2012/03/21

Đôi điều với Liên Thành về "Biến Động Miền Trung”

    Đôi điều với Liên Thành về
       "Biến Động Miền Trung"
       
                                                        (Quan Điểm của Trần Kiếm Đoàn)
 
 
Sau hơn 30 năm ra nước ngoài im hơi lặng tiếng, gần đây ông Liên Thành (xin viết tắt là LT), cựu thiếu tá trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên Huế, viết hồi ký nói lên những gì ông biết về tình hình chiến tranh, chính trị và xã hội tại Miền Trung Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1963 đến 1975.
Được tin LT sẽ ra mắt sách tại Sacramento, thành phố thủ phủ tiểu bang California vào đầu tháng 11 năm 2009. Đang là một cư dân tại thành phố nầy, tôi xin gởi lời chào LT, một đồng hương xứ Huế và cũng người đồng trang lứa với tôi. Trước cùng lớn lên và đã sống hơn nửa đời trong khung trời Huế và nay trong cảnh "tha hương ngộ cố tri!"
Tập sách "Biến Động Miền Trung" (viết tắt BĐMT) và những bài viết của LT về một số nhân vật thành danh xứ Huế đã tạo nhiều dư luận xôn xao trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Xôn xao, bởi vì về mặt tâm lý, khát vọng lý giải hậu quả bi thảm của cuộc chiến Việt Nam đã trở thành một nỗi ám ảnh thường trực và chung thân đối với tập thể người Việt tỵ nạn ở nước ngoài. Sự phân định, xác quyết, chỉ danh điểm mặt hai tuyến nhân vật thiện–ác, chánh–tà trong cuộc tương tranh ba mươi năm đầy máu lệ là một nhu cầu tình cảm, tâm lý và tri thức của cả một thế hệ đang lần bước đến tuổi già, đang từng tháng, từng ngày thay phiên nhau về đất.
Trong một tiến trình truy tìm bằng chứng, phân tích, lý giải để tìm câu trả lời cho một vấn đề, nếu chỉ đứng về mặt phương pháp luận thì Đông – Tây rất khác nhau.
Người phương Tây thiên về lý, phương Đông ta thiên về tình; phương Tây thường lý luận và chứng minh bằng dữ kiện khách quan độc lập, phương Đông ta thường suy diễn bằng cảm nhận và kinh nghiệm chủ quan tập thể. Xác định điều nầy để nói lên sự dè dặt và cẩn trọng cần thiết về tính khả tín – mức độ đáng tin cậy – khi đọc và tìm hiểu một bản tin thời sự hay một tác phẩm liên quan đến tình hình thời cuộc như LT và BĐMT.
Qua những điều LT đã viết và đã nói trên đài phát thanh, trong các buổi hội luận thì chi tiết nầy kia có chỗ khác nhau, nhưng nội dung và chủ đích chỉ có 3 điều nổi rõ hơn cả:
Thứ nhất, LT đã cố gắng tạo ra một bối cảnh xuất thân đầy sôi động về vai trò và quyền lực cá nhân trong vị thế trưởng ty cảnh sát Thừa Thiên Huế quá nhỏ bé và giới hạn của bản thân mình trong bối cảnh chung của toàn đất nước bằng một thế giới thiên hình vạn trạng của lĩnh vực "tình báo". Đó là một thế giới của mê hồn trận mà trong lịch sử chiến tranh và chính trị kim cổ, cho đến nay, con người vẫn còn hoang mang trong vấn nạn nhiều hơn là giải đáp vì nó dày đặc huyền thoại nhiều hơn là dữ kiện.
Thứ hai, LT đã cố ý cột buộc và đồng hóa phong trào đấu tranh Phật giáo 1963 và các hoạt động của Phật giáo trở về sau đều là cộng sản. Theo ông, các nhà sư Phật giáo trong hàng giáo phẩm lãnh đạo phong trào là đảng viên cộng sản. Từ đó, LT suy luận và diễn giải rằng, các sinh hoạt Phật giáo có liên quan gián tiếp hay trực tiếp với một tình hình xã hội miền Nam thời chiến đầy biến động là do Cộng sản Việt Nam (CSVN) điều khiển, giật giây. Tự phong cho mình vai trò phán quan của một kiểu tòa án mặt trận thời chiến pha trộn với hình thức ngôn ngữ của các cuộc đấu tố, LT cho mình quyền tự do mạ lỵ không tiếc lời các đối tượng mà ông đã "phán" là cộng sản.
Thứ ba, LT đã tự mình, cùng lúc, đứng ra làm thủ lãnh, chứng nhân, nạn nhân, quần chúng… của một thế giới ma để ông tha hồ gắn lên môi, lên mép, lên nhân dáng tưởng tượng của những người đã nằm im trong lòng đất những lời nói, ý tưởng, động thái, chứng tích không thể kiểm chứng và không còn ai đối chất. Từ đó, LT đã đơn giản yên trí rằng, ông đã "đả thông tư tưởng", thuyết phục được độc giả và người nghe đứng về phía ông để cho đấy là "sử liệu sống" của thời nay.
Tìm hiểu phản ứng của một số người giới hạn có dùng internet và đọc sách báo tiếng Việt thuộc mọi thành phần xã hội, tôn giáo, có biết đến LT và BĐMT thì được biết thái độ của họ đã thể hiện trong nhiều cách thế khác nhau:
- Những người tin những điều ông nói là đúng sự thật và lên tiếng thì đứng khắp mọi phía bên nầy, bên kia; đằng nầy, đằng nọ nên kết luận phía nầy lắm lúc trở thành câu hỏi của phía khác.
- Những người cho LT là dối trá thì phản ứng lạnh nhạt. Họ cho rằng đây chẳng qua là một cuộc đánh trống khua chiêng của LT tự quảng cáo mình một cách dễ dãi phù hợp với bản chất cố hữu của ông từ trước tới nay với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhóm "Phù Ngô phục hận" đầy bản lĩnh đang đứng ở hậu trường (?!)
- Những người có quan tâm mà im lặng thường không phải là họ không biết, nhưng chỉ vì vấn đề và hoàn cảnh chẳng đáng quan tâm nên không đáng nói mà thôi. Trong giới hạn của một bài viết ngắn dưới hình thức "đôi điều góp ý", thay cho lời chào hỏi xã giao khách phương xa đến viếng vùng mình, người viết không có tham vọng và có lý do đứng ở một vị trí nào đó để làm công việc biện minh không cần thiết và phán xét chưa đủ căn cứ cho các nhân vật và hoàn cảnh đã được nêu lên trong BĐMT. Những nhân vật lịch sử và những ván bài thời cuộc xin trả về cho lịch sử sẽ phán xét công bằng và chung quyết. Đây chỉ là đôi lời dấy lên như một phản ứng "qua đường thấy việc bất bằng chẳng tha" mà thôi. Xin đi vào nội dung:
 
Điệp báo và nói láo:
 
Đó là nhan đề cuốn sách "Of Spies and Lies" của John F. Sullivan viết về mặt trận tình báo trong chiến tranh Việt Nam. Nội dung cuốn sách đã trực tiếp hay gián tiếp nhắc đến nhiều trường hợp các nhân sự Việt Nam trong giới thường dân, công chức, cảnh sát, quân đội… làm cộng tác viên, điểm chỉ viên với các đơn vị tình báo của Mỹ đã bị các đơn vị đặc nhiệm phản tình báo của CSVN đánh tráo tin tức. Sự đánh lừa trong nhiều trường hợp đã tạo ra những nguồn tin sai lạc nhằm gây mâu thuẫn, phân hóa, chia rẽ, hạ bệ và bôi đen phẩm cách của những nhân vật "bị" nổi tiếng mà xét ra không có lợi cho ý đồ lâu dài trong sách lược chiếm trọn miền Nam của họ. Giới tình báo hành chánh bị lừa ngồi trong công sở và bàn giấy chỉ việc rung đùi nghe báo cáo từ các cộng tác viên, yên chí lớn là đã "nắm vững tin tức tình báo" để phản ứng. Thái độ chấp nhận vấn đề – dối trá hóa thật – mà cứ mang ảo tưởng là nắm vững và giải quyết được vấn đề đã góp phần tạo nên những tai họa cho địa phương và cả miền Nam sau nầy.
Đọc phần nói về vai trò tình báo bao quát trong mọi lĩnh vực, thấu suốt mọi vấn đề, nắm vững mọi hoàn cảnh, thấy được mọi ngõ ngách bao gồm luôn cả ta, địch và đồng minh của LT trong BĐMT, người đọc có cảm tưởng như đang coi chuyện võ hiệp kỳ tình. Trong đó, chưởng môn LT ngồi trong trướng võ đàn mà thấy hết hoàn toàn thiên hạ sự. Vì vậy, có thể tạm gọi BĐMT là một tập "hồi ức tạp ghi"… nghĩ chi nói nấy của tác giả LT; còn rất xa mới đủ tính khả tín của chứng tích và sử liệu.\
Được biết LT lên tiếng là chỉ chấp nhận tranh luận "sự nghiệp tình báo" của ông với những người ở trong lĩnh vực tình báo mà thôi (?!). Riêng kẻ viết những dòng nầy chẳng thuộc nòi hỗ báo, tình báo gì cả; nhưng chưa hẳn là kẻ "ngoại đạo" trong lĩnh vực  nầy. Không biết nên chăng cần hé chút tâm sự riêng rằng, tôi đã từng dịch những hồ sơ "classified" cho Peter Downs, giám đốc cơ quan xã hội Tin Lành Việt Nam (VNCS: Vietnamese Christian Social Services) suốt mấy năm liền song song với nghề dạy học. Sau nầy mới biết ông ta là cục phó CIA đặc trách miền Trung. Vì chỉ "dịch nhi bất tác" nên sau 1975, tôi chỉ bị đuổi dạy, lái xe lam mà khỏi đi tù. Tôi có hai người anh ruột. Ông anh cả là chỉ huy trưởng lực lượng Biệt Kích Dù lần lượt ở các trại Biệt Kích trọng điểm như Thượng Đức, Khâm Đức và Khe Sanh, gắn liền số phận sinh tử với các tổ nhảy toán tình báo vào đất địch. Anh đã tử trận ở Khe Sanh năm 1967 – "Biệt Kích Dù vị quốc vong thân!" Ông anh thứ hai cũng ở trong lĩnh vực tình báo của quân lực Việt Nam Cộng hoà (VNCH), làm ở phòng an ninh Không đoàn 41. Thời gian làm việc với P. Downs và hoàn cảnh anh em chia sẻ, thông tin thường xuyên cho nhau đã giúp tôi học hỏi, làm quen và có được cái nhìn không ảo tưởng về một thế giới mà người khí tiết, kẻ gian tà, nhóm trung thành, phường phản bội biến hiện, quần thảo nhau như bóng với hình thường khó lòng phân biệt. Đó là thế giới tình báo hay nhân danh tình báo. Và, thêm vào đó, bản thân tôi cũng là chuyên viên điều tra tòa án (court investigator) về các hồ sơ tội phạm ngược đãi thanh thiếu niên thuộc chương trình CPS của chính phủ Hoa Kỳ trong suốt 18 năm công tác liên tục tại Sacramento.
Học hỏi và kinh ngiệm đã chỉ cho tôi biết rằng, đánh giá kết quả tình báo, điều tra là nhìn vào thành quả chứ không thể căn cứ vào hiện tượng chiến thuật và sách lược biểu hiện đầy vẻ "dung dăng, dung dẻ" biến hiện không lường trên bề mặt nổi. Kiểu cách dùng lời lẽ đại ngôn để vẽ hươu, vẽ vượn cốt làm hoa mắt thiên hạ về những điều vừa mâu thuẫn, vừa không thể nào chứng minh được là một lối diễn xuất phường tuồng, chẳng dính dáng gì đến tổ chức tình báo và tác dụng của tình báo đích thực cả.
Hoàn cảnh thực tế của Thừa Thiên Huế trong thời kỳ LT làm trưởng ty cảnh sát chỉ còn cái lõi thành phố là tương đối còn an ninh trong phập phồng lo sợ. Có thể nói đây là thời kỳ tệ hại nhất về mặt an ninh của xứ nầy. Chiều chiều, từng đoàn người dân quê trong độ tuổi lao động từ các vùng nông thôn phải đạp xe đạp lên thành phố ngủ trọ qua đêm. Bốn phía đều trở thành những vùng xôi đậu, ngày Quốc gia, đêm Việt cộng. Đi xe đạp rời khỏi cột cờ Phu Văn Lâu chừng 10 phút ra khỏi giới hạn An Hòa, Bao Vinh, Chợ Dinh, Dạ Lê, Thủy Xuân, Phường Đúc… sau chạng vạng tối là đã nơm nớp lo sợ du kích cộng sản bắt cóc hay bắn sẻ bất cứ lúc nào.
Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, 1968 của CSVN trên toàn miền Nam thì Huế bị rơi vào tình trạng thê thảm nhất. Trên 5000 người dân vô tội bị thảm sát. Theo các nguồn thông tin đáng tin cậy thì thủ phạm điểm chỉ bắt người và giết người là những giao liên du kích cộng sản nội thành mà phần đông trước đó, đã quen đường thuộc lối, lên núi và về đồng bằng; vào thành phố Huế dễ dàng như đi chợ. Nếu LT có một mạng lưới tình báo "cái gì cũng biết" như ông nói thì thực tế đau thương của Huế tự nó đã phản bác nghiêm khắc lời tự phong vu vơ, hoàn toàn thiếu căn cứ của ông. Theo tác giả chuyên nghiệp tình báo về cuộc chiến Việt Nam, James J. Wirtz, viết trong sách "Tổng công kích Tết: Sự thất bại của tình báo trong chiến tranh" (The Tet Offensive: Intelligence Failure in War) thì tình báo Mỹ đã biết trước cuộc tổng công kích nầy từ tháng 11 năm 1967, nhưng chưa xác định được ngày giờ đích xác. Sự thất bại của tình báo Mỹ bắt nguồn từ sự thất bại của tình báo Việt Nam, mặc dầu đã biết trước sự cố từ hơn 3 tháng trước.
Sự đại ngôn thái quá của LT trong lĩnh vực tình báo đã gây tác dụng ngược cho các chi tiết về những nhân vật và hoàn cảnh mà ông đã đưa ra với dụng ý chứng minh, phân loại và phê phán theo quan điểm tố cộng cực đoan và bất nhất riêng của mình. Mức độ đáng tin cậy về tính chất thiện, ác; chánh, tà của người và việc trong BĐMT cũng theo sự thổi phồng sai sự thật đó mà rơi xuống mức độ thấp nhất, hay trong nhiều trường hợp  đã bị hiểu ngược lại. Chào mừng LT đến Sacramento, tôi chỉ muốn nhắc với người anh em đồng hương, đồng tuổi, thuộc dòng dõi quý tộc triều Nguyễn rằng, bản chất của tình báo là sự thông minh (intelligence) chứ chẳng phải là ngược lại.
 
Trả lời và câu hỏi:
 
Như đã xác định theo tiêu đề của bài viết, đây chỉ là đôi điều góp ý ngắn gọn. Muốn phân tích và chia sẻ cho thấu tình đạt lý về vấn đề BĐMT với LT thì ít nhất cũng cần vài ba trăm trang như có người đã viết, vì nó liên quan đến quá nhiều nhân vật, nhiều sự cố đã thành cố sự. Do đó, tôi chỉ đi thẳng vào trọng tâm của vài ba vấn đề tiêu biểu.
Trước hết là vấn đề Phật giáo với cộng sản. Phật giáo Việt Nam (PGVN) – nói chung chứ không phải là giáo hội PGVN thân chính quyền đang hiện diện trong nước – cơ bản theo tinh thần Đại Thừa. Đạo Phật đi vào cuộc đời hiện thực nên có sự tương tác tùy duyên giữa đạo và đời; đời và đạo. Tinh thần nhập thế của đạo Phật Việt Nam đã được thể hiện hài hòa từ thời Lý Trần. Vua Trần Nhân Tông là một thiền sư. Nhưng khi cần, vua cũng cầm quân ra trận đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên. Khi thanh bình trở lại, vua treo kiếm, coi chuyện công danh như đôi dép bỏ, lên Trúc Lâm Yên Tử tu hành giác ngộ. Đạo Phật Việt Nam uyển chuyển như một dòng sông; đi song song với dòng lịch sử dân tộc nên phải chảy qua những chặng đường quanh co, khúc khuỷu theo vận nước thăng trầm. Nhìn đạo Phật mà chỉ nhìn vào một giai đoạn, một bộ phái, một tổ chức hay một phong trào riêng lẻ nằm trong toàn thể sinh hoạt Phật giáo, rồi vội vàng kết luận đạo Phật như thế này, như thế kia… là nhìn biển qua sóng, nhìn sông qua bèo; nên có nhìn mà không thấy!
Khi Việt Minh (tiền thân CSVN) dấy lên phong trào toàn quốc chống Pháp vào mùa Thu năm 1945, những người Việt Nam yêu nước không phân biệt khuynh hướng, thành phần, giai cấp xã hội đều lên đường tham gia kháng chiến. Lịch sử còn ghi lại những hình ảnh cảm động của xóm đạo Tha La. Tuy đạo Thiên Chúa chịu nhiều ân nghĩa với Pháp, nhưng năm 1946, thanh niên xứ đạo Tha La bỏ ruộng vườn, xóm đạo lại đằng sau; Linh mục Nguyễn Bá Kính cũng cởi áo lên đường cứu nước. PGVN với lịch sử gắn liền với vận nước nên nhiều nhà sư từ Bắc chí Nam cũng đã tham gia những phong trào cứu quốc nên đã bị Pháp gọi là "Giặc Thầy Chùa"!
Sau thời kỳ Việt Minh trở thành CSVN thì sự hệ lụy giữa tôn giáo và chính trị kéo dài khi nổi, khi chìm; nhưng chưa bao giờ đạo Phật quay lưng với đất nước và dân tộc.
Trong BĐMT, LT đã nhìn thấy cộng sản khắp nơi. Điều nầy đúng. Khắp miền Nam, từ phủ tổng thống đến các nha, sở, bộ; trường học, chùa chiền, tu viện; thậm chí tư thất, tư dinh đều có cộng sản len lỏi vào. LT chọn bối cảnh cho "biến động miền Trung" bằng cách cắt một mảnh cuối cùng trong cuộc chiến Việt Nam từ 1963 đến 1975. Nghĩa là từ khi có phong trào tranh đấu Phật giáo và Ngô triều bị sụp đổ cho đến khi CSVN chiếm hết miền Nam.
Nội dung và chủ đích chính của LT và cái "Think Tank" (bồn trí tuệ) sau lưng ông là trang hoàng, sơn phết, làm đầy cho một cái khung định kiến đã đúc sẵn. Cái khung khép lại chỉ đơn giản như thế nầy:
 
Phật giáo + Cộng sản = Đảo chánh nhà Ngô + Mất miền Nam.
 
 
                                                                                           
               
(Cảnh biểu tình của Phật Giáo Đồ chống chế độ Ngô Đình Diệm kỳ thị Phật Giáo)
          Đó là… cứu cánh của cách đặt vấn đề trong BĐMT. Mọi phương tiện dầu đúng, dầu sai, dầu hay, dầu dở đều là phương kế khả thi nếu nó phục vụ cho cứu cánh đã đặt định. Điều khó hiểu nhất đối với một người đọc trung bình là có chăng trăm nghìn sự kiện mâu thuẫn và cách hành xử nghịch lý như những điều LT đã diễn tả trong BĐMT đã thực sự diễn ra tại miền Nam? Những thắc mắc chính đáng của độc giả đã thể hiện qua
  
                                                                                                                        
 
                                                                                                        HY Spellman                                   Ngô Đình Diệm hôn tay HY Spellman
 
 
những câu hỏi cụ thể, đại khái như: Tại sao một trưởng ty cảnh sát nhỏ bé như LT lại có quyền lực khắp nơi, khắp chốn như vậy? Tại sao một nhân viên cấp tỉnh như LT lại có uy quyền trên cả hàng tổng, bộ trưởng? Tại sao một hệ thống quân giai có kỷ cương như quân lực VNCH lại để cho một viên thiếu tá địa phương như LT có quyền hành xử tùy tiện và bất chấp như thế? Chỉ có một trong hai bên đúng: Hoặc là giới lãnh đạo quân đội và dân sự miền Nam hoàn toàn vắng bóng; hoặc là LT nói sai sự thật. Nói cường điệu quá đà toàn những chuyện không thật thì người Huế gọi đó là nói "phách tấu !" Mà lẽ nào người Hoàng phái như LT lại đi nói điều phách tấu?!
Có thể nói những tiết mục hấp dẫn nhất trong BĐMT là những màn "tình báo nổi". Trong kỹ thuật tình báo kinh điển có nói đến phần nhận diện nhân dáng và quan sát tang vật hiện trường như một nghệ thuật "warm up" (hâm nóng) ban đầu để đo lường phản ứng của nhân vật; chuẩn bị tinh thần cho một tiến trình tra vấn tiếp theo. Nhưng không biết LT đã tốt nghiệp ở trường tình báo nào mà thường khi lẫn lộn giữa kỹ thuật nhận diện với tiểu xảo coi tướng của các ông thầy bói xem giò gà xứ Huế theo kiểu xếp bộ "mắt trắng môi thâm", "tai dơi mặt chuột"… để sơ kết bản chất của những nhân vật mà ông sắp sửa kết án (nhưng chưa chắc đã thấy bao giờ). Cũng theo nguyên tắc tình báo quốc tế thì sự lẫn lộn giữa định kiến, cảm tính và lý tính sẽ "nullification" (vô hiệu) kết quả điều tra.
Trong số nhiều khuôn mặt được ông đưa ra tố cộng trong BĐMT, có hai nhân vật Phật giáo được LT chiếu cố tận tình nhất là thầy Trí Quang và thầy Đôn Hậu. Gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng nhân vật Thích Trí Quang vẫn còn là một đối tượng tham khảo và phân tích của các học viện chính trị, nhân chủng và xã hội quốc tế, nhất là ở Mỹ. Mọi sự suy diễn đơn giản và phiến diện về nhân vật nầy là một trường hợp "nullification" dữ kiện đáng tiếc mà tôi đã có dịp nói ở trên.
Gần 30 năm trước, lúc mới chân ướt chân ráo đến Mỹ thì tôi đã đọc một bài viết xuất phát từ vùng Tiểu Sài Gòn nói rằng, thầy Trí Quang là trung tá Việt cộng. Ngày CSVN chiếm Sài Gòn, thầy mang lon đội mũ trung tá cầm cờ chạy rông ngoài đường phố hoan hô quân miền Bắc. Tin tức kiểu tiếu lâm AVT đó, nay mới nghe lại LT lập lại trong BĐMT! Không có gì thú vị và "xả hơi" hơn khi đọc về nhân vật Thích Trí Quang qua màn tình báo LT. Nguồn tin tình báo LT cho rằng, thầy Trí Quang là đảng viên cộng sản. Rằng, thầy là cộng sản gộc, nhận chỉ thị trung ương Đảng đứng ra sách động phong trào đấu tranh Phật giáo. Đi xa hơn nữa, LT còn viết là thầy Trí Quang có người yêu già nhân ngãi non vợ chồng là một cô bé làm thị giả 13 tuổi. Có lý nào LT là cháu của danh tăng Thích Tịnh Khiết lại hiểu tổ chức Phật giáo Huế có tiếng về giới luật khắt khe, nghiêm ngặt một cách quá nông nổi và sai lạc đến như thế. Trong tổ chức Phật giáo làm sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng "thị giả" nữ 13 tuổi bên cạnh một thượng tọa là thế nào? Chưa hết, LT còn kể là ông đã cãi lệnh tướng tư lệnh cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan, vào lục soát phòng riêng của thầy Trí Quang và tìm thấy một bằng chứng hùng hồn cho sự nghiệp tình báo của ông là một cái xì líp đàn bà. Tưởng tượng vượt quá giới hạn đạo lý sẽ trở thành vô luân.
Thầy Trí Quang là một tu sĩ nổi bật trong cuộc đấu tranh Phật giáo 1963. Thầy được (hay bị?) báo chí Âu Mỹ và Việt Nam khai thác triệt để; hình thầy xuất hiện trên trang đầu của những tờ báo lớn như Time, FP với những lời bình luận nóng hổi. Đa số những bài viết đều có một điểm chung khá tương tự về khuynh hướng Dân Tộc của thấy Trí Quang: Không lệch theo con đường duy vật vô thần của khối Cộng sản; mà cũng chẳng nghiêng về con đường duy linh nhất thần của khối Tư bản. Thầy đứng giữa "hai lằn đạn". Bên tả cho thầy là CIA, bên hữu cho thầy là Cộng sản.
Biến động 1966 phát xuất từ nguồn gốc là người Mỹ đã chuyển hướng biến Miền Nam thành kho súng đạn sau khi xoa tay bức tử triều đại Ngô Đình. Mỹ không muốn mất thời gian tái tổ chức một xã hội miền Nam theo mẩu mã dân sự ổn định như Hoa Kỳ mà nóng lòng muốn dứt điểm cuộc chiến Việt Nam để ôm Trung Quốc bằng cách quân đội hóa toàn miền Nam. Mỹ là chuyên viên dựng lên những chính quyền quân sự ở các nước chậm tiến và bất ổn như một sự dằn mặt giới lãnh đạo đương quyền do Mỹ hỗ trợ rằng, hãy khôn hồn, đảo chánh và lật đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại sao một miền Nam đang đối đầu với một đối thủ có bộ máy chính trị quá chặt chẽ như miền Bắc mà đồng minh Hoa Kỳ lại áp dụng một sách lược "ăn xổi ở thì" như vậy? Những chính khách miền Nam chống cộng không nằm trong guồng máy hành chánh quân sự đều có chung mối quan ngại như thế.
Thầy Trí Quang và một số các nhà sư Phật giáo đã đứng lên đòi hỏi một hiến pháp và một sách lược mới thích hợp cho chính thể VNCH ổn định và có thực lực tại miền Nam trong thời điểm 1966 là đi ngược lại sách lược của Mỹ đang triển khai tại vùng châu Á Thái Bình Dương. Đồng thời, CSVN cũng thấy được nguy cơ của một miền Nam ổn định. Trong lúc đó, Kissinger đang đi đêm thương thuyết với Bắc Kinh và thuyết phục nội các Johnson bỏ rơi miền Nam. Vô hình trung, nhân vật Trí Quang trở thành đối đầu cùng lúc với cả Mỹ lẫn CSVN. Và khi Mỹ đã bật đèn xanh với túi đô la lè kè bên cạnh thì dẫu cho họ có muốn sông cạn núi mòn trong chớp mắt cũng chẳng có gì là khó. Đã có quá nhiều tài liệu công bố nói rằng, Mỹ đã cho nhân vật Trí Quang một trong ba sự chọn lựa là: Im lặng bó tay vào chùa dịch kinh niệm Phật, lưu vong sang Hoa Kỳ hay về thăm… cụ Diệm (?!)
Trong suốt 40 năm qua, thầy Trí Quang sống yên lặng trong chùa, "thủ khẩu như bình, thủ ý như thành". Tất cả về thầy Trí Quang sau 1975 mà tôi được biết là hai tác phẩm dịch thuật. Một là bản dịch kinh Kim Cương, 263 trang, do Mai Lan Lệ Ấn hải ngoại ấn hành năm 1987. Hai là bản dịch kinh Diệu Pháp Liên Hoa, 1162 trang, cùng nhà xuất bản năm 1996.
Nhân vật thứ hai được LT mang ra trình làng là thầy Đôn Hậu. Hành tung và sự nghiệp của thầy được LT mô tả trong BĐMT thảy đều là "Việt cộng toàn ròn". Rốt lại còn "dễ sợ" hơn là thầy Trí Quang!
Ông Đỗ Trung Hiếu, bí danh Mười Anh, người Quảng trị, đảng viên cộng sản thâm niên, được Đảng giao làm công tác Tôn giáo vận, một thời là kiến trúc sư Phật giáo Nhà nước đã khách quan nhận định rằng, thầy Đôn Hậu bị phe Cách mạng cưỡng ép đưa lên núi sau vụ Tết Mậu Thân ở Huế và đem ra Hà Nội trong thời gian chiến tranh, gán cho chức Ủy viên Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam; năm 1976 là đại biểu Quốc hội khóa 6 và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Nhưng một thời gian sau, để phản đối việc chính quyền cộng sản đàn áp Phật giáo ở miền Nam, thầy Đôn Hậu đã công khai bằng văn thư từ bỏ hết mọi danh vị và chức tước bị gán nói trên. Thầy cực lực chống đối việc thống nhất Phật giáo thành Phật Giáo Việt Nam (thường gọi là Phật giáo Nhà Nước hay Phật giáo Quốc doanh) để làm công cụ chính trị cho đảng Cộng sản. Thầy giữ vững lập trường này cho đến ngày viên tịch (23.4.92). Ý hướng của thầy đã biến thành hành động cụ thể. Cuối đời, thầy Đôn Hậu đã phó thác ấn tín lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (PGVNTN) lại cho thầy Huyền Quang.
          Trong truyền thống Phật giáo, truyền y bát cho nhân vật lãnh đạo kế thừa đồng nghĩa với sự phó thác tâm phúc nhất niềm tin và lý tưởng vào sự nghiệp hành đạo độ sanh của người kế vị. Với ý nghĩa đó, tưởng cũng nên khách quan tìm lại những nét tiêu biểu nhất về chí hướng của nhân vật thừa kế thầy Đôn Hậu trong PGVNTN. Trong cao trào kháng chiến chống Pháp năm 1945, như tôi đã lược trình ở trên, thầy Huyền Quang tham gia Phật Giáo Cứu Quốc Liên Khu 5 trong những ngày đầu của cao trào yêu nước chống ngoại xâm. Năm 1951, thầy bị Việt Minh lúc bấy giờ đã biến tướng thành CSVN bắt giam lỏng 4 năm vì phản kháng quyết định độc đoán biến Phật giáo thành hội đoàn của cộng sản. Năm 1963, thầy Huyền Quang là tổng thư ký của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, làm việc trực tiếp với Uỷ Ban Liên Bộ của chính phủ tổng thống Ngô Đình Diệm. Năm 1977, thầy Huyền Quang bị CSVN bắt biệt giam cùng với các thầy Thiện Minh và thầy Quảng Độ. Năm 1992, sau khi được sự phó thác của thầy Đôn Hậu trở thành người lãnh đạo kế nhiệm của PGVNTN, thầy Huyền Quang đã viết yêu sách 9 điểm, nêu lên những sai lầm của nhà cầm quyền và yêu cầu nhà nước CSVN phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Kết quả là thầy đã bị CSVN quản chế cho đến ngày viên tịch (5-7-2008). Ngoài ra, những tu sĩ Phật giáo ở vị thế lãnh đạo khác trong phong trào đấu tranh Phật giáo mà LT cho là do cộng sản dựng lên cũng đã bị CSVN ngược đãi, giam cầm như: Thầy Thiện Minh (chết bí mật năm 1978 sau thời gian bị giam cầm).    
Thầy Quảng Độ, thầy Đức Nhuận cũng bị tù tội triền miên.
           Một nhà văn nào đó đã kêu lên: "Trong cảnh tranh tối tranh sáng nầy, anh em nhìn rõ mặt nhau thật khó!" Nhìn rõ nhau đã khó, phán xét đúng càng khó hơn.
 
       Đôi điều với Liên Thành:
 
Sau 35 năm im lặng, khi LT lên tiếng để xác nhận sự hiện diện của mình nơi đất khách thì tiếng nói của ông cũng đã lạc hậu mất 30 năm! Những ngày đầu sau 1975, người dân miền Nam hầu hết đều ngỡ ngàng trước thực tế. Câu hỏi lớn nhất vẫn là tại sao quân lực VNCH với phương tiện thủy, lục, không quân còn nguyên vẹn lại phải bị bức tử bỏ cuộc?]
      
                                                            
 
                                                               Bác sĩ Erich Wulff Tiến sĩ Y khoa năm 1960. Ông làm giảng sư tại Đại học Y khoa  Huế từ năm
                                                              1961 đến 1967 và bắt đầu dấn thân chính trị để báo động thế giới về cuộc thảm sát đêm Phật đản
                                                               1963 tại đài Phát thanh Huế (từ trái-BS.Erich Wulff   và TT.Trí Quang,- TT.Trí Quang đón tiếp
                                                                                        BS Wulff tại chùa Từ Đàm Huế 1964 )
 
Khi ra nước ngoài, những thư viện lưu trữ tài liệu về chiến tranh Việt Nam phần lớn nghiêm túc và đáng tin cậy trong các trường đại học Mỹ mà tôi đã theo học và giảng dạy; kết hợp với phương tiện truyền thông đại chúng tại các nước tự do Âu Mỹ về Việt Nam phong phú đã giúp tôi tìm hiểu sự thật nên xin được bày tỏ sự bất đồng hoàn toàn với những điều mang tính "hồi ức" và suy diễn theo cảm tính bốc đồng của LT trong BĐMT. Sự kiện lịch sử đã nói lên quá rõ rằng, đồng minh Hoa Kỳ đã bỏ miền Nam vì quyền lợi của chính đất nước họ với đối tác mới Mỹ-Trung; cũng như trước đó, họ đã quyết định thay ngựa giữa dòng với chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm. Mỹ đã thực hiện rốt ráo nguyên tắc chi phối chính trị của họ trên toàn thế giới: Ai làm chủ túi tiền, người đó là vua. Chiến tranh và chính trị cũng chỉ là một hình thức "thương vụ" quốc tế. Có lời thì tiếp tục kinh doanh mà thua lỗ thì dẹp tiệm. Khi Mỹ đã quyết định thì họ đóng vai nguyên nhân, tất cả còn lại chỉ là nguyên cớ.
 
 
Trước khi phong trào tranh đấu Phật giáo phát khởi tại Huế thì Mỹ đã quyết định thay chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm vì tâm huyết sâu sắc, lòng yêu nước đậm cốt cách liêm khiết Nho phong và cách dùng người nhân hậu của Cụ đã bị nịnh thần và phản thần chuyên quyền lợi dụng. Nhất là ở miền Trung, tham vọng quyền lực và vật chất của thế lực gian thần ngày càng tác oai tác quái đã làm mờ đi chính nghĩa của cụ Ngô. Niềm tin khô cạn, nhân tâm lý tán. Thực trạng nầy làm chậm bước tiến chinh phục ảnh hưởng toàn vùng châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nên sự thay thế lãnh đạo là điều không tránh khỏi. Khi đèn xanh đèn đỏ của phú ông chi tiền đã chớp thì nếu không có phong trào Phật giáo nầy, cũng sẽ có vô số những phong trào tương tự khác, mang biển hiệu và màu sắc khác rộ lên.
Ngày 29-3-1973, cả miền Nam có bóng dáng ông sư bà vải nào lên tiếng đâu, thế mà Mỹ vẫn đơn phương hoàn toàn rút quân ra khỏi Việt Nam. Nguyên nhân ở tận Washington  DC và Bắc Kinh chứ không phải ở Huế, Sài Gòn hay nằm trong đống hồ sơ vụn vặt của một ông trưởng ty tỉnh lẻ như Liên Thành. Trâu bò đại khánh, ruồi muỗi đánh nhau. Thảm trạng của thân phận nhược tiểu xưa nay là thế. Hoặc vì không đầu tư học hỏi nghiêm túc, không chịu tham khảo tới nơi tới chốn; hoặc vì một động cơ khó hiểu hay dễ dãi nào khác đã khiến Liên Thành đang đứng ở ngã tư thế giới nhưng vẫn tưởng như còn đang đứng ở Ngã Ba Bánh Bèo xứ Huế "mô rứa răng ri, thích chi noái nấy" qua 400 trang của BĐMT! Vì không dụng công, LT đã nhìn Phật giáo qua nhãn quan một chiều, qua sự hiểu biết giới hạn và qua nhận thức đóng khung của một viên cảnh sát trưởng địa phương. LT đã mang định kiến xào trộn với mớ hồ sơ vi cảnh và cái gọi là "tình báo" đầy hoang tưởng để cột buộc Phật giáo với cộng sản.
Hồi ký của những nhân vật trùm cuộc chiến Việt Nam, có đủ kiến văn, dữ liệu và thẩm quyền để nói như McNamara (viết trong In Retrospect), Kissinger (trong Diplomacy), Rusk (trong As I saw It), Nolting (trong From Trust to Tragedy)… Hay gần gũi với thế giới người Việt hơn là các hồi ký của hơn 20 nhân vật người Việt đã từng ở vị thế lãnh đạo trong cuộc chiến và thời kỳ cận đại, từ cựu hoàng Bảo Đại (Con Rồng Việt Nam) viết về thời kỳ 1913-1987; đến tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, (Khi Đồng Minh Tháo Chạy) viết về giai đoạn Mỹ tham chiến ở Việt Nam cho đến năm 1975 là những tư liệu lịch sử và chính trị đáng tham khảo. Thế nhưng khi viết về những sự kiện có liên quan đến thời kỳ biến động trong cuộc chiến và phong trào Phật giáo thời 1963 vẫn còn nhiều dè dặt và giới hạn. Tác giả cũng như độc giả khi được phỏng vấn, đều có chung sự suy nghĩ rằng, những hình ảnh và chứng liệu cụ thể nặng tính dữ kiện và sử liệu khoa học vẫn còn chưa đủ tầm cỡ để nhận định và đánh giá chân xác, khách quan về bối cảnh và nhân vật liên quan đến những cuộc biến động miền Trung. Mớ tài liệu nhếch nhác chạy giặc mang theo, tầm hiểu biết hạn chế, vị trí nhỏ bé và hồi ức tuổi già của LT đã đưa ông đến chỗ can đảm một cách thảm hại không đúng thời, đúng chỗ, đúng đối tượng đã làm cho độc giả, ngay cả những chiến hữu một thời thân cận nhất của LT, thất vọng.
Đây chưa phải là bài điểm sách và cũng chẳng phải là bài phản hồi nghiêm túc tương xứng với vấn đề đặt ra mà chỉ là đôi điều góp ý. Cũng xuất thân là một người con trai đàn ông Huế như Liên Thành, điều góp ý gần gũi nhất là những gì liên quan đến quê hương xứ sở mình. Huế nghèo nhưng thanh bạch. Thanh bạch trong cách sống và trong lời nói. Người bốn phương yêu Huế vì cái phong cách Huế mà đặc biệt là sự tao nhã, tính văn hóa và dáng vẻ khiêm cung trong ngôn ngữ. Rất tiếc là LT rời Huế quá sớm nên không chứng kiến được sự dị ứng và trăn trở của Huế sau ngày miến Bắc thắng trận. Đó là khi một thiểu số thành phần xuất thân giữ trâu, giữ bò vô học trở thành người chiến thắng, có chút thế lực trong tay ngông nghênh dùng lời lẽ hạ cấp bất xứng với người thất thế. Những người này đã gọi là "thằng", là "hắn" là "lũ" là tên nầy tên nọ tuốt luốt như: "thằng Mỹ, thằng Ngụy…" với những người đáng tuổi cha ông của mình ở miền Nam bị liệt vào thành phần Mỹ, Ngụy; ngược lại thì cũng tương tự như những người mà LT liệt vào thành phần cộng sản trong BĐMT. Loại ngôn ngữ hằn học, thô lỗ, thiếu văn hóa đó đã bị không những Huế mà tất cả người miền Nam khinh bỉ và lên án. Dẫu có ngoan cố bào chữa cách nào cũng không ai chấp nhận nên cuối cùng họ phải bỏ đi. Tôi hơi ngỡ ngàng khi bắt gặp loại ngôn ngữ thô bạo này trong BĐMT mà LT đã dành cho bất cứ ai, kể cả thầy dạy học cũ của mình, các vị tu sĩ Phật giáo cao niên, những nhân vật lớn nhỏ mà ông đã quy kết là cộng sản, theo cộng, hay thân cộng. Xuất thân là một sĩ quan, một sinh viên đại học Huế, một người Hoàng phái danh gia tử đệ mà vô tình ông Liên Thành đã dẫm lên vết chân của những người thuộc thành phần thấp kém từ Bắc mới vô Nam năm 1975 thì quả là điều xót xa và đáng tiếc! Qua Mỹ đã hơn 30 năm và đã từng làm trong nghề an ninh trật tự xã hội, ông LT cũng hiểu ít nhiều về nguyên tắc luật lệ và trật tự của một xã hội có văn hóa và văn minh: Dẫu là người phạm tội rành rành nhưng chưa có phán quyết của tòa án thì vẫn còn là nghi can. Nhưng cho dẫu là tội phạm chăng nữa thì cũng phải đối xử công bằng và nhân bản. Lẽ nào LT không biết hay quên?!
Được hân hạnh đón LT về thăm vùng đất tỵ nạn của mình đã sống trong hơn hai chục năm qua, tôi chỉ ước mong những người cùng thế hệ, cùng chịu chung nỗi vinh nhục của quê hương gặp nhau, nhìn nhau và thấy được nhau.
Là một Phật tử độc lập, tôi chỉ biết theo giáo lý nhà Phật để tự giáo hóa chính mình tìm sự an lạc như phần đông các Phật tử xuất gia và tại gia khác. Có thêm được chỗ dựa tinh thần và năng lực hóa độ của tăng ni đạo cao đức trọng vẫn là ân đức mong tìm của người Phật tử. Cho nên tôi vẫn thường lập đi lập lại hoài như một lời tâm niệm về hình ảnh đạo Phật là một biển thái hòa an lạc. Nước của trăm nguồn đổ về biển cả, dẫu cho trong sạch hay dơ bẩn đến mức độ nào thì cuối cùng cũng được hóa giải. Trên đường tìm cầu học hỏi, chúng tôi không ngây thơ cho rằng, tất cả tăng ni qua hình tướng đầu tròn áo vuông đều là thánh tăng hay chân tăng. Nhất là trong thời đại "kinh tế thị trường" vàng thau lẫn lộn nầy thì nhìn rõ chân tướng của nhau thật khó. Ai không an trú trong giới luật, sẽ thọ lãnh nghiệp quả của mình. Tiền thân của đức Phật là bồ tát Thường Bất Khinh. Gặp bất cứ ai, ngài cũng cất một lời khiêm tốn: "Thưa ngài, tôi không dám coi nhẹ ngài vì ngài là một đức Phật tương lai!" Nhân danh là những nguời Phật tử, chúng ta có thể nói với nhau một lời đơn giản mà sâu dày như thế được chăng.
 
Trần Kiêm Đoàn
    Sacramento, cuối Thu 2009

No comments:

Post a Comment