2016/05/16

CHÚT ÂN TÌNH GỞI VỀ QUÊ HƯƠNG

CHÚT ÂN TÌNH GỞI VỀ QUÊ HƯƠNG

HỒ TẤN VINH

Chuyện cá chết ở miền Trung xôn xao hơn cả tháng nay rồi. Nó đã lộ ra những điều mà bây giờ ai cũng có thể thấy.

1. Ảnh hưởng kinh tế là cái dễ thấy nhứt. Nó làm mất sinh kế của những người sống vào nghề đánh cá, nuôi cá. Sau này nó còn ảnh hưởng đến kỹ nghệ cá khô, nước mắm và kéo dài ra đến kỹ nghệ du lịch quốc tế.

2. Nó đã cho thấy ngay trên đất nước tự xưng là ‘độc lập’ lại có một vùng ‘tô giới’ mà chẳng người dân không được vào mà ngay cả những chức năng của chánh quyền cũng không được vào xem xét kiễm tra.

3. Nó cũng vạch ra bộ mặt trơ trẻn của nhà nước thay vì lo lắng cho sức khoẻ của công dân, quyền lợi kinh tế của dân, kinh tế của quốc gia, đòi bồi thường thiệt hại, thì lại lo quanh co chối tội cho Trung Cộng (đứng sau lưng công ty Formosa), dấu nhẹm những kết quả thử nghiệm nước nhiễm độc và cố tình trì hoản để tụi Tàu phi tang các chứng cớ.

4. Sau 40 năm từ từ giải ảo, lần này có thể là lần cuối cùng để mọi người - và nhứt là những đảng viên CSVN - hiểu hết cái tai họa mà chủ nghĩa cộng sản đã đem đến cho Việt Nam.

Người Việt khắp nơi ở hải ngoại cũng tìm đủ mọi cách tiếp sức với đồng bào trong nước trong cái cố gắng ‘đứng lên’ để sống còn.

Cộng Đồng người Việt Tự Do Victoria đã tổ chức tại Melbourne ngày thứ bảy 14/5/2016 một buổi đốt nến hướng về quê hương từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối.

Tôi ước lượng cũng có khoảng 500 người tham dự. Vì là do Cộng Đồng tổ chức nên có đủ thủ tục như hát Quốc Ca của hai nước Úc và Việt, có phút mặc niệm. Quốc Kỳ của hai nước phất phới rất nhiều.

Ý nghĩa chánh của buổi đốt nến là tố cáo tai họa cá chết ở miền Trung và đòi hỏi phải bảo vệ môi sinh. Có một bàn dài để mọi người tham dự đến ký tên.

Có một người phụ nữ Việt Nam nhẹ nhàng len lỏi trong những hàng người đứng. Chị không chờ người tự động đến bàn ký tên mà chị lại đem tờ giấy ký tên đến ân cần mời từng người. Chị ăn mặc rất là đơn giản. Và động thái rất thân thiện. Mỗi lần nhận được một chữ ký thì chị mĩm cười, cám ơn. Khởi đầu lúc 5 giờ thì mới là tờ giấy đầu tiên. Mỗi tờ có chừng 10 chỗ để ký tên. Đến 8 giờ tối thì trên tay chị có khoảng 6 tờ. Thỉnh thoảng chị đếm lại mấy tờ ấy một cách rất là triều mến, hài lòng.

Mặc cho các diễn giả nói chuyện uyên thiên bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, chị không cần nghe. Chắc chắn chị nghĩ rằng sự ủng hộ của hải ngoại càng nhiều càng tốt. Ban tổ chức kiếm được 500 chữ ký ? Cả nước Úc kiếm được 5000 chữ ký ?

Bước đi không mệt mõi suốt ba tiếng đồng hồ, người phụ nữ Việt Nam khoảng 50 hay 60 tuổi kiếm được 50 hay 60 chữ ký, nhưng tấm lòng của chị đối với quê hương thật là mênh mông.

Chiều chủ nhật ngày 15/5/2016, các sinh viên Việt Nam lại tổ chức một buổi tố cáo vi phạm môi sinh tại Việt Nam tại trưóc Thư Viện Quốc Gia (Melbourne) lúc 3 giờ đến 6 giờ chiều.

Lần này thì đơn giản hơn. Không có quốc kỳ nào cả. Cũng không có diễn văn. Mà chỉ có những người trẻ cầm những tấm giấy mang ý nghĩa. ‘Cá cần nước sạch, dân cần chánh quyền minh bạch’ và TODAY với hình cá chết và TOMORROW với hình sọ người.

Tất cả có chừng 30 người. Một số ngồi với bảng hiệu. Một số đứng cầm bảng hiệu ân cần mời gọi người đi qua đọc. Họ rất hồn nhiên, chịu khó, bền chí, rất lịch sự và rất dễ thương.

Trước khi chấm dứt, ban tổ chức có hỏi có ai muốn nhắn gởi gì về Việt Nam không. Một sinh viên xin nói. Em cầm micro mà giọng rất xúc động. Em nói em rất phẩn nộ vì công an và nhóm người áo xanh đánh đập những người biểu tình ôn hòa trong nước. Và em nhắn gởi rằng hải ngoại đồng hành cùng đồng bào trong nước. Ý nghĩa chỉ nói có bao nhiêu đó thôi nhưng em đã phải ngập ngừng nhiều lần. Nhưng cái xúc động làm em phải ngập ngừng có ý nghĩa nhiều hơn là lời.

Còn cái đim chót này không thể không nhắc tới. Người thay mặt ban tổ chức cám ơn mọi người đến tham dư lại là người ngồi trên chiếc xe lăn.

Quá khuya rồi. Tôi xin gói lại chút ân tình này của người Melbourne gởi về quê hương.

HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 16 tháng 5 năm 2016

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí


Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

No comments:

Post a Comment