Cướp đêm là giặc, cướp ngày là
quan
Nhân dịp chính phủ ban hành Nghị Định về minh bạch tài sản, thu nhập của
công chức các cấp và ủy ban Tư Pháp của Quốc Hội VN đã tổ chức phiên điều trần
về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan
hành chính nhà nước, hãy nhìn qua tình hình tham nhũng hiện nay biến chuyển như
thế nào.
Thưa bạn, câu tục ngữ “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan” đã có từ ngàn
xưa, ông cha ta để lại qua những kinh nghiệm thực tế các cụ đã sống. Trộm cướp
vốn là nỗi lo sợ chung của xã hội từ lâu đời chứ chẳng phải bây giờ mới có. Khác
nhau chăng là thời thanh bình, dân cư an lạc, mọi tệ nạn ít hơn, thời nhiễu
nhương thì sinh đạo tặc như rươi. Kể cả cướp ngày và cướp đêm. Phải nói thẳng là
đất nước ngày nay không có chiến tranh, đang sống trong “hòa bình” nhưng ngược
lại “đạo tặc” lại nhiều vô kể. Hành động cướp của giết người ngày càng táo bạo,
man rợ chưa từng bao giờ xảy ra. Chỉ cần cướp 1 chiếc xe gắn máy của người đi
trên con phố vắng là vài tên cướp sẵn sàng khua mã tấu chém xối xả vào nạn nhân
rồi cướp xe tẩu thoát. Chúng không từ thủ đoạn dã man nào không dùng. Đến chuyện
bắt trộm chó, chuyện ăn cắp vặt mọi lúc mọi nơi, xông vào nhà cướp từ cái điện
thoại của trẻ con, cứ xảy ra như cơm bữa, ngày nào báo chí cũng đầy rẫy những
chuyện trộm cướp đủ mọi kiểu, đủ mọi thủ đoạn.
Thậm chí hiện nay một số địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như
Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre... đang phải rào làng để phòng chống trộm cắp. Còn ở
thành phố, có những con hẻm lớn, cách TP không xa, dù giữa ban ngày, nhìn vào
nhà nào cũng đóng cửa im lìm, họ không tiếp xúc với người lạ, cần gì thì đứng
ngoài cửa nói vào sau khe cửa sắt.
Tình trạng an ninh ở khắp nơi đã đến hồi báo động đỏ. Dù cho các cơ quan
an ninh kể cả dân phòng và những anh chàng ăn cơm nhà vác ngà voi, được gọi là
“hiệp sĩ bắt cướp” đã làm hết sức mình cũng không ngăn chặn được. Đó là hệ quả
của nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, “đói ăn vụng túng làm liều,” khó có chỗ
đứng cho những con người lương thiện.
Nạn trộm cướp đó giấu mặt nên liệt vào loại “cướp đêm.” Còn một thứ cướp
công khai, cướp có quyền lực, có “cơ sở,” mang luật pháp ra bảo vệ, không sợ bất
cứ ai, đó là “cướp ngày.” Một điều khác biệt nữa là bọn “cướp ngày” lại là những
tên giàu có, không hề túng thiếu, chúng thừa thãi đủ thứ, nhưng lòng tham là
không đáy nên càng ngày chúng càng muốn giàu thêm, dù là giàu có trên nỗi đau
khổ của người khác bất chấp những con người nghèo khổ đó là người cùng làng cùng
xóm, có thể là bà con anh em họ hàng xa gần của mình. Nạn “cướp ngày” âm thầm,
mới thật là đáng sợ. Chúng “cả vú lấp miệng em,” che đậy cho nhau, ém nhẹm mọi
tiếng kêu cứu nên hàng trăm vụ mới có một vụ cất lên được tiếng nói và … hy vọng
được mang ra xét xử.
Hãy lấy một thí dụ gần đây nhất, một vụ “cướp ngày” vừa được cất tiếng.
Cần phải nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là “hòn đất cất tiếng” còn được xử như thế
nào là chuyện “hạ hồi phân giải.” Hòn đất biết đi!
Ngày 19-7, hơn 10 gia đình dân ở thôn An Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp về việc đất đai đang canh tác của họ đã bị Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã Tịnh An đem cho người khác thuê.
Ông Trần Anh Tuấn bên thửa
đất của mình đã bị UBND xã Tịnh An đem cho người khác thuê trồng
dưa
Ông Trần Anh Tuấn, ở thôn An Phú, cho biết: Năm 1989, ông được nhà nước
cấp 389 m2 đất nông nghiệp. Đến năm 2004, cơ quan chức năng cấp sổ đỏ công nhận
quyền sử dụng diện tích đất nói trên cho ông đến năm 2017. Vì thửa đất trên
thuộc bãi bồi ven sông nên mỗi năm ông chỉ canh tác một vụ đông xuân, còn những
vụ khác để trống.
Đến cuối tháng 12-2012, như thường lệ, ông đưa thiết bị ra để chuẩn bị
mùa canh tác mới thì phát hiện trên thửa đất của mình đã bị ai đó trồng dưa hấu,
sắp đến kỳ thu hoạch. Những tưởng người khác canh tác nhầm trên đất của mình,
ông Tuấn hỏi chủ ruộng dưa thì được biết toàn bộ diện tích đất ở bãi bồi đã được
UBND xã Tịnh An đem cho một số người khác thuê. Chủ ruộng dưa còn đưa ra bản hợp
đồng thuê đất với UBND xã Tịnh An, do ông Phùng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã,
ký; thời hạn thuê đất là gần 1 năm.
Đất canh tác biết chạy” tới 300m
Quá bực tức, ông Tuấn nhiều lần đến xã yêu cầu phải hủy hợp đồng, trả đất
lại cho ông nhưng vẫn không được giải quyết. Sau đó, ông gửi đơn khiếu nại lên
UBND huyện Sơn Tịnh. Phòng Địa chính huyện Sơn Tịnh cử người về đo đạc lại thửa
đất. Sau khi đo, cán bộ phòng này lại bất ngờ chỉ đất của ông nằm cách mảnh đất
cũ... 300 m!
Ông Tuấn phân trần: “Đất của tôi canh tác đã nhiều năm, sao lại chỉ lung
tung như vậy? Nếu UBND xã Tịnh An muốn cho người khác thuê hoặc thu hồi mảnh đất
này thì ít ra phải thông báo cho tôi biết chứ không thể tùy tiện muốn làm gì thì
làm. Khi sự việc được phát hiện, lẽ ra phải trả đất lại cho chúng tôi làm ăn
nhưng họ lại chỉ đất của chúng tôi ở... đâu đâu.”
Không riêng gì đất của ông Tuấn, tổng cộng 18 gia đình dân ở thôn An Phú
có đất liền kề với đất của ông Tuấn cũng bị UNND xã Tịnh An đem cho thuê, tổng
diện tích hơn 4.000 m2.
Cho thuê... nhầm
Về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Danh, người trực tiếp ký các hợp
đồng cho thuê đất với bên ngoài, ông Danh cho rằng không có chuyện UBND xã Tịnh
An lấy đất của dân cho thuê. Theo lời ông Danh, sở dĩ người dân “bức xúc” là vì
họ không biết được diện tích thực đất của mình ở đâu. Thế nhưng, ông Danh thừa
nhận “trong số 18 gia đình, chỉ có 4-5 gia đính bị xã cho thuê nhầm nhưng xã đã
thỏa thuận với họ rồi!.” Trước thông tin này, những người dân trên đều phủ nhận
việc xã có thỏa thuận với họ về việc cho thuê đất.
Không đồng ý với cách giải quyết của UBND xã Tịnh An, những người
dân có đất bị lấy cho thuê tiếp tục làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Sơn Tịnh và
những cấp cao hơn để đòi lại quyền lợi. Một số người dân nói: “Nếu xã đã thương
thảo, chúng tôi đã đồng ý thì làm gì có chuyện chúng tôi phải khiếu nại. Hơn
nữa, diện tích đất của chúng tôi đã được quyền canh tác hơn 20 năm qua thì chúng
tôi biết rõ nó nằm ở đâu. Cán bộ địa phương không thể làm sai rồi lấp liếm bằng
một cái sai khác.”
Rồi con heo nái ở xã Tịnh An biết... leo cây!
-
Ban Cà phê sáng bình luận: Chú Tuấn ơi, tại chú không biết đó chứ! Đất của chú
và những bà con khác tự nó “biết đi” đó. Vài bữa nữa chú sẽ thấy con heo nái ở
cái xã Tịnh An nó biết leo cây cho xem!
Đó là một trong số hàng trăm, hàng ngàn vụ tương tự
mà thôi. Không biết người dân được gì hay lại mất thêm vì một thứ “luật vua thua
lệ làng” nào đó hay nó chìm xuồng luôn chưa biết chừng.
Giam lỏng dân cho người khác lấy đất
Một trường hợp khác như hai gia đình ông Ấu Viết Tấn, Ấu Viết Phấn (ở
thôn Nà Pàn, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc) đã gửi hàng trăm lá đơn lên các cơ quan,
ban ngành của tỉnh Lạng Sơn yêu cầu làm rõ những khuất tất ở dự án như: “Công
khai quy hoạch dự án, làm rõ chỉ giới, mốc giới làm đường, cấp đất tái định cư
cho dân, chi trả tiền đền bù cho người dân theo đúng chế độ, chính sách quy định
hiện hành....” Các hỏi đáp, thắc mắc khiếu nại, tiền đền bù... của gia đình hai
ông đều bị chìm vào quên lãng.
Ngày 8-4-2013, một nhóm người đã đến bảo vệ thi công, cày xới, phá nát
hiện trạng của khu đất, gây bất bình dư luận. Để gia đình dân không làm gì được,
chính quyền huyện Cao Lộc đã “giam lỏng” 6 người nhà của hai gia đình mà không
một lời giải thích; khi những người này về nhà thì cả khu đất đã bị san
phẳng.
Trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọt còn bi đát hơn. Bất chấp đơn
kêu oan của người dân và xác nhận của hàng chục cán bộ, UBND huyện Kiên Lương
tỉnh Kiên Giang vẫn ra quyết định trái pháp luật thu hồi đất cửa vợ chồng ông
Nguyễn Văn Ngọt. Sau năm tháng bị tạm giam, ông Nguyễn Văn Ngọt (SN 1932, ở tại
ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương nay là huyện Giang Thành, tỉnh Kiên
Giang) được trả tự do. Một phần khu đất bị thu hồi được chính quyền địa phương
cho thuê mỗi năm, thu lợi hàng trăm triệu đồng. Có người bị mất đất đi kiện tới
20 năm mà vẫn chưa mang lại kết quả nào. Làm sao kể hết những nỗi thống khổ
này.
Chính vì những cái gọi là “bức xúc” – đúng ra phải gọi là những “uất ức”–
của quá nhiều người dân nông thôn nên những vụ khiếu kiện cứ kéo dài dằng dặc
không có hồi kết. Ấy vậy mà trong kỳ họp Quốc hội mới đây, hai bộ có liên quan
nhiều nhất đến vấn đề này lại “tự nhiên như người Hà Nội” báo cáo không tìm được
vụ tham nhũng nào. Thế mới “lọa”!
Bộ nào nhiều tham nhũng nhất?
Ngày 18-7 vừa qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội VN đã tổ chức phiên điều
trần về việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ
quan hành chính nhà nước.
Trình bày báo cáo đánh giá chung về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng
Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trung bình mỗi năm, toàn ngành
thực hiện trên 10.000 cuộc thanh tra lớn nhỏ.
Kết quả thanh tra cho thấy ở các lĩnh vực nóng như tín dụng, ngân hàng,
tham nhũng biểu hiện ở các hành vi ép buộc khách hàng phải cắt lại phần trăm cho
vay, nhận hối lộ để hợp thức hóa hồ sơ xin vay không có tài sản thế chấp; thông
đồng với đối tượng lập hợp đồng khống, nâng giá tài sản thuê mua để rút tiền của
ngân hàng.
Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tham
nhũng chủ yếu diễn ra trong việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu
hồi và giao đất, cấp phép khai khoáng...
Tại phiên giải trình đó, báo cáo trước các cơ quan của Quốc hội, đại diện
Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết tình hình tham
nhũng, tiêu cực hiện vẫn rất phức tạp, ngày càng tinh vi, các vụ trong lĩnh vực
kinh tế ngày càng tăng. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính, ngân hàng xếp đầu bảng về
tội phạm tham nhũng, kế tiếp là tài nguyên đất đai.
Hai bộ quan trọng nhất không có tham nhũng
Tuy nhiên, điểm lại báo cáo của các bộ, ngành, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, có hai bộ là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ báo cáo, không phát hiện thấy tham nhũng, tiêu cực trong ngành mình trong nhiều năm qua (?!).
Thông tin này ngay lập tức đã nhận được nhiều phản hồi không đồng thuận từ báo giới và dư luận, trong bối cảnh đây là hai lĩnh vực khá nhạy cảm, tiềm ẩn những tiêu cực, tham nhũng.
Đặc biệt, theo báo cáo của chính Bộ Tài nguyên và Môi trường thì khiếu
kiện, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn chiếm đến 70%. Trong khi đó, báo cáo 6
tháng của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra rằng, hầu hết các tố cáo đều tập trung
vào những sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức.Ngay sau báo cáo của hai bộ
Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào
khẳng định: “Người dân ai cũng biết rằng tham nhũng trong quản lý đất đai là
chắc chắn là có, nếu ai đó nói không có, thì chắc là không ai người ta nghe
đâu!.”
Ông Hào nói đúng nhưng chưa hết. Dân không những không nghe còn bịt mũi
cười và chẳng còn chút niềm tin cuối cùng nào vào những báo cáo của các quan to
quan nhỏ cũng trôi tuột theo cơn mưa đầu mùa. Ai còn tin vào những vị ngồi bàn
giấy vẽ rắn thành rồng nữa. Một chuyện sờ sờ trước mắt, từ quan lớn quan nhỏ đến
dân đen cả nước cùng biết, và biết rất rõ, thế mà còn nói ngược được thì báo cáo
nào chẳng dám làm. Có khi mấy ông này báo cáo dân VN bây giờ là dân sướng nhất
thế giới, cả thế giới muốn đến VN lập nghiệp chứ không phải đến để ngắm chân dài
VN, giá rẻ hơn ở Mỹ. Phục các ông thật.
Tham nhũng ngày càng tinh vi hơn
Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định để xảy ra hàng loạt sai phạm trên,
nguyên nhân một phần do sự chỉ đạo chưa quyết liệt, kỷ cương, kỷ luật không
nghiêm. Trong khi đó, thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội vẫn còn sơ
hở, bất cập, chưa minh bạch, chưa giảm được các thủ tục có thể làm nảy sinh tham
nhũng. Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng vẫn hạn
chế, vướng mắc trong xử lý trách nhiệm người đứng đầu, chuyện công khai minh
bạch vẫn còn hình thức.
Cổng rào ở
ấp Thới Bình, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ để đối phó với nạn trộm cắp
hoành hành
Ông Tranh nhấn mạnh: “Những việc làm đúng không được đề cao và bảo vệ.
Trong khi đó, hành vi sai sót, vi phạm thì lại không được phê phán hay xử lý
nghiêm minh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan thanh tra không phát
hiện ra tham nhũng nhưng báo chí và người dân lại phát hiện được.” “Thực tế cho
thấy quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn và tinh vi hơn.”
Nhìn vào hàng loạt những cái được gọi là “tồn tại” trên đây, người ta
phát sợ. Nhất là “những việc làm không đúng được đề cao bảo vệ,” tự nó đã xóa sổ
luật pháp, sinh ra một thứ luật rừng ngầm mới. Anh nào làm sai thì sống làm đúng
thì chết. Và “hành vi sai sót vi phạm không được phê phán xét xử nghiêm minh”
chính là thứ vũ khí bảo vệ, khuyến khích tham nhũng. Chẳng khác nào nói “Cứ ăn
đi, ăn mạnh vào, không ai đụng tới anh đâu.”
Bệnh hình thức
Báo chí và người dân
không thể làm thay việc của cơ quan thanh tra được. Nhưng thanh tra lại thừa sức
làm vai trò của báo chí và người dân. Có lẽ thời nay cần nhiều hơn những Bao
Công và những vị lãnh đạo cấp cao chịu khó “vi hành” sống với dân, hết mình vì
nhiệm vụ chứ chưa nói đêm quên mình vì nhiệm vụ, chịu khó nghe dân nói, nhìn dân
làm, tìm ra những “tinh vi” của tham nhũng, những kẽ hở của luật pháp để bọn
tham nhũng lợi dụng.
Chỉ có người dân mới
biết hết những mánh lới, những thủ đoạn “tinh vi” xảo quyệt của bọn quan tham.
Từ đó phát sinh những oan ức thấu trời xanh mà người dân lâu nay phải gánh chịu.
Nếu tất cả các cơ quan thanh tra chịu khó làm được như thế thì bao nhiêu mánh
lới của cả phe nhóm quan tham đều có thể “nắm” được, oan ức của người dân được
làm sáng tỏ. Còn để những tai tiếng cứ âm thầm trong lòng mọi người dân thì mọi
chính sách, mọi lời nói của các quan đều là vô ích. Các chủ trương đúng nhất
cũng không thực hiện được đừng nói đến những luật lệ gà mờ mà các quan thường
gọi là “thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội vẫn còn sơ hở, bất cập,
chưa minh bạch“.
Nếu không làm được như
vậy thì mãi mãi công khai tham nhũng vẫn chỉ là bệnh hình thức làm cho đẹp như
bao nhiêu cái “cổng chào” khác mà thôi.
Tôi đi hối lộ
Thanh tra Chính phủ phối
hợp với Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức tại Hà Nội cuộc thi sáng tạo phòng chống
tham nhũng. Trong hai ngày diễn ra chung kết cuộc thi có sự góp mặt của một nhân
vật đặc biệt. Đó là ông T.R. Raghunandan, 54 tuổi đến từ Ấn Độ.
Ông Thoniparambil
Raghavan Raghunandan – người sáng lập website Ipaidabribe.com - tạm dịch là “tôi đi hối
lộ”
Ông được biết đến như
một người truyền cảm hứng cho hàng chục ngàn người dân chống lại tham nhũng. Đề
tài và cách làm của ông rất giản dị nhưng mang lại nhiều kết quả rất đáng chú ý
tại một nước cũng nhiều tham nhũng như Ấn Độ.
Kể Chuyện đi hối
lộ
Ông Raghunandan chia sẻ:
“Trong khi các quan chức không chịu thừa nhận hối lộ hoặc chúng ta khó khăn để
làm việc đó thì hãy để người dân lên tiếng.”
Chống tham nhũng không chỉ là khẩu hiệu mà phải đi vào thực tế cốt lõi của hành
động
Ông Raghunandan cho biết
thêm: “Qua câu chuyện của người dân, chúng tôi ghi nhận về tình huống hối lộ, số
tiền bao nhiêu, nếu chỉ 5 trường hợp thì không thành vấn đề nhưng có 500 trường
hợp thì rõ ràng nó đã chỉ ra một xu hướng về đưa nhận hối lộ. Qua đó, chúng tôi
lập báo cáo gửi đến Chính phủ, hoặc cơ quan phòng chống tham nhũng để khuyến
nghị.” Với cách làm này, trang mạng “Tôi đi hối lộ” đã tác động tích cực tới
chính quyền trung ương lẫn địa phương tại Ấn Độ, giúp hiệu chỉnh nhiều chính
sách, quy trình dễ xảy ra tham nhũng.
Về việc Việt Nam đã có
24 sáng kiến chống tham nhũng trong năm 2013 của cuộc thi, ông Raghunandan bày
tỏ sự thú vị đối với một số sáng kiến như “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác
nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng” của Khoa
Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền để sinh viên báo chí tiếp cận, học
tập, thực hành kiến thức, kỹ năng báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng. Hoặc
Đề án Cổng thông tin điện tử Tôi đi hối lộ (www.toidihoilo.com), tương tự như Ấn
Độ đã làm... Ông Raghunandan nói: “Nếu coi tham nhũng là những con muỗi thì anh
có đập chết một trăm con muỗi cũng sẽ có một trăm con muỗi khác thay thế, cho
nên điều kiện cần phải thay đổi môi trường ở đó để không phát sinh những con
muỗi khác.”
Những chuyện giản dị mang lại hiệu quả rất cao
Theo ông Raghunandan, chống tham nhũng không cần phải “đao to búa
lớn” mà chỉ cần những việc làm rất nhỏ nhưng thiết thực, gần gũi với đời sống và
sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Điều quan trọng nhất, theo ông, thành công của các
sáng kiến phòng chống tham nhũng phụ thuộc rất nhiều vào mức độ cởi mở của Chính
phủ, ngoài việc huy động người dân tham gia chống tham nhũng thì chính quyền cần
có những động thái tích cực, nếu không việc chống tham nhũng chỉ là hình
thức.
Có lẽ đó là một sáng kiến rất hay trong hoàn cảnh của VN hiện nay.
Cần phải có một cổng điện tử riêng, độc lập, có địa chỉ e mail rõ ràng để người
dân kể chuyện mình đã đi hối lộ ai, hối lộ như thế nào là điều nên làm. Chính
những câu chuyện giản dị, tưởng như là “lẩm cẩm” này lại mang đến hiệu quả nhất
khiến bọn quan tham phải e dè với một điều kiện là chính phủ phải thật sự chú ý
đến nó trong “quốc sách chống tham nhũng.”
Văn Quang
Khai Dân Trí | Văn Quang |