2010/09/23

Hiến pháp và Nhân quyền



Nói tóm lại, người dân sẽ không chờ đợi, ở đợt sửa đổi Hiến pháp sắp tới, cũng như những đợt đã qua, bất cứ một sử đổi nào mang ý nghĩa dân chủ hóa chế độ. Một sự thật quá hiển nhiên, ai cũng thấy.

Nhưng một điều không thể chấp nhận được nữa là nhà cầm quyền Hà Nội đã trắng trợn diễn lại thủ đoạn lừa bịp dân, Loan báo việc sửa đổi Hiến pháp mà cứ như là "chia bài ba lá ở giữa chợ" với một đám cò mồi ồn ào. Tưởng đã đến lúc phải cảnh báo tập đoàn cầm quyền Cộng Sản ở Hà Nội thay vì cứ đi sâu vào con đường tội ác về dân sự cũng như về hình sự, hãy sớm trở lại con đường nhân chính mà sửa đổi Hiến pháp là bước mở đầu.

L.S. Trần Thanh Hiệp

Hiến pháp và Nhân quyền


Bộ máy tuyên truyền, ngụy tạo và áp đặt dư luận, của nhà cầm quyền Hà Nội đang làm rùm beng về cái gọi là "sửa đổi hiến pháp" vào dịp Ðại Hội lần thứ XI sắp tới của đảng, trong khuôn khổ Nghị quyết 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhân vật chính trị Cộng Sản hàng đầu có máu mặt nhưng nay đã nghỉ hưu, công chức, chuyên gia các bộ, với sự phụ họa của báo chí nhà nước, đã đồng loạt xuất hiện để gióng lên những lời giáo đầu mở màn cho vở tuồng "sửa đổi" này.

Ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc Hội, thời còn tại chức, đã thi hành rất xuất sắc nhiệm vụ điều khiển mấy trăm nghị gật để thực hiện thứ hiến pháp công cụ mà nay ông không tiếc lời chỉ trích. Là phản dân chủ, là độc đoán cướp đoạt hết quyền làm chủ đất nước của dân.Và, làm như thể đã biết phản tỉnh, ông An lớn tiếng đòi lần tu chỉnh này, phải để "cho dân được quyền phúc quyết Hiến pháp, được quyền sửa đổi Hiến pháp".

Các chuyên gia pháp chế đến từ nhiều bộ, ngành, cũng tranh thủ để "than" về những bất cập trong công tác làm luật. Theo đại diện Vụ Pháp Chế, Bộ Công Thương thì "Luật có lợi cho quản lý nhà nước như thuế, hải quan, kiểm soát... thì làm nhanh, ra nhiều. Nhưng luật bảo vệ quyền lợi người dân, doanh nghiệp thì làm chậm, ít". Chuyên gia của Bộ Công Thương cũng phản đối cơ chế xin-cho trong làm luật với lý do luật soạn ra để đáp ứng đòi hỏi xã hội nhưng ở ta cứ phải thông qua Bộ Chính Trị. Ông Ðặng Anh (Vụ Pháp Chế, Bộ Công An) khôi hài: "Như nhiều vị đã nói, chúng ta ngồi phòng điều hòa máy lạnh để soạn luật nên luật không đi vào cuộc sống được". Theo đánh giá của chính phủ thì vẫn còn sự "mất cân đối" khi soạn luật: "Coi trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN là cần thiết nhưng không có nghĩa coi nhẹ các lĩnh vực khác như quản lý tài sản công, bảo vệ quyền tự do, dân chủ".

Dự thảo báo cáo của chính phủ đã nêu lên rằng sẽ hoàn thiện pháp luật về quyền lập hội, biểu tình, nhằm xác định rõ quyền, trách nhiệm công dân. Xây dựng hệ thống pháp luật về quyền giám sát của các cơ quan dân cử, quyền trực tiếp giám sát, kiểm tra của công dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia công việc nhà nước...

Người ta thấy tiếng nói của những cán bộ của bộ máy cầm quyền Hà Nội đã không bôi đen nhưng cũng không tô hồng cho pháp luật của chế độ. Và câu kết luận phải rút ra là không thể không sửa đổi Hiến pháp, gốc của pháp luật ấy.

Nhưng chính ông Ðinh Trung Tụng, thứ trưởng Bộ Tư Pháp đã cho biết chính phủ sẽ kiến nghị Bộ Chính Trị có ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 liên quan đến xây dựng nhà nước và pháp luật, phát triển đầy đủ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1992 theo hướng "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". Tức là trước sau như một, chưa sửa hay sẽ sửa thì chế độ đương hành ở Việt Nam vẫn là một chế độ "tập quyền" tối đa, chứ không phải là một chế độ có phân quyền rõ rệt như bất cứ mộ nước dân chủ chân chính nào.

Phản ánh chủ trương bám trụ bằng mọi giá vào đảng trị, chủ tịch Quốc Hội đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng đã nói với báo chí rằng "sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. (...)Nội dung sửa đổi Hiến pháp sẽ tập trung chủ yếu vào việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước..." Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc Hội, ngày 9 tháng 6 năm 2010 cũng nói với báo chí theo đó sẽ sử đổi ít điều, thí dụ "trình tự thủ tục, một số vấn đề kỹ thuật để thông suốt phục vụ cho kỳ bầu cử tới vào năm 2011..."; hay "không tổ chức Hội Ðồng Nhân Dân cấp quận nữa" nhưng tất cả sẽ phải chờ Ðảng cho phép. Nguyễn Văn Thuận nói: "Nếu được phép của Ban Chấp Hành Trung Ương, thì sẽ sửa một phần Hiến pháp ngay trong kỳ họp cuối năm. Riêng những sửa đổi căn bản, có liên quan đến thể chế thì phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc Hội sau..."

Nói tóm lại, người dân sẽ không chờ đợi, ở đợt sửa đổi Hiến pháp sắp tới, cũng như những đợt đã qua, bất cứ một sử đổi nào mang ý nghĩa dân chủ hóa chế độ. Một sự thật quá hiển nhiên, ai cũng thấy.

Nhưng một điều không thể chấp nhận được nữa là nhà cầm quyền Hà Nội đã trắng trợn diễn lại thủ đoạn lừa bịp dân, Loan báo việc sửa đổi Hiến pháp mà cứ như là "chia bài ba lá ở giữa chợ" với một đám cò mồi ồn ào. Tưởng đã đến lúc phải cảnh báo tập đoàn cầm quyền Cộng Sản ở Hà Nội thay vì cứ đi sâu vào con đường tội ác về dân sự cũng như về hình sự, hãy sớm trở lại con đường nhân chính mà sửa đổi Hiến pháp là bước mở đầu.

Phải sửa đổi từ gốc đến ngọn.

Gốc là phải có một quan niệm đúng đắn và nghiêm túc về Hiến pháp, nói cách khác, phải hội nhập vào chính mạch của những Hiến pháp dân chủ. Tức là nhà cầm quyền Hà Nội, một khi đã long trọng tuyên cáo (ghi nơi điều 3 của HP năm 1992, sửa đổi và bổ sung năm 2001) "thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh" thì phải từ bỏ quan điểm Cộng Sản theo đó "chúng ta hiểu Hiến pháp theo quan điểm cách mạng" nghĩa là như Engen nói "Hiến pháp là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp... do giai cấp chiến thắng thiết lập sau cuộc đấu tranh thắng lợi" hay như lý thuyết gia của chế độ, Nguyễn Ngọc Minh, viện trưởng Viện Luật Học đã viết trong "Hiến pháp nước CHXHCHVN", nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1985 rằng "Hiến pháp vừa phải ghi lại những thành quả đã đạt được, "hợp pháp hóa" các thành quả đó, ổn định các thành quả đó thành "pháp quyền" (tức là được quy định bằng pháp luật và được bảo đảm bằng pháp luật)... Ðể đi theo truyền thống của Hiến pháp dân chủ, bắt nguồn từ hai cuộc cách mạng tư sản cuối thế kỷ thứ 18 ở Mỹ và ở Pháp là lập rào cản chống chuyên chế (khác với cách mạng vô sản là thiết lập và bảo vệ chuyên chế). Với thời gian, các Hiến pháp dân chủ tiến mạnh theo chiều hướng bảo vệ cá nhân công dân trước bạo lực của Nhà nước. Bước phát triển sau cùng là những cá nhân công dân đó trở thành chủ thể của một hệ thống nhân quyền phổ quát, được sự bảo vệ của cả luật quốc tế lẫn luật quốc gia. Và ở vào thời đại toàn cầu hóa hiện nay, người ta có thể nói rằng sứ mạng chính của Hiến pháp dân chủ là bảo vệ và tiến hăng nhân quyền.

Vì nhân quyền ngày nay mang một nội dung rất rộng lớn. Nhân quyền bao hàm cả nghĩa dân quyền. Thật vậy, điều 1 của cả hai Công ước quốc tế về nhân quyền đã dự liệu và bảo vệ "Quyền dân tộc tự quyết" cho tất cả mọi dân tộc với hai ý nghĩa là độc lập đối ngoại và dân chủ đối nội.

Gốc của Hiến pháp đã được gắn liền với nhân quyền như vậy thì ngọn phải là những đạo luật qui định và bảo vệ các quyền tự do của con người - những quyền mà con người sinh ra đã có và nhờ có mới được là con người. Do đó Hiến pháp có mối lên hệ mật thiết với 5 văn bản hợp thành Hiến chương quốc tế về nhân quyền. Không ai có thể quan niệm được rằng Hiến pháp không cần lý gì đến nhân quyền.

Vậy mà đó lại là trường hợp của Hiến pháp 1992 của nước CHXHCNVN vì những người đã soạn thảo ra văn bản đó tự cho họ có toàn quyền ban phát nhân quyền cho dân. Ðiều 50 của Hiến pháp này định rằng: "Ở nước CHXHCNVN, các quyền con người (...)được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được qui định trong Hiến pháp và luật, tức là do đảng cầm quyền ban phát." Nhưng nếu không ban phát thì người dân không có nhân quyền, như hiện nay đang xảy ra ở trong nước..

Nếu vào dịp Ðại Hội Ðảng lần thư XI, vấn đề sửa đổi Hiến pháp được đặt ra, thiết tưởng không thể chỉ trù kiệu những sự sửa đổi chỉ có tác dụng duy trì để theo đuổi chính sách cai trị phi nhân quyền.


L.S. Trần Thanh Hiệp

Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm
Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ
Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh




--

Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment