Nhật Ký Biển Đông: Mỹ Có Thể Thỏa Hiệp Với Hoa Lục Ở Biển Đông
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu của Tháng Chín ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:
-RFI tiếng Việt ngày 2/9/2014:”Ngoại trưởng Úc thông báo, trước thực tế Úc đang phải đảm nhiệm vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc xung đột quốc tế như ở Irak, Syria, hay thậm chí Ukraina (sẽ cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraina). Canbera sẽ chính thức xin gia nhập khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.” Nếu Úc gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương thì Úc sẽ trở thành mũi nhọn xung kích của NATO ở Châu Á. Chắc chắn Nga và Hoa Lục sẽ phải quan tâm tới diễn biến gây ánh hưởng rất lớn tới an ninh này.
-Voice of Russia ngày 2/9/2014:” Tại cuộc gặp với Chủ tịch hội đồng nhân dân tối cao CH/DC/ND Triều Tiên Choe Thae Bok, ông Torshin- Phó Chủ Tịch Thứ Nhất Thượng Viện Nga cảm ơn ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã có quan điểm cân nhắc về cuộc khủng hoảng ở Ukraina và hỗ trợ Nga tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề này. Theo ông Torshin, Bắc Triều Tiên từng biết thế nào là biện pháp trừng phạt do đó nhận thức được rằng sự thật lịch sử trong tình huống này thuộc về Nga. Ông Torshin cũng đã mời các đại biểu Bắc Triều Tiên đến thăm Crưm (Cremia). “ Đúng như lời tiên đoán, nếu Hoa Kỳ tiếp tục đối đầu với Nga thì Nga sẽ hỗ trợ cho Bắc Hàn để làm đối trọng với Nam Hàn và Nhật Bản là hai đồng minh chí cốt của Mỹ tại Bắc Á và chắc chắn sẽ làm cho Mỹ và Nhật Bản nhức đầu thêm. Tình hình thế giới biến chuyển từng giờ từng phút.
-AFP ngày 2/9/2014: Cựu thủ lĩnh Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan Lech Walesa tuyên bố nếu NATO trợ giúp vũ khí cho Ukraine sẽ dẫn tới chiến tranh nguyên tử giữa Nga và NATO.
-RFI tiếng Việt ngày 2/9/2014:” Theo tờ Want China Times của Đài Loan hôm nay 02/09/2014, Bắc Kinh đã dấn thêm một bước mới trong chiến dịch tích cực xâm lấn để tìm cách khẳng định chủ quyền tại Biển Đông. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy sáu rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đã được biến thành các đảo nhỏ nhờ việc cải tạo hạ tầng trong sáu tháng qua.”
-VOA tiếng Việt ngày 3/9/2014:” Báo chí nhà nước Trung Quốc loan tin Bắc Kinh đang mở một tuyến mới cho các tàu du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, trong một hành động khiêu khích thêm nữa đối với Việt Nam sau sự hiện diện gây tranh cãi của giàn khoan Hải Dương 981 từ tháng 5 đến tháng 7 trong khu vực khiến quan hệ Việt-Trung leo thang căng thẳng.” Vậy thì chuyện Ô. Dương Khiết Trì thăm Việt Nam ngày 18/6/2014 tới chuyện Ô. Lê Hồng Anh tới Trung Quốc ngày 26/8/2014 gặp Ô.Tập Cận Bình chỉ là chiến lược “đánh đánh, đàm đàm” lừa miếng nhau của hai bên.
-Business Insider ngày 3/9/2014: Cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ vừa tiến hành những cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu âm mới trong tháng qua. Dù cả hai không thành công, nhưng họ tỏ dấu tiếp tục cuộc cạnh tranh về quân sự, hai bên nỗ lực phát triển những phi đạn với độ chính xác cao có thể bay nhanh hơn tốc độ âm thanh vài lần.
-VOA tiếng Việt ngày 4/9/2014: ” Một quan chức cấp cao Trung Quốc hôm thứ Tư (3 tháng 9) cảnh báo các nước láng giềng châu Á chớ ngả theo một đại cường để tìm cách làm đối trọng với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải của họ, một cảnh báo dường như nhắm vào Mỹ. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, nói rằng nước ông sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ bất kể Trung Quốc sẽ hùng mạnh ra sao.”
-VOA tiếng Việt ngày 4/9/2014: “Việt Nam và Nga thúc đẩy hợp tác dầu khí nhân chuyến thăm làm việc của
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hai ngày 2/9 và 3/9.”
-RFI ngày 4/9/2014: ” Cuộc
tập trận chung giữa Trung Quốc và Singapore diễn ra hôm qua 03/09/2014. Hải quân Trung Quốc và Singapore
đã huy động trực thăng, tuần duyên hạm. Theo bộ Quốc phòng Singapore cuộc tập
trận trên biển song phương nhằm thắt chặt quan hệ giữa hải quân hai nước. Cuộc
tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông
với nhiều nước Đông Nam Á”. Singapore là nước duy nhất tại Á Châu cho phép Hoa
Kỳ đồn trú những chiến hạm tối tân nhất trong chiến lược “Xoay Trục”. Singapore
là nước công khai ca ngợi Hoa Kỳ về mọi mặt nhưng lại chủ trương làm ăn buôn
bán với Trung Quốc để phát triển. Năm 2009 tổng số giao dịch thương mại
với Hoa Lục là 58.4 tỉ đô-la. Năm 2008 Singapore là
nước duy nhất ở Đông Nam Á ký thỏa hiệp tự do mậu dịch với Trung Quốc. Hiện nay
một số quốc gia như Nam Hàn,Thái Lan, Mã Lai và kể cả Úc Châu đều chơi trò “bắt
cá hai tay” , trò chơi “hai mặt”hay nôm na như các cụ Việt
Nam thường nói, “của yêu, người ghét” tức liên minh với Mỹ để bảo vệ an ninh nhưng
lại làm ăn buôn bán với Hoa Lục để phát triển. Đây là chính sách ngoại giao “quái
gở” nhưng rất phổ thông và thực tiễn trong thời đại đa cực và toàn cầu
hóa.
-Reuters ngày 7/9/2014: Trong bài viết
nhan đề “Vietnam
building deterrent against China in disputed seas with submarines” Greg Torode nhận định, “Việt Nam sớm có một khí cụ đáng
tin cậy trên biển để ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông đó là tàu ngầm Kilo-class
của Nga mà các chuyên viến quân sự nói rằng sẽ khiến Trung Quốc phải suy nghĩ
cẩn thận trước khi đe dọa một nước láng giềng nhỏ hơn rất nhiều tại vùng biển
đang có tranh chấp.” Greg Torode cũng nói rằng tàu ngầm Kilo-class của Việt Nam
tối tân hơn 12 chiếc cùng loại mà Trung Quốc đưa vào xử dụng cách đây một thập
niên. Còn theo VOA tiếng Việt ngày 8/9/2014, “Nhà
nghiên cứu Siemon Wezeman thuộc Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm
(SIPRI) nhận định Việt Nam đang thay đổi hiện trạng qua việc mở rộng khả năng
quân sự và phát triển võ khí. Vẫn theo lời ông, với Trung Quốc, một lực cản từ
Việt Nam đang dần dần trở thành một thực tế.”
-AFP ngày 8/9/2014:” Một giới chức ngoại giao Phi Luật Tân cho biết Tổng Thống Aquino mưu tìm sư hỗ trợ của Âu Châu để đối phó với những tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc trong chuyến viếng thăm các quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu kéo dài một tuần lễ bao gồm Pháp và Đức”.
-VOV ngày 10/9/2014:”Việt Nam phản đối Trung Quốc ngang ngược, khống chế, đánh đập ngư dân Việt Nam từ Quảng Ngãi ra đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa và yêu càu bồi thường thỏa đáng.”
-VOA tiếng Việt ngày 10/9/2014: “Tân Hoa xã dẫn lời Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nói với cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice nhân chuyến thăm 3 ngày của bà tới Bắc Kinh rằng Trung Quốc hy vọng Mỹ có cái nhìn đúng đắn về sự phát triển của quân đội Trung Quốc, xử lý các xích mích tốt hơn, giảm và chấm dứt việc theo dõi các tàu và máy bay quân sự của Trung Quốc.”
-Reuters ngày 11/9/2014: “Phi Luật Tân trưng bày những bản đồ cổ của Trung Hoa cho thấy từ đời Tống tới cuối đời Thanh, lãnh thổ của Trung Hoa chỉ tới Đảo Hải Nam mà không hề có các nơi mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.”
-International Business Times ngày 12/9/2014: Một cuộc thăm dò phối hợp giữa China Daily và Genron (Nhật Bản) cho thấy 53.4% dân Trung Hoa tin rằng chiến tranh Hoa-Nhật sẽ nổ ra trong vòng 5 năm. Cuộc thăm dò diễn ra giữa lúc có những cuộc thảo luận Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật Bản nhũng vũ khí mới. Chẳng cần thăm dò gì hết. Nếu Hoa Lục cứ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự, Nhật chuyển hiến pháp hòa bình thành hiến pháp diều hâu và vũ khí tối tân của Mỹ tiếp tục đổ vào đây… mà hai bên không đạt được một thỏa ước hòa bình thì sớm muộn chiến tranh Hoa- Nhật cũng phải xảy ra.
-RFI ngày 12/9/2014:” Tổng thống Nam Dương Joko Widodo nói với Asahi Shimbun : “Tôi từ chối giải pháp quân sự. Cần phải luôn luôn tìm kiếm các giải pháp ngoại giao, và nếu điều này tỏ ra cần thiết, Indonesia sẵn sàng đóng vai trò trung gian tại Biển Đông”.
-Voice of Russia ngày 15/9/2014:” Ban chỉ huy quân sự của Nhật Bản dự định nối lại tiếp xúc với lực lượng vũ trang LB Nga, vốn có khoảng tạm ngưng sau khi Tokyo tham dự (tham gia) lệnh trừng phạt chống Matxcơva trong tương quan các sự kiện xung quanh Ukraina.” Đây có thể là dấu hiệu xích lại gần nhau giữa Nga và Nhật. Về địa lý chiến lược, Nhật cần Nga và Nga cũng cần Nhật.
-Tuổi Trẻ Online ngày 15/9/2014: Tổng Thống Ấn Độ Pranab Mukherjee viếng thăm Việt Nam trong bốn ngày và ký kết những văn kiện hợp tác chiến lược trong đó có thể có thỏa hiệp bán hỏa tiễn siêu thanh BrahMos tối tân nhất của Ấn Độ nhưng không được công bố. New Delhi cũng đã cung cấp khoản tín dụng 100 triệu USD để Việt Nam mua các các thiết bị quân sự từ Ấn Độ và huấn luyện thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam. Thông Cáo Chung Việt-Ấn nêu rõ, “Hai bên nhất trí rằng hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.”
Nhận Định:
Có ba chuyển biến khiến tình hình thế giới đột ngột đổi thay, đó là:
- Mỹ và NATO liên kết với nhau để buộc Nga phải “quỳ gối” nhân vụ khủng hoảng Ukraine cho dù Kiev đã đạt được thỏa hiệp ngừng bắn với phe ly khai/ liên bang hóa qua nỗ lực và trung gian của Nga.
-Sự ra đời quá nhanh của Nhà Nước Hồi Giáo (IS) tại Iraq bên cạnh mạng lưới al-Qaeda vẫn còn nguyên vẹn và phát triển rộng hơn.
-Cuộc đối đầu Mỹ-Hoa Lục tại Biển Đông dù Mỹ đã “xoay trục” 5 năm mà Trung Quốc mỗi lúc mỗi hung hăng hơn mà Mỹ không sao ngăn cản được.
Xin nhớ cho trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh với nguy cơ bùng nổ chiến tranh nguyên tử, Mỹ chỉ phải đối đầu với Liên Bang Sô-viết và Hoa Lục. Nay Mỹ vừa phải đối đầu với Nga, Trung Quốc lại thêm nguy cơ khủng bố quốc tế đã hình thành một quốc gia với lãnh thổ rộng lớn.
Do thế và lực hiện có, Mỹ không thể cùng lúc tiến hành ba mặt trận cùng lúc, do đó mà phải lựa chọn. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ có thể đã lựa chọn thỏa hiệp với Trung Quốc để dồn hết nỗ lực triệt hạ Nga và tiêu diệt khủng bố. Chiến lược mà Mỹ dùng để triệt hạ Nga là cấm vận kinh tế khiến Nga kiệt quệ, từ kiệt quệ, cô lập tới bất ổn chính trị từ đó suy yếu, trong khi đó viện trợ, đem quân tới các nước sát biên giới với Nga như Ba Lan và các nước Vùng Baltic và không chấp nhận bất cứ một giải pháp hòa bình nào cho Ukraine. Mục đích tối hậu của Mỹ là viện trợ cho Kiev để tiêu diệt phe nổi dậy thân Nga. Khi phe nổi dậy đã bị tiêu diệt rồi thì Ukraine ung dung gia nhập NATO. Hiện nay Tổng Thống Poroshenko của Ukraine đang đệ trình quốc hội một dự thảo luật hủy bỏ định chế phi liên kết của Ukraine. Theo Reuters ngày 13/9/2014, “Ngoại Trưởng Nga Lavrov tuyên bố, định chế “phi liên kết” là vấn đề căn bản của Moscow và những nỗ lực của Kiev định hủy bó nó đi nằm trong âm mưu của Hoa Kỳ nhằm thọc một mũi nhọn vào giữa Nga và Âu Châu.”
Còn về mặt trận chống Nhà Nước Hồi Giáo, Mỹ cho thành lập liên minh toàn cầu chống khủng bố. Họa khủng bố đối với Mỹ lớn hơn họa Trung Quốc rất nhiều. Bởi vì cho dù Trung Quốc có lớn mạnh nhưng chỉ đụng chạm tới quyền lợi của Hoa Kỳ chứ chưa thể gây đau đớn cho Hoa Kỳ. Trong khi nhóm khủng bố Hồi Giáo có thể gây đau đớn cho Hoa Kỳ ngay trong lòng nước Mỹ và trên toàn thế giới. Cho nên Hoa Kỳ phải cấp tốc làm cho nó suy yếu rồi tiêu diệt nó (degrade and destroy them). Chính vì thế mà Mỹ chọn lựa chiến thuật hòa hoãn với Hoa Lục để lo đại sự trước rồi “tính” Hoa Lục sau. Đây là kế “trì hoãn chiến” giống hệt như sách lược của cặp bài trùng Nixon-Kissinger năm xưa hòa với Hoa Lục để đánh ngã Liên Bang Xô-viết.
Thế nhưng khi Mỹ tiếp tục dồn ép Nga thì Nga sẽ “liên minh” với Trung Quốc để chống Mỹ. Vì để thắng Nga, Mỹ cũng phải o bế Hoa Lục. Bà Rice vừa mời Hoa Lục tham gia liên minh chống khủng bố cùng với Mỹ. Thế là “ngư ông” Trung Quốc đắc lợi vì trai (Mỹ) và cò (Nga) mổ nhau. Nhưng Mỹ thỏa hiệp với Hoa Lục như thế nào đây? Theo AP ngày 9/9/2014: Trong cuộc hội kiến với Ô. Tập Cận Bình, Bà Rice- Cố Vấn Anh Ninh của Tòa Bạch Ốc tuyên bố,” Tổng Thống Obama tin chắc rằng bang giao với Trung Quốc là một trong những mối liên hệ song phương có nhiều hệ quả nhất trên thế giới, và vì thế không có khó khăn/vấn đề gây ảnh hưởng toàn cầu nào mà không thể giải quyết tốt đẹp khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng làm việc với nhau trên bàn hội nghị.” (President Obama firmly believes that the U.S.-China relationship is one of the most consequential bilateral relationships in the world, and that there is virtually no problem of global significance that can't be better resolved when the United States and China are working together at the same table.” Theo RFI tiếng Việt ngày 8/9/2014, chuyến công du Trung Quốc của Ô. Barack Obama sẽ là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương.” Cột mốc quan trọng ở đây là gì? Qua lời tuyên bố “ngọt ngào”của Bà Rice thì Mỹ đã chìa “cành olive” cho Hoa Lục, tức hòa dịu và thỏa hiệp. Lời nói “ngọt ngào” của Bà Rice trùng hợp với lời của cựu Tổng Thống Jimmy Carter nhân dịp ông viếng thăm Thượng Hải để kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung Quốc, “Sự trỗi dậy thành công của Hoa Lục trên thế giới không phải là mối đe dọa cho Hoa Kỳ” (Tạp chí Forbes ngày 9/9/2014). Nếu Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc thì:
-Đối với Phi Luật Tân có thể Mỹ sẽ làm ngơ để Trung Quốc lấn chiếm Đảo Thị Tứ, Bãi Cỏ Rong và Bãi Có Mây của Phi Luật Tân, đem giàn khoan tới để khai thác dầu khi tại vùng này mà Mỹ chỉ phản ứng lấy lệ - tức gián tiếp chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc liếm tới sát Palawan của Phi Luật Tân.
-Đối với Việt Nam, Mỹ tiếp tục duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát hại cho Việt Nam, làm ngơ hoặc chỉ phản ứng lấy lệ khi Trung Quốc tiến chiếm phần còn lại của Trường Sa. Nếu Việt Nam cố thủ được thì Mỹ chẳng có lỗi gì. Nếu Trung Quốc chiếm gọn Trường Sa thì tốt quá vì nó đi đúng kế hoạch hòa dịu và tương nhượng với Trung Quốc. Cũng giống như Mỹ đã làm ngơ để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974 để làm quà tặng Mao Trạch Đông sau khi ký Minh Ước Thượng Hải năm 1972 để sau đó Đặng Tiểu Bình qua Mỹ bình thường hóa ngoại giao năm 1979.
-Còn Trung Quốc thì “lại quả” với Mỹ thế nào đây? Trung Quốc chỉ cần hứa bảo vệ an toàn đường giao thông hàng hải quốc tế…tức chuyện làm ăn buôn bán của Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng. Nói tóm lại Mỹ chẳng mất gì và đó là chiến lược để rảnh tay đối phó với Nga và quân khủng bố.
-Đối với ASEAN: Cả thế giới đang chú ý tới chuyện Ô. Obama gặp Ô. Tập Cận Bình vào Tháng 11 tới đây. Nếu Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc thì Mỹ phải trả một giá rất đắt. Các quốc gia Đông Nam Á lúc đó sợ quá cũng phải thỏa hiệp với Trung Quốc và như thế Mỹ “mất cả chì lẫn chài”. Nói tóm lại, nếu Mỹ cứ tiếp tục đối đầu với Nga thì Trung Quốc sẽ ở vào thế thượng phong và Mỹ càng ngày càng lúng túng không biết phải hành động thế nào. Hiện nay nước Mỹ đang tranh cãi về chính sách ngoại giao.
-Việc Singapore tập trận chung với Trung Quốc cho thấy ông Singapore này tuy đi với Mỹ nhưng vẫn ngán sợ sức mạnh quân sự và kinh tế của Hoa Lục. Một ngày nào đó nếu sức mạnh của Hoa Kỳ yếu đi, có lẽ Singapore là nước đầu tiên rước Tàu vào chứ chẳng ai khác. Đừng tưởng ông Singapore là “con nai vàng ngơ ngác”.
-Còn Phi Luật Tân Như đã nói, mới đây vừa thương thảo với Nga để mua hệ thống radar và hỏa tiễn (Báo Tempo Phi Luật Tân ngày 22/7/2014) nay Tây du để mưu tìm sự hỗ trợ - cho thấy Phi Luật Tân giờ này mới thấy nương tựa vào Hoa Kỳ chưa đủ, chính sách ngoại giao đa phương mới là chiến lược bền chắc, lâu dài để giữ gìn đất nước.
-Việc Việt Nam mới đây vừa cho thành lập một lữ đoàn (Lữ Đoàn 950) để phòng vệ Đảo Phú Quốc cho thấy mối bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc không “hòa dịu” như chúng ta thấy trên bề mặt ngoại giao. Chuyện tân đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tuyên bố rùm beng, Ô. McCain rồi Tướng Dempsey tới Việt Nam vô cùng náo nhiệt rồi bỗng dưng “êm ru bà rù” và chẳng nghe thấy một chuyển động nào để hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương từ Washington. Sự im lặng này có ý nghĩa gì ?
Ngày xưa Thục An Dương Vương chết là vì tưởng cuộc hôn nhân Trọng Thủy-Mỵ Châu là một hiệp ước hòa bình. Còn Ô. Maliki – thủ tướng Iraq do Mỹ dựng lên và bảo vệ hơn 8 năm trời (2006-2014), nay không còn thích nghi với thời thế nữa thì chính Ô. John Kerry lại yêu câu ông này “đi chỗ khác chơi” và đã phải ngậm ngùi từ chức. Ngày nay tình hình thế giới đổi thay rất nhanh, nay bạn, mai thù, nay “xoay trục” mai “thỏa hiệp”, nay cam kết mai “tháo chạy”, nay “bơm lên” mai lật đổ diễn ra trong chớp nhoáng không ai lường trước được cho nên lãnh tụ các nước nhỏ giống như “cá nằm trên thớt”. Tuy nhiên “bệnh quỷ thì có thuốc tiên”. Có một “chiêu thức” giữ nước bền chắc nhất là mở mắt to để nhìn, vểnh tai ra để nghe và tự lực tự cường, lấy sức mình là chính. Một đất nước mà nhận viện trợ của ngoại bang, chính quyền tồn tại nhờ sự che chở của quân đội ngoại bang tức là đưa cái tròng vào cổ cho ngoại bang xiết. Do đó độc lập, tự chủ là bửu bối trấn sơn hay cẩm nang giữ nước mà không một thứ vũ khí hoặc liên minh nào có thể thay thế được.Trong tình thế “trên đe dưới búa” của Đông Nam Á hiện nay, bất cứ sự nghiêng ngả về phía một đại cường nào cũng sẽ là thảm họa. Có lẽ chính vì thế mà ông Singapore và ông Thái Lan dù đi với Mỹ nhưng vẫn làm ăn buôn bán, tập trận hải quân chung với Trung Quốc chăng? Thái Lan muôn đời tình hình chính trị nát bét nhưng chính sách ngoại giao “gió chiều nào theo chiều ấy” là “Number One”của thế giới./-
Đào Văn Bình
(California ngày
16/9/2014)
Khai Dân Trí | Đào Văn Bình |
No comments:
Post a Comment