Nương nhẹ nhà thầu Trung Quốc và lao động "chui"
Văn Quang
Trong bài kỳ trước tôi đã trả lời bạn đọc về "hội chứng bất trị" ở Việt Nam. Vì trang báo có hạn nên kỳ này tôi trả lời tiếp về những vấn đề có liên quan đến loạt bài này. Trước hết là chuyện "người bạn bốn tốt Trung Quốc", bên cạnh những thủ đoạn thâm độc mà "người bạn" đã dành cho VN, có một vấn nạn quan trọng mà tôi chưa đề cập đến. Đó là chuyện những người lao động TQ đang làm việc lại VN đang được nhiều bạn đọc trong nước cũng như ở nước ngoài quan tâm. Vậy chuyện này như thế nào?
* Người Việt gốc Hoa ở thành phố lớn vẫn hoà thuận
Rất khách quan, có sao nói vậy, thông tin một cách trung thực, tôi thấy ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội chưa thấy bóng dáng những người lao động Trung Quốc nhởn nhơ trên hè phố hoặc lao xao trong các công ty, xí nghiệp ở nội ngoại thành. Chính vì điều này nên lâu nay người dân Việt và du khách chỉ ghé qua VN một thời gian ngắn không chú ý tới.
Cuộc sống của những người Việt gốc Hoa như ở khu Chợ Lớn vẫn yên bình. Chưa hề thấy một cuộc xung đột nào giữa người Việt chính gốc và người Việt gốc Hoa. Ngay cả đến khi cao trào chống Trung Quốc xâm lược cũng không ai để ý đến họ. Cuộc sống thường nhật đôi bên vẫn vui vẻ hòa thuận. Có lẽ đây là những người Hoa chỉ lo đến cuộc sống yên bình của gia đình mình, không muốn dây dưa đến bất cứ chuyện gì khác. Người gốc Hoa vẫn giữ được bản sắc dân tộc mình cho nên dù mang danh là người Việt song họ vẫn sống theo lối Trung Hoa. Trong biến cố 1975 cũng đã có rất nhiều người TQ bỏ của chạy lấy người, cũng "vượt biên" phơi phới, nhưng họ có điều kiện tài chính nên tổ chức chu đáo hơn. Những năm sau này vẫn còn lai rai những người Việt gốc Hoa ở VN lẳng lặng "ra đi không hẹn ngày về" bằng cách này hay cách khác. Vì thế con số người Việt gốc Hoa ở VN vắng hẳn, không có con số thống kê cụ thể, nhưng ước lượng là chỉ còn chừng phân nửa so với trước thời gian 1975. Người VN cũng không hề thù ghét hoặc phân biệt đối xử với họ. Chúng ta không thù ghét dân tộc Trung Hoa mà chỉ căm giận bọn lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay tham lam, thâm độc mà thôi. Cần phải xác định rõ như thế để chung sống với những người luơng thiện. Rất có thể chính phủ TQ lợi dụng họ vào một số việc nào đó, nhưng chuyện chưa xảy ra, chúng ta cũng không nên quá đa nghi với những người đã từng chung sống với dân tộc ta qua nhiều thế hệ. Tôi hy vọng họ sẽ không bao giờ làm gì trái với lương tâm mình. Có thể họ cũng như chúng ta đang thù ghét chế độ bạo tàn.
* Lỗi tại ai?
Nhưng ở một số tỉnh xa, trong các công ty trúng thầu ở các dự án lớn lại là chuyện khác hẳn. Từ mấy năm gần đây, những người lao động TQ đang từ từ chen chân vào mọi công việc của "công trường". Đấy là chuyện đáng bàn. Phải chăng TQ đang dùng chiến thuật "tằm ăn dâu", cứ từng bước đưa người của họ tràn vào những nơi xa xôi trước. Cho nên sự nghi ngại của nhiều bạn đọc là có lý. Họ "ém quân" chờ ngày nổi dậy chăng? Nhưng trước hết vẫn là chuyện "xuất khẩu lao động" không cần đóng thuế, không cần xin phép, bất chấp luật lệ, tranh giành công việc với ngay nước chủ nhà.
Tôi gọi là "vấn nạn" bởi việc này xảy ra lỗi ở phía nước chủ nhà nhiều hơn. Nếu ngay từ đầu, những cơ quan có trách nhiệm làm việc minh bạch theo đúng luật lệ thì dù có ba đầu sáu tay "nước bạn" hay nói cụ thể là những anh chủ thầu TQ – dù có theo lệnh của ai hay không – cũng không thể đưa người của họ vào nước ta một cách dễ dàng như vậy được. Chỉ nguyên một một công ty TQ trong 1 tỉnh mà đã có cả ngàn người lao động TQ làm việc bất hợp pháp. Vậy mà tỉnh này vẫn làm ngơ. Hãy nhìn vào một sự việc kỳ lạ vừa xảy ra, có thể thấy cung cách làm việc của cơ quan được gọi là "chức năng" đối với người lao động của "nước bạn bốn tốt". Có lẽ chỉ "bốn tốt" với những quan chức này!
* Hơn một nửa lao động TQ không cần giấy phép
Ngày 15-8, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông hoàn tất đợt kiểm tra lao động nước ngoài tại tỉnh này. Kết quả kiểm tra cho biết riêng tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), hơn một nửa lao động Trung Quốc không có giấy phép lao động. Nhà máy này đang sử dụng 309 lao động Trung Quốc, trong đó có đến hơn 170 lao động không có giấy phép lao động.
Phó trưởng Phòng Quản lý Lao động, Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đắk Nông, cho biết: "Khi chúng tôi kiểm tra và hỏi vì sao không làm thủ tục xin cấp phép cho lao động nước ngoài theo quy định thì các nhà thầu đều giả bộ ngây thơ cụ, trả lời trơn tuột rằng do không hiểu pháp luật Việt Nam".
Trong khi đó, ông Trưởng Phòng Tổ chức Lao động và Chuẩn bị sản xuất, Công ty Cổ phần Alumin Nhân Cơ, phây phây giải thích: "Đó là số lao động trước đây đã làm việc tại dự án Nhà máy Alumin Tân Rai – Lâm Đồng, sau đó chuyển về đây nên chưa kịp làm thủ tục cấp phép cho họ".
Hơn thế, trong thời gian kiểm tra, đoàn kiểm tra đã không lập biên bản đề nghị xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động Trung Quốc trái phép tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ông Trưởng phòng tổ chức lại giải thích: "Do các nhà thầu ở dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có thái độ hợp tác tốt (?), chúng tôi đang hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký nên chưa xử phạt" (!).
* Ẩn số về người lao động TQ ở VN
Điều đáng chú ý là ngoài số lao động không phép bị phát hiện, còn có rất nhiều "lao động kỹ thuật" của Trung Quốc được nhà thầu này chứng minh là công nhân kỹ thuật, có 5 năm kinh nghiệm trở lên nhưng lại đang làm những công việc tay chân như đan sắt, trộn hồ, đẩy xe rùa… tại dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Như vậy là họ đã ngang nhiên chiếm đoạt công việc của người lao động chân tay của nước chủ nhà.
Theo luật pháp thì đối với lao động làm việc dưới 6 tháng mà chưa có giấy phép lao động, sẽ bị xử phạt hành chính. Những trường hợp trên 6 tháng không có giấy phép, sở sẽ đề nghị với Bộ Công an trục xuất về nước. Như vậy, cũng giống như hàng ngàn lao động Trung Quốc làm việc "chui" tại công trình Nhà máy Đạm Cà Mau (theo báo Người Lao Động ngày 11-8), cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra hướng ưu tiên hợp pháp hóa cho số lao động bất hợp pháp nói trên. Như thế có đúng luật không hay là luật rừng?
Với tình hình như vậy, và với những câu trả lời như vậy đến con nít cũng không "tiêu thụ" nổi. Rõ ràng đây là sự bao che có tổ chức, có hệ thống hẳn hoi. Còn bao nhiêu những tệ trạng như thế này ở 98% dự án lớn mà "may mắn" nhà thầu TQ đang thực hiện ở VN? Đó còn là một ẩn số đã và đang góp phần lớn vào việc phá hoại nền kinh tế VN.
* Quê nghèo xáo trộn vì lao động ngoại
Chưa hết, xin mời các bạn đọc nguyên văn bi hài kịch có thật sau đây ở một thôn xóm nghèo nay biến thành Khu Công Nghiệp do TQ làm chủ.
Hơn 200 lao động TQ có mặt tại Khu công nghiệp (KCN) Long Giang thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, dùng tiền làm hư con gái mới lớn, đánh nhau với lao động Việt khiến quê nghèo trở nên xáo trộn, làm tan nát nhiều gia đình đang êm ấm.
Từ khi bắt đầu khởi động việc xây dựng, KCN Long Giang đã có rất nhiều công nhân người TQ đến làm việc. Nhiều chị em đã có chồng, thấy mấy anh công nhân người nước ngoài này "vừa đẹp trai vừa có tiền" liền đem ra bàn cân để so sánh với chồng. Đó là mở đầu cho bi kịch của nhiều gia đình. Còn mấy cô gái trẻ cũng mê tít mấy tay công nhân ngoại quốc này, mặc cho thiên hạ gièm pha, chê bai…
* Gái quê thản nhiên bỏ chồng
Chị T - sinh năm 1986, cao 1,73m với làn da trắng ngần, được coi là hoa khôi của xã Tân Lập 1 (huyện Tân Phước). 20 tuổi, chị yêu anh V - công nhân gần nhà, chỉ vì anh hiền lành, ăn nói có duyên. Cưới nhau được đầy năm, gia đình nhỏ của họ có thêm đứa con trai bụ bẫm, cuộc sống gia đình càng đầy ắp tiếng cười. Khi KCN Long Giang bắt đầu hoạt động, anh V mở quán cà phê, chị T bán thêm rượu bia và vài món ăn bán cho khách.
Trong nhóm công nhân kỹ sư người Trung Quốc là "mối ruột" của quán, có một người đàn ông dáng cao lớn, bệ vệ, gần 60 tuổi luôn hào hứng "chi đẹp" khi chị T ra tính tiền. Chỉ sau một tháng người đàn ông này ghé quán, chị T chuyển từ chiếc xe gắn máy Tàu sang xe tay ga Air Blade nhập khẩu từ Thái với giá lên đến hơn 60 triệu đồng.
Anh V gặng hỏi, chị T mặt nặng mày nhẹ bóng gió chê chồng lâu nay bất tài nên chị thua thiệt với người ta. Và chiếc xe này là "quà tặng" làm quen của một người đàn ông ngoại quốc vì khen chị "nấu ăn ngon"!
Đến khi anh V phát hiện vợ mình "tòm tem" với gã kỹ sư đáng tuổi ông nội, anh mới ngã ngửa khi lâu nay không để ý tới những biểu hiện khác thường của vợ. Lúc này chị V ném lá đơn ly hôn ra bắt anh ký và... đuổi anh khỏi nhà.
Thương vợ, thương con, anh V cố nhịn nhục và hứa cố gắng làm thật chăm chỉ để vợ con sung sướng. Thế nhưng, anh V càng xuống nước năn nỉ chị T càng coi thường chồng. Chị công khai qua lại với gã đàn ông kia mà không cần biết tâm trạng của chồng mình ra sao.
Uất ức, anh V canh vợ chạy xe trên đường rồi cho xe tông vào để "cả hai cùng chết". Cú tông khá mạnh, cả hai phải vào bệnh viện cấp cứu. Cả hai không chết, khi ra bệnh viện, anh V đồng ý ly hôn và dọn đồ ra khỏi nhà. Còn người vợ đầu ấp tay gối với anh lâu nay lấy tiền của người tình cất thêm căn nhà khang trang bên cạnh căn nhà cũ để vui vầy duyên mới.
* Mẹ cặp bồ, con cũng noi theo
Theo một người thợ làm tại đây, lương của những công nhân nước ngoài tại KCN Long Giang cả chục triệu đồng, còn bậc kỹ sư thì thu nhập vài chục triệu đồng một tháng. Do vậy, họ chi xài rất thoải mái so với những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn trong xã. Với mẽ ngoài bảnh bao, tiền bạc rủng rỉnh họ nhanh chóng hạ gục những phụ nữ muốn "lên đời".
Ông Ba K - ở ấp 4, có cô con gái mới 16 tuổi dáng vẻ phổng phao, đã lọt vào tầm ngắm mấy tay công nhân ngoại quốc. Thấy cô con gái ông K phải tắm ngoài cầu ao, đám công nhân chi ngay 20 triệu đồng làm nhà tắm. Khi thấy cô gái mới lớn xiêu lòng, cả nhóm thay nhau ve vãn, hết anh này "chia tay" lại tới lượt anh khác "nhào dô"…
Còn bà M ở ấp 5, thấy mình "hết lửa" khó cặp bồ với mấy tay công nhân ngoại, nên xúi đứa cháu gái chưa tới 18 tuổi "dụ" tay công nhân ngoại quốc lớn hơn tuổi bà, về ăn ở trong nhà như vợ chồng. Chưa hết, cũng tại ấp 4, có trường hợp cả hai mẹ con cùng cặp bồ với đám công nhân ngoại. Họ bất chấp mọi thứ, "miễn có tiền là được". Thậm chí, bà còn rước đứa cháu mới 16 tuổi ở Kiên Giang đem lên mai mối cho một anh chàng xấp xỉ 50 tuổi.
Theo một viên chức hộ tịch xã Tân Lập 1, chỉ riêng ấp 4, nơi có KCN, đã có hơn chục trường hợp các bà vợ chủ động xin ly hôn với chồng. Tất cả đều hòa giải bất thành vì các bà nhất quyết bỏ chồng với lý do chồng không biết làm ăn, say xỉn, quan điểm bất đồng... Ông này nói: "Ly hôn bữa trước, bữa sau đã thấy các chị công khai qua lại với mấy ông chồng hờ ngoại quốc".
* Đánh công nhân Việt
Không chỉ ve vãn đàn bà con gái, một số công nhân ngoại quốc còn đánh nhau với công nhân Việt. Anh Nguyễn Văn Thảnh kể lại: Mất hết đất sản xuất, tui với mấy ông bạn xin vào KCN làm phụ hồ. Cùng phận cu li như nhau nhưng lương của mấy ông Trung Quốc cao gấp 3-4 lần chúng tôi, tới 350.000 đồng/ngày.
Có lần tôi đang trộn hồ thì một công nhân tên A Sịn tự dưng cầm cán cuốc gõ vào đầu tôi, miệng xí xô tiếng Tàu. Đau quá, tôi cầm cái vá trộn hồ quật luôn vào chân A Sịn. Anh ta quăng cuốc bỏ chạy. Tôi tưởng vậy là thôi, nào ngờ A Sịn vác ra cây búa và tụ tập mấy công nhân khác đòi ăn thua đủ với tôi. May mà sự việc sau đó được can ngăn kịp thời, nếu không sẽ có án mạng.
Mới đây, một nhân công người Việt tên Danh C, khi làm việc trong KCN gây ra lỗi. Thay vì giải quyết theo Luật Lao động, một nhóm công nhân "ngoại" đã lôi Danh C vào phòng, đánh cho một trận thâm tím mặt mày.
Ông Lê Văn Rớt – viên chức tư pháp xã Tân Lập 1, cho biết: "Tình hình phụ nữ cặp bồ với mấy ông công nhân Trung Quốc hồi mới thành lập KCN Long Giang gây xôn xao dư luận dữ lắm, nhưng bây giờ lắng dịu rồi. Theo tôi biết, chỉ có 2 trường hợp làm đám cưới, còn lại là theo kiểu chồng hờ vợ tạm, hết hợp đồng lao động mấy ổng bỏ về nước, mấy chị trót bỏ chồng phải chịu thiệt thòi. Dư luận thì nhiều nhưng tôi biết chỉ khoảng chục trường hợp xin ly hôn thôi…".
Có phải vì lạm phát, vì cơn bão giá làm đời sống khó khăn nên vùng quê hẻo lánh xa xôi cũng chịu ảnh hưởng lớn lao tới mức này? Có lẽ chúng ta khỏi cần bình luận thêm về vấn đề xã hội đang xuống cấp kinh khủng như thế này. Hồi chuông báo nguy cho một dân tộc có hơn 4 ngàn năm văn hiến./.
Văn Quang
Sài Gòn 18-8-2011
No comments:
Post a Comment