2010/12/30

NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ

NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ

      Lê  Văn  Xương

Lịch sử là những cái hay, cái dở mà người xưa để lại cho đời sau. Lịch sử quan trọng với những ai còn đang muốn làm một cái gì đó cho dân tộc Việt Nam (VN) hiện vẫn đang chìm đắm trong đêm dài tăm tối. Đặc biệt những ai muốn làm chính trị cho tới nơi tới chốn để đem lại lợi ích thực sự cho dân tộc thì càng phải hiểu thấu đáo và càng phải biết được cái "dụng " của lịch sử. Vì hiểu được lịch sử là một chuyện, biết đem những hiểu biết quý báu này ứng dụng vào từng giai đoạn, từng tình hình của đất nước phù hợp với từng biến chuyển của thế giới mới thật là quan trọng.

Điểm qua lịch sử dân tộc trong vài thế kỷ qua, chúng ta cần khách quan và thẳng thắn để nhìn nhận rằng:

Trong suốt gần 300 năm qua, mặc dù dân tộc ta có đạt được một số thành quả, nhưng về mặt khác, dân tộc ta đã liên tục đi từ thất bại này sang thất bại khác.


I) Thành Quả:

 1) Thành quả phát triển lãnh thổ: Đó là thành quả nổi bật nhất. Suốt 200 năm nội chiến dưới thời Hậu Lê, lãnh thổ Việt Nam đã phát triển gấp đôi so với các triều đại trước. Thực ra, đây là đáp ứng tất yếu trước áp lực liên tục của Hán tộc ở phương Bắc, luôn đè nặng lên trên dòng Bách Việt tại phương Nam. Cho nên nếu nói rằng:

" Chiến lược phát triển về phương Nam của dòng Bách Việt trong chừng mực nào đó cũng thể hiện một hình thái nào đó của sự chạy trốn trước áp lực của nòi Hán " thì nhận định ấy cũng không phải là không có cơ sở.

2) Thành quả thứ hai về mặt văn hóa: Chúng ta đã mau chóng thích nghi với làn sóng văn minh phương Tây tràn tới phương Đông qua hai ngả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương khi biết hình thành chữ Quốc ngữ dựa vào mẫu tự La Tinh (mà cụ thể là trực tiếp từ chữ cái Bồ Đào Nha) nhằm thay thế chữ Nho trong việc mở mang dân trí cho quảng đại quần chúng. Trước đây, để thông suốt chữ Nho, người ta phải bỏ ra hàng chục năm trời, nay với chữ Quốc Ngữ, chỉ cần chuyên cần cả năm là có thể đọc, viết một cách dễ dàng.

Những thương buôn và giáo sĩ người Bồ Đào Nhà là người Âu châu đầu tiên đến VN từ giữa thế kỷ 16. Thực ra, nếu ta tiếp xúc sớm với Anh hay Pháp thì chúng ta không thể phát kiến ra chữ Quốc ngữ được vì cách phát âm 24 mẫu tự La Tinh thuộc hai nền văn hóa này có sự khác biệt so với tiếng Bồ Đào Nha. Cho nên, khách quan mà đánh giá: Dù Bồ Đào Nha bị hai thế lực Anh, Pháp chèn ép đến nỗi phải từ bỏ tham vọng thống trị Ấn Độ Dương và một phần Thái Bình Dương, có lẽ, thành quả lớn nhất của Bồ Đào Nha ở Á châu chính là việc các Cố đạo Bồ Đào Nha đã có những đóng góp khá lớn vào việc hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam vậy.

Dân tộc ta vốn là dân tộc hiếu hòa, trọng nhân nghĩa, nhưng rõ ràng là qua việc hình thành chữ Quốc ngữ, chúng ta vẫn chưa làm đủ để vinh danh những người có công đầu trong việc hình thành chữ Quốc ngữ trong buổi ban sơ vào các thế kỷ 17, 18 và 19 như các giáo sĩ Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Gaspar de Amaral (Bồ Đào Nha), Antonio de Fontes (Bồ Đào Nha), Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes - người Pháp gốc Do Thái), Giám mục Bá Đa Lộc (Pháp), học giả Petrus Trương Vĩnh Ký, học giả Huỳnh Tịnh Của, v.v...

3) Thành quả thứ ba là về mặt quân sự: Chúng ta có một nhu cầu rất lớn và rất cấp bách sau khi bờ cõi đã phát triển đến vùng cực nam của đất nước. Đó là nhu cầu: Thống nhất đất nước để quy về một mối, nhằm hình thành một nhà nước trung ương tập quyền để thống nhất lực lượng dân tộc hầu đủ sức đương cự lại nhà Thanh cũng rất đang mạnh tại phương Bắc và vẫn không từ bỏ mộng thôn tính phương Nam.

Vua Quang Trung là một thiên tài quân sự đã xuất hiện rất đúng lúc để kết hợp lực toàn dân chống lại quân Thanh. Sự vĩ đại của vua Quang Trung nằm ở chỗ biết kết hợp tình báo trong dân với việc tổng hợp sức mạnh của Việt Nam và các thế lực chống nhà Thanh bên Tàu để hình thành một đạo quân có tính năng động rất cao nhằm đánh tan trên 200.000 quân Thanh khi chúng đã vô bờ cõi nước ta đến độ Tôn Sĩ Nghị, tổng chỉ huy quân Thanh thất kinh hồn vía phải bỏ cả ấn tín, kiếm đường trốn chạy về Tàu.

 

II) Thất Bại:

Nhưng bên cạnh các thành quả ấy, ta phải khách quan nhìn nhận những thất bại của dân tộc nói chung trong suốt 300 năm qua với thái độ không tự ti, mặc cảm, mà là với thái độ của một người trưởng thành, một dân tộc trưởng thành. Từ đó, chúng ta biết rút ra những bài học lịch sử bổ ích để thống nhất dân tộc, để xây dựng lại nước nhà sao cho tươi đẹp thực sự chứ không phải chỉ bằng những lời nói suông, bằng những khẩu hiệu được dương cao trong khi thực tế chỉ là những lời lừa phỉnh dân tộc nhằm biện minh cho những hành động đàn áp, bức hại, bóc lột dân, tàn phá đất nước, nhân danh những lý tưởng hão huyền.

Khủng hoảng lãnh đạo trong lòng dân tộc ta suốt hơn 300 năm qua là một vấn nạn trầm kha làm cho hầu hết các sĩ phu Việt Nam bất luận Bắc -Trung -Nam phải đau đầu kinh niên. Khủng hoảng lãnh đạo cũng làm cho dân ta  - một dân tộc rất mực thống nhất về lịch sử, văn hóa, chủng tộc, v.v… ngày nay lại là một dân tộc mất niềm tin ở chính dân tộc mình nhiều nhất so với các dân tộc khác ở chung quanh ta.

Khủng hoảng lãnh đạo làm cho dân ta trở nên bạc nhược về mọi mặt, làm nô lệ cho các dân tộc chung quanh. Mặc cảm tự ti bao phủ trên mọi khía cạnh của cuộc sống của dân tộc ta, làm cho dân ta không dám tính những chuyện xa, chẳng dám bàn những chuyện lớn lao, lâu dài đến nơi đến chốn. Thay vào đó lại lấy những chuyện tranh dành quyền bính nhất thời, lấy khôn vặt, đả kích, lừa bịp nhau, thậm chí cả chém giết nhau làm thành tích nhằm thỏa mãn hay biện minh cho các toan tính cá nhân, dòng họ hay bè nhóm đầy thấp hèn.

Tất cả những chuyện này đều có tiền căn của nó, chúng ta chỉ nêu ra ở đây ít điều căn bản:

 

1) Thời Lê Mạt:

Nhà Lê tuy cai trị đất nước lâu dài nhất lịch sử dân tộc, nhưng ta cần lưu ý rằng trong 200 năm cuối của nhà Lê (mà sử gia gọi là Lê Mạt) là thời kỳ đầy sóng gío nhất khi vua Lê mất dần quyền cai trị để từng bước hình thành hai Phó vương Trịnh - Nguyễn, là hai người cai trị thực sự ở hai vùng Nam Bắc của đất nước mà các cố đạo Phương Tây thường gọi là Đàng Trong, Đàng Ngoài.

Cả hai vị Phó vương này đều rất thực tế. Họ cần thực quyền chứ không cần hư danh cho nên họ đã chấp nhận cho vua Lê giữ hư danh tại kinh đô Thăng Long nhưng quyền cai trị thực sự lại nằm trong tay chúa Trịnh, chúa Nguyễn và chúa Nguyễn tiếp tục con đường Nam Tiến của dân tộc nhằm củng cố lãnh địa đã chiếm được và có phương tiện chống lại chúa Trịnh khi cần thiết.

Tình hình tế nhị này từ từ dẫn đến việc chúa Trịnh phải củng cố thế lực của mình nhằm chống lại nhóm trí thức miền Bắc vốn được gọi là " sĩ phu Bắc Hà " bằng nhóm cấm binh Thanh Nghệ để làm chỗ dựa cho quyền uy của mình, một quyền cai trị mà bị sĩ phu Bắc Hà (những người vẫn còn tưởng nhớ tới nhà Lê) dị nghị.

Sĩ phu Bắc Hà bị gạt ra khỏi chính trường từ đó và cũng từ đây, một nửa đất nước không được lãnh đạo trong thực tế bởi giới sĩ phu nữa mà do nhóm cấm binh Thanh Nghệ thao túng, điều hành.

 

Ta cần lưu ý:

Chế độ phong kiến ở Việt Nam khác hẳn với các chế độ phong kiến khác trên thế giới, khác cả với nước Hán ở phương Bắc. Các vua chúa VN hầu hết đều xuất thân từ giai tầng nghèo khổ trong xã hội hay có thuở ấu thơ cực khổ. Thí dụ: Đinh Bộ Lĩnh tuy cha là tướng nhưng mất sớm, nên phải về sống với chú và đi chăn trâu, Lê Hoàn hồi nhỏ nhà nghèo, lại mồ côi cha mẹ nên làm con nuôi cho người khác, Lý Công Uẩn không có cha, làm con nuôi của sư Lý Khánh Vân, nhà Trần gốc gác từ dân đánh cá bao đời, Trịnh Kiểm hồi nhỏ vì nghèo khó, phải đi ăn cắp gà nuôi mẹ, vua Quang Trung cũng là " áo vải dấy đế nghiệp ". Vì thế, chế độ quân chủ ở Việt Nam thực ra là chế độ quân chủ bình dân, trong đó, tuy vua cai trị nhưng tính tự trị của địa phương rất cao và thậm chí trở nên quá mạnh. Do tập quán hàng nhiều nghìn năm để lại, nên các chế độ quân chủ ở Việt Nam đã không dám hay không muốn huy động tài nguyên của cả nước vào các công trình lớn lao, lâu dài - trừ các công trình thực sự liên hệ sinh tử tới sự tồn vong của đất nước như đắp đê sông Hồng (chỉ có triều Nguyễn Gia Long là triều duy nhất của VN mà các nhà vua cho xây lăng tẩm của mình, kế tiếp chỉ có triều đại CS VN mới xây lăng tẩm và ướp xác cho lãnh tụ cao nhất của mình). Ngoài ra, tất cả đều tập trung nhân tài lực vào việc chống giặc Hán tộc. Việc này làm cho đất nước ta thiếu hẳn những công trình đồ sộ, xa hoa, có tầm vóc thế giới như Đế Thiên - Đế Thích của Campuchia chẳng hạn. Nhưng mặt khác, chế độ quân chủ bình dân ấy lại tạo điều kiện để củng cố quyền lãnh đạo trong thực tế cho các sĩ phu ẩn mình trong dân tộc (hội nghị Diên Hồng toàn dân chống Mông cổ thời nhà Trần là một thí dụ rõ rệt). Điều này làm cho kẻ thù không thấy được sức mạnh thực sự của dân tộc ta ở đâu cho đến khi chúng bị đánh cho đại bại bởi sức chiến đấu oanh liệt, kiên cường của cả dân tộc VN.

Vai trò này làm cho sĩ phu đất Bắc lúc đó cảm nhận được sứ mệnh cao cả của mình nhưng đồng thời cũng tạo cho họ cái cá tính của người anh cả, nắm giường cột gia đình  (câu " quyền huynh thế phụ " là thế), nên phải có tiếng nói trong mọi vấn đề quan trọng của đất nước. Cho nên, ta không ngạc nhiên khi dưới thời chúa Trịnh mới xuất hiện nhiều vị trạng dân gian ở đất Bắc (Trạng Quỳnh là một trong những người tiêu biểu) hay châm chọc vua chúa vì sĩ phu đất Bắc không mấy tôn phục những triều đại " không được coi là chính thống hay có công lớn với đất nước " là vậy.

Sự tranh dành ảnh hưởng giữa chúa Trịnh – chúa Nguyễn này cho thấy: Trật tự cũ đang bị phá hủy nhưng trật tự mới lại chưa hình thành. Do vậy, cuộc đấu tranh trong lòng dân tộc VN nhằm tìm một trật tự mới thực sự đã bắt nguồn từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

2) Thời Vua Quang Trung:

Thiên tài quân sự Quang Trung sau khi thất bại trong giải pháp chia ba cả nước cho ba anh em (việc này được coi như là một cách tái tổ chức xã hội trong điều kiện đất nước đã trải dài 2000 km từ bắc xuống nam. Nhưng Nguyễn Lữ, Nguyễn Nhạc không đủ tài trí để cai trị vùng đất được phân công) nên vua Quang Trung đành phải thống nhất đất nước về một mối. Việc này khiến vua Quang Trung gặp phải thái độ bất hợp tác nhất thời của sĩ phu Bắc Hà đồng thời lại không thể kiểm soát được tình hình cả nước do các tàn dư của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ cũng như Nguyễn Ánh vẫn tìm cách khôi phục lại quyền cai trị của dòng chuá Nguyễn (từ miền Nam sông Danh trở vào Nam).

Cả đời vua Quang Trung là cả đời xông pha nơi trận mạc, đánh đông, dẹp bắc nhiều phen mà chiến công oanh liệt nhất là đánh bại quân Thanh dưới thời Càn Long (là ông vua văn võ song toàn của nhà Thanh). Chỉ trong một trận, vua Quang Trung đã làm quan quân nhà Thanh và Càn Long thất kinh, mất viá. Nhưng vua Quang Trung mặc dù vĩ đại trong chinh chiến và có nhiều sáng kiến độc đáo trong việc cải tổ lại đất nước, nhưng lại thiếu nhân sự và thời gian hòa bình để thi hành các kế hoạch sâu rộng ấy. Vì vậy:

Vua Quang Trung tuy chiến thắng trong chiến tranh nhưng thất bại trong hoà bình.

 

3) Nhà Nguyễn Gia Long:

 Bài học quan trọng mà thế hệ sau học được ở vua Gia Long là: Sự kiên trì trong việc dành lấy chính quyền từ nhà Nguyễn Quang Trung. Nhưng sau khi thành công rồi, Gia Long và các vua kế tiếp đã phạm nhiều sai lầm lớn lao, nghiêm trọng mà hệ lụy còn kéo dài cho tới bây giờ mà dân tộc VN vẫn chưa giải quyết tới nơi tới chốn được. Ta cần liệt kê một số điều này:

a) Nghi kỵ sĩ phu Bắc Hà và có đầu óc trả thù nhỏ nhen: Sau khi chiếm trọn vương quyền, thống nhất cả nước, vua Gia Long thi hành chiến dịch trả thù nhà Tây Sơn khốc liệt như: Đào mồ vua Quang Trung và giam xương vào lao thất, bắt nữ tướng Bùi Thị Xuân cho voi dày trước mặt con gái nữ tướng này sau đó cũng giết luôn đứa bé, lại truy diệt tàn khốc con cháu vua Quang Trung và những người liên hệ tới Tây Sơn.

Dưới thời các vua nhà Nguyễn, thái độ nghi kỵ sĩ phu đất Bắc được nâng cao tới tột đỉnh. Điều này thể hiện rất rõ qua việc tuyển chọn trong thi cử và qua việc hàng loạt sĩ phu Bắc Hà đầy tài năng bị đưa vào triều đình Huế làm việc nhưng thực sự là để an trí, bằng cách trao cho họ một chức vụ nào đó để che lấp thái độ nghi kỵ của triều đình nhà Nguyễn mà thôi (cụ Phạm Quang Tuyên là một thí dụ điển hình). Trong khi đó, các chức vụ cai trị quan trọng ở miền Bắc và tại triều đình đều do nhóm thân tín Thanh Nghệ hoặc tại miền Trung đảm nhiệm (nên nhớ, dưới triều nhà Nguyễn, sĩ phu Bắc Hà không bao giờ được phong Tứ phẩm trở lên). Hãy lấy thí dụ về thi cử: Miền Bắc xưa nay nổi tiếng văn học vì là cái nôi phát tích cội nguồn và văn hóa của dân tộc (kinh thành Thăng Long được gọi là đất Ngàn Năm Văn Vật là thế), là nơi cả hàng ngàn năm luôn phải trực diện chiến đấu với kẻ thù Hán tộc để duy trì nòi giống, giữ yên bờ cõi. Miền này đất rộng, người đông, nhiều sĩ tử. Vậy mà trong việc mở các trường thi hương trên toàn quốc, miền Bắc chỉ có 2 trường. Riêng miền Nam còn đang trong giai đoạn khai hoang lập ấp nhưng cũng có 2 trường thi như miền Bắc Trong khi đó, miền Trung đất hẹp, dân ít, nhất là miền Trung từ vùng Thuận - Quảng tới Phan Thiết mới thiết lập sau này, thế mà lại có đến 4 trường thi. Trong thời các vua nhà Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, triều đình có mở 27 khoa thi hội tại Huế, tuyển chọn hàng trăm người, nhưng trong số trúng tuyển ấy, chỉ có 4 người miền Bắc. Việc nghi kỵ sĩ phu Bắc Hà thể hiện rõ nét trong việc chấm thi. Sĩ tử Bắc Hà khi thi hương và đỗ được cử nhân, lúc vào triều đình Huế để thi hội, nhiều khi bài thi hay hơn mọi người mà vẫn bị dìm xuống. Thí dụ, trong một khoa thi hội đời Minh Mệnh, có Phạm Văn Nghị, sĩ tử Bắc Hà được điểm cao nhất, nhưng bị đưa xuống hạng hai để cho Nguyễn Cửu Trường, là người tỉnh Thanh Hoá, quê hương nhà Nguyễn, lên đứng hạng nhất. Cách thức thi tuyển này hơi giống màn " học tài thi lý lịch " hay " thêm vài điểm ưu tiên cho con cái liệt sĩ  hay cách mạ ng " dưới chế độ cộng sản sau này.

Như thế, nhà Nguyễn trong thực tế đã để mất vùng đất được coi là yếu huyệt của đất nước vì vùng này là cái nôi của Bách Việt còn sót lại và kế cận với kẻ thù của dân tộc là Hán tộc. Giặc giã nổ ra liên tục tại miền Bắc dưới triều Nguyễn chính yếu là vì lý do này.

b) Chủ Trương Tống Nho: Trong khi xã hội VN lúc đó dựa vào nền tảng là Tam giáo: Lão - Nho - Phật, chứ không phải chỉ có Nho giáo thôi, vậy mà nhà Nguyễn lại chủ trương theo Tống Nho thủ cựu và chống lại văn minh phương Tây (dựa trên nền tảng Thiên Chúa Giáo) đang phát triển về phương Đông. Đây là một hành động chính trị rất thiếu khôn ngoan của triều đình nhà Nguyễn. Ta cần lưu ý:

Vua Gia Long thống nhất đất nước là nhờ vào sức dân miền Nam là chính nhưng cũng có sự góp sức tích cực của nhóm Hoa kiều Minh Hương (vì nhóm này chống vua Quang Trung) cùng với một số người Âu châu (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp) tại Đàng Trong. Khi nhóm Âu châu bị mất thế trong triều đình Nguyễn thì vai trò của nhóm Hoa kiều lại tăng tiến lên. Tác động của nhóm Hoa kiều này không phải là nhỏ trong triều đình nhà Nguyễn. Cho nên, với triều Nguyễn, văn sách, khoa học không học mà chỉ coi trọng thi phú là vậy, quân cơ không lo, chỉ lo mất ghế là thế! Ngoài ra, ảnh hưởng của nhóm Hoa kiều này còn thể hiện rõ rệt trong việc tranh chấp quyền lực giữa Hoàng tử Cảnh (con đầu của vua Gia Long, người có cái nhìn phóng khóang về Tây phương vì đã từng sang Âu châu và giao tiếp nhiều với người Tây phương) và Minh Mạng (có đầu óc bảo thủ, không ưa Tây phương và coi Tàu là nhất). Kết quả nhóm quan lại thân Tây Phương yểm trợ Hoàng tử Cảnh đã thua nhóm quan lại thân Tàu đang yểm trợ cho Minh Mạng. Từ đó, lịch sử VN đã rẽ sang một bước lùi tiêu cực còn kéo dài mãi cho tới ngày nay.

Thống nhất lòng dân cả nước là chuyện vô cùng hệ trọng, nhưng sau khi thống nhất đất nước rồi, triều Nguyễn chỉ lo trấn áp miền Bắc, lo trả thù những ai liên hệ tới nhà Tây Sơn, lo hưởng thụ, xây lăng tẩm mà không để ý đến việc canh tân đất nước cho hợp thời đại.

Tới khi đảng CSVN chiếm được miền Nam, họ cũng lập lại lỗi lầm to lớn này của nhà Nguyễn. Họ đã thù ghét, nghi kỵ và lo trả thù dân chúng miền Nam rồi tìm cách trấn áp, tiêu diệt những giới trí thức, tinh hoa của miền Nam để đến ngày nay đất nước đi vào con đường mạt lộ, chia cắt lòng người. Không học thuộc lòng và không biết áp dụng những bài học lịch sử quý báu nên đã tạo ra những tai nạn to lớn, thảm khốc cho dân tộc là vậy!

Sự thiếu khôn ngoan trong chính trị này đã gây nguy hại không ít cho tiềm lực dân tộc. Thực ra, sự trấn áp này đúng về mặt tâm lý vì sau hàng trăm năm chiến tranh với chúa Trịnh ở miền Bắc, rồi mấy chục năm chinh chiến với nhà Nguyễn Quang Trung (vua Quang Trung được lòng dân Bắc Hà khi dẹp tan quân Thanh xâm chiếm miền Bắc), thì sau khi nắm được quyền lực, trong đầu óc của Gia Long và các vua sau này như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự  Đức, đều có lòng nghi kỵ, không tin tưởng, không trọng dụng dân chúng sống trong vùng đất (Bắc Hà) của kẻ thũ cũ (chúa Trịnh) và kẻ thù mới đây của mình (vua Quang Trung). Ngoài ra, vì phải gian khổ, hy sinh thật nhiều mới nắm được ngai vàng, cho nên khi có chính quyền trong tay thì triều đình nhà Nguyễn lo hưởng thụ, lấy thi phú làm phương cách tỏ sự thanh cao đồng thời là cách để thị uy trí tuệ với sĩ phu Bắc Hà. Chủ trương này dẫn ngay đến một hệ lụy nguy hiểm khôn lường cho triều Nguyễn. Đó là bịnh: Xa Rời Thực Tế. Căn bịnh này đã hủy diệt nhà Nguyễn và vùi dập dân tộc trong suốt thời gian dài đã qua.

 

Vì thế, nhà Nguyễn đã thất bại ở miền Bắc, để rồi cuối cùng cũng thất bại trên quy mô cả nước.

Đó là tất yếu của lịch sử.

Như vậy, khi đánh giá về nhà Nguyễn, chúng ta đi đến ngay một kết luận rất thực tế là :

Nhà Nguyễn có công trong việc mở mang thêm bờ cõi, nhưng nhà Nguyễn vẫn không tìm được lối thoát cho dân tộc trong tình hình mới. Đặc biệt, nhà Nguyễn đã không nhìn thấy họa ngoại xâm mới, đó là chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn cầu. Với chủ trương theo Tống Nho, chống lại văn minh Tây phương, nhà Nguyễn coi tổ chức xã hội đời nhà Tống bên Tàu là mẫu mực trong việc trị dân, vẫn coi Tàu là khuôn mẫu để noi theo (cung điện ở Huế cũng dập khuôn theo kiến trúc của nhà Thanh bên Tàu), yên chí hưởng nhàn (vua Tự Đức thích thi phú), dung túng cho nhóm Tàu Minh Hương để nhóm này tạo ảnh hưởng kinh tế khá mạnh, nhất là ở miền Nam, mặc cho tham nhũng, đói khổ lan tràn khắp nước.

Nhà Nguyễn chỉ bình yên vỏn vẹn 56 năm, kể từ khi vua Gia Long lên ngôi vì từ năm 1858 thì Pháp đã bắn đại bác vào cảng Đà Nẵng để từng bước, từng bước mở đầu cho Pháp đặt ách thống trị trên khắp VN vào năm 1885. Có một trớ trêu của lịch sử là:

Nếu tính tròn thì nhà Nguyễn cũng chỉ giữ được độc lập mang tính hình thức vỏn vẹn khoảng 60 năm và người Pháp cũng chỉ cai trị trọn VN vỏn vẹn khoảng 60 năm mà thôi.

 

III) Thời Kỳ Tranh Đấu Dành Độc Lập:

Khi quân Pháp xâm chiếm VN thì các chống đối của sỹ phu Bắc Hà với triều đình Nguyễn có lắng xuống vì cuộc chiến chống ngoại xâm này mang tính chất cấp bách hơn. Trước nạn ngoại xâm, vua quân cùng nhau chống giặc. Nhưng chống bằng cái gì đây ?

Về mặt nhận thức, vua quan nhà Nguyễn chỉ nhìn thấy nước Tàu ở Bắc Kinh như là chỗ dựa vững chắc nhất cho triều đình (mà triều đình và dân tộc theo cái nhìn của vua quan nhà Nguyễn chỉ là Một) mà không hề mảy may nhìn thấy rằng: Với vài trăm quân Pháp, với vài chiến hạm bằng sắt, với đại bác bắn mạnh hơn, xa hơn, chính xác hơn thì hàng loạt thành trì của ta sẽ rơi vào tay Pháp dễ dàng.

 

Điều đáng trách nhất của triều đình nhà Nguyễn là:

Cho dù Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha không phải là quốc gia văn minh nhất ở Âu Châu vào lúc đó và Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang bị Anh - Pháp hất cẳng ra khỏi vùng Ấn Độ Dương, tiếp theo cuộc hải chiến giữa Liên hạm đội Pháp (Napoleon) - Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 1805 với hạm đội Anh do đề đốc Nelson chỉ huy, nhưng qua các thương nhân, giáo sĩ  Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha này, chúng ta vẫn có thể học hỏi được nhiều cái hay từ nền văn minh Tây Phương để mà cải cách đất nước cho hợp thời. Vả lại, dưới triều Gia Long rồi ngay cả triều Minh Mạng, cũng có một số người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, rồi Pháp làm quan trong triều. Ít ra, điều này cũng đủ để nhà Nguyễn có cơ hội tìm hiểu về văn minh cơ khí phương Tây hầu tìm kế chống đỡ nạn thực dân này, nhằm giảm bớt tối đa các thiệt hại cho dân tộc. Khốn thay, triều đình nhà Nguyễn chỉ lo hưởng nhàn, thi phú, lại có tinh thần tự mãn, " coi Tàu là nhất sau đó đến Ta " (lãnh đạo CS VN sau chiến thắng 1975, cũng huênh hoang tự mãn khoe mình là " đỉnh cao trí tuệ loài người ", coi " Liên Xô là nhất rồi đến Ta ") nên đã không chịu học hỏi khi tiếp xúc với các người Tây Phương này.

Những nhà cải cách, có lòng với dân tộc, có dịp đi ngoại quốc nên có viễn kiến thời đại như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, v.v….dâng sớ điều trần, trình bày cái hay, các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật Tây phương để vua quan nhà Nguyễn sớm thức tỉnh hầu canh cải đất nước cho kịp thời đại thì bị dèm pha, thất sủng. Trong khi đó vua tôi " bế môn tỏa cảng " để cùng nhau vịnh nguyệt thưởng hoa, rồi khen thơ nhau hay, văn sách giỏi, mặc cho dân tình đói khổ, đất nước chậm lụt với thiên ha.

Từ đấy, cuộc khủng hoảng trong lòng dân tộc ngày càng lan rộng đối với mọi tầng lớp xã hội suốt từ năm 1885 đến nay.

Chúng ta không so sánh VN với Nhật Bản vì Nhật Bản ở một vị trí quan yếu hơn để Anh – Pháp kể cả Mỹ phải giúp đỡ Nhật Bản trở nên cường thịnh nhằm cản chân Nga ở vùng Đông Bắc Á theo sách lược đế quốc Anh đề ra là " Cân bình sức mạnh ". Nhưng nếu các vua nhà Nguyễn có cái nhìn khôn ngoan, thoáng đạt hơn về nền văn minh Tây phương thì

VN lúc đó không rơi vào vòng thảm hại.

Trớ trêu thay! Khi quyền lãnh đạo đất nước vuột khỏi tay các sĩ phu để đặt trọn trong tay nhà vua, đến khi triều đình bị tan rã thì giới sĩ phu (theo đúng truyền thống lâu đời của Bách Việt ta) đã không còn phát huy được tác dụng của mình nữa. Sĩ phu mạnh ai lấy làm, mạnh ai nấy tìm đường cứu nước theo quan niệm riêng mình hay phe nhóm. Thế là rất nhiều người sĩ phu lên đường để tìm cách canh tân, cứu nước nhưng không ai, nhóm nào thành công trọn vẹn cả. Để rồi, cuối cùng với sự can thiệp của đủ mọi thế lực ngoại bang, chúng ta thay vì cứu được nước, thống nhất được lòng dân, chúng ta làm cho dân tộc ngày càng phân hoá hơn.

Ta hãy đan cử một quốc gia khác có tình hình phức tạp hơn ta gấp bội. Đó là Ấn Độ. Ấn Độ chưa bao giờ là một quốc gia hoàn tòan thống nhất cho đến khi người Anh lập chế độ cai trị ở đấy. Họ chỉ còn có một con đường duy nhất để chống ách cai trị của người Anh là: Chủ trương " Bất bao động của Gandhi ". Kết quả, Ấn Độ đã đạt được thành qủa với ít thiệt hại nhất.

Đối với VN, các cao trào đấu tranh dành độc lập tỏ ra rất sinh động nhưng hoàn toàn không theo một chủ trương nào thống nhất trên qui mô cả nước để làm cho đối phương phải kiêng nể (cũng cần phải kể thêm là: Người Pháp đã tỏ ra không thực tế và tham lam với các nước thuộc địa nhiều hơn so với người Anh). Các cao trào tranh đấu ấy không hề mang nặng sắc thái VN theo cách thức rất VN mà tổ tiên ta đã đã biết vận dụng rất thành công trong việc chống ngọai xâm. Trong tình thế ấy của đất nước sau năm 1885 khi triều đình Huế bị tan rã (triều đình Huế đã thực sự tan rã sau khi Pháp chiếm VN một thời gian vì triều đình Huế chỉ còn làm vì mà thôi) thì đúng ra, mọi hoạt động tranh đấu phải đi vào bí mật tuyệt đối để chỉ đạo quần chúng đến 98% là nông dân, nhưng hầu như các tổ chức tranh đấu dành độc lập của ta đều đua nhau xuất hiện công khai hoặc bán công khai.

Thế là ta thua giặc một bước dài rồi. Ta thất bại là rất đúng với tương quan lực lượng vào lúc ấy với Pháp.

Mỗi chủ trương trong hàng loạt chủ trương mà các nhà cách mạng VN đã tiến hành cũng chỉ mới thể hiện một trong rất nhiều đường lối trong khi công cuộc tranh đấu dành độc lập ngày càng trở nên phức tạp và tế nhị. Nhưng tiếc thay các nhà lãnh tụ cách mạng VN chưa nhìn thấy sự phức tạp và tế nhị ấy, nên đã đặt nặng việc tìm hậu thuẫn từ các quốc gia ở Á châu mà đã tạo được một vị trí nào đó trên trường quốc tế (thí dụ là Nhật Bản) với hy vọng rằng qua các thế lực ấy, chúng ta sẽ hất cẳng người Pháp ra khoải bờ cõi và thu hồi nền độc lập cho dân tộc.

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng trong số các bậc tiền bối cách mạng chân chính ấy, không một ai mảy may suy nghĩ về cục diện thế giới, về chiều hướng mà thế giới sẽ đi, về các mâu thuẫn giữa các quốc gia phương Tây là gì ? Và để tìm một lối thoát cho dân tộc, ta phải làm gì trong một thế giới bây giờ không chỉ có Ta và Tàu không thôi mà là một thế giới trong đó vai trò của các quốc gia thực dân cũng đang bị thử thách nghiêm trọng. Các vị này cũng không nhìn thấy sự tan rã của chủ nghĩa thực dân đang gần kề, không thấy thế giới đang chuyển hướng sang một giai đoạn mới mẻ khác (ngay cả tại một số quốc gia Âu châu, giới trí thức và lãnh đạo cũng chưa thể mường tượng được nên cũng không thể chuẩn bị tinh thần cho dân họ nhằm đáp ứng với tình hình mới ấy).

Cho nên, vì thiếu trí tuệ, ta cứ thấy một ai đó ở Á châu có một cái gì mới (mới với ta nhưng cũ với các nước phương Tây) hoặc đạt được một thành quả trước mắt nào đó thì ta vồ ngay lấy, đem về áp dụng như là một phương cách nhằm đạt cho được một hậu thuẫn quốc tế và coi đó như là lẽ sinh tử cho cuộc tranh đấu dành độc lập của dân tộc. Khi làm như vậy, chúng ta đã vì quá nóng lòng đối với công cuộc đấu tranh dành độc lập nên đã không thấy đâu là kẻ thù chính, đâu là kẻ thù phụ, đâu là Tối Hậu Địch Nhân, đâu là kẻ thù tạm thời.

Thập niên 30 vừa qua của thế kỷ trước đã đánh dấu một bước rẽ quan trọng đối với vận mệnh đất nước khi Quốc Dân Đảng VN và đảng CS Đông Dương được hình thành.

Sau các thất bại của phong trào Cần Vương, Đông Du, các nhà đấu tranh VN bắt đầu nhìn thấy thực tế khó khăn và phức tạp của tình hình thế giới, về thái độ của Nhật và Quốc Dân Đảng Tàu. Nước Nhật chỉ mạnh nếu so với các nước bị trị chứ chưa hùng mạnh nếu so với các nước phương Tây. Ngoài ra, vì quyền lợi, người Nhật cũng sẵn sàng đi theo con đường thực dân sắt máu của Anh, Pháp (việc Nhật chiếm Đại Hàn, Đài Loan là thí dụ rõ rệt). Cho nên, Nhật sẵn sàng bán đứng các phong trào dành độc lập của các quốc gia Á châu khác cho phương Tây nếu Nhật được phương Tây tương nhượng chút gì đó hay vì quyền lợi của Nhật bị đe dọa ở nơi khác (việc chiếm Đại Hàn năm 1910 tiếp theo sau việc đánh tan hạm đội Nga ở Đối Hải là một bằng chứng). Còn Quốc Dân Đảng Tầu thì hoàn toàn không đủ mạnh so với lực lượng Tây phương và họ cũng sẵn sàng hy sinh quyền lợi dân tộc VN nếu có lợi cho họ.

Nhưng các nhà cách mạng tiên phong VN lúc ấy không có sự chọn lựa nào khác nên vẫn phải thúc thủ tìm cách luồn lách để sinh tồn một cách bí mật tại Nhật Bản lẫn Tàu hầu  củng cố thế lực và tìm cơ hội hành động khi tình hình thay đổi có lợi hơn cho phong trào dành độc lập.


Đầu thế kỷ 20 có hai biến cố quan trọng ảnh hưởng nhiều đến cao trào tranh đấu dành độc lập ở VN. Đó là:

Việc hình thành một nhà nước Cộng sản đầu tiên trên thế giới ở Liên Xô và việc hình thành Quốc Dân Đảng Tầu.

Không một ai hiểu rõ là Lenin, Trotsky, Bukharin, Stalin nghĩ gì về một nhà nước cộng sản ở Nga sau cuộc cách mạng năm 1917 ấy ngoài các chiêu bài được quảng bá rộng rãi bởi Quốc Tế III như là một cao trào toàn thế giới để giải phóng người lao động khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản, thực dân, đồng thời giải phóng các quốc gia bị trị hiện đang sống dưới chủ nghĩa thực dân tại Á châu, Phi châu. Sau các xáo trộn ở Liên Xô (nạn đói, các cuộc chống đối của nhóm Bạch Nga,.v.v…) thì mãi đến cuối thập niên 20 Liên Xô mới bắt đầu tiến hành việc hình thành các phong trào cộng sản tại các quốc gia bị trị (họ cần thời gian để tuyển người, huấn luyện, v.v…).

Với Quốc Dân Đảng Tầu, bản thân Tam Dân chủ nghĩa đã là một mớ hổ lốn. Nó là chủ nghĩa bành trướng Hán tộc mặc chiếc áo Tây phương nhằm lật đổ nhà Thanh (mà người Tầu lúc đó coi là ngoại nhân thống trị) đang hồi suy tàn. Nhà Thanh tuy suy tàn nhưng cả nước Tầu không bị đô hộ bởi thực dân mà chỉ phải nhượng bộ một số tô giới mà thôi cho nên chủ quyền nước Tầu còn khá nguyên vẹn. Cùng với các diễn biến của thời cuộc (phe Trục được hình thành dẫn đến Thế chiến II, Nhật xâm lăng Mãn Châu năm 1935, Liên Xô đang ra sức tạo dựng lực lượng tại các quốc gia bị trị với hai mũi tiến công là đảng CS Tầu và CS Đông Dương). Khi Thế chiến II đang đi giai đoạn chín mùi cho các vụ nổ lớn, thì vị trí của Quốc Dân Đảng Tầu được nâng cao vì Hoa Kỳ cần bí mật bảo vệ nước Tầu khỏi đà xâm lăng của Nhật ở Á châu. Cũng trong tình hình này nên Liên Xô cũng được Hoa Kỳ gấp rút giúp đỡ hết sức để hình thành mặt trận phía Đông (Á châu được gọi là phía Đông theo cách nhìn của Tây phương) sau khi Hitler đã không thành công trong chiến dịch xâm chiếm Anh quốc.

Chính trong điều kiện tổng quát này của thế giới, các tổ chức đấu tranh dành độc lập của dân tộc VN nay đi vào hai khúc rẽ khác nhau để từng bước đi vào cuộc chiến tương tàn, trong khi thế giới đi vào cuộc chiến tranh lạnh, ít đổ máu.

Về mặt nhận thức mà nói, các nhà đấu tranh VN kể từ thập niên 30 chia ra làm hai khuynh hướng rõ rệt và ngày càng đi vào chỗ đối đầu nhau về mọi mặt.

Khuynh hướng thứ nhất chủ trương: Đành rằng cần sự hậu thuẫn quốc tế, nhưng nền độc lập dân tộc là không thể tương nhượng được cho nên không thể trở thành tay sai cho bất cứ thế lực ngoại bang nào.

Khuynh hướng thứ hai chủ trương: Cần sự hậu thuẫn quốc tế đủ mạnh để đập tan chủ nghĩa tư bản thực dân để hình thành một thế giới đại đồng và qua đó, VN ta sau này sẽ trở thành người anh cả của khu vực Đông Nam Á. Vì thế, cần chấp nhận hy sinh cho mục tiêu lớn lao ấy. Những ai chống lại đường lối ấy đều là "phản cách mạng", là Việt gian, là tay sai trá hình cho ngoại bang.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Thành lập đảng chính trị chỉ có ý nghĩa trong điều kiện đất nước có độc lập, trong khuôn khổ một hiến pháp hẳn hoi, thì đảng chính trị ấy mới phát huy được tác dụng. Ngoài ra, đảng chính trị ấy còn phải dựa trên một cương lĩnh, một đường lối rõ rệt nhằm mục tiêu là phục vụ dân tộc, đồng thời đảng ấy phải hình thành được mội đội ngũ đảng viên nòng cốt, có đầy đủ ý thức, trí tuệ và trung thành với những nguyên tắc được coi là đúng nhằm thuyết phục dân chúng rằng: Con đường mà đảng ấy chọn lựa sẽ là con đường tốt nhất dẫn đến hạnh phúc, ấm no cho tuyệt đại đa số dân chúng. Trong điều kiện nước ta vào thập niên 1930, thế chiến II đang gần kề, thực dân vẫn còn mạnh và không có gì bảo đảm rằng: Khi thực dân này bị đánh đuổi thì thực dân khác lại không xâm lăng, mà đôi khi thực dân tới sau còn hung hiểm hơn thực dân trước rất nhiều. Các nhà cách mạng VN hồi thập niên 1930 và ngay cả 1940 vẫn chưa xách định được đâu là bạn, đâu là thù, chưa thấy hướng đi của nhân loại, cho nên nóng ruột muốn làm bất cứ điều gì, miễn sao lật đổ được thực dân Pháp mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao.

Các đảng cánh hữu được hình thành trước và sau Thế chiến II đều tỏ lộ khuynh hướng dân tộc. Ta có thể gọi các chính đảng đó là các đảng Dân Tộc, cho dù mang tên là gì đi nữa như: Quốc Dân Đảng, Đại Việt hay Dân Tộc Đảng. Các đảng Dân Tộc này có một phương châm bất di bất dịch là:

Không chịu làm tay sai cho ngoại bang, dù ngoại bang ấy là ai đi nữa.

Với tinh thần dân tộc này, với tình hình thế giới khá phức tạp sau Thế chiến II, thì các đảng Dân Tộc này ngày càng bị cô lập và hoàn toàn không phát huy được nhiều tác dụng trong tình hình thế giới ngày càng đổi thay mau chóng.

Với họ Hồ và đảng CSVN thì lại khác. Họ Hồ tự nguyện làm tay sai cho Quốc Tế CS với hy vọng hão huyền là họ Hồ sẽ làm chủ Đông Dương và cả  Đông Nam Á sau này.

Nếu chính trị cứ đơn giản như họ Hồ nghĩ thì ai chả làm chính trị được. Cho nên, khi đem chủ nghĩa CS vào VN, họ Hồ và đàn em đã gieo rắc thảm họa khôn lường cho dân tộc trong suốt thời gian dài đã qua cho tới ngày nay. Họ Hồ và Đảng CS VN đã và đang giúp kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta là Hán tộc từng bước một tiến hành xâm lăng VN một cách âm thầm, ít tiếng súng, làm cho dân tộc ta (kể cả nhiều người trí thức) không nhìn thấy dã tâm nham hiểm này của lãnh đạo Hán tộc.

Hơn 60 năm qua, kể từ khi cướp được chính quyền hồi 1945, đảng CS VN đã đạt được một số chiến thắng (theo cái nhìn của đảng CS VN) không phải vì có chính nghĩa dân tộc, mà là do sự lừa bịp dân chúng khéo léo, quỷ quyệt, nhất là được sự hậu thuẫn tối đa của cộng sản quốc tế do Nga Tầu lãnh đạo, quan trọng hơn nữa là vì chiến thắng tạm thời này nằm trong chiến lược của Hoa Kỳ là:

Để Thắng Cuộc Chiến Toàn Diện Trong Đường Dài, Phải Sẵn Sàng Hy Sinh Mặt Trận Nhỏ Trong Ngắn Hạn, nhằm đẩy Liên Xô và nước Hán từng bước đi vào tan rã để Hoa Kỳ giữ được vai trò lãnh đạo, đưa thế giới đi vào nền văn minh mới.

Cho nên, nắm vững chính nghĩa dân tộc, biết rõ thế giới này đi về đâu, nhưng chúng ta vẫn chưa dẹp tan cái đảng CS phản dân, hại nước ấy đi được là vậy.

Tuy vậy, thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc, ngày đảng CS VN tan rã đang đến gần, rất gần.

 

IV) Sự Xuất Hiện Của Cao Trào Duy Dân Nhân Chủ:

Ông Gandhi mà người Ấn gọ là thánh đã đề ra chủ trương " Bất bạo động ", tẩy chay hàng hóa của Anh, thực ra không đem lại cái gì mới nhằm cứu vớt tuyệt đại đa số dân Ấn khốn khó, cùng đinh. Cái nhìn của ông Gandhi và người kế vị là Nehru về thế giới là rất sơ sài và phiếm diện.  Thuyết " Tam Dân " của  Tôn Dật Tiên cũng chỉ là một thứ hổ lốn, bình mới rượu cũ mà thôi. Ngay cả đối với dân chúng, kể cả trí thức tại nhiều quốc gia Âu châu, thì thế giới ngày mai ra sao, chẳng mấy ai quan tâm. Âu châu vào thời điểm giữa thế kỷ 20 vẫn là Âu châu cổ là vậy. Với Hoa Kỳ thì khác, họ biết một điều: Chỉ có tự do thương mại trên phạm vi toàn cầu thì thị trường kinh tế mới mở rộng ra, dân chủ mới có cơ hội phát triển khắp nơi, nền kinh tế Mỹ mới bớt các bất trắc. Khái niệm về một thế giới hài hòa hơn đã được đề cao dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson, nhưng nó vẫn còn mù mờ trong giới học giả Mỹ vào thời kỳ sau Thế chiến II.

 

Giới lãnh đạo Mỹ thì khác, họ thấy cần lợi dụng thời cơ để làm tan rã chủ nghĩa thực dân Âu châu, thống nhất Âu châu, rồi làm tan rã chủ nghĩa CS ở Liên Xô và Đông Âu, trước khi đẩy nước Hán đi vào chỗ tan rã.

Kế hoạch rộng lớn này chỉ có Hoa Kỳ mới làm được và Hoa Kỳ ở trong thế bắt buộc phải làm. Nếu không cả thế giới sẽ lâm nguy, như thế Hoa Kỳ cũng tiêu vong.

 

Nhưng lấy gì để Hoa Kỳ giải thích tính chính danh của mình ? Lấy gì để Hoa Kỳ biện minh cho những hành động đơn phương của mình trong việc ổn định thế giới và xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn cho nhân loại ?

Hoa Kỳ cũng có bế tắc về mặt chính danh này, dù  với sức mạnh vật chất (kinh tế, khoa học, kỹ thuật, v.v...), Hoa Kỳ dư sức làm việc ấy trong đường dài.

Âu châu thực dân chẳng thể làm việc giải thích tính chính danh ấy vì quá khứ thực dân của mình.

Do Thái chẳng thể làm việc ấy vì các mâu thuẫn tôn giáo, chủng tộc với thế giới Ả Rập

Ấn Độ chẳng có thể làm việc ấy.

Nước Hán chẳng thể làm việc ấy vì tham vọng bành trướng nằm trong máu của họ

 

Đất nước duy nhất có thể làm việc ấy là Việt Nam. Vì rất nhiều lý do như lịch sử, phong thủy, văn minh của VN theo đúng tiến trình chuyển dịch của trung tâm văn minh.

Trong nửa thế kỷ đấu tranh dành độc lập, chúng ta nhận thấy thật rõ là:

Dựa hoàn toàn vào ngoại bang là tự sát, nhưng không biết lợi dụng thế quốc tế là thất bại.

Các đảng theo chủ trương dân tộc không phải là một đáp ứng lâu dài, nhưng các đảng phái chủ trương dựa vào thế lực ngoại bang cũng không mang những kết quả tốt đẹp cho dân tộc vì các thế lực ngoại bang thì bấp bênh và các thế lực này luôn thay đổi sự yểm trợ cho chúng ta một khi quyền lợi của họ bị đụng chạm.

 

Như vậy, ta cần một học thuyết cho Việt Nam, rất Việt Nam mới được.

Khi Cụ Lý Đông A mới 16 tuổi, một lần, do sự sắp xếp của Quốc Dân Đảng VN, Cụ đã đến gặp Cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan nói gì với Cụ Lý thì thực ra, ít người được biết, ngoài câu nói để đời của Cụ Phan là:

 

Dân Ta Chẳng Duy Vật, Dân Ta Chẳng Duy Tâm, Dân Ta Chỉ Duy Dân.

Từ ngữ Duy Dân mà Cụ Phan nói tới ở đây là thể hiện đúng truyền thống văn hóa dân tộc VN từ ngàn xưa để lại và cũng mang tính trực quan nữa. Ý Cụ Phan muối nói:

 

Hãy lấy dân làm gốc, làm gì cũng phải lấy việc phục vụ dân tộc làm đầu!

Không đầy 10 năm sau, kể từ khi gặp Cụ Phan ở Huế, Cụ Lý nhìn thấy thấy rất rõ các vấn nạn của dân tộc và toàn cầu một cách toàn diện trong chiều sâu thẳm nhất của lịch sử nhân loại đến hàng nhiều trăm năm.

 

Cụ Lý đã nói:

Năm Trăm Năm Nữa Gió Đông Phong

Chớ Bảo Rằng Ta Hàng Trăm Tuổi

 

Từ đó Cụ đưa ra những lời phát thệ cho những ai còn quan tâm tới dân tộc, tới nhân loại

 

Đó là:

Cứu vớt con người nói chung, khỏi các sai lầm quá khứ của lịch sử nhân loại.

Cứu vớt các dân tộc nhỏ yếu trong đó có cả Việt Nam đang bị đàn áp, linh lạc.

Hòa đồng với thiên nhiên (Bảo tồn môi trường thiên nhiên).

Từ trước tới nay, chưa một ai tiến hành việc thẩm định lịch sử nhân loại một cách toàn diện, rốt ráo, sâu thẳm rồi đưa ra được một học thuyết có khả năng thi hành trong thực tế, nhằm cứu vớt nhân loại ra khỏi các ràng buộc tiêu cực do lịch sử con người để lại, hầu thống nhất nhân loại lại để thiết lập một nền văn minh mới, thực sự nhân bản trên quy mô toàn cầu.

Như thế, giữa khái niệm Duy Dân mà Cụ Phan nói tới với Duy Nhân mà Cụ Lý đã phát triển thâm sâu và toàn diện là cả một bước tiến rất xa về phía trước với một trí tuệ rất cao siêu, đầy viễn kiến, nhìn thấu suốt về tương lai của loài người. Thực tế mà nói, Cụ Lý mới là nhà tương lai vĩ đại của cả nhân lọai vào thời kỳ đầy bất trắc này. Như thế, khi chủ trương cứu vớt loài người yếu, Cụ Lý hẳn nhiên đã thấy là:

Cuộc chiến đấu giữa cái Thiện và cái Ác trên qui mô toàn cầu cũng như trong phạm vi VN là con đường dài, đầy gian khổ. Sự giải tán đảng Duy Dân do Cụ Lý đưa ra sau biến cố đồi Nga Mi và Hoà Bình càng xác nhận tầm nhìn siêu việt ấy.


Điều quan trọng nhất ít ai biết là:

Học thuyết Duy Nhân đã đóng góp chủ yếu cho cho việc giải thích tính chính danh của Hoa Kỳ và cả Âu châu lẫn Nhật Bản trong việc bình định thế giới hôm nay, xóa nhòa mặc cảm tội lỗi do chủ nghĩa thực dân để lại. Đồng thời, nó tạo cơ hội để Hoa Kỳ tôn trọng một nước một nước VN Hải Ngọai đã âm thầm xây dựng trong suốt 60 năm qua để làm tiền đề cho việc xây dựng lại một VN tự do, ấm no, cường thịnh và độc lập thực sự sau khi chủ nghĩa CS hoàn toàn tan rã tại VN cũng như tại các nước CS còn sót lại.

 

V) Tình Hình Thế Giới Hiện Nay:

Thật sự nhầm lẫn khi nghĩ rằng: Hoa Kỳ đang sa lầy ở Iraq, Afghanistan và sẽ bỏ các nơi đó vào một lúc nào đó vào năm 2008 theo yêu cầu của đảng dân chủ hiện đang chiếm đa số tại quốc hội Mỹ. Cuộc chiến hiện nay cần được coi là cuộc chiến tối hậu cuối cùng trước khi nền văn minh mới của nhân loại được hình thành thật sự. Nó mới đi được 1/3 đoạn đường mà thôi. Hai phần ba đoạn đường còn lại tuy đầy cam go nhưng không phải là không giải quyết được.

Ta hãy thử nghĩ như thế này: Hoa Kỳ đâu có xa lạ gì với những thái độ và toan tính của Bắc Kinh trước nhiều vấn đề của thế giới. Hãy lấy kinh nghiệm Hoa Kỳ đối đầu với Nhật Bản làm thí dụ. Trước Thế Chiến II, Nhật Bản cũng đã trải qua một tình huống khá giống với Bắc Kinh bây giờ. Tức là cũng bán phá giá hàng hóa, cũng chiếm thuộc địa (Đại Hàn và Đài Loan) nhằm khai thác tài nguyên và bảo đảm về an ninh, cũng thiếu dầu hỏa vốn là vấn đề sinh tử đối với bất cứ quốc gia kỹ nghệ nào, rồi cũng liên kết với Đức, Ý mà lập thành phe Trục để tiến hành Thế Chiến II.

Giống như Nhật ngày xưa, Bắc Kinh hôm nay cũng điên cuồng kết hợp với Iran - Iraq (thời Saddam Hussein), Taliban, Al-Qaeda, các nhóm Hồi giáo quá khích khác và các nước độc tài, quân phiệt để hình thành một trận tuyến chống lại ý đồ của Hoa Kỳ và đồng minh là: Thiết lập một thế giới mới hài hoà, tốt đẹp, nhân bản hơn cho nhân loại.

Iraq trong thời gian qua đầy xáo trộn, Afghanistan trong thời gian tới sẽ gia tăng bất ổn, thực ra chỉ là hình thành các chuyện về Iran cũng như vì cần thời gian để các nhóm Shia và Sunni lộ rõ chân tướng của mình thế thôi. Khi Iran của nhóm giáo sĩ cực đoan bị xóa sổ thì Bắc Kinh sẽ có hành động như Hitler đã làm khi xua quân xâm lăng Liên Xô hồi Thế Chiến II hay không ? Hay Bắc Kinh sẽ xua quân ra khắp các mặt trận phía bắc và tây bắc nhắm vào các Cộng Hoà Hồi Giáo thuộc Liên Xô cũ, phía đông nhắm vào Đài Loan, phía tây nam nhắm vào Ấn Độ, phía nam nhắm vào Đông Dương ?


Ta nhận thấy:

Mua được thêm thời gian là việc sinh tử với BK.

Hoa Kỳ cũng chưa vội vã gì nhưng lúc nào cũng sẵn sàng cho biến cố lớn.

Bắc Kinh là anh khổng lồ với đôi chân bằng đất sét.

Chiến tranh là con đường duy nhất để giải quyết các bế tắc của thế giới hôm nay.

Như thế, Hoa Kỳ phải tiếp tục con đường đã vạch ra (con đường đã làm hao tốn nhiều sinh mạng, tiền của dân Mỹ trong suốt thế kỷ 20) để thực hiện việc thống nhất nhân loại trên phạm vi toàn cầu đúng như lời Cụ Lý đã tiên liệu trên 60 năm trước.

Trên điễn đàn Exodus mới đây xuất hiện một bài dịch và nhận định của ông Nguyễn Hùng với nhan đề: " Khi Cowboys không bắn thẳng  (When Cowboys don't shoot straight) " của tác giả William Engdahl. Mặc dù bài này mang hơi hám chủ hoà, nhưng hoàn toàn để lộ cho thấy Hoa Kỳ quyết tâm bình định thế giới, bất chấp mọi hiểm nguy, đúng như Cụ Lý đã tiên liệu. Các tài liệu trong bài viết này cũng cho thấy kế hoạch toàn diện gọi là " Conplan 8022 " được sọan thảo bởi ông Dick Cheney và Rumsfeld nhằm chuẩn bị cho quân lực Hoa Kỳ hoàn thành trách nhiệm này, mặc cho các phản đối từ phiá Nga, Bắc Kinh hay bất cứ quốc gia nào khác.


VI) Những Bài Học:

Qua những vị VN mà Cụ Lý đã âm thầm gởi đến Mỹ trên 60 năm trước, và qua các phong trào Đông Du lần thứ II (tức là sau biến cố 30-4-1975), nước Việt Hải Ngọai trên thực tế đã hình thành, bao gồm rất nhiều trí thức đích thực, am hiểu về thế giới. Qua sách vở của Cụ Lý cùng với sự đóng góp của nhiều trí thức VN sau này, chúng ta, hôm nay hiểu rất rõ về chiến lược toàn cầu, về hướng đi của nhân loại sắp tới.

Tuy nhiên, Chúng ta học được gì nơi thế giới cũng như trong hoàn cảnh của VN trong suốt một thế kỷ đấu tranh chống ngọai xâm ?

Xin thưa! Chúng ta học được một số bài học căn bản sau đây:

1) Chúng ta chưa thích nghi được với một đất nước VN mà bờ cõi đã mở rộng từ biên giới phía Bắc tới mũi Cà Mâu. Nơi hẹp nhất chỉ có 40 km chiều ngang. Trung tâm quyền lực từ từ di chuyển về phiá Nam nên sỹ phu miền Bắc không có cơ hội nhiều để đóng góp công sức vào việc điều hành đất nước. Cả ba miền đất nước tuy bằng mặt nhưng chưa thực sự bằng lòng vì các âm mưu thâm độc của kẻ thù trong ngắn hạn hay lâu dài trong các cuộc tranh chấp quốc tế đã và đang khởi diễn. Việc trung tâm quyền lực di chuyển xuống Nam thực ra không làm cho miền Bắc mất đi vị trí chiến lược mà về mặt phong thủy vẫn còn khả năng trấn áp cả vùng Hoa Nam. Nên bất cứ tổ chức nào cũng phải nhìn thấy vị trí quan trọng của miền Bắc cũng như của các sĩ phu Bắc Hà. Mất miền Bắc, thì nửa phần đất còn lại ở miền Nam sẽ rơi vào tay Hán tộc trong một ngày không xa.

2) Các triều đại VN trong hơn 2 thế kỷ qua, dù nhiều hay ít đều lộ cho thấy, vua nhà Nguyễn Quang Trung hay Nguyễn Gia Long tuy chiến thắng trong chiến tranh nhưng thực ra thất bại trong hoà bình.

3) Chúng ta đang ở trong một cuộc tranh đấu cách mạng đối với đảng CS VN (mà đảng CS VN đang là công cụ phục vụ cho chủ nghĩa bành trướng Hán tộc), nhưng đồng thời, chúng ta cũng đang trong giai đọan tranh thủ, thuyết phục đồng bào về một chiều hướng mới phù hợp với hướng đi của nhân loại cũng như với thực trạng của đất nước đang bị tàn phá tan hoang về mọi mặt do đảng CS VN đã và đang gây ra cho dân tộc. Như thế, trong khi đấu tranh cách mạng theo cách của mình (mà số người tham gia trực tiếp không nhiều), chúng ta dứt khoát cần chuẩn bị mọi thứ để bảo đảm rằng:

Chúng ta – dân tộc VN – sẽ chiến thắng trong chiến tranh và chiến thắng vẻ vang trong hoà bình.

Lúc này, chúng ta không thể lầm lẫn trong hai mục tiêu vô cùng quan trọng này được.

 

VII) Kết:

Lịch sử VN và nhân loại đã chứng minh: Không có một chế độ nào, đi ngược lại đạo lý và nhân phẩm con người, phi dân tộc, làm tay sai cho ngọai bang (Hán tộc), bán dân, bán nước, dựa trên bạo lực để sinh tồn, coi đàn áp dân chúng là chính, lại có thể tồn tại mãi được. Cho nên, ngày tàn của đảng CS VN đã gần kề.

Sau khi chế độ CS tại VN sụp đổ, chúng ta có rất nhiều chuyện phải làm. Một trong những chuyện quan trọng cần phải thực hiện cho bằng được để đưa đất nước VN đang tụt hậu, tan nát về tinh thần lẫn vật chất, sớm vươn lên nhanh chóng, bắt kịp sự phát triển với các nước tiên tiến trong vùng và thế giới để hoà mình với sự phát triển ngày càng nhân bản của nhân loại, đó là việc:

 

Ổn định tình hình chính trị!

Muốn vậy, ta cần thống nhất về mặt nhận thức, lấy học thuyết Nhân Chủ (trong đó, ta phải đặt tất cả hạnh phúc của dân tộc là ưu tiên hàng đầu, trên mọi quyền lợi đảng phái, địa phương, tôn giáo, v.v…) của Cụ Lý làm kim chỉ nam cho các hoạt động của mình, dù trong bất cứ cương vị nào trong hiện tại và trong tương lai. Đồng thời, chúng ta cần sẵn sàng đáp ứng ngay với chiều hướng mới của xã hội nhân lọai trong việc điều hành đất nước. Tức là: Trong hệ thống chính trị VN sắp tới, chỉ có 2 liên minh chính trị cốt lõi mà thôi (theo đúng chiều hướng lãnh đạo chính trị đã được chứng minh là có hiệu qủa nhất tại các nước phát triển ổn định trên thế giới và cũng đúng theo tinh thần Dịch Lý Âm - Dương của Bách Việt). Đó là:

Liên Minh Dân Chủ Tự Do, bao gồm tuyệt đại đa số những người chủ trương tự do, trong đó, con người có quyền phát triển về mọi mặt theo khả năng của mình, trong phạm vi luật pháp.

Liên Minh Dân Chủ Xã Hội, bao gồm những ai còn mang nặng tinh thần xã hội, muốn tranh đấu cho những người kém may mắn hơn trong xã hội.

Cả hai liên minh này sẽ phải ra sức thuyết phục đồng bào thông qua các chủ trương, đường lối cụ thể của mình.

Xã hội con người cũng như chính trị phải có những lực cân bằng để giải tỏa những bất đồng chính kiến, để tránh tình trạng độc tôn, thái quá hầu tạo sự ổn định lâu dài, nhất là tránh để giới lãnh đạo cầm quyền trở thành độc tài. Do vậy, hai liên minh chính trị chính yếu này sẽ thay nhau điều hành đất nước, cùng nhau hợp tác, cũng như kiểm soát lẫn nhau sao cho hài hoà để đưa đất nước, dân tộc VN phát triển trong trật tự, ấm no, hạnh phúc, phú cường và thực sự độc lập.


     Lê  Văn  Xương


Người Quốc Gia là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.


No comments:

Post a Comment