2016/07/17

Vụ mua bán chồng kỳ quái tại "nông thôn mới" ngày nay

Vụ mua bán chồng kỳ quái tại "nông thôn mới" ngày nay

Trong vài số báo vừa qua, tôi đã tường thuật cùng bạn đọc nhiều chuyện “khốn nạn” ở nông thôn VN ngày nay, hầu hết là do các quan thôn ấp “sáng tạo” ra để kiếm tiền dân, kể cả những người cùng cực cũng không tha. Hầu như mỗi địa phương đều có pháp luật riêng của mình. Lãnh đạo được xem như lãnh chúa thời xa xưa.

Để bớt căng thẳng và thay đổi không khí hắc ám ở thôn quê, trong bài này tôi kể với các bạn một vài chuyện vui cũng có, buồn cũng có, nhưng tất cả vui hay buồn đều chứng tỏ nền luân thường đạo lý ở nông thôn ngày nay – được gọi cái mỹ từ là “nông thôn mới.” Nó mới ở chỗ nào? Phải chăng nó mới con người sống theo bản năng, thích gì làm nấy, xóa bỏ hết đạo lý truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa?

Bởi thế nên mới có chuyện hai người đàn bà nhà quê đặc quyết định đổi chồng cho nhau, câu chuyện khá kỳ quái này còn được quan chức địa phương chứng kiến. Thế mới loạn. Câu chuyện bắt đầu từ một bi kịch.

Một người đàn bà bị chồng giết
Rạng sáng 18 tháng 6 vừa qua, người dân thôn Vĩnh Tiền bỗng xôn xao bởi hung tin bà Loan bị sát hại trong khi chồng là ông Nguyễn Văn Cốc đã biến mất. Trong túp lều lạnh lẽo, chỉ có mỗi bà Loan đã tắt thở nằm trên giường, thương tích đầy mình. (Theo báo Pháp Luật đưa tin)

Sau đó, cơ quan chức năng nhận được tin báo: “Ông Cốc đã về nhà bên Lai Vung, Đồng Tháp. Ông Cốc gọi điện thoại tự thú là đã giết vợ và cũng đã uống thuốc trừ sâu để tự tử.”

Túp liều của bà Loan, ông Cốc được dựng lên tạm bợ bằng lá dừa nước, xung quanh cây cối um tùm, rậm rạp, muốn vào phải gửi xe cách đó chừng 500 mét. Cuộc sống hai vợ chồng dường như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Túp lều ông Cốc và bà Loan từng sống
Túp lều ông Cốc và bà Loan từng sống.
Gọi là vợ chồng nhưng thực tế bà Loan và ông Cốc sống với nhau theo kiểu "già nhân ngãi, non vợ chồng" chứ không có đăng ký kết hôn hay cưới hỏi gì. Hằng ngày, ông Cốc làm thuê làm mướn, chăm vườn tược, mò tôm bắt cá, miễn sao có tiền lo cho hai vợ chồng.

Phần bà Loan, theo người dân địa phương, do được chồng lo toan mọi bề, mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng bà Loan thường xuyên đi nhậu. Khi nhậu, bà Loan toàn ngồi cùng "cánh mày râu," những bữa nhậu thường chỉ có bà là phụ nữ. Khi đã "đủ đô," bà Loan gọi chồng tới chở về.

Cũng có bữa ông Cốc chở bà đến tận đám nhậu. Trong lúc vợ nhậu thả ga, ông đi kiếm nhà hàng xóm nằm võng đong đưa chờ vợ nhậu tàn hoặc gọi điện thì chạy xe qua chở về.

Do vợ mỗi lần nhậu lại thường cặp kè với một người đàn ông khác nên nhiều lần hai vợ chồng to tiếng. Khi cãi nhau, bà Loan không cho ông Cốc vào nhà và thẳng thừng tuyên bố đất đai ruộng vườn là của bà, bà muốn làm gì thì làm.

Ông Cốc có bữa phải bưng tô đi xin cơm nhà hàng xóm ăn. Đã nhiều lần ông Cốc nói sẽ giết bà Loan nhưng không ai tin. Không ngờ, nỗi uất hận sau nhiều ngày chất chứa đã khiến người đàn ông vốn hiền lành trở thành kẻ sát nhân.

Theo nguồn tin từ cơ quan điều tra, khuya hôm đó, ông Cốc dùng búa đánh bà Loan. Khi nạn nhân tắt thở, ông Cốc để thi thể vợ nằm trên giường, đắp mền, mắc mùng cẩn thận rồi mới bỏ đi.

Sau khi về đến nhà ở Đồng Tháp, ông Cốc liền uống thuốc tự tử rồi báo tin mình giết vợ cho một người ở gần nhà bà Loan. Nhờ người nhà cấp cứu kịp thời nên ông Cốc được đưa đi cấp cứu. Hiện người đàn ông này đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục.

Cơ quan điều tra thêm về vụ việc này còn phát hiện nhiều tình tiết khôi hài khác nữa. Thật ra chuyện bắt đầu từ khi hai bà ở Xã Vĩnh Tiền này đã thực hiện một cuộc đổi chồng rất kỳ quái.

Tại sao có cuộc đổi chồng công khai, địa phương cũng chứng kiến?

Theo báo Thế Giới Mới ngày 3 tháng 7, 2016 vừa qua cho biết thêm chi tiết, cơ quan chức năng phát hiện thêm sự việc “ly kỳ” khác: người phụ nữ là nạn nhân đã từng “bán chồng.”

Người phụ nữ đem “gả” chồng nói trên là bà Trần Thị Loan (43 tuổi), ở tại khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Theo cơ quan điều tra, ông Đỗ Văn Bình (47 tuổi, là người chồng đầu tiên của bà Loan) gần 30 năm về trước, lúc đó ông chỉ mới là thanh niên 18 tuổi thì cha mẹ đã giục cưới vợ. Người được cha mẹ chọn lựa chính là Loan - cô gái nhà sát bên, tuổi mới tròn 16. Hai người nên duyên chồng vợ với tài sản để lập nghiệp là mấy công ruộng quanh năm nhiễm phèn, mặn.

Cuộc sống bình yên hạnh phúc kéo dài được vài năm. Đến năm 1997, đứa con trai lớn lên 7, đứa nhỏ lên 5 thì tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh nhạt. Nguyên nhân cũng từ chuyện làm ăn không được thuận lợi, thua lỗ triền miên. Càng sống chung với vợ, ông Bình càng nhận ra đây không phải là người phụ nữ của đời mình. Hai người gần như sống ly thân.

Sau đó ông Bình gặp được người phụ nữ khác, đó là bà Trần Thị Thu (54 tuổi, quê ở Đồng Tháp). Tình cảm của hai người lớn mãi mà không biết toan tính như thế nào để được ở bên nhau vì bà Thu vẫn còn chồng, con, còn ông Bình thì ngoài vợ và hai đứa con trai, vợ chồng ông còn một khoản nợ chung chưa giải quyết được. Lấn cấn mãi, cho tới lúc bà Thu quyết định ly hôn chồng, rồi cả ba người gặp nhau, ba mặt một lời.

Buổi gặp mặt “trọng đại” đó, còn có cha mẹ của ông Bình và cha mẹ của bà Loan. Trước mặt tất cả mọi người, bà Thu yêu cầu bà Loan “ra giá” để nhượng chồng. Bà Loan không phải vừa, ngoài yêu cầu bà Thu trả nợ giùm mình, bà Loan còn đòi một số tiền hoặc vàng để làm vốn.

Chưa hết, bà Loan còn đặt điều kiện, nếu trong vòng nửa tháng bà Thu không nộp đủ tiền thì sẽ “bắt” chồng lại.

Cuối cùng, bà Thu đồng ý trong vòng một tháng sẽ đưa cho bà Loan 5 chỉ vàng 24k và trả giúp một nửa số nợ là 6 triệu đồng. Phân nửa còn lại, ông Bình vẫn phải có trách nhiệm chi trả.

Nội dung hai bên đồng ý cùng nhau những điều khoản gì, bà Thu đều ghi rõ, đầy đủ trong đơn, có sự chứng kiến của… chính quyền địa phương lúc bấy giờ. Ngoài những điều khoản liên quan đến tiền bạc, hai bên cùng cam kết cho nhau tự do lấy chồng lấy vợ, không được khiếu nại về sau. Hai đứa con trai thì chia ra, người chồng nuôi đứa lớn, người vợ nuôi đứa nhỏ.

Điều lạ hơn ở đây là có chính quyền địa phương chứng kiến (theo báo Thế Giới Mới – VN). Như thế có nghĩa là cuộc đổi vợ đổi chồng này coi như chính thức vì được địa phương thừa nhận. Làm như vậy có hợp tình hợp pháp không hay chính quyền địa phương tiếp tay cho những chuyện vô luân thường đạo lý ở nông thôn mới ngày nay?!
Giờ có ai trả tui 10 cây vàng tui cũng không đổi ông chồng này của tui đâu. Tui nói thiệt đó.
Bà Thu hạnh phúc bên chồng, bà nói: “Giờ có ai trả tui 10 cây vàng tui cũng không đổi ông chồng này của tui đâu. Tui nói thiệt đó.”.
Sau “phi vụ mua bán” chồng, cuộc đời mỗi người lại rẽ sang một hướng khác nhau. Bà Thu, ông Bình sống hạnh phúc bên nhau và ít lâu sau, họ đón đứa con gái nhỏ ra đời. Cuộc sống của hai vợ chồng vẫn quanh quẩn bên ruộng lúa, đàn vịt và nghề sửa máy của ông Bình.

Gần 20 năm sống chung, bà Thu chưa một lần hối hận về quyết định táo bạo của mình ngày xưa. Bà tâm sự, “Giờ có ai trả tui 10 cây vàng tui cũng không đổi ông chồng này của tui đâu, tui nói thiệt đó.” Nói rồi, vợ chồng họ nhìn nhau cười âu yếm. Cuộc sống khá hạnh phúc.

Trái lại bà Loan lâm vào thảm cảnh
Còn về phần bà Loan, sau khi kết thúc vụ “mua bán chồng,” cuộc đời bà gặp liên tiếp những sóng gió. Đến cuối cùng, bà bị chính người đàn ông mình coi là chồng thứ tư đánh đến chết.

Người chồng thứ tư này là ông Nguyễn Văn Cốc (58 tuổi, thường trú huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)
Trước ngày bà Loan mất khoảng hai ngày, người dân khóm Vĩnh Tiền thấy ông Cốc cầm chén đi xin cơm ăn. Hỏi thăm thì ông uất nghẹn mà rằng, ông đi làm vất vả về bà Loan không nấu cơm cho ăn mà còn hoạch họe. Nhưng điều làm ông Cốc điên tiết lên là những buổi nhậu bất tận của bà Loan và mối quan hệ lằng nhằng với những người đàn ông khác.

Trong khi ông Bình hạnh phúc bên bà Thu thì bà Loan lại lận đận hơn. Bà có quan hệ tình cảm với nhiều người đàn ông. Khi không hợp hoặc nhận thấy có những bất đồng, bà Loan lại chủ động chia tay để đến với người khác.

Trong hai năm chung sống với bà Loan, ông Cốc vẫn thỉnh thoảng về nhà nên vợ con ông không hề hay biết mối quan hệ ngoài luồng này. Mãi cho đến khi ông Cốc uống thuốc trừ sâu tự tử sau khi gây ra án mạng, vợ con người đàn ông này mới bàng hoàng biết được những bí mật của chồng, cha mình.

Bà Huỳnh Thị Thiệt (90 tuổi), một người dân sống lâu năm tại thôn Vĩnh Tiền nói, “Tui từng này tuổi mà cũng chưa thấy chuyện gì kinh thiên động địa như vậy. Một người đàn bà nhận tiền vàng của người ta để bán chồng mình đi, mới nghe cứ tưởng nói chơi, ai dè có thiệt. Kết cục lại mất mạng oan uổng như vậy.”

Tuy nhiên chuyện con chung con riêng thường gây ra mâu thẫn giữa các cặp vợ chồng. Xung đột vì “con anh đánh con tôi” hay là “con anh con tôi đánh con chúng mình.” Như chuyện gần đây vợ cầm dao đâm chết chồng.

Con riêng đánh nhau, vợ cầm dao đâm chết chồng
Chị Mai và anh Nguyễn Văn Hào đến với nhau sau khi cả hai đã li dị trước đó không lâu. Cả chị Mai và anh Hào đều có con riêng, sau khi về cùng nhà sống chung tại phòng trọ ở xã An Phước, huyện Long Thành, chỉ con riêng của Mai theo mẹ, con riêng của anh Hào sống với ông bà Nội.

Chiều 28 tháng 6, 2015, chị Mai đi làm về thì nghe con riêng của mình kể lại chuyện bị N.T.M.H (con riêng của anh Hào) đánh. Mai ngay sau đó qua nhà bố mẹ chồng để tìm gặp cháu H với mục đích nói chuyện. Tại đây Mai gặp chồng trong cơn say rồi xảy ra cãi cọ và bị đánh. Về đến phòng trọ cả hai tiếp tục cãi vã gay gắt hơn, Hào tiếp tục đánh vợ mình. Trong lúc tức giận Mai chạy vào bếp lấy một con dao rồi đâm chồng mình gục tại chỗ, nạn nhân tử vong sau đó.

Kết quả là phiên tòa sơ thẩm ngày 11 tháng 7 vừa qua, tòa án tại Sài Gòn tuyên phạt chị Mai 8 năm tù về tội Giết người.

Nông thôn VN sẽ đi về đâu?
Chỉ có ở “nông thôn mới” ngày nay mới có chuyện bán cả chồng lấy tiền. Câu chuyện chứng tỏ nông thôn ngày nay không còn êm ấm như thời xa xưa nữa. Phải chăng vì “thượng bất chính hạ tắc loạn”? Các quan chú quan bác còn ăn từng đồng của người dân được trợ cấp vì nghèo đói, cụ thể như vụ “ăn bớt” tiền hỗ trợ vụ cá chết để làm... sân nhà văn hóa (theo Báo Dân Trí). Khi cấp tiền hỗ trợ cho ngư dân và người nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết ở miền Trung, cán bộ thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã “xén” lại của mỗi hộ 50 ngàn đồng với lý do góp tiền làm sân nhà văn hóa thôn.

Không một người dân nghèo nào không phẫn nộ. No cơm rượu say, hứng chí các quan còn ngoại tình như rươi, cái bệnh vô cảm tàn nhẫn đó lan xuống đến người dân và cơ quan chức năng cho là chuyện bình thường trong mọi giao dịch. Chính những kẻ này đang tàn phá mọi thứ trên quê hương Việt Nam kể cả luân thường đạo lý. Người dân phải sống chung với bọn vong bản đó, thế hệ con cháu của làng quê VN sẽ ra sao? Nếu cứ như thế này thì tương lai “nông thôn mới” chỉ là cuộc sống rối loạn đầy tăm tối.

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 17.07.2016

Khai Dân TríVăn Quang

No comments:

Post a Comment