Nhật Ký Biển Đông: Mỹ-Trung Hoa Sẽ Đụng Nhau Ở Biển Đông
Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối của Tháng Tám ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
-Voice of Russia ngày 15/8/2014: “Liên hiệp tập đoàn Almaz-Antey đang tiến hành đàm phán về việc khai trương tại Việt Nam, Algeria, Ấn Độ và Trung Quốc những trung tâm dịch vụ sửa chữa và bảo trì hệ thống phòng không (hỏa tiễn) mà Nga cung cấp cho các nước này. Đây là phương thức hiệu quả để đảm bảo hoạt động của các thiết bị kỹ thuật, cho phép nhanh chóng giải quyết vấn đề cải tiến hiện đại hóa và sửa chữa hệ thống phòng không mà không cần phải di chuyển từ nước này sang nước khác.”
-VOA tiếng Việt ngày 18/8/2014: Chiến thuật dùng tàu cá để bành trướng và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông dường như không thể ngăn cản được, theo nhận xét của giới chuyên gia phân tích. Cục trưởng Cụ Kiểm Ngư Việt Nam, Nguyễn Ngọc Oai nói rằng “Tàu cá của Trung Quốc không gọi là tàu cá được. Thật ra đó là những tàu thiết kế để thực hiện nhiệm vụ khác. Những tàu đó cũng là một trong những mũi tấn công chính trong các vụ gây hấn với Việt Nam.”
-TuoiTreOnline ngày 18/8/2014: “Theo AFP, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết tính đến tháng 10-2013 chỉ còn 135.078 người Nhật sinh sống và làm việc ở Trung Quốc, giảm 10,19% so với một năm trước đó. Nhà kinh tế Shinichi Seki thuộc Viện Nghiên cứu Nhật (JRI) nhận định sự suy giảm xuất phát từ việc quan hệ ngoại giao xấu đi khiến người dân hai nước ác cảm với nhau.”
-RFI ngày 20/8/2014: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/08/2014 đã bác bỏ lời phản đối của Manila vào hôm thứ Hai, 18/08, về vụ hai tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong khu vực dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và khẳng định Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) thuộc lãnh thổ Trung Quốc, và các hoạt động khảo sát do tàu khảo sát Trung Quốc thực hiện đều hợp lý, hợp pháp và không thể bị chỉ trích.”
-VOA tiếng Việt ngày 21/8/2014: “Công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản hôm nay loan báo tìm thấy dầu và khí đốt tại giếng thăm dò thứ tư ở các lô số 05-1b và 05-1c ngoài khơi bờ biển miền nam Việt Nam. Theo Reuters, công ty này cho biết việc phát hiện đã được xác nhận dựa trên những vụ khoan thử nghiệm thực hiện hồi tháng Năm và tháng Tám, ngoài các cuộc phát hiện ra dầu khí tại các giếng khác đã được khoan trong hai lô vừa kể. “
- AP (Washington D.C.) ngày 22/8/2014: Bộ tham mưu của TT. Obama lên án hành vi nguy hiểm (suýt gây chết người) của một máy bay chiến đấu Trung Quốc khi lên nghênh cản máy bay tình báo và do thám P-8 Poseidon của Mỹ ngoài bờ biển Trung Quốc cách Đảo Hải Nam 137 dặm về phía đông và trên không phận quốc tế. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ coi đây là hành vi thật sự khiêu khích và là bước thụt lùi trong nỗ lực cải thiện bang giao giữa hai nước.
-VOA tiếng Việt ngày 23/8/2014: “Philippines cho biết họ giữ nguyên lập trường đa phương trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông giữa lúc có tin tàu Trung Quốc xuất hiện ở Bãi Cỏ Rong. Philippines xem Bãi Cỏ Rong thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình vì cách đảo Palawan 80 hải lý.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng
định rằng Bãi Cỏ Rong là lãnh thổ của Trung Quốc. “
-BBC tiếng Việt ngày 25/8/2014: “Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo nói ông Lê Hồng Anh
-Thường Trực Ban Bí Thư Đàng CSVN sẽ thăm Trung Quốc trong hai ngày 26/8-27/8 với danh nghĩa là Đặc phái viên của Tổng Bí thư. Rõ ràng mục tiêu đầu tiên trong chuyến đi của ông Lê Hồng Anh, người cũng được cho là nhân vật số 5 trong Bộ Chính trị, là để xoa dịu tình hình vừa gặp khá nhiều căng thẳng giữa hai bên. Được biết chuyến thăm lần này được thực hiện theo lời mời của Trung ương Đảng CS Trung Quốc.”
-RFI tiếng Việt ngày 25/8/2014:” Ô. Nguyễn Tấn Dũng- Thủ tướng Việt Nam sau cuộc gặp gỡ với Ô. José Manuel Barroso- Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã cho biết, Việt Nam và Liên hiệp châu Âu hy vọng sẽ thỏa thuận xong hiệp định tự do mậu dịch trong tháng 10 tới. Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu điện thoại di động và các loại dụng cụ điện tử khác, giày dép, sản phẩm dệt may và nông sản, trong đó có cà phê, gạo. Liên hiệp châu Âu cũng là một trong những nhà đầu tư nước ngoài quan trọng tại Việt Nam, với 656 tỉ đô la đầu tư trực tiếp trong năm 2013. Liên hiệp châu Âu là thị trường xuất khẩu hàng đầu, và là đối tác thương mại đứng hàng thứ nhì của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Theo báo chí trong nước, sau khi ký được hiệp định thương mại song phương, có ít nhất 90% số mặt hàng của Việt Nam xuất sang châu Âu sẽ được miễn thuế.”
-Báo Tiền Phong ngày 25/8/2014: “Bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ đánh giá cao về vị thế an ninh- quốc phòng của Việt Nam và mong muốn Việt Nam trở thành đối tác của Ấn Độ trong lĩnh vực này trong cuộc hội kiến với Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 25/8/2014.” Còn theo RFI: “Theo báo chí Ấn Độ ngày 21/08/2014, trước khi Ngoại trưởng Ấn đến Hà Nội, Việt Nam đã quyết định triển hạn hợp đồng thăm dò dầu khí của tập đoàn Ấn Độ OVL tại Biển Đông, một động thái được đánh giá là nhằm khẳng định vai trò của Ấn Độ tại Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.” Và vào ngày 27/8/2014 RFI nhận định tiếp, “Tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam đối với Ấn Độ đã được New Delhi thể hiện một cách cụ thể khi bà Ngoại trưởng Ấn Độ đã triệu tập 15 trưởng phái bộ Ngoại giao của Ấn Độ tại vùng Đông Á và Đông Nam Á về họp tại Hà Nội, với mục tiêu là đề xuất sáng kiến phát huy chính sách đối ngoại của New Delhi trong toàn khu vực.”
-VOA tiếng Việt ngày 26/8/2014: “Báo Time cho hay các giới chức hải quân Mỹ xác nhận rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington đã khởi sự hoạt động tại vùng Biển Đông Trung Hoa và nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ đang hiện diện trong khu vực Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
-Reuters (Bejing) ngày 28/8/2014:” Trung Quốc yêu cầu Mỹ giảm bớt hay ngưng hẳn các cuộc do thám bằng máy bay nếu muốn cải thiện bang giao giữa hai nước sau sự kiện nguy hiểm xảy ra ngày 22/8/2914 trên không phận quốc tế cách Đảo Hải Nam 137 hải lý.” Hành động bay chặn đầu nguy hiểm của Trung Quốc không những không giảm mà còn gia tăng và bay sát hơn không ngoài mục đích che chắn cho hạm đội tàu ngầm trang bị hỏa tiễn đạn đạo đóng tại Đảo Hải Nam của Trung Quốc khỏi bị Hoa Kỳ do thám. Đó là lời bình luận của Chuẩn Đô Đốc Trương Triệu Trung (Zhang Zhaozhong) trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo.
-BBC tiếng Việt ngày 28/8/2014: Ngày 26/8/2014 tại thành phố Đà Nẵng, đã khai mạc Diễn đàn ASEAN về Biển lần thứ 5 (AMF-5) và Diễn Đàn ASEAN về Biển Mở Rộng lần thứ 3 (EAMF-3) do Việt Nam tổ chức.
-VOA tiếng Việt ngày 29/8/2014:” Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Nhật Bản với một lịch trình làm việc phong phú. Theo chuyên gia chiến lược Bharat Karnad tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi những lo ngại về một nước Trung Quốc hung hăng đang đẩy hai quốc gia này gần hơn đến một đối tác an ninh.”
-RFI tiếng Việt ngày 30/8/2014: “Theo báo chí Nhật Bản và Ấn Độ vào hôm nay, 30/08/2014, chính quyền Manila vừa công bố ảnh chụp từ trên không (không ảnh) cho thấy Bắc Kinh đang gấp rút xây dựng cơ sở có thể dùng vào mục đích quân sự trên một số rạn san hô ở vùng quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines không ngần ngại tố cáo thái độ nói một đằng, làm một nẻo của Trung Quốc.”
-Voice of Russia ngày 30/8/2014: “Theo Itar-Tass, ông Putin tuyên bố Nga không hề có ý định tổ chức hoặc dính dáng vào các cuộc xung đột quy mô lớn. Nga đang tăng cường sức mạnh hạt nhân và vũ trang.” Ô. Putin cảnh báo, “Tôi muốn nhắc nhở rằng Nga là một trong những quốc gia hạt nhân hùng mạnh nhất thế giới. Nước Nga luôn cần sẵn sàng chống lại bất kỳ hành vi xâm lược nào. Kẻ thù của nước Nga cần nhớ rằng không nên gây xung đột vũ trang chống lại Nga”. Lời cảnh báo này chắc chắn nhắm vào Mỹ và NATO giữa lúc Mỹ đang điều thêm máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 có trang bị vũ khí nguyên tử tới Guam để chuẩn bị đối phó với Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ dùng vũ khí nguyên tử tấn công Trung Quốc thì phải phải tiêu diệt luôn Nga vì không thể để Nga sống sót. Ngược lại nếu Trung Quốc dùng vũ khí nguyên tử để đánh Mỹ thì nhân cơ hội đó Nga cũng sẽ tiêu diệt luôn Mỹ để tránh hậu hoạn. Như vậy bất kỳ một cuộc đối đầu hạt nhân nào giữa các siêu cường cũng sẽ hủy diệt toàn cầu.
Nhận Định:
Trong cơn lốc xoáy của cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc tại Biển Đông đang càng ngày càng gia tăng, nhìn vào những chuyển động mới đây của Hoa Lục, người ta tiên đoán mặt trận chính sẽ chuyển sang Phi Luật Tân bởi các chiến lược gia Trung Quốc có thể đã thấy Việt Nam không phải là mối đe dọa về an ninh, trước mắt cũng như lâu dài cho Trung Quốc. Sự hiện diện quân sự với khả năng tấn công toàn cầu của Mỹ tại Phi Luật Tân, vừa có tác dụng ngăn chặn hành động của Hoa Lục tại Biển Đông vừa là mối đe dọa về an ninh trước mắt cũng như lâu dài cho Trung Quốc. Chuyển mặt trận qua Phi Luật Tân, liệu Trung Quốc có chịu hòa dịu với Việt Nam không? Mà hòa dịu như thế nào đây? Trong khi vẫn duy trì “Đường Lưỡi Bò” và không chịu ký vào Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) thì mọi hoạt động ngoại giao, từ chuyện Ô. Dương Khiết Trì thăm Việt Nam ngày 18/6/2014 tới chuyện Ô. Lê Hồng Anh tới Trung Quốc ngày 26/8/2014 gặp Ô.Tập Cận Bình có thể chỉ là chiến lược “đánh đánh, đàm đàm” lừa miếng nhau của hai bên. Nhưng cũng có thể Hoa Lục phải tạm thời hòa dịu vì thấy Việt Nam đang xích gần lại với Mỹ- một điều vô cùng bất lợi cho Hoa Lục và cũng có thể đây là thủ đoạn nhằm tránh cho Việt Nam tố cáo Trung Quốc trong cuộc họp thượng đỉnh của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào Tháng 11 tới đây mà Trung Quốc là nước chủ nhà.
Đối với các nước nhỏ, đang phải đối đầu với siêu cường khổng lồ Trung Quốc, dĩ nhiên vũ khí là cần nhưng chưa đủ. Sức mạnh quốc phòng tự chủ - không dựa vào viện trợ của ngoại bang - phải kết hợp với chiến lược ngoại giao thì mới có thể giữ yên đất nước. Ngoại giao mà không có quốc phòng là ngoại giao trên thế yếu. Quốc phòng mà không có ngoại giao là quốc phòng mù và có thể đưa đất nước tới tan nát. Ngoại giao giỏi giống như chiếc đòn bẩy nhẹ nhàng nhưng có thể xô được một tảng đá khổng lồ. Một đất nước yên ổn và cường thịnh là đất nước có một nền quốc phòng tự chủ vừa đủ nhưng lại có chiến lược ngoại giao xuất chúng. Mà muốn có ngoại giao xuất chúng thi phải “quán thông kim cổ” và hiểu được sức mạnh cũng như quyền lợi của các siêu cường đang tác động tới sự an nguy của thế giới. Tóm lại: Ngoại giao giỏi là làm bạn với mọi người, lấy sức của người thành sức của mình và không bao giờ tạo ra kẻ thù vô ích. Ngoại giao ngu đần là tự biến đất nước mình thành “tiền đồn” cho bất cứ siêu cường nào.
Thế ngoại giao độc lập tự chủ vô cùng khó khăn. Nền chính trị Hoa Kỳ dù có bất ổn thì cũng chẳng ai dám đụng tới “sợi lông chân” Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ là một siêu cường. Nhưng là một nước nhỏ, nếu chính trị không ổn định, đất nước “năm cha ba mẹ” chắc chắn các phe nhóm chính trị sẽ đấu đá nhau để tranh giành quyền lợi. Mà phương cách hữu hiệu nhất để có được sự đỡ đầu của “boss” là trở thành “tiền đồn” tức đem xương máu của dân tộc ra để bảo vệ lợi ích cốt lõi hay quyền lợi sinh tử của “boss”. Hiện nay các phe cực hữu của Ukraine được Mỹ và NATO hỗ trợ hết mình về các mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, tài chính và kinh tế chỉ vì phe cựu hữu muốn biến Ukraine trở thành tiền đồn của NATO và Mỹ để chế ngự Nga. Trong khi phe ở miền Đông và Nam lại muốn đất nước Ukraine thân thiện với Nga - từ đó mà phong trào ly khai/liên bang hóa đã biến thành cuộc nội chiến đẫm máu mà quân chính phủ ỏ Kiev đang thất thế. Nếu miền Đông và Nam Ukraine lọt vào tay quân ly khai thì Ukraine đã đánh mất Cremia nay lại đối đầu với nguy cơ chia cắt ra làm hai và bất ổn kéo dài vô tận cho đến khi có một giải pháp quốc tế. Đứng về mặt địa lý chính trị (Geopolitics) mà quán xét Ukraine tan nát vì không có một đảng chính trị đủ mạnh đề thuyết phục quần chúng và các phe phái chấp nhận một chính sách ngoại giao có lợi nhất cho Ukraine.
Việc Việt Nam hợp tác chiến lược hay hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Âu Châu, Trung Quốc v.v…là thế ngoại giao đa phương của nước nhỏ. Đây còn gọi là thế ngoại giao trung lập mà thuật ngữ chính trị gọi là “đu giây” hay “lăng ba vi bộ”. Vị thế của Việt Nam khó gấp bội Phi Luật Tân. Phi Luật Tân có thể cắt đứt liên hệ ngoại giao và trực tiếp đối đầu với Trung Quốc nhưng Việt Nam thì không thể làm thế. Tình thế của Việt Nam bây giờ cũng giống như Ukraine. Ukraine dù có sự hỗ trợ của NATO và Hoa Kỳ nhưng nếu muốn sống yên để phát triển thì vẫn phải thương thảo và quan hệ “láng giềng tốt” với Nga.
Đứng về mặt địa lý chiến lược thì vị trí của của Việt Nam quan trọng hơn Ukraine rất nhiều. Bởi vì dù Ukraine có “thân Nga” như thời Tổng Thống Yanukovych (bị lật đổ vào Tháng 3,2014) thì Âu Châu vẫn “vững như bàn thạch”. Nhưng nếu Việt Nam suy yếu và ”thỏa hiệp” hay “làm ngơ” để Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông thì toàn bộ Đông Nam Á sẽ nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Lúc đó Hoa Kỳ sẽ bị đẩy ra khỏi Á Châu và trật tự thế giới thay đổi. Chúng ta hãy suy nghĩ về lời phát biểu của Tướng Dempsey trong cuộc họp báo ngày 16/8/2014 tại Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, khi trả lời câu hỏi của nhật báo New York Times do báo Đời Sống và Pháp Luật tường thuật:
-New York Times: Ông đã đưa ra một nhận định rất thú vị về việc hình dung quan hệ Mỹ-Việt trong 45 năm tới. Việt Nam sẽ là một đối tác như thế nào của Mỹ vào thời điểm đó? Cụ thể là khi nào Mỹ sẽ gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam?
-Tướng Dempsey: Tôi không thể không đồng ý về tầm quan trọng và vị thế đặc biệt của Việt Nam đối với khu vực và toàn cầu trong tương lai. Theo tôi, Việt Nam sẽ đóng một vai trò địa chính trị cực kỳ quan trọng trong khu vực và trên thế giới trong những năm tới. Đang ngày càng có một sự đồng thuận trong chính trường Mỹ - từ giới quan chức, phi chính phủ, cho đến chính quyền - về việc Việt Nam đang ngày càng có những tiến bộ mà từ đó có thể dẫn đến việc gỡ bỏ lệnh cấm gỡ bỏ vũ khí sát thương từ Washington.
Theo thời gian, do tình thế xô đẩy, Mỹ đã trực tiếp can dự vào Biển Đông và dĩ nhiên Mỹ rất cần- trước hết là Việt Nam, Phi Luật Tân, sau đó là các nước khác ở Đông Nam Á. Mỹ hiện đang thận trọng suy tính những bước đi tiếp mà theo tôi nghĩ, không gì khác hơn là tăng cường dự hiện diện hải quân và không quân tại Biển Đông. Nếu Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện hải quân tại vùng này thì đụng độ sớm muộn cũng phải xảy ra. Trong một cuộc đụng độ giữa hai siêu cường sức mạnh tương đương, nước nào có nhiều đồng minh, nước đó thắng. Rồi đây những lời tuyên bố của Mỹ như “không theo bên nào” hoặc “không có ý định kiềm chế Trung Quốc” sẽ trở nên “vô nghĩa” và cần dẹp bỏ. Đó là chuyện rất tự nhiên theo quy luật sinh tồn giữa các cường quốc. RFI tiếng Việt ngày 26/8/2014 đã nhận định về việc Mỹ đưa thêm hàng không mẫu hạm vào Biển Đông như sau, “Dù phát ngôn nhân của Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương nói rằng các hoạt động này không liên quan tới một sự kiện nào đặc biệt, nhưng các nhà phân tích cho rằng sự tập trung lực lượng hiếm thấy của 3 nhóm tàu sân bay tại khu vực tương đối nhỏ ở Thái Bình Dương có thể được xem là một tín hiệu cảnh báo với các căng thẳng tranh chấp đang gia tăng giữa các nước Châu Á ở Biển Đông.”
Nhìn vào lịch sử cận đại, biết bao nhiêu nước nhỏ đã bị chiếm đóng hay tan nát trong Thế Chiến I & II dù các quốc gia này không hề đứng vào phe nào. Chẳng hạn, nếu bị Mỹ phong tỏa tại Biển Đông, Hoa Lục có thể đem dăm ba chục sư đoàn tiến vào Miến Điện để mở một thông lộ từ Vân Nam ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (Hoa Lục hiện có 2,300.000 quân hiện dịch tức khoảng 230 sư đoàn) . Khi đại chiến bùng nổ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Lúc đó quốc gia nào cũng phải đối đầu với sống-chết, chứ không thể nói chuyện đúng-sai, nhân đạo hay không nhân đạo. Trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Hoa-Mỹ sắp tới, các nước nhỏ nằm ngay trong lòng trận địa như Việt Nam và Phi Luật Tân chắc chắn sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề. Nhưng “hậu quả nặng nề” mà giữ được đất nước là mừng lắm rồi. Không thể có chiến lược tuyệt đối hoàn hảo trong cuộc đụng độ lịch sử này đâu./-
Đào Văn Bình
(California
ngày 31/8/2014)
Khai Dân Trí | Đào Văn Bình |
No comments:
Post a Comment