2011/11/25

TỰ TÁNH DI ĐÀ (4)




TỰ TÁNH DI ĐÀ (4)


Nếu xem năng lượng vũ trụ là hoạt tính của Vô Lượng Quang, năng lượng sinh thức là dụng của Tự Tánh Di Đà thì năng lượng vũ trụ và năng lượng sinh thức là một. Năng lượng địa sinh học, năng lượng sinh học của vạn pháp là tướng mà thể là Tự Tánh Di Đà.

Theo trường phái Yoga cũng như các pháp Đạo gia, cơ thể con người được sinh tồn và tăng trưởng bởi bảy đại huyệt còn gọi là bảy luân xa chính. Luân xa bảy nằm trên đỉnh đầu, hay gọi là huyệt Bách hội, Tiên gia gọi là đỉnh Côn Lôn, trụ cột tổng quát các huyệt còn lại, tiếp nhận năng lượng vũ trụ phân phối xuyên suốt các hệ thần kinh, hỗ trợ thẩm thấu qua 6 huyệt chính khác. Sáu huyệt kia phụ trách sáu cơ phận của thể chất và trí tuệ. Năm đại huyệt tiếp thu năng lượng ngoại biên để tồn dưỡng ngũ tạng. Hoạt dụng ngũ tạng thanh khiết tiết xuất ra năng lương sinh học cung ứng cho nguồn sinh lực luân lưu trong cơ thể, một phần hỗ trợ khách quan cho hệ thần kinh trí tuệ, rồi từ đó năng lượng sinh thức tác động phản hồi để thanh tịnh hóa cơ địa tùy mức độ thăng tiến của tâm thức. Nguồn sinh lực lưu tồn theo dọc xương sống thông qua các luân xa. Một người bình thường, sống trác táng, năng lượng sinh học đen tối, làm bế tắt các tiểu huyệt, trệ khí, sanh bệnh. Nhà ngoại cảm thấu thị có thể chữa bệnh qua ánh sáng năng lượng của bệnh nhân. Năng lượng sinh học phản chiếu cơ địa của một nhân thân, khuyết tật hay hoàn hảo của một cơ thể được phóng chiếu ra vòng ánh sáng quanh cơ thể. Tây y chữa bệnh theo cơ năng vật lý, để lại di chứng do tác dụng phụ của thuốc. Đông y, tuy dùng thuốc, nhưng biết tả bổ, đả dưỡng như một trận đồ. Họ suy diễn theo vòng sinh khắc ngũ hành âm dương của cơ địa bệnh nhân, thời tiết và những bộ phận liên đới trong cơ thể, cái nào sanh, cái nào khắc với bộ phận đó để tùy nghi dụng dược. Đạo học, võ thuật, tu luyện cũng thế. Âm dương, ngũ hành, dịch lý được áp dụng trong chữa trị, luyện tập và tu tiến.

Đạo học, triết học phương Đông có những quan điểm mấu chốt tương cận. Đạo gia quan niệm con người là một phần của vũ trụ thì con người đầy đủ tính chất của vũ trụ. Bà La Môn nói con người là một phần của Đại ngã, tiểu ngã phải trở về hòa nhập với Đại ngã. Phật giáo nói Chơn Như Phật Tánh là bản thể mà vũ trụ, chúng sinh là hiện tướng vô minh nhất thời; bản thể chân thật đó phủ trùm vạn loại, như sóng là hiện tướng của nước biển đại dương, đại dương là bản thể cố định của hiện tướng sóng động. Khí lực của vũ trụ hay sinh lực của con người được luân lưu tuần hoàn theo nhịp cơ học khách quan, chịu tác động vận hành thu nạp năng lượng của bảy đại huyệt. Sự vận hành của các đại huyệt cuốn hút năng lượng ngoại biên theo hình phểu xoáy theo chiều kim đồng hồ. Các đại huyệt của một sinh động vật bị chấn thương, động vật đó sẽ tử thương mà không cần một dấu vết khác trên cơ thể, tuy nhiên một cơ phận quan trọng bị nội thương trầm trọng, ảnh hưởng luân xa đặc trách, làm tê liệt hệ thống vận hành sinh lực, cũng đưa đến tử thương. Thỉnh thoảng có những trường hợp bị tà khí xâm nhập hay bị uất khí, các luân xa vận hành ngược làm hao thần tán khí, nặng, đưa đến khủng hoảng tinh thần, điên loạn, nhẹ, làm cho người chán nản buồn phiền, tiều tụy. Người bi quan yếm thế, tiêu cực, trầm cảm cũng làm cho luân xa kém hoạt động. Những trường hợp bị vong nhập lâu ngày, thân thể xanh xao mất sức sống, do năng lượng xấu ngoại biên, thu hút khí lực nạn nhân qua các luân xa quây ngược, không có sự hướng dẫn kịp thời, nạn nhân như cây thiếu nước, mất hết nhựa sống sẽ chết với năng lượng u tối trầm luân. Người tu thiền, luyện Yoga, thể thao hay vận động cơ bắp thường xuyên, các luân xa được kích hoạt mạnh nên năng lượng dồi dào, tinh thần minh mẫn, cơ thể khỏe mạnh ít bệnh hoạn. Vũ trụ cũng thế, mưa thuận gió hòa do âm dương cân đối. Thiên tai hạn hán, bão lũ động đất do năng lượng vũ trụ khuyết hỏng, phân phối thiếu cân xứng. Thiên tai cũng như bệnh tật tự thân không phải do yếu tố khách quan mà do chính sự vận hành năng lượng sinh học và năng lượng sinh thức mất cân đối của cộng đồng nhân loại, Phật giáo gọi là cộng nghiệp. Nghiệp lực xấu chiếm phần lớn của một cá nhân thì cơ địa đó gặp nhiều bất trắc. Cộng nghiệp của một tập thể, một xã hội, một quốc gia quá nhiều đen tối, thu hút từ trường xấu, dẫn đến thiên tai, hoạn nạn. Vũ trụ là chiếc gương phản ảnh nghiệp thức chúng sanh, nói theo Phật giáo là y báo chính báo luôn đi liền như bóng và hình. Chính vì thế, Nho gia từng nói: trước Tu Thân, rồi mới Tề gia, được như thế thì mới nghĩ đến trị quốc, và bình Thiên hạ. Nhân thân là cơ bản để giải quyết mọi vấn đề. Một chính trị gia muốn đem lại công bình, an lạc cho xã hội mà không lấy con ngời làm cơ bản để xây dựng đào tạo thì chỉ là xây nhà không móng. Phật giáo không chủ trương chỉnh đốn xã hội, chuyển hóa hoàn cảnh nếu tự thân chưa được chuyển hóa. Vì thế, muốn giáo dục sửa sai ai, tự mình phải sửa sai chính mình trước. Đức Phật muốn giáo hóa cho chúng sanh khai ngộ, Ngài tự chuyển hóa khai ngộ trước tiên. Vì thế, thân giáo đối với nhà Phật là quyết sách giáo dục cơ bản.

Như thế, tuần hoàn vũ trụ bị đảo lộn, thời tiết bất hòa, thiên tai địa nạn là hiện tượng rối loạn tự thân của cư dân trên hành tinh nầy. Một cộng đồng có nhiều phước nghiệp thì nơi cư trú an lành, cây trái xanh tốt, mùa màng bội thu, không có dịch bệnh sâu rầy. Phước nghiệp là loại năng lượng thanh khiết chiêu nạp từ lực ngoại biên, ác nghiệp là năng lượng đen tối ô trược thu hút trường lực hắc ám bên ngoài. Năng lượng sinh học, năng lượng sinh thức trong và ngoài chiêu cảm lẫn nhau đưa đến y báo chánh báo tương xứng. Chính vì thế môn cảm xạ học cũng như những bộ môn huyền thuật xa xưa và hiện nay được triển khai, ứng dụng trong chuyên ngành. Dưới cặp mắt khoa học, bioplasma hay năng lượng vũ trụ là nền tảng tạo sự sống cho mọi sinh vật, vì họ chỉ tìm thấy những thuộc tính của con người tương ứng sự vận hành vũ trụ; các tia quang học ảnh hưởng đến sự phát triển của sinh vật trên tinh cầu, thậm chí sự xiêu lệch quỷ đạo của một hành tinh cũng ảnh hưởng lớn đến sinh mạng cuả nhân loại; Những hệ quả như thế, kết luận rằng vũ trụ là nguồn gốc của tinh cầu. Đạo gia cho rằng mỗi tinh tú biểu thị một sinh mạng con người trên trái đất; Tử vi, Thái ất, chiêm tinh và một số môn phái thần bí thường liên kết sinh mạng con người, vận mạng thế giới vào sự vận hành vũ trụ qua những hiện tượng dịch biến. Yoga cũng phát hiện khí lực Prana là nguồn sinh lực nuôi sống sinh loại trên tinh cầu, như thế, loài người là sản phẩm của nguồn sinh lực từ vũ trụ, từ đó, những tôn giáo Thần quyền đều có khuynh hướng hợp nhất với thực tại bằng cách chối bỏ hiện hữu, liên kết sinh thức với tần số cao của vũ trụ biểu thị qua ánh sáng tâm linh. Khoa học của thế kỷ cận đại cũng đã nhận chân được tính liên kết và đồng bộ trong cơ cấu vật lý dưới dạng năng lượng ánh sáng.

Ánh sáng của trường năng lượng vũ trụ có thể tác động đến con người về sức khỏe cũng như trí tuệ. Trường năng lượng vũ trụ và trường năng lượng sinh thức của con người đều có khả năng như nhau, có thể tác động đối tượng cho dù khoảng cách xa. Một thầy pháp cao tay ấn, có thể trừ ếm một nạn nhân mà không cần trực diện, họ cũng có thể đốt cháy một căn lều từ xa và di chuyển một vật nặng bằng năng lượng linh phù ( dạng thầy pháp như thế thường ở các bộ tộc hay những quốc gia chưa phát triển). Các nhà sư Tây Tạng xa xưa cũng từng di chuyển qua nhiều dãy núi bằng cách khinh thân. Kaysi cũng như những nhà thôi miên đều dùng năng lượng sinh thức đưa bệnh nhân vào cơn mê để chữa bệnh, hoặc điều khiển đối tượng theo ý muốn. Hai hành giả có trình độ tâm linh cao, liên lạc nhau bằng năng lượng sinh thức tuy ở xa nhau. Khoa học phát hiện diệu dụng của năng lượng nhưng chưa chủ động điều khiển được năng lượng như các nhà tâm linh thần bí. Những nhà tâm linh thần bí rất xa xưa đã biết xử dụng năng lượng sinh thức và điều khiển được năng lượng sinh học theo ý muốn. Hành giả các tôn giáo cũng đã chủ động được mấu chốt vấn đề khi mà chìa khóa được truyền thừa liên tục từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Loại năng lượng mà các nhà khoa học áp dụng trong các công kỷ nghệ điện tử là loại lực năng lượng vô cơ. Các nhà tâm linh chủ động được lực năng lượng hữu cơ lẫn vô cơ. Đó là bí pháp mà các pháp môn được lưu tồn qua nhiều thế hệ bởi các minh sư nắm giữ. Ngày nay không thiếu các bậc minh sư, các hành giả tu chứng có khả năng thẩm thấu năng lượng sinh thức của đối tượng, biết được ý nghĩ, quá khứ và tương lai của chúng sanh nếu họ khởi tâm hướng đến. Phật giáo Đại thừa xác nhận có vô lượng pháp môn để đối trị vô lượng căn tánh của chúng sanh, vì thế chư Tổ từng bảo: Thế gian pháp tức Phật pháp. Hoặc là : Phật Pháp tại thế gian – bất ly thế gian giác.

Thiền : Không chỉ Phật giáo có Thiền mà các tôn giáo khác, trước và sau khi đạo Phật xuất hiện, cũng đã có Thiền. Thiền không chỉ có nghĩa là Thiền na, tĩnh lự. Thiền trong Phật giáo có hai yều tố: Quán và chỉ, còn gọi là Thiền quán và Thiền định. Nếu quán mà không chỉ dễ sanh phóng tâm loạn động. Nếu chỉ mà không quán dễ đưa đến hôn trầm. nhưng cũng có pháp môn quán cũng là chỉ, chỉ cũng là quán. Thí dụ: công án - "Người niệm Phật là ai?" hành giả trụ tâm, xoáy vào đề mục đó mà không tìm lời giải, nhưng cũng không niệm như pháp môn niệm Phật, nghĩa là không an trú mà cũng không xét đoán, tâm luôn thắc mắc, mà thuật ngữ chuyên môn gọi là Nghi, trạng thái Nghi được duy trì liên tục không gián đoạn, xoáy sâu vào đề mục, luôn tĩnh thức, đó là trạng thái vừa chỉ vừa quán. Riêng Phật giáo Bắc truyền, Thiền đã có vô số môn phái. Tùy mỗi thời đại, chư Tổ, Thiền sư sáng tạo một pháp môn mới thích ứng với căn cơ thời đại. Đại thừa thiền, Tiểu thừa thiền, Tổ sư thiền, khẩu đầu thiền, Tối thượng thừa thiền…mục đích chung là loại trừ tham chấp, bản ngã, vượt khỏi tính tuyến nhị nguyên để tâm thức không vướng bởi nhận thức thường tình, cũng không cho tâm phân tán. Có những pháp Thiền kết hợp với Mật hoặc Tịnh. Cũng có những loại Thiền tại Ấn, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật…xử dụng vài câu Mật chú trước khi Thiền. Thiền không chỉ hành theo thời khóa mà phải miên tục 24/24. Khi tâm thức an trụ, như ánh sáng ngọn đèn không bị giao động, nhiệt lượng sẽ gia tăng, đó là yếu tố cơ bản trong mọi pháp tu. Ngoài ra, những pháp Thiền như Yoga, tu Tiên, đạo Sik, Kỳ na và vô số những pháp Thiền xuất hiện hàng ngàn năm nay trên thế giới, luôn có một kết quả nhất định trong một giai tầng nhất định. Thiền là loại kỷ thuật thao tác tích lũy năng lượng sinh học hỗ trợ cho năng lượng sinh thức phát quang. Nhiệt lượng của ánh sáng mặt trời được gom dưới kính hội tụ sẽ đốt cháy mọi vật dưới ánh sáng của kính đó, cũng vậy, năng lượng sinh học gom tụ dưới năng lực sinh thức sẽ đốt cháy vọng tưởng để phát sanh ttí huệ. Tùy mục đích của mỗi loại Thiền mà đưa đến đạo quả khác nhau. Thiền ma thuật, Thiền Tiên giáo, Thiền Thần đạo. Thiển Thánh quả, Thiền Phật giáo…đều xử dụng năng lượng sinh học kết hợp năng lượng ngoại biên hỗ trợ cho năng lượng sinh thức.

Tịnh: pháp môn Tịnh độ, chuyên trì Hồng danh chư Phật, giáo chủ của mỗi cảnh giới đó, Tu Tịnh không chỉ niệm Hồng danh mà còn đòi hỏi nhiều công hạnh khác để hỗ trợ cho việc tu tập. Ngoài việc tín tâm mật niệm, hành giả còn hành xử công ích vô ngã; luôn tâm nguyện vãng sanh về cỏi Tịnh độ. Những năng lượng thanh đó hỗ trợ cho năng lượng sinh thức ngày càng quang đãng. Có những hành giả luôn quán tưởng ánh sáng thuần khiết của cỏi Tịnh mà mình hướng đến. Kết hợp năng lượng ngoại biên và năng lượng sinh thức miên tục, dần dần tâm thức được tịnh hóa, bạch tịnh thức hiển lộ. Một số người cho rằng Tịnh là pháp môn cầu tha lực, thực ra nếu không có tự lực thì cầu tha lực cũng không đem lại kết quả. Vì tế Tịnh môn là pháp vừa tự lực vừa tha lực. Thiền tuy là tự lực, nhưng nếu không có sự trợ lực từ năng lượng vũ trụ thì cũng khó mà thàh đạt. Một khi hành giả tọa thiền, dứt bặt tâm tưởng là lúc tiếp nhận năng lượng ngoại biên nhiều nhất, để đả thông kinh mạch, vận chuyển khí lực cho các luân xa phát triển, giúp kundalini vận hành hướng lên khai mở tuệ giác.

Mật tông: ám chỉ một tông phái chuyên về Thần chú hỗ trợ cho việc tu tập giải thoát. Ngoại đạo tà pháp dùng ấn chú phù phép, cũng có một kết quả nhất định, nhưng không vì mục đích giải thoát, và cũng không vì lòng từ. Thường những thầy Pháp do lợi dưỡng, thi thố tài năng để trấn áp, đối chọi với phần vô hình. Dùng năng lượng đen tối để trừ khử những năng lượng u ám có hại cho người sống. Khi thi thố khai triển tài năng, họ luôn mang tâm sân để chinh phục. Không những không chinh phục cảm hóa đối tượng mà còn tạo thêm oan trái oán hận. Phần năng lượng u ám đó luôn nuôi sự oán thù, không chống lại thầy Pháp thì cũng hại con cháu của thầy Pháp về sau. Những tương quan thuận lợi hay không thuận lợi giữa con người với con người, giũa người sống và kẻ khuất mặt luôn là mối tương quan nhân quả lẫn nhau. Một minh sư luôn hướng dẫn nạn nhân làm phước, tu tập để hồi hướng phước báu hầu hóa giải oan trái đó chứ không hề hướng dẫn cách trốn nợ hay áp đảo chủ nợ. Tôn chỉ của mọi tôn giáo đều đề cao "Tình thương", tình thương là lòng bao dung hóa giải mọi mắc mứu. Mật tông không những dùng âm lực trì tụng mật ngữ còn kết hợp với ánh sáng năng lượng sinh thức hóa giải nghiệp thức cho tự thân, giúp cho tha nhân chuyển hóa sinh thức. Mật tông là một nghi thức phức tạp kết hợp giữa ấn chú ( âm lực) và năng lượng sinh thức ( ánh sáng tâm thức) qua nghi thức đàn tràng biểu thị cho các cảnh giới tướng và tánh của tâm thức. Đây là một bí pháp rất hiệu quả để chuyển "thức" thành "trí". Sở dĩ có những nghi thức vô cùng phức hợp là để tâm thức hành giả không bị phóng túng; Dùng năng lượng sinh thức thao tác chuyên sâu qua các công đoạn hành trì tạo một nhiệt lượng nung nấu năng lượng sinh học, cọng thêm âm lực tác hưởng phát ra sóng từ, hóa giải năng lượng u tối chung quanh. Tâm thức lưôn làm chủ và có ý thức thường tại. Không những Mật tông, một số pháp môn trong Phật giáo vẫn mang âm hưởng của Yoga. Trong bộ Du già Sư Địa luận chứng minh điều nầy. Dù không nói gì về Yoga, nhưng khi hành giả tiến đến khai thông tuệ giác đều phải thông qua nguồn sinh lực các luân xa khai mở. Khác nhau là Yoga luôn nói đến vấn đề luân xa, Thiền hay các pháp môn khác không đặt nặng chúng mà chỉ quan tâm đến pháp hành.

Yoga: Yoga không phải là một tôn giáo, nó là một môn phái rèn luyện thể chất và tâm linh. Tuy không là tôn giáo, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng tín ngưỡng truyền thống Ấn Độ; Quan niệm vũ trụ vạn vật là một phần của Thượng đế Phạm Thiên, vì thế, con người cần phải trở về hợp nhất với chân ngã đó. Yoga có bốn loại: Karma Yoga – Bhakti Yoga – Jnana Yoga – Raja Yoga. Theo trình tự của Yoga, đưa hành giả đi từ thể chất đến tâm linh qua những công đoạn như thể dục, nghiên cứu, lễ bái trì niệm, phục vụ vô ngã, nghĩa là làm lợi ích cho mọi người mà không hề nghĩ đến quyền lợi riêng tư. thiền định…Trong Raja Yoga, giúp hành giả chủ động điều khiển ý thức và thân xác qua tám cách, trong đó có Hatha yoga rèn luyện thể lực và khí lực để thanh tẩy các kinh mạch. Theo Yoga, tuy luân xa 7 trên thượng đỉnh tiếp nhận năng lượng vũ trụ phân tỏa khắp cơ thể, nhưng khí lực quan trọng vẫn nằm ở phần dưới cơ thể; biểu tượng con rắn Kundalini tiềm phục tại luân xa 1, do công năng tu tập, vận khí hỏa hầu thông qua các huyệt lạc để khai mở hoa sen ngàn cánh tại đỉnh đầu.

Yoga cũng như các tôn giáo đều chủ trương giữ gới nghiêm ngặt để thân và tâm được thanh khiêt tạo năng lượng sinh hóa. Tương ứng với hạnh nguyện Bồ Tát đạo Phật: Trí huệ Bồ Tát, Tín Đức Bồ Tát và Tinh Tấn Bồ Tát. Không những ở Phật giáo mà một số giáo phái cổ tại Ấn, nội dung giáo lý và sở hành đều có điểm tương đồng nhau. Những hành trạng đều cùng mục đích nâng cao tâm thức hội nhập với chân thể vũ trụ. Hành giả Yoga đòi hỏi phải biết cách điều phục Thân ,Tâm, hơi thở trước khi đi vào Thiền và Định. Lúc bấy giờ hành giả không còn bị ràng buộc vào những giác quan phàm tục một khi thật sự được giải thoát. Các tôn giáo, triết lý, học thuật tại Ấn độ, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng lẫn nhau về một nền văn hóa cổ truyền. Nghiệp quả, luân hồi, vị tha, vô ngã, lòng bác ái, đại ngã, bản thể chân như, giải thoát, Thượng đế, Phật tánh … đuợc triển khai theo sự chứng đạt riêng của mỗi vị giáo chủ trong một khu vực riêng tư trên lãnh thổ mênh mông của Ấn Độ. Hầu hết các học thuyết, tôn giáo không ra khỏi nền văn minh sông Hằng. Tuy cùng một vấn đề, nhưng mỗi học phái, mỗi tôn giáo có cách diễn đạt riêng, có một quan điểm cá biệt. Thượng đế của Ấn giáo không hẳn là một đấng sáng tạo như Kyto giáo, nhưng là tính hằng hữu trong mọi sinh vật. Nó tương ứng với quan niệm Vô cực của Đạo học, nó không là một chủ thể, nó là tự tánh hằng hữu, một Như Lai tạng tánh của đạo Phật. Bàng bạt khắp vũ trụ, từ cái kiến đến tinh tú…Bản chất hằng hữu đó, dưới nhãn quang của các tôn giáo và học thuyết Ấn độ là một dạng ánh sáng, dạng quang năng.

Không phải ngẫu nhiên các ảnh vẽ về các giáo chủ, thánh nhân đều có vầng hào quang quanh đầu. Mỗi khi đức Phật phóng quang đều xuất phát từ đỉnh đầu hoặc giữa trán, nghĩa là từ luân xa 7 hoặc luân xa 6. Tại sao không vẽ hào quang toàn thân? Chỉ có các giáo chủ, thánh nhân mới có hào quang hay tất cả chúng sanh đều có? Côt lõi vấn đề không phải là hào quang nằm ở đâu, nhưng ý nghĩa hào quang là dạng quang năng sinh thức hằng hữu trong mọi loài mà chư Phật, chư Thánh đã khôi phục lại nguyên tính vốn hằng hữu của nó.

Trong cỏi hữu hình lẫn vô hình, quang năng và âm lực tạo nên sự sống của mọi sinh thức. Big Bang cũng như Đạo học đã đề cập như là một yếu tố đồng thời, cùng xuất hiện và cùng tồn tại, chúng ẩn tàng trong mọi dạng thức, đánh lừa cảm quan chúng sanh, từ đó, chúng sanh xa dần với cội nguồn nguyên thủy, càng ngày càng trôi lăn trong 6 nẽo luân hồi. Các tôn giáo có mục đích đưa nhân loại về lại cội nguồn bằng những giáo lý xây dựng trên nền tảng quang năng và âm lưu nội tại. Tự tánh Di Đà là một trong những pháp môn giúp hành giả nhận chân Bản lai diện mục của chính mình.


MINH MẪN
22/11/2011

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment