2013/02/28

Ông Lý Quang Diệu: “Hãy cảnh giác với Trung Quốc!”

Lê Trí

"Singapore không tin vào một Trung Quốc 'hiền hòa' và tôi nghĩ rằng các nước khác như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand hay Việt Nam cũng đều không tin", cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khẳng định.

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, người đã nghỉ hưu nhưng hiện vẫn đang là một trong những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn ở châu Á vừa cho xuất bản một cuốn sách với nội dung bày tỏ một sự lo ngại đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cuốn sách của cựu Thủ tướng Singapore vừa được xuất bản.

Trong cuốn sách của mình, ông Lý cho rằng "thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của cuộc cạnh tranh giành ngôi vị siêu cường thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc" đồng thời theo phỏng đoán của ông, cuộc chiến này sẽ chủ yếu diễn ra ở châu Á và Đông Nam Á là một trận địa chiến lược. "Lợi ích cốt lõi của nước Mỹ đòi hỏi nước này phải giữ cho được vai trò siêu cường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với Đông Nam Á là địa điểm chiến lược", ông Lý Quang Diệu viết. Cũng theo những phân tích của ông, với lợi thế vượt trội về khả năng, tinh thần sáng tạo, tính "đàn hồi" cao, khả năng phục hồi tốt… nước Mỹ sẽ bảo vệ được những lợi ích cốt lõi của mình, vượt qua sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc và "lấy lại" được tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Nhưng trong cuốn sách có tiêu đề "Lee Kuan Yew: The Grand Master's Insights on China, the United States and the World" (tạm dịch: Lý Quang Diệu: Những cái nhìn sâu về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới) ông Lý cũng cho rằng, quá trình thực hiện chiến lược "lấy châu Á làm trọng tâm" của Tổng thống Obama đang cho thấy những vấn đề về chính sách của nước Mỹ. Đây là cuốn sách gồm tập hợp các bài phỏng vấn ông Lý của các nhà báo, chuyên gia nổi tiếng về chính trị thế giới như Graham Allison, Robert Blackwill và Ali Wyne.

Ông Lý Quang Diệu, cha của đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định: "Nếu nước Mỹ muốn có sự ảnh hưởng lâu bền đối với quá trình phát triển chiến lược của khu vực châu Á, họ không thể tiếp tục thực thi các chính sách 'đến rồi đi' như hiện nay".

Trong lúc Mỹ đang tỏ ra thiếu những bước đi dứt khoát và quan trọng tại châu Á thì Trung Quốc đã và đang nổi lên với tham vọng không thể giấu diếm là muốn "hất cẳng" Mỹ để trở thành một siêu cường thống trị khu vực này trong thế kỷ 21.

"Liệu một quốc gia hùng mạnh và đã gần hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa như Trung Quốc sẽ có thái độ 'tử tế và hiền hòa' với Đông Nam Á giống như những gì Mỹ đã thực hiện suốt từ năm 1945 đến nay hay không? Singapore không tin và tôi nghĩ rằng các nước khác như Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand hay Vietnam cũng đều không tin", cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khẳng định.

Đi cùng với sự lo ngại một cách sâu sắc này, ông Lý còn nhận định rằng "rất nhiều các quốc gia vừa và nhỏ ở châu Á đang vô cùng lo lắng trước viễn cảnh phải đối đầu với một Trung Quốc tham lam và thâm hiểm. "Họ cảm thấy bất an khi Trung Quốc thể hiện ý đồ muốn khôi phục lại vị thế một "đế quốc" giống như họ đã từng trong nhiều kế kỷ trước đây. Dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc, các nước nhỏ ở châu Á bị khinh miệt, coi rẻ và bị đối xử rất bất công theo vị thế của một nước chư hầu. Trung Quốc đã từng nói với chúng tôi rằng họ coi nước lớn hay nước nhỏ đều bình đẳng như nhau và sẽ không thực thi các chính sách bá quyền. Nhưng khi họ làm, đặc biệt là khi họ khó chịu với hành động của các nước láng giềng họ đánh tiếng tuyên bố rằng điều đó đang khiến cho 1,3 tỷ dân của họ giận dữ và những nước nhỏ nên "biết điều" về vị thế của mình khi nói chuyện với Trung Quốc", ông Lý viết trong cuốn sách.


"Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ hiểu, nếu họ ra sức chạy đua với Mỹ trong lĩnh vực sức mạnh quân sự, họ sẽ thua. Họ sẽ tự phá sản", cựu Thủ tướng Singapore nói.

"Người Trung Quốc cần phải biết nhận ra bài học lịch sử mà Đức, Nhật đã từng vấp phải. Sức mạnh cạnh tranh của họ, tầm ảnh hưởng của họ và những nguồn tài nguyên mà họ khao khát đã dẫn cả thế giới này đến 2 cuộc đại chiến trong thế kỷ 20. Nước Nga đã phạm phải sai lầm khi rót quá nhiều ngân sách vào cho quân đội, quốc phòng và hậu quả là nền kinh tế - xã hội của họ sụp đổ một cách vô cùng nhanh chóng. Đó chính là những gì tôi nhìn thấy ở Trung Quốc hiện nay. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ hiểu, nếu họ ra sức chạy đua với Mỹ trong lĩnh vực sức mạnh quân sự, họ sẽ thua. Họ sẽ tự phá sản", vị cựu Thủ tướng Singapore nói.

"Chính vì thế, Trung Quốc hãy biết cúi đầu và mỉm cười thêm 40-50 nữa!"

Khi được hỏi: Liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ hay không? Ông Lý cho rằng nếu chỉ xét về con số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thì việc Trung Quốc vượt Mỹ trong một tương lai gần là điều không còn cần phải bàn cãi nhưng điều quan trọng hơn cả là khả năng sáng tạo của Trung Quốc sẽ còn rất lâu mới có thể đuổi kịp đối thủ ở phía bên kia bờ Thái Bình Dương. "Văn hóa của người Trung Quốc không cho phép trao đổi những ý tưởng một cách tự do hay cạnh tranh sòng phẳng và chính vì thế họ sẽ không bao giờ có thể đuổi kịp Hoa Kỳ", ông Lý nói, "Trung Quốc cũng không bao giờ có thể trở thành một quốc gia dân chủ tự do thực sự. Nếu họ làm thế, họ sẽ sụp đổ. Nếu bạn cho rằng có một số cuộc cách mạng đang diễn ra ở phần nào đó ở Trung Quốc thì bạn đã nhầm".

Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình

Khi nói về vị tân tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Lý Quang Diệu cũng đưa ra những nhận xét khá đáng chú ý: "Ông ta là rất kín đáo. Không bao giờ ông ta tỏ thái độ là ông ta không muốn nói chuyện với bạn nhưng ông ta cũng luôn thể hiện quan điểm rằng chẳng điều gì có thể làm ông ta thay đổi cái nhìn về những cái mà ông yêu hoặc ghét. Ông ta luôn mỉm cười một cách dễ chịu bất kể bạn có nói điều gì khiến ông ta ngạc nhiên hoặc khó chịu. Ông ta là một kẻ có tâm hồn bằng thép"./.

Lê Trí

2013/02/27

Những hiểm họa bất ngờ cho người cao tuổi

CDNV

Con người khi về già, các bộ phận trong cơ thể đều lão hóa, yếu đi. Một số điều sau đây luôn ẩn chứa những hiểm họa bất ngờ mà người cao tuổi cần phải lưu tâm đề phòng.

Không nên tập luyện vào lúc sáng sớm

Ta vẫn có quan niệm cho rằng tập luyện vào buổi sáng là tốt vì không khí trong lành. Điều đó không đúng. Vì từ 4-6 giờ sáng theo quy luật của đồng hồ sinh học (biological clock) của người già thân nhiệt đang cao, huyết áp tăng, thận thượng tuyến tố cũng cao gấp 4 lần buổi tối, nếu vận động mạnh, chạy hoặc đi bộ nhiều gặp gió lạnh, tim dễ ngừng đập. Đã có không ít cụ đi bộ buổi sáng sớm về ra mồ hôi, tắm xong huyết áp tăng đột ngột, đứt mạch máu não, đột quỵ luôn. Tốt nhất là nên tập vào chiều tối, tuy không khí không được thanh sạch như sáng sớm nhưng an toàn hơn nhiều.

Đang ngủ không nên trở dậy vội vàng

Thần kinh người già thường chậm chạp. Lúc ngủ muốn dậy đi tiểu hoặc có ai gọi đang ở tư thế nằm mà trở dậy ngay, đi lại luôn dễ làm huyết áp tăng đột ngột, dễ dẫn đến đứt mạch máu não. Vì vậy, đang ngủ khi có việc cần dậy phải từ từ theo 3 bước, mỗi bước khoảng nửa phút. Bước 1 khi tỉnh giấc hãy nhắm mắt lại nằm thêm nửa phút. Bước 2, ngồi dậy tại giường nửa phút xoa tay, xoa chân. Bước 3, cho hai chân chạm đất hoặc chạm nền nhà nửa phút rồi mới đứng dậy đi.

Không nên ngoái đầu một cách đột ngột

Người già mạch máu thường xơ cứng, thành mạch dày hẹp và đàn hồi kém. Nếu đột nhiên quay ngoắt đầu về phía sau, mạch máu ở cổ bị chèn ép, động mạch vốn đã hẹp bị chèn ép lại càng hẹp hơn cộng thêm thần kinh giao cảm bị kích thích mạnh làm mạch máu co lại, máu lưu thông chậm làm não thiếu máu cục bộ, thiếu ôxy nên bị choáng, hoa mắt, chóng mặt, có người đã bị ngã. Vậy đang đứng hoặc đang đi có ai gọi từ phía sau, chớ có quay ngoắt đầu lại ngay mà nên quay chầm chậm. Tốt nhất là xoay cả người lại, tránh chỉ quay đầu.

Không nên đứng co một chân để mặc quần

Xương của người già thường bị xốp do thiếu calcium. Nếu không bị xốp thì xương cũng dòn. Khi mặc quần mà đứng co chân để xỏ từng chân vào ống quần dễ bị ngã do mất thăng bằng hoặc do vướng vào quần. Người cao tuổi đã ngã thì dễ gãy xương, dập xương. Khi mặc quần tốt nhất là nên ngồi trên ghế hoặc trên giường. Trong nhà tắm nếu không có chỗ ngồi thì phải dựa mông vào một bên tường để giữ thăng bằng cho khỏi ngã. Nhiều người bị ngã gãy xương ống chân, dập xương chậu vì đứng co chân mặc quần.

Không nên quá ngửa cổ về phía sau

Có lần một ông già đã về hưu cạnh nhà tôi, sức khỏe tốt, khi ăn tối xong ngồi nghỉ trên ghế tựa, có lẽ do mỏi cổ nên ông đã ngửa cổ về phía sau hơi quá nên bị xỉu luôn. Khi con cháu biết thì nửa người bên phải của ông đã bị liệt, nước mũi nước dãi chảy ròng ròng và không nói được nữa, phải đưa ngay vào bệnh viện. Trường hợp này là do gần mạch máu nơi cổ có nhiều đốt xương, bình thường giữa các đốt có chất nhờn bôi trơn nhưng về già chất bôi trơn kém đi, các đốt xương trở nên sắc cạnh. Khi ngửa cổ ra phía sau quá giới hạn cho phép, phần xương sắc cạnh đó làm tổn thương đến mạch máu, hạn chế lượng máu đưa lên não gây ra thiếu máu não làm ngất xỉu. Vì vậy, người già khi ngồi ghế tựa không nên ngửa cổ quá mức về phía sau.

Không nên thắt dây lưng quá chặt

Vùng bụng quanh dây lưng là nơi gần dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và hậu môn. Dây lưng mà thắt chặt quá sẽ chèn ép các mạch máu bụng, cản trở máu lưu thông, đoạn trực tràng gần hậu môn có thể dễ bị lòi ra ngoài khi đi đại tiện mà ta thường gọi là lòi dom. Dây lưng thắt chặt, dạ dày, ruột non luôn ở trạng thái chịu sức ép ảnh hưởng xấu đến tiêu hóa. Vì vậy, không nên thắt chặt dây lưng và tốt nhất là dùng dây đeo quần qua vai, tiếng Pháp gọi là Bretel. Bình thường ở nhà chỉ nên mặc quần lưng thun rộng rãi, không nên mặc quần Tây cứ phải thắt dây lưng làm bụng luôn bị gò bó.

Khi đi đại tiện không nên rặn quá mức

Táo bón là hiện tượng thường gặp ở người già. Tâm lý khi đi đại tiện không ai muốn ở lâu trong nhà vệ sinh nên thường muốn rặn mạnh để đi cho nhanh nhưng nếu rặn quá sức, mặt mũi đỏ gay rất nguy hiểm. Các khảo nghiệm về y học đã cho biết khi rặn mạnh dễ giãn tĩnh-mạch ở hậu môn gây chảy máu nhưng điều quan trọng hơn là huyết áp sẽ tăng có thể dẫn tới tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Để đỡ phải rặn khi đi ngoài, người già cần ăn nhiều rau quả, chuối, khoai, uống nhiều nước để chống táo bón.

Không nên nói nhanh, nói nhiều

Một số nhà khoa học Mỹ phát hiện khi ta nói chuyện bình thường dù chỉ là chuyện vui nhẹ nhàng, các tế bào trong cơ thể vẫn chịu tác động và ảnh hưởng tới huyết áp. Thử nghiệm khoa học với 100 người, mỗi người đọc 2 trang tài liệu với tốc độ nhanh chậm khác nhau. Kết quả cho thấy người đọc tốc độ vừa phải thì huyết áp, nhịp tim bình thường. Người đọc nhanh quá, đọc liến thoắng thì lập tức huyết áp tăng, nhịp tim tăng nhưng khi đọc thong thả trở lại, huyết áp, nhịp tim lại giảm xuống. Qua đó ta thấy người già nên nói ít, nói chậm thì có lợi cho sức khỏe. Những cụ nào bị bệnh tim mạch, bị huyết áp càng phải nói chậm, nói ít.

Không nên xúc động

Đối với người già mạch máu đã lão hóa nếu xúc động mạnh, quá giận dữ hoặc quá vui dễ bị nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu não. Do đó, người già không nên xúc động tránh mọi sự tức giận, buồn phiền mà cần sống thanh thản, hòa nhã, vui vẻ, bỏ qua hết mọi chuyện, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe.

Có một câu nói rất hay: "Đừng để chết vì thiếu hiểu biết". Vì thật ra đã có rất nhiều người chết vì thiếu hiểu biết kể cả những người còn trẻ. Qua sự hiểu biết ít ỏi của bản thân, qua kinh nghiệm cuộc sống và qua tham khảo các tài liệu y học mới nhất, mong rằng với bài viết ngắn này sẽ giúp các bậc cao niên sống lâu, sống khỏe, sống vui tăng thêm nhiều tuổi thọ./.


CDNV

2013/02/23

ÔNG NGHĨ GÌ LÚC ĐỨC GIÁO HOÀNG XIN THOÁI VỊ?

ÔNG NGHĨ GÌ LÚC ĐỨC GIÁO HOÀNG XIN THOÁI VỊ?
 
 (Viết tặng một người bạn học cùng trường, cùng tuổi)               

Ông nghĩ gì lúc nghe tin Đức Giáo Hoàng xin thoái vị?
Khi Ngài vừa mới tiếp ông cách đó hai mươi ngày[1]
Trải sáu trăm năm rồi mới có một lần như thế
Một vị Giáo Hoàng xin từ chức hôm nay!

Khi tiếp kiến ông, Đức Giáo Hoàng đã đề cập những gì?
Ngài đã hỏi ông về cuộc đàn áp giáo dân Con Cuông năm ngoái?[2]
Về việc chiếm dụng đất của Nhà Thờ Thái Hà làm Ngài lo ngại?[3]
Hay về vụ dân Xứ Đạo Cồn Dầu bị cưỡng bức chuyển đi?[4] 

Ông chỉ cần đánh bóng tuổi tên nên Ngài hỏi gì chẳng được
Giáo dân Việt Nam là công việc nội bộ của Việt Nam
Lần này về ông sẽ xiết chặt xiềng gông hơn trước  
Để không ai còn dám ngồi mơ cầu cứu Vatican!
           
Phải tiếp một nhà lãnh đạo ít yêu dân chắc Ngài buồn lắm
Biết nói gì với một chính khách luôn căm hận giáo dân?
“Xây thêm một Nhà Thờ là bớt được trăm nhà ngục!”
Mà tại Việt Nam có thời nhà ngục gấp trăm lần!

Sự kiện Giáo Hoàng từ chức cũng làm ông không thể hiểu
Vì ở Việt Nam khái niệm từ chức đâu thấy viết ở sách nào?
Có tội thì đổ lỗi cho khách quan chứ ai dại gì từ chức
Vừa mất bổng lộc trời cho thêm dư luận xôn xao!

Ngài thờ Đức Chúa nên khi thấy sức yếu tuổi già thì thoái vị
Còn ông không thờ thánh thần mà chỉ thờ cụ mình thôi
Những năm cuối đời cụ yếu đau nhưng đâu xin từ chức
“Bảy mươi tuổi vẫn còn xuân” sao ông dám nghỉ ngơi?

Phải chi Đức Giáo Hoàng sống độc thân nên từ chức cũng dễ?
Nhưng ông còn có vợ con, biết ai sẽ thương chúng mai này?
Ông lại còn trách nhiệm giữ gìn tình anh em hữu nghị
Giữa Việt Nam, Trung Hoa xưa cụ đã đắp xây!

Ông còn phải giáo dục thế hệ trẻ biết vâng theo lời cụ
Phải luôn khắc ghi công ơn của người đồng chí láng giềng
Xưa cụ đã dâng Hoàng Sa thì nay ông cũng muốn ghi dấu ấn
Giúp “bạn” hợp thức “Đường Lưỡi Bò” trên biển đảo linh thiêng!

Ngày 17 tháng 2 vừa rồi ông đã thành công khi chặn được
Những người dân đi thăm Nghĩa Trang anh bộ đội năm nào
Đã hi sinh vì Tổ Quốc trong cuộc Chiến Tranh Biên Giới[5]  
Nhạy cảm thế ai khơi lại làm gì nhỡ “bạn” giận thì sao?

Ông phải quán triệt toàn đảng, toàn dân tư tưởng của cụ mình vĩ đại
Làm cho kẻ thù bên trong bên ngoài không chia rẽ được chúng ta!
Nếu người lãnh đạo có lỡ cưỡng chế, giết chết người thì góp ý
Không nên đưa vụ việc lên báo đài làm phương hại quốc gia!

Cuối Năm Rồng, ông đã làm cho một bầy sâu bị lòi hết đuôi ra
Năm Rắn này sẽ ra tay, đuôi sâu nào đã bị lộ ra ông chặt hết!
Ông không đánh vào đầu sâu bởi muốn giữ gìn đoàn kết
Giữa anh em cùng giai cấp, tình đồng chí xót xa!
 
Ông sẽ khuyên đồng chí Ếch biết noi theo gương cụ
Sống một đời thanh cao minh bạch chẳng vợ con
Cụ là “già làng” của dân tộc Việt Nam đau khổ                                            
Là “vừng trời đông” soi biển đảo, núi non!

Vậy nay xin thưa với đồng bào,
Ông không thể bắt chước Đức Giáo Hoàng xin từ chức
Cũng như Điều 4 Hiến Pháp 1992 sẽ “còn mãi” với nhân quần   
Đảng lãnh đạo đất nước đã quen nên bỏ làm sao được?
Ai đòi bỏ Điều 4 Hiến Pháp VN năm 92 là
“Chống Đảng, chống Nhân Dân”!


Hà Nội, 22/2/2013
Ts. Đặng Huy Văn
 

[1]- Ngày 22/1/2013, Đức Giáo Hoàng Biển Đức (Benedict) 16 đã tiếp kiến Đoàn Đại Biểu Đảng Cộng Sản Việt Nam khi đoàn sang thăm Tây Âu.
 
[2]- Ngày 1/7/2012, linh mục G.B. Nguyễn Đình Thục đến dâng Thánh Lễ cho các giáo dân tại Giáo Điểm Con Cuông đã bị một nhóm côn đồ được nhà cầm quyền huyện Con Cuông thuê chặn lại và đánh linh mục bị thương. Nhận được tin Cha bị đánh, giáo dân đang có mặt tại Nhà Nguyện đã kéo đến để ngăn lại thì đã bị nhóm côn đồ trên đánh đập rất dã man. Có rất nhiều người phải nhập viện để cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Sau vụ này, giáo dân nhiều nơi trong tỉnh Nghệ An đã nổi lên để ủng hộ giáo dân Con Cuông thì đã bị chính quyền Nghệ An điều động hàng trăm công an, bộ đội có vũ khí và xe pháo yểm trợ đàn áp và đã bắt bỏ tù hàng chục giáo dân của Giáo Điểm Con Cuông.

[3]- Nhà Thờ Thái Hà ở Phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội. Năm 2008, Giáo Xứ Thái Hà đã đòi lại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng thuộc sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế đã bị nhà nước mượn cho Cty May Chiến Thắng sử dụng. Cuộc đòi đất đã bị đàn áp dẫn đến 7 người bị bắt giam. Tháng 10/2011 lại xẩy ra một vụ cưỡng chiếm đất của Giáo Xứ Thái Hà khác gần đó để Bệnh Viện Đống Đa xây dựng trạm xử lý nước thải.
 
[4]- Cồn Dầu là một Xứ Đạo tại thành phố Đà Nẵng. Tháng 5/2010 đã có biến cố đám tang cụ bà Hồ Nhu diễn ra trước nghĩa trang Cồn Dầu. Có cả gần 500 công an, cảnh sát 113 đến đàn áp, đánh người, cướp quan tài. Liền sau đó đến nay, giáo dân Xứ Đạo Cồn Dầu đã bị cưỡng chế đất đai mà giáo dân Xứ Đạo Cồn Dầu đã khai khẩn hàng mấy chục năm nay, nếu ai không chịu di dời liền bị đàn áp.
 
[5]- Cuộc Chiến Tranh Biên Giới phía Bắc bắt đầu lúc 4 giờ 25 phút sáng sớm ngày 17/2/1979 do “các đồng chí láng giềng” Trung Quốc phát động gồm nửa triệu quân và hàng ngàn xe tăng đại bác tràn qua 6 tỉnh Biên Giới gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Cuộc chiến kéo dài một tháng và đã giết chết hàng vạn bộ đội và dân thường Việt Nam. Do bị lấn cột mốc Biên Giới nên nhiều ngôi mộ của bộ đội ta nay đã nằm bên kia Biên Giới Việt Trung.


Khai Dân TríĐặng Huy Văn

2013/02/21

You Don't Know What You Don't Know



Khai Dân TríNoam Chomsky

2013/02/20

When Elites Fail, and What We Should Do About It



Khai Dân TríNoam Chomsky

Tình em biển cả hiền hòa

Lời Tác Giả: Tôi có một người bạn ở Móng Cái, Quảng Ninh. Sáng sớm ngày 17/2/1979, quân Tàu đã bất ngờ dùng hơn ba chục sư đoàn quân ồ ạt tràn qua 6 tỉnh Biên Giới Phía Bắc của nước ta tàn sát hàng ngàn dân thường, trong đó phần lớn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con. Gia đình bạn tôi có bốn người là bố mẹ già, vợ và một đứa con gái nhỏ đã bị chúng giết hại một cách dã man. Nhân hôm nay, 17/2/2013 là ngày giỗ lần thứ 34 của những người ruột thịt trong gia đình anh ấy, tôi xin gửi tới quý báo vài dòng cảm thương để sẻ chia với những mất mát đau thương mà anh ấy đã phải chịu đựng trong hàng chục năm qua. Cũng nhân dịp này, tôi xin phép được nhắc lại một lời dặn của Cố TBT Lê Duẩn của đảng Cộng Sản Việt Nam: “Giặc Tàu là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm nhất của Dân Tộc Việt Nam!”

 
Tình em biển cả hiền hòa

 
Sinh ra bên bờ Biển Đông
Lớn lên bắt tôm bắt cá
Xa em những chiều nắng hạ
Thuyền anh biển cả phiêu bồng
 
Em ơi đừng đợi đừng mong
Hay đâu biển chiều tím biếc
Bão giông ập vào ai biết
Thuyền anh có vẹn toàn không?
 
Một lần dạt vào đảo vắng
Trông như hòn vợ hòn chồng
Nguy nan rồi anh mới hiểu
Chỉ mình em đợi chờ trông

Cưới xong, anh ra mặt trận
Mình em chăm mẹ chăm cha
Trường Sơn nhiều đêm thức giấc
Gặp em trong mộng xót xa!

Ngờ đâu ngày về đoàn tụ
Hay tin giặc giết em rồi!
Quân Tàu tràn qua Móng Cái(1)
Dã man giết cả con tôi!
 
Mẹ già giặc thả sông trôi
Xác cha vứt ngoài bờ giậu
Cộng Sản ư? Quân khát máu!
Lẽ nào trời đất dung tha?

Em lo vớt mẹ cứu cha
Khóc con mà ra nông nỗi
Em ơi, chính anh có tội!
Dối em: “Vô sản một nhà!”

Ngày xưa yêu anh em hát
Muôn năm Việt Nam-Trung Hoa!(2)
Giờ đây cô đơn anh khát
Tình Em Biển Cả Hiền Hòa!

 
     Hà nội, 13/ 1 /2011
       Đặng Huy Văn

 
(1) Sáng sớm ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc đã bất ngờ
tràn qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc của nước ta tàn sát hàng ngàn
dân thường trong đó phần lớn là ông bà già, phụ nữ và trẻ con.
 (2) Trích lời một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.


Khai Dân TríĐặng Huy Văn

NỖI ĐAU 17 THÁNG HAI

Lời Tác Giả: Những năm từ 1977 đến 1984, trường tôi có một vài lớp đại học tại chức tại tỉnh Cao Bằng. Tháng 11/1978, tôi đã lên thị xã Cao Bằng dạy học. Lớp tôi dạy khoảng 40 sinh viên phần lớn là cán bộ đang làm việc tại địa phương đi học. Nông Thi Thà là một nữ sinh viên trẻ trong lớp đó, tuổi mới 24 người dân tộc Tày xinh xắn quê tận trên Hạ Lang sát biên giới Việt Trung. Cuối tháng 3/1979, sau khi Tàu vừa rút khỏi Cao Bằng thì tôi lên dạy kì tiếp theo nhưng không còn được gặp lại cô sinh viên xinh đẹp đó nữa! Có thể cô ấy đã bị quân Tàu giết hại rồi vứt xác đâu đó, cũng có thể cô ấy bị giặc Tàu làm nhục nên đã quyên sinh? Cho đến tận bây giờ vẫn chưa có thông tin nào về số phận của cô sinh viên xinh đẹp Nông Thị Thà của tôi! Tôi căm thù bọn công sản Trung Quốc xâm lược đến tận xương tủy vì nhiều lẽ, mà một trong những lẽ đó có thể vì những người thân thiết của tôi ở Cao Bằng vào tháng 2 và tháng 3 năm 1979 đã bị giặc Tàu hãm hại một cách dã man như thời Trung Cổ!

 
NỖI ĐAU 17 THÁNG HAI
 
(Lời nhắn tới một nữ sinh viên bị mất tích)
 
Thà ơi!
Cả lớp học tập trung rồi
Nay chỉ thiếu mỗi mình em
Giặc Tàu vừa rút đi
Nên cũng có vài sinh viên đến muộn
Nhưng hôm nay cả lớp tới đủ rồi
Chỉ còn mình em chưa xuống
Hay em gặp chuyện chẳng lành
Mà thầy không biết, em ơi!

Các bạn thưa
Do quân Tàu đến bất ngờ
Có thể em không chạy kịp
Cũng có thể em đã bị giặc Tàu bắn chết?
Nhưng biết đâu chúng đã giam em
Để thay nhau hành hạ xác thân?
Rồi ném xác em xuống lòng suối Hòa An!
Các bạn đã tìm đến tận văn phòng
Nơi trước tết em đến đây làm việc
Đã về cả nhà em ở Hạ Lang
Xem mế em có biết?
Quân Tàu đã rút đi hai tuần rồi
Mà không ai biết tin em!
Cả lớp chẳng rõ nay em ở đâu
Đang nhao nhác đi tìm

Rồi từ Hòa An tin về
Có một giếng thây người!
Tại xã Hưng Đạo, thôn Tổng Chúp(*)
Xác chồng chất rữa nát!
Hàng chục xác người bị chém phanh
Ngoài bờ khe vứt rải rác
Các bạn đã đến tận nơi
Mà không nhận dạng được xác em!

Có tin hôm 16/2/1979
Em lên Chợ Phục Hòa thăm bạn
Nhưng bạn gái em ở Phục Hòa
Hôm 28/2 cũng đã bị giặc phanh thây!
Vậy sáng sớm ngày 17/2 em ở đâu
Giờ biết hỏi ai đây?

Thầy chỉ nhớ như mơ
Những chiều trên bục giảng
Ngay giữa thị xã Cao Bằng
Giảng đường cũng khang trang
Em thường ngồi bên cửa sổ
Và chăm chăm nhìn lên bảng
Má ửng đỏ mắt đen huyền
Hồn đâu đó xa xăm...

Giờ đây vắng em!
Và giảng đường xưa
Cũng đã bị giặc Tàu đập nát
Cả thị xã Cao Bằng nay chỉ là
Bãi gạch vụn giữa tan hoang xơ xác
Những sinh viên ngồi co ro
Trong gian nhà tạm lợp gianh
Bục giảng bằng đất, bàn ghế thầy
Là mảnh ván vỡ ghép thành
Bàn ghế của sinh viên
Chỉ làm tạm bằng tre nứa
Nhưng cái trống vắng khôn cùng
Là em không còn đó nữa!
Bên cửa sổ của “Giảng đường”
Đâu đôi mắt huyền đen?
 
Ôi Thà ơi em mau về đi học!
Cả lớp thương nhớ em
Nhiều đêm thầy cũng khóc
Mế già rồi sao có thể xa em?
Hạ Lang mùa xuân khe nước chảy êm đềm
Vẫn nhớ em những chiều ra suối tắm
“Chiều Biên Giới em ơi!” Lời ca ai say đắm?
Như gọi hồn người Tử Sĩ Biên Cương
Đã bỏ mình vì Đất Mẹ mến thương!
 
Nỗi đau 17 Tháng Hai
Là tiếp nối nỗi đau thương truyền kiếp!
Trong lời nhắn nhủ tới cháu con
Truyền lại tự ông cha
Nay lũ Chiêu Thống cố tình quên
Chỉ vì chức quyền và tiền bạc
Mà ôm chân bọn cộng Tàu
Bán đứng cả Hoàng Sa!
Rồi sẽ đến ngày
Những oan hồn dân Việt
Sẽ treo cổ lũ các ngươi
Để đòi nợ nước
Trả thù nhà!

 
Hà Nội, 17/2/2013
Ts. Đặng Huy Văn


(*) Sáng sớm ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã cho gần nửa triệu quân tràn qua 6 tỉnh Biên Giới Phía Bắc nước ta từ Quảng Ninh đến Lao Cai. Lào Cai, Sapa, Ðồng Ðăng, Lạng Sơn...bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng, quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Ðạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 2 đàn ông, 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối cạnh giếng.


Khai Dân TríĐặng Huy Văn

2013/02/17

Thế lực Do Thái hay thế lực tài phiệt ?


   Khách Quan

Có một nhận xét rất chí lý : Nhà mình, vợ mình, con mình, mình phải lo, không thể đổ thừa cho ông hàng xóm; ngoại trừ khi : gia đình mình là nô lệ của ông hàng xóm.

   Nhưng, ông GS Nguyễn Ngọc Huy của Phong Trào "Quốc Gia" Cấp Tiến và là chính khách lớn của Việt Nam Cộng Hòa thì lại cứ thích đổ thừa cho ông hàng xóm ! Thật là quái đản cho "trí thức" cao cấp của mình.

   Đúng là có thế lực Do Thái chi phối chính trường Mỹ, nhưng nếu mình đủ sức độc lập, không lệ thuộc người ta như chủ vói tớ, người ta bỏ rơi, mặc kệ nó, có sao đâu. Giờ đây, cứ nhây nhây biện hộ cho kiếp nô thuộc như sau đây thì thật là hèn hạ và chỉ tiếp tục làm nhục con cháu mai sau mà thôi :
   "Quả nhiên, chỉ sau đó chưa đầy một năm, Kissinger đã dùng đủ mọi mánh khóe, kể cả đe dọa tánh mạng các cấp lãnh đạo VNCH, thành công trong việc ép buộc VNCH ký kết Hiệp Định Paris vào ngày 27.1.1973 để quân đội Hoa Kỳ được an toàn rời khỏi miền Nam".
 
 
Cái nhìn về thế lực Do Thái như ông GS Huy nhìn chỉ là thấy cái phần rất nhỏ trong sự chi phối chính trường nước Mỹ của các thế lực tài phiệt. Thậm chí, ông GS Huy còn không nhận ra kỹ thuật lắc léo để yểm trợ Do Thái như ông nhận định. Thí dụ :
Nếu không thu được một chiến phí khổng lồ 300 tỉ đô la ở chiến tranh VN (từ tiền thuế của dân Mỹ), tiền đâu để duy trì sức mạnh tài phiệt, tiền đâu để ổn định kinh tế và việc làm, tiền đâu để các công ty vũ khí của tài phiệt tái đầu tư nghiên cứu và sản xuất ra những vũ khí mới thật tối tân hầu yểm trợ cho nước Do Thái ?
  
Nhưng, quan trọng hơn là cần phải nhìn thấy một bàn cờ lớn như là một game chơi riêng của các thế lực tài phiệt đã an bài để tiếp tục buộc dân các nước nhược tiểu phải phục vụ cho quyền lợi của họ như nhận định sau đây :
 
Đồng ý có yếu tố Do Thái trên chính sách ngoại giao Mỹ, theo đó là các quyết định trong quan hệ Mỹ Việt. Nhưng,"quan hệ" nôm na là để "làm ăn". Tại sao chỉ là Do Thái mới biết làm ăn mà không phải là các tập đoàn kinh doanh nói chung ? Chả lẽ, chỉ có người Do Thái mới biết kinh doanh hay làm ăn lớn ?
   Trong khi đó, kết hợp với các dữ kiện đã nói rằng, Cộng Sản Liên Sô và Cộng Sản Tầu đều do các tập đoàn kinh doanh Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng (*), lại kết hợp với những phương tiện thống kê, đo lường và tiên đoán hết sức chính xác của thế lực này, tại sao chúng ta không nhận ra rằng :

   . Dựng lên Cộng Sản (CS) và nuôi dưỡng CS, lại tuyên truyền và phát động dân nhược tiểu chống CS, tất cả đều xuất phát từ một nguồn gốc là các tập đoàn kinh doanh.
 
   . Bởi thế : Nuôi và chống Cộng là trò chơi (game) để kinh doanh "làm ăn". Kinh doanh để kiếm lời tiền quyền.
 
   . Bởi thế : Trong game chống Cộng, dân nhược tiểu chỉ là quân cờ, cho nên sự thắng bại không do nỗ lực chiến đấu của các quân cờ chống Cộng nhược tiểu, nhưng là do lợi ích của các tập đoàn bầy ra trò chơi.

   . Từ trước năm 1917, họ, các tập đoàn kinh doanh Mỹ, đã bắt đầu cuộc chơi, đã giúp cho CS Liên Sô những khoản tiền kếch xù để chiến thắng, tồn tại và phát triển.

   . Năm 1946, họ, các tập đoàn kinh doanh Mỹ, lại dựng lên CS Tầu, đuổi người "Quốc Gia" ra Đài Loan.

   . Năm 1971**, họ bắt đầu vỗ béo CS Tầu. Khi vỗ béo Tầu, với phương tiện thống kê, đo lường và tiên đoán chính xác, chắc chắn họ phải biết : Khi CS Tầu béo lên, chúng sẽ phải quậy khắp Biển Đông và thế giới chung quanh. Đó sẽ là lúc thuận lợi để họ  "ra tay nghĩa hiệp". :

   . Tại sao, Tầu nó nói, Biển Đông và Điếu Ngư là của Tầu từ ngàn năm trước, nhưng trước kia không đòi, nay mới đòi ? Họ có biết điều này không ? Chắc chắn là họ biết, biết trước khi nuôi bọn Tầu béo lên.

   . Cuộc chiến VN, họ đã có doanh thu cỡ 300 tỉ USD (trong đó, số bom đạn tiêu thụ được nói tương đương hoặc hơn cả ở thế chiến 2 !). "Ra tay nghĩa hiệp" lần này, chắc chắn doanh số của họ sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần.

   . VN sẽ là một công cụ tốt để tiêu thụ chiến phí một khi họ đã kiểm soát được VN qua trung gian của chế độ đa đảng. (Bởi vì, với đô la và gián điệp, khó tưởng tượng nổi có một đảng nào dám không thuận làm tay sai cho họ). Lúc đó : lòng "tự hào dân tộc" của Việt và Tầu sẽ bị kích động tối đa, VN lại bị họ đánh một lần nữa qua bàn tay Tầu, nhưng VN lại đánh Tầu bằng vũ khí "viện trợ" của họ (cho chế độ đa đảng), tồn kho vũ khí khổng lồ từ thời chạy đua vũ trang sẽ được tung ra; thế là sự tàn phá sẽ vô cùng khủng khiếp, nhân đạo hay nhân quyền cũng chỉ là trò chơi, nhưng chẳng hề chi khi chiến phí khủng khiếp đã được tiêu thụ (chiến phí khủng khiếp khiến cho những chiến phí trước kia như ở Iraq, Afghanistan, Lybia, … sẽ trở nên rất nhỏ bé.)
 
   . VN và CS Tầu, đều là những quân cờ trong cuộc chơi mà họ nắm quyền chủ động. VN hay CS Tầu, ai thắng hay bại, có lẽ họ không cần quan tâm.

   . VN và CS Tầu có thấy cái bẫy sập trong cuộc chơi của họ đang giăng ra không ? Chắc chắn thấy, nhưng hình như cả hai đều vô phương chống đỡ lâu dài trước những sức ép kinh tế, nhân quyền, dân chủ các đòn phép tinh vi khác của họ. Với bọn Tầu, chuyện rơi vào bẫy còn dễ hơn, bởi khi đã béo thì càng hung hăng và càng hung hăng thì càng bị họ khích để rơi nhanh vào bẫy.

   . Vấn đề quan trọng : lịch sử bang giao Tầu Việt sẽ mãi mãi cung cấp cho họ những cơ hội đặt ra những cuộc chơi tiếp theo để "làm ăn"
   Kịch bản này, tại sao không thể ?
   
   Thế thì,  phải hay không phải : mọi rối loạn hiện nay giữa Tầu và Việt Nam cùng các nước ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á đều nằm trong ý đồ chiến lược "làm ăn" của các tập đoàn kinh doanh ? Đúng hay không đúng : có rối loạn thì họ mới làm ăn được ?
    
   Như vậy, thái độ yêu nước của chúng ta sẽ  ra sao cho đúng với các giá trị đích thực của dân chủ và nhân quyền hầu giữ cho được sự độc lập chủ quyền quốc gia, tránh khỏi bị làm nô lệ dưới những bình phong hoa mỹ ?
  
   Khách Quan