2011/11/24

TỰ TÁNH DI ĐÀ (2)

TỰ TÁNH DI ĐÀ (2)



Điểm gặp gỡ chung giữa các pháp thuật của Tôn giáo Phương Đông như Lão gia, Tiên Thiên Đại Đạo, một bộ phận của Yoga và mật pháp Ấn Tạng, đều lấy nội thể làm đối tượng tu luyện.

Những pháp cổ, truyền thống dùng Tam bửu nội thân ( Tinh-Khí-Thần) để thăng tiến, thì vài thập niên của tiền bán thế kỷ 20, một số pháp môn được cải biên hoặc sáng tạo để đưa hành giả đến trình độ xuất hồn, đây không phải là pháp tối thắng để giải thoát, chỉ đáp ứng tính hiếu kỳ như một trò chơi tâm linh trong cỏi tam giới. Lục tự Di Đà là hồng danh của giáo chủ Tịnh Độ, thế mà vẫn có tông pháp kết hợp giữa Lục tự để luân chuyển qua các đại huyệt châu thân, họ gọi là "Pháp luân thường chuyển", tuy vậy, vẫn có vị đắc pháp, phát huệ với pháp hành nầy. Thuật ngữ Yoga gọi các đại huyệt đó là luân xa (chakra). Võ thuật – y học Trung hoa gọi là đại huyệt. Những đám rối thái dương nầy có công năng thu – phát năng lượng để nuôi cơ thể, đạo thuật dùng nó để thăng tiến tâm linh. Luồng chơn khí luân lưu từ mạch nhâm qua mạch đốc vận sinh lực chạy dọc xương sống nuôi trí não. Các pháp thuật cũng dùng nguồn sinh lực đó chạy ngược từ luân xa 7 vòng xuống để xuất ra yết hầu hoặc kích thích kundalini bò theo cột sống khai mở huyệt bách hội thông qua tuyến tùng. Những vận hành pháp thuật đều có kết quả nhất định, nhất là chữa được bệnh thân và đem lại sức khỏe dồi dào, thế nhưng, theo nhà Phật, vẫn chưa thoát khỏi tam giới. Có những vị học lóm pháp thuật Đạo gia, lạm dụng "Khí Hải", không biết chuyển hóa, lâu ngày tích khí phát cuồng dâm nộ, luôn hoang tưởng đạt được Thánh quả, hàng đêm lên cỏi trời học pháp rồi đem xuống dạy cho trần gian, ai cũng biết đó là ma giới.

Tóm lại, cho dù bất cứ pháp hành nào cũng có một sở chứng nhất định trong cỏi tam giới, đều mang thân ánh sáng của cảnh giới đắc pháp đó, loại ánh sáng như thế chưa phải Pháp thân thanh tịnh Vô lượng quang mà chỉ là vòng hào quang của năng lượng sinh học được nâng cấp. Cái tương thích giữa Yoga và Phật giáo trong quá trình tu dưỡng đều "phục vụ vô ngã" lợi tha và tự tâm phải diệt ngã. Tuyệt đỉnh Yoga là hòa nhập với Chân ngã, như một loại chân như Phật tánh. Vậy tiến trình chuyển hóa của Tự Táng Di Đà là gì?

Theo Mật giáo, A Di Đà là mật chú AMITA, Trí tánh của ngũ bộ Phật:
Tỳ Lô Giá Na Phật- A Súc Bệ Phật – Bảo Sanh Phật – A Di Đà Phật – Bất Không Thành Tựu Phật. Đã là Trí tánh phải là ánh quang minh vĩnh hằng không giới hạn nên gọi là Vô Lượng Quang.

"Khi Đức Pháp Tạng Tỳ kheo đang hành trì tu tập, muốn thiết lập cỏi Tịnh như chư Phật mười phương, xin thầy ( Đức Thế Tự Tại Như Lai) chỉ giáo và hiện tướng 210 ức Phật độ, từ đó, ngài Pháp Tạng phát nguyện sẽ xây dựng một cảnh Tịnh Độ như chư Phật để giáo hóa hỗ trợ chúng sanh liễu sanh thoát tử, nương vào y báo của Ngài mà tiến tu đạo nghiệp giải thoát."

Tạng là kho chứa, Pháp hữu vi lẫn vô vi là tâm hành. Hạnh nguyện tục đế để chuyển hướng đến chơn đế đều do tâm hành. Khác nhau tâm hành tục đế bị vô thường hoại diệt. Tâm hành chơn đế của bậc đại giác thoát khỏi vọng tưởng, mọi hỉện tướng có công năng duy trì miên tục, vì thế ngoài Vô Lượng Quang còn là Vô Lượng Thọ. Một hành giả trong quá trình chuyển hóa Ý thức- mạt na thức- a lại da thức- và năm thức trở thành: - Diệu Quan sát Trí – Bình đẳng tánh trí – Đại viên cảnh trí và Thành sở tác trí, là những diệu dụng để phổ hóa chúng sanh của một A la Hán, một Bồ Tát, một vị Phật. Hỷ-nộ-ái-ố-ai-lạc-dục được chuyển hóa thành bảy loại quý tính như sen mọc từ bùn nhơ. Thất giác chi phần là những vòng đai bảy lớp lưới giăng cây quý, không những biểu thị cảnh giới của Phật mà còn là cảnh giới của tâm thanh tịnh giải thoát hoàn hảo. Chấn động lực của tâm thức thanh khiết là sóng âm trang trí nhạc điểu. Một cỏi Tịnh Vô Lượng Quang như thế đều được chư Phật mười phương tán dương hoan hỷ, cũng có nghĩa tâm giải thoát hoàn toàn thì vạn vật muôn loài trong không gian đều mang sắc màu tươi nhuận giải thoát. Vì vậy " Nhất thiết duy tâm tạo" trong cảnh giới huyền môn của Hoa Nghiêm xác định được "nhất đa tương dung" để minh chứng cảnh cực lạc có đủ mọi hiện tướng cỏi tục nhưng bản chất phi tục khi ánh sáng tâm thức được chuyển hóa phủ trùm vô tuyến tính. Vậy hiểu thế nào khi Phật giáo không chấp nhận một linh hồn tồn tại? Cái gì hòa nhập với cỏi Tịnh độ?

1/ Phải chăng có một linh hồn ? Khoa học ngày nay cũng như một số quan điểm thế tục đều chấp nhận một linh hồn trường cửu sau khi lìa khỏi xác. Phật giáo không thừa nhận như thế, nhưng tập khí nghiệp lực là một dạng sóng giao động. BS Camille Flammarion sau 60 năm nghiên cứu qua 4.800 bức thư, dùng pháp thực chứng khoa học, kết luận rằng ngoài xác thân còn có phần hồn mà mắt thường không nhìn thấy, ngoại trừ tần sóng giao động của người chết có cùng tần số giao động của người sống như các nhà ngoại cảm, họ mới thấy hoặc cảm nhận sự hiện hữu của thế giới vô hình. Tuy sự tồn tại hoàn toàn khác với thế giới vật chất, nhưng họ có khả năng tác động lên tâm thức của người sống để chúng ta cảm nhận được sự hiện hữu của họ sau khi thân xác đã chết.

Ánh sáng của một sinh động vật nói chung và của con người nói riêng, biểu lộ ra bên ngoài quanh thân thể, mang nhiều thông tin của sức khỏe và bệnh hoạn trong ngũ tạng. Cọng hưởng với tâm thức cho màu sáng, tối, thanh, đục tùy tâm thức khởi niệm. Huyền bí học phương Tây gọi là thể phách. Khoa học gia người Nga, Semyon Kirlian chụp được phim, đặt tên là Bioplasmic energy. Nó lưu giữ những ký ức những tư tưởng của đương sự. Đông phương huyền học gọi nó là ngoại Khí, ngày nay gọi là năng lượng sinh học ngoại biên. Như thế , nó không phải là linh hồn, từ việc chẩn đoán bệnh qua ánh sáng đó, thầy thuốc chữa bằng y dược hoặc trường sinh học chữa bằng Nhân điện; cách chữa đó đã điều chỉnh, bổ sung từ trường nội tạng. Khác nhau cách chữa của Đông y là dùng dược liệu kết hợp ngũ hành âm dương trong thang thuốc Quân-Thần-Tá-Sứ. Trường sinh học nhân điện chữa theo khu vực trách nhiệm nội tạng. Mỗi đại huyệt phụ trách một cơ phận, ví dụ luân xa ba phụ trách vùng bụng, luân xa hai chịu tác động thận…Dĩ nhiên Đông y Tây y, pháp thuật, tôn giáo mỗi lãnh vực có một quan niệm khác nhau về bệnh lý nên việc chữa trị cũng khác nhau; như thế thể xác và linh hồn không thể là một. Linh hồn nào chịu trách nhiệm về bệnh thân? Nếu bệnh thân tùy thuộc vào quyết định của linh hồn thì phải trực tiếp chữa linh hồn mà không phải chỉ duy nhất chữa bệnh thân! Linh hồn có sứ mạng gì với cơ thể con người? Khoa học thực dụng ngày nay, kể cả duy vật, không thể quyết đoán con người sống chỉ thuần vật chất và vật chất quyết định tất cả, nhưng khoa học vẫn chưa chứng minh sự hiện hữu của linh hồn mặc dù họ vẫn chấp nhận ngoài thể xác phải có một linh hồn. Họ mơ hồ hiểu rằng linh hồn là một dạng sóng có khả năng tồn tại biệt lập hoặc đôi khi tác động được thể chất của người sống nếu cùng tần số giao động. 

Saint Augustine từng bảo: " Điều kỳ diệu xẩy ra không ngược với tự nhiên mà chỉ ngược với cái ta biết trong tự nhiên".

Một linh hồn thuần túy là một linh hồn, có chức năng điều khiển sự sống của một động vật, thì mỗi sinh vật là một ốc đảo tự cô lập, không hề có sự liên hệ nghiệp thức lẫn nhau mà Phật giáo gọi là cộng nghiệp. Thực tế cho thấy sự hiện hữu gần hay xa đối với một sinh vật đều ít nhiều có tính tương tác cộng đồng. Sự tương tác như thế không thể có một linh hồn độc lập của một cá thể độc lập. Và một linh hồn được tạo dựng sẳn như một khối cố định thì linh hồn đó không có khả năng chuyển đổi cũng như không có khả năng chịu trách nhiệm với việc làm chính mình. Các nhà tâm linh huyền bí đều nhận thức rất rõ về nhân và quả của một sinh động vật qua trường lực ánh sáng. Trường lực đó có thể tăng hoặc giảm, có thể tồn tại hoặc hủy diệt tự thể mà không do tác động bởi ngoại lực, như thế không thể xem nó là một linh hồn tồn tại độc lập. Năng lượng sóng từ của một sinh vật, khoa học vật lý gọi là viba. Khoa học có cái nhìn tiến bộ hơn khi xác định cấu tạo con người không chỉ đơn thuần bằng phân tử. Trường năng lượng bao phủ mọi thể chất của mọi sinh vật. Tùy theo lưu hoạt nội tại mà trường năng lượng lưu xuất ra ngoại biên. Thực vật lưu hoạt hạn chế, động vật hạ đẳng lưu hoạt bất định, con người văn minh lưu hoạt năng động hơn con người bộ tộc cổ xưa, và người trí xuất phát từ trường khác hẳn người chậm phát triển. Cũng thế, hành giả chuyên chính và cao cấp thì trường lực cũng phát triển rộng hơn người không tu luyện. Màu sắc trường năng lượng thông tin cho biết đẳng cấp tâm linh của một người và từ đó, chúng có thể thay đổi thăng tiến hoặc thụt lùi. Cái mà khoa học gọi là thế giới vật chất tĩnh, thực ra là dạng năng lượng cô đặc, hào quang hay ánh sáng sinh học là dạng năng lượng vi tế, tất cả đều là sóng, hạt sóng và sợi sóng. Sự tiến bộ của khoa học chế tạo ra điện não đồ, điện tâm đồ, và xa hơn nữa là thiết bị đo từ trường con người gọi là superconducting Quantum Interference Device ( Thiết bị giao thoa lượng tử siêu dẫn ) nghĩa là khoa học chỉ đo được xung lực điện trường phát ra từ con người mà chưa biết rõ gì về một linh hồn. Nhận thức, hiểu biết không phải là một linh hồn, đó chỉ là cái dụng của một tâm thức. Tâm thức không là linh hồn, nó là kết tinh từ nhiều tập khí, tập khí không phải là linh hồn, nó là thói quen thâm nhập bởi vô minh vọng niệm…Nói đúng ra, bẹ chuối không phải là thân cây chuối.

BS Leonard Ravitz trường đại học tổng hợp William and May xác định trường năng lượng giao động theo tâm lý và nhận thức của mỗi người. Ông xác định thay đổi tư duy sẽ gây hiệu ứng tâm thể. Như vậy không thể có một linh hồn cố định bị tác động bởi bất cứ điều kiện nào. Bs Robert Becker cũng xác định hình thù và cường độ của hào quang con người thay đổi tùy thuộc tâm-sinh lý của con người.

Năm 1950, bs người Nga cũng tách bạch được yếu tính của trường năng lượng với cơ chế thể chất tĩnh: "trường năng lượng bioplasmic" gồm có ion-proton- và electron tự do khác biệt với trạng thái : rắn-dịch-khí và plasma của vật chất. Bioplasmic quá trình vận động chuyển hóa bởi hóa học trong té bào. Nhưng ông không nói đến sự liên hệ trực tiếp của chuyển đổi đó ảnh hưởng từ tâm thức, nói cách khác, có sự liên hệ chặt chẽ giữa tâm-sinh lý.


MINH MẪN
20/10/2011 
( còn tiếp )

http://bit.ly/sl12nR

No comments:

Post a Comment