2011/01/08

KỲ THỊ TÔN GIÁO

Chương XIV

KỲ THỊ 
TÔN GIÁO

 

 

Một trong những thể hiện độc đáo nhất của văn hoá nước ta là đời sống tín ngưỡng rất nồng nàn và rất lâu đời của dân tộc. Cứ nhìn số đền chùa đình miếu trong mỗi làng mỗi tỉnh, và sau này, số nhà thờ trong mỗi đơn vị hành chính địa phương thì đã có thể đo lường được sinh hoạt tín ngưỡng của dân ta mạnh mẽ biết chừng nào. Cứ đem số lượng những ngày cúng kỵ riêng tư của từng gia đình và những lần tế lễ chung của toàn dân tộc thì biết cái bản chất hướng nội của người nước ta sâu sắc biết là bao nhiêu.

Kỵ bên nội, kỵ bên ngoại, lễ Chạp mả, tiết Thanh minh, cúng Đức Trần, lễ Chùa Hương, Phật Đản, Giáng Sinh, Đức Thầy, Tết Nguyên Đán, cúng Cô Hồn, lên cây nêu, thờ Thần Táo, chay đàn, cầu siêu, bà Mụ, Hà Bá, Thành Hoàng, Thánh Gióng,... thật không có một dân tộc nào liên hệ chặt chẽ với quá khứ và hướng về đời sống tâm linh huyền bí sâu đậm như vậy.

Do đó mà hầu như người Việt Nam nào cũng có đạo, cũng là tín đồ của một tôn giáo. Nếu đạo đó không có một vị giáo chủ, những giáo lý thành văn, hoặc một giáo hội thì ít nhất người Việt Nam đó cũng chung chung theo đạo thờ tổ tiên ông bà trong cái tổng hợp đẹp đẽ không mâu thuẫn của nền Tam giáo Đồng Nguyên.

Sau khi cuộc di cư năm 1954 hoàn tất, dân số toàn quốc là 38 triệu mà trong đó 15 triệu người sinh sống tại miền Nam tự do. Trên phương diện tôn giáo, 15 triệu người đó được phân chia như sau: Tin Lành ra đời tại Việt Nam từ năm 1921 có độ 200.000 tín đồ, Hoà Hảo (từ năm 1939) có độ 1.500.000 tín đồ, Cao Đài (từ năm 1925) có độ 1.500.000 tín đồ, và ngoài hai tôn giáo còn lại là đạo Phật và Công giáo thì hầu như mọi người đều theo đạo gia tiên.

Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ hai sau Tây lịch với hai đặc tính HOÀ  HOÁ của nó nên không những đã hoà được vào dân tộc một cách dễ dàng mà còn hoá thành một thứ đạo Phật đặc thù Việt Nam, phân biệt hẳn với Phật giáo Ấn Độ hoặc Trung Hoa, để đóng góp vào việc dựng nước và giữ nước trên mọi mặt văn hoá, quốc phòng, học thuật, kỹ thuật,... Sau năm 1954, số Phật tử tại miền Nam Việt Nam được ước lượng vào khoảng 4.500.000.

Năm 1553 giữa thế kỷ 16, Thiên Chúa giáo được du nhập vào Việt Nam dưới thời vua Lê Trang Tôn. Sau 400 năm truyền giáo, từ vĩ tuyến 17 trở vào, số giáo dân tập trung đông đảo ở các tỉnh Quảng Trị, Quy Nhơn, KonTum,... còn tại các địa phương khác thì sống thưa thớt thành từng họ đạo chẳng bao nhiêu. Cuộc di cư năm 1954 đã nâng tổng số đó tại miền Nam lên hơn 1 triệu tư, gần bằng số tín đồ của Cao Đài, nhưng ảnh hưởng chính trị cũng như kinh tế, xã hội cũng như giáo dục thì lại vượt hẳn các tôn giáo bạn và lan tràn không những trong quần chúng mà còn trong bộ máy công quyền cũng như trên chính sách quốc gia. Trong số 860.026 người Bắc di cư vào Nam, có 676.384 (tức 78,64%) người Công giáo (tức là hơn một nửa số Giáo dân miền Bắc) với 5 giám mục, hơn 700 linh mục (2/3 tổng số linh mục ở miền Bắc).[1]

Theo nghiên cứu của Jean Lacouture trong "Les Deux Vietnam" mà tôi sẽ đề cập đến một cách chi tiết hơn sau này, thì trong tổng số hơn một triệu tư đó, vào năm 1963, những người Công giáo Nam kỳ đã tỏ ra lạnh nhạt và thụ động bất mãn với chế độ Diệm vì yếu tố kỳ thị địa phương Công giáo Bắc, Công giáo Nam của gia đình họ Ngô.

Phải nói rõ ra như thế để thấy rằng chỉ có hơn một triệu người Công giáo gồm Công giáo di cư từ miền Bắc vào, và đa số giáo dân miền Trung là ủng hộ ông Diệm, tạo thành một chủ lực hậu thuẫn sắt thép cho ông suốt 9, 10 năm ông trị vì tại miền Nam Việt Nam.

Với một triệu người Công giáo vừa nhiệt thành vì tôn giáo, vừa nhiệt tình ủng hộ ông Diệm, với chủ nghĩa Nhân Vị Duy Linh, với quyền hành tuyệt đối trong tay, với phương tiện dồi dào của Hoa kỳ, anh em ông Diệm đã có đủ điều kiện để thực hiện tham vọng của họ là "làm sáng danh Chúa", cũng vốn là nhiệm vụ cao trọng và tối thiết mà nhà Ngô nghĩ rằng họ đã được Thượng Đế giao phó. Nói rõ hơn, đối với anh em ông Diệm thì việc làm sáng danh Chúa là "cứu cánh", còn tổ quốc, dân tộc, kiến thiết quốc gia, chống Cộng chỉ là "phương tiện" Chúa an bài để họ đạt được cứu cánh đó mà thôi.

Cứ nhìn lại tiến trình du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt nam, nhìn lại lịch sử dòng họ Ngô Đình vì bị người Lương khủng bố phải bỏ làng Xuân Dực đến ngụ cư ở làng Đại Phong, nhìn lại việc ông Ngô Đình Khả được cố đạo ngoại quốc nuôi cho ăn học rồi về nước làm quan theo Pháp dẹp quân Kháng chiến Cần Vương, cứ nhìn việc ông Nguyễn Hữu Bài rồi ông Ngô Đình Diệm đều làm Thượng Thư đầu triều và đều có ý đồ riêng trong việc ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, ta sẽ thấy rõ anh em ông Diệm đã được hun đúc như thế nào để chỉ một mặt thì mang nặng hận thù với người bên Lương và mặt khác thì hết lòng làm nhiệm vụ mở mang nước Chúa theo tham vọng của Hội Thánh La Mã.

Mà ý Chúa, ý Hội Thánh là gì? Ta hãy nghe Tổng giám mục Drapier, Khâm mạng Toà Thánh tại Huế nói rõ:

"Hội Thánh là một cơ quan hằng đi tới. Hội Thánh thiết lập ở đâu là sống ở đó, mà sống tức là cứ bành trướng mãi do một sức mạnh kích phát từ bên trong. Mầm sống của đạo Công giáo chính là một thứ men nồng không thể chịu nằm yên, không di dịch. Bản tính nó là làm cho sôi nổi, cho nứt vỡ giới hạn bên ngoài. Mọi sự ngăn trở, ngược đãi đã không thể khiến nó nhụt đi lại làm cho nó thêm phấn khởi" [2].

Một lối nói tuy văn vẻ mà hàm ý hiếu chiến và kiêu căng.

Cái tham vọng làm vị Thánh Tông đồ thứ 13 của gia đình nhà họ Ngô không đợi đến sau này mới phát hiện mà đã được vun xới từ hồi anh em ông Diệm còn niên thiếu. Họ đã lập chí ngay từ thời vừa lớn khôn để cho gia đình phải có một Ngô Đình Thục đi vào Giáo hội để đứng đầu hàng giáo phẩm, phải có một Ngô Đình Diệm đi vào hoạn lộ để làm quan đến Thượng Thư Bộ Lại và sau này làm nguyên thủ quốc gia mà ở địa vị nào cũng đòi hỏi cho được quyền hành tuyệt đối, và có một Ngô Đình Nhu đi vào đường học vấn để làm cha đẻ một chủ nghĩa Nhân Vị Duy Linh Thiên Chúa giáo. Gia đình họ Ngô làm đủ mọi cách để có một nhà lãmh đạo tôn giáo, một vị nguyên thủ quốc gia, và một lý thuyết gia chính trị với tham vọng biến nước Việt Nam thành "người con gái đầu lòng" của Hội Thánh La Mã tại Đông Nam Á (La Fille Ainée de L' Eglise Romaine de l' Extrême-Orient).

Nhìn lại lịch sử nước nhà, từ ngày Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam, những cố đạo ngoại quốc, đặc biệt là các giáo sĩ người Pháp trong "Hội Truyền Giáo Hải Ngoại" như Alexandre de Rhodes, Pigneau de Béhaine, Puginier, Pellerin,... đã vì tôn giáo mình mà tìm mọi cách tiêu diệt nền văn hoá và truyền thống dân tộc Việt, hầu thực hiện việc Công giáo hoá toàn dân Việt Nam. Nhưng họ đã không làm nổi vì đại đa số người Việt Nam lòng tràn tình tự dân tộc đâu để cho họ làm.

Cuộc đảo chánh 9-3-45 của Nhật Bản lật đổ và chấm dứt nền đô hộ Pháp rồi sau đó nền độc lập của nước nhà được ông Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2-9-45 tưởng đã chấm dứt được trang sử đen tối gần một trăm năm qua để quê hương được thật sự thuộc vể dân tộc. Nhưng thảm trạng lại xảy ra vì lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh chỉ là biểu tượng cho một nền độc lập giả mạo được tô vẽ bởi Đệ Tam Quốc Tế và được sự công nhận giai đoạn của thực dân Pháp trong ý đồ muốn trở  lại Đông dương để tái lập nền thuộc địa cũ. Do đó mà cuộc chiến tranh Pháp-Việt từ 1945 đến 1954 đã phải xảy ra với kết quả là đất nước bị chia đôi, lấy giòng sông Bến Hải làm ranh giới cho hai miền Nam Bắc. Cái thảm trạng cho dân tộc không phải chỉ là vì cuộc chiến tranh đã xảy ra giữa Cộng Sản Việt và Thực Dân Pháp mà là đau thương hơn nữa, nó còn vì Pháp muốn tái diễn lại việc dùng người Công giáo làm hậu thuẫn như thời trước để chống lại người Lương mà việc dùng viên Cao ủy đầu tiên, Đô đốc Thierry d'Argenlieu, vốn là một Cố đạo, đã rõ ràng nói lên cái âm mưu thâm hiểm của người Pháp.

Đô đốc d 'Argenlieu, Cao uỷ Pháp đầu tiên tại Đông Dương (1946) đã từng là Bề trên xứ đạo Louis de la Trinité thuộc dòng Carmen, bị động viên trong thời Đệ Nhị thế chiến và theo De Gaulle kháng chiến chống Đức. Được cử giữ chức Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, đô đốc d 'Argenlieu vẫn ở trong tình trạng của một tu sĩ Thiên Chúa giáo. Mỗi buổi sáng, trong một căn phòng riêng tại dinh Norodom tại Sài gòn, ông ta tự mình làm lễ. Ông ta chống lại chính sách hoà dịu đối với Việt Nam của tướng Leclerc và đã chủ trương thành lập nước Nam Kỳ tự trị [3]. D'Argenlieu muốn tái diễn trò "Nam Kỳ thuộc địa" trăm năm trước để từ đó dần dần đánh chiếm Bắc và Trung phần. Tuy nhiên, lịch sử chiến tranh 1945-1954 cho thấy chỉ có đa số người Công giáo nhiệt tình ủng hộ người Pháp còn đại đa số lực lượng dân tộc Việt, bằng phương thức này hay phương thức khác, chống lại âm mưu của thực dân như đã nói trong những chương trước của tập hồi ký này.

Theo ông Văn Thanh trong "L'Autodéfense des Villages" thì vào năm 1952 tại BắcViệt, người ta đã công khai than phiền việc dân vệ Công giáo được Pháp võ trang đầy đủ và dùng vũ khí đáng lẽ để chống Cộng Sản thì lại làm công việc "cướp bóc chùa chiền, tàn phá miếu mạo và ép buộc người Lương theo đạo" [4].

Cho nên khi đã có đủ quyền lực trong tay, chính sách cai trị miền Nam của họ Ngô đã chia thành hai vế rõ rệt: vế thứ nhất là chống Cộng, và vế thứ hai là Công giáo hoá toàn bộ miền Nam. Nói là chia hai vế nhưng thật ra chúng liên hệ hỗ tương khăng khít với nhau vì tiêu diệt Cộng Sản vô thần và "Tà thần ngoại đạo" (ám chỉ các tôn giáo khác tại miền Nam), theo anh em ông Diệm, là làm trọn được nhiệm vụ Công giáo hoá, mà cụ thể nhất là ý đồ nâng Công giáo lên hàng quốc giáo độc tôn của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục. Cũng vậy, khi đẩy mạnh chính sách ưu đãi và chỉ tin cẩn sử dụng nguồn nhân sự Công giáo trong chính quyền và quân đội, trong lãnh vực kinh tế và xã hội, thì anh em ông Diệm cũng đã cho rằng như thế là đủ sức mạnh để đánh Cộng Sản. Hai vế đó như thiên la địa võng chụp xuống đầu nhân dân miền Nam, đánh tráo thứ này thành thứ nọ, muốn kết tội ai thì cứ gọi người đó là Cộng Sản, ai muốn được đặc quyền đặc lợi thì cứ theo Công giáo... đã làm thành một thế trận hôn mê quật ngã được cả những sức mạnh có truyền thống lâu đời như các đảng phái, các tôn giáo và các tình tự văn hoá sâu sắc đã từng miên man quấn quít dân tộc cả ngàn năm nay.

Tuy nhiên, có hai thế lực lớn đã không ngã quỵ: Cộng Sản đã lợi dụng chính sách thất nhân tâm đó để khôn khéo vươn lên, và Phật tử đã đứng vững trên tâm thức "Bồ Tát" mà dẻo dai chịu đựng.

Thật vậy, sau khi đã vượt qua được những khó khăn của hai năm đầu 1954-1955, và sau khi đã tê liệt hoá các đảng phái quốc gia, vô hiệu hoá hai giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài, chính quyền Ngô Đình Diệm, dù đang phải đối phó với nhiều vấn đề cấp bách, vẫn bắt đầu phát động kế hoạch công phá lực lượng Phật giáo nói riêng, và người Lương theo đạo ông bà nói chung.

Riêng Phật giáo Việt Nam, mà cuộc chiến Pháp-Việt 45-54 đã tiêu huỷ và làm kiệt quệ khá nhiều lực lượng tăng sĩ, tín đồ cũng như các cơ sở chùa chiền, kinh sách vì đã không chịu tham dự vào quyền thế của hai phe lâm chiến, xưa vốn đã nghèo khổ nay lại càng nghèo khổ thêm. Hoà bình trở lại, Phật giáo Việt Nam không mong muốn gì hơn là an hoà và thái bình đó được duy trì mãi mãi để họ được tổ chức lại từ đáy tầng đổ nát, những cơ sở vật thể khiêm nhường, được trùng tu lại hệ thống tu học tăng ni đơn giản, phát huy được tinh thần "cho vui cứu khổ" trong quần chúng hầu đóng góp cho đại cuộc xây dựng miền Nam.

Nhưng thái độ khôn ngoan và ước mơ chính đáng đó vẫn không làm cho Phật giáo tránh được những thủ đoạn kích phá trong chính sách kỳ thị tôn giáo của gia đình và chế độ Ngô Đình Diệm.

Hành động kỳ thị đầu tiên ghi nhận được vào năm 1956 khi một vị linh mục có tên là Vàng, giảng sư của trung tâm Nhân Vị Vĩnh Long, đi thuyết trình tại các tỉnh và khi đến Đà Nẵng, ông đã cho cắm Thập Tự Giá lên núi Ngũ Hành Sơn, nơi có chùa Non Nước lịch sử mà dân chúng đã từ lâu tôn vinh là đệ nhất thắng cảnh quốc gia, đẹp hơn cả chùa Hương tại miền Bắc. Buồn cười là mỗi ngày khi cha Vàng cho cắm Thập Tự Giá lên thì sáng hôm sau lại thấy cây Thập tự bị chặt vất bỏ trên sườn đồi. Sau ba ngày như thế, linh mục Vàng nổi giận và quy tội cho Phật tử đã cố tình phá hoại nên khi ra Huế, ông đến gặp Hoà thượng Trí Thủ, Tổng trị sự Phật giáo miền Trung, đòi Hoà Thượng phải bảo toàn cây Thánh giá ở Ngũ Hành Sơn ! Hòa thượng Trí Thủ trả lời: "Chính quyền trong tay các ngài, các ngài muốn làm gì thì làm, chúng tôi có giám cản trở các ngài đâu". Sau này, nhờ cuộc điều tra của chính quyền mới biết được sự thật là chính dân chài Sơn Trà, vì mê tín sợ cây Thánh giá cắm trên đầu nóc chùa có thể làm mất tính thiêng liêng của ngôi chùa, hại cho nghề đi biển, nên họ đã chặt vất và ném xuống sườn núi.

Năm 1956-1957 tại Huế, cứ đến gần ngày lễ Phật Đản thì dân chúng lại thấy cầu Trường Tiền băng ngang sông Hương được trang hoàng bằng những Khải Hoàn Môn có treo cờ ... Tòa Thánh và ảnh tượng Đức Mẹ. Tất nhiên đám rước Phật từ chùa Từ Đàm qua chùa Diệu Đế không thể đi bộ dưới những ảnh tượng đó để qua cầu Trường Tiền mà phải qua sông Hương bằng đò. Trong vụ này, âm mưu thâm độc của Công Giáo Cần Lao là để gây khó khăn, và nhất là để làm nhục Phật giáo: nếu đám rước cứ đi bộ qua cầu thì tượng ảnh của Đức Phật, cờ Phật phải chui dưới ảnh tượng của Đức Mẹ, mà nếu qua sông thì phải tốn tải, phiền hà, mất thì giờ vì phải huy động hàng ngàn chiếc đò. Và điểm uất ức chất ngất nhất là trong khi đồng bào Phật tử khó khăn duy trì cuộc rước Phật trong những điều kiện hỗn loạn như thế thì nhóm Công Giáo Cần Lao lại đắc ý chụp hình, viết  phúc trình về hành động kỳ thị của chúng gởi về cho Đức Cha, ông Cậu. Hành động kỳ thị lẽ dĩ nhiên nếu đã xảy ra tại Huế thì nhiều nơi ở thôn quê, ở các tỉnh khác lại càng trầm trọng và thường xuyên hơn. Tướng Tôn Thất Xứng (hiện ở Canada) lúc còn làm Tư lệnh Sư đoàn I, đã cho tôi biết tại Quảng Trị chính Đặng Sĩ, một Trung đoàn trưởng của ông ta, cũng đã dùng những thủ đoạn trên buộc đám rước Phật phải băng qua những đồng ruộng để tránh con đường tới chùa đã bị cờ và ảnh tượng của Đức Mẹ dựng lên chận ngang.

Lăng nhục tôn giáo đã là một điều đáng phỉ nhổ rồi, nhưng hạ nhục một tôn giáo, đạp nó xuống bùn mà mục đích là để cho tôn giáo mình được độc tôn thì quả thật hoặc đó chỉ là một ngụy giáo, hoặc các tín đồ chỉ là một thứ phản giáo mà thôi !

Những thủ đoạn này còn kéo dài mãi đến năm 1959, sau khi ông Ngô Đình Cẩn nhận được nhiều báo cáo cho biết những bà, những mẹ, những chị buôn thúng bán mẹt ở chợ Đông Ba, chợ Cống, chợ An Cựu,... những dân lao động, những bác xích lô, những em học sinh ở các trường tiểu học đã công khai và rộng rãi chưởi bới nhà Ngô và nhóm Cần Lao Công Giáo thậm tệ, ông Cẩn mới ra lệnh chấm dứt.

Dù sao thì những thì những thủ đoạn vừa kể trên chỉ là những hành động cục bộ vì thật ra chính thái độ và các biện pháp của các Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Công an Cần Lao Công Giáo mới nguy hiểm hơn. Họ lạm dụng thủ tục thăng thưởng, chế tài, đề bạt, thuyên chuyển để áp lực thuộc cấp phải cải đạo, ai không bằng lòng cải đạo thì không được đề nghị thăng thưởng, bị sa thải hay bị đổi đến những địa điểm hẻo lánh xa xôi.

Hơn thế nữa, lên tới cấp chính sách, Cần Lao Công Giáo còn tàn ác hơn khi chúng lợi dụng phong trào "Tố Cộng" để khủng bố dân lành buộc họ phải bỏ đạo thờ ông bà để vào Công Giáo. Dân chúng vốn đã sống mười năm dưới chế độ Việt Minh làm sao khỏi cộng tác và liên hệ ít nhiều với bộ máy hành chính cũ, biết vậy nên nhóm Cần Lao Công Giáo dựa vào những thành tích cũ đó để áp bức dân lành theo đạo, nếu không thì sẽ bị bắt bớ, tù đày. Những sự kiện áp bức này đã được nhiều tác giả đề cập đến [5]. Oan ức và tội nghiệp nhất là những đảng viên trong những đảng phái quốc gia như Đại Việt, Việt Quốc, vốn là kẻ thù của Việt Minh, bị Việt Cộng nằm vùng dưới chế độ Diệm lợi dụng chính sách Tố Cộng để tố ngược lại, làm những người quốc gia biến thành Cộng Sản, rồi trở thành nạn nhân đau khổ nhất của Cần Lao. Trái lại, cũng nhờ chính sách cải đạo mà Việt Cộng len lỏi dễ dàng được vào chính quyền, vì thế mà mới năm 1959, Việt Cộng đã đặt được hạ tầng cơ sở tại nông thôn miền Nam.

Dinh điền là một trong những chương trình ông Diệm tự hào nhất trong những năm chấp chánh. Nhưng nếu chỉ trên mặt kinh tế và chỉ giới hạn trong một vài địa phương nó có đem lại thành công, thì trên mặt chính trị và nhân văn - mà điều đó mới là điều quan trọng trong một cuộc chiến tranh nhân dân - nó đã thật sự thất bại mà kết quả rõ ràng và bi đát nhất là lời oán trách mỉa mai truyền tụng rộng rãi trong quần chúng: "theo đạo có gạo mà ăn". Chương trình dinh điền là chính sách đưa dân miền Trung, nơi người đông đất hẹp, lên vùng Cao Nguyên để lập nghiệp. Đó là một chủ trương xã hội, kinh tế hợp lý trong công cuộc kiến thiết quốc gia nhưng, như Robert Shaplen đã nói, bất cứ chánh sách nào mà hễ có ảnh hưởng của Cần Lao Công Giáo xen vào thì đều thất bại hết.

Để lựa chọn dân đi dinh điền, những Tỉnh trưởng, Quận trưởng Cần Lao vâng lệnh ông Nhu tổ chức các buổi Bình Nghị (một bắt trước thô bạo kỹ thuật của Cộng Sản trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất). Chúng tập họp dân chúng lại, rồi bọn cán bộ xã ấp tay trong trình bày trường hợp của mỗi người dân (mà chúng bắt theo đạo) để đề nghị gần như cưỡng ép ghi tên họ vào danh sách "được" đi dinh điền. Nếu những người dân đó thuận theo đạo thì được ở nhà, ngược lại thì phải đi Cao Nguyên. Biện pháp này đã dùng chính sách của quốc gia như một biện pháp chế tài và đem tôn giáo can dự mạnh mẽ vào sinh hoạt kinh tế của quốc gia. Nhưng lên Cao Nguyên mà nào có được yên thân, di dân còn bị tai họa không theo đạo không có gạo mà ăn khốn khổ hơn. Trung tâm trưởng dinh điền là các vị linh mục "Bắc kỳ di cư", là những ông vua con có quyền sinh sát. Nếu di dân theo đạo thì được các ông phát gạo, muối, cá khô, dụng cụ và cây giống cho làm ăn sinh sống, nếu không thì chẳng những không được phát đồ ăn, dụng cụ, mà bàn thờ, lư hương, tượng Phật còn bị ném vất ra đường... ai kháng cự thì các linh mục cho lính, dân vệ, bảo an tới đàn áp. Một số dân dinh điền trốn được về làng báo cáo những hành động kỳ thị áp bức cho các tăng sĩ Phật giáo nên Hòa thượng Trí Thủ bèn gởi đơn và hồ sơ lên chính phủ và Quốc hội để xin can thiệp. Đơn gởi đến 5, 7 lần và nhờ những nhân vật Phật giáo thân với ông Nhu, ông Diệm như Thị trưởng Đà Lạt Trần văn Phước (hiện ở Canada), cụ Án Võ Vọng trình bày, vận động, ông Diệm mới bằng lòng thành lập một uỷ ban điều tra để cứu xét vụ kỳ thị tôn giáo ở các dinh điền.

Uỷ ban điều tra gồm có Chủ tịch quốc hội Trần văn Lắm (hiện ở Úc) làm chủ tịch với các uỷ viên là tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh quân đoàn II, cụ Mai Thọ Truyền, chuyên viên Phủ Tổng Thống, Hoà thượng Trí Thủ, đại diện Tổng Hội Phật giáo, và Thượng tọa Mãn Giác, chánh đại diện Phật giáo Cao Nguyên. Uỷ ban đã đến từng trung tâm dinh điền ở bốn tỉnh Cao Nguyên thị sát điều tra và xác nhận những sự kiện kỳ thị khủng bố, lập biên bản có tất cả các chữ ký của các uỷ viên. Tờ trình của Uỷ ban được gởi lên cho Tổng thống Diệm và được sao ra cho Quốc hội, Quân đoàn, đại biểu chính phủ Trung phần và Cao nguyên, và các uỷ viên. Nhưng thời gian cứ trôi qua mà chính phủ vẫn không có một xét xử nào, không có một biện pháp nào để chấm dứt sự lộng hành của các linh mục. Đã thế, cũng vì cuộc điều tra đó mà di dân bị trả thù nặng nề hơn nên trốn gần hết về quê cũ. Do đó mà kế hoạch dinh điền chỉ thành công ở những trung tâm do giáo dân khai thác, còn những vùng do hai mươi ngàn di dân từ miền Trung lên thì đều thất bại và trở thành hoang phế hết.

Không thiếu gì sách sử đã trình bày chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Diệm trong chương trình Khu Trù Mật, trong quốc sách Ấp Chiến Lược, trong kế hoạch Dinh điền với nhiều tình tiết đau thương đầy máu lệ. Ở đây tôi chỉ trích lại đoạn văn của nữ văn sĩ Frances Fitzgerald nói về chủ trương "theo đạo có gạo mà ăn" của chế độ Diệm:

Trong suốt những năm cầm quyền, Ngô Đình Diệm chỉ có một đồng minh trong nước là khối người Công giáo, nhất là Công giáo miền Bắc di cư. Ngay từ khởi đầu, ông Diệm đã tự trói mình một cách chặt chẽ vào khối Công giáo đó và chỉ đã nâng đỡ các làng Công giáo hơn mọi thành phần dân chúng còn lại. Những chức quyền của chế độ Diệm hợp tác chặt chẽ với các linh mục trong các làng Công giáo đã được lãnh viện trợ Mỹ. Những chức quyền đó cho người Công giáo làm gỗ tại rừng cấm của quốc gia và độc quyền thu lợi tức mùa màng do Mỹ viện trợ kỹ thuật.

"Theo đạo để có gạo mà ăn" là khẩu hiệu xưa cũ từ thời đô hộ Pháp. Dưới chế độ Diệm, lương dân miền Nam cũng chịu sự cưỡng chế đó, đặc biệt là dân miền Trung. Hàng ngàn dân chúng, nhiều khi cả làng, phải theo đạo Công giáo để tránh khỏi các tạp dịch nặng nề, hay tránh khỏi việc rời làng vào nơi rừng thiêng nước độc. Tất nhiên đó là cái lợi cho giới Công giáo. Nuôi sống người Công giáo bằng sự hy sinh của lương dân, chính phủ Diệm đã có một đường lối chính trị thiển cận mà ông Diệm không có một sự lựa chọn nào khác hơn, người Mỹ cũng không hiến cho ông ta một kế hoạch nào [6].

Đúng như những nhận xét của Frances Fitzgerald, nhiều nơi dân cả làng bị bắt buộc phải cải đạo để tránh nạn rời làng, vì thế Bản tin Công Giáo Quốc tế, phát hành tại Paris ngày 15 tháng 3 năm 1963, mới hân hoan thông bào thành quả của phong trào cải đạo tại miền Nam dưới chế độ Diệm. Ví dụ làng Phú Hoà tại Bình Định vào năm 1958 chỉ có 692 giáo dân, thế mà năm 1959, con số theo đạo Công giáo đã lên đến 2000 người. Nghĩa là trong một năm tăng gần 300%. Giám mục Ngô Đình Thục cũng cho biết là tại địa phận Vĩnh Long có rất nhiều làng "xin" được cải đạo tập thể đến nỗi thiếu cả kẻ chăn chiên. Theo Ngô Đình Thục thì tại Viễn Đông, ngoài Phi Luật Tân ra, Việt Nam là quốc gia sẽ đi đến việc cả nước theo đạo [7].

Trên đây là một số ít các trường hợp điển hình. Thật ra với 9, 10 năm dưới chế độ Diệm, người dân thấp cổ bé miệng ở nông thôn, nhất là nông thôn miền Trung, đã phải chịu đựng một chính sách kỳ thị khủng khiếp mà thành phần trí thức và những người ăn sung mặc sướng ở thị thành mấy ai biết được nỗi khổ của lương dân. Đã thế, những nhà lãnh đạo Phật giáo lại cũng chỉ âm thầm chịu đựng tai hoạ do thế lực Công giáo Cần Lao gây ra mà không có một phản ứng nào. Cho đến năm 1963, bị dày xéo quá độ phải vùng lên đấu tranh, giáo hội mới gởi lên cho tổ chức Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc tại New York những tập hồ sơ dày cộm nói về tội ác của chế độ Diệm [8].

Và sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, vào năm 1964, tu sĩ Tuệ Sĩ mới dám cho xuất bản cuốn Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử do nhà xuất bản Hoa Nghiêm đường Trần Bình Trọng phát hành để nêu tên tuổi nạn nhân của chính sách kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Diệm (cuốn sách của Tuệ Sĩ hiện có trong các thư viện lớn tại Hoa Kỳ).

Nếu những hành động kỳ thị tôn giáo có tính cách cục bộ địa phương là do các linh mục và chính quyền địa phương thực hiện, thì chính sách kỳ thị quy mô có tính cách quốc gia toàn diện và thâm độc hơn lại do chính anh em ông Diệm tự điều khiển lấy.

Năm 1957, chính phủ Diệm bãi bỏ lễ Phật Đản trong lịch trình ngày nghỉ lễ hàng năm của quốc gia. Thủ đoạn này là để làm cho công chức quân nhân, học sinh, sinh viên, thợ thuyền theo đạo Phật không được nghỉ lễ để đi chùa mừng Phật Đản. Trước thủ đoạn thâm độc đó, Phật tử phản ứng lại bằng cách tổ chức Phật Đản to lớn hơn, long trọng hơn những năm trước nên lôi kéo được dư luận nổi lên công phẫn chống đối. Vì thế chính phủ mới chịu "sửa sai" cho ghi lại ngày nghỉ lễ hàng năm của quốc gia [9].

Vừa nắm được chính quyền, anh em ông Diệm đã vội nghĩ ngay đến việc  trùng tu nhà thờ La Vang rồi nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường. Vào ngày 9-3-1960, ngôi nhà thờ này được Toà Thánh Vatican tặng một cây sáp. Ngày 17-8-1961, Ngô Đình Thục tổ chức một đại lễ "dâng hiến Đức Mẹ hiện ra cách đây 160 năm", có đại điện các đoàn thể và hàng vạn giáo dân tham dự. Điểm cay đắng là ban đầu dân chúng chỉ tưởng anh em ông Diệm tôn vinh một ngôi giáo đường của tôn giáo mình mà thôi, ai ngờ họ còn muốn biến nhà thờ La Vang thành một trung tâm phát huy tinh thần của quốc gia cho toàn dân toàn quốc. Chẳng những trong việc trùng tu nhà thờ La Vang tiền bạc đóng góp là của người dân Lương mà đứng đầu danh sách lễ dâng hiến này là Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà, một Phật tử. Ngô Đình Thục còn cho dựng một tấm bảng lớn bắng xi măng cốt sắt với hàng chữ "Pháo Đài Tinh Thần của Quốc Gia" (The Spiritual Bastion of The Country) để 15 triệu dân miền Nam, dù đại đa số là tín đồ của các tôn giáo khác, phải mặc nhiên công nhận một ngôi nhà thờ của Thiên Chúa giáo như là biểu tượng chính trị và văn hoá của quốc gia, như là thành trì tinh thần của dân tộc.

Hành động kiêu căng và thách đố đó của vị giáo phẩm cao cấp của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam đã nói lên rất rõ ràng ý đồ xâm lăng tôn giáo, cũng như nhận thức chính trị chỉ đạo cho rằng chỉ có Công giáo mới chống Cộng của Giáo Hội này. Việc biến nhà thờ La Vang ở Quảng Trị thành một thứ đền thờ Quốc Tổ (phải gọi là Quốc Mẫu thì đúng hơn!) đã dám làm thì ngay tại Sài Gòn, việc biến Toà Đô Sảnh của thủ đô thành một địa điểm tôn giáo để mừng Chúa ra đời không phải là chuyện chế độ Diệm ngại ngùng nữa. Tại Sài Gòn đã có rất nhiều nhà thờ lớn trên các khu đất khang trang, có quá nhiều nữa là khác. Ngay tại trung tâm thủ đô, ở quận nhất sang trọng của giao điểm hai đường Tự Do và Thống Nhất đã có Vương Cung Thánh Đường đồ sộ, thế mà hàng năm cứ vào dịp lễ Giáng Sinh, cơ sở quốc gia là Toà Đô Sảnh ở đại lộ Nguyễn Huệ vẫn cứ bị trưng dụng để treo đèn kết hoa mừng Chúa xuống trần.

Tệ hại hơn nữa là biết lấy nhà thờ Đức Mẹ La Vang làm "pháo đài tinh thần của quốc gia", biết lấy Toà Đô Sảnh để vinh danh Thiên Chúa, nhưng anh em ông Diệm lại không chịu xây đền thờ Quốc Tổ, lại càng không kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương để duy trì truyền thống dân tộc và thoả mãn nguyện vọng của nhân dân. Cái danh hiệu Hùng Vương chỉ được đặt tên cho một con đường xa xôi trong vùng Chợ Lớn của người Tàu, trong khi Đại lộ thênh thang nối liền trung tâm thành phố với phi cảng quốc tế Tân Sơn Nhất thì lại trang trọng đặt tên cho người anh là ô ng Ngô Đình Khôi. Thủ đô Việt Nam Cộng Hoà không có được một Văn Miếu, không có được một bức tượng Tổ, trong khi những bức tượng đồng của các nhân vật Thiên Chúa giáo thì vẫn được duy trì chăm sóc như dưới thời Pháp thuộc!

Dinh Độc Lập xây cất để cho mình và gia đình mình ở thì to, mà đền thờ Quốc Tổ thì không có, còn đền thờ vị anh hùng khai quốc là Đức Tả Quân trải qua hai triều Tổng thống vẫn không cao hơn thềm dinh Độc Lập [10].

Tôi còn nhớ nhà văn Chu Tử có kể lại trong tuần báo Đời ở Sài Gòn câu chuyện của một giáo sư Đại học nặng lòng với Quốc Tổ Hùng Vương, đã đề nghị ông Diệm xây đền thờ Quốc Tổ thì bị ông Diệm trỏ mặt nạt lớn: "Tổ anh chứ Tổ tôi à!" Còn nhà văn Võ Phiến trong tác phẩm "Đất Nước Quê Hương" có cho biết mãi sau khi chế độ Diệm không còn nữa, nhân dân các tỉnh đã hăng say tự động xây đền thờ Quốc Tổ. Tại Sài Gòn, nhiều đoàn thể thanh niên, sinh viên phát động phong trào "về nguồn", thành lập Hội Việt Võ Đạo sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, đã hàng năm tổ chức lễ kỷ niệm Tổ Hùng Vương để cùng với các thành phần khác của dân chúng vận động xây đền thờ Quốc Tổ. Lòng dân hướng về Quốc Tổ như thế mà anh em ông Diệm lại không coi Vua Hùng là giòng họ Việt tộc đã khai mở đất nước mà chỉ lo tôn vinh các giáo đường.

Trái lại, Cộng Sản Việt Nam nắm vững được tâm lý nhân dân để vận dụng cho những mục tiêu của họ, đã biết đánh động vào đúng tình cảm thiêng liêng nhớ nước thương nòi và cái bản sắc văn hoá chim có tổ người có tông của đồng bào toàn quốc bằng cách chủ trương công khai và đại quy mô một chương trình trùng tu đền thờ Quốc Tổ [11]. Ngay từ năm 1976, sau khi chiếm được miền Nam, Cộng Sản đã biết tổ chức một cuộc triển lãm kỷ niệm vua Hùng rất trọng đại tại Bộ Tài Chánh cũ ở Sài Gòn với chủ đề rút từ câu nói của ông Hồ Chí Minh "Hùng Vương dựng nước, chúng ta giữ nước" và đã thu hút được rất đông đồng bào đến xem [12]. Cộng Sản còn biết bày trò như thế để lấy lòng dân, còn chế độ Diệm thì chỉ biết độc tôn cái tôn giáo của mình để khiêu khích dân, trách gì nước chẳng mất!

Vì không xây đền thờ Quốc Tổ nên ông Diệm dự định xây "Đài Kỷ Niệm Quốc Gia" đồ sộ tại Biên Hoà trên núi Châu Thới. Họa đồ do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ, và ước tính chi tiêu độ một trăm triệu đồng bạc Việt Nam (dự án này đã được đăng trên báo Sáng Dội Miền Nam do kiến trúc sư Vũ Đức Diên làm chủ nhiệm). Nói đến việc xây dựng một đài kỷ niệm quốc gia để kỷ niệm công nghiệp tiền nhân và tạo dựng cho quê hương một thắng cảnh thì ai lại không hoan nghênh sáng kiến đó. Nhưng, như tất cả chính sách quốc gia của ông Diệm mà cứu cánh chỉ phục vụ cho gia đình và tôn giáo của ông ta, dự án này cũng không thoát khỏi ý đồ đó. Vì để xây dựng đài kỷ niệm quốc gia, đất đai thiếu gì mà phải chọn ngay địa điểm gần một ngôi chùa tiếng tăm của Phật giáo trên núi Châu Thới để triệt hạ ngôi chùa đó đi. Trên ngọn núi cao 65 thước này có chùa Hội Sơn được trùng tu vào đầu thế kỷ thứ 19 do công đức của nhà sư Khải Long, vốn chẳng những là nơi thờ Phật mà còn là một thắng cảnh của dân chúng Đồng Nai từ lâu đời. Thời thái bình, thập phương từ các vùng Biên Hoà, Cát Lái, Thủ Đức... kéo về chùa Hội Sơn quanh năm cúng kiến đông như ngày hội, do đó mới gọi là "Hội Sơn". Câu ca dao "Bao giờ cạn lạch Đồng Nai. Nghiêng chùa Châu Thới mới phai lời nguyền" được truyền tụng đời này qua đời khác đã đủ nói lên cái tâm nguyện thiêng liêng và cái tình cảm thắm thiết của dân Đồng Nai quyết tôn sùng và bảo vệ chùa Hội Sơn như thế nào. Biết được giá trị lịch sử và ảnh hưởng văn hoá của chùa Hội Sơn, ông Diệm bèn cho xây một căn cứ quân sự trên núi Châu Thới gần chùa Hội Sơn để cho binh sĩ phá phách làm mất vẻ tôn nghiêm của chùa và cho phép công binh cũng như các nhà thầu khai thác và làm đá chung quanh chùa để cho chân núi Châu Thới mỗi ngày một lở ra. Vị trí núi Châu Thới bị thâu hẹp, chùa mất vẻ tôn nghiêm, cảnh trí bị tiêu huỷ, Phật tử tới chùa khó khăn nên các vị sư trụ trì cũng phải rời đi nơi khác. Nhưng rồi ông Diệm cũng không xây được đài kỷ niệm quốc gia vì chiến cuộc gia tăng và vì nhiều biến cố chính trị xảy ra liên tiếp làm cho ông không còn muốn xúc tiến dự án đó nữa. Nhưng dù sao thì chùa Hội Sơn cũng trở thành hoang phế, và chính điều này đủ thỏa mãn cho ông rồi.

Ngày còn ở quê nhà, tôi có một số tài liệu cũ nói về lịch sử nhà thờ La Vang tại Quảng Trị và nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn. Theo tài liệu này thì ngày xưa, thời Pháp chưa đô hộ Việt Nam, các vị trí đó là địa điểm của những ngôi chùa, nhưng khi quân Pháp xâm lăng Việt Nam vào thế kỷ thứ 18, các giáo sĩ ngoại quốc đã cưỡng chiếm và phá huỷ các ngôi chùa đó đi để xây nhà thờ, Anh em ông Diệm một lần nữa lại dẫm lên con đường của thực dân và Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Pháp để tiêu diệt chùa chiền, đền miễu Việt Nam như nhà văn Sơn Nam có kể lại trong tác phẩm "Văn Minh Miệt Vườn". Cũng trong việc phá chùa dưới chế độ Diệm, ký giả Bernard Fall, đã kể một câu chuyện về Hoà Thượng Sơn Vang người Việt gốc Miên như sau:

Tháng 7 năm 1961, quân đội VNCH hành quân tỉnh Vĩnh Bình và khi rút đi đã để lại hàng ngàn dân quê khốn khổ, nhà sư chánh đại diện tỉnh đã kêu ca để chống lại việc quân đội bắn phá chùa chiền và giam cầm một số sư sãi nhưng vẫn không được xét xử. Mấy tháng sau, tên của Hòa Thượng Sơn Vang xuất hiện trong danh sách lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam [13].

Việc nhà sư Miên tại Vĩnh Bình có tên trong danh sách này đã được chế độ Diệm và những kẻ đồng loã với chính sách kỳ thị tôn giáo như Marguerite Higgins thổi lớn lên và xuyên tạc rằng Phật giáo là Cộng Sản với chứng cớ rõ ràng [14].

Vì sao nhà sư Sơn Vang lại theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ? Nếu chế độ Diệm không chủ trương kỳ thị tôn giáo, phá huỷ chùa chiền, đàn áp sư sãi thì liệu nhà sư có bỏ chùa vào bưng để cho Việt Cộng khôn khéo đẩy lên làm cấp lãnh đạo tượng trưng không? Huống gì Vĩnh Bình phải xét trong bối cảnh mâu thuẫn Việt-Miên để thấy rằng nhà sư gốc Miên đó từ lâu đã muốn yên thân làm một nạn nhân câm nín mong tu học cho viên mãn mà thôi. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng, sức oằn của thân cây đến một lúc nào bị đè nén quá phải bật dậy phản ứng. Ngoài ra, cái luận điệu vịn vào chỉ một nhà sư gốc Miên có tên trong thành phần lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam diễn dịch bừa bãi rằng cả Phật giáo theo Cộng Sản là một thứ luận điệu nếu không ngu xuẩn thì quả là độc ác.

Không khác gì vì một linh mục Chân Tín thân Cộng, vì một linh mục Nguyễn Đình Thi hoạt động cho Cộng Sản tại Pháp, hay vì một Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình thi hành chỉ thị Cộng Sản sau 1975 để cho rằng toàn bộ Công giáo Việt Nam đều theo Cộng Sản. Cái luận điệu vu cáo chụp mũ Phật giáo đó đã hơn một lần giúp tôi, khi nhìn lại lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc, phân biệt rõ ràng hơn khi phê phán những tội lỗi đối với dân tộc của giáo hội Công giáo Việt Nam,vốn là một bộ phận nằm trong cơ cấu của Công giáo La Mã.

Dưới chế độ Diệm, nhà thờ mọc lên khắp nơi, hầu như mọi đơn vị quân đội (ngay cả giữa Sài Gòn) đều có một nhà thờ, và ngay những nhà thờ cũ bị hư hại thời chiến tranh cũng đều được trùng tu lại hết. Những cơ sở văn hoá, xã hội, kinh tế, các trường tiểu học, trung học, đại học tư, bệnh viện, Giáo Hoàng học viện Pie X... của Công giáo mọc lên rất nhiều.

Trong lúc đó thì Cao Đài, Hoà Hảo không có một cơ sở nào đáng kể ngoài các Toà Thánh, còn Phật giáo cũng chỉ vỏn vẹn mấy trường Bồ Đề cũ từ thời trước để lại. Thế mà Cần Lao Công Giáo vẫn chưa vừa lòng, vẫn tìm mọi cách để bành trướng thêm hầu chèn ép các tôn giáo khác.

Hội Thánh Tin Lành, một tôn giáo nhỏ, không ảnh hưởng gì nhiều đến đời sống quốc gia và không tranh chấp với ai, những tín đồ lại có tinh thần chống Cộng rất cao, chỉ xin xây cất một bệnh xá và một trường thần học nhỏ bé tại Hòn Chồng (Nha Trang) mà cũng bị kỳ thị. Cụ Lê Văn Thái, Hội trưởng Hội Tin Lành Việt Nam (mất tại Los Angeles năm 1985) gởi đơn khiếu nại tới chính quyền hơn hai năm liền mà vẫn bị từ khước vì chính quyền cho rằng đất Cụ xin là bất động sản của trường La San, nghĩa là đất của Công Giáo (mà thật ra là đất của quốc gia). Trong lúc đó thì Tiểu chủng viện La San đã chễm chệ chiếm chọn ngọn đồi đẹp nhất thành phố Nha Trang, không liên hệ gì tới miếng đất ở chân đồi nơi mà cụ Thái xin xây cất cơ sở cho Hội Thánh Tin Lành. Vốn là chỗ thân tình, cụ Thái bèn can thiệp với tôi về việc bị Công giáo kỳ thị để nhờ tôi đem vụ này trình thẳng với ông Diệm. Tôi nhắc cho ông Diệm biết cụ Thái đã từng gặp ông Hồ Chí Minh hai lần để phản đối ông Hồ Chí Minh đã áp đặt chế độ Cộng Sản lên đầu dân Việt Nam, và tôi cũng nhắc lại những ngày ông Diệm ra Nha Trang, ông vẫn thường mời cụ Thái và giám mục Piquet đàm đạo, rồi tôi lưu ý ông Diệm rằng đất cụ Thái xin là đất của quốc gia, không phải của Công giáo, đồng thời nêu lên cho ông Diệm biết việc kỳ thị tôn giáo quá trắng trợn tại địa phương. Đến lúc đó ông Diệm mới chịu ra lệnh cho phép Cụ Thái xây cất cơ sở xã hội của Hội Thành Tin lành. Việc này quý vị mục sư Lê Hoàng Phu, Nguyễn Văn Chánh, Nguyễn Bá Quang, v.v... hiện ở Los Angeles và Seattle đều biết rõ.


Xin bấm vào link để đọc tiếp

http://sachhiem.net/HOANHLINH/VNML14.php



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment