2014/07/27

Thuế nuôi vịt

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 27.7.2014

Thuế nuôi vịt

 
Nuôi vịt cũng phải đóng thuế

Đã cực khổ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người nông dân còn chóng mặt với các khoản phí.

Người dân ở vùng nông thôn đang phải gánh trên lưng quá nhiều loại phí, bên cạnh các loại thuế. Nhiều khoản thu do chính quyền địa phương tùy tiện đặt ra và gọi là vận động tự nguyện nhưng thật ra là ép đóng, ai không đóng thì khó... sống!

Gọi là “phí” nhưng trên thực tế đó cũng chỉ là một thứ thuế. Có những thuế kỳ lạ như kiểu thuế nuôi vịt. Nghe qua tưởng là chuyện tiếu lâm nhưng nó đã từng xảy ra. Cụ thể đó là chuyện ở xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra còn phải đóng cho quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia, quỹ phụ cấp cán bộ...

Một số địa phương còn thông qua Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) xã ấn định mức thu đối với từng hộ, từng khẩu, từng sào ruộng, từng vật nuôi... khiến người dân méo mặt, “Thông qua Hội Đồng Nhân Dân” xã có nghĩa là đưa ra cuộc họp của HĐND xã để các cụ giơ tay đồng ý cho hợp lệ rồi vịn vào đó thi hành, coi như ý kiến của dân. Nhưng người dân có đồng tình hay không lại là chuyện khác. Thông thường người dân không dám “có ý kiến” sợ bị trù dập nên cứ ngoan ngoãn nghe theo lời cán bộ cho nó yên thân. Bạn đọc đoạn sau sẽ hiểu rõ hơn về những biện pháp “trù dập” đó độc như thế nào.

Hộ và khẩu chỉ vì cái miệng ăn

Trước hết phải nói rõ những từ ngữ ở đây để bạn đọc cùng hiểu. Bây giờ người ta không dùng tiếng nhà hay gia đình nữa mà thay vào đó là “hộ.” Chắc là ảnh hưởng bởi cái “hộ khẩu.” Và cũng căn cứ vào cái miệng ăn nên gọi người trong nhà là “khẩu.” Thí dụ “một hộ có 5 khẩu” tức là một gia đình có 5 người. Nghe qua mọi người cũng hiểu tất cả chỉ vì cái miếng ăn là trên hết, từ thời còn “bao cấp” chứ thời nay đô la mới là trên hết, song đã quen dùng danh từ cũ nên từ quan đến dân dùng luôn cho tiện.

 Một phụ nữ ở xóm Trà Dương, rà danh sách những người phải nộp thuế

Tại xóm Trà Dương, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, rất đông người dân hội họp ở hội quán để nghe lãnh đạo xóm (tức là ông trưởng xóm) phổ biến những khoản thu của năm nay. Danh sách những gia đình dân phải đóng “phí” được dán lên tường nhà hội quán. Ông bí thư xóm giới thiệu các khoản thu năm 2014 của xã, có quỹ xây dựng cơ bản thu “đầu khẩu” 150,000 đồng là cao nhất. (Tức là người chủ gia đình phải đóng tiền).

Còn những khoản thu khác như đóng quỹ an ninh quốc phòng 40,000 đồng/hộ, quỹ đền ơn đáp nghĩa 15,000 đồng/lao động, quỹ chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em 5,500 đồng/lao động, quỹ thiên tai 5,500 đồng/lao động, quỹ khuyến học 5,500 đồng/khẩu, quỹ tiêm phòng thu mỗi con trâu, bò, bê, nghé 25,000 đồng, mỗi con heo 10,000 đồng. Riêng quỹ hỗ trợ phụ cấp cán bộ đoàn thể xã, xóm, ngoài thu đầu khẩu 15,000 đồng còn thu thuế ruộng cứ 15,000 đồng 1 sào.

Nhà không có hạt thóc để ăn

Gia đình bà T. là “hộ nghèo” ở xóm Trà Dương. Bà T. kể nhà bà có bốn khẩu, làm 4 sào ruộng, năm nào cũng đóng hơn 2 triệu đồng tiền phí, tiền quỹ. Bà T. nhẩm sơ sơ đợt này phải nộp 750,000 đồng cho xã, hơn 200,000 đồng cho Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hơn 400,000 đồng cho xóm. Đến đợt hai, hết vụ hè thu, xã không thu nhưng xóm và hợp tác xã lại “đè” vào khẩu và sào ruộng mà thu. Bà T. nói như khóc, “Chồng tôi bị bệnh não, hai đứa con đang đi học, để có tiền đóng các loại phí ngoài bán lúa tôi còn phải đi vay mượn. Đến tháng chạp trong nhà không có hạt thóc để ăn.”

Người dân ở đây cho biết hộ nào đóng phí chậm sẽ bị xóm trưởng đọc lên loa phóng thanh nhắc nhở, hộ nào không chịu đóng thì lúc đi làm giấy tờ sẽ bị cán bộ gây khó. Ông V., ở xóm Trà Dương, cho rằng có một số quỹ xã thu khó hiểu. Như quỹ tiêm phòng, nhà ông nuôi hai con heo thịt chuẩn bị xuất chuồng, không tiêm phòng nhưng vẫn bị liệt kê vào để thu mỗi con 15,000 đồng. Hay chuyện đóng phí rải cát sỏi đường nội đồng, xóm thu 25,000 đồng/khẩu và 52,000 đồng/sào...

Nợ 750,000 đồng phí nuôi vịt

Anh Nguyễn Danh Thịnh, xóm Phúc Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, cho biết năm nay xã có giảm thu một số quỹ so với mấy năm trước nhưng gia đình anh vẫn phải đóng đến 1.5 triệu đồng! Trong đó có những khoản thu hết sức vô lý. Chẳng hạn như quỹ bảo vệ gia súc, gia cầm ngoài thu 10,000 đồng/con còn thu 17,000 đồng/hộ, quỹ xây dựng trường chuẩn quốc gia năm nào cũng thu nhưng trường vẫn chưa đạt chuẩn, quỹ phụ cấp cán bộ xóm thu 36,000 đồng/khẩu, quỹ tang tế 4,000 đồng/khẩu...

Anh Thịnh nói, “Mấy năm trước chúng tôi đóng nhiều lắm như phí máy cày, máy tuốt lúa, phí nuôi vịt. Năm nay quỹ bảo vệ gia súc, gia cầm thu cả những hộ không chăn nuôi.”

 Nuôi vịt phải đóng thuế

Xem danh sách đóng phí năm 2014, chị Đặng Thị Thảo ở xóm Phúc Sơn thấy khoản nợ phí nuôi vịt 750,000 đồng của gia đình chị vẫn còn đó, chị nói với cán bộ xóm rằng khi nào xã xóa khoản nợ này thì chị mới đóng đầy đủ các khoản khác.

Chị Thảo kể cách đây hai năm, người dân chăn nuôi vịt con phải nộp phí 1,000 đồng/con, vịt đẻ trứng nộp phí 2,000 đồng/con. Ban đầu gia đình chị nuôi đàn vịt sáu, bảy chục con thì còn cố đóng phí, nhưng khi nhân đàn vịt lên 600 con, khoản phí phải nộp lên đến 750,000 đồng/năm là quá lớn.

Biện pháp... cấm vận

Không nộp tiền thì không được chứng giấy, bị chặn bắt, làm khó dễ khiến tuyệt kế sinh nhai. Có người phải bán đất đóng thuế cho xã. Đau lòng hơn, gả bán được con mới có đồng tiền trả nợ chính quyền.

Trong giấy báo yêu cầu nộp tiền, nhiều xã ở huyện Phú Tân (An Giang) ghi kèm câu đe dọa “nếu không chấp hành sẽ bị xử phạt theo pháp luật.” Và tại xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (An Giang) có lần cán bộ cấp xã đã xử theo “luật,” nhưng là luật của địa phương tự làm ra.

Gia đình nào chưa nộp bất cứ loại thuế phí nào thường liên tục bị “mời lên mời xuống.” Mời hoài mà chưa hiệu quả thì xã, ấp tổ chức đoàn đến từng nhà... thu gom. Có lần đoàn đi thu phí đê bao của xã đi thu thuế này của dân, nhưng dân không chịu nộp, cả đoàn bèn lao vào nhà xúc lúa của dân rồi xảy ra chuyện giành giật, xô xát khiến một phụ nữ có thai bị té ngã phải đi cấp cứu.

Nhưng cách hiệu quả nhất mà hầu như chính quyền xã mọi nơi đang áp dụng là biện pháp... “cấm vận”: không ký xác nhận vào bất kỳ giấy tờ nào mà người dân cần khi họ còn thiếu thứ quĩ, phí nào, “Muốn ký giấy tờ gì phải nộp đủ phí,” đó là luật bất thành văn gần như ở nhiều địa phương! Thường trước khi ký xác nhận cho ai, xã cho rà soát xem gia đình đương sự đã đóng đủ các khoản chưa. Cảnh khổ này nhan nhản khắp nơi.

Đầu tiên là ấp, xã không xác nhận những giấy tờ liên quan đến đất đai, thậm chí sổ đỏ (tức là sổ chứng nhận chủ quyền nhà đất) cũng bị giam lại, chỉ khi nào dân đóng đủ tiền mới giao.

Anh Lê Văn Bỉnh, tổ 21, Trung Bình 2, Vĩnh Trạch, kể khổ, “Tôi thiếu phí làm điện chiếu sáng, phí giao thông nông thôn 470,000 đồng. Phải vay nóng nộp đủ mới nhận được cái giấy chủ quyền đất. Làm giấy ủy quyền, làm hồ sơ đi xin việc, thi đại học, thi bằng lái, đi học đại học, trường nghề, tất tất đều thế.”

Xóm ‘nhiều cái không’

Tại Núi Sập (An Giang), đất đai cằn cỗi, từ khi cấm khai thác đá tại đây hàng trăm người bỏ đi nơi khác làm thuê. Ông Lâm Ngọc Trân, ấp Đông Sơn 1, than thở, “Mỗi lần về quê lại bị mời lên mời xuống bắt nộp các khoản phí riết bà con không dám về.”

Tại bãi đá dưới chân núi Bà Đội, nơi có cả trăm gia đình dân ra đi từ Núi Sập xúm xít với những túp lều lụp xụp, rách nát được gọi là xóm... “nhiều cái không”: không giấy tạm vắng tạm trú, con sinh ra không có giấy khai sinh và nhiều gia đình không có hộ khẩu. Việc cấm vận này đã nảy sinh tham nhũng.

Người dân nói trong nỗi nhẫn nhục cam chịu, “Không thể nào làm được các loại giấy tờ, không xin được con mộc, chữ ký của ấp, xã, người dân phải nhờ qua trung gian, từ đó cũng hình thành “cò” ký các loại giấy tờ, “Mỗi lần cần chúng tôi bỏ ít tiền nhờ người ta làm giùm.” Có gia đình bán đất rồi bán nhà trôi dạt tha phương.

 Hình ảnh người phụ nữ gào khóc đòi lại xe kem từ tay 6 anh dân phòng

Nhiều gia đính đi tha phương thì gặp nhiều cảnh khốn đốn khác. Kiếm được cái xe cà tàng bán hàng rong cũng bị mấy anh dân phòng túm bắt tả tơi như vụ 6 anh dân phòng dằng xe của một người phụ nữ bán hàng rong xảy ra tại Quảng Ninh. Ngày 9-7 vừa qua hoặc vụ anh Tình bán hàng rong bị đè đầu bóp cổ tại tại khu chợ nằm trên đường D1 thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, TP Sài Gòn.

Nhân viên trật tự bóp cổ người bàn hàng rong

Ốm đau vào bệnh viện thì nằm vật vờ ngoài hè hoặc ngay trên lối đi vệ sinh mà không ai thèm hỏi tới. Tóm lại người dân ở xóm ba bốn cái không này đi đâu ở đâu cũng chẳng bao giờ qua được nỗi khổ.

Thuế xe ôm sống được 3 tháng

Anh Tăng Văn Thắng, chạy xe ôm ở xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), phân trần, “Nghề xe ôm nghèo rớt mồng tơi nhưng ấp cũng bắt đóng 150,000 đồng tiền... thuế xe ôm và 50,000 đồng tiền đền ơn đáp nghĩa.” Cầm hai tờ biên lai trong tay, anh Thắng cho biết với số tiền ấy gia đình anh có thể mua gạo sống đến ba tháng, nhưng nếu không đóng thì sẽ không được chở khách đi đâu bởi bị cán bộ ấp, xã làm khó dễ.

Nếu như ở các huyện khác, phí xe ôm chỉ có một vài xã áp dụng thì ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) có trên 400 người chạy xe ôm phải đóng 20,000 đồng/tháng. Anh T.V.N., một lái xe ôm ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, cho biết, “Ruộng đất ở nhà quá ít nên tụi tôi mới đi chạy xe ôm kiếm chút rau cháo sống qua ngày nhưng cũng phải đóng tiền phí bến bãi và phí... đoàn viên xe ôm. Nếu không đóng khi đưa khách ra đến huyện sẽ bị lực lượng pháp chế (thanh tra giao thông) giữ xe lại.”

Phải gả con gái cho Đài Loan mới trả hết nợ thuế

Chị Huỳnh Thị Nga nhà ở cặp mé sông thuộc ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, nói như khóc, “Tôi chỉ kê hai chiếc bàn bán trà đá cho mấy chú xe ôm ngồi tránh nắng buổi trưa nhưng trong thông báo nộp thuế do UBND xã gửi, mục thuế môn bài ghi đến 300,000 đồng/năm.”

Có 4.7 công đất, không đủ sống, cả nhà phải đi làm mướn, mò cua bắt cá kiếm gạo đắp đổi qua ngày, vậy mà từ năm 2000-2004 hộ ông Phan Văn Thành, tổ 6, ấp Trung Bình 2, Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang, phải đóng ít nhất từ 2 triệu đồng/năm. Năm 2003, tổng cộng gia đình ông phải nộp 4,538,000 đồng; năm 2004 là 2,156,000 đồng.

Ngồi lật từng xấp biên lai, ông ngậm ngùi, “Năm trước đóng chưa xong, còn nợ thì lại tới các khoản phí năm mới. Cứ chất chồng, triền miên. Bao năm vẫn không sửa nổi căn nhà lá rệu rã!” Mỗi đợt đóng tiền như thế gia đình ông lại đi vay nóng, để rồi lâm nợ riết đành phải bán đất. Đã bán bớt đất trả nợ, năm 2006 gia đình ông Trần Văn Thanh vẫn còn nợ các khoản thu của xã hơn 3 triệu đồng, “Tôi bị bệnh tai biến ngồi một chỗ thế này, vợ làm mướn, không biết bao giờ mới trả dứt!” Khá nhiều gia đình đã phải bán bớt đất để trả nợ và để... giảm khoản phí nộp hằng năm, nhưng rồi vẫn còn nợ như ông Thành!. Có gia đình đến khi gả bán con cho người Đài Loan mới hết nợ.

Ngoài ra lực lượng xã ấp còn lập chốt chặn, tuần tra xét giấy nộp phí “giao thông nông thôn” đối với các phương tiện người dân dùng để kiếm ăn. Trên những con đường nông thôn chật hẹp ở Thoại Sơn, Phú Tân thỉnh thoảng xảy ra cảnh rượt truy đuổi bắt xe gắn máy khiến người dân rất bất bình mà đành trơ mắt đứng nhìn bà con mình bị hành hạ.

Dân chán ruộng, 'tấc đất tấc vàng' bị bỏ hoang

Đầu vụ không có nước, khi gieo cấy được lại bị mưa lũ làm ngập úng. Mọi công sức lại đổ xuống sông xuống biển đã khiến người nông dân ở nhiều xã của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) không còn mặn mà với việc đồng áng. Tình trạng bỏ ruộng diễn ra tràn lan.

Trong thời gian này, khi về các An Lộc, Thịnh Lộc, Tân Lộc, Bình Lộc của huyện Lộc Hà, cả trăm ha đất ruộng vẫn chưa được người dân gieo cấy, dù mùa vụ hè - thu năm 2014 đã bắt đầu được khá lâu.

Trâu bò thoải mái thả rông trên những cánh đồng rộng lớn,
mà nguyên nhân là do lo sợ ngập úng, người dân không dám gieo cấy

Trên cánh đồng rộng lớn của xã Tân Lộc chỉ lác đác vài người làm đất, nhổ cỏ để chuẩn bị gieo cấy, còn lại nhiều thửa ruộng cỏ mọc um tùm. Không chỉ ở xã Tân Lộc, các xã kế cận như Bình Lộc, An Lộc, Thịnh Lộc cũng chung tình trạng. Theo những người dân nơi đây, khoảng 4-5 năm trở lại, dù đã cố gắng bám lại với nghề nông nhưng không có ăn mà chỉ có thua.

          Chị Nguyễn Thị Hằng phải đi làm  thuê cho người xã bên,
trong khi mình có ruộng mà không làm được

Đầu mùa thì không có nước gieo cấy, còn năm nào may mắn gieo cấy được ít sào thì một trận lũ cuốn phăng đi tất cả công sức.
 

Cũng chung tình trạng này, trong số diện tích 276 ha đất trồng lúa của xã Bình Lộc cũng đã có tới 40 ha bị bỏ hoang.

Ông Lê Văn Vượng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết, “Cách đây khoảng 2-3 năm, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này. Và huyện đã nhiều lần “đề xuất” với tỉnh về việc nạo vét kênh Hồng Tân cũng như hệ thống cống Cầu Trù, nhưng tỉnh chỉ mới tiếp thu chứ chưa có kế hoạch gì.” Chắc các quan tỉnh… mắc bệnh hay quên!

Thuế giao thông nông thôn

Trong số những lệ phí mà người nông dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng hiện phải đóng góp, nặng nhất có lẽ vẫn là phí giao thông nông thôn. Tùy theo từng địa phương mà loại phí này cũng được tính toán hết sức linh hoạt. Ông Tân, trưởng thôn An Tân (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), cho biết, “Ở đây phí giao thông nông thôn được tính theo diện tích ruộng. Cứ một sào ruộng qui ra 10kg thóc, tương đương 15,000 đồng. Nhà tôi làm 4 sào thì lệ phí giao thông là 60,000 đồng/năm. Đất nhiều thì đóng nhiều.” Cộng tất thảy các khoản phí, lệ phí khác, năm 2007 gia đình ông Tân phải đóng cho xã 106,000 đồng. Số tiền đó, theo ông Tân, dùng để trang trải cho việc sửa chữa và làm đường mới liên thôn. Nhưng không phải năm nào người ta cũng làm đường, ngược lại tiền lúc nào cũng thu đủ.

Tại nhiều xã của huyện Hòa Vang và Đại Lộc (Quảng Nam), người ta lại thu phí giao thông dựa trên số đầu xe gắn máy hiện có của mỗi gia đình. Cứ một xe gắn máy mỗi năm nộp 30,000 đồng. Ông Huỳnh Vinh, thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp (Đại Lộc, Quảng Nam), tâm sự:

“Như nhà tôi cứ mỗi năm đóng hết 60,000 đồng cho cả hai xe. Vừa rồi giấy gửi về thông báo số tiền phải đóng trong năm 2006 lên đến 330,000 đồng. Hôm rồi lên xã xin ký giấy cho đứa con đi học nhưng không được chấp thuận vì cán bộ xã phát hiện chưa hoàn thành nghĩa vụ. Tôi phải chạy về bán tháo số lúa còn lại mới ký được giấy. Kiểu gì thì trong năm cũng phải lên xã một đôi lần: lúc thì ký, chứng giấy tờ vay vốn, lúc thì làm đơn xin tạm vắng cho con cái đi làm ăn xa... Vậy nên phải đóng đủ tiền mới chứng giấy.” Không có giấy thì chỉ khỏi đi đâu được.

Nhiều địa phương có gia đình phải nộp tới 11 thứ thuế.

Chẳng hạn gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở ấp Hiệp Trung, có 12 công đất, “mỗi năm phải đóng đủ thứ phí, tổng cộng thường từ 2 triệu đồng.” Bà cúi mặt than trời, “Khổ lắm! Lúa ngoài đồng vừa trổ thì xã đã gửi giấy bắt đóng trong vòng năm ngày sau khi thu hoạch. Vừa gặt xong lo bán lúa ngay tại ruộng để có tiền nộp. Bằng không xã cứ mời lên mời xuống.

Không biết những vị “lãnh đạo” dân có nghe, có hiểu thấu nỗi khổ này của dân không? Nếu các quan lớn quan nhỏ từ địa phương đến trung ương chịu khó bắt chước các quan ngày xưa thỉnh thoảng đi “vi hành, thăm dân cho biết sự tình” chắc không xảy ra những cảnh này kéo dài từ mấy chục năm qua. Các quan có xe hơi bóng lộn, có tài xế lái, đi đến đâu cũng được tiếp đón long trọng từ ngoài cổng làng vào đến hội trường. Không lẽ vào đọc một bài diễn văn dài thoòng rồi lại hớn hở ra xe về báo cáo thành tích thôi sao? Mong rằng lề lối làm việc khoa trương gần như vô bổ này sẽ được chấn chỉnh để may ra tiếng kêu của dân thấu được đến bàn giấy “hoành tráng” chạm rồng trổ phương của các quan ở tất cả mọi cấp./-

Văn Quang

Khai Dân TríVăn Quang

No comments:

Post a Comment