tháng diễn ra, Quốc hội (QH) VN sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, một Nghị
quyết, cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác.
Ngoài ra QH cũng chú ý giải quyết các vấn đề về tham nhũng, về điều hành thị
trường vàng.
Ở đây, tôi tóm tắt những điểm chính để bạn đọc tiện theo
dõi, nhất là trong khi những ngày họp còn chưa hoàn tất, chưa thể nói gì nhiều.
Ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng tài chánh đã miễn nhiệm
Ông Đinh Tiến Dũng, Tổng kiểm toán nhà nước đã điều chuyển công tác
Gần cuối kỳ họp, các đại biểu sẽ bỏ phiếu tín nhiệm với
các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Sau hai ngày
thảo luận, kết quả kiểm phiếu dự trù được công bố ngay chiều 11-6 sắp tới. 49 vị
thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, nhưng do ông Vương Đình Huệ và
Đinh Tiến Dũng đã xem xét miễn nhiệm và điều chuyển công tác từ 23/5 nên danh
sách rút xuống còn 47 người.
Các chức danh thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm:
Chức danh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gồm Chủ
tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch
Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của
Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát
nhân dân (KSND) Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng ghi: “Cơ quan, tổ
chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại
biểu HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”.
Đây là “cái đinh” trong kỳ họp này, tầm mức được người
dân chú ý cũng ngang hàng với việc sửa đổi hiến pháp và cải cách kinh tế. Nhưng
thật ra vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm còn tế nhị, “gai góc” hơn rất nhiều. Nó thực
tế và người dân có thể xác định được cuộc họp thành công đến đâu. Có người cho
rằng “Cứ thử xem có bao nhiêu ông bị bất tín nhiệm và là những ông nào là biết
ngay thôi mà”. Nhận định này rất giản dị nhưng khá chính xác đối với người dân
bình thường, không biết và không cần nhiều “lý luận”.
Bởi vậy ngay trước kỳ họp, có rất nhiều ưu tư, trăn trở,
hoài nghi, lo ngại về những vị được quyền bỏ phiếu, gồm 500 đại biều quốc hội và
những vị “được” người khác bỏ phiếu.
Các Hội Đồng tỉnh, thành phố, xã phường cũng “được”
lấy phiếu tín nhiệm
Cũng cần phải nói thêm, ngoài những chức danh được lấy
phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà Nghị quyết số 35 của Quốc hội quy định,
Nghị quyết hướng dẫn này còn quy định các chức danh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ
phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, phường, thị trấn, gồm các chức danh: Chủ tịch
HĐND, Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND,
các Ủy viên của UBND xã, phường, thị trấn.
Cho nên việc làm của các ông bà “nghị” ở Quốc hội lần này
sẽ lại là “kiểu mẫu” cho toàn thể các vị “chức sắc” ở tất cả các địa phương noi
theo. Đây thực sự là một vấn đề được người dân chú ý nhiều
nhất.
Lo ngại những gì?
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nhận xét về một con người
rất khó, ngay cả những người bạn gần chúng ta, chưa chắc nhận xét của bạn đã
được người khác công nhận. Chưa nói đến những tình cảm riêng, những bất đồng
nhỏ, những ấn tượng xấu tốt khác. Có người được xưng tụng là anh hùng dưới mắt
một số người nhưng với một số người khác lại cho rằng anh ta chẳng ra gì. Điều
đó xảy ra không hiếm.
Cho nên việc nhận xét, trong đó bao gồm cả ý nghĩa phê
phán, đánh giá một lúc vài chục người không dễ dàng gì. Tuy nhiên, đã là “đại
biểu Quốc Hội” tất là phải công tâm, khách quan hơn người khác. Hơn thế, ngoài
anh ra, còn có hàng trăm “đại biểu” khác cùng nhận định. Vậy thì cái đa số phải
hơn cái thiểu số của anh. Điều đó làm nên sự chính xác.
Nhưng cái tính nể nang, sự quen biết và những mối dây
liên hệ chằng chịt qua nhiều năm tháng cùng ngồi chung một chiếu, nhất là với
những người có quyền hành lại là những rào cản cho sự công tâm của người bỏ
phiếu.
“Tôi biết bác ấy có… sai phạm nhưng dù sao bác ấy
cũng đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều, làm sao tôi muối mặt bất tín nhiệm bác
ấy được”.
Rồi các cuộc chạy vạy, mua chuộc người bỏ phiếu, những
cuộc gọi là “vận động hành lang” có thể diễn ra, những cuộc hẹn hò riêng tư,
những cuộc trao đổi quyền lợi lớn nhỏ, những trung gian từ đời ông đời cha đến
đời con… chỉ để “chạy phiếu tín nhiệm”. Hàng trăm mối liên hệ lòng vòng
chính là mối lo của người dân đối với những ông bà “nghị” sắp sửa có dịp “nắm
vận mạng” các quan chức lớn.
Chính vì thế các cuộc “trao đổi ý kiến” diễn ra nóng bỏng
trước ngày bỏ phiếu tín nhiệm. Từ người dân gặp được một vị quan chức cao cấp về
“kinh lý”, họ cũng đã thẳng thắn nói lên sự suy nghĩ này.
Bình thường người lao động làm ăn vất vả không có thì giờ
bàn bạc. Họ biết, họ nghe qua đài phát thanh truyền hình rồi lặng lẽ chờ cái kết
quả cuối cùng. Căn cứ vào đó họ hiểu được những gì đã xảy ra. Ông nào lên, ông
nào xuống, ông nào hay, ông nào dở người dân đều biết. Bây giờ họ không còn ngây
thơ nghe tuốt luốt những gì ở ngoài đường, không tin vào những khẩu hiệu đỏ chói
kiểu “phường xã văn hóa” nữa, bởi những gì bày ra trước mắt họ. Người dân có sự
hiểu biết của riêng mình và đó là sự hiểu biết vững chắc tự trong trái tim mình,
khó lòng thay đổi được.
Một số lãnh vực sẽ được đánh giá thấp
Ông Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương, thường trực Ủy
ban Tư pháp một tuần trước kỳ họp QH, bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự cấp cao đã
trả lời câu hỏi của phóng viên. Ông cảm nhận thế nào về trọng trách của
mình khi thay mặt cử tri bỏ phiếu tín nhiệm? Ông Dương nói:
“Trọng trách của đại biểu rất nặng nề. Nhất là
trong bối cảnh người dân vừa trải qua đợt sinh hoạt dân chủ góp ý kiến cho dự
thảo Hiến pháp sửa đổi. Đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, khi dân hỏi về đánh giá tín
nhiệm, tôi cũng tâm sự thật là dân đang rất kỳ vọng. Nếu căn cứ hiện trạng
quản lý, điều hành chính sách trên một số lĩnh vực như hiện nay thì có lẽ có
một số trường hợp sẽ nhận được đánh giá tín nhiệm
thấp”.
Ông Dương chưa nói thẳng ra sự yếu kém của việc thực hiện
những chính sách đã được ban hành, cả về nhân sự và chính sách đã bị người dân
chỉ trích, kêu ca rất nhiều. Do đó cần phải thay đổi. Nhưng tất nhiên là giờ này
chúng ta chưa thể biết chắc đó là lãnh vực nào, thuộc quyền chỉ huy của vị “tư
lệnh” nào. Ông nói “một số lãnh vực” cho người ta hiểu không phải chi có một vài
người mà có thể còn nhiều hơn thế.
Dùng “văn hóa từ chức” là
khiên cưỡng
Vậy câu hỏi được đặt thẳng ra là những ai sẽ bị bất tín
nhiệm và bất tín nhiệm đồng nghĩa với “văn hóa từ chức”, nếu không từ chức, theo
quy định của Quốc hội thì bị bãi chức. Nhưng chẳng ai tin có chuyện này xảy ra,
người ta đã dành cho anh một cuộc rút lui trong danh dự, dù danh dự chẳng còn
mấy tí. Có người nói dùng chữ “văn hóa từ chức” ở đây là khiên cưỡng hay nói rõ
hơn là lạm dụng chữ nghĩa. Bởi nếu thực sự là có văn hóa thì không cần đợi ai
nắm tóc bảo anh “biến đi” anh mới chịu từ chức. Nếu có văn hóa, người từ chức
phải tự mình biết không đủ khả năng, tự mình làm đơn xin nghỉ. Dù có được chèo
kéo cũng xin rút lui. Đó chính là lương tâm, là liêm sỉ, là “văn hóa” của một
con người.
Ông ĐB Dương cũng nhận định: “ Theo tâm lý thông thường
thì để phấn đấu có chức quyền đã khó mà dũng cảm từ bỏ chức quyền đó lại còn khó
hơn.
Trong sử sách, những người từ chức vì cái lợi của dân,
của nước đều là những người được dân kính trọng. Khi không muốn màng chuyện
chính sự thì họ sẵn sàng treo ấn từ quan.Còn những người tham quyền cố vị thì
hình ảnh chỉ tồn tại một cách cưỡng bức trước nhân dân, ngay sau khi hết chức
quyền thì không ai nhắc tên họ nữa.
Tôi cho rằng những người qua thăm dò nếu thấy tín nhiệm
quá thấp dẫn đến khả năng bỏ phiếu tín nhiệm thì nên viết đơn xin từ chức, đó là
một điều đáng trân trọng. Nếu làm được việc này sẽ tạo ra bước chuyển biến lớn,
mở đường cho văn hóa từ chức.
Nhưng, cũng xin nhắc lại là để làm được việc đó không dễ,
sức ép sẽ rất lớn. Vậy liệu có ai đương chức đương quyền khi tín nhiệm quá thấp
mà dám làm không?”.
Câu hỏi này là một thách thức rất lớn cho những người
đương chức đương quyền. Hình như ở VN chưa ai bỗng dưng từ chức như thế này cả.
Chi khi nào bị bắt tận tay, day tận trán nhúng chàm mới chịu từ chức mà thôi.
Thế thì làm sao gọi là có văn hóa được. Vậy “văn hóa” nên để cho những người
xứng đáng hơn, không nên phí phạm chữ nghĩa như thế. Thực chất đó là bãi chức
chứ không phải văn hóa từ chức.
Cho đến hôm nay kỳ họp chưa kết thúc, chưa thể có một kết
luận nào về kỳ họp quan trọng này. Chúng ta hãy chờ xem người dân được thừa
hưởng những gì sau đó. Vậy xim tạm gác chuyện này ở đây. Chuyển sang một thứ văn
hóa khác với một hiện tượng vừa xảy ra tại VN làm dư luận vừa kinh ngạc vừa chán
chường.
Văn hóa “tởm”
Trước khi tường thuật với bạn đọc về cái thứ văn hóa này
tôi chỉ xin trích 1 câu trong hàng trăm bài nhận định của độc giả trên các trang
báo ở VN.
Bìa CD Thằng mõ 1
Bạn Nguyễn Thị Bích Nga chỉ có một lời bình rất ngắn gọn
nhưng rất chính xác về một CD nhạc vừa được bán tại thủ đô Hà Nội:
“Mới đọc đã thấy tởm lợm rồi. Nghe hát xong
chắc bị nôn oẹ ra quá. Trơ trẽn và bẩn thỉu quá.
Chỉ có 1 từ: TỞM!”
Lời bình này dành cho một CD nhạc của Ngọc Đại vừa được
“ra mắt” bằng cách bán chui cũng giống như các thứ hàng lậu, ma túy khác, cứ
giấu kỹ trong hóc kẹt nào đó, khi có khách mua mới móc ra bán chứ không được bày
lên kệ hàng.
Vì thế tôi tạm gọi cái thứ “hàng” này là “văn hóa tởm”.
Thật ra dùng từ văn hóa ở đây, tôi cũng thấy như đã lạm dụng văn hóa Việt rồi.
Bởi có những thứ không đáng được gọi là văn hóa, nó chỉ là một thứ sản phẩm được
làm ra vì một mục đích khác hoặc của những anh “khật khùng”, những anh mê danh
tiếng đến quên cả nhân phẩm. Nó cũng giống như các loại hàng hóa bị tẩm chất độc
như hàng trăm thứ thực phẩm khác của Trung Quốc tuồn vào VN hàng ngày. Bây giờ
người ta gọi những sản phẩm đó là “hàng đểu”. Và có nhiều thứ “hàng đểu”, như
phim “đểu” là loại phim cấp 3 phô trương toàn cảnh nóng, sách “đểu” là loại sách
chỉ lợi dụng chữ nghĩa để moi móc, bôi bẩn đời tư người khác, hát “đểu” là hát
nhép, xin “đểu” là vừa xin vừa đe dọa, mượn “đểu” là mượn rồi biến luôn…. Ở VN,
những từ ngữ này đã thành quen thuộc.
Ông Ngọc Đại là ai?
Thú thật với bạn đọc, tôi chưa từng nghe nhạc hoặc nghe
tên ông nhạc sĩ Ngọc Đại này bao giờ. Một phần lỗi tại tôi, bởi đã từ lâu, nghe
loại nhạc Việt mới “sáng tác” gần đây, tôi chẳng hiểu gì. Thỉnh thoảng coi Ti
Vi, lạc vào show ca nhạc hoặc thi cử linh tinh… chỉ thấy mấy cô cậu ca sĩ gào
thét nhảy múa loạn xạ và mấy ông bà ngồi trên ghế giám khảo khen chê vung vít.
Nghe được vài lời ca, toàn thấy từ ngữ tình ái cũ rích “cho anh ngàn nụ hôn”,
“sao anh không đến làm em chờ mỏi mắt”, “nỗi đau này anh có biết không”… Thế nên
“mù” về nhạc Việt hiện đại và phim Việt “hại điện” cũng chẳng có gì là
lạ.
Chân dung ông nhạc sĩ Ngọc Đại
Thói quen không bỏ được của Ngọc Đại
Gần đây dư luận báo chí nổi lên ầm ầm về cái CD của ông
Ngọc Đại, tôi mới biết ông là nhạc sĩ đã từng sáng tác một vài bài khá nổi tiếng
như “Dệt tầm gai”, “Hoa gạo’, “Tiếc
nuối”. Nhưng dường như tiếng tăm còn thua xa nhiều nhạc sĩ cùng thời khác
nên ông muốn “nổi” hơn, ông bèn ra một CD không giống ai, ông chọn chủ đề tục
tĩu, sống sượng và đặt tên là “Thằng Mõ 1”. Bởi theo dự tính, ông còn ra năm ba
cái CD cùng tên nữa nên mới có số 1.
Nội dung CD ca nhạc Thằng Mõ 1 tục tĩu như thế nào?
CD Thằng Mõ 1
gồm 9 bài hát: Cánh đồng cỏ khô, Ngũ sắc, Chọn một ngày, Thông điệp
hoa hồng, Nàng thơ gõ cửa, Vĩnh biệt, Có những ngày, Khuyến mại tình dục, Cái
nường 8x. Ông này cho biết đa số các ca khúc được ông phỏng
theo tập thơ trên mạng có tên Chẹc của Nguyễn Đình
Chính.
CD Thằng Mõ 1 của
“nhạc sĩ” Ngọc Đại đang gây phản ứng gắt gao trong dư luận vì có những ngôn từ
dung tục, dị hợm. Một số bài hát trong này có
những cụm từ như “thiên sứ cởi
truồng”, “giao hợp ơi”, “tinh trùng phóng đạn đi”... Ông Ngọc Đại cho rằng, đây là những ngôn từ của
cuộc sống, nói về những điều hết sức tự nhiên của con người.
Những điều “tự nhiên”
ấy đúng là của con người, nhưng không phải điều tự nhiên lúc nào cũng có thể bày
ra trước công chúng, những điều riêng tư chi có thể làm trong phòng the, chỉ có
loài vật mới công khai giữa phố phường. Chắc hẳn ông nhạc sĩ thừa biết điều đó
vì chắc chính ông cũng không bao giờ làm “điều tự nhiên” ấy trước công chúng.
Ngay cả những lời lẽ riêng tư cũng chẳng ai mang ra sử dụng trước người khác,
hoặc ngay trong những nơi chốn như vũ trường, tiệm massage. Vậy sao ông lai mang
ra khoe những ngôn từ “tự nhiên” ấy trong ca khúc của ông để mọi người cùng
nghe?
Điên khùng hay ẩn
ức?
Khi đọc những hàng tin về cái CD này,
tôi đã hỏi những người bạn để mượn nghe. Nhưng ngay ở Hà Nội cũng còn khó mua
chứ Saigon chưa có cái nào lọt vào. Tôi phải leo lên net tìm. May quá, tìm được
cái facebook http://vuthanhhoa.net/nhac-si-ngoc-dai-co-the-bi-truy-cuu-hinh-su.xml/.
Facebook này có xuất xứ từ Vũng Tàu tải lên mạng, ông nhạc sĩ này hát 6 bài của
chính ông. Chẳng biết khi bạn đọc bài này, nó còn hay đã bị
xóa.
Tôi chăm chú lắm mới nghe được cái chất giọng mạnh mẽ,
hùng hổ, gào thét của ông. Đôi khi lại rên rỉ, nghẹn ngào với tiếng đàn piano và
viola. Chẳng thấy nó hấp dẫn ở chỗ nào. Nghe nhạc để cho lòng thanh tịnh chơi
vơi bay cao, ít nhất cùng tìm được chút thư thái cho tâm hồn. Nếu là nhạc hùng
thì phải cảm thấy phấn khích, có chút gì đó như dũng khí bừng lên. Nhưng ở đây
cứ thấy rờn rợn, đôi khi lại có cảm tưởng như mình bị dìm xuống đống bùn. Ngay
bài đầu tiên “khuyến mãi tình dục”, tôi gai người khi nghe ông rống lên:
“một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm
ngày, sáu ngày, một tuần, hai tuần, ba tuần, bốn tuần, năm tuần, sáu tuần, một
năm hai ba bốn năm sáu năm, triệu triệu năm… bỏ lại như đàn kiến lửa… thiên sứ
cởi truồng, thiên sứ cởi truồng…”.
Quả thật tôi không thể hiều nổi ông “nhạc sĩ” này
muốn diễn tả cái gì, một thứ triết lý điên khùng hay những ẩn ức lâu ngày của
một ông già 60 tuổi độc thân, hay một trò nhố nhăng cố tình để người ta không
hiểu gì cả, để được cho là cao siêu, là đặc biệt? Cao siêu gì khi trong
bài Cái nường
8x có câu dị hợm, quá dung
tục như: “Bẹn ơi, mông ơi, háng
ơi, nõn nường ơi”. Đúng là
một thảm họa cho không chỉ nhạc Việt mà cho cả văn hóa Việt Nam trong thời đại
này. Tôi xin lỗi độc giả vì đã buộc phải ghi rõ những câu chữ “bẩn” này trong
bài viết, những câu chữ khiến cho người nghe, người viết và người đọc cũng phải
ngượng ngùng.
Tôi chỉ có thể nghe đến đây và cũng chi dám tường thuật
những cái được gọi là “ca từ” của ông này với bạn đọc bằng ấy câu chữ thôi,
không đủ can đảm thuật lại nhiều hơn.
Sự ra đời của Thằng Mõ đến “cháy” hàng
Ngọc Đại đã thực hiện album từ năm ngoái, ông kể: “Trong
lúc tôi làm đã có rất nhiều lời đe dọa, ngăn cản, nhưng tôi vẫn làm”. “Đầu tiên
tôi mời Lâm - Linh (trong nhóm Đại - Lâm - Linh) hát nhưng hai cô từ chối, nên
tự tôi hát”. Tất nhiên, bất kỳ ca sĩ tự trọng không thể giúp ông phổ biến thứ
hàng tục tĩu này đến khán giả, ông phải tự gào thét.
Nhiều khán giả còn nhớ,
vào tháng 6/2010 những khán giả đến nghe nhạc của Ngọc Đại, gần nửa khán phòng
nhà hát Hòa Bình đã bỏ về giữa chừng khi Đại Lâm Linh xuất hiện trên sân khấu
Bài Hát Việt và “làm mới” các bài hát theo một phong cách rất “khác”, khó có thể
chấp nhận.
Ngọc Đại cho biết khoảng tháng nay, ông mang đĩa đi bán,
gặp ai thì bán cho người đó. Có nhiều người mua, nhiều người ở bên nước ngoài
cũng gọi về đặt đĩa. Nhưng cũng có người từ chối không mua đĩa khi ông mời. Ông
nói, bán CD không phải là để kinh doanh mà muốn có nhiều người được nghe, và bù
cho kinh phí làm CD.
Như bạn đã biết, cái gì càng cấm càng khêu gợi sự tò mò
của công chúng. Người ta săn lùng mua CD này chẳng có gì lạ.
Nhiều người tìm ra các cửa hàng nhưng đều không
thấy “Thằng Mõ 1”. CD không được cấp phép nên các chủ cửa hàng không dám
bán. Thành ra muốn mua phải đến gặp nhạc sĩ.
Nếu cách đây một tháng, Ngọc Đại phải làm “thằng mõ” đem
rao bán sản phẩm của mình ở khắp các phố phường Hà Nội thì nay, ông ngồi nhà chờ
người ta lũ lượt kéo đến. Theo lời ông kể thì xe đạp, xe máy, xe hơi có cả.
Người nghèo trả đúng giá 100 ngàn đồng cho một CD, người giàu trả 500 ngàn đồng,
thậm chí là 5 triệu đồng. Điện thoại liên tiếp đặt hàng mua đĩa. Có người đặt
Ngọc Đại 50 CD gửi đi tặng bạn bè nước ngoài.
Ngọc Đại khoe ông đã bán 200 đĩa cho khán giả Pháp.
Australia cũng đã có vài chục sản phẩm của ông. Riêng ở Mỹ, album được đặt số
lượng lớn nhưng Ngọc Đại chưa kịp chuyển hàng vì “báo chí đến làm phiền nhiều
quá”.
Ban đầu, Ngọc Đại chỉ dám in 1.000 CD. Bây giờ lượng cầu
lớn mà cung gần hết, chỉ còn vài chục CD để bán lẻ, thành ra chiều 8/5, ông lại
gọi điện thoại in thêm 1.000 CD nữa. Ngọc Đại khẳng định “Tôi tiếp tục sản xuất,
tiếp tục bán, ai xử thế nào thì xử”. Đó là những lời khoe khoang có cánh như
diều giấy của Ngọc Đại.
Sự khác biêt giữa “Tục ca” và “Thằng Mõ”
Cũng có dư luận so sánh Thằng Mõ của Ngọc Đại với “Tục
Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác từ giữa thập niên 80. Ông Phạm Duy cũng viết
lời Việt cho nhiều bài hát nhục tình nổi tiếng của Pháp và Mỹ. Kết quả là những
“Tình tự ca”, “Đêm hôm đó”, “Emmanuelle”, “Nô lệ ái tình”, “Người tình bên gối”…
Nhưng điều khác biệt căn bản là Phạm Duy không phổ biến ra công chúng những bản
nhạc đó, ông đã nói: “Đề tài này tế nhị quá, cho nên tôi đã không phổ biến, các
con tôi cũng bảo đừng nên đưa ra quần chúng”. Từ tục ca tới nhục tình ca, ông
chỉ thu âm để cho ông nghe, dành tặng một số bạn bè chứ không phát hành hay mua
bán.
Tôi chẳng có lý do gì để bênh vực ông Phạm Duy, chỉ xin
phân tích một sự thật.
CD sẽ bị tịnh thu khi đã hết nhẵn, phạt tiền thì đã
tiêu hết
Việc tự đi bán đĩa tràn lan là hình thức kinh doanh băng
đĩa nhưng ông Ngọc Đại không xin giấy phép cho CD Thằng Mõ 1. Việc làm này đã
diễn ra cả tháng, nhưng cơ quan quản lý không hề hay biết. Mãi đến nay mới “giật
mình tỉnh giấc”.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý nghệ
thuật biểu diễn (Cục Nghệ thuật biểu diễn), nếu thông tin báo chí đã nêu là đúng
thì nhạc sĩ Ngọc Đại đã vi phạm pháp luật. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng
Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết hiện ông đang đi công tác chưa nắm được sự
việc, ông sẽ giải quyết khi quay về. Ông cho rằng, nếu nội dung CD vi phạm quy
định của pháp luật, Thanh tra Bộ VH-TT-DL sẽ phối hợp với Cục để thu
hồi.
Về phía nhạc sĩ Ngọc Đại, ông không e
ngại nếu CD bị thu hồi, ông phây phây trả lời báo chí: “Tôi không quan tâm, tôi
không sợ. Quan trọng là tôi được làm nghệ thuật”. Và “Tôi không lo bị phạt, vì tôi hiện chẳng thuộc cơ
quan nào. Hơn nữa, tiền bán đĩa, tôi đã tiêu hết rồi…!” Kể ra thì anh này cũng
khá “can đảm” đấy, nhưng là thứ can đảm của một anh “liều”.
Điều đáng nói ở đây là
thời đại văn hóa xuống cấp trầm trọng, từ học đường đến cuộc sống thác loạn của
tuổi trẻ đã sản sinh ra những thứ “văn hóa tởm” đến như thế này. Đừng để người
ta gọi “thời đại đồ đểu” thành hiện thực.
Cơ quan quản lý văn hóa
sẽ đối phó với tình trạng này như thế nào. Tưởng đó cũng là một đề tài lớn về
văn hoá cho các ông bà Đại biểu Quốc hội mang ra thảo luận, xây dựng tương lai
cho lớp trẻ VN./.
Văn Quang