Thư gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 9 tháng 12 năm 2015
Thưa quý vị,
Chúng tôi, những người
ký tên dưới đây, hết sức trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước, thấy cần
gửi tới Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI cùng các đại biểu
dự Đại hội XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam một số suy
nghĩ và yêu cầu bức thiết phù hợp với ý nguyện của đông đảo nhân dân
trong nước và người Việt ở nước ngoài.
1- Qua 30 năm đổi mới, Việt
Nam từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển ở trình độ
trung bình thấp với những tiến bộ về kinh tế và đời sống nhân dân, về
thực hiện các “Mục tiêu thiên niên kỷ” do Liên Hiệp Quốc đề ra. Tuy
nhiên, so với nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực (trong đó có
những nước cách đây không lâu còn ở trình độ phát triển ngang hoặc kém
nước ta), Việt Nam đã tụt hậu xa hơn cả về kinh tế, khoa học công nghệ
và giáo dục, đặc biệt là về năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh
tranh của nền kinh tế. Thực trạng kinh tế đang có nhiều bất ổn (nổi lên
là ngân sách và cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt nặng kéo dài, nợ
công tăng quá nhanh); nhiều tài nguyên bị khai thác cạn kiệt; môi trường
bị tàn phá và ô nhiễm nghiêm trọng; văn hóa xuống cấp; đạo đức xã hội
bị băng hoại; nhân dân ngày càng mất lòng tin vào thể chế chính trị.
Mặt
khác, Trung Quốc ngày càng ngang nhiên thực hiện mưu đồ bành trướng,
hòng biến nước ta thành một chư hầu kiểu mới, liên tục xâm phạm chủ
quyền và lãnh thổ của nước ta cả trên biên giới đất liền và biển đảo,
tăng sự uy hiếp và chi phối đối với nước ta trên nhiều mặt. Thời gian
gần đây, trong khi vẫn dùng những lời hoa mỹ về hòa bình, hữu nghị, nhà
cầm quyền Trung Quốc đã có những bước leo thang thực hiện mưu đồ bành
trướng trên Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, không chỉ trắng trợn
xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn gây bất ổn cho hòa bình, an ninh,
hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh
đó, hầu hết các nước đều mong muốn và ủng hộ Việt Nam độc lập, phồn
vinh, ngăn chặn có hiệu quả các mưu đồ bành trướng của Trung Quốc. Nhiều
nước, kể cả những nước phát triển nhất, đã cam kết cùng Việt Nam trở
thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Mới đây, hiệp định đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) thu hút Việt Nam tham gia từ đầu đã được ký
kết; khối ASEAN mà Việt Nam là thành viên đã nâng cấp sự liên kết thành
Cộng đồng. Sự hội nhập quốc tế ở tầm cao hơn đặt ra thách thức mới, song
chưa bao giờ Việt Nam có được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ cả tinh
thần lẫn vật chất của nhân dân và các quốc gia trên thế giới như ngày
nay. Đó là cơ hội quý báu, tạo thuận lợi cho sự phát triển hợp tác bình
đẳng, hữu nghị giữa nước ta với các nước, thoát khỏi sự lệ thuộc vào
Trung Quốc. Một nước Việt Nam có thế và lực mạnh trên cơ sở đoàn kết
toàn dân tộc, gắn bó giữa nhà nước và nhân dân, là con đường duy nhất để
nước ta duy trì hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng có lợi với Trung
Quốc và các nước trên thế giới một cách bình đẳng.
Các văn kiện của
Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng
Cộng sản Việt Nam mặc dù viết rất dài nhưng nặng về nhận định và chủ
trương sáo mòn, chưa nhìn đúng sự thật, chưa nêu rõ thực trạng hiểm nguy
mà đất nước và nhân dân ta đang đối mặt, đặc biệt là chưa phân tích
thẳng thắn nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó.
Sự phát triển của đất
nước bị kìm hãm chủ yếu là do Đảng Cộng sản Việt Nam từ nhiều năm nay
dẫn dắt cả dân tộc đi con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình
Xô-viết dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên con đường đó, trong vai trò
lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam bám giữ thể chế độc
tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo
lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng
của nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao
túng của các nhóm lợi ích bất chính. Đường lối sai lầm theo ý thức hệ
cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh
của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống
mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc.
Thực tiễn của nước ta
cũng như trải nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rõ sai lầm
và thất bại của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác -
Lênin. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam trong nhiều năm qua về thực chất đã
từ bỏ những nguyên lý cơ bản về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa
theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Vậy mà các văn kiện trình Đại hội XII của
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nhấn mạnh lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền
tảng tư tưởng, kiên định theo con đường xã hội chủ nghĩa, đặt độc lập
dân tộc, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường phải gắn
với chủ nghĩa xã hội.
2- Trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện
nay, Đảng Cộng sản Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên
hết và dựa hẳn vào nhân dân, tự giải thoát khỏi ý thức hệ giáo điều, tự
giải phóng chính mình khỏi tình trạng tha hóa của một đảng độc quyền
toàn trị, dứt khoát từ bỏ đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ
nghĩa Mác - Lênin, chủ động tiến hành cải cách chính trị triệt để và
toàn diện theo con đường dân tộc và dân chủ. Hơn lúc nào hết, nước ta
vừa có điều kiện, vừa bắt buộc phải tiếp thu và vận dụng sáng tạo các
giá trị của văn minh nhân loại để xây dựng Việt Nam thành một nước phát
triển trên nền tảng dân chủ với kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền
và xã hội dân sự, phát huy sức mạnh đoàn kết, hòa giải dân tộc, giữ vững
độc lập tự chủ, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia.
Đại hội XII
là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có trách
nhiệm, vừa có thẩm quyền đề xướng cuộc cải cách chính trị trong hòa
bình, với tinh thần khép lại quá khứ, không hồi tố, phát huy dân chủ với
tất cả sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Ý chí quyết tâm chuyển đổi
thể chế chính trị của Đại hội XII cần được biểu thị bằng những hành động
cụ thể như đổi tên đảng (không gọi là Đảng Cộng sản); đổi tên nước
(không gọi là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa); trả lại tự do cho những người
khác chính kiến đang bị giam giữ; chấm dứt sự trấn áp và ngăn chặn nhân
dân thực hiện quyền tự do dân chủ theo Hiến pháp. Đó là những việc có
thể làm ngay, quy tụ được lòng người, khơi dậy niềm tin và khí thế đồng
tình ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới chính trị và kinh tế ở
tầm cao hơn.
3- Sự nghiệp chuyển đổi thể chế chính trị gắn với đổi
mới kinh tế để Việt Nam trở thành nước phát triển trên nền tảng dân chủ
đòi hỏi phải tiến hành từng bước với nhiều công việc nặng nề và phức tạp
như sửa đổi Hiến pháp; xây dựng mới và hoàn thiện hệ thống luật (đặc
biệt là luật bảo đảm thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân đi liền
với xây dựng kỷ cương xã hội, luật về đảng chính trị và đảng cầm quyền,
luật về đất đai theo chế độ đa sở hữu…); xây dựng bộ máy cầm quyền tinh
gọn với ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) độc lập,
trong đó Quốc hội được bầu cử thật sự dân chủ, có thực quyền và chuyên
trách; hoàn thiện các định chế của một nền kinh tế thị trường đầy đủ với
môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; cải cách để nâng cao chất
lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ;
đồng thời, có đối sách đúng đắn để giữ gìn và phát triển quan hệ hòa
bình, hữu nghị với các nước láng giềng và các nước khác, đặc biệt là các
nước phát triển cao, ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, từng
bước thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị,
xã hội.
Để hoạch định và thực thi có hiệu quả những công việc đó, yếu
tố quyết định là những người đảm nhiệm cương vị lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam và Nhà nước, trước hết là những chức vụ chủ chốt, phải là
những người có tinh thần kiên quyết đổi mới thể chế cả về chính trị và
kinh tế, có năng lực chỉ đạo xây dựng và điều hành thực hiện các chương
trình và biện pháp hình thành thể chế mới; có bản lĩnh kiên quyết bảo vệ
độc lập, chủ quyền quốc gia. Muốn vậy, công tác nhân sự tại Đại hội XII
phải thật sự dân chủ. Các đại biểu Đại hội, với cương vị và trách nhiệm
là thành viên của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam
cần làm đúng quyền hạn của mình, bãi bỏ những quy định của Ban Chấp hành
Trung ương khóa XI về công tác nhân sự không đúng Điều lệ đảng dẫn tới
sự chi phối, thậm chí áp đặt của cấp ủy sắp mãn nhiệm đối với nhân sự
của cơ quan lãnh đạo nhiệm kỳ mới; yêu cầu Đại hội được bầu trực
tiếp Tổng bí thư, và danh sách đề cử không chỉ có một người.
Đại hội XII phải bầu được Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đủ sức đưa
đất nước vượt qua những khó khăn thách thức để phát triển nhanh hơn, bền
vững hơn và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Kiên quyết
không giao phó trọng trách cho những người mang nặng tư tưởng bảo thủ,
giáo điều, đặt lợi ích riêng lên trên vận mệnh dân tộc, tham nhũng hoặc
tài sản giàu có bất minh, thiếu bản lĩnh, không có khả năng xử lý những
vấn đề do thực tiễn của cuộc sống đất nước đặt ra.
Tuy đối mặt với
những thách thức mới rất gay gắt, nhưng với sự cổ vũ và bài học chuyển
đổi thể chế độc tài sang dân chủ một cách hòa bình ở nhiều nước, đặc
biệt là ở Myanmar mới đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đang có cơ hội thuận
lợi hơn bao giờ hết để đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển
mới.
Khi chuẩn bị Đại hội VI, dù thời gian họp đã cận kề, cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời ấy đã kiên quyết viết lại báo cáo chính trị theo tinh thần đổi mới, mở đường cho đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và có bước phát triển mới. Bài học đó cần được vận dụng để thay đổi cách chuẩn bị và tiến hành Đại hội XII đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong đợi của nhân dân. Đó là trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và toàn thể các đại biểu dự Đại hội XII trước vận mệnh của dân tộc.
Khi chuẩn bị Đại hội VI, dù thời gian họp đã cận kề, cơ quan lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thời ấy đã kiên quyết viết lại báo cáo chính trị theo tinh thần đổi mới, mở đường cho đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và có bước phát triển mới. Bài học đó cần được vận dụng để thay đổi cách chuẩn bị và tiến hành Đại hội XII đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong đợi của nhân dân. Đó là trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và toàn thể các đại biểu dự Đại hội XII trước vận mệnh của dân tộc.
Xin gửi đến quý vị lời chào trân trọng!
DANH SÁCH KÝ TÊN
|
Khai Dân Trí | DSKT |
No comments:
Post a Comment