Đông Nam Á : địa bàn đầu tư chiến lược mới của Nhật Bản
Nguyễn Minh
Sự cố trong vùng biển đang tranh chấp
Ngày 24-9-2010, chính quyền Nhật trả tự do cho viên thuyền trưởng người Trung Quốc, sau 16 ngày bị giam về tội gây hấn trong vùng lãnh hải của Nhật, quanh quần đảo Senkaku (tiếng Trung Quốc là Điếu Ngư đài), nhưng căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng, lời qua tiếng lại giữa hai chính quyền ngày càng gay gắt. Dư luận quốc tế, đặc biệt là dư luận Việt Nam, đã rất chú ý về cách giải quyết vụ việc này.
Nhắc lại, ngày 7-9 vừa qua, một tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập vào khu vực quanh quân đào Senkaku, hai tàu tuần duyên của Nhật chạy đến ngăn chặn. Sau một hồi tranh chấp, viên thuyền trưởng Trung Quốc dùng tàu của mình đâm vào hai tàu tuần duyên của Nhật. Hải quân Nhật liền ập lại bắt giữ 15 người trên tàu đánh cá. Một tuần sau, Nhật thả đoàn thủy thủ 14 người cùng với tàu đánh cá và cuối cùng, đã thả nốt viên thuyền trưởng.
Tàu đánh cá Trung Quốc |
Trong suốt thời gian xảy ra sự cố này, dư luận thế giới đã rất ngạc nhiên về thái độ trịch thượng của Bắc Kinh khi đòi Nhật phải xin lỗi và trả tự do ngay tức khắc cho viên thuyền trưởng. Không những thế, ban lãnh đạo Bắc Kinh còn hăm dọa trừng phạt Nhật Bản : triệu tập ngày đêm đại sứ Nhật tại Bắc Kinh, cắt đứt những cuộc thảo luận hợp tác trên biển, hủy bỏ chuyến đi thăm hữu nghị của một phái đoàn dân biểu Nhật, không cho một phái đoàn thanh niên Nhật sang thăm hội chợ Thượng Hải, bắt giữ bốn nhân viên của công ty Fujita về tội quay phim chụp ảnh trái phép những cơ sở quân sự, ngừng xuất khẩu những kim loại quái hiếm sang Nhật, kéo dài thời gian chờ đợi của các tàu thuyền Nhật Bản trong các bến cảng Trung Quốc để phạt tiền, tổ chức biểu tình phản đối, thủ tướng Ôn Gia Bảo từ chối gặp thủ tướng Naoto Kan của Nhật...
Dư luận thế giới cũng tỏ ra rất ngạc nhiên trước thái độ ôn hòa nhưng rất cương quyết của Nhật trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Đây là lần đầu tiên hải quân Nhật bắt giữ một tàu đánh cá và giam giữ một thuyền trưởng Trung Quốc lâu ngày nhất.
Cái gì khiến Nhật Bản cứng rắn hơn trước trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền quanh quần đảo Senkaku ? Đó là lòng tín nhiệm và sự ủng hộ của dân chúng Nhật đối với chính quyền Naoto Kan.
Chính quyền của thủ tướng Naoto Kan
Cùng trong một ngày, ngày 4-6-2010, ông Naoto Kan (64 tuổi) được bầu làm chủ tịch Đảng Dân Chủ kiêm thủ tướng Nhật. Ông vừa được đảng Dân Chủ tái tín nhiệm vào chức vụ chủ tịch đảng ngày 14-9 vừa qua.
Naoto Kan kế vị Yukio Hatoyama, cũng thuộc đảng Dân chủ. Cũng nên biết năm 2009, đảng Dân Chủ Nhật đã thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội và đã đưa Yukio Hatoyama lên cầm quyền. Đây là liên minh đối lập đầu tiên lên cầm quyền, các chính quyền trước đó, từ sau 1946 đến tháng 8-2009, đều do đảng Tự Do Nhật liên tục đảm nhiệm. Đầu tháng 6 vừa qua, thủ tướng Yukio Hatoyama từ nhiệm vì không thực hiện được những mục tiêu đã đặt ra : tăng trưởng kinh tế và trong sạch hóa hệ thống tài chánh.
Sự tín nhiệm Naoto Kan không phải tình cờ. Ông là người có nhiều kinh nghiệm cầm quyền và có viễn kiến. Ông cũng là người gặt hái được nhiều cảm tình và sự ủng hộ của nhân vật lãnh đạo các đảng phái chính trị trong liên minh cầm quyền nhiệm kỳ trước (dưới thời Yukio Hatoyama). Thông điệp chính trị của ông tuy rất giản dị nhưng rất cứng rắn : một nền kinh tế mạnh, một nền tài chánh mạnh và một chế độ an sinh xã hội mạnh. Khẩu hiệu cầm quyền của ông cũng rất đơn giản : nói những gì mình làm và làm những gì mình nói.
Ngay khi vừa được hoàng đế Nhật chính thức bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng thứ 61 ngày 8-6-2010, Naoto Kan dồn mọi cố gắng để thành lập nội các thứ 94 của Nhật. Thành công đầu tiên của Naoto Kan ngay sau khi nhiệm chức là chọn đúng người đúng việc. Ông đã lưu giữ gần như toàn bộ nhân sự của chính quyền trước (11 trong số 17 người), được nhìn nhận là những bộ trưởng có khả năng. Ngày 17-9 vừa qua, nội các của Naoto Kan được cải tổ lại với những khuôn mặt năng động. Đặc biệt là bộ trưởng ngoại giao Seiji Maehara, 48 tuổi, người nổi tiếng là cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Nhật trên biển. Nhưng nổi bật nhất vẫn là những người mới và rất trẻ được mời vào nội các để thực hiện những cuộc cải tổ cần thiết nhằm giữ vững vai trò cường quốc kinh tế của Nhật trên toàn thế giới. Để duy trì sự hùng mạnh này, Naoto Kan chọn Toshimi Kitazawa làm bộ trưởng quốc phòng, Yoshihiko Noda bộ trưởng tài chánh, Akihiro Ohata bộ trưởng kinh tế, thương mại và kỹ nghệ (Meiti), Ritsuo Hosokawa bộ trưởng xã hội.
Ngày 15-9-2010, Yoshihiko Noda quyết định can thiệp vào thị trường hối đoái bằng cách dùng ngân sách (dưới hình thức quốc trái) không cho đồng Yen (JPY) tăng giá quá cao so với đồng USD và EUR để dễ dàng xuất khẩu. Mỗi ngày có từ 10 đến 20 tỷ USD quốc trái được bán ra trên các thị trường chứng khoán. Kết quả vào ngày 16-9, trị giá đồng Yen đã từ 82 JPY/1 USD xuống 85 JPY/1 USD. Chính quyền và ngân hàng Nhật đã chi gần 300 tỷ USD (trong tổng số 400 tỷ USD được phép sử dụng theo luật định) để đồng USD giữ tỷ giá thích hợp với đồng Yen ngõ hầu các xí nghiệp Nhật có thể cạnh tranh với các nước Đông Á khác (Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc) trên các thị trường quốc tế.
Về an ninh lãnh thổ, ông Yoshihiro Katayama, 59 tuổi, được cử làm bộ trưởng nội vụ và truyền thông kiêm tổng trưởng tôn vinh tản quyền và phục hồi địa phương. Thực hiện tản quyền rộng rãi tại Nhật đã bắt đầu từ cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân (meiji-ishin : 1866-1869). Cuối thế kỷ 19, nền công nghiệp của Nhật đã phát triển tột bực so với các nước Châu Á, nhưng phúc lợi do sự phát triển này mang lại chỉ phục vụ những thành phố hải cảng, các địa phương nằm sâu trong nội địa vẫn sống trong sự nghèo khó. Phân chia đồng đều phúc lợi và nâng cao mức sống của dân chúng tại các địa phương là một công tác chiến lược đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Khẩu hiệu làm việc của Y. Katayama cũng rất giản dị : công chức là công bộc phục vụ nhân dân, tản quyền để phát triển địa phương. Cùng làm việc với ông có bà Murata Renho (43 tuổi), bộ trưởng đổi mới hành chánh và cải cách chế độ công nhân viên, bà Tomiko Okazaki (66 tuổi), bộ trưởng công an, tiêu thụ và tuổi trẻ.
Nội các của Thủ Tướng Nhật Naoto Kan |
Với sự bổ nhiệm những bộ trưởng vừa nêu trên, sinh hoạt kinh tế của Nhật đang có dấu hiệu phục hồi. Trước những kết quả đáng khích lệ này, chính quyền của thủ tướng Naoto Kan không còn khiêm nhường khi bày tỏ thái độ, nhất là bảo vệ chủ quyền của Nhật trên các hải đảo trong vùng Biển Vàng. Trong vụ bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển đang có tranh chấp, Bắc Kinh đã thử lửa chính quyền Naoto Kan và đã bị phỏng tay. Phản ứng của Nhật trong vụ việc này có thể sẽ có ảnh hưởng dây chuyền lây lan sang các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông : Việt Nam, Mã Lai, Philippines, Đài Loan.
Khác với liên minh cánh hữu cầm quyền, dưới sự chủ đạo của đảng Tự Do, chủ trương hòa hoãn với Trung Quốc để trao đổi thương mại, liên minh cầm quyền cánh tả, dưới sự hướng dẫn của đảng Dân Chủ, muốn tái xác nhận vai trò cường quốc kinh tế của Nhật trên chính trướng quốc tế. Giai đoạn hợp tác và giúp đỡ Trung Quốc đã qua, Nhật đang hướng tầm nhìn vào các quốc gia Đông Nam Á.
Chiến lược phát triển của Nhật tại Đông Nam Á
Đối với các đảng phái và chính trị gia Nhật hiện nay, cho dù bất cứ liên minh nào lên cầm quyền, đối tác chính trị, kinh tế và văn hóa của Nhật trong những năm sắp tới là các quốc gia ASEAN.
Đây là khu vực năng động và có tiềm năng trở thành một trung tâm kinh tế tài chánh lớn trên thế giới, sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu và Đông Á (Đại Hàn, Đài Loan và Trung Quốc). Trong hai năm khủng hoảng bất động sản và tài chánh trên qui mô toàn cầu vừa qua, sinh hoạt kinh tế và tài chánh của các quốc gia ASEAN đã phục hồi nhanh chóng hơn những nơi khác và đang có khuynh hướng trở thành một đầu tàu lôi kéo sinh hoạt kinh tế thế giới đi lên.
Một sự thật không thể chối cãi, sự thành công này một phần lớn do nguồn vốn đầu tư của Nhật đã di chuyển từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ vài năm gần đây, các công ty lớn của Nhật (Sony, Panasonic, Aiwa, Hitachi, Sanyo, Fuji, Canon, v.v.) đã chuyển nguồn vốn từ Trung Quốc vào các quốc gia đang phát triển tại Đông Nam Á và Nam Á (Bangladesh, Sri Lanka, India, Pakistan...). Yếu tố giúp hấp thụ dễ dàng nguồn vốn từ các công ty Nhật này là các hiệp ước tự do mậu dịch (FTA) song phương đã được ký với Nhật từ thập niên 1990 đến nay.
Lý do chính của chiến lược chuyển hướng đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á là thị trường Trung Quốc không còn hấp dẫn nữa. Các công ty Trung Quốc, sau một thời gian được chuyển giao kỹ thuật, đã cắt mọi liên hệ với các công ty Nhật để sản xuất hàng hóa dưới nhãn hiệu riêng của mình với giá rẻ hơn nhiều lần và xuất khẩu đi khắp thế giới, cạnh tranh một cách bất chính với công ty gốc, đặc biệt là máy móc và dụng cụ bằng điện và điện tử. Thêm vào đó, nền kinh tế của Trung Quốc đang để lộ những dấu hiệu khó khăn : đồng nguyên (CNY) đang chịu áp lực buộc tăng giá, phí tổn lao động đột ngột tăng cao, xuất khẩu giảm, hệ thống luật pháp và thuế khóa khó khăn... Môi trường kinh doanh cũng không còn thuận lợi : không còn được ưu đãi thuế quan, bị phân biệt đối xử mỗi khi có tranh chấp, môi trường sinh sống bị ô nhiễm...
Theo báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB – Asian Development Bank), tháng 7-2010, triển vọng tăng trưởng kinh tế của vùng Châu Á - Thái Bình Dương đã làm cho các nhà kinh tế và giới thị trường trên thế giới kinh ngạc. Tỷ lệ tăng trưởng GDP của toàn khối ASEAN là 6,7%. So với lần dự đoán trước hồi tháng 4-2010, tỷ lệ tăng trưởng đã tăng lên 1,6%. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế đã nhanh chóng hơn những nơi khác : trong lúc các nước phát triển nhất thế giới đang còn chật vật với chỉ số tăng trưởng từ 1 đến 2% năm 2009, tỷ lệ phát triển bình quân của 10 nước ASEAN ở mức 6,7%.
Một cách tổng quan, Singapore là "quốc gia thành phố" nổi bật hơn cả. Chỉ số tăng trưởng dự tính trong năm 2010 là 12,5%. So với dự đoán tháng 4-2010, chỉ số tăng trưởng đã lên gấp đôi. Riêng trong khoảng quý II (6 tháng đầu năm), chỉ số tăng trưởng của Singpore đã lên đến 19,3%, trong khi con số dự trù là từ 13 đến 15%. Từ ngày thành lập ASEAN (1969) đến nay, Singapore là quốc gia có chỉ số tăng trưởng cao nhất. Lợi tức bình quân đầu người tại Singapore là 40. 000 USD, ngang với Nhật và các quốc gia tiền tiến OECD.
Chỉ số tăng trưởng của Mã Lai năm 2010 dự trù ở mức 6,8%, Indonesia 6%. Ngay với Thái Lan, nơi vừa xảy ra những cuộc xuống đường tại thủ đô Bangkok, chỉ số tăng trưởng dự định khoảng 5,5%.
Tại sao các nước ASEAN có chỉ số tăng trưởng cao hơn những nơi khác ? Đó là nhờ các hiệp ước tự do trao đổi (FTA – Free Trade Agreement).
Từ tháng 1-2010 đến nay, sinh hoạt kinh tế của các quốc gia ASEAN bước vào một thời kỳ mới. Hai hiệp ước FTA ký với Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực từ năm này. 5 nước ASEAN đầu tiên (Thái, Indonesia, Mã Lai, Singapore, Philippines) đã bỏ hẳn hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Còn đối với Ấn Độ, đến 2016 trong số 5000 hạng mục được ký kết có đến 80% sẽ được miễn thuế, 10% còn lại sẽ được giảm thuế.
Hiệu quả nâng cao xuất nhập thấy rõ trong hai tháng 1 và 2-2010. Lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào ASEAN tăng 52,9%, lượng xuất khẩu từ ASEAN qua Trung Quốc tăng đến 81%, trong số đó các loại hàng hóa như máy móc, phụ tùng điện tử, hàng gia dụng giữa hai bên tăng lên nhanh nhất. Giữa Ấn Độ và Thái Lan, do ký FTA từ 2004, lượng hàng xuất khẩu từ Thái tăng 2,2 lần và nhập từ Ấn tăng 2,1 lần, như vậy là tương đối cân bằng. Đối với các công ty nhật, Thái vừa là địa bàn sản xuất xe hơi lớn nhất Đông Nam Á vừa là thị trường trung gian để xuất khẩu sang các quốc gia Ả Rập.
Từ cuối thế kỷ 20, Nhật, Đại Hàn, Đài Loan và các nước ASEAN xem Trung Quốc là thị trường lớn chiếm hơn một nửa lượng hàng xuất khẩu của mình ra nước ngoài. Các nước ASEAN phần lớn xuất khẩu hàng phụ tùng điện tử qua Trung Quốc, rất ít nếu so với Nhật (50%), Nam Hàn (30%), Đài Loan (10%). Bù lại các nước ASEAN chịu áp lực của lượng hàng hióa tiêu dùng, với giá rẻ hơn gấp nhiều lần, nhập từ Trung Quốc đang có nguy cơ bóp chết khả năng sản xuất hàng nội hóa. Đối với ASEAN, các hiệp ước FTA ký với Trung Quốc đều để lộ sự tiêu cực : hàng Trung Quốc có thể tràn ngập cạnh tranh với hàng nội địa, nhưng hàng của các công ty ASEAN rất khó xâm nhập vào các thị trường nội địa Trung Quốc.
Hành lang kinh tế Đông Tây |
Chính vì thế, từ vài năm trở lại đây, các quốc gia ASEAN đang giảm dần lượng hàng trao đổi với Trung Quốc và tập trung vào các thị trường Châu Á, Bắc Mỹ, Châu Âu và Nam Á. Chính nhờ những thị trường xuất khẩu mới này mà GDP và mức sống của dân chúng ASEAN đang được nâng cao. Có thể nói từ khi thành lập đến nay (1967), đây là lần đầu tiên toàn bộ các nước ASEAN cùng lên quỹ đạo phát triển. Sự thành công này một phần đã nhờ vào những khoảng viện trợ không bồi hoàn (ODA) của Nhật từ 1985 đến nay, khi chính quyền Nhật bị sức ép phải tăng giá đồng JPY buộc các công ty điện gia dụng, phụ tùng điện tử, sản xuất hàng hóa thường ngày đầu tư vào ASEAN. Thời hoàng kim này chấm dứt vào năm 1997 sau cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á. Rút kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng trên, các nước ASEAN đã chuẩn bị để giành ngoại tệ. Hiện nay nguồn ngoại tệ dự trữ lớn nhất thế giới nằm tại Châu Á : đứng đầu là Trung Quốc với 2450 tỷ USD, kế là Nhật : 1610 tỷ USD, kế đến là Đại Hàn, Đài Loan, Nga, tiếp theo là các nước ASEAN : Singapore (hạng 8), Thái (hạng 12), Mã Lai (hạng 13), cả ba đều có trên 100 tỷ USD dự trữ. Sự ổn định về ngoại tệ này là một bảo đảm để mời gọi nguồn vốn từ nước ngoài vào đầu tư.
Nhật là quốc gia thấy trước tiềm năng phát triển của ASEAN trong thế kỷ 21 nên đã đặt nền tảng cho một hợp tác lâu dài. Nhật đã viện trợ không bồi hoàn cho nhiều quốc gia để tân trang lại hệ thống hạ tầng cơ sở (phi trường, xa lộ, bến cảng, điện thoại viễn liên, hệ thống internet...) để phát triển kinh tế. Các khu công nghiệp, khu chế biến hàng hóa xuất khẩu có sự giúp đỡ tận tình của các công ty Nhật.
Nhật là quốc gia chủ xướng xây dựng Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC - East West Economic Corridor), dài 1450 km, chạy qua 13 tỉnh thuộc bốn nước ASEAN : Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar (Miến Điện), nối liền cảng Đà Nẵng (Việt Nam) với cảng Mawlamyine (Miến Điện), tức nối Biển Đông (Thái Bình Dương) với Biển Andaman (Ấn Độ Dương). Hành lang này đã đi vào hoạt động từ năm 2006 và nhờ đó mà hàng hóa và kỹ thuật của Nhật đã góp phần làm phát triển những tỉnh nằm sâu trong đất liền. Nhật đã đi trước Trung Quốc trong chiến lược phát triển Châu Á.
Nguyễn Minh (Tokyo)
Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.
No comments:
Post a Comment