Cả nước biết chỉ có sếp không biết
Có những chuyện xảy ra hàng ngày sờ sờ trước mắt như chuyện hàng ngày ở
huyện, nhất là chuyện giao thông, ai cũng biết nếu vi phạm chỉ việc chìa
tiền ra là xong. Còn cánh lái xe bất cứ là xe gì thường đã có sẵn những
tay “bảo kê” luồn lọt chi tiền trước cho các quan là cứ đi. Cánh lái xe
vận tải đương nhiên phải chở quá số quy định mới có đủ tiền sống. Chúng
luôn có một đường dây móc nối chi tiền rất kín đáo. Nhưng dù kín đến
đâu thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra dưới ánh sáng mặt
trời.
Người dân chẳng xa lạ gì với những mánh lới này. Chuyện
tham nhũng thường ngày nên trở thành bình thường. Một anh cảnh sát đến
cửa hàng lấy tiền bảo kê thì mang tiếng nhưng một anh dân thường đến
giao dịch cùng nhau là việc bình thường. Sau đó anh dân thường đến dúi
cho anh thanh tra cảnh sát ở bờ bụi nào đó, ai mà biết chỗ ma ăn cỗ. Chỉ
biết rằng xe chở cái gì, chở bao nhiêu cũng qua trạm kiểm soát tuốt.
Chỉ người mù mới không biết xe đã “chung chi.” Người dân không ngu nhưng
mặc xác các quan quen rồi, dính vào có khi bị trù dập đến phải bán nhà
đi nơi khác.
Tuy nhiên sau một thời gian dài, một số chuyện
đã không thể che giấu được nữa, các cơ quan mới “nhanh chóng vào cuộc
kiểm tra.” Nói là nhanh chóng chứ cũng phải 5-10 năm mới khui ra. Đã có
biết bao nhiêu vụ tham nhũng phải mất một thời gian dài mới khám phá ra,
có khi thủ phạm đã chuồn ra nước ngoài hoặc tẩu tán hết tài sản chỉ còn
trơ thân cụ, có ngồi tù ít lâu cũng được thả, con cháu ôm cái gia tài
kếch sù ăn ba đời không hết. Cái sự “nhanh chóng” của các quan là như
thế đấy. Khi bị chất vấn các quan nói “không hề biết.” Chuyện rất gần
đây cho thấy các quan chối tội trơ tráo như thế nào.
Chấn động miền Tây hay chuyện cũ rích
Vụ
mà báo chí VN gọi là “chấn động miền Tây” thật ra là chuyện ngàn năm
cũ. Đường dây Thanh Tra Giao Thông móc nối với “cò” bảo kê xe tải. Nếu
xe tải nào không đóng tiền "bảo kê" hằng tháng qua "cò". Hỏi trăm anh
tài xế và người dân quanh vùng người nào cũng biết. Thế mà vụ ba thanh
tra giao thông bị bắt thì lãnh đạo Sở lại tỏ ra rất bất ngờ!
Trong
cuộc họp báo chiều 22/7, ông Trịnh Ngọc Vĩnh – Phó Giám đốc Sở GTVT Cần
Thơ nói như vẹt, kiểu các quan thường nói với dân, “Quan điểm của
sở là không bao che, dung túng, nếu cá nhân nào sai phạm tùy theo tính
chất, mức độ sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.”
Tại
buổi họp, báo chí nêu câu hỏi, các cán bộ thanh tra của sở này “làm
tiền” các nhà xe, doanh nghiệp xảy ra từ lâu, vậy lãnh đạo sở GTVT có
biết không hay đến khi công an gửi thông báo bắt người đến thì Sở GTVT
mới biết?
Ông Vĩnh cho rằng, từ trước tới nay không nhận được đơn
tố cáo của người dân hay doanh nghiệp nào về việc làm sai trái của các
cán bộ này nên không biết mà chỉ đến khi sự việc xảy ra, cơ quan công an
gửi thông báo về, Sở mới biết.
Ông nói trơn tuột rằng, “Khi thấy
thông báo bắt người, cá nhân tôi rất bất ngờ.” Ôi, cái sự “bất ngờ” của
ông sao nghe không lọt cái lỗ tai chút nào. Ông có được cấp dưới “chia
chác” hay không chưa biết, nhưng “bất ngờ” thì không đúng tí nào. Chuyện
ầm ỹ trong cả ngành giao thông mà ông bất ngờ thì ông còn làm được cái
gì?
Thế
nên một phóng viên TP Sài Gòn đặt câu hỏi: trước đây nhiều cơ quan báo
chí đã phản ánh việc cán bộ thanh tra giao thông Cần Thơ, trong đó có
Đoàn Vũ Duy bảo kê, nhận hối lộ của các doanh nghiệp và chủ phương tiện.
Sau đó, Giám đốc Sở GTVT đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm vụ việc. Tuy
nhiên, không hiểu vì sao, Duy lại không bị xử lý, mà lại được điều về
quận Bình Thuỷ nhận nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội 11. Liệu Ban Giám đốc Sở
có bao che, dung túng cho cấp dưới mình làm sai hay không?
Khi trả
lời câu hỏi này, đại diện Sở chỉ thông tin về thời gian điều chuyển công
tác đối với Đoàn Vũ Duy mà không trả lời câu hỏi chính phóng viên nêu
ra.
Các phóng viên cũng nêu câu hỏi, trong ba cán bộ bị bắt, có
ai là con em của người làm trong ngành, con của lãnh đạo sở GTVT hay
lãnh đạo thành phố Cần Thơ không? Trả lời câu hỏi này ông Vĩnh nói, “Khi
bổ nhiệm những cán bộ này không nói tên con ai nên tôi cũng không biết
mà chúng tôi chỉ căn cứ vào đánh giá viên chức hàng năm, đề xuất của
Chánh thanh tra, của chi bộ rồi làm quy trình bổ nhiệm.”
Vậy ra khi
xem xét lý lịch của các cán bộ được bổ nhiệm không có tên cha tên mẹ và
nơi cư trú? Chắc chắn là ông và cái “hội đồng chuột” kia phải biết “đồng
chí ấy là con đồng chí nào” như kiểu người dân vẫn thường nói bổ nhiệm
theo kiểu con ông cháu cha “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba
tiền tệ, thứ tư trí tuệ.”
Ông Trịnh Ngọc Vĩnh – Phó Giám đốc Sở
GTVT Cần Thơ lại nói vẹt rồi, người dân nào cũng biết, những câu trả lời
máy móc ấy chỉ còn là chuyện khôi hài.
Ai là thủ phạm chính?
Ba
quan thanh tra giao thông Cần Thơ bị tóm ngày 20-7-2016 gồm Lý Hoàng
Minh, Võ Hoàng Anh, Đoàn Vũ Duy nhận tiền bảo kê hàng tỷ đồng. Công an
Cần Thơ cho biết đến nay, có thể xác định "cò" Nguyễn Văn Cần (29 tuổi,
quê Vĩnh Long) là mắt xích quan trọng trong đường dây bảo kê này.
Nguyễn
Văn Cần (29 tuổi, ngụ xã Tân Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chính
là tên cầm đầu băng chuyên môi giới nhận tiền, gom tiền đưa cho thanh
tra giao thông.
Thủ đoạn của các tên này là bắt các nhà xe, doanh nghiệp (khoảng 50 doanh nghiệp) có xe tải đi qua địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thuỷ phải chung chi cho Nguyễn Văn Cần. Các chủ xe đóng tiền “bảo kê” cho mỗi đầu xe mỗi tháng từ 1 đến 3 triệu đồng ($44 đến $132 Mỹ kim). Xe nào đã chung chi thì không bị bắt, còn xe nào không “làm luật” thì sẽ bị lực lượng thanh tra giao thông bắt.
Thủ đoạn của các tên này là bắt các nhà xe, doanh nghiệp (khoảng 50 doanh nghiệp) có xe tải đi qua địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thuỷ phải chung chi cho Nguyễn Văn Cần. Các chủ xe đóng tiền “bảo kê” cho mỗi đầu xe mỗi tháng từ 1 đến 3 triệu đồng ($44 đến $132 Mỹ kim). Xe nào đã chung chi thì không bị bắt, còn xe nào không “làm luật” thì sẽ bị lực lượng thanh tra giao thông bắt.
Con đường lập nghiệp của cò Cần
Sinh
ra trong gia đình làm nông, có hoàn cảnh khó khăn, Cần đã phải sớm nghỉ
học khi chưa hết cấp một. Lớn lên, anh ta xin làm lơ cho những chuyến
xe tải Bắc - Nam. Cuộc sống lênh đênh theo những chuyến xe ngược xuôi,
Cần đã quen với việc bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt phạt xe vì các
sai phạm, nhất là chở quá tải. Vì vậy, việc chung tiền cho nạn mãi lộ,
bảo kê đường... không còn xa lạ với Cần.
Hắn lân la làm quen, xin
số điện thoại các thanh tra giao thông Cần Thơ đang làm nhiệm vụ trên
đường; dần dà đặt vấn đề thông báo xe quá tải, vi phạm… cho lực lượng
bắt giữ, xử phạt để "kiếm tiền cà phê.”
Là dân trong nghề, anh ta rảo
trên đường nhìn là biết rõ xe nào chở quá tải nên ghi biển số rồi báo
cho các thanh tra giao thông kiểm tra, xử phạt. Danh sách các nhà xe mà
gã thu thập ngày một dày, có đầy đủ các đại lý kinh doanh vật liệu xây
dựng, xe trộn bêtông, container, hãng nước đá... tại TP Cần Thơ.
Khi
các xe liên tục bị "dính" biên bản, "cò" Cần tiếp cận chủ đặt vấn đề bảo
kê cho xe hoạt động an toàn, dù cho xe chở gấp nhiều lần quy định. Đổi
lại, nhà xe phải chi tiền hàng tháng vào tài khoản do Cần lập ra hoặc
nộp "tiền tươi.” Cơ quan điều tra xác định, Cần đã mở 3 tài khoản ngân
hàng với 3 tên khác nhau để các nhà xe chuyển tiền vào.
Sự đồng lõa của thanh tra giao thông
Được
các thanh tra giao thông thông đồng, lời nói của Cần rất có uy tín khi
buộc các nhà xe đóng "hụi chết" để đổi lấy sự yên ổn trong làm ăn. Những
trường hợp không chịu "làm luật" với Cần thì bị thanh tra giao thông
gây khó dễ đủ điều.
Hơn hai năm trước, ông Ba ở quận Cái Răng mở
cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng. Chưa được bao lâu thì "cò" Cần xuất
hiện đòi ông chung chi tháng 2 triệu đồng mỗi đầu xe. Ông Ba kể, “Tôi
nhất quyết không đồng ý thì liên tục bị kiểm tra, xử phạt. Xe mình không
vi phạm nhưng hễ ra đường là bị thanh tra giao thông kéo về trạm cân.
Làm ăn ngày một khó, lại bị hành liên tục, khách hàng mất dần, trong khi
lãi ngân hàng phải trả nên tôi quyết định bán hết 3 xe ben, bán tháo
vật liệu rồi chuyển sang cho thuê mặt bằng và sửa ôtô.”
Sự hợp
tác nhịp nhàng và hiệu quả giữa Cần và các thanh tra giao thông ngày
càng khiến giới nhà xe, tài xế ở Cần Thơ và các tỉnh khác đi ngang qua
địa bàn này đều khiếp sợ. Vì chuyện làm ăn lâu dài, không ai dám hé răng
tố cáo.
Việc làm ăn ngày một lớn, Cần quyết định nghỉ hẳn nghề
lơ xe; càng cẩn thận, hạn chế "xuất đầu lộ diện.” "Trùm cò" này chiêu mộ
nhiều lái xe ôm làm "mật báo.” Họ được phân công theo dõi các xe quá
tải trên địa bàn Cần Thơ hoặc từ nơi khác đến giao nhận hàng, rồi báo
lại cho Cần. Khi quen việc, các tài xế xe ôm được "cò" ủy quyền ra giá
bảo kê và thu tiền. Mọi liên lạc, giao dịch gần như Cần điều hành qua
điện thoại với hàng chục số khác nhau và dùng nhiều tên giả để tránh bị
phát hiện.
Thu xong "hụi chết,” nếu không chuyển vào tài khoản
cho các thanh tra giao thông thì gã rút ra đem nộp trực tiếp, có khi thì
giao cho đàn em. Tùy theo tình hình thực tế, thời gian cũng như phương
thức giao tiền mà địa điểm thay đổi liên tục. "Lúc thì giao tiền tại
quán cà phê, khi ở góc đường. Tiền được bỏ vào bao thư, bao gói thuốc
lá, bịch nylon, gói giấy. Có khi bên giao mang tiền nhét vào gốc cây, bờ
tường, bụi rậm… sau đó, người nhận đến lấy đi.”
Về phía các quan
thanh tra giao thông, ngoài những lúc nhận "tiền tươi,” họ cũng lập ra
hai tài khoản ngân hàng và mượn nhiều tài khoản khác của người thân để
nhận tiền bảo kê từ "cò" Cần. Thủ đoạn ăn cắp của các quan ngày càng
tinh vi.
Cơ quan điều tra đã xác định có khoảng 60 doanh nghiệp,
nhà xe chung tiền bảo kê hàng tháng cho "cò" Cần trong thời gian dài. Võ
Hoàng Anh và Lý Hoàng Minh (trưởng và phó đội 3, thanh tra giao thông
Cần Thơ) đã nhận hơn 3,4 tỷ đồng. Trong đó, Cần chuyển vào tài khoản hai
cán bộ này khoảng 3 tỷ đồng. Số còn lại hai cán bộ này trực tiếp đi thu
riêng. Cơ quan điều tra đang làm rõ số tiền nhận bảo kê của Đoàn Vũ Duy
(trưởng đội 11).
Vụ này cần phải điều tra sâu thêm nữa mới lòi
ra cái “gốc” của vấn đề tập đoàn tham nhũng ở miền Tây. Chẳng phải chỉ
có mấy anh thanh tra giao thông đâu mà có thể còn cả một “lực lượng quan
chức phía sau” và còn nhiều nơi khác nữa, hầu như khắp VN chỗ nào cũng
thế.
Tôi chỉ nêu vài câu bình luận của người dân ngay trên các báo tại VN:
- Bạn có nick name Doremon viết:
Tình
trạng này không chỉ xảy ra ở miền tây mà nó còn trải rộng trên khắp các
tỉnh thành trên cả nước (cơ quan pháp luật vào cuộc làm mạnh tay thì
mọi việc sẽ rõ ràng, sợ lúc đó sẽ lòi ra những con số còn kinh khủng
hơn). Xin nói thêm, tình trạng "bảo kê thu tháng thu quý" không chỉ dừng
lại ở lực lượng TTGT mà cả lực lượng CSGT cũng vậy.
- Bạn Tạ Tiến viết:
“Rất đúng. Không phải một Miền Tây mà còn nhiều nhiều MIỀN TÂY đấy”
- Bạn Tô Văn Chính viết:
“Chuyện thường ngày ở huyện và có từ lâu rồi, ở đâu mà chẳng có. Nhân dân và cánh lái xe ai cũng biết chỉ cơ quan Nhà nước bây giờ mới biết.
- Bạn A. Tuấn kết luận:
“Ai cũng biết nhưng giả vờ không biết.”
Bạn
đọc đã thấy tình trạng tham nhũng trắng trợn bây giờ lan ra khắp các
ngành, khắp nơi khắp chỗ. Đúng là thời đại ăn của dân không từ thứ gì.
Dân VN ngày càng cùng khổ bởi bọn quan lại thi nhau cướp công cướp của
nhân dân.
Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 22.08.2016
Khai Dân Trí | Văn Quang |
No comments:
Post a Comment