2010/12/24

Ðới Bỉnh Quốc lừa dối

Ðới Bỉnh Quốc lừa dối

Ngô Nhân Dụng


Trên trang mạng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 6 tháng 12 đã đăng một bài dài khoảng 9,000 chữ của ông Ðới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo), phó thủ tướng, ủy viên Quốc Vụ Viện, cố vấn cho ông Hồ Cẩm Ðào về ngoại giao.

Bản văn này nhan đề "Kiên trì theo đường lối phát triển hòa bình". Mục tiêu của bài này để là trấn an giới lãnh đạo Mỹ, chuẩn bị cho chuyến đi thăm Washington của ông Hồ Cẩm Ðào sang vào tháng 1 năm 2011. Ông Ðới xác định rằng nước Tàu không có ý định cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở khắp nơi, kể cả Á Châu.

Ðoạn thứ năm trong bài này đặt câu hỏi: "Trung Quốc có ý xưng bá trên thế giới hay không?" Ông Ðới Bỉnh Quốc nói, Trung Quốc không muốn chiếm bá quyền, không giành ảnh hưởng bá quyền với quốc gia khác. Ðể cho người Mỹ hiểu dễ hơn và gợi lại thêm mặc cảm tội lỗi cho họ, ông nói Trung Quốc không theo một "Chủ thuyết Monroe" ở Á Châu (ông nhắc tới tên vị tổng thống Mỹ vào thế kỷ 19 chủ trương nước Mỹ độc quyền gây ảnh hưởng ở Châu Mỹ La tinh, các nước Âu Châu không nên chen vào). Ðới Bỉnh Quốc giải thích: "Kinh nghiệm về những cường quốc đã lên rồi lại xuống cho chúng tôi một bài học là không thể theo con đường bành trướng và chạy đua vũ trang được". Chính sách và chiến lược căn bản của Trung Quốc, Ðới Bỉnh Quốc nói, là "không tìm cách chiếm bá quyền". Ông khẳng định: "Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc không có truyền thống chiếm bá quyền".

Ðọc tới câu này, hễ là người Việt Nam ai cũng phải bật cười. Người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Hồi ở Tân Cương, Thanh Hải, sẽ phải nổi giận, đến sôi gan tím ruột! Chắc chỉ có một giống người có thể nhắm mắt tin tưởng lời ông Ðới Bỉnh Quốc nói, là cái giống tin vào "16 chữ vàng".

Trung Quốc "không có truyền thống xưng bá quyền" thật sao?

Ai cũng phải hỏi: Trung Quốc "không có truyền thống xưng bá quyền" thật sao? Ông Ðới Bỉnh Quốc không những không chịu đọc lịch sử mà ông còn quên cả các bài học địa dư. Có phải ông chưa coi bản đồ bao giờ hay không? Nếu trong lịch sử các chính quyền Trung Hoa không xâm chiếm lân bang thì làm sao quốc gia họ có một lãnh thổ rộng lớn như bây giờ? Bộ người dân các nước ở bốn chung quanh Hoa Hạ đều đã tình nguyện xin được lệ thuộc vào các vua nhà Hán, nhà Ðường, cho đến những nhà Mao, Ðặng, để các đám dân "man rợ" này được trở thành thần dân của quý vị thiên tử hay sao?

Ngay từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng đã theo chủ trương bành trướng. Ông ta sai tướng với hàng triệu quân đi chiếm đất đai của các giống dân khác ở phía Nam Trường Giang, thường gọi là sống Dương Tử. Hành động đó không gọi là chính sách Bá Quyền thì gọi là gì? Khi một viên tướng trong đạo quân đó, ông Triệu Ðà thấy nhà Tần sụp đổ, tính cùng với các dân tộc Việt ở phía Nam lập thành một quốc gia riêng gọi tên là Nam Việt, thì đến năm 111, hoàng đế nhà Hán đã sai quân đến cướp nước đó để lập thành châu quận lệ thuộc Trung Quốc. Năm 40 sau Công nguyên, các bộ tộc người Lạc Việt ở nước Văn Lang cũ đứng lên giành độc lập, vua nhà Hán lại sai Mã Viện sang tiêu diệt lực lượng đề kháng này. Mã Viện không những đã cầm quân chinh phục Văn Lang mà còn nổi tiếng Phục Ba Tướng Quân trong lịch sử vì ông ta cũng đánh Nam dẹp Bắc, thôn tính đất đai, mở mang bờ cõi nước Trung Hoa. Nếu dân Trung Hoa không có óc bá quyền thì tại sao họ vẫn sùng bái ông Tướng Phục Ba này, lập đền thờ khắp các tỉnh vùng biên giới với Việt Nam, mà tới bây giờ vẫn còn nhiều người Việt Nam không biết gì, cứ tới sì sụp lễ ông ta?

Mã Viện là người thực sự mở đầu 10 thế kỷ đô hộ và đồng hóa của các chính quyền Trung Quốc đối với dân tộc Việt Nam. Ông đặt các quan cai trị trực tiếp một cách gắt gao như buộc thừng (dĩ thằng nhi trị); xóa bỏ các chức lạc hầu, lạc tướng vẫn có từ thời Hồng Bàng để tiêu diệt tầng lớp lãnh đạo cổ truyền; bắt dân bản xứ bỏ hết các phong tục, tập quán cũ, dần dần sẽ phải sống theo lối người Hán. Hơn 9 thế kỷ sau, người Trung Hoa đã tiếp tục chính sách của Mã Viện ở nước ta. Họ không những chỉ chiếm đất đai, chiếm tài nguyên kinh tế và bắt dân Việt Nam làm lao động phục vụ họ như nô lệ. Chủ trương của họ ở khắp nơi vẫn là tiêu diệt đặc tính của "các sắc dân mọi rợ" bằng chính sách đồng hóa. Họ muốn biến tất cả thành người Trung Hoa hết, để muôn ngàn năm sau những giống dân "man, di, nhung, địch" đó không còn dấu vết nào nữa.

Các hoàng đế Trung Hoa không coi các sắc dân này là "người!" Những ai học chữ Hán đều biết rằng trong cách người Trung Hoa viết những tên mà họ dùng để gọi các giống dân chung quanh Hoa Hạ, là "man, di, nhung, địch," tất cả các tên đó đều được viết cùng một "bộ" như khi viết tên các thú vật và côn trùng!

Lần cuối cùng người Trung Quốc chiếm đóng và cai trị người Việt Nam là đầu thế kỷ 15. Khi vua Minh Thành Tổ sai các tướng cầm quân sang chiếm nước Ðại Việt của chúng ta, ông vua tiêu biểu của các chính quyền Trung Quốc này đã ra lệnh các tướng phải tiêu diệt nền văn hóa dân bản xứ một cách "có hệ thống." Học giả Nguyễn Huệ Chi viết trong lời mở đầu cuốn Thơ Văn Lý Trần (quyển 1) đã thuật lại những sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi cho các tướng, bắt họ phải đi tìm tất cả các sách do người dân Việt viết bằng chữ Hán, bắt phải hủy diệt hết. Sắc chỉ nói rõ ràng mỗi khi tìm được các sách đó binh lính phải đốt ngay tại chỗ, không cần phải đem về trình cấp trên! Chỉ những sách Kinh Phật giáo, Ðạo giáo, sách thuốc, sách bói toán là được miễn. Ngay cả những cuốn sách giáo khoa dạy trẻ nhỏ bắt đầu với câu "Thượng đại nhân, Khổng ất kỷ" cũng phải đốt! Một đạo sắc sau đó của Minh Thành Tổ đã đưa lời trách mắng các tướng nhà Minh chưa thi hành triệt để lệnh đốt sách kể trên. Vì ông vua này được báo cáo có nhiều đám lính tìm được sách do người Việt trước tác đã quên không đem đốt tại chỗ mà còn đem về nộp! Cuộc xâm lăng của quân Minh, và 20 năm họ thống trị nước ta, chấm dứt năm 1428, đã thành công một phần trong dự án tiêu diệt văn hóa với mục đích biến người Việt thành người Trung Hoa. Bao nhiêu công trình văn học, triết học đã bị hủy, đời sau người Việt chỉ còn nghe nói đến tên nhưng không biết nội dung ra sao!

Nhắc lại những trang sử bi thương của dân tộc Việt Nam khi bị các chính quyền Trung Quốc xâm lược và âm mưu đồng hóa, không phải vì chúng ta muốn gây căm thù đối với người Trung Hoa. Các người lãnh đạo nước Trung Hoa không những đã thi hành chính sách đó đối với người Việt chúng ta, mà còn áp dụng khi đánh chiếm các nước khác nữa. Sức mạnh văn hóa của Hán tộc đã đủ để gây ảnh hưởng trên các nước lân bang, không khác gì các nền văn minh Hy Lạp, La Mã đã đã để lại dấu vết trên các nước Âu Châu đời trước. Nhưng các nước phát sinh ra hai nền văn minh Hy La không phải là những đế quốc tồn tại lâu dài; cho nên quà tặng của họ cho nhân loại bây giờ vẫn được ghi ơn mà không còn gây thù hận. Người Hán thì ngược lại. Họ truyền bá văn minh Hán tộc bằng cách tiêu diệt văn hóa các sắc dân khác. Bây giờ họ vẫn tiếp tục làm công việc đó đối với người Tây Tạng, Thanh Hải, Tân Cương. Giống dân Mông Cổ còn may mắn giữ được một mảnh đất làm xứ sở, nhờ được Nga bảo trợ một thời gian. Văn hóa, ngôn ngữ dân Mãn Châu, từng cai trị nước Tầu gần 4 thế kỷ, ngày nay hầu như đã bị tiệt diệt cả rồi. Phải nhắc lại những chuyện này chỉ để chứng minh rằng những lời ông Ðới Bỉnh Quốc mới viết là hoàn toàn sai sự thật. Ông Ðới Bỉnh Quốc chắc chắn không phải là người ngu dốt, vô học. Cố tình nói sai sự thật như vậy, phải nói là không lương thiện. Mục đích rõ ràng là để lừa gạt.

Chính sách hiện nay của Trung Quốc có thực sự hòa hoãn, không chủ trương bá quyền đúng như ông Ðới Bỉnh Quốc mới viết hay không?

Ba ngày sau khi bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố chính sách trên, tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản, đã đăng một bài phỏng vấn Trung Tướng Bành Quang Khiêm (Peng Guangqian), trong đó ông cảnh cáo người Trung Hoa về "ảo tưởng hòa bình". Ông tướng 67 tuổi này thuộc nhóm các giáo sư "diều hâu" trong Học Viện Khoa Học Quân Sự Trung Quốc, đã viết nhiều sách, báo về chiến lược quốc phòng. Ông nói rằng tình trạng kinh tế toàn cầu hóa, các nước phải tùy thuộc lẫn nhau "không có nghĩa là chiến tranh không thể xảy ra nữa". Lý do chính, ông giải thích, vì "bản chất bành trướng của chủ nghĩa tư bản độc quyền". Ngoài ra, ông nêu hai lý do khác, là chính sách bá chủ của Mỹ; và nước Mỹ không chấp nhận cho Trung Quốc vươn lên. Trước đây ông Bành Quang Khiêm từng đe dọa rằng nếu Ðài Loan tuyên bố độc lập thì chiến tranh sẽ xảy ra; Trung Quốc không còn quan tâm đến các vấn đề cô lập về kinh tế, mất đầu tư ngoại quốc hay là bị các nước tẩy chay nữa.

Các vị tướng lãnh Trung Quốc đã nhiều lần
lên tiếng đe dọa các nước khác

Trong mấy năm gần đây, các vị tướng lãnh Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng đe dọa các nước khác. Tướng Trương Triệu Ngân (Zhang Zhaoyin), phó tư lệnh khu quân sự Thành Ðô, tỉnh Tứ Xuyên viết trong nhật báo Quân Ðội Nhân Dân là Trung Quốc phải từ bỏ chủ trương lỗi thời là xây dựng một quân lực cho thời bình. Ông nói, nhiệm vụ chủ yếu của quân đội là "chuẩn bị chiến tranh, chiến đấu và thắng trận". Trung Tướng Kim Nhất Nam (Jin Yinan), phó giám đốc Nghiên Cứu Chiến Lược trong Ðại Học Quốc Phòng đã nêu lên chủ trương Trung Quốc phải là một "quốc gia vĩ đại". Một giáo sư khác tại Ðại Học Quốc Phòng là Phó Ðề Ðốc Dương Nghị (Yang Yi), đã cảnh cáo các nước khác, không nêu rõ tên, là họ không nên lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực chỉ vì muốn phát triển kinh tế một cách hòa bình. Ông nói hiểu lầm như vậy là rất nguy hiểm!

Ðiều đáng lo ngại nhất cho nước Việt Nam ta là giới tướng lãnh Trung Quốc đang đề xướng một quan niệm về "biên cương quyền lợi quốc gia". Ông Hoàng Côn Luân (Huang Kunlun), nhà bình luận trên nhật báo Quân Ðội Nhân Dân, đã viết rằng quyền lợi của Trung Quốc vượt ra ngoài phần lãnh thổ, hải phận của họ. Quyền lợi đó phải bao gồm cả những vùng biển mà tầu thủy Trung Quốc lưu thông: Với sứ mạng lịch sử của chúng ta, quân đội Trung Quốc không những phải bảo vệ lãnh thổ mà còn phải bảo vệ "biên cương quyền lợi" của nước mình. Chính quan niệm "biên cương quyền lợi" này đưa tới việc họ coi Biển Ðông của nước ta là vùng "hạch tâm quyền lợi", tức quyền lợi cốt lõi của người Trung Hoa.

Ngày hôm nay, các nước ASEAN và Trung Quốc bắt đầu họp với nhau ở thành phố Côn Minh để bàn về vấn đề này. Những quy tắc cư xử trong vùng Biển Ðông đang tranh chấp đã ký kết từ lâu nhưng không được Trung Quốc áp dụng. Chính sách của Bắc Kinh đối với các quốc gia Ðông Nam Á lâu nay là chỉ muốn họp tay đôi khi có tranh chấp hải phận. Trong khi đó các nước Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đang có tranh cãi với Bắc Kinh tại vùng Trường Sa thì muốn cùng nhau tiến tới những lập trương chung để đối đầu với nước khổng lồ phía Bắc. Trong cuộc họp này chúng ta sẽ thấy sự thật là chính sách ngoại giao của ông Ðới Bỉnh Quốc muốn bành trướng bá quyền bằng cách "chia để trị" như thế nào!


Ngô Nhân Dụng



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment