2010/12/10

Chiến sách lớn tại Á Châu

Chiến sách lớn tại Á Châu

Đoàn Hưng Quốc

Hai mẫu tin rất đáng chú ý cho dù được tiết lộ một cách không chính thức trong tuần này:

Một viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại Giao cho báo The Washington Post biết rằng Hoa Kỳ có thể sẽ cùng Nhật Bản và Nam Hàn thành hình một khối chống Trung Quốc (anti-China) ở vùng Bắc Á.

Thông tin từ WikiLeaks cho biết Cựu Thủ Tướng Kevin Rudd trong lần gặp Ngoại Trưởng Hillary Clinton vào tháng 3/2009 đã đề nghị thành lập một cộng đồng Châu Á - Thái Bình Dương, tương tự như cộng đồng EU, với mục tiêu ngăn chận sự bành trướng thế lực của Trung Quốc, và giữ vững vai trò cũng như sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

thế giới lâu nay đều nhận biết rằng Mỹ và
các nước Á Châu rồi sẽ phải phối hợp để
ngăn chặn sự bành trướng của Hoa Lục

Mặc dù thế giới lâu nay đều nhận biết rằng Mỹ và các nước Á Châu rồi sẽ phải phối hợp để ngăn chặn sự bành trướng của Hoa Lục nhưng các nhà ngoại giao vẫn tránh né không dùng chữ "kềm hãm" hay "đối đầu" nhằm không tạo thêm căng thẳng với Bắc Kinh. Đến nay các tiết lộ thông tin cho dù vô tình hay cố ý vẫn là tín hiệu rất mạnh cho thấy Trung Quốc đã đi quá đà và sẽ gặp phản ứng từ nhiều phía khác nhau.

Thế khó của Bắc Kinh là đang chuẩn bị thay đổi thành phần lãnh đạo năm 2012, nếu tìm thoả hiệp ngoại giao thì sẽ bị phê bình từ trong nội bộ hay quần chúng là thiếu cương quyết đối với phương Tây và các nước Á Châu.

Sau các biến động tài chánh tại Đông Á năm 1997 đến năm 2007 Trung Quốc được khen là mềm dẻo và có trách nhiệm - so với thái độ "cao-bồi" của Mỹ dưới thời George W. Bush. Kế đó Mỹ-Âu-Nhật đều rơi vào khủng hoảng hay kinh tế bị trì trệ; Hoa Kỳ lại thiếu quan tâm vùng Đông Á trong khi sa lầy tại Iraq và Afghanistan. Do vậy Bắc Kinh chủ quan tin tưởng rằng thời cơ đã đến để giành lại ưu thế tuyệt đối tại Á Châu vốn rơi vào tay Tây Phương và Nhật Bản trong suốt 200 năm.

Các đòi hỏi của Trung Quốc về biển Đông-Nam và Đông-Bắc Á; thái độ bao che cho Bắc Hàn và Miến Điện; phương cách hành xử đối với Tây Tạng đã xóa bỏ những thành quả ngoại giao trong 10 năm, 1997-2007. Ngay cả nếu Bắc Kinh thay đổi chính sách nay cũng đã quá muộn vì các nước láng giềng đều cảnh giác với các bài học lịch sử hàng ngàn năm nay.

* * *

Điểm tế nhị là cho dù có phải đối đầu thì cả thế giới vẫn không muốn có một bức màn sắt mới dựng lên tại châu Á vào thế kỷ 21 với tổn thất không thể lường về an ninh và kinh tế. Dần dần đi đến một chương trình bốn điểm để Hoa Kỳ có thể giải quyết nhu cầu khúc mắc này:

1. Một liên minh chặt chẻ sẽ được thành hình giữa Mỹ-Nhật–Hàn–Úc–Ấn. Năm nước này có chung các đặc điểm là nền dân chủ vững chắc, kinh tế và quốc phòng hùng mạnh. Khối năm nước đủ sức đối trọng để ngăn cản Trung Quốc có những bước phiêu lưu tìm ưu thế áp đảo về mậu dịch, tài nguyên hay an ninh.

2. Tương tự như hai tổ chức NATO và EU tại châu Âu, năm nước Mỹ-Nhật-Hàn-Úc-Ấn sẽ hợp tác thành khối an ninh và thịnh vượng nhằm thuyết phục các quốc gia không cộng sản gồm Nam Dương–Mã Lai–Thái Lan–Pakistan-Bangladesh: (a) không rơi vào quỹ đạo kinh tế của Hoa Lục (b) không bị Trung Quốc uy hiếp về quân sự (c) cải tổ kinh tế thị trường và xã hội dân sự để tham gia vào thành phần cốt lỏi.

3. Các nước lận cận Hoa Lục như Việt-Miên-Lào-Miến Điện nằm trong vùng tranh chấp: Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc nhưng đồng thời có thể chấp nhận thua thiệt nếu các thành phần lãnh đạo bị Bắc Kinh khuynh đão.

4. Mục tiêu tối hậu là thành hình một vòng đai an ninh & dân chủ & thịnh vượng tại Á Châu - không nhằm cô lập nhưng để thuyết phục rằng Trung Quốc có lợi khi tham gia hơn là tranh chấp.

Đây có thể xem là chiến sách lớn của thế kỷ 21.

Đoàn Hưng Quốc



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment