2011/02/09

Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý

Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý

Trần Xuân Trí (Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - Lòng nhân ái, sự khoan dung, yêu dân như con đỏ của vua quan triều Lý là một trong những nhân  tố quan  trọng  làm cho nhân dân no ấm, kinh  tế, văn hóa được mở mang, đất nước thái bình thịnh trị, Nam bình Chiêm, Bắc phá Tống uy vũ biểu dương hiển hách…


Đặt vấn đề

Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng. Do đó nó có tác động  tới nhiều  lĩnh vực của đời sống xã hội  từ kinh  tế, chính  trị, văn hóa giáo dục, đạo đức,  lối  sống,  tư  tưởng  tình cảm của cộng đồng quốc gia dân  tộc. Đạo Phật không nằm ngoài quy  luật đó. Xuất  thế  tới Việt Nam, Phật giáo đã  trở  thành một đạo nhập  thế và  có  ảnh  hưởng  sâu  sắc  tới mọi mặt  của  đời  sống  xã  hội  trong  đó  có  chính  trị. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đó  tùy  thuộc vào  từng giai đoạn  lịch sử nhất định, phụ  thuộc vào các chính sách của giai cấp cầm quyền.

Lịch sử dân tộc trong giai đoạn Lý – Trần là thời kì phát triển rực rỡ, thời kì"hoàng kim" của đạo Phật đặc biệt là vương triều Lý. Đây cũng là giai đoạn Đại Việt có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước đó về kinh tế, quân sự, chính trị và văn hóa xã hội. Đạo Phật có mối quan hệ gì đối với sự phát triển đó của vương triều Lý? Đây là một vấn đề khoa học đầy lí thú song cũng rất phức tạp đòi hỏi chúng ta cần nghiên cứu một cách nghiêm túc.  Trong phạm vi báo cáo này chúng tôi mạnh dạn tìm hiểu những ảnh hưởng của đạo Phật đối với đường  lối nội  trị, ngoại giao,  tổ chức chính quyền và  luật pháp của  triều Lý. Kiến giải được những vấn đề nêu trên phần nào lý giải được mối quan hệ giữa tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng với chính trị. Đồng thời qua đó đánh giá một cách đúng đắn vai trò của đạo Phật đối với sự hưng thịnh của triều Lý và sự phát triển của lịch sử dân tộc.


Nội dung

1. Quá trình truyền bá, phát triển đạo Phật ở Việt Nam

Đạo Phật ra đời vào khoảng thế kỉ VI trước công nguyên tại Ấn Độ. Ngay từ khi ra đời, đạo Phật đã  trở  thành nhưu cầu  tinh  thần của nhân dân để chống  lại chế độ phân biệt đẳng  cấp khắc nghiệt  trong xã hội Ấn Độ. Chính vì  thế  trong  giáo  lý  của  đạo Phật  chứa đựng những quan điểm nhân sinh quan rất tiến bộ đặc biệt là tư tưởng hướng thiện,"từ bi hỉ xả" cứu vớt con người ra khỏi mọi khổ đau. "Trước kia và ngày nay ta chỉ nêu ra và lí giải về nỗi khổ đau… cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn. học thuyết của ta chỉ có một  mục đích là cứu vớt" [12; 60]. Những quan điểm giáo lí của đạo Phật được đông đảo quần chúng ủng hộ và  tin  theo. Đến  thế kỉ III  trước công nguyên, đạo Phật  trở  thành quốc giáo của Ấn Độ. Sau đó phật giáo nhanh chóng được truyền bá sang các nước châu Á trong đó có Việt Nam thông qua các tăng đoàn và các thương thuyền người Ấn.

Đạo Phật được truyền bá vào nước ta từ rất sớm theo hai con đường; từ Trung Quốc xuống và  từ Ấn Độ sang "Vốn dĩ  từ  rất sớm Phật giáo đã cắm dễ vào mảnh đất này. Vào mấy chục năm đầu của thế kỉ thứ nhất, đã có dấu vết của nó rồi. Nó đến đây bằng nhiều con đường; con đường bộ  từ Bắc xuống, con đường  thủy  từ Tây sang" [ 6; 589]. Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và Tông pháp triều Lý có dẫn ra câu chuyện hoàng hậu Linh Nhân (Ỷ Lan) với nhà sư Trí Không: Thái hậu hỏi "Phật ở phương nào? Tổ ở  thành nào? Đạo  tới xứ  ta  từ đời nào?  truyền  thụ Đạo ấy ai  trước, ai  sau?".   Nhà  sư Trí Không  trả  lời "Phật và Tổ  là một, Phật  truyền Đạo cho Ca Diệp, về đời Hán có Ma Đằng đem đạo vào Trung Quốc. Đạt Ma truyền vào Lương, Ngụy. Đạo rất thịnh khi dòng Thiên Thai được thành lập dòng ấy gọi  là Giao Tông. Sau lại có thêm dòng Tào Khê tức là dòng Thiền Tông hai dòng ấy vào nước ta đã lâu năm". Những chứng cứ nêu trên cùng với việc giai đoạn này Âu Lạc đã bị Triệu Đà xâm  luợc và thống trị tiếp đó là nhà Hán thì việc đạo Phật theo gót kẻ xâm lược vào nước ta hồi đầu công nguyên là có thể tin cậy.

Cùng với nhiều hiện vật là những đồng tiền bằng Bạc của người Tây Vực mà các nhà khảo cổ học đã phát hiện  tại Việt Nam và câu chuyện chùa Pháp Vân ở Luy Lâu  ( Thuận Thành – Bắc Ninh) có nhắc  tới hai vị sư người Ấn Độ  là Kì Vực và Khâu Đà La  là những chứng cứ cho chúng ta phỏng đoán đạo Phật còn được truyền bá vào nước ta từ Ấn Độ.

Với tinh thần dung hợp và khai phóng, cùng với những quan điểm, tư tưởng gần gũi  với  truyền  thống  của người Việt  nên  đạo Phật  nhanh  chóng  phát  triển  và  có  ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội ở nước ta, số lượng người theo đạo Phật ngày càng đông "Đất Giao Châu ngày nay dân  chúng  rất  tôn  sùng Phật giáo,  lại  có nhiều vị  cao  tăng giáo hóa, bốn phương thấy vậy đều quy y" [ 14; 133].

Từ  thế kỉ X đến  thế kỉ XIV, đạo Phật phát  triển mạnh mẽ, và  trở  thành quốc giáo. Trong dân gian đến quá nửa là sư sãi, các vua Lý đều là những người sùng đạo Phật chính vì thế đạo Phật ngày càng ăn sâu, bén dễ vào mọi mặt của đời sống xã hội, phạm vi ảnh hưởng của nó ngày càng sâu rộng trong đó có chính trị.

Trong những thế kỉ XV – XVIII, ở nước ta có sự chuyển giao trên lĩnh vực tư tưởng, tôn giáo: Nho giáo vươn lên thành hệ tưởng độc tôn của giai cấp thống trị, Phật giáo chỉ giữ một vị trí rất khiêm tốn trong đời sống xã hội.

Từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, là thời kì đạo Phật hưng thịnh trở lại, nhiều chùa, tháp được tu bổ và xây dựng mới.

Trong những năm 1954 – 1975, các  tăng ni, Phật  tử  tích cực  tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.


2. Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị triều Lý

2.1. Khái quát về vương triều Lý

Cuối  triều  tiền Lê, Lê Long Đĩnh hoang dâm, hung  tàn và bạo ngược  làm cho  lòng người vô cùng oán hận. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết. Thế lực nhà chùa đã đưa Lý Công Uẩn lên làm vua lập ra vương triều Lý.

Vương triều Lý tồn tại từ năm 1009 đến năm 1225. Trải qua hơn hai trăm năm tồn tại với chín vị vua  trị vì,  triều Lý đã  tăng cường củng cố chế độ  trung ương  tập quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô  từ Hoa Lư về  thành Đại La. Đây  là việc  làm đầu  tiên có ý nghĩa quan  trọng nhằm củng cố vị thế của một quốc gia độc lập. Hệ thống chính quyền được củng cố từ trung ương đến địa phương. Năm 1042, triều Lý ban hành bộ luật hình thư. Đây  là bộ  luật  thành văn đầu tiên của nước ta. Năm 1075, triều Lý mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài. Quân  đội  nhà Lý  được  phiên  chế  quy  củ,  kỉ  luật  nghiêm minh  đặc  biệt nhà  lý  thực hiện chính sách"ngụ binh ư nông" kết hợp giữa kinh  tế và quân sự  theo  tinh  thần"tĩnh vi nông, động vi binh".

Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển triển triều Lý đã có chính sách bảo vệ sức kéo, xây dựng nhiều công trình thủy lợi, mở mang buôn bán… làm cho nông nghiệp, thương nghiệp và thủ công nghiệp thời Lý tương đối phát triển.

Triều Lý hết sức quan  tâm  tới phát  triển văn hóa, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ổn định xã hội. Dưới triều Lý cả đạo Phật, Nho giáo và Đạo giáo đều cùng tồn tại và phát triển không hề có sung đột tôn giáo"tam giáo đồng nguyên". Tuy nhiên, đạo Phật được các vua Lý  tôn  sùng và có những chính  sách ưu ái  tạo điều kiện cho  đạo Phật phát triển mạnh mẽ.Do đó Phật giáo  trở  thành  tư  tưởng chính  thống quốc gia chi phối mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có chính trị.

2.2. Ảnh hưởng của đạo Phật đối với chính trị vương triều Lý

Tổ chức chính quyền

Đến thế XI, cùng với quá trình đánh bại các thế lực ngoại xâm giữ vững nền độc lập dân tộc, mở rộng lãnh thổ, dân số gia tăng, kinh tế, văn hóa phát triển thì một bộ máy chính quyền cũng được xây dựng  từ  trung ương  tới địa phương. Bên cạnh những ảnh hưởng do quá trình tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, ý thức tự tôn dân tộc thì đạo Phật đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong việc tổ chức bộ máy chính quyền của triều Lý.

Đứng đầu nhà nước là vua. Vua là thủ lĩnh tối cao,  lãnh đạo và điều hành mọi công việc của đất nước. Đôi khi vua được  thần  thánh hóa,  là người chủ  tế  trong các nghi  lễ  tôn giáo. Dưới triều Lý các ông vua đều tôn sùng đạo Phật do đó đã có ông vua tự xưng mình là Phật như  trường hợp của Lý Cao Tông  (1176  – 1210). Giúp việc cho vua  là một hệ  thống quan lại gồm Tam thái, Tam thiếu, Tể tướng, Á tướng… Đặc biệt trong bộ máy chính quyền trung ương của triều Lý có một nghạch quan dành riêng cho những người tu hành gọi là hệ thống Tăng quan. Đứng đầu hệ  thống Tăng quan  là Tăng Thống. Tăng Thống  là một chức sắc của đạo Phật  ,  là người đứng đầu  tăng ni cả nước. Dưới  là Tăng Lục, ngoài  ra còn có Tăng Ty giác nghĩa, Tăng  đạo  chánh, phó Tăng  đạo  chánh đều chật  tòng  cửu phẩm. Các Tăng quan và nhà sư có tài được nhà vua rất trọng dụng và có vai trò lớn trong việc ban bố các chính sách của nhà nước. Nhiều khi họ được trực tiếp tham gia bàn chính trị với nhà vua và bá quan văn võ trong triều. Các vị sư Đa Bảo, Viên Thông, Nguyên Thường… nhiều lần được Lý Thái Tổ (1010 – 1028) mời vào cung để luận bàn việc nước. Một số nhà sư có công lao đối với đất nước được nhà vua phong  làm Quốc sư như Quốc sư Viên Thông, (1080  – 1151), Quốc sư Thông Biện ( ? – 1134)… các Tăng quan được ví như những cố vấn chính trị đặc biệt của nhà vua.

Sự có mặt của các nhà sư trong bộ máy chính quyền triều Lý ở trung ương, việc trực tiếp tham gia vào guồng máy chính quyền nhà nước hiện rõ nét ảnh hưởng của đạo Phật đối với tổ chức chính quyền của triều Lý.

Tinh thần nhân ái, khoan dung trong luật pháp.

Trước  triều Lý Việt Nam chưa có  luật pháp  thành văn. Triều Đinh, Tiền Lê  thường nuôi hổ, đặt vạc dầu để ngăn đe, xử phạt những ai vi phạm những quy định của nhà nước.

Triều Lý được  thành  lập, kinh  tế, văn hóa, xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trước, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Để quản lý đất nước, điều chỉnh hành vi của dân chúng, củng cố hơn nữa chế độ quân chủ trung ương năm 1042 vua Lý Thái Tông cho ban hành bộ Hình thư – bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Nếu như triều Đinh, Tiền Lê luật Pháp có phần dã man "người nào trái phép sẽ bị chịu tội bỏ vạc dầu nấu hay cho hổ ăn" [2;148] thì luật pháp triều Lý lại chứa đựng tinh thần nhân ái, khoan dung mang dấu ấn của tư tưởng" từ bi hỉ xả" của đạo Phật. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép "Trước kia,  trong nước việc kiện  tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ  luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật  lệnh châm  trước cho  thích dụng với thời bây giờ, chia ra môn  loại, biên ra nhiều khoản làm sách hình  luật của một  triều đại"[ 1;206]. Chính "lòng  thương xót" của vua Lý đối với dân chúng đã chi phối nội dung  luật pháp của nhà nước,  lòng  thương xót ấy  là sự dung hợp giữa truyền thống của dân tộc Việt Nam với tư tưởng nhân ái, cứu khổ của đạo Phật.

Đối với những người vi phạm vào các quy định của nhà nước vua Lý thường lấy lòng khoan dung mà  tha  thứ. Năm 1028, Lý Thái Tông  lên ngôi đã  tha  tội  làm phản cho Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương  và Vũ Đức Vương. Năm  1043, Nùng Trí Cao  ở Châu Quảng Nguyên làm phản, sau khi bắt được Trí Cao vua không những tha tội mà còn ban cho đô ấn, phong làm Thái bảo và ban cho mấy châu,q. Đối với tội giết người pháp luật triều Lý quy định tranh nhau ruộng đất mà lấy đồ khí nhọn sắc đánh chết hoặc làm bị thương người khác  thì bị đánh 80  trượng và chịu đày. Giết người,  làm phản  là những  trọng  tội, các  triều đại sau này  liệt nó vào những tội "thập ác" thế nhưng với tinh thần thương dân, lòng nhân ái, khoan dung các vua Lý đã xử phạt rất nhẹ. Sử thần triều Lê Ngô Sĩ Liên đánh giá "Giết người thì phải xử tội chết đó là phép của đời xưa, nay tội giết người cũng xử như tội khác thật là không phân biệt mức độ, mất sự cân nhắc nặng nhẹ" [1;333]. Từ đó Ngô sĩ Liên chỉ ra nguyên nhân "Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ nhặt của nhà Phật mà quên mất cái nghĩa lớn của người làm vua" [ 1; 273].

Luật pháp triều Lý đặc biệt chú ý tới người già, trẻ nhỏ, coi trọng công tác giáo dục, ngăn ngừa. Pháp luật triều Lý quy định những người trong độ tuổi từ 70 đến 80, trẻ nhỏ từ 15 đến 10 tuổi nếu phạm tội thì cho phép dùng tiền để chuộc tội. Trong xét xử các vua Lý thường khoan dung, lấy giáo dục làm chính. Có lần khi đang xét xử vua Lý Thánh Tông chỉ vào công chúa Động Thiên mà nói "Ta yêu con  ta cũng như  lòng  ta  làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau không kể tội gì nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm" [1; 273].

Thương  dân  không  chỉ  bằng  việc  khoan  dung  đối  với  những  người  phạm  tội,  luật pháp triều Lý còn có những quy định rất cụ thể để bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp, bảo vệ người  lao động như việc cấm giết mổ, ăn  trộm  trâu, bò, cấm không được buôn bán hoàng nam làm gia nô hay thiến, hoạn nam giới…

Luật pháp  là công cụ của giai cấp thống trị để bảo vệ trước hết là quyền  lợi của họ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đạo Phật, luật pháp triều Lý chứa đựng những nhân tố rất tiến bộ trong đó nổi bật  là tinh thần nhân ái, khoan dung đối với nhân dân, bảo vệ, chăm  lo tới cuộc sống của dân.

"Yêu dân như con" là đạo trị nước của triều Lý.

Tư tưởng nhân ái, từ bi của đạo Phật hòa quyện với truyền thống"thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam đã tạo nên cái tâm trị nước của triều Lý.

Các vua Lý có quan hệ gần gũi với nhân dân, coi trăm họ trong bốn biển như con đỏ, chăm lo tới cuộc sống của dân, xót xa khi thấy dân khổ, vỗ về khi lòng dân không yên. Các vua Lý đều có lệ thân chinh đi làm lễ cày ruộng tịch điền, xem dân chúng sản xuất, kinh lý nắm bắt tình hình cuộc sống của dân. Trong những năm lũ  lụt, hạn hán mất mùa nhà nước đều thực hiện cấp thóc gạo, tiền, lụa, giảm, xóa thuế cho dân chúng. Năm 1010, sau khi lên ngôi Lý Thái Tổ đại xá thuế khóa cho thiên hạ trong ba năm, những người già yếu, mồ côi, góa chồng thì được xóa thuế nợ…

Dường như  lòng nhân ái của các vua quan  triều Lý đã vượt  ra khỏi danh giới giai cấp, địa vị xã hội, vượt qua không gian, xuyên suốt thời gian tồn tại của vương triều. Thật cảm động khi Lý Thánh Tông thương xót và đồng cảm với nỗi khổ của những tù nhân trong mùa đông  lạnh giá "Mùa đông năm Ất Mùi 1055,  trời giá  rét Lý Thánh Tông nói với các quan rằng ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến  tù nhân bị nhốt  trong  lao  tù, chịu  trói buộc khổ  sở, mà chưa biết phải  trái  ra  sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che  thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương  tựa. Ta thật  thấy  làm  thương" [6; 364]. Ngay sau đó vua sai người mang chăn, chiếu cùng với hai bữa cơm mỗi ngày cho phạm nhân. Vua Lý Nhân Tông thường hay mở hội Phật và tha cho những người có tội, còn Lý Thần Tông thì không có việc gì cũng tha bổng cho những người mắc tội… Lòng nhân ái, thương người của các vua Lý không chỉ đối với nhân dân Đại Việt mà còn cả với những  tù binh Chiêm Thành. Năm 1010, Lý Thái Tổ đã  tha cho 28 người Chiêm Thành bị Lê Ngọa Triều bắt  trước đó. Không những Thế vua Lý còn sai người cấp thuốc men, quần áo, lương thực để họ trở về quê hương.

Tư tưởng"yêu dân như con" trong đạo trị nước của triều Lý không phải là sự giả dối của giai cấp cầm quyền mà là"phần biểu diễn của lòng từ bi do Phật giáo gây nên"[6; 365].

Tuy nhiên, cần phải nói rằng đây là một trong những chính sách của nhà nước phong kiến, xuất phát  từ nhưu cầu,  lợi  ích của giai cấp  thống  trị nhằm củng cổ địa vị  thống  trị của họ trong xã hội.

Mềm dẻo, linh hoạt và nhân văn trong chính sách đối ngoại

Đối với Chiêm Thành, triều Lý luôn giữ mối quan hệ hòa hiếu. Tuy nhiên, do nhiều lần Chiêm Thành đem quân quấy rối biên giới phía Nam, cướp của, bức hãm nhân dân cho nên nhiều  lần vua Lý đã  thân chính cầm quân đi đánh dẹp. Năm 1044, Lý Thái Tông cầm đánh Chiêm Thành bắt được hơn 5000  tù binh. Vua không những không cho giết mà còn cho họ nhận hộ thuộc làm ăn sinh sống ở Vĩnh Khang (Nghệ An ngày nay). Năm 1069, Lý Thánh Tông bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ cùng 5 vạn dân Chiêm Thành vua cũng không giết một ai.

Đối với nhà Tống,  triều Lý có quan hệ hòa hiếu, ân cần nhận sắc phong đồng  thời thực hiện lễ sính và triều cống đều đặn. Sau khi đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống triều Lý giao trả cho nhà Tống những dân phu, quân lính bị bắt tại Khâm Châu, Ung Châu năm 1075.

Chính  sách ngoại giao  khôn khéo  của  triều Lý đối với Chiêm Thành và nhà Tống trước hết là nhằm bảo vệ, củng cố chính quyền của giai cấp phong kiến nó tưởng chừng như không có liên quan gì đến tôn giáo song việc triều Lý đối xử nhân ái với những tù binh bị bắt trong chiến tranh xuất phát từ cái tâm của người cầm quyền. Cái tâm ấy được tắm mình trong truyền thống nhân ái của người Việt hòa quyện với tư  tưởng  từ bi, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật.


3. Một vài đánh giá, nhận xét

Đạo Phật, một tôn giáo ngoại sinh đã nhanh chóng ăn sâu, bám dễ vào đời sống tinh thần của người dân và có ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam đặc biệt là triều Lý ( 1009 – 1010). Tư tưởng từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật cùng truyền thống thương yêu đồng loại của dân tộc Việt Nam hun đúc nên chủ nghĩa nhân đạo, tính nhân văn trong ứng xử của con người Việt Nam. Tư tưởng ấy thẩm thấu vào đạo đức, tư tưởng của người cầm quyền, ảnh hưởng tới chính sách nội trị ngoại giao của nhà nước.

Lòng nhân ái, sự khoan dung, yêu dân như con đỏ của vua quan triều Lý là một trong những nhân  tố quan  trọng  làm cho nhân dân no ấm, kinh  tế, văn hóa được mở mang, đất nước thái bình thịnh trị, Nam bình Chiêm, Bắc phá Tống uy vũ biểu dương hiển hách.

Tôn  giáo  nói  chung,  đạo  Phật  nói  riêng  ra  đời  không  nhằm  phục  vụ mục  đích chính  trị, nhưng  trong  tay người  làm chính  trị đạo Phật đã phát huy vai  trò  tích cực. Đó là do triều Lý đã biết phát huy yếu tố tích cực, tiến bộ của đạo Phật để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, chăm lo tới cuộc sống của nhân dân.

Bên cạnh những ảnh hưỏng  tích cực,  đạo Phật còn có những ảnh hưởng mang  tính chất không tiến bộ; nhiều khi các vua Lý bị chi phối bởi quan điểm duy tâm, việc xây dựng nhiều chùa, Tháp đã ảnh hưởng  tới quốc khố của nhà nước, nhiều sư sãi  làm  trái với điều răn của Phật, quy định của nhà nước, đôi khi còn lộng hành trên vũ đài chính trị làm rối loạn triều đình.


Trần Xuân Trí

http://lotus-revolution.blogspot.com/2011/02/anh-huong-cua-ao-phat-oi-voi-chinh-tri.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, 1984.

2. Trần Bá Đệ (cb), Một số chuyên đề lịch sủ Việt Nam. Nxb Đại học quốc gia, 2002.

3. Phan Đại Doãn (cb), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1993.

4. Nguyễn Duy Hinh, Hệ tư tưởng Lý, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 1 năm 1986.

5. Nguyễn Duy Hinh, Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Hội nhà văn, 1999.

6. Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và tông pháp triều Lý, Nxb Quân đội nhân dân, 2003.

7. Phan Huy Lê, Vua Lý Thái Tổ và vương  triều Lý  trong  lịch sử dân  tộc, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 6 năm 2000.

8. Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Dân tộc, 1971.

9. Nguyễn Danh Phiệt, Lịch sử Việt Nam từ thế kỉ X – XV, Nxb Khoa học xã hội, 2002.

10. Lê Văn Siêu, Việt Nam văn minh sử lược, Nxb Lao động, 2003.

11. Nguyễn Thị Toan, Phật giáo và chính trị, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, 2002.

12. Lương Thị Thoa, Lịch sử ba tôn giáo thế giới, Nxb Giáo dục, 2002.

13. Văn Tạo, Pháp  luật Việt Nam  trong  lịch sử và di sản của nó, Tạp chí Nghiên cứu  lịch sử, số 3 năm 1991.

14. Văn Tân, Phật giáo trong lịch Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 162 năm 1975.

15. Nguyễn Tài Thư, Phật giáo và  thế giới quan người Việt  trong  lịch sử, Tạp chí Nghiên cứu triết học, số 2 năm 1986.

16. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sủ văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2004.

17. Tìm hiểu xã hội thời Lý – Trần, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980.

18. Đào Tố Uyên, Nguyễn Cảnh Minh, Tìm hiểu tổ chức chính quyền trung ương ở nước ta thời

phong kiến, Tạp chí Nghiên cứ lịch sử, số 6 năm 1995.

19. Đặng Nghiêm Vạn, Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1998.



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment