2012/03/27

LỰC LƯỢNG VIỆT NAM BÀI SỐ 7 - bài chót


LỰC LƯỢNG VIỆT NAM
                BÀI SỐ 7 - bài chót
 
NHỮNG BƯỚC CHÂN CỦA NGƯỜI LÃNH TỤ
 
Chỉ mới một năm thôi, Việt Nam và Miến Điện trên nhiều phương diện đồng hạng.
Cũng độc tài, tham nhũng, bắt giam đối lập, giới hạn mọi thứ tự do. Đất nước bên bờ vực thẳm. 40% quần chúng sống về nông nghiệp. Xa xưa lắm, 60 năm về trước, họ sống rất thoải mái, họ đã từng xuất khẩu lúa gạo nuôi cả vùng Đông Nam Á. Bây giờ họ sống bằng cách lấy tay mò cá mò tôm để lây lấy qua ngày. Không có máy móc nông nghiệp. Không dùng phân bón gì  cả. 40% ngân sách quốc gia    dành cho quân đội. Quân nhân sống rất khá, nên trung thành với chánh phủ, sẳn sàng đàn áp dân chúng không nương tay. Miến điện trở thành nước thứ nhì sau Afghanistan nghèo nhất thế giới.
Trong lúc đó người Trung quốc được tự do khai thác tài nguyên quốc gia (khí đốt, lâm sản và đá quý) và tự do thiết lập cơ sở kỹ nghệ và thương mại, dần dần nắm chặt được vận mạng kinh tế của cả nước. Người Trung Quốc hầu như độc quyền trong ngành xây cất và địa ốc. Dân thì đau khổ nhưng tướng lãnh thì phá rừng lập biệt cư, xây lâu đài xa hoa cách xa dân chúng và thủ đô.
 
Đùng một cái, giới quân phiệt Miến Điện chịu trao quyền lại cho tướng Thein Sein. Ông này chịu cởi áo nhà binh về hưu để làm Tổng Thống dân sự.
Hoàn toàn ngược lại những gì đã xẩy ra trước đó, (nào là Sư sải biểu tình bị đánh đập công khai ngoài đường, hằng ngàn người chống độc tài bị giam, đất nước bị thỉên tai, dân chết đói mà không cho ngoại quốc vào cứu trợ) bổng nhiên các tù nhân chánh trị được thả ra, các nhân vật ngoại quốc đến viếng, dân sắp đi bầu, và QUYẾT LIỆT nhất là các ký kết vĩ đại về thủy điện với người Trung quốc bị ngưng ngang.
Ai đã làm thay đổi cuộc diện?
Người đó là Bà Aung San Suu Kyi sanh năm 1945, bây giờ là 67 tuổi.
Chẳng có phép lạ gì đâu. Đây chỉ là kết quả đạt được từ một ý chí phi thường của những con người hoàn toàn vì dân, vì nước. Con đường đi không phải dễ dàng.
Cha là một Đại Tướng, đệ nhứt anh hùng dân tộc kháng chiến chống Nhựt thành công, nhưng ông bị ám sát lúc Bà Aung San Suu Kyi mới 2 tuổi.
Rồi còn phải đi học. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford về Triết, sau đó còn có nghiên cứu uyên bác ở các đại học khác để lấy bằng Tiến Sĩ. Bà lập gia đình với một học giả người Anh chuyên về Tây-Tạng-học.
Bà trở về nước tháng Ba năm 1988 để săn sóc người mẹ bịnh và Bà kẹt lại đó luôn vì đúng lúc sinh viên Miến Điện biểu tình tại Rangoon đòi dân chủ. Năm tháng sau, đứng trước cả nửa triệu người, Bà đã đọc diễn văn kêu gọi dân chúng đứng lên tranh đấu cho dân chủ.
Ngày 24 tháng Chín, năm 1888 Liên Đoàn Đấu Tranh vì Dân Chủ Miến Điện được thành lập và Bà được bầu làm Tổng Thư Ký.
Tháng Tư năm 1989, bọn quân phiệt ra lệnh đàn áp phong trào dân chủ. Các cuộc biểu tình bị giải tán bằng súng đạn thật. Có một số người dân bị giết chết và Bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia.
Mặc dầu bị đàn áp như vậy, từ trong nhà, Bà vẫn tiếp tục lãnh đạo đấu tranh và Liên Đoàn Đấu Tranh vì Dân Chủ Miến Điện thắng vẻ vang trong kỳ bầu cử tháng Năm, năm 1990.
Nhưng bọn quân phiệt không thừa nhận kết quả và bắt nhốt một số dân biểu đắc cử.
Năm 1991, Bà được trao giải thưởng Nobel Hòa Bình.
Trong 21 năm gần đây, Bà ở tù hết 15 năm.
Cách đây 10 năm, chồng của Bà là Tiến Sĩ Michael Aris bịnh nặng, hấp hối bên Anh quốc, nhưng Bà không thể về bên cạnh người chồng, vì nếu Bà đi ra khỏi nước thì Bà sẽ không được phép trở lại nữa.
Tháng Năm năm 2002, Bà được trả tự do. Bà tổ chức một chuyến du hành qua 95 thành phố để khích lệ sinh hoạt của Liên Đoàn Đấu Tranh Dân Chủ.
Tháng Năm năm 2003, đoàn xe của Bà bị một đám người ủng hộ chánh phủ phục kích. Súng bắn xối xả vào đoàn người của Bà. 4, 5 người thân cận đứng cạnh Bà đều bị bắn chết. Bà may mắn chạy thoát, tất cả hơn 70 người bị giết. Có tin đồn rằng chánh phủ đóng kịch thả Bà ra để tìm cách giết Bà ở bên ngoài.
Bà Aung San Suu Kyi phải trải qua bao nhiêu gian nan đó mới  tạo được cho dân tộc mình một nội lực có khả năng lay chuyển tình thế. Nội lực này hiển hiện qua hai khía cạnh.
Đối nội, Liên Đoàn Đấu Tranh vì Dân Chủ Miến Điện do Bà lãnh đạo gồm nhiều nhân vật có uy tín. Đây là một tập đoàn đông đảo có lý tưởng, có can đãm dấn thân. Khối Phật giáo nói riêng và dân chúng nói chung ngưởng mộ Bà, người ta chấp hành nghiêm túc những lời kêu gọi của Bà. Bà không bị thọt gậy bánh xe.
Đối ngoại, có giải thưởng Nobel kèm theo, Bà là một tiếng nói 'nặng ký'. Chính Bà đã kêu gọi quốc tế cấm vận Miến Điện vì đã vi phạm nhân quyền. Và quốc tế đã làm theo. Anh, Mỹ, Úc đều không giao thương với Miến Điện. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới ngưng cho vay và viện trợ. Chỉ có Pháp là có công ty dầu hỏa Total thăm dò ở Miến Điện. Đương nhiên Trung Quốc lợi dụng tình trạng này để càng giao hảo càng xiết chặt Miến Điện.
 
Ngăn chận lại không để đất nước bị Trung Quốc nuốt trỏng, thiết lập ngoại giao với thế giới văn minh, tổ chức bầu cử, mời chuyên gia quốc tế tới quan sát, nhận lại tài trợ quốc tế, đó chính là cái gì mà một lực lượng dân tộc có thể làm được cho đất nước mà không cần phải dùng đến bạo lực và hận thù.
Từ trong tâm tối tìm đường bò ra ánh sáng, biết bao nhiêu người Việt cũng ước mơ đất nước Việt Nam cũng có một cơ hội chuyển mình ngoạn mục như vậy. Có thể được không?
Tại Việt Nam, chúng ta may mắn có ba người có thể giúp chuyển hóa tình trạng bế tắc ngày nay theo chiều hướng của Miến Điện, đó là Đại Lão Hòa Thượng, Tăng Thống Thích Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Cụ Lê Quang Liêm. Ba người này sẽ hiệp ý mời thêm các vị lãnh đạo của Cao Đài và Tinh Lành.
Nhưng con đường của LỰC LƯỢNG VIỆT NAM có rất nhiều chông gai.
Đối nội, Hòa Thượng Thích Quảng Độ không may mắn như Bà Aung San Suu Kyi có một Liên Đoàn Đấu Tranh cho Dân Chủ thuần nhất, mà lại vướng một tập thể Phật giáo phân chia  manh múng. Làm sao để những người trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt kiên trì và những người con Phật ngoài Giáo Hội suy nghĩ lại?
Hơn nữa, giữa sự thờ ơ và ngây thơ của quần chúng, chẳng những Việt cọng mà còn các thế lực thù địch với nội lực dân tộc lại biết rất rõ rằng 'Thầy Chùa râu quai hàm' này là một lực lượng tinh thần có khả năng thách đố bạo lực của chúng, nên chúng đã xử dụng tất cả chiêu thức vừa tinh vi vừa hèn nhác và dùng lời lẽ thô tục để tìm cách hạ uy tín.
Còn Linh Mục Nguyễn Văn Lý thì lại không hoàn toàn được tự do. Trên Ngài còn có Giám Mục, Tổng Giám Mục và Vatican. Mà đức tính quan trọng nhứt của một tín đồ Thiên Chúa Giáo là sự Vâng lời.
Chỉ có Phật Giáo Hòa Hảo là tôn giáo đang bị đàn áp mạnh nhứt là có một lực lượng vững chắc hơn, nhưng là một lực lượng nhỏ.
Đối ngoại, các cường quốc như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Trung Quốc đều có giao thương với Việt Nam và hưởng rất nhiều lợi lộc. Họ không thể công khai hoặc ngấm ngầm ủng hộ lập trường của LỰC LƯỢNG VIỆT NAM như họ đã làm cho Bà Aung San Suu Kyi.
Trong tình trạng như vậy, Ba vị Lãnh Đạo Tinh Thần chỉ có thể dựa vào sức lực của mình mà thôi. LỰC LƯỢNG phải là một ý thức tự lập và một nổ lực bền bĩ của tất cả công dân Việt Nam muốn thay đổi vận mạng của mình một cách ôn hòa nhưng dứt khoát.
Không có ai giúp ta thì ta phải tự giúp lấy ta. Lực lượng không nên mơ mộng nhiều ở ngoại lực, ngược lại, Lực Lượng phải cho thế giới thấy trình độ văn hóa của người Việt khi đến lúc phải giải quyết chuyện nhà.
LỰC LƯỢNG VIỆT NAM  không phải để dùng kêu gọi người dân nổi dậy. Lực Lượng làm việc ban ngày chớ không có làm việc ban đêm. Các người tu hành không có ác tâm, mà chỉ muốn giải quyết vấn đề sao cho có lợi cho mọi người.
LỰC LƯỢNG VIỆT NAM mong đợi mỗi người dân Việt mỗi người mỗi cách bày tỏ chánh kiến của mình một cách đường hoàng rằng mình muốn tự do dân chủ.
Các ông nhạc sĩ Trúc Hồ, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Ông Nam Lộc đều có nhiệt huyết tổ chức Thỉnh Nguyện Thư. Với những kinh nghiệm đã có, các ông và những người thiện chí khác nữa, có thể nào tổ chức trên bình diện toàn thế giới cho người Việt ký giấy ủy quyền để LỰC LƯỢNG VIỆT NAM đi đối thoại với chánh quyền CS không?
 Cái quyết tâm của các hội đoàn, các Nhà Thờ, Chùa, các nhân sĩ chịu đứng ra tổ chức, cùng với chữ ký của từng người dân sẽ chứng minh hùng hồn trình độ văn minh của người Việt. Mỗi chử ký là một quyết tâm. Một triệu chử ký là LỰC LƯỢNG VIỆT NAM.
Với dân chúng Việt Nam ở hải ngoại chịu dồn toàn lực, tiếng nói của Lực Lượng sẽ nặng ký.
Đối với dân chúng mà mình phải gặp mặt mỗi ngày, đối với thế giới văn minh mà mình phải tiếp xúc, dầu độc tài cách mấy, không một chánh quyền nào chịu nổi sỉ nhục nếu bị bất tín nhiệm công khai.
Chừng đó họ sẽ thương thuyết nghiêm chỉnh. Nhưng vấn đề không kết thúc dễ dàng như vậy. Nếu để thương thuyết thành công thì một số người đang được biệt đãi sẽ mất quyền lợi. Ở Miến Điện họ phải xem Bà Aung San Suu Kyi là kẻ thù. Ở Việt nam, lãnh tụ của Lực Lượng Việt Nam là Hòa Thượng Thích Quảng Độ là mục tiêu. Nhưng những người này sẽ không bị người trong nước giết vì đảng cầm quyền không thể nhất trí được. Vẫn có một số người tỉnh táo, họ có thể xem  Bà Aung San Suu Kyi và Hòa Thượng Quảng Độ là hy vọng của chính họ.
Nhưng Trung Quốc là nước đã thắc lưng buộc bụng cho Bắc Việt vay tiền để đi chiếm Miền Nam. Họ có quyền chờ Việt Nam trả ơn bằng cách chịu ảnh hưởng của họ. Nếu các bế tắc ở Miến Điện hay ở Việt Nam được gở ra thì các kế hoạch của Trung Quốc sẽ hỏng. Nếu để êm xuôi Trung Quốc chỉ cần tối đa là 50 năm nữa là hoàn toàn đô hộ Việt Nam. Người Việt lúc đó, kể cả những 'đại gia' hiện đang được Trung Quốc vung tiền ra cho xài, sẽ trở thành người đi làm thuê trên đất nước của mình.
Bà Aung San Suu Kyi hay Hòa Thượng Thích Quảng Độ là hai cái gai mà nếu không còn thì Trung Quốc phải mừng lắm.
 
HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 27 tháng 3, năm 2012

No comments:

Post a Comment