2016/06/06

Dân Việt Nam “nuôi” cán bộ thuế đông như quân Nguyên

Dân Việt Nam “nuôi” cán bộ thuế đông như quân Nguyên

Những mẩu chuyện về bầu cử Quốc hội và việc ông Obama sang thăm Việt Nam đã làm dấy lên một cơn bão tin tức và dư luận trên khắp các thành phố lớn. Có tới hơn hai triệu bản tin. Nhưng cần nói thật là ở nông thôn, hầu hết người dân đang lo lắng trăm bề vì nạn cá chết đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính và Đồng bằng sông Cửu Long đang bị nhiễm mặn khiến người dân trắng tay. Thì giờ đâu mà nói chuyện ông nào trúng cử ông nào trượt vỏ chuối vì cái gì và chuyện Ô-ba-ma, Ô-ba-mung đi ăn bún chả.

Nhưng chỉ một tuần sau là những chuyện “thiên hạ sự” đó dần dần hết cái để nói, các trang báo trong nước, facebook, bloc cũng thưa vắng dần, chỉ có cái tài nói của ông Obama còn lai rai cho những vị tán gẫu.

Dư luận lại quay về với những chuyện liên quan mật thiết đến đời sống người dân và sự phát triển của đất nước. Vì thế ở đây tôi không bàn đến những chuyện “cổ tích” đó nữa. Có những sự việc thực tế hơn và có khá nhiều chuyện vui. Mời bạn nghe một câu chuyện “kỳ cục” do anh bạn Nguyễn Đoàn kể trên báo Dân Trí:

Hà Nội ngập do đàn ông... ghen!

Sau trận mưa lớn kéo dài suốt đêm 24 tháng 5 và rạng sáng 25-5, nước đã dâng ngập nhiều con đường ở Hà Nội. Khu vực Hà Đông (Hà Nội) nhiều con đường ngập rất sâu, các phương tiện lưu thông qua bị chết máy. Đến 9h40 phút sáng, nhiều con phố vẫn trong tình trạng ngập sâu và kẹt cứng.

Báo mạng Vietnamnet viết: “Biểu tượng hàng đầu châu Á trong vũng nước bẩn Hà Nội":

Hà nội đường ngập nước... và dân Sài Gòn cũng lội bì bõm trong mưa.
Mệnh danh tòa nhà cao nhất Việt Nam cho tới thời điểm này, nhưng Keangnam lại trở thành một ốc đảo giữa mênh mông biển nước mỗi khi trời mưa ngập. Nhiều đại gia bỏ cả chục tỷ mua căn hộ hạng sang tại Keangnam đều không ngờ tới điều này”.

Trong cảnh đó, một quan chức ngành nước của Hà Nội hỏi cán bộ chức năng của mình:

- Báo chí muốn gặp phỏng vấn, tại sao chỉ sau trận mưa, nhiều đường phố Hà Nội đã bị nhấn chìm, biến thành sông. Vậy theo cậu phải trả lời thế nào?

- Anh cứ trả lời là do quản lý và quy hoạch đô thị kém, thực hiện nhiều dự án, tiêu tốn nhiều tiền tỉ mà chẳng đâu vào đâu.

Tòa nhà Keangnam đơn độc giữa mênh mông biển nước.
- Thế là tại quan trí à?! Không được, tuyệt đối không được! Nếu nói vậy còn gì là uy tín của các cơ quan công quyền nữa.

- Vậy thì cứ trả lời là do ý thức của dân kém, vứt chất thải, rác rưởi làm tắc hệ thống thoát nước.

- Thế là tại dân trí à? Không được, cũng tuyệt đối không được. Dân là gốc, không được đổ lỗi cho dân.

- Hay là chúng ta đổ tại thực dân đế quốc?

- Ấy chết, càng không được. Vì nước ta độc lập từ năm 1945, thủ đô Hà Nội không còn bóng thực dân từ năm 1954, tức là hơn 60 năm rồi. Mà đề cập đến nguyên nhân này rất nguy hiểm, vì quản lý và quy hoạch đô thị, nói cho cùng thực dân Pháp làm tốt hơn hẳn ta. Thành phố Hà Nội thời đó dù mưa to đâu có bị ngập như bây giờ đâu. Đổ lỗi cho họ, thiên hạ cười cho thối mũi.

- Khó quá nhỉ! Dù sao cũng phải nêu được nguyên nhân vì sao Hà Nội cứ mưa to là ngập chứ. Hay là học tập các nhà khoa học và quản lý chuyên ngành trong cả nước vừa qua hội họp, hội thảo tìm nguyên nhân tại sao trong vài năm nay xe ô tô, xe máy đang chạy trên đường bỗng dưng bốc cháy đùng đùng, mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, cuối cùng cũng đi đến sự nhất trí cao xe cháy là do lửa. chính lửa làm cháy xe, không có lửa làm sao cháy xe được. Chính xác quá, khoa học quá, cấm ai cãi nổi họ. Vì vậy, ta cứ công bố với báo chí rằng đường phố Hà Nội bị ngập mỗi khi mưa to là do nước. Chính nước làm ngập đường. Không có nước làm sao đường phố bị ngập được. Cũng chính xác quá, khoa học quá, đố ai cãi nổi chúng ta.

- Xác định nguyên nhân như vậy là đúng, nghe thì hay nhưng chưa phải là hay nhất. Hơn nữa, chúng ta nói thế hóa ra lại bắt chước họ à, rập khuôn theo họ à. Lúc này là lúc phải chỉ ra được nguyên nhân sâu sắc hơn, ở tầm trí tuệ cao hơn họ để thiên hạ thấy các nhà trí thức ở ngành nước có trình độ hơn hẳn các nhà trí thức ở ngành lửa. Tôi nghĩ rồi, chúng ta sẽ nêu nguyên nhân Hà Nội cứ mưa là bị ngập, chính là do đàn ông Việt Nam.

- Đàn ông Việt Nam !!!???

- Đúng, do đàn ông Việt Nam. Đàn ông Việt có máu ghen vào loại đứng hàng đầu Thế Giới. Hậm hực cũng là ghen. Ở các nước, chửi vài câu cũng là ghen. Đánh nhau một vài trận với tình địch cũng là ghen, thậm chí ghen đến mức bóp cổ vợ chết như Ôtenlô bóp cổ Đexđêmôna trong vở kịch của nhà văn Anh Sếchxpia cũng là ghen, nhưng đàn ông Việt thì ghen dữ dội hơn nhiều.

Sử sách đã ghi rành rành, chuyện xẩy ra từ ngàn năm xưa, hai chàng trai Việt Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng cầu hôn với công chúa Mỵ Nương, nhưng Mỵ Nương lấy Sơn Tinh, thế là Thủy Tinh ghen dâng nước lên đánh Sơn Tinh, mà đâu chỉ vài lần dâng nước, vài năm dâng nước mà năm nào cũng dâng nước đánh ghen, triền miên hàng ngàn năm nay, đến giờ vẫn chưa dứt, gây ra ngập lụt thường xuyên cho đường phố Hà Nội.

Xác định nguyên nhân Hà Nội ngập lụt như vậy có đúng không? Lại thần tỉnh ở chỗ không vu vạ cho đế quốc phong kiến, lại không đụng đến quan trí, không chạm đến dân trí, mọi người dễ tâm phục khẩu phục, cùng vui vẻ cả để tiếp tục chịu đựng ngập lụt”.

Câu chuyện bịa cũng như thật nói lên cái sự “đổ vạ” quá quen thuộc của cái gọi là “cơ quan chức năng” ở VN ai cũng biết. Không tìm ra nguyên nhân một sự việc đang làm khổ dân thì đổ vạ lung tung như chuyện “gà ăn no nên lăn ra chết” tôi đã tường thuật trong số trước.

Nói tóm lại chuyện gì cũng nói cho qua, cho xong và “đúng quy trình”, phủi trách nhiệm cái rột. Nhưng đó chỉ là “chuyện nhỏ”, búa rìu dư luận lại quay về với những chuyện lớn hơn.

Song, thật ra chuyện lớn nào cũng là chuyện cũ, bàn tới bàn lui, bàn lùi, bàn tiến, bàn lụi, bàn ẩu vẫn thành chuyện mới. Hết chuyện cá chết vì người, người chết vì cá đến chuyện doanh nghiệp chết vì cái gì?

Doanh nghiệp chết vì “nuôi” cán bộ thuế đông như quân Nguyên
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một thống kê đáng chú ý khi trong 8 năm qua (2007-2015), trong số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động đạt 941.000, đã có 45,5% tức khoảng 428.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Trong đó, số doanh nghiệp  gặp khó khăn phải ngừng hoạt động ngày càng tăng lên, năm 2015 có tới 80.000 doanh nghiệp đóng cửa. Và chỉ trong 5 tháng đấu năm 2016 đã có 28.582 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mới đây ông nhận được một bức thư tay của một chủ DN, viết bằng bút bi trên tờ giấy úa vàng, phong bì phổ thông đơn giản. Nét chữ gai góc dường như là của một người lớn tuổi đang đau đáu với những bức xúc quanh mình.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết hàng tháng DN phải đóng thuế bôi trơn.
Ông Tuấn kể, bức thư của một chủ doanh nghiệp (DN) nhỏ đang hoạt động kinh doanh tại thành phố Thanh Hóa, không nêu tên DN vì “lý do tế nhị”.

Ông cho biết, để có thể hoạt động được nhằm nuôi sống gia đình, trả lương công nhân và nộp thuế cho nhà nước, hàng tháng DN của ông phải “đóng thuế” bôi trơn cho nhiều lực lượng mà ông ví là “đông như quân nguyên” gồm: công an phường, quy tắc phường, quy tắc trật tự thành phố, cảnh sát giao thông thành phố, cảnh sát trật tự thành phố, cảnh sát 113 thành phố...

Thuế đen này tính công khai theo tháng, theo quý (tức là 3 tháng nộp cho cán bộ một lần) và cả ngày lễ tết.
Biếm họa: Các chủ doanh nghiệp mệt mỏi về các loại phí bôi trơn.
Cung phụng cho cán bộ thuế nhiều như quân Nguyên, doanh nghiệp không chết mới là lạ. Chưa hết, còn một “chiêu độc” nữa của các quan là thanh tra các doanh nghiệp liên tục.

Một tháng 4-5 đoàn thanh tra, không bôi trơn khó xong việc
Đây là những bất bình được các DN gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày diễn ra cuộc đối thoại 29/4/2016 vừa qua.

* Công ty Chế biến Dừa Lương Quới (Bến Tre) cho biết, việc kiểm tra chuyên ngành 1 lô hàng trung bình mất từ 7-10 ngày làm việc. Cùng chung một hợp đồng, một nhà cung cấp dù đã kiểm tra lô trước đạt yêu cầu, lô sau vẫn phải lập lại trình tự như trước. Thái độ làm việc của cơ quan kiểm tra chuyên ngành vẫn mang tính xin - cho.

* Trong khi đó, Hiệp hội các DN Nhật Bản tại Việt Nam đặt câu hỏi: Chúng tôi cần được thông tin một cách rõ ràng về phạm vi công việc, trách nhiệm và thẩm quyền của Cục Thuế Hải Phòng, Chi cục Hải quan Hải Phòng và Chi cục Hải quan cấp cơ sở (ví dụ Hải quan KCN Nomura).
Nguy cơ tham nhũng trong khu vực kinh doanh.
Đại diện khối DN này nói: “Đôi khi các phòng ban khác nhau, đến làm việc với một DN, cùng một nội dung. Chúng tôi chắc chắn điều này đi ngược với luật pháp của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN”.

* Hiệp hội DN Dược phàn nàn, các DN dược bị quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc trong một năm, gây phiền hà khó khăn, lãng phí thời gian, kinh phí cho cả DN và ngân sách nhà nước.

* Hiệp hội DN Hải Dương cũng cho biết, các DN hội viên luôn ngán ngẩm về việc có quá nhiều đoàn đến thanh, kiểm tra. Có DN một năm phải tiếp đón từ 12 đến 15 đoàn, còn thông thường cũng có đến 8 đoàn.
Thanh tra, kiểm tra quá nhiều ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
* Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình cho rằng, Bộ TN&MT triển khai quá nhiều các đợt thanh tra, có DN vừa mới thanh tra cuối năm 2014, năm 2015 mới có kết luận, thì năm 2016 lại có quyết định thanh tra tiếp. Một số thành viên trong đoàn thanh tra có những biểu hiện thiếu tôn trọng DN.

* Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, mỗi năm DN tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có tháng 1 DN tiếp tới 4-5 đoàn thanh tra. Việc thanh, kiểm tra quá nhiều, cùng một nội dung gây khó khăn cho DN. Khách hàng không ủng hộ, cổ đông rút vốn, thương hiệu, uy tín của DN bị giảm sút.

* Hiệp hội DN tỉnh An Giang cho biết, các cơ sở chế biến thực phẩm trong tỉnh phản ánh công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng giữa ngành Nông nghiệp và Y tế, nên dẫn đến tình trạng một cơ sở bị thanh, kiểm tra nhiều lần trong năm do nhiều ngành thực hiện với nội dung tương tự.

Tập hợp ý kiến cho thấy, các DN than vãn nhiều về thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn, bị sách nhiễu và phát sinh tham nhũng.

Đấy là chưa kể khi các quan thanh tra cần ăn, cần ngủ, cần giải trí là phải đón gió trước, tổ chức ngay.

Cần phải chọn một nhà hàng nổi danh “hoành tráng” bậc nhất, nhì địa phương và lại cần phải kín đáo, chọn mấy em chân dài não ngắn cũng cần phải hiện diện cho “rôm rả”, nhất là đừng để lộ cho bọn dân đen nhìn mặt và mấy “thằng phóng viên” chụp hình là … bỏ mẹ.

“Dạ, em hiểu, xin thi hành ngay”. Nhưng vừa quay lưng lại anh chủ DN đã chửi thầm: “Ts… nhà mày, hành ông đến hết nghiệp”.

Xong chầu đó mới đến chầu phong bì, các quan thò bút ký liền tù tì, đóng dấu son đỏ chót, dù thực phẩm có chứa hàng chục chất cấm, dù có thải hàng tấn chất độc xuống biển cả, ao hồ cũng “đúng luật, đúng trình tự” hết.

Như thế dân không chết mới là lạ và doanh nghiệp cũng chết chứ sống gì nổi với các quan thuế và thanh tra.
Một hình ảnh nói lên tất cả: “I love you Obama”.
Hy vọng mới là gì?
Nhưng chuyến thăm VN của ông Obama đã mang lại nhiều hy vọng cho các doanh nhân Việt. Hầu hết báo chí VN đều loan tin: “Bên cạnh những hợp đồng nhiều tỷ USD, doanh nhân Việt cũng kỳ vọng chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Mỹ sẽ mang lại những "hiệu ứng" lâu dài cho sản xuất và giao thương của Việt Nam”. 
Vậy thì liệu ông Obama có thật sự mang lại “hiệu ứng cho doanh nghiệp VN” không?

Đừng mang lại “hiệu ứng” cho bầy cáo tham nhũng và bọn chủ DN nhà nước mỗi ngày một giàu hơn, lại cho con sang Mỹ học, mang tiền sang Mỹ gửi. Tuy nhiên họ vẫn dành rất nhiều cảm tình đặc biệt cho vị Tổng Thống thân thiện, thông minh, bình dị có biệt tài về cách đối xử với dân Việt.

Ở một khía cạnh khác, người dân VN đã nhìn thấy quá rõ tham vọng và sự tàn ác của ông bạn láng giềng Trung cộng nên muốn “thoát Trung” chỉ còn cách chơi với Mỹ. Người dân cũng bày tỏ lòng mong đợi của mình chỉ bằng một câu bốn chữ “Tôi yêu ông Obama”.

Nhưng người Việt vẫn nhớ rằng chỉ có người Việt mới giải quyết được những khó khăn của mình, không ai làm giúp mình đâu.

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 06.06.2016

Khai Dân TríVăn Quang

No comments:

Post a Comment