2010/09/22

Khác biệt Nam – Bắc


InEmail

http://umad.org/assets/news/200610.jpgKhông, tựa đề không hàm ý chia rẽ Bắc – Nam, mà chỉ muốn giới thiệu một vài nhận xét của ông Đặng Phong (một nhà lịch sử kinh tế) về tình hình kinh tế ở miền Nam trước 1975.  Tôi còn nhớ ông Đặng Phong còn có một cuốn sách với nhiều số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế miền Nam trước 1975 đã xấp xỉ Singapore (và Hàn Quốc ?). 


Đọc những nhận xét của ông Đặng Phong làm tôi nhớ đến thời mới “giải phóng”.  Thời đó, các bác ngoài Bắc vào giảng dạy chúng tôi rất nhiều điều “lạ”.  Ấn tượng nhất vẫn là “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ, Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ”. Một ông chính trị viên Thanh Hóa nói xùi bọt mép (vâng, tôi nhớ rất rõ) một cách hùng hồn: Bọn Mĩ Ngụy chúng nó cho các anh nhiều thông tin, để làm gì các anh biết không? Để đánh lạc hướng các anh, để làm các anh rối rắm, không phân biệt được thật với giả, đúng với sai, để chúng rảnh tay cai trị các anh.  Chúng tôi chỉ cung cấp thông tin đủ để các anh quyết định.  Lúc đó, tôi chưa mường tượng được ý nghĩa của lời nói này.  Nhưng chỉ hơn 2 năm tôi đã hiểu ông nói gì.  Ôi, một thời mông muội.
Theo tôi, chẳng những kinh tế, mà nền giáo dục ở miền Nam lúc đó cũng tốt hơn bây giờ rất nhiều.  Thời đó, học sinh đều phải học thật, thi thật, và thi cử cực kì nghiêm túc.  Hồi đó cũng có chuyện thi dùm này nọ, nhưng rất hiếm, và khi phát hiện thì bị xử lí theo pháp luật rất nghiêm chỉnh. Ngày xưa, thầy ra thầy, thợ ra thợ.  Còn bây giờ thì ôi thôi, thầy thợ lẫn lộn cả.  Loạn chuẩn mực.  Sư sĩ loạn lên cả.  Lại còn “phó tiến sĩ”, rồi tự nhiên một đêm thành tiến sĩ.  Lại thêm cái gọi là “Tiến sĩ khoa học”!  Còn “cao học” thì hô biến một phát thành “thạc sĩ”, thay đổi ý nghĩa của agrégé bao đời nay.  Bác sĩ thì chuyên khoa I, chuyên khoa II, làm thế giới chẳng hiểu đó là gì cả.  Thật hết biết!
Thời tôi học tiểu học và trung học còn có môn “Công dân giáo dục”, dạy học trò cách cư xử xã hội, yêu kính người chung quanh.  Ấy vậy mà nay nền giáo dục bên nhà mới bắt đầu nói đến chuyện dạy “kĩ năng sống” cho học trò!  Hóa ra, nền giáo dục thời đó đã đi trước khá xa so với bây giờ?  Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc kể rằng “nhà phê bình Hoài Thanh. Sau năm 1975, Hoài Thanh và bà vợ dọn vào Sài Gòn ở. Có hai hay ba lần gì đó, đâu khoảng 1980, một người thầy cũ thường rủ tôi đến thăm ông. Câu chuyện thường lan man từ văn học đến xã hội. Một lần, Hoài Thanh chép miệng nói, đại khái: ‘Bản chất của chế độ nguỵ là xấu vậy mà không hiểu sao nó lại đào tạo con người giỏi thế. Ai cũng lịch sự. Cứ mở miệng ra là cám ơn với xin lỗi rối rít. Ngồi ở trong nhà, có ai đi ngoài đường chõ miệng hỏi cái gì mà mình trả lời xong, cắp đít đi thẳng, không thèm cám ơn một tiếng, thì không cần nhìn, mình cũng biết ngay đó là dân ngoài Bắc vào’.”
Bây giờ, nhìn lại ai cũng thấy tiếc.  Ai cũng đặt câu hỏi mang tính giả thuyết: “nếu”.  Nếu không có biến cố 1975?  Nếu sau 1975 không có những “dao động lịch sử” đau lòng?  Nếu không có cải tạo?  Nếu không có vượt biên?  Nếu không có những biến cố hay dao động đó thì Việt Nam ngày nay sẽ ra sao?  Sẽ như Thái Lan hay Hàn Quốc?  Sẽ không có chuyện chúng ta nhìn Singapore một cách ngưỡng mộ như nông dân nhìn ông phú hộ.  Sẽ không có cảnh “xuất khẩu lao động”?  Sẽ không có chuyện phụ nữ Việt xếp hàng cho người nước ngoài chọn vợ như món hàng?  Sẽ không có chuyện Việt Nam đứng vào hàng các nước nghèo nhất thế giới?  Không ai trả lời được câu hỏi mang tính giả thuyết, nhưng nếu những gì xảy ra trong thời gian qua là dữ liệu thì những câu trả lời mang tính giả thuyết trên cũng có cơ sở.
NVT
 ===
GỢI Ý TỪ MỘT NHÀ KINH TẾ
Ông Đặng Phong, một nhà lịch sử kinh tế qua đời. Tôi biết ông nhân một lần đọc cuốn Lịch sử kinh tế VN 1945-2000 do ông chủ biên, thấy có nhắc thoáng qua một điều gần như ai cũng nghĩ nhưng ít ai viết: trước 1975, kinh tế miền Nam đã ở trình độ cao hơn kinh tế miền Bắc.

Tự ngẫm nghĩ, thì thấy đúng thế, không thể khác được, không thể nói ngược như chúng tôi vẫn nói, hoặc lảng tránh cho là cấm kỵ, và lấy những chuyện khác nói át đi. 
Nhìn rộng ra thấy không chỉ kinh tế tốt hơn mà giáo dục miền Nam lúc đó cũng hơn; không chỉ đường xá tốt, mà tư cách cá nhân của con người trong đó nói chung cũng trưởng thành hơn con người miền Bắc, trình độ hiểu biết và tuân thủ luật pháp tốt, giữa người với người có mối quan hệ tử tế, thanh thiếu niên lúc đó ham học và biết học hơn.
Như vậy dễ dàng công nhận là trình độ sống của bà con trong ấy cao, nhất là dân thành phố. Dấn thêm một bước, trong đầu tôi thấy vụt lên cái ý, liệu có thể nói rằng, xét trên phương diện hiện đại hóa, là con đường tất yếu mà xã hội phải trải qua, nhân dân miền Nam đã đi xa hơn, đạt tới tầm mức văn hóa cao hơn? Như vậy bản thân khái niệm văn hóa mà lâu nay tôi vẫn hiểu cũng phải được xem xét lại chăng ?
Tôi sẽ tự phản bác lại nhiều lần trước khi đi đến kết luận …
Nhưng càng đọc Đặng Phong ý tưởng trên càng không rời khỏi tôi.
Đặng Phong đã được mời đi giảng bài tại một số Đại học lớn bên Anh Mỹ. Các bộ sách về lịch sử kinh tế của ông đã xuất bản đáng quý ở chỗ có nhiều tài liệu ghi chép được từ các cuộc trò chuyện với các nhà chỉ đạo kinh tế quốc dân. Ông có lối làm việc khách quan khoa học, chỗ nào ý của người khác ghi rõ, chỗ nào ý của mình để riêng. Khi biết những chi tiết này, tôi thêm tin ở ông để nghĩ tiếp những điều ông đã nghĩ.

No comments:

Post a Comment