2012/10/03

MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ - Bài số 2


MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 2

HỒ TẤN VINH

ĐẠI VIỆT QDĐ MIỀN NAM
Đại Việt  lúc đầu chỉ tính có đấu tranh chánh trị, nhưng ngày 28-9-1945, khi Pháp công khai tấn công lực lượng võ trang miền Nam, ĐVQDĐ buộc lòng phải chuyển qua thế quân sự. Bộ đội An Điền được thành lập. An Điền là tên một tổng trong quận Thủ Đức là nơi đầu tiên cán bộ Đại Việt chiêu quân. Chỉ huy trưởng đầu tiên là Trần Văn Quới, tự Bảy Quới, sau trao lại cho Bùi Hữu Phiệt là một nhà cách mạng từ Côn Đảo mới về. Bùi Hữu Phiệt chỉ mới gia nhập Đại Việt khi chỉ huy bộ đội An Điền. Bùi Hữu Phiệt (Tám Phiệt) giỏi chữ nho và chữ Nhựt. Trong bộ Tổng tham mưu còn có ông già Tín, Phan Khắc Sửu, Trần Quốc Bữu Nguyễn Văn Tại Huỳnh Văn Thảo tức giáo Thảo, Văn Ngô . . . Bùi Hữu Phiệt nhờ Nhựt (qua trung gian của Trung Úy Nam Tước Watanabé) trang bị vũ khí nên lúc đó bộ đội An Điền có nhiều súng hơn lính. Sau này liên minh với lực lượng Bình Xuyên nên đổi tên là Trung đoàn 25 Bình Xuyên.
Nguyễn Bình tìm đủ cách thanh toán Trung đoàn 25 Bình Xuyên, nhứt là phải giết cho được Bùi Hữu Phiệt, ngoài lý do khác chánh kiến còn  vì mặc cãm xấu hổ, vì lúc ở Côn Đảo, Nguyễn Bình từng chỉ điểm để hại anh em mà Bùi Hữu Phiệt có chứng kiến. . . Ở trong thế kẹt nào đó, Bùi Hữu Phiệt phải trao quyền chỉ huy quân sự lại cho Tư Tỵ là người thân tín của Bảy Viễn. Nhưng Bùi Hữu Phiệt vẫn ở trong Tổng hành dinh Trung đoàn 25. Bùi Hữu Phiệt tự mình mở trường dạy học cho con nít và để tiêu sầu thì uống rượu làm thơ.
Giữa năm 1948, Nguyễn Bình mời Bảy Viễn đi phó hội ở Khu 7 cốt để trừ khử nhưng Bảy Viễn thoát thân về thành được. Cùng một lúc, Nguyễn Bình ra lệnh thanh toán các căn cứ của Bình Xuyên.
Trước đó, Nguyễn Bình đã gài các cán bộ CS làm chánh trị viên trong các chi đội Bình Xuyên nên khi Việt Minh trở mặt, Tư  Tỵ, Tư Hoạnh và chi đội 9 trở tay không kịp. Việt Minh bắt được Bùi Hữu Phiệt và nhân viên trong bộ tham mưu Trung đoàn 25. Họ bị tra tấn và thanh toán hết. Bùi Hữu Phiệt kháng cự và chửi rủa Nguyễn Bình nên bị hạ sát tại sân của Bộ tham mưu.
Bảy năm sau, năm 1955, khi Ngô Đình Diệm lộ bộ mặt độc tài, Đại Việt Quốc Dân Đảng lại thành lập một bộ phận quân sự ở miền Trung để vừa chống cộng vừa chống Diệm.
Chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) được thành lập tháng 2-1955 do các sĩ quan QLVNCH và các đảng viên Đại Việt lãnh đạo gồm có Hà Thúc Ký, Trần Bình, Phạm Văn Bôn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Lý, Hoàng Văn Hiền, Nguyễn Ngọc Cử, Nguyễn Văn Mân, Hoàng Xuân Tửu. Chiến khu cầm cự với quân chánh phủ cho đến khi các vị chỉ huy như Hoàng Văn Hiền, Nguyn Ngọc Cử, Nguyễn Văn Lý bị bắt mới tản hàng lui vào bí mật.

HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 3 tháng 10 năm 2012
(Còn tiếp)


Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí


Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

No comments:

Post a Comment