2011/01/19

J. KRISHNAMURTI: CUỘC ĐỜI và TƯ TƯỞNG

J. KRISHNAMURTI 
(11th  May 1895 -- 17  February 1986)
CUỘC ĐỜI và TƯ TƯỞNG

Jiddu Krishnamurti chào đời trong một gia đình Bà-la-môn trung lưu tại ngoại ô tỉnh Madanapalle, miền nam Ấn Độ. Mẹ chết sớm từ khi ông mới lên mười. Tuổi ấu thơ, ông thường xuyên đau yếu, học hành thì lơ đãng, tâm hồn thường chìm đắm trong mơ mộng và có khuynh hướng về tâm linh, về lòng nhân ái, tình thương người, thương vật và yêu thiên nhiên.

Cha của Krishnamurti là một viên chức của chính quyền. Khi về nghỉ hưu, ông cụ đề nghị với bà Annie Besant, chủ tịch hội Thông Thiên Học (The Theosophical Society), mà ông cụ là một thành viên, xin vào làm việc cho Hội. Do đó, ông cụ cùng bốn người con dọn về Trụ Sở chính của hội tại Madras, vào lúc Krishnamurti mười bốn tuổi.

Hội Thông Thiên Học do bà Helena P. Blavatsky người Nga và một cựu đại tá Hoa Kỳ là ông Steele Olcott thành lập vào năm 1875, là một hội có mục tiêu tìm hiểu các tôn giáo, các nguồn tư tưởng, minh triết, các sự huyền nhiệm trên thế giới cổ kim và các năng lực thần bí nơi con người. Khi đó, hội đang có mục tiêu sửa soạn cho sự  hạ sanh của bồ tát Di Lặc, xuống thế để làm nhiệm vụ Thế Giới Đạo Sư  (World Teacher). 
Cơ hội gần gũi của gia đình Krishnamurti và bà Annie Besant đã tạo nên một sự gắn bó khắng khít giữa bà và cậu bé mười bốn tuổi yếu ớt, lại có khuynh hướng tâm linh thần bí, và đã khiến cho bà và Bishop Leadbeater phát hiện ra cậu bé Jiddu Krishnamurti chính là vị hóa thân mà họ đang tìm kiếm, với những kinh nghiệm về đột biến tâm linh của cậu, khi đó Krishnamurti mới mười lăm tuổi. 

Để chuẩn bị chu đáo cho sự xuất hiện của Thế Giới Đạo Sư, hội Thông Thiên Học thành lập một hội đoàn tôn giáo lấy tên là Ngôi Sao Phương Đông (The Order of the Star in the East) và tôn Krishnamurti làm Đạo Trưởng. Nhóm này có nhiều chục ngàn hội viên ở khắp nơi trên thế giới, với nhiều tiền bạc, nhà cửa đất đai tại Âu Châu, Úc châu, Ấn Độ, v.v...

Năm 1912, Khishnamurti được hội Thông Thiên Học chính thức tấn phong làm Thế Giới Đạo Sư. Nhưng đến năm 1929, bỗng nhiên ông giải tán hội Ngôi Sao Phương Đông, đọc bản tuyên ngôn "Thực Tại (Chân Lý) là nơi không có lối mòn để vào"  (Truth is a Pathless Land). Làm việc này, ông đã đương nhiên liệng bỏ những tài sản, đất đai, tiền bạc, quyền lực và tất cả mọi vinh dự  mà thế nhân dành cho nhân vật có thẩm quyền, vị Đạo Sư.

Từ đó cho đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời ở tuổi 91, ông đáp ứng lời mời từ khắp nơi trên thế giới, thân hành tới ngồi chung trên thảm cỏ, trong nhà hội, trong phòng họp, đến bất cứ nơi nào có người quan tâm để thảo luận với họ những vấn đề về tự do, về sự tự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi tiềm ẩn từ trong tiềm thức, về sự tự gỡ bỏ gông cùm của những lề thói trói buộc con người, gỡ bỏ sự sợ hãi về các loại địa ngục do các tổ chức thần quyền tạo ra để khống chế tín đồ, về tình yêu thuần khiết, về lòng từ bi thương xót, kêu gọi mỗi người phải là nguồn ánh sáng của bản thân, v.v... Những lời thuyết giảng của ông không phải là những kiến giải trong sách vở, nhưng là từ  kinh nghiệm nội tâm. Ông không "thuyết lý", nhưng ôn tồn tâm tình với thính giả về những điều mà tất cả chúng ta quan tâm trong đời sống hằng ngày, nói về những trăn trở, băn khoăn của con người thời đại mới với sự suy sụp tinh thần và bạo lực, nói với từng cá nhân đi tìm sự an lạc, nói với người đang bồn chồn tìm cách giải thoát ra khỏi cái chướng ngại của sự giận dữ , thù hận, sợ hãi, đau khổ đang ám ảnh trong nội  tâm anh ta. Ông luôn luôn tha thiết với việc gỡ con người ra khỏi sự sợ hãi, một hành động "vô úy thí" cao quý.

Điểm then chốt đặc biệt của ông là, ngay như khi đang nói về các vấn đề xã hội, chính trị, hoặc kinh tế đang xẩy ra, lời giải đáp của ông cũng từ cái nhìn tận gốc rễ và vượt thời gian. Ông chỉ ra cái nguyên nhân tạo vấn đề nó nằm phía sau như thế nào, và nguồn gốc của mâu thuẫn và bạo lực đã tiềm ẩn trong tâm con người ra sao. Ông không tặng chúng ta một cách giải quyết kiểu "mì ăn liền" cho những vấn đề của thời đại, mà là ông nhìn rõ được rằng những vấn đề này chỉ là triệu chứng của một chứng bệnh thâm căn cố đế, nằm sâu trong tâm não của mỗi người trong chúng ta. Luôn luôn, ông nhắc mọi người về sức mạnh tinh thần của chính bản thân họ, luôn nhắc mọi người nhìn vào nội tâm, tự giải thoát ra khỏi những xiềng xích tư tưởng rập khuôn của người khác. Ông nhắc nhở mọi người đừng tự làm nô lệ cho bất cứ loại tư tưởng nào của bất cứ ai, dù đó là những "thẩm quyền (authority), không những thế , nên tự thanh lọc những ô nhiễm do bị những loại "thẩm quyền" nhồi nhét vào tâm não từ  vô thủy. Ngay cả đến những lời nói của ông, ông cũng yêu cầu mọi người hãy chỉ coi đó là những lời trò chuyện tâm tình giữa những người bạn với nhau, đừng coi như là những lời của bậc thầy, vì chỉ riêng sự coi ai là bậc thầy thì chính cái hào quang tiềm ẩn trong cái ý nghĩ về bậc thầy đã gián tiếp tước đoạt tự do của chính mình, đã làm cho chính mình nhắm bớt mắt trên con đường đi tìm chân lý rồi. 

Đối với ông, mọi người không cần đạo sư, mà cần tự thức tỉnh. Bởi vì mỗi người đều có khả năng vô biên về sự  tự thức tỉnh này, nếu họ không bị những xiềng xích của truyền thống về sự sợ hãi, không bị những "đạo sư" che mất ánh sáng của chính họ tự chiếu. (This Light in Oneself). Ánh sáng này không ai có thể "cho" người khác, không thể nhận được từ người khác truyền qua như truyền lửa từ ngọn nến này qua ngọn nến khác. Nếu ánh sáng mà có được nhờ sự từ  người khác truyền qua thì chỉ là ánh sáng của ngọn nến, nó sẽ tắt. Chính sự tĩnh lặng, quán chiếu thâm sâu nội tâm, người ta sẽ thức tỉnh, sẽ xuất hiện ánh sáng của chính bản thân.

Dù được cả Đông Phương và Tây Phương nhìn nhận như là một trong những đạo sư  uy tín nhất, bản thân ông không tùy thuộc vào tôn giáo, môn phái hay quốc gia nào, đồng thời, cũng không tham dự vào bất cứ một trường phái chính trị hoặc ý thức hệ nào. Ngược lại, ông cho rằng chính những hình thức tổ chức ấy đã chia rẽ con người, đã là nguồn gốc của chiến tranh. 

Ông luôn luôn nhắc nhở sự  tĩnh tâm, tự thanh lọc những kiến  chấp đã tích lũy trong tâm trí qua thời gian, để tự giải thoát. 

Trải dài khoảng sáu chục năm đi khắp đó đây, ông được coi như  là người nói nhiều nhất trong thời đại thâu âm. Phần lớn các buổi thuyết giảng, thính chúng lên tới hàng ngàn người, thường ngồi ngoài trời, nhất là tại các thành phố lớn.

Ông cũng thường có những buổi thảo luận riêng với các nhân vật danh tiếng thế giới như  ba vị thủ tướng Ấn Độ là Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi và Rajiv Gandhi, nhà tôn giáo học Huston Smith, Walpola Rahula, Chogyam Trungpa Rinpoche, nhà vật lý học Dr  David Bohm, nhà văn Aldous Huxley, v.v...

Hầu hết các buổi thảo luận này đều có ghi âm, thâu hình, và sau đó được in ra thành sách.

Thật là sai lầm đáng tiếc nếu cho rằng những lời thuyết giảng của Krishnamurti chỉ dành cho người lớn tuổi hoặc giới trí thức uyên bác. Trái lại, đó là những điều rất dễ thẩm thấu vào giới trẻ mà ta có thể cảm nhận được sự sống động nơi thính chúng trong video và trong các cuộc thảo luận với học sinh còn được lưu giữ trong nhiều trường học. Là một bậc thầy cao cả, ông tìm cách tạo nên tại những trường này một bầu không khí thoải mái, không sợ hãi và kèn cựa lẫn nhau, khuyến khích các em tự tìm về nội tâm, tìm hiểu chính bản thân mình, thức tỉnh cảm quan của họ về cái đẹp của thiên nhiên, về sự cảm thông , bi mẫn với nỗi thống khổ của kiếp người, khuyến khích họ đi vào những đề tài sinh động, ngay cả đến vấn đề phức tạp nhất như là hoạt động của tâm não con người. Ông kiên trì, tận tụy với lý tưởng "để cho mọi người được tự do, giải thoát vô điều kiện". 

Cho đến cuối đời ông, vào lúc thế hệ mới của thời đại kỹ thuật tân tiến nở rộ, nhiều người trẻ đã tìm về ông như là tới ngồi dưới một tàng cổ thụ rủ bóng để ươm tẩm phần tâm hồn. 

Mặc dầu Krishnamurti nói và viết bằng Anh ngữ, các tác phẩm của ông đã được dịch sang gần năm chục thứ tiếng và ấn hành tại nhiều nước. Trên ba triệu ấn bản đã lưu hành khắp thế giới. Các tuyển tập của ông bao gồm trên một trăm ngàn trang viết tay, 2.500 audiotapes và 600 videotapes.

Đó là nói về di sản nhìn thấy được. Nhưng đáng kể phải là phần di sản sống động tiềm ẩn trong trái tim và khối óc của biết bao nhiêu con người đã có dịp thấm nhuần tư tưởng uyên áo và tấm lòng trắc ẩn của ông đối với muôn loài

Xin ghi lại một vài cảm nhận về ông:

* Đức Đạt Lai Lạt Ma:
--Krishnamurti là một trong những tư tưởng gia vĩ đại nhất của thời đại.
* Deepak Chopra:
-- Krishnamurti đã ảnh hưởng sâu sắc vào chính cuộc đời tôi, đã giúp tôi vượt qua được sự  tự trói buộc đã kiềm chế tôi trên con đường tới tự do, giải thoát.
* Anne Morrow Lindbergh :
-- Nghe và đọc sách của ông (Krishnamurti) là tự quán chiếu chính mình và thế giới trong một sự tươi mát chan hòa.

Xin giới thiệu website có những tài liệu về các bài thuyết giảng của J. Krishnamurti:

http://www.jkrishnamurti.org/



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment