Thanh Quang, phóng viên RFA
Hiện ít nhất có 2 tù nhân lương tâm đang âm thầm chịu cảnh đọa đày oan khuất tại trại tù Xuân Lộc, Đồng Nai, đó là các tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu và tù nhân tôn giáo Mai Thị Dung.
Bị giam cầm đã 34 năm
Trong khi cựu đại uý VNCH Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục bị giam cầm tại trại tù Xuân Lộc - mà cảnh lao lý ông phải trải qua từ sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đến nay tổng cộng hơn 34 năm, thì Tổ chức Nhân quyền Human Rights Watch vừa đánh động công luận về tình cảnh tù nhân lương tâm, người tù của thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, lưu ý rằng ông là một trong những nhà bất đồng chính kiến dũng cảm nhất thế giới bị đoạ đày chỉ vì kiên quyết chống tệ nạn bất công, quốc nạn tham nhũng tại VN.
Khi chúng tôi liên lạc với người con gái của ông Nguyễn Hữu Cầu, là Nguyễn Thị Anh Thư, ở Sàigòn, và hỏi về tình cảnh của cha cô hiện được thế giới giúp đỡ ra sao, Anh Thư cho biết:
Dạ có tổ chức nào đó ở bên Úc cũng có giúp đỡ ba, nhưng thỉnh thoảng thôi. Còn những tổ chức khác thì người ta lên tiếng về ba rất là nhiều, đánh động bên đây đó. Nhưng cháu thấy chưa có tác dụng gì hết.
Anh Thư nhân tiện bày tỏ nỗi đau trước cảnh tù đày nghiệt ngã của cha mình:
Dạ cháu xót xa lắm. Bây giờ nói thật tâm của mình là thấy ba thì xót xa như vậy, nhưng cháu đâu biết làm gì hơn ! Bây giờ cháu xin nhờ những tổ chức nhân quyền giúp cho ba cháu được ra khỏi chốn lao tù đó sớm ngày nào tốt ngày nấy. Cháu cũng nhờ quý chú, quý bác, quý cô ráng giúp đỡ cho ba cháu được về. Chứ cháu không còn biết làm gì hơn. Mỗi lần thăm ba cháu, trở về, cháu cứ khóc hoài !
Tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu đang thọ án tù chung thân sau khi được giảm án tử hình chỉ vì sáng tác nhiều nhạc phẩm, thi ca cũng như thu thập nhiều bằng chứng về tội ác của quan tham, hiện trong tình trạng sức khoẻ nguy kịch, bị biệt giam khắc nghiệt, như con gái ông kể lại:
Về sức khoẻ của ba thì đặc biệt là mắt ba bây giờ tệ lắm rồi. Sức khoẻ nói chung bây giờ là có vấn đề rồi. Cháu định làm đơn xin người ta cho ba ra mổ mắt, chứ không thì mắt ba sẽ hư luôn, bị mù vĩnh viễn luôn. Ba bị biệt giam cả năm nay rồi. Lúc trước đó, khi còn ở trại K2, thì ba còn ở gần gần anh em xung quanh. Còn bây giờ vô K3 là bị biệt giam luôn trong đó.
Nhưng người tù lương tâm ấy vẫn bất khuất dù tiếp tục cảnh đoạ đày – và không biết những ngày sắp tới mệnh hệ ra sao:
Cháu thấy ba già rồi mà cứ bị ở mãi trong đó. Dù ba bị bệnh hoạn, mù như vậy, nhưng trại bảo ký giấy cho ra ba không chấp nhận – tức ký giấy rằng ba có tội, để cho nhà nước khoan hồng đó. Bao nhiêu năm nay rồi, ba có chịu ký đâu. Sức khoẻ ba yếu, mắt thì mù, nhưng tinh thần của ba dồi dào lắm.
Nhận tội mới được chữa bệnh?
Giữa lúc người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục cảnh đoạ đày trên 34 năm – đang bị biệt giam ở trại tù Xuân Lộc, thì cũng chính nơi này, một tù nhân tôn giáo, tín đồ PGHH Mai Thị Dung, đang thọ án tù oan khuất 11 năm và vì bị đày đoạ mà lâm trọng bệnh, khiến chồng bà, tu sĩ PGHH Võ Văn Bửu từ Chợ Mới, An Giang, lo ngại:
Mong họ nới tay chút xíu để có thể nào đưa vợ tôi -Mai Thị Dung - đi trị bệnh để cứu mạng của vợ tôi. Chứ không thì tôi nghĩ còn 3 năm mấy nữa vợ tôi mãn hạn 11 năm tù, sợ rằng vợ tôi không sống nổi tới lúc đó.
Kể từ khi tu sĩ Võ Văn Bửu rời cảnh tù đày tổng cộng hơn 9 năm, cũng từ trại tù Xuân Lộc, vì bị đàn áp tôn giáo, ông tới thăm vợ trong tù và nhận thấy:
Cũng như thường lúc, bệnh của vợ tôi ngày càng trầm trọng thêm. Lý do là vợ tôi không được chữa trị. Tôi mới thăm vợ tôi hồi mùng 2 tháng 10 vừa rồi. Từ khi ra tù hôm mùng 5 tháng 8 vừa rồi, tôi thăm vợ tôi trong tù được 3 lần. Lần nào thì thấy vợ tôi đi ra cũng phải có người kè, nói chuyện không nổi, nghe tiếng được tiếng không, thấy mệt lắm. Còn tay chân vợ tôi run hết trơn.
Cũng như tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, tù nhân tôn giáo Mai thị Dung cương quyết không chấp nhận tội trạng áp đặt dù bà có mệnh hệ nào đi nữa, như ông Võ Văn Bửu kể lại:
Nhiều lần bên Tổng Cục Bảo vệ Chính trị họ đến vừa vận động vợ tôi, vừa vận động tôi đến yêu cầu vợ tôi là phải ký đơn nhận tội xong rồi họ mới đưa đi trị bệnh. Gần đây, Tổng Cục Bảo vệ Chính trị cũng đến nhà vận động tôi yêu cầu vợ tôi nhận tội. Nhưng vợ tôi cương quyết không chấp nhận vì không có tội. Họ muốn đưa vợ tôi đi trị bệnh cũng được, còn không đưa, thì khi sức khoẻ vợ tôi quá suy kiệt, vợ tôi biết phải giải quyết vấn đề ra sao rồi. Vợ tôi cho tôi biết như vậy.
Sự kiên quyết bảo vệ đạo pháp của tín đồ PGHH Mai Thị Dung đã thể hiện mạnh mẽ nhiều lần khi giới cầm quyền và công an địa phương cùng côn đồ ra tay đàn áp tôn giáo, như tu sĩ Võ Văn Bửu cho biết:
Vợ tôi nhiều lần đấu tranh cho tôn giáo, cho nên bị bắt bớ, tù tội nhiều lần. Vì bị đàn áp nhiều lần bởi giới cầm quyền mà vợ tôi phản đối bằng cách một lần tự mổ bụng, một lần tự cắt cổ ở gần đồn công an Chợ Mới, An Giang và được đồng đạo đưa đi cấp cứu. Do nhiều lần quyết liệt phản đối họ đàn áp PGHH như vậy, cho nên khi họ bắt vợ tôi, họ kêu án rất nặng. So với mấy anh em đồng đạo chúng tôi gồm mười mấy người bị bắt, thì vợ tôi bị án nặng nhất.
Vẫn theo tu sĩ Võ Văn Bửu, kể từ khi ông biết tới công cuộc đấu tranh hồi năm chín mươi mấy tới nay, giới cầm quyền luôn lúc nào cũng "kềm kẹp" gia đình ông cùng đồng đạo chân chính, thậm chí khi họ đi làm mướn cũng bị giới cầm quyền áp lực gia chủ phải đuổi họ.
Đó là về mặt cá nhân. Còn nói về tôn giáo, thì hành động trù dập của giới cầm quyền, theo tu sĩ Võ Văn Bửu, "quá chừng nhiều, không thể kể hết được" - chẳng hạn như, những người tu hiền PGHH này đi đám tiệc bị công an chận đường bắt bớ, bị côn đồ chận đánh, bị gán cho là "gây rối công cộng và bắt bỏ tù"…
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-10-10
No comments:
Post a Comment