2010/12/08

Hoa Kỳ kết thúc chiến tranh Việt Nam và cái trí của những người lãnh đạo dân tộc

Hoa Kỳ kết thúc chiến tranh Việt Nam
và cái trí của những người lãnh đạo dân tộc

Lê Quế Lâm


"… Năm 1968, TT Thiệu đã phá vỡ kế hoạch hòa bình của TT Johnson (Đảng DC). Nay TT Thiệu tiến thêm bước nữa, làm hỏng kế hoạch hòa bình của TT Nixon (Đảng CH)…"

Ngày 2 và 4 tháng 8/1964, hai khu trục hạm thuộc Đệ Thất Hạm đội mà Hoa Kỳ cho rằng đã bị Bắc Việt khiêu khích và tấn công, TT Johnson yêu cầu Quốc hội ra quyết nghị ủng hộ mọi hành động cần thiết để bảo vệ Quân lực Mỹ và giúp các quốc gia được Liên Phòng Đông Nam Á bảo trợ. Quốc hội đã đáp ứng đòi hỏi của Johnson với sự đồng ý của toàn thể 416 dân biểu và 88 thượng nghị sĩ (chỉ có hai phiếu chống). Dù có quyết nghị của quốc hội, song TT Johnson vẫn kềm chế những hành động quân sự trực tiếp chống Bắc Việt. Ông chủ trương "hạn chế sự tham chiến của Mỹ ở VN" khi tranh cử với ứng cử viên "diều hâu" Barry Goldwater hồi cuối năm 1964.

Ngày 7/2/1965, giữa lúc Thủ Tướng Liên Xô Kosygin đang viếng thăm Hà Nội, Cộng quân mở cuộc pháo kích dữ dội vào bãi đáp trực thăng và trại cố vấn Hoa Kỳ ở Pleiku gây thương vong cho 116 lính Mỹ. TT Johnson coi đây là hành động khiêu khích, nên ra lịnh không lực Mỹ trả đũa, mở đầu chiến dịch oanh tạc miền Bắc. Lúc bấy giờ, Nam VN đang ở bờ vực của sự sụp đổ, hậu quả của hơn hai năm xáo trộn chính trị, xung đột tôn giáo vì các cuộc đảo chính, biểu dương lực lượng liên tục của các tướng lãnh. Cộng quân sắp sửa chiếm được chính quyền. Để cứu nguy MN tự do, Hoa Kỳ phải đưa quân vào trực tiếp tham chiến, nhằm cân bằng lực lượng, tiến tới hòa đàm giải quyết cuộc chiến. Đưa quân vào MN và dội bom MB là để áp lực ngồi vào bàn thương thuyết.

Tướng John P. Connell, Tham Mưu Trưởng Không lực Hoa Kỳ trong diễn văn đọc tại Câu lạc bộ Kinh tế ở Detroit đã tuyên bố: "Hoa Kỳ có khả năng tiêu diệt BV và buộc BV phải đầu hàng thực sự trong vòng một đêm…Nhưng TT Johnson đã nhấn mạnh quốc sách của chúng ta là giữ cho cuộc chiến tranh này ở mức độ thấp nhứt có thể được vì những lý do nhân đạo cũng như chính trị". Ông đưa ra hai mục tiêu trong việc oanh tạc BV: "Một là cắt đứt nguồn tiếp tế của CSBV chuyển vào Nam. Hai là làm cho BV nản lòng trong việc xâm lược MN vì phải trả một giá đắt, cuối cùng phải chấp nhận thương thuyết hoà bình" (1)

Sau vài tháng dội bom gây áp lực, Hoa Kỳ lại tạm ngưng để chuyển đến Hà Nội những đề nghị hòa bình. BV không đáp ứng, việc oanh kích lại tiếp tục. Thái độ mềm dẻo của TT Johnson khiến Hà Nội vững tin là Mỹ không có quyết tâm đánh sụm đầu não điều khiển chiến tranh. BV chỉ có thắng hoặc cùng lắm là ngồi vào bàn hội nghị, nên cứng rắn không lùi trước áp lực của Mỹ. Ngày 17/7/1966 ông Hồ Chí Minh kêu gọi "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân VN quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn". (2)

Việc dội bom Miền Bắc đã không làm nhụt chí chiến đấu mà còn khiến Hà Nội gia tăng các hoạt động xâm nhập, bắt buộc Mỹ phải gởi quân chiến đấu ồ ạt vào Miền Nam. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 1966, số đơn vị Cộng quân BV xâm nhập được ghi nhận gia tăng gấp đôi. Quân số Mỹ lúc bấy giờ (7/1966) là 285 ngàn, theo thông cáo của Bộ QP sẽ tăng lên 383 ngàn vào cuối năm 1966 và 425 ngàn vào giữa năm 1967. Từ cuối năm 1966 Hoa Kỳ gia tăng các cuộc không tập liên tiếp và dữ dội nhằm vào các mục tiêu quân sự ở ngay khu ngoại thành Hà Nội. Ông HCM phải chấp nhận đàm phán với Mỹ.

B 52 không tập Bắc Việt


Ngày 21/1/1967 Ban chấp hành TƯ Đảng Lao Động VN ban hành Nghị quyết 13 mở ra giai đoạn đấu tranh ngoại giao kết hợp với đấu tranh quân sự và chính trị. Ngày 8/2/1967 TT Johnson chính thức gởi đến Chủ tịch HCM lá thư đề nghị: Hoa Kỳ sẽ ngưng ném bom Miền Bắc và ngưng tăng cường quân Mỹ ở Miền Nam, nếu Hà Nội cũng đình chỉ gởi người và vũ khí vào MN. Sau đó Mỹ và BV sẽ tiến hành những cuộc mật đàm để giải quyết vấn đề MNVN. Trong thư trả lời, ông HCM cho biết Hà Nội "không thể thương lượng dưới sự đe dọa của bom đạn Mỹ. Hoa Kỳ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống lại nước VNDCCH, khi đó hai bên mới có thể đàm phán và thảo luận những vấn đề mà hai bên quan tâm". (3)
Từ đó có nhiều nổ lực quốc tế giúp Hoa Kỳ và BV đến bàn hội nghị, đáng kể nhất là trung gian của Pháp từ tháng 6/1967. Ông Raymond Aubrac (một người CS từng quen biết HCM hồi năm 1946) và Hervert Marcovich - cả hai là khoa học gia Pháp, nhiều lần đi Hà Nội gặp HCM và Phạm Văn Đồng để giúp BV và Hoa Kỳ trao đổi những đề nghị. Phía Hà Nội do đại sứ Mai Văn Bộ phụ trách, còn phía Mỹ là Henry Kissinger. Sau nhiều tháng tham khảo, cuối cùng vào ngày 6/101967, Wallner -đại diện Hoa Kỳ ở Paris, nhờ Marcovich trao cho đại diện Hà Nội ở Paris một dự thảo thông điệp xác nhận: Mỹ chấm dứt mọi hình thức đánh phá nước VNDCCH mà không nói đến điều kiện, Hà Nội có thể nhanh chóng tiến hành thảo luận với Hoa Kỳ. Nếu đại diện Hà Nội đồng ý, Kissinger sẽ sang Paris trao tận tay cho BV thông điệp với nội dung trên. Hà Nội không trả lời. (4) Từ tháng 11/1967 đến tháng Giêng 1968, Lực lượng Vũ trang GPMN (VC) chuẩn bị thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng Lao động VN (tháng 12/1967): "Chuyển cuộc chiến tranh Cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định". Đó là cuộc Tổng công kích + Tổng khởi nghĩa toàn miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968 mà giới lãnh đạo CSVN kỳ vọng sẽ đánh bại VNCH giành toàn bộ chính quyền; nếu không, những thắng lợi quân sự sẽ làm cơ sở giành ưu thế về chính trị trên bàn đàm phán.

Trong hồi ký Đại tướng Westmoreland, Cựu tư lịnh Quân lực Hoa Kỳ ở VN có đề cập đến biến cố Tết Mậu Thân: "Nhìn chung thì địch thật tình không muốn nhắm vào các cơ sở Mỹ mà chỉ đánh vào các cơ sở VN…Sự thể là hầu như các cơ sở Mỹ trên toàn quốc không bị VC tấn công. Và lúc đó, muốn tấn công một cơ sở VN nào, địch cũng phải đi ngang qua cơ sở Mỹ. Điều này tạo cho mọi người mối hoài nghi là Mỹ và VC cấu kết với nhau để (VC) đánh VNCH…Nói chung, cuộc tấn công Tết Mậu Thân là trận chiến giữa người Việt với nhau". (5)

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Saigon
bị tập kích năm 1968


Hai mươi năm sau (1988) Trần Bạch Đằng nguyên Bí thư Thành ủy CS Sàigòn/Gia Định, người đã trực tiếp chi huy các cuộc tấn công hồi Tết Mậu Thân đã dành cho ký giả Úc Clayton John một cuộc phỏng vấn về biến cố này. Đằng nói: "Chúng tôi (MTGPMN) bị dồn vào thế phải tổng công kích, dù chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp chính trị khác. Tôi đã thông báo điều này với chính đại sứ Bunker vào năm 1967 khi chiến tranh sẽ là một điều tất yếu". Đằng cho biết từ 1966 đến 1969, VC đã tiếp xúc mật nhiều lần với Mỹ để trao đổi tù binh. Chính Bunker đã can thiệp để trả tự do cho vợ của ông. (6) Được biết vợ của TBĐ là bà Nguyễn Thị Chơn sau này là phụ tá bà Nguyễn Thị Bình trưởng đoàn MTGPMN tại bàn đàm phán Paris. Mỹ còn can thiệp để trả tự do cho bà Dược sĩ Phạm Thị Yên bị VNCH bắt từ 1960. Bà Yên là vợ ông Trần Bửu Kiếm - trưởng đoàn đầu tiên MTGPMN tại hội nghị bốn bên ở Paris.

Tướng Westy đã nhận xét "cuộc tấn công Tết Mậu Thân là trận chiến giữa người Việt với nhau". Và kết quả cho thấy VC không thắng, VNCH còn mạnh, nên hai bên MN phải nói chuyện để mang lại hòa bình. Vì thế trong cuộc họp bốn bên ở Paris hồi tháng 5/1969, Trưởng đoàn MTGPMN là ông Trần Bửu Kiếm đã đưa ra đề nghị: công việc MN sẽ do nhân dân MN quyết định. Đề nghị này phù họp với chủ trương của Mỹ nhưng ngược lại lập trường của BV là giải quyết công việc MN theo cương lĩnh của MTGPMN.

Về việc báo chí Mỹ loan tin trên trang nhất với tựa lớn "Sứ quán Hoa Kỳ tại Sàigòn đã bị CS chiếm", Tướng Westmoreland cho biết "Vụ tấn công tòa đại sứ HOA Kỳ, cơ sở Mỹ duy nhất tại Sàigòn bị địch chiếu cố rõ ràng mang tính chất tác động tâm lý mà địch muốn nhờ tay báo chí Mỹ thực hiện giùm". Rạng sáng ngày 31/1/1968 đích thân ông đến thị sát, thi thể 15 đặc công VC, 5 quân nhân Mỹ và 4 cảnh sát Việt còn nằm rãi rác trong khuôn viên toà đại sứ. Không một tên VC lọt vào được bên trong tòa đại sứ, thì một phóng viên lại trích dẫn tin đồn vô căn cứ đề tường thuật ngược lại. Ông mĩa mai "Bộ lời nói của một sĩ quan có trách nhiệm chỉ huy toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ tại VN và là người đích thân đến tận nơi quan sát lại không có giá trị bằng tin đồn hay sao? Không lẽ trình độ phản ảnh tin tức của phóng viên lại xuống đến mức thấp như vậy à? Thái độ của các phóng viên rõ ràng đã góp phần vào mặt trận tâm lý mà địch đang bày ra để chiến thắng công luận Mỹ ngay tại Hoa Kỳ". (7)

Dù có loan tin thất thiệt, song báo chí Mỹ đã giúp chính quyền của họ đạt được mục tiêu đưa BV vào bàn hội nghị. Ông HCM đòi Mỹ chấm dứt vô điều kiện việc ném bom MB, khi đó mới có đàm phán. Yêu cầu đó chưa được chính quyền Mỹ đáp ứng, nay nhờ báo chí Mỹ tiếp tay, giúp Hà Nội đến bàn hội nghị trong tư thế là kẻ chiến thắng, chớ không phải bị đe dọa bởi bom đạn của Mỹ.

Khi can thiệp vào VN, TT Johnson chỉ áp lực BV ngồi vào bàn đàm phán chớ không hề đặt ra mục tiêu chiến thắng, chấm dứt chiến tranh để rút quân nước. Đó là lý do khiến báo chí Mỹ ngờ vực về mục tiêu tham chiến của Mỹ và bắt đầu lên tiếng phản đối sự can thiệp ở VN. Với sức mạnh, Mỹ có thể chấm dứt chiến tranh một cách mau chóng, đỡ phí phạm tài nguyên quốc gia và xương máu thanh niên. Nhưng Mỹ không làm? Đó là thắc mắc của người dân HOA Kỳ và cũng là thắc mắc của giới lãnh đạo Trung Cộng. Năm 1972, khi TT Nixon đến Bắc Kinh, một trong những lời nói đầu tiên của Mao Trạch Đông là câu hỏi "Tại sao HOA Kỳ không dội bom tan tành Bắc Việt?" Có lẽ do gợi ý này mà từ tháng 5/1972, TT Nixon tái oanh tạc, gài mìn ở BV, và mở cuộc không tập Hà Nội hồi mùa Giáng sinh 1972. Ba tuần sau hiệp định hòa bình ra đời.
Trước đó, trong cuộc nói chuyện với giới chức Thái Lan về cuộc chiến VN hồi năm 1968, Bộ trưởng QP Clark Clifford đã đặt câu hỏi: "Các bạn muốn chúng tôi làm gì?" Ngoại trưởng Thái Thanat Khoman trả lời: "Chúng tôi muốn quý ngài dội bom phá hủy các đê điều của vùng đồng bằng BV, như vậy bọn CSVN sẽ không còn khả năng kéo dài cuộc chiến nữa". Clifford bác bỏ ngay: "Điều đó vô nhân đạo quá". Ông Khoman đáp lại: "Đó là qui luật chiến tranh. Vậy quý Ngài có muốn chiến thắng cuộc chiến này hay không?" (8)

Theo đuổi cuộc chiến mà không giành chiến thắng, nên lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, cuộc chiến VN đã làm nhân dân Hoa Kỳ bị phân tán và chia rẽ trầm trọng. Hầu như cả nước Mỹ đều tham gia và công khai bày tỏ quan điểm về cuộc chiến này. Qua tài liệu Mật Lầu Năm Góc, báo chí Mỹ bắt đầu vạch ra các đánh giá mà họ cho là sai lầm của các tổng thống Mỹ can dự đến VN. Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, báo chí thừa thắng xông lên, công khai chỉ trích cách thức Nixon giải quyết cuộc chiến VN và tìm mọi sơ hở của TT Nixon để tấn công. Họ truy tố Nixon về vụ Watergate để hạ bệ ông sau khi HĐ Paris 1973 ra đời. Phong trào phản chiến càng trầm trọng từ sau biến cố Tết Mậu Thân. Đó là một chiến thắng quân sự quyết định, bắt buộc BV phải chịu đàm phán theo đúng chủ trương của giới lãnh đạo HOA Kỳ. Nhưng báo chí Mỹ lập luận theo chiều hướng phản chiến, khiến dân chúng Mỹ có ấn tượng không tốt về sự can thiệp của họ vào VN và phải rút lui.

Trước khi nhảy vào cuộc chiến, từ 1963 đến 1967, hầu như toàn thể các cơ quan truyền thông đều đồng ý với Quốc hội ủng hộ chính sách can thiệp của chính quyền Kennedy và Johnson, tán thành sự tham chiến của Mỹ ở VN. Đặc phái viên Tạp chí Time ở VN David Halberstam từng viết rằng: "Việt Nam là một phần hợp pháp trong sự cam kết toàn cầu của Mỹ. Có lẽ VN là một trong 5 hay 6 nước hiếm có trên thế giới thực sự đã mang tính chất sinh tử quyết định đối với nước Mỹ. Nếu nước ấy đã quan trọng như vậy thì đáng được nước Mỹ dành cho một sự tham dự sâu rộng hơn nữa" (9) Nhà bình luận truyền hình Walker Cronkite thì cho rằng "Sự tham chiến tại VN là một quyết định can đảm để chứng tỏ rằng sự tiến tới của chủ nghĩa CS cần phải được chận lại và phải làm nản lòng những kẻ muốn dùng du kích chiến như là phương tiện để đạt mục tiêu chính trị".

Cũng chính ông ta một người được xem có ảnh hưởng nhứt đối với khán giả Mỹ vào tháng 3/1968 đã ủng hộ việc đàm phán, khơi mào cho việc rút lui: "Chiến tranh VN đang ở trong tình trạng tuyệt vọng và chỉ có sự thương thuyết mới đưa nước Mỹ ra khỏi sự bế tắc". Y nói thêm "Càng ngày tôi càng thấy rõ con đường hợp lý duy nhứt để thoát ra được là sự thương thuyết, không phải như là kẻ chiến thắng mà như một con người lương thiện". (10)

Khó khăn trong đàm phán chấm dứt chiến tranh

Dù có sức mạnh, được quốc hội và báo chí ủng hộ, song việc đưa BV vào bàn đàm phán là một việc vô cùng khó khăn. Sau đó trong hội nghị hòa bình ở Paris, Hoa Kỳ còn gặp nhiều trở ngại hơn nữa, vì sự chống đối của bạn lẫn thù và các nhóm phản chiến cùng giới báo chí. Điều này hình như giới lãnh đạo VNCH không mấy quan tâm.

Cuộc đàm phán bắt đầu ở Paris từ ngày 13/5/1968 giữa Harriman, Cyrus Vance phía Hoa Kỳ và Xuân Thủy, Lê Đức Thọ phía Hà Nội. Bắc Việt đòi Hoa Kỳ ngưng oanh tạc MB vô điều kiện và nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hoa Kỳ đồng ý nhưng Hà Nội phải chấm dứt xâm nhập vào MN, tôn trọng vùng phi quân sự và cho chính quyền Sàigòn tham gia cuộc thương thuyết. CS bác bỏ vì cho rằng Hoa Kỳ thương thuyết có điều kiện. Họ còn lập luận cuộc chiến ở MN diễn ra giữa quân đội Mỹ và MTGPMN. Vậy Hoa Kỳ phải nói chuyện với Mặt trận GPMN.

Hoa Kỳ phản bác rằng MTGPMN không có một cơ sở hợp pháp nào, quân đội của họ phần lớn từ MB lén lút đưa vào, mọi chỉ đạo chủ yếu từ Hà Nội. Trái lại chính quyền VNCH không ai có thể phủ nhận được là một thực thể có hiến pháp, có quân đội, có dân, hoạt động công khai có bang giao với quốc tế. Và thực tế là MB đã đưa quân vào MN để gây chiến còn quân đội Hoa Kỳ vào MN là đáp lại lời yêu cầu của chính phủ và người dân MN để chống sự xâm lược của CS miền Bắc. VNCH là một nước độc lập nên BV và Mỹ không có quyền định đoạt vận mạng chính trị của họ. Vì vậy đôi bên phải tìm cách chấm dứt chiến tranh và để nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai của họ là điều hợp lý.

Hà Nội nói nếu Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh thì phải ngưng oanh tạc MB và Mỹ phải nói chuyện với MTGP. Nếu MT chấp nhận thì mới có hội nghị bốn bên được. Trong khi Hoa Kỳ chỉ muốn nói chuyện quân sự với Hà Nội với đề nghị cả hai đều rút quân khỏi MN. Còn công việc chính trị ở MN sẽ do hai bên MN quyết định, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Một trở ngại lớn tại nẩy ra vì TT Thiệu không chấp nhận tham dự hòa đàm nếu có sự hiện diện của MTGPMN, ông chỉ muốn nói chuyện trực tiếp với Hà Nội.

Sau 6 tháng thương lượng, cuối cùng Mỹ chấp nhận ngưng ném bom toàn diện MB và Hà Nội đồng ý cuộc họp bốn bên. Ngày 31/10/1968, TT Johnson chính thức tuyên bố "Hoa Kỳ đã bước vào giai đoạn đàm phán thực sự". Ông sẽ cho lịnh ngưng hoàn toàn các chiến dịch dội bom MB và mở rộng cuộc hòa đàm ở Paris. Hôm sau TT Thiệu công khai tuyên bố không gởi phái đoàn VNCH đến bàn đàm phán.

Trong hồi ký, ông Bùi Diễm - cựu Đại sứ tại Hoa Kỳ ghi lại những căng thẳng trong quan hệ đồng minh VNCH/Hoa Kỳ trong giai đoạn này. Ngày 30/10/1968, ông đến Bộ Ngoại giao thông báo quyết định của TT Thiệu khước từ bản thông cáo chung Việt Mỹ về việc ngưng ném bom và hòa đàm. Thứ trưởng Ngoại giao Bundy nói năng với ông "một cách cộc lốc, lạnh lùng". Ông xoay lưng về phía người khách "như thể không muốn đối diện". Ông Diễm nghe tiếng gằn giọng liên tiếp như "thiếu đứng đắn", "không thể chấp nhận được". Ngày 1/11/1968, "ông Thiệu tuyên bố vì những lý do đặc biệt, VN sẽ không gửi phái đoàn sang Paris tham dự đàm phán. Đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến, chánh phủ của hai đồng minh đã công khai tuyên bố rằng họ không cùng quan điểm. Thống kê cho thấy Phó TT Humphrey được ủng hộ đông đảo sau khi TT Johnson tuyên bố ngưng dội bom, nhưng lại mất sự ủng hộ sau khi ông Thiệu tuyên bố VN không hưởng ứng cuộc đàm phán. Như số phận oái oăm đã định, những sự xích mích và bất đồng ý kiến giữa hai chánh phủ lại xảy ra công khai vào ngày 1-11, ngày Quốc khánh của VN. Mấy ngày sau, Nixon đã thắng cử với số phiếu hơn không quá 1%. Về sau William Safire, người soạn thảo diễn văn cho ông Nixon trong giai đoạn bầu cử đã viết trong quyển Before The Fall rằng "Nếu không có ông Thiệu thì có lẽ ứng cử viên Nixon khó thắng cử".

Ngày 9/11/1968, TNS Everett Dirksen bất ngờ ghé tòa đại sứ mà không thông báo trước. Ông nói ngay: "Tôi đến đây nhân danh cả hai vị tổng thống, TT Johnson và TT Nixon thông báo cho ông một tin "tối quan trọng": VN phải gửi ngay phái đoàn đại biểu tới Ba Lê trước khi sự việc đã quá trể". Dirksen nói thêm: "Tôi cũng cần khẳng định rõ rệt với ông rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận sự hiện diện của MTGP như một thành phần hoàn toàn biệt lập. Tôi xin xác nhận một cách tuyệt đối rằng Hoa Kỳ không bao giờ chủ trương ép buộc VNCH phải chấp nhận giải pháp chính phủ liên hiệp". (11)

Kế hoạch hòa bình của TT Nixon

TT Nixon đảm nhận trọng trách lãnh đạo Hoa Kỳ trong giai đoạn làn sóng phản đối Mỹ can thiệp vào VN lan rộng khắp nơi. Sau hơn hai thập niên can dự vào công việc thế giới khiến Hoa Kỳ gánh chịu những tổn thất lớn lao; gần 10 vạn binh sĩ chết và hàng trăm ngàn bị thương trong hai trận chiến Triều Tiên và VN. Trong tâm trạng đó, sự tuyên truyền và dư luận thế giới công kích Hoa Kỳ về sự tham chiến đã ảnh hưởng nặng nề đến thái độ vốn đã mỏi mệt của dân chúng Mỹ. Do đó họ muốn Hoa Kỳ rút lui, trở về thế cô lập cố hữu.

Tổng Thống Nixon trình bày
về tình hình Việt Nam


Trong diễn văn nhậm chức (20/1/1969) TT Nixon tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh VN trong danh dự và trên một căn bản hợp lý để xây dựng một nền hòa bình bền vững cho thế giới. Hòa bình là mục tiêu ưu tiên trong chánh sách của ông. Để đi tiên phong trong mục tiêu hòa bình, tháng 7/1969, tại đảo Guam, Nixon tuyên bố rút 25 ngàn quân khỏi VN và sẽ tuần tự rút thêm theo một lịch trình sắp sẳn. Hoa Kỳ rút quân khỏi VN để chứng minh cho chánh sách đối ngoại mới của Mỹ với chủ trương "chống lại mọi sự áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác". Những điểm này đã được LX, TC, các nước Trung lập và Phi liên kết coi như chủ trưong của họ, và đã dùng nó để công kích Mỹ. Và nay HOA Kỳ cụ thể hóa chủ trương đó bằng hành động "Phi Mỹ Hóa" (De-Americanized) nghĩa là Mỹ không còn can dự, để các đồng minh tự lo liệu lấy vận mạng của mình. Vận dụng vào VN, học thuyết trên thể hiện dưới danh nghĩa "Việt Nam hóa" (chiến tranh).

Hoa Kỳ tự nhận trước đây họ đã giành độc quyền trong việc bảo vệ đồng minh, khiến nhiều nước không được tham dự…Nhưng từ nay Hoa Kỳ san sẻ trách nhiệm đó. Các nước có trách nhiệm vừa hoạch định vừa thực hiện các kế hoạch do chính họ vạch ra. Họ cần biết rõ tính chất của nền an ninh của chính họ, để quyết định đường lối phải tiến hành. Chỉ có cách đó mới khiến họ nghĩ rằng số phận của họ thực sự là của riêng họ.

Để các đồng minh an tâm nhận lấy trách nhiệm, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thực hiện những cam kết hoặc đi dàn xếp tìm sự thỏa thuận của các phe liên hệ và không hành động đơn phương. Hoa Kỳ vẫn còn viện trợ kinh tế, quân sự và hợp tác chặt chẽ với nhiều nước, nhưng từ nay các nước phải góp sức nhiều hơn nữa, chớ không ỷ lại vào Hoa Kỳ. Các đồng minh của Mỹ phải chịu trách nhiệm phòng thủ tuyến đầu, phải tự giải quyết lấy các vấn đề an ninh của họ. Nếu hiểm họa xâm lược là do một cường quốc nguyên tử thì hiện tại chỉ có Hoa Kỳ mới có khả năng quân bình và có thể đương đầu nổi.

Việc rút quân khỏi Việt Nam còn góp phần làm giảm các cuộc xung đột, do tham vọng tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Điển hình ở Nam ViệT Nam, cả Liên Xô lẫn Trung Cộng đều tố cáo HOA Kỳ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, nên ra sức ủng hộ CSVN nhằm lôi kéo Việt Nam về phía họ. Nay Hoa Kỳ rút lui khỏi VN, chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ không còn nữa, thì nghĩa vụ quốc tế của Liên Xô, Trung Cộng cũng không còn cần thiết. Nhờ đó hiểm họa của cuộc tranh chấp bá quyền giữa các cường quốc sẽ giảm đi để nhường chỗ cho giai đoạn hòa bình họp tác, hai bên cùng có lợi. Nhưng nếu các cường quốc CS không từ bỏ tham vọng bành trướng ảnh hưởng, nơi đây sẽ diễn ra cuộc tranh chấp mới, không phải giữa Thế giới Tự do và Quốc tế CS, mà giữa Liên Xô và Trung Cộng. Vì thế Hoa Kỳ chủ trương biến ĐNÁ thành khu vực hòa bình trung lập mà tất cả các cường quốc đều có cơ hội đồng đều tham gia vào thị trường quan trọng này.

Đề cập đến cuộc chiến tại Việt Nam, TT Nixon cho biết ông đã nắm vững nó. Đó là "một cuộc chiến dai dẳng, phá hoại và khó khăn, dù có sức mạnh nhưng cuộc chiến đã làm hao tổn hàng chục ngàn sinh mạng và hàng chục tỉ đô la. Cuộc chiến đã làm lệch lạc nền kinh tế, làm lệch lạc mối bang giao đối với các quốc gia khác và có ảnh hưởng quá lớn đến tinh thần nhân dân". Ông cho rằng "Ai hiểu tình hình đều biết rằng cuộc chiến tại VN sắp kết thúc vì đó là quyết tâm của Hoa Kỳ". Nhưng vấn đề cấp thiết ít ai quan tâm đến, là làm thế nào sẽ không có những vụ VN khác nữa và quan trọng hơn sẽ không có sự hủy diệt nhân loại bằng vũ khí nguyên tử. "Nếu chiến tranh VN đi đến chỗ kết thúc mà không có sự thay đổi nói trên thì sự kết thúc không lợi lộc gì". Nixon cho rằng sứ mạng của ông trước lịch sử và tương lai nhân loại sẽ tùy thuộc vào sự thành công về điểm này bằng hai sáng kiến, đi tìm sự kết hợp với LX và TC để làm thay đổi cục diện thế giới, thực hiện việc chung sống hòa bình, hạn chế cuộc chạy đua vũ trang và làm giảm bớt hiểm họa chiến tranh.

Sau ba năm lãnh đạo Hoa Kỳ, không ai còn nghi ngờ thiện chí của TT Nixon đóng góp cho hòa bình. Lúc ông nhậm chức, quân số Hoa Kỳ ở VN là 543 ngàn, đến cuối năm 1971 chỉ còn 156 ngàn và dự trù đến giữa năm 1972 chỉ còn 50 ngàn quân không chiến đấu. Sự rút quân mau chóng và cuộc đàm phán đang diễn ra ở Paris cho thế giới thấy rằng Hoa Kỳ đã có những hành động tích cực mang lại hòa bình cho VN. Giới lãnh đạo ở Hà Nội cũng không lường trước được bước ngoặc quan trọng này. Nghị quyết 19 của BCH/TƯ Đảng Lao động VN tiết lộ "Bộ Chính trị đã sửng sốt" khi Hoa Kỳ quyết định rút quân khỏi MN. Với sự rút quân của HOA Kỳ, Hà Nội không còn chiêu bài nào để có thể biện minh cho cuộc chiến tranh "chống Đế quốc Mỹ xâm lược". Không những thế, họ còn giải thích như thế nào khi Hoa Kỳ đưa ra đề nghị hòa bình: quân đội ngoại nhập phải rút khỏi MN để nhân dân tự quyết định vận mạng chính trị của họ.

Ngoài ra để mở đầu giai đoạn hòa dịu chấm dứt cuộc xung đột với khối CS, Hoa Kỳ đã thương thảo với LX về tài giảm vũ khí nguyên tử. Hoa Kỳ hứa sẽ dành cho LX hưởng qui chế tối huệ quốc trong việc giao thương và đã bán cho LX một số lớn lúa mì với giá rẻ và điều kiện thanh toán dễ dàng. Hoa Kỳ thừa nhận Bắc Kinh là một thực thể chính trị quan trọng cho sự hợp tác hòa bình và an ninh thế giới. Hoa Kỳ không còn phủ quyết việc TC xin gia nhập LHQ. Từ 1971, Cộng hòa Nhân Hoa Trung Hoa trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này và là thành viên Hội đồng Bảo An ngang hàng với LX và Hoa Kỳ.

TT Nixon gặp gỡ Mao Trạch Đông
tháng 2, 1972 tại Bắc Kinh


Với thiện chí và những hành động cụ thể làm tiền đề, Nixon đóng vai trò sứ giả hòa bình đi Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để xây dựng mối quan hệ Đông Tây. Trên cơ sở thỏa thuận giữa ba cường quốc, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt chiến tranh VN trong danh dự, không có kẻ thắng người bại. Trước khi đi TQ và LX, TT Nixon gởi cho TT Thiệu lá thư nói rằng "Ngài có thể tuyệt đối an tâm rằng tôi sẽ không làm một thỏa hiệp nào tại BK có hại cho các quốc gia khác…Giả sử vấn đề chiến tranh VN có được nêu lên ở BK, tôi xin cam đoan với Ngài rằng tôi sẽ đưa ra lập trường của Hoa Kỳ và VNCH một cách minh bạch và mạnh mẽ là cuộc chiến tại VN phải được kết thúc bằng thương lượng trực tiếp với Hà Nội…Riêng về chuyện viếng thăm của tôi tại Mặc Tư Khoa vào tháng 5/1972 tôi muốn nói rõ là Hoa Kỳ không hề có ý định dàn xếp qua mặt những nước bạn và đồng minh của mình trong bất cứ vấn đề nào liên quan đến an ninh của họ". (12) Đây là bức thư đầu tiên (đề ngày 31/12/1971) trong 31 lá thư mà TT Nixon trao đổi và tham khảo với TT Thiệu về HĐ Paris 1973 và chấm dứt chiến tranh VN.

Tại bàn đàm phán, Hoa Kỳ chấp nhận rút quân, họ chỉ yêu cầu Hà Nội cam kết không đưa thêm quân vào MN. BV đã ký HĐ Paris 1973 thỏa thuận để ba thành phần chính trị ở MN thành lập Hội đồng Quốc gia Hòa giải Dân tộc đứng ra tổ chức cuộc tổng tuyển cử dân chủ tự do. Từ tháng 3/1973, hai bên MN đã gặp nhau tại hội nghị La Celle Saint Cloud ở Pháp. Phái đoàn VNCH khăng khăng đòi Hà Nội phải rút hết quân về Bắc. TT Thiệu chấp nhận cho MTGPMN tham gia vào đời sống chính trị MN bằng cách đề nghị họ tham dự cuộc tổng tuyển cử sau khi quân BV rút khỏi MN, để bầu tổng thống và Hội đồng HGDT. Tổng thống và Hội đồng HGDT sẽ quyết định thể chế mới cho MNVN. Chính phủ CMLTMN bác bỏ đề nghị đó, họ không chịu thảo luận những vấn đề nào không được ghi trong văn bản hiệp định. Họ đòi hai bên chọn người tham gia Hội đồng QGHGDT chớ không bầu, sau đó Hội đồng tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến và Quốc hội này sẽ soạn thảo hiến pháp cho MNVN (13)

Sau khi HĐ Paris ra đời, uy tín của TT Nixon trên chính trường quốc tế lên rất cao, trong khi bộ máy chính quyền VNCH kể cả quân đội và cảnh sát vẫn còn nguyên vẹn…Nhưng rất tiếc TT Thiệu không lợi dụng thế mạnh đó để giành thắng lợi về chính trị. Ông không thấy cuộc chiến đã đi vào khúc quanh quan trọng khi TT Nixon đặt con bài BK vào ván cờ tay ba giữa Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Cộng để kết thúc cuộc chiến. Hà Nội sẽ lâm vào một tình thế vô cùng bất lợi vì thủ đoạn của Nixon. BV chỉ còn hai cách lựa chọn:

* Một là từ bỏ mưu đồ thôn tính MN, chấp nhận nơi đây là vùng đất trung lập, đứng ngoài ảnh hưởng của HOA Kỳ, LX lẫn TC. Và sau đó nếu BV muốn VN thống nhất thì họ phải lìa bỏ hệ thống XHCN, cùng MN đi vào con đường trung lập phi liên kết.

* Hai là, nếu Hà Nội tiếp tục thực hiện con đường của HCM: đưa cả nước tiến lên XHCN, đứng về phe LX, Cộng sản VN sẽ phản bội TC, cắt đứt tình "hữu nghị đời đời bền vững" với TC mà các lãnh tụ của họ từng cổ vũ. Chống lại BK, một nước giương cao ngọn cờ "chống đế quốc bá quyền, bảo vệ nền độc lập dân tộc", Hà Nội sẽ cho thế giới thấy rằng "cuộc kháng chiến chống Mỹ" không phải vì mục tiêu độc lập của dân tộc VN mà chỉ để xây dựng chế độ độc tài CS và bành trướng ảnh hưởng của LX.
Như vậy sự can thiệp của Hoa Kỳ là chánh nghĩa và CSVN kể cả LX sẽ khốn đốn vì phản ứng của BK.

TT Thiệu hội kiến TT Nixon tại Honolulu, 1969


Sau khi tái đắc cử, Nixon đã gởi cho TT Thiệu lá thư đề ngày 18/11/1972, nói rằng "Tôi muốn được cộng tác với Ngài và chánh phủ Ngài trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi để bảo vệ tự do tại MN trong thời bình…". Nixon đoan quyết với Thiệu là Hiệp Định Paris sẽ "bảo vệ nền độc lập của Nam VN và cho phép nhân dân VN quyết định lấy tương lai chính trị của mình". Nixon đưa ra hai con đường mà TT Thiệu có thể lựa chọn: Một là cộng tác với Hoa Kỳ để mang lại thắng lợi chính trị do những điều kiện của hiệp định mang tới. Hai là TT Thiệu tiếp tục con đường riêng của mình, trong trường họp này thì Hoa Kỳ phải trù liệu các hành động khác mà Nixon tin chắc là sẽ thiệt hại cho quyền lợi của VNCH và Mỹ. (14)

Một khi Hoa Kỳ đã quyết định rút lui khỏi cuộc chiến VN để thực hiện mục tiêu chiến lược của họ thì TT Thiệu không thể theo đuổi cuộc chiến chống Cộng được nữa. Đáng lẽ TT Thiệu phải ý thức được điều này. Hồi cuối tháng 10/1966, ông tham dự hội nghị thượng định Manila cùng TT Johnson và các nguyên thủ đồng minh như Úc, Tây Tân Lan, Phi Luật Tân, Đại Hàn và Thái Lan về việc giải quyết chiến tranh VN. Sau khi đọc qua bài phát biểu của ông Thiệu, dự định sẽ đọc tại hội nghị "do các phụ tá của ông soạn thảo rất kêu, nói lên quyết tâm bất biến của Sàigòn là tiếp tục chiến đấu", ông Nguyễn Xuân Phong, một thành viên của phái đoàn VNCH, thưa thẳng "bài diễn văn hoàn toàn lạc đề đối với một hội nghị thượng đỉnh cho ước vọng hòa bình". Ông Thiệu rất khó chịu khi nghe lời nhận xét như vậy, ông nổi giận ném bản thảo cho ông Phong, bảo ông sửa lại. Ông Phong viết bài diễn văn khác chỉ đọc trong khoảng 10 phút thay vì 30 phút như bài cũ. Sau khi TT Marcos tuyên bố khai mạc, ông Thiệu là người đầu tiên phát biểu. Bài diễn văn của ông mở đầu bằng câu "Chúng tôi muốn có hòa bình". Câu này đã làm cho toàn thể cử tọa của phiên họp quốc tế lập tức đứng lên vỗ tay tán thưởng ông Thiệu khá lâu.

Trong cuộc họp thượng đỉnh này, ông Phong được nghe vị Trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết Tổng Thống Nam Hàn (Park Chung Hee) cảnh giác là nếu như hòa đàm có xảy ra, Sàigòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia, rồi Sàigòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, rồi cuối cùng chỉ phải chấp nhận và tuân hành (15) .

Hoàn cảnh VN như trình bày trên càng nghiệt ngã hơn Đại Hàn hai thập niên trước, vì vậy MNVN muốn sống còn, chỉ có cách là tuân hành hiệp định mà thôi. VNCH sẽ tồn tại như Đại Hàn Dân Quốc. Do đó TT Thiệu chỉ còn con đường "Hoan nghênh bản hiệp định và thi hành những điều khoản của nó theo một đường lối tích cực" như lời khuyến cáo của Nixon, để tạo sự hợp tác mật thiết liên tục" giữa Hoa Kỳ và VNCH ngay sau khi hiệp định được ký kết. Lúc bấy giờ, vì nhu cầu phát triển, cả LX và TC đều chủ trương chấm dứt các cuộc xung đột khu vực để có thể hợp tác giao thương với Hoa Kỳ. TC sẽ thực hiện kế hoạch "Bốn hiện đại hóa" để canh tân TQ. Còn LX hạn chế được cuộc chạy đua vũ trang đã làm cho nền kinh tế của họ suy sụp trầm trọng. Riêng đối với Hoa Kỳ, Nixon có lý do vững mạnh thực hiện lời hứa: "Chúng tôi sẽ đáp ứng bằng toàn thể sức mạnh của Hoa Kỳ nếu như Bắc Việt vi phạm hiệp định" hoặc "Hoa Kỳ sẽ phản ứng mãnh liệt nếu bản hiệp định bị vi phạm". (16)

Kissinger và Lê Đức Thọ
ký Hiệp Định Paris năm 1973


Việc tổng tuyển cử bất thành, từ 17/5 đến 13/6/1973, Hoa Kỳ đã cố gắng mời ông Lê Đức Thọ trở lại Paris để cùng Kissinger "tìm cách thi hành hiệp định Paris". Trong thời gian này Nixon đã gởi nhiều thư khuyến cáo TT Thiệu không nên vi phạm những thỏa hiệp đã ký và phàn nàn thái độ cứng rắn của Phái đoàn VNCH ở hội nghị La Celle Saint Cloud. Để thuyết phục VNCH đến Paris ký bản thông cáo chung Hoa Kỳ/BV trong đó xác định quyết tâm của hai bên sẽ thi hành nghiêm chỉnh hiệp định, Nixon nhắc nhở TT Thiệu: "Tôi xin lập lại rằng ước nguyện duy nhất của chúng tôi là muốn thấy bản hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh và thắt chặt tình liên đới với VNCH. Tôi không tin rằng Ngài muốn tôi phải ra trước dân chúng Hoa Kỳ để giải thích sự bế tắc của sự thương thuyết hiện nay ở Paris. Điều chắc chắn sẽ đưa tới sự cắt đứt ngân khoản cho MNVN"..

Trong lá thư cuối cùng gởi TT Thiệu đề ngày 13/6/1973, lời lẽ Nixon đầy vẻ cay đắng "Lá thư của Ngài đề ngày 12/6 là một đòn giáng trả mạnh vào tình bằng hữu, sự tương kính và quyền lợi chung của chúng ta. Căn cứ vào những hy sinh và rủi ro của Hoa Kỳ phải gánh chịu vì Ngài, tôi không thể ngờ Ngài có thể trả lời một cách tiêu cực như vậy. Tôi chẳng cần dấu diếm sự căng thẳng trong mối bang giao giữa chúng ta vì Ngài đã hoàn toàn phủ nhận những cam kết của tôi trong việc ký kết bản Tuyên cáo này. Nếu Ngài lựa chọn đường lối tiêu cực này, tôi sẽ bắt buộc phải chiều ý Quốc hội và công luận Hoa Kỳ chỉ yểm trợ vừa đủ những nhu cầu có tính cách nhân đạo cho nhân dân MN và bỏ qua những quyết định và nhiệm vụ khó khăn để viện trợ kinh tế và quân sự cho VNCH như ta đã thảo luận ở San Clemente. Chẳng cần phải nói dài dòng, nổ lực của chúng tôi trên toàn cỏi Đông Dương sẽ chấm dứt. Tôi coi sự chọn lựa của Ngài như chống đối sự phán đoán và cam kết của chính bản thân tôi. Đây là vấn đề giữa tôi và Ngài. Sự lựa chọn là do Ngài." (17) .

Năm 1968, TT Thiệu đã phá vỡ kế hoạch hòa bình của TT Johnson (Đảng DC). Nay TT Thiệu tiến thêm bước nữa, làm hỏng kế hoạch hòa bình của TT Nixon (Đảng CH). Lần này còn làm sứt mẻ "tình bằng hữu, sự tương kính và quyền lợi chung" của hai nước và hai vị lãnh đạo. Hậu quả là nửa tháng sau đó, Quốc hội thông qua đạo luật hủy bỏ mọi kinh phí được chi cho các hoạt động của Mỹ ở Đông Dương. Sau đó Quốc hội thông qua đạo luật về Quyền chiến tranh "Cấm tổng thống Hoa Kỳ đưa Quân lực Mỹ đi chiến đấu ở nước ngoài hơn 60 ngày, nếu không được Quốc hội cho phép".

Trong lúc đó, Phòng Tùy viên Quân lực Hoa Kỳ ở Sàigòn nhận được công điện của Ngũ Giác Đài cho biết Quốc hội sẽ cắt giảm nhiều viện trợ cho ĐD trong tài khóa 1973-1974. Nhận được tin này, TT Thiệu chỉ thị ông Nguyễn Xuân Phong đến Hoa Thạnh Đốn vận động các lãnh tụ Đảng Dân chủ (khoảng tháng 9/1973). Từ sau 1968, mối giao tiếp giữa đảng Dân chủ Mỹ và Tòa sứ VNCH ở Mỹ hết sức lạnh nhạt. TNS Fulbright, Đại sứ Harriman…luôn từ chối không muốn tiếp xúc với Sứ quán VNCH. Riêng ông Phong từng tham gia hòa đàm Paris từ 1968 nên có liên hệ tốt với Harriman và Cyrus Vance (sau này là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Carter) nên được TT Thiệu cử sang Mỹ. Ông Phong xin phép TT Thiệu, nếu Mỹ hỏi VNCH muốn gì, ông xin được trả lời: chúng tôi muốn Hoa Kỳ viện trợ thêm hai năm nữa với kinh phí 2 tỷ mỹ kim. Với thời gian và viện trợ đó, VNCH sẽ tự xoay sở để sống còn, không còn ỷ lại vào Mỹ nữa.

TT Thiệu chấp nhận đề nghị đó, ông Phong lên đường đi Mỹ. Đến Hoa Thạnh Đốn, ông yêu cầu Đại sứ Trần Kim Phượng sắp xếp để ông gặp Harriman. Ông Phượng trả lời thẳng không thể được. Ông Phong liền nhờ Bí thư Tòa Đại sứ điện thoại nói với Harriman có ông NXP ở Paris muốn đến thăm. Nhân viên sứ quán rất ngạc nhiên, Harriman mời ông Phong đến gặp ngay lúc 4 giờ chiều hôm đó. Ông Phong còn tiếp xúc với vị Chủ tịch Ủy ban (có lẽ Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Ngoại viện của Thượng viện). Sau một giờ đàm luận, ông Harriman hỏi "VNCH cần Mỹ giúp bao lâu nữa và bao nhiêu tiền?" Ông trả lời: "Hai tỷ và hai năm. Sau đó chúng tôi sẽ tự lo liệu lấy". Harriman cười ngất, ông chỉ vào tờ New York Times có ghi lời tuyên bố với báo chí ngày hôm qua của quyền Ngoại trưởng VNCH Nguyễn Phú Đức: "Mỹ cần ở lại VN ít nhứt 10 năm nữa". Lúc đó ông Đức thay mặt VNCH đến Mỹ tham dự Đại Hội đồng LHQ với tư cách quan sát viên. Ông Phong sượng sùng từ giả Harriman, trở về Tòa Đại sứ điện báo sự việc cho TT Thiệu và trở về Paris ngay. (18) .

Ngày 22/4/1975, ông Thiệu từ chức


Trong bức thư cuối cùng gởi TT Thiệu, ông coi như TT Thiệu đã dứt tình bằng hữu với ông (và đồng minh với Mỹ). Nhưng không hiểu tại sao, ông Thiệu vẫn tin tưởng vào lời hứa "trả đũa BV" của Nixon? Ông cần Mỹ ở lại VN 10 năm nữa có phải vì ông đã tu chính hiến pháp để lãnh đạo VNCH thêm một (vài) nhiệm kỳ nữa từ tháng 10/1975 hay không? Có lẽ cựu Đại Sứ Bùi Diễm đã giải đáp thắc mắc trên: "Dường như ông Thiệu đã mất hết thăng bằng, có lẽ những năm nắm giữ uy quyền đã khiến ông Thiệu trở nên mê muội. Ông đã cho mình là trung tâm của vũ trụ, đã tin rằng chính ông đã đang mang thiên mệnh. Ông còn tự mình chuốc lấy tai hại khi cô lập hóa những người đầy khả năng, trong khi "đa số nhân viên chính phủ của ông chỉ là những người tham nhũng và bất tài". Ông đã không hiểu những biến cố xảy ra ở Hoa Kỳ. Ông "tin rằng dù cho chế độ của ông có thiếu khả năng đến đâu đi nữa thì Hoa Kỳ vẫn không thể bỏ rơi ông" Và giờ đây (tháng 9/1974) chính tôi tận mắt mục kích ông cũng không hiểu nổi chính cả những vấn đề đang xảy ra ngay ở VN. Dù đang lúc thập tử nhất sinh mà ông Thiệu vẫn chẳng thể phóng tầm nhìn lên trên những vấn đề uy quyền cá nhân. Quan niệm của ông chỉ là quan niệm của một người làm chính trị, cố theo đuổi và giữ chặt quyền lực". (19) .

Sau TT Nguyễn Văn Thiệu đến giới lãnh đạo CSVN. Tham vọng quyền lực là thảm họa lớn của dân tộc đã kéo dài qua hai thế hệ, và đang có nguy cơ đưa đến mất nước.

Lê Quế Lâm


Chú thích:
(1) AFP, 7/12/1965
(2) Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1970, tr.282
(3) Lyndon B. Johnson, The Vantage Point: Perspectives of the Presidency, Redwood Press Ltd, London, 1972, pp 592, 595
(4) Nguyễn Đức Thiện, Diễn tiến và hậu quả Hiệp định Paris về Việt Nam, Hoa Kỳ, 2005, tr. 178.
(5) Hồi ký Cựu Đại tướng William C. Westmoreland (Nguyên tác A Soldier's Report) Duy Nguyên dịch sang Việt Ngữ, California, 8/1996. Tr. 473,474
(6) Clayton Jones, Twenty Years Ago: The Tet Offensive – Viet Says: We Were Forced into Tet, The Christian Science Monitor, Vol 80, Feb 1-7, 1988
(7) Hồi ký cựu Đại tướng Westmoreland, Sđd, tr. 470, 473
(8)Vũ Nhuận, Ngày ấy cách đây 11 năm (Dịch báo ngoại quốc) Báo Việt Luận Úc Châu ngày 2/5/1986.
(9)David Halberstam, The Making of a Quagmire, Random House, Ny, 1965, P 319
(10) Edward Jay Epstein, Between Facts and Fictions, Vintage Books, NY, 1975, PP 81-82
(11) Bùi Diễm, Gọng Kềm Lịch Sử, Chương 28, tr. 4, 7
(12) Nguyễn Tiến Hưng và J.L. Schecter, Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập, C & K Promotion, Los Angeles, 1987, tr. 32
(13 )Nguyễn Khắc Ngữ, Những ngày cuối cùng của VNCH, Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản, Gia Nã Đại, 1979, Tr. 155
(14) Nguyễn Tiến Hưng, Sách đã dẫn (Sđd), tr. 210, 211
(15) Nguyen Xuan Phong, Hope And Vanquished Reality, A publication of Center for A Science of Hope, 2001, PP. 192-193 & 195. Đọc thêm Báo Sàigòn Times Úc Châu từ số 648 đến 661: Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang, Bản dịch của Phan Quân.
(16) Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, tr.251và 262
(17) Nguyễn Tiến Hưng, Sđd, tr. 341 và 342
(18) The Vietnam Archieve, Oral History Project, Interview with Nguyen Xuan Phong, Conducted by Richard Burks Verrone, Ph.D, November 6, 2002, transcribed by Jennifer McIntyre
(19) Bùi Diễm, Sđd, Chương 35, tr. 5



Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment