2016/10/24

Không chỉ có Sài Gòn - Hà Nội mà cả nước đang hấp hối vì cá chết

Không chỉ có Sài Gòn - Hà Nội mà cả nước đang hấp hối vì cá chết

Mùa mưa tới, dân Sài Gòn và ngay cả dân Hà Nôi ngửi toàn mùi hôi thối, cá chết trắng khắp nơi từ miền Bắc đến miền Trung, miền Nam cũng được “hưởng” mùi hôi thối này. Chưa bao giờ người dân Việt Nam gặp cảnh khốn cùng đến như vậy. Các quan làm gì để cá chết, biển chết, dân cũng trắng tay chết mòn chết dần theo.

2/3 công chức ngồi chơi xơi nước
Bộ Nội Vụ tổ chức hội thảo ngày 12/10 vừa qua. Một lần nữa, con số 30% công chức “Sáng cắp ô đi, tối cắp về,” “có cũng được mà không cũng được” lại được xới lên khá gay gắt tại Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương.”

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho biết, nếu theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức, viên chức không làm được việc, tương đương với 700,000 người, tiêu tốn 17 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm.

Tại hội thảo trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể rằng khi bà trao đổi với một vị Bộ trưởng (đã về hưu), ông đưa ra con số thực tế: Chỉ có 1/3 cán bộ công chức “làm hùng hục” không hết việc, 1/3 chỉ cản trở những người khác và 1/3 công chức còn lại là “ngồi chơi xơi nước.”

Bà Lan nói, “Nếu như vậy, có đến 2/3 cán bộ công chức không làm việc thì làm sao đất nước phát triển được? Sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.”

Theo tính toán của ông Lợi, với con số 700 ngàn người “cắp ô,” mỗi năm mất đứt 17 ngàn tỉ đồng, một con số khủng khiếp được chi tiêu lãng phí từ nguồn đóng thuế của người dân.

Tuy nhiên, số tiền trên ông Lợi nêu ra mới chỉ là “phần cứng,” chưa tính tới hàng loạt các chi phí “mềm” khác như tiền nhà cửa, điện nước, văn phòng phẩm, ốm đau, ma chay… và một khoản tiền bảo hiểm khổng lồ được chi trả từ khi họ nghỉ hưu cho tới tận lúc chết.
Khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) có mùi hôi thối trong không khí.
Người dân giật mình nay mới biết mình đóng sưu cao thuế nặng chỉ để cho một lũ quan ăn chơi đàn đúm, ăn cho mập vào để sách nhiễu nhân dân. Thủ tục “hành dân là chính” bao năm nay vẫn vậy, Quốc Hội và chính phủ bàn tới bàn lui, rồi để đấy có cải cách được gì đâu! Nói cho nhiều, mọi biện pháp đưa ra coi bộ “mạnh” lắm nhưng thực tế khác hẳn, nghị quyết cứ ra, chỉ thị vẫn đều đều như ngựa phi đường xa, chẳng bao giờ tới.

Bao năm nay rồi mỗi chuyện nước ngập cả đến khu chung cư cáo cấp Phú Mỹ Hưng được gọi là sang nhất Sài Gòn cũng khổ vì mùi hôi và nước ngập. Dân ở khu lao động còn khổ đến thế nào. Phẫn nộ vì mùi hôi từ bãi rác Đa Phước ảnh hưởng một cách nghiêm trọng tới cuộc sống, nhiều cư dân Nam Sài Gòn đã thành lập ban đại diện, tiến tới sẽ tiến hành các thủ tục khởi kiện chủ đầu tư bãi rác này, ông David Dương và công ty Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS). Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, cư dân Phú Mỹ Hưng, cũng là người có sáng kiến ghi nhật ký mùi hôi trên nhóm mở Facebook “Sự thật về mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” nói, “Cư dân có thể ghi hàng ngày, hàng giờ thậm chí cập nhật từng phút. Và mọi người cũng hiểu rằng mình đang sống trong môi trường quá ô nhiễm và độc hại.”

Kiện thì cứ kiện biết bao giờ xử. Người dân cứ “an tâm, phấn khởi chờ đấy.”

Cho đến nay người dân đã đứng lên tự bảo vệ mình
Hầu như ở khắp nơi những cuộc biểu tình tự phát rầm rộ khắp nơi. Đây là chuyện mới nhất người dân Vũng Tàu chở cá chết ra chặn quốc lộ.

Lúc 9 giờ sáng ngày 13/10 vừa qua, hàng chục người dân nuôi cá bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) dùng xe ba bánh chở cá chết ra quốc lộ 51, đoạn ngã ba Long Sơn, huyện Tân Thành để phản đối các công ty chế biến hải sản trên địa bàn gây ô nhiễm.

Từng người lôi từ 2 - 3 xác con cá bớp nặng hơn 5 kg dàn hàng ngang quốc lộ 51, khiến ôtô từ hướng Vũng Tàu đi TP Sài Gòn không di chuyển được. Cảnh sát giao thông phải hướng dẫn các xe rẽ vào các đường khác, tránh kẹt xe.

Theo các người dân, trong hai ngày qua, nước trên sông Chà Và có màu đen và mùi hôi, khiến cá nuôi bè của họ bị chết trắng, chủ yếu là cá bớp. Một người dân nói:
"Các cơ quan chức năng đã xác định 14 công ty là thủ phạm xả thải ra sông khiến cá chết nhưng đến nay, không những họ chưa bồi thường mà còn tiếp tục gây ô nhiễm. Vì nợ nần và đến đường cùng nên chúng tôi phải dùng cách này để cầu cứu.”
Cá lồng chết loạt, người dân vớt lên bán đổ bán tháo.
Sự thật là trong năm 2015 xảy ra tình trạng cá chết trên sông Chà Và khiến người dân nuôi cá lao đao, các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động xả thải của 14 doanh nghiệp (DN). Các DN bị buộc bồi thường cho người dân hơn 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, các DN không đồng ý chi trả nên người dân đã kiện ra tòa. Cho đến nay, chỉ mới có 2 DN trong số này chấp nhận bồi thường cho người dân hơn 300 triệu đồng.

Một số người dân cho biết, nhiều bè cá trên sông nuôi các loại cá trắm, chép,... đều bị chung cảnh cá chết trắng nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Những bè cá này, chỉ còn thời gian ngắn nữa là thu hoạch được.
Bà Tư, một gia đình nuôi cá nước mặt ngắn dài cho biết, lúc trước nhập giống cá chép giòn của Bộ Nông Nghiệp với giá 160,000 đồng/kg mang về thả. Cá trong lồng nếu bán giá thịt thị trường khoảng 120.000 đồng/kg. Bà Tư xót xa, “Cá chết thế này, tôi thiệt hại tiền tỷ."

Theo người nuôi cá, 5 ngày trước, cá trong các bè có hiện tượng chết nhiều nên đã báo lực lượng chức năng. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước, mẫu cá từ nhà chức trách thì vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng trên.

Chị Nguyễn Thị Xuân than thở, “Nửa đêm vợ chồng tôi ra kiểm tra bè cá thì phát hiện cá chết. Trước đó cũng xảy ra tình trạng này, nhưng mới chết độ mấy chục kg, nay thì chết trắng bè. Vợ chồng tôi chỉ biết cầu trời để cá đừng chết thêm chứ thế này thì chúng tôi mất hết, chẳng còn gì.”

Trước tình trạng khẩn cấp này chính quyền đã làm gì?
Gần 12 giờ trưa, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trực tiếp đến hiện trường vận động các người dân thu dẹp cá và mời về trụ sở UBND tỉnh làm việc, đối thoại thì họ đồng ý.

Ông Tịnh nói, "Chúng tôi rất hiểu thiệt hại do cá chết của bà con nên sau khi sự cố xảy ra đã giao cho các ban ngành vào cuộc điều tra, xử lý. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề gì cũng có thời gian và cơ sở khoa học nên mong người dân hiểu để khiếu nại đúng luật, không gây mất trật tự an ninh.” Còn số liệu cá chết vẫn đang được cơ quan chức năng thống kê.

- Lại cái luận điệu chờ “điều tra, xử lý” và còn “đang thống kê”(!) – Nản quá!

Đấy là một địa phương ở miền Nam. Còn ở miền Trung chỉ tính một địa phương thôi.

Cá chết nổi đầy mặt sông ở Quảng Trị
Trên sông Sa Lung đoạn qua cầu Phúc Lâm (tỉnh Quảng Trị) có hiện tượng cá chết đầy mặt sông, bước đầu được giải thích là do "cá nước ngọt trôi về gặp nước lợ nên bị sốc.”

Sáng 6/9, tại cầu Phúc Lâm (nối xã Vĩnh Thủy và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), người dân phát hiện cá nổi lờ đờ, thoi thóp rồi chết đầy trên mặt sông Sa Lung. Cá chết chủ yếu là trắm, hanh... với các kích cỡ khác nhau.
Cá chết nổi kín mặt nước trong bè của những người nông dân.
Một số người vớt cá cho biết nước sông đổi màu sang đục ngầu, bốc mùi hôi và cho rằng hiện tượng này có nguyên nhân từ một số nhà máy chế biến cao su ở thượng nguồn.

Ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy thông tin hiện tượng cá chết do xả đập ở thượng nguồn, cá nước ngọt trôi về gặp nước lợ nên sốc và chết. Ông Nghĩa nói, “Chúng tôi chưa xác định sự liên quan của các nhà máy cao su.”

- Thưa ông chủ tịch Nghĩa ông lấy bằng chứng ở đâu, đã xác định chưa mà dám nói nhà máy cao su không có liên quan gì đến việc cá chết? Ông có liên hệ gì với nhà máy này không? Chắc trước khi lập nhà máy, chủ nhân phải đến chào ông. Nói thế là đủ hiểu rồi, cái “thủ tục đầu tiên” này cả nước đều biết. Quan với doanh nghiệp như cá với nước còn với dân như cá với thớt. Câu phương ngôn ấy đến bây giờ đúng 100%.

Ở ngay Thủ đô Hà Nội cá cũng chết
Thật ra cách đây bốn năm, ngay từ năm 2012, đề án điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, hệ sinh thái lòng Hồ Tây đã cảnh báo hồ bị ô nhiễm kim loại nặng. Bởi có tới hơn 50 cống xả thải trực tiếp vào hồ Tây.

Những ngày vừa qua, tại Hồ Tây vẫn xảy ra hiện tượng cá chết bất thường; UBND TP đang tập trung chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết và có những giải pháp khắc phục ban đầu.

Để bảo đảm an toàn tại các hồ nước trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Công ty MTV Môi trường Đô thị Hà Nội; Công ty MTV thoát nước Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nước tại các hồ chứa nước trên địa bàn, tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại nơi sinh hoạt.

Người dân Hà Nội nói, “Đổ bao nhiêu tiền của xuống đó giờ xem như mất hết. Chúng tôi giờ không biết lấy tiền đâu mà trả nợ. Chỉ mong sớm tìm ra nguyên nhân để chúng tôi biết và tìm cách khắc phục.”

Hà Nội cảnh báo người dân không vớt, ăn cá chết tại Hồ Tây khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại trong cá. Trong khi chờ đợi các cơ quan kiểm tra, người Hà Nội vẫn ăn cá. Chờ đến bao giờ mới kiểm tra xong. Lúc đó người chết đã chết rồi, có ngỏm cổ dậy mà đòi đền bù được không?

Trên đây chỉ là những thông tin ngắn gọn tôi tóm tắt trong mỗi địa phương của cả nước. Còn bao nhiêu cá chết và người chết chưa thể tổng kết được. Anh nào chết cứ chết, anh nào ba hoa “sáng vác ô đi, chiều mang túi tiền về” vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra. Đó là tình trạng chung của các “cơ quan chức năng” với bộ mặt trơ lỳ khi giải quyết các vấn đề khó khăn của dân. Chỉ có cái phong bì là đi nhanh lắm.

Văn Quang
Viết từ Sài Gòn ngày 24.10.2016

Khai Dân TríVăn Quang

No comments:

Post a Comment