2011/11/16

Sống Với Viêm Khớp

Sống Với Viêm Khớp

Hai câu thơ tình cảm của nhà thơ Nguyễn Bính:
"Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" 

đã được cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền mượn vần để nói lên một tình trạng bệnh của người cao tuổi như sau:
"Nắng mưa là bệnh của trời
Đau xương nhức khớp, bệnh người tuổi cao".


Vì thực ra Viêm Khớp là rối loạn thường thấy ở lớp tuổi "Cổ lai hy". Chỉ thường thấy mà thôi, chứ không phải cứ tuổi cao là bị bệnh. Bệnh cũng xảy ra ở lớp tuổi trung niên, thậm chí trẻ hơn.
Viêm Khớp là bệnh thoái hóa của khớp, một phần vì sự tả tơi hư hao với thời gian sử dụng, nhưng cũng gây ra do nếp sống của con người và sự không có hiểu biết rõ ràng về bệnh.
Khớp là nơi kết nối của 2 hoặc nhiều xương. Đa số khớp có thể chuyển động theo nhiều tầm khác nhau như xoay tròn, xoay ngang xoay dọc, vươn lên cao hoặc xuống thấp, bước tới bước lui, nhờ đó con người thực hiện được các công việc cần thiết cho sự sống.
Thành phần tối quan trọng của khớp là lớp đĩa đệm bằng chất sụn để giảm cọ sát của 2 đầu xương cũng như chống sốc khi khớp chuyển động. Ngoài ra, còn gân, dây chằng, cơ bắp bao che xung quanh để giữ khớp ở vị trí cố định và giúp khớp mạnh hơn; chất nhờn trơn để mặt xương dễ dàng trườn lên nhau khi chuyển động.
Trong Viêm Khớp, sụn hao mòn, rách tả tơi, đưa đến hậu quả là hai đầu xương cọ vào nhau, gây ra đau, sưng và giảm tầm cử động của khớp. Một vài cái gai (spur) từ xương cũng nhô ra, đụng vào cơ bắp, dây thần kinh khiến người bệnh chịu nhiều đau đớn hơn.
Sụn hao mòn với thời gian sử dụng cho nên quá bán quý vị cao niên trên 65 tuổi thường bị viêm một khớp nào đó trong cơ thể. Ở lớp tuổi trẻ hơn, rủi ro gây viêm khớp có thể là chấn thương khi liên tục dùng khớp quá sức: nâng vật nặng, va chạm trong thể dục thể thao hoặc do quá mập phì. Khớp cuối các ngón tay, đầu gối, khớp cổ, thắt lưng là nơi bị nhiều hơn cả.
Ngoài ảnh hưởng lên sự di động, viêm khớp còn ảnh hưởng tới nếp sống, tới công việc, khả năng tài chính và ngay cả tới địa hạt tinh thần. Đi lại khó khăn. Không nâng nhấc được vật nặng.Tốn tiền chữa trị. Kém thu nhập. Giới hạn nghề nghiệp, kém sinh hoạt hàng ngày. Cảm thấy trở nên bất khiển dụng, rồi trầm cảm xuất hiện, stress tăng, kém ăn, mất ngủ. Vì theo bác sĩ chuyên khoa xương Scott J. Zashin, chưa có nghiên cứu dứt khoát nào cho hay là ta có thể trì hoãn hoặc phòng tránh sự phát triển của Viêm Khớp nhưng chỉ có cách để giảm những rủi ro gây ra bệnh.
Như vậy, các nhà chuyên môn đều có ý kiến là, chẳng may bị Viêm Khớp thì hãy tìm cách sống chung với bệnh. Tức là thay đổi nếp sống và thói quen để đối phó với khó chịu của bệnh đồng thời cũng tránh những gì có thể gây tổn thương thêm cho khớp đã bị hư hao.
1-Trước hết là cần có một vị lương y cởi mở, tận tâm để sớm xác định bệnh rồi điều trị nhờ đó giảm thiểu tổn thương và giảm đau. Có nhiều thuốc chống viêm, chống đau mà bác sĩ có thể chỉ định cho từng người bệnh. Uống theo đúng hướng dẫn. Nếu có tác dụng ngoại ý, cho bác sĩ biết để đổi thuốc. Muốn dùng thêm thuốc trị "bá bệnh", không khỏi sẽ được trả lại tiền, thì cũng nên hỏi qua ý kiến bác sĩ. Kẻo mà tiền mất tật mang, vì thuốc Tiên có thể chứa chất gây mục xương, mập phì. Đôi khi bác sĩ cũng bơm bổ xung dầu mỡ nhân tạo (hyaluronic) để khớp bớt khô, cử động dễ dàng.
Trong trường hợp trầm trọng mà chữa trị bằng thuốc không được như ý muốn thì bác sĩ có thể đề nghị giải phẫu khớp. Trước khi quyết định mổ, hỏi bác sĩ xem còn điều trị nào khác không, có cần phải mổ không, tỷ lệ giảm bệnh là bao nhiêu và áp dụng cách mổ nào? Thay khớp, dính khớp hoặc mổ lấy gai, lấy mảnh vụn trong khớp. Hãy tìm hiểu tường tận và tin tưởng ở khả năng của bác sĩ.
2-Hiểu rõ về bệnh
Qua bác sĩ cũng như sách báo, internet, hãy tìm hiểu cặn kẽ về diễn tiến, biến chứng của bệnh để đôi bên có thể "sống chung hòa bình". Biết người, biết ta mà. Chấp nhận hoàn cảnh một cách tích cực, tránh những gì có thể làm bệnh gia tăng đồng thời áp dụng các phương thức giảm thiểu triệu chứng bệnh. Chia xẻ kinh nghiệm với người cùng cảnh ngộ để giảm khó khăn. Có nhiều hiệp hội thân hữu, hỗ trợ bệnh nhân Viêm Khớp mà ta có thể tham gia để học hỏi, để an ủi lẫn nhau.
3-Bảo vệ khớp
Gượng nhẹ và không dùng khớp đang bị tổn thương để làm công việc cần sức mạnh, như nâng nhấc vật nặng, di động quá nhanh; không đi giày cao gót suốt ngày khi bị viêm khớp đầu gối, cổ chân; không bẻ khớp ngón tay ngón chân để tránh viêm căng dây chằng, gân quanh khớp đưa tới giảm sức mạnh bàn tay, bàn chân.
4-Giảm sức nặng cơ thể.
Ăn uống vừa đủ với nhu cầu, tránh mập phì. Theo bác sĩ Patience White, U.S. Arthritis Foundation, với 1 kg thể trọng thì khớp đầu gối chịu một sức nặng là 4 kg, tăng rủi ro viêm khớp. Thống kê cho hay 2/3 người mập phì bị viêm khớp.
5-Tập luyện cơ thể
Nhiều người cho là bị viêm khớp mà vận động cơ thể sẽ làm bệnh trầm trọng hơn. Tin tưởng này đúng nếu không biết cách vận động và không đúng nếu biết tập luyện tùy theo khả năng của khớp. Dòng nước không chảy, nước tù đọng, dơ bẩn. Khớp không cử động, khớp "đóng băng" cứng ngắc. Mỗi sáng, sau một đêm ngủ ngon, bà con thấy các khớp của bàn tay, bàn chân, đầu gối đau đau, không co duỗi đựơc, vì chúng bất động suốt 6,7 giờ. Thêm vào đó, vì khớp viêm đau, bệnh nhân bảo vệ khớp, không dùng, cơ bắp xung quanh yếu, khiến cho khớp thêm cứng. Với các nhà chuyên môn y khoa học, vận động là phương thức hiệu nghiệm nhất vùa phòng tránh vừa giảm khó chịu của Viêm Khớp. Bác sĩ Thấp Học Sam Schatten, Atlanta, nhận xét: "Đi bộ cải thiện rất nhiều thái độ của con người và loại bỏ vòng luẩn quẩn có hại buồn phiền và đau nhức".

Có ít nhất 3 cách vận động giúp khớp bớt đau:
a-Vận động để tăng tầm chuyển động bình thường (range of motion) và giảm sưng cứng của khớp. Nhiệm vụ khớp cổ tay là xoay tròn về mọi phía thì nhẹ nhàng tập luyện xoay để khớp không đóng băng. Khớp đầu gối là để đứng lên, ngồi xuống, bước tới bước lui thì tập lên gối xuống gối để duy trì chức năng này.
b-Tập luyện để tăng cường sức chịu đựng của cơ thể (aerobic exercise), tuần hoàn hô hấp hoạt động mạnh hơn, tinh thần thoải mái, yêu đời, ngủ ngon hơn đồng thời cũng bớt mập phì, một trong những rủi ro gây viêm khớp. Có thể đi bộ với nhịp bước nhanh hoặc bơi lội.
c-Tập luyện để tăng sức mạnh của cơ bắp, gân, dây chằng chung quanh khớp, nhờ đó khớp đang bị viêm không bị dao động, giảm đau.
Cần hỏi ý kiến bác sĩ về các phương thức tập luyện, sao cho thích hợp với tình trạng bệnh của mình.

6-Sống thoải mái tích cực. 
Nhiều người buồn rầu, than vãn vì triền miên đau, sống trong căng thẳng. Mà stress làm cơ thể căng cứng, tăng đau nhức kèm theo bực bội và giảm sinh hoạt. Tích cực sống hòa bình với Viêm khớp cũng tăng sản xuất hóa chất endorphin trong người, là chất làm giảm đau. Lâu lâu làm một cuộc massage, ngâm tắm nước nóng để máu huyết lưu thông, thư dãn xương khớp, ngủ ngon, giảm đau.

7-Thời tiết với Viêm Khớp
Nhiều người tin tưởng rằng thời tiết khí hậu ảnh hưởng tới Viêm Khớp. Họ đã chuyển nơi ở từ miền lạnh ẩm tới vùng khô ráo nắng ấm. Nhiều người cũng nói "cứ mỗi khi tôi đau nhức xương khớp là y như rằng Trời sắp giông tố, mưa bão". Tin tưởng này có từ thuở xa xưa, khiến cho các khoa học gia cũng phải lưu tâm, nghiên cứu.
Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, bác sĩ John Hollander đã làm một nghiên cứu về vấn đề này. Ông để 8 bệnh nhân bị Thấp Khớp và 4 bị Viêm Khớp vào một căn phòng kín trong đó áp xuất không khí điều chỉnh lên xuống được. Kết quả mà ông tìm ra là 8 người nhạy cảm với thời tiết và 7 người cho hay đau hơn khi tăng độ ẩm và giảm áp xuất. Kết quả được nhiều nhà chuyên môn lưu ý và nghiên cứu thêm. Một giả thuyết giải thích hiện tượng này là khi áp xuất xuống thấp, không khí ẩm khiến cho tế bào bị viêm "nở" ra đưa tới khớp hơi sưng và đau.
Trong một tài liệu của Johns Hopkins Medicine có ghi: Mặc dù có vài bằng chứng rằng người sống ở vùng khí hậu ấm, khô ráo ít cơn đau viêm khớp, nhưng khí hậu không ảnh hưởng tới diễn tiến của bệnh. Nhiều lắm thì thời tiết có thể ảnh hưởng tới sự đau của khớp viêm.
Nghiên cứu về Osteoarthritis pain and weather do F. V. Wilder, B. J. Hall và J. P. Barrett thực hiện năm 2003 kết luận: Nói chung, các dữ kiện tìm thấy từ nghiên cứu không hỗ trợ giả thuyết nói rằng thời tiết liên quan tới đau. Thậm chí nếu có thì rất khiêm nhường.
Tạp chí y học J Rheumatology 2004;31:1327-34) có ghi "Kinh nghiệm cố cựu " Lạnh và ẩm xấu, ấm và khô tốt cho Thấp Khớp" dường như chì đúng với độ ẩm mà thôi".

Đó là ý kiến chung của các nhà nghiên cứu. Và các bác sĩ chuyên khoa Thấp học cũng ít khi khuyên bệnh nhân di chuyển nơi ở, mà chỉ "nước đôi" vô thưởng vô phạt, nếu quý vị muốn, hãy thử xem sao.
Vả lại, bệnh Viêm Khớp, thấy có ở mọi quốc gia, từ miền nắng ấm tới vùng băng giá quanh năm. Cho nên trước khi di chuyển, cũng nên cân nhắc, sống thử một thời gian coi xem sao. Vả lại di chuyển, bỏ nơi quen sống từ nhiều chục năm, từ bó bạn bè thân thuộc, ông bà thầy thuốc thân yêu thì cũng hơi tiếc đấy.
Đặc biệt là với quý bà chị. Vì theo bác sĩ Maradee A. Davis và cộng sự viên, University of California, San Francisco, tỷ lệ viêm khớp gối của phụ nữ là 4.9% so với 2.6% ở nam giới. Và rủi ro này tăng khoảng 1.57 ở tuổi 45-54 lên 2.14 ở tuổi 65-74. Quý hiền tỷ phải cách xa bạn "đồng bệnh "để "tương lân", học hỏi kinh nghiệm sống với Viêm Khớp thì có lẽ cũng hơi "buồn năm phút" đấy nhỉ.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức 
Texas- Hoa Kỳ
www.bsnguyenyduc.com

No comments:

Post a Comment