2012/03/17

Dân chủ vẫn thắng



Dân chủ vẫn thắng

Lê Mạnh Hùng

Cuối tuần qua chúng ta có thể thấy một loạt những bằng chứng về dân chủ giả hiệu. Tại Nga, ông Vladimir Putin đã được quay trở lại điện Kremlin với tư cách tổng thống sau một chiến thắng ngay trong hiệp đầu của cuộc bầu cử tổng thống. Tại Iran, chính quyền mở cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ cuộc bầu cử tổng thống gian lận năm 2000 và việc đàn áp tàn bạo những người chống đối. Và tại Trung Quốc, Nhân Dân Đại Biểu Toàn Quốc Đại Hội, quốc hội của Trung Quốc họp phiên họp thường niên tại Bắc Kinh. Đây là một sự trùng hợp, nhưng không phải là ngẩu nhiên rằng ba quốc gia này cũng là những nước bảo vệ mạnh nhất chính quyền tàn bạo tại Syria.

Hình ảnh của những chuyện xảy ra tại Nga, Iran và Trung Quốc chắc hẳn phải làm cho những ai tin rằng đang có một làn sóng không thể cưỡng được đòi dân chủ đang xảy ra suy ngẫm. Nhưng điều nghịch lý là những chuyện xảy tại Nga, Iran và Trung Quốc cũng cho ta một cảm giác khuyến khích rằng dân chủ cuối cùng thế nào cũng thắng. Bởi vì tuy rằng những nhà độc tài lên tiếng chê trách những khuyết điểm và giả đạo đức của chế độ dân chủ phương Tây, họ vẫn cảm thấy phải bắt chước dù rằng là ngoài mặt.

Người Nga thì nhấn mạnh một cách rất là không cười rằng họ đã làm đủ mọi chuyện trong quyền hạn của họ để chống lại việc gian lận bầu cử. Chính quyền Iran thì khoe khoang rằng dân chúng của họ hăng say đi bầu. Và ngay cả tại Trung Quốc, nơi mà chính quyền không dám tổ chức một cuộc bầu cử thẳng thắn (dù rằng kiểu như tại Iran), các bài diễn văn tại quốc hội cũng thường xuyên nhắc đến "bản chất dân chủ" của chế độ Trung Quốc.

Nhu cầu của các nhà độc tài khoác cái vỏ dân chủ chứng tỏ một sự thán phục không nói ra đối với các quốc gia có chế độ dân chủ. Điều đó vào lúc này rất quan trọng vì các nước dân chủ phương Tây hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin. Và cuộc khủng hoảng này đang được theo dõi một cách khắt khe tại các quốc gia chuyên chế.

Nhiều nhà báo Tây phương tại Trung Quốc đã ngạc nhiên khi thấy sự quan tâm của giới trí thức tại đây đối với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại châu Âu. Một giáo sư đại học Trung Quốc, một người tranh đấu mạnh mẽ cho việc cải tổ dân chủ tại đây, nói với ký giả Gideon Rachman của nhật báoFinancial Times rằng bà đã phải đối phó nhiều lần với lý luận rằng cuộc khủng hoảng tại châu Âu chứng tỏ những khuyết tật bẩm sinh của chế độ dân chủ. Những người chủ trương lý luận này nói rằng các nhà chính trị châu Âu đã mua chuộc các cử tri với những hứa hẹn về phúc lợi xã hội mà nền kinh tế không thể chịu được. Bây giờ, đứng trước hậu quả của những hứa hẹn này - cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay – họ đã không thể làm những cải cách cần thiết. Và ông Rachman được hỏi, phải trả lời thế nào cho lý luận này khi một người muốn biện luận cho dân chủ tại Trung Quốc?

Phải thú thực rằng những chỉ trích đó cũng có một phần nào sự thật. Chế độ dân chủ quả dụ dỗ các nhà chính trị đưa ra những lời hứa không thực hiện được – và ngăn chặn họ làm những cải cách khó khăn. Tại Hy Lạp và Ý, những đại biểu dân cử đã có những thành quả tồi tệ trong cuộc khủng hoảng kinh tế đến nỗi họ phải bị tạm thời thay thế bởi những chuyên viên không do dân bầu.

Những thất vọng phổ biến với tiến trình dân chủ cũng diễn ra tại Hoa Kỳ nơi mà các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự kính trọng và ủng hộ của dân chúng đối với các nhà chính trị đã xuống đến những mức thấp kỷ lục. Mùa hè năm ngoái, cảnh tượng tranh chấp trong Quốc Hội Mỹ gay gắt đến nỗi chút nữa đưa nước Mỹ tới chỗ quịt nợ quả thật làm cho người ta nản lòng. Và hiện không có bao nhiêu dấu hiệu rằng các nhà chính trị Mỹ có được ý chí kiên quyết đủ để đưa ra những biện pháp giải quyết vấn đề nợ quốc gia càng ngày càng gia tăng. Đó là vì các nhà chính trị đều biết rằng họ sẽ bị cử tri trừng phạt năng nề nếu họ lấy những biện pháp cần thiết.

Quả thật là chế độ dân chủ có những khuyết tật của nó: ảnh hưởng quá mức của những người "lobbyist", khuynh hướng đưa ra những hứa hẹn quá mức và khuynh hướng né tránh những cải cách khó khăn. Nhưng như các cuộc cách mạng tại Ai Cập và Tunisia cho ta thấy, các chế độ chuyên chế cũng có những khuyết tật bẩm sinh còn nghiêm trọng hơn: tham nhũng, bất công, công an lộng quyền, tra tấn và phủ nhận quyền của con người. Và những xã hội Arab mà vừa mới nổi dậy cũng không hẳn cho ta thấy tính ưu việt của quản lý kinh tế dưới chế độ chuyên chế.

Mùa xuân Arab đả làm rung chuyển những cột trụ kiên cố nhất của chuyên chế. Iran, vốn là nước láng giềng có đủ lý do để e sợ việc xuất hiện một phong trào chống đối của riêng mình. Chiến thắng của ông Putin đã bị làm ô uế bởi những cuộc phản đối và nhất là những lời và hành động chế diễu mà ông phải chịu từ tháng chạp năm ngoái, khi những người chống đối ông xuống đường tại Moscow.

Ngay cà chính quyền Trung Quốc, được củng cố bởi những thành quả kinh tế cũng lo ngại một cách hiển nhiên. Việc đàn áp những ngưòi bất đồng chính quyến đã gia tăng kể từ đầu năm ngoái. Và một số đáng kể những người Hoa tin rằng "nơi này có thể nổ tung ra bất cứ lúc nào".

Những lý do bất ổn của Trung Quốc thì rất nhiều và đa dạng. Chúng bao gồm những căm phẫn về tình trạng tham nhũng, tranh chấp đất đai, bất công kinh tế và hủy hoại môi sinh. Nhưng về gốc rễ, vấn đề vẫn là, không có một chế độ dân chủ, Trung Quốc không có một lối ra nào an toàn để giải tỏa những bất mãn.

Khi những người dân thường Ai Cập tiến chiếm quảng trường Tahrir thì đó là lúc bắt đầu chấm dứt của chế độ Mubarak tại Ai Cập. Những cuộc biểu tình tương tự tại Bắc Kinh có thể tạo ra những đe dọa tương tự đối với chế độ Cộng Sản tại Trung Quốc. Đó là lý do tại sao mọi phản đối dù nhỏ cũng bị đè bẹp ngay lập tức. Trong khi đó, khi những người phản đối chiếm cứ Wall Street tại Mỹ, họ thu được rất nhiều chú ý nhưng không ai nghĩ là chế độ dân chủ của Hoa Kỳ bị đe dọa cả.

Ngay cả tại Hy Lạp, những người biểu tình cũng đòi hỏi những nhà chính trị và những chính sách mới chứ không đòi phải bỏ chế độ dân chủ. Ngược lại dù thành công đến mấy về kinh tế, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không thể làm thay đổi cảm nghĩ cả bên trong Trung Quốc lẫn bên ngoài rằng chế độ chính trị này cuối cùng cũng phải thay đổi. Khả năng của Trung Quốc mang lại tăng trưởng kinh tế đã tạo ra nhiều kích thích cũng như ganh tỵ tại các nước khác, nhưng khó có thể nghĩ ra được một nước nào mà người dân muốn áp dụng chế độ chính trị của Trung Quốc cả.

Thành ra dù có mang công mắc nợ đến thế nào chăng nữa, các chế độ dân chủ vẫn chiến thắng trong cuộc đua sắc đẹp chính trị.

Lê Mạnh Hùng

No comments:

Post a Comment