2013/03/31

Cái « Miệng ... Trên »


Tiểu Tử

Cái miệng có hai chức năng chánh : ăn và nói . Xưa nay ít có ai để ý đến những chức năng phụ của cái miệng – tiếng là phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng – như : ngáp , ợ , ho , khạc , thở khi nào bị nghẹt mũi ... Có lẽ tại vì nó ... hạ cấp quá nên bị coi thường ! Và cũng tại vì có sự coi thường đó mà người ta chỉ chú trọng dạy trẻ con học ăn học nói thôi . Thành ra , lớn lên , phần đông ngáp ơi ới không che miệng , ợ ồng ộc nghe chỏi lỗ tai , ho thẳng vào mặt người đối diện , còn khạc nhổ thì tùm lum bất cứ chỗ nào ... Trong chuyện phiếm này , tôi cũng theo « truyền thống" để chỉ viết về hai chức năng « ăn và nói » của cái miệng .

Ăn ... Từ hồi còn nằm trong bụng Mẹ , con người đã biết ăn ( Ông Trời sanh ra như vậy ! ) . Mới lọt lòng , không ai dạy , kề vú vào miệng là đã biết ... đớp ( Về sau , khi đã thành nhơn , có đòi đớp như hồi bê bê là một ... cái gì khác chớ không phải là ăn ! ) . Thành ra « ăn » là một bản năng . Hễ đói là tự nhiên phải kiếm cái gì ăn , chưa biết rằng không ăn lần hồi rồi sẽ chết ( Ăn ... hối lộ không nằm trong « diện » tự nhiên trời sanh này ! ) . Khái niệm « chết vì không có gì ăn hay có mà ăn không được » chỉ đến với con người khi con người có đủ trí khôn . Khỗ nỗi , khi có đủ trí khôn , con người lại đòi « ăn ngon » , biết chê biết khen , biết chế biến món này món nọ để ăn cho « khoái khẩu » . Cái « ăn » , vì vậy , đã chiếm ... đỉnh cao của trí tuệ loài người , đến nỗi có câu « dĩ thực vi tiên » ( ăn trước đã ! ) và ở Việt Nam miền nào cũng quảng cáo rầm rộ « món ăn đặc sản » để làm ... chảy nước miếng du khách ( Ở Hà Nội bây giờ « chảy nước miếng hay chảy nước dãi » được gọi là « toát mồ hôi lưỡi » ! Từ ngữ cách mạng vốn ... trừu tượng ! ) . Trên thế giới , ngành du lịch xứ nào cũng giới thiệu thật nhiều về « cái ăn » ngay sau khi cho xem phong cảnh hùng vĩ hữu tình . Để thấy cái miệng tuy nhỏ xíu như vậy mà đã ... đẻ ra chữ « ăn » thật to tổ chảng !

Trong từ ngữ thông thường , chữ « ăn » lúc nào cũng thấy như người lãnh đạo , nghĩa là đứng trên đứng trước nhiều chữ diễn tả một hành động một sự kiện – không biết để làm gì nhưng vẫn phải ... đứng trên đứng trước ! – Ví dụ như « ăn quịt , ăn gian , ăn trộm , ăn cướp » ... Tiếng « ăn » ... ăn nhậu gì với những chuyện « quịt , gian , trộm , cướp » , vậy mà phải có lãnh đạo « ăn » vào đó nghe nó mới ... xuôi lỗ tai ! Rồi thì ... ăn tùm lum , lúc nào ở đâu cũng thấy ăn : ăn giỗ , ăn cưới ( Hồi xưa còn nói « ăn đám ma » nữa ! ) ăn khánh thành , ăn lên lon , ăn Tết , ăn đầy tháng , ăn thôi nôi , ăn ... hối lộ ... Chỉ có « ăn » thôi , vậy mà cái miệng sao mà « lắm chuyện » !

Bây giờ , xin nói đến « nói » .

Con người nếu sống một mình chắc không cần phải biết nói ! Thật vậy , biết nói để nói với ai ? Rồi , bởi vì con người cần sống với con người nên mới phải « nói » để hiểu nhau . Mới đầu nói bằng ... tay chân ( bây giờ gọi là « ra dấu » ) Lần hồi , chắc ra dấu ... mỏi tay nên mới bày đặt tiếng nói ( Dầu sao , mỏi miệng vẫn ... dễ chịu hơn mỏi tay ; cái trí khôn của con người bắt đầu ... ló dạng ! ) Cái miệng , ngoài chức năng « ăn » của Trời cho , bây giờ có thêm chức năng « nói » do con người đẻ ra vì muốn người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì .

Con người mới sanh ra chưa biết nói , chỉ biết khóc ! Các nhà văn gọi đó là « tiếng khóc chào đời » . Hay quá ! Thật vậy , nếu không có tiếng khóc thì làm gì có tiếng nói ? Rồi từ chỗ « oa oa » đó ọ ẹ riết rồi cũng ra chữ ra câu . Người ta dạy trẻ con học nói cho đúng cách , học nói cho có lễ độ , học nói cho thanh tao . Có một điều lạ là những tiếng ... chửi thề chẳng thấy ai dạy mà sao ai ai cũng biết và biết sử dụng đúng nơi đúng lúc một cách « tài tình » ! Ngoài những từ ngữ thông dụng – không kể chửi thề , dĩ nhiên – Nhà Nước Việt Nam còn dạy trẻ con hô khẩu hiệu , nói những lời « dao to búa lớn » theo ... phong cách xã hội chủ nghĩa , nghĩa là nói để cho có nói chớ không phải nói để cho người khác hiểu mình nghĩ gì muốn gì . Cái « nói » – một chức năng của cái miệng – cũng bị làm ... cách mạng ! Than ôi !

Nói về « nói » , con người nói thôi ... đủ thứ . Nào là « nói thánh nói tướng » , « nói láo nói phét » , « nói hành nói tỏi » , « nói trăng nói cuội » ... Rồi « nói phang ngang bửa củi » , « nói dộng trong họng người ta » , « nói trên trời dưới đất » , « nói mà cái miệng không kịp kéo da non » , « nói như con két » ... Cái miệng nói nhiều hơn ăn , bởi vì ăn no rồi là không ăn được nữa chớ còn nói thì có bao giờ bị ... no nói đâu để mà phải ngừng ?

Tóm lại , cái miệng là để ăn và để nói . Vậy mà chính cái miệng nó « hành » con người . Ông bà mình hay nói :» Bịnh từ miệng mà vào , Vạ từ miệng mà ra » . Đúng quá ! Tại vì mình ăn mới đem mầm bịnh vào người và tại vì mình nói mới đụng chạm sanh chuyện . Biết như vậy nhưng làm sao con người sống mà không ăn không nói ?
Ở Việt Nam , Nhà Nước ta đã thấu triệt cái « chân lý » vừa kể cho nên đã ... phân loại cái miệng : miệng của nhân dân và miệng của Nhà Nước . Cái miệng của nhân dân là cái miệng « ăn » còn cái miệng của Nhà Nước là cái miệng « nói » . Nhà Nước « quản lý » cái miệng ăn nên chỉ cho ăn vừa phải , đúng tiêu chuẩn , để nhân dân đừng ... bị bịnh ! ( Bệnh từ mồm mà vào , đúng thế đấy ... Ta đã học tập và triển khai cái chân lý ấy từ thời ... không có gì để ăn cơ ! ) . Còn « nói » thì nhân dân không nên nói , bởi vì « nói » là mang vạ vào thân đấy thôi . Để Nhà Nước nói , bởi vì Nhà Nước , đã là đỉnh cao trí tuệ của loài người , biết nói thế nào để không bao giờ phải ... mang vạ vào thân . Và bởi vì cái miệng của Nhà Nước là loại miệng nói không sợ ... mòn , không phải tốn tiền mua và dự trữ đồ phụ tùng thay thế . Cho nên đừng ngạc nhiên sao ở Việt Nam chỉ nghe có Nhà Nước nói và nói không bao giờ ... ngừng ! Ngoài ra , Nhà Nước vì thương dân nên khi thấy dân há miệng định nói là đưa tay bịt miệng ngay kẻo dân mang vạ vào thân , tội nghiệp ! Một cử chỉ ... đẹp như vậy mà thiên hạ cứ ... vo tròn bóp méo !

Nếu « ăn » là để sống thì « nói » là để cảm nhận rằng mình đang sống . Vậy mà người dân Việt Nam chỉ được phép dùng cái miệng để ăn thôi ...

Tiểu Tử

Nghĩa trang quân đội Biên Hòa bị xóa sổ?


 
Thiên Đức 
 
 
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa là một chứng tích lịch sử của quân lực VNCH còn sót lại sau cuộc chiến tranh Việt Nam điều đó không ai có thể tranh cãi. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khu nghĩa trang này được đặc vào trong tình trạng quân đội quản chế hay nói một cách hiện thực là đặt trong tình trạng cầm tù cấm cố biệt ly một cách chính thức không ai được quyền thăm viếng hay săn sóc những phần mộ được chôn cất tại nơi này. 
Gần đây báo đài ở nước ngoài rộ lên tranh luận về số phận nghĩa trang này xuất phát từ quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển đổi sang nghĩa trang dân sự thuộc tỉnh Bình Dương.
 
 
 
      
 Cuộc tranh luận rất đa dạng có thể phân chia ra hai khuynh hướng:
- Một khuynh hướng nghi ngờ và thận trọng vì cho rằng quyết định này ra quá chậm và chưa đủ để nói lên tính chất hòa giải hay xoa dịu vết thương chiến tranh gì cả, cần phải làm thêm nhiều việc khác nữa.
- Một khuynh hướng khác khen ngợi cho đây là dấu hiệu hòa giải hòa hợp dân tộc, có người thậm chí nhảy ra tranh công đã đề nghị với thủ tướng Phan Văn Khải trước đây hai năm, rồi từ đó tâng bốc nâng bi người ký quyết định là khôn ngoan.
 
Riêng người viết bài này, với tư cách cá nhân một cựu lính tham gia cuộc chiến đã sống sót nhờ vào những người đã nằm xuống của cả hai bên, cực lực tố cáo chính quyền Cọng Sản âm mưu xóa bỏ nghĩa trang Biên Hòa trên mặt pháp lý cũng như trên thực tế trong hiện tại và những ngày sắp đến đây qua quyết định 1568/QĐ-TTg ngày 27/ 7/ 007. Để làm sáng tỏ vấn đề người viết xin được trở về quá khứ
 
Trong hào quang chiến thắng đế quốc Mỹ, người lãnh đạo nhà nước đã tự hào, công khai tuyên bố cả đất nước "Tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên XHCN" . Kế hoạch ngủ niên 1976- 1980 đã đề ra trong chiều hướng trên, nhà nước bắt đầu tiến hành cải tạo toàn diện để đưa miền Nam Việt Nam tiến lên và theo kịp miền Bắc XHCN. Đối tượng của công việc có thể phân ra hai loại: khối dân chúng miền Nam và khối quân dân cán chính của chính quyền củ.
 
I/- Khối dân chúng miền Nam: Với chính sách "Không đụng đến cây kim hay sợi chỉ của dân chúng". Đất nước thăng hoa bằng những mảnh quần áo màu sắc nâu hay đen mốc của từng đoàn dân quân cuốc xẻng lên rừng thực hiện phương châm "Với sức người sỏi đá cũng thành cơm". Họ là ai? là tư sản sản mại bản đã tình nguyện dân hiến tài sản cho nhà nước. Họ cũng là thành thần phần tư sản (?)ngoan cố để nhà nước phải huy động quân đội, công an, thanh niên, sinh viên học sinh đến từng nhà thực hiện chính sách cải tạo Công thương nghiệp hầu chuẩn bị cho cả nước tiến lên XHCN với cái nghèo cào bằng.
Miền Nam từng là vựa lúa xuất khẩu gạo trên thế giới, là vựa lúa nuôi cả miền Bắc không những ở thời kỳ 1945 mà cho cả hiện nay. thế mà trong giai đoan này phải chịu cảnh đói thiếu gạo ăn, phải ăn độn bo bo đỏ, hay khoai sắn.
 
 
 
 
II/- Khối dân quân liên quan đến chính quyền củ: Nhà nước đã có đối sách riêng biệt cho người còn sống và người đã nằm xuống trong cuộc chiến như sau:
 
1)- Người sống: Một chính sách khoan hồng được đề ra cho sĩ quan và công chức chế độ củ chuẩn bị lương khô đi học tập từ 3 ngày đến 10 ngày. Thực tế cho thấy câu chữ học tập cải tạo 3 hay 10 ngày đã trở thành 3 năm cho đến 20 năm có lẽ.
Bao nhiêu nước mắt và xương máu của người tù cải tạo đã đổ ra trong giai đoạn này, giờ đây vẫn chưa được kết toán sòng phẳng.
 
2)- Người chết: Trong tinh thần kiên định tiến lên XHCN, người chết liên quan đến chính quyền củ được tiến hành cải tạo tùy theo vị trí an nghĩ của họ.
- Những người chết nằm rải rác khắp mọi miền đất nước đều bị đào mồ cuốc mã và hoàn toàn biến mất để thay thế vào đó là những phần mộ liệt sĩ.
- Những nghĩa trang dân sự, trong đó có những nấm mồ quân nhân công chức chế độ củ cũng không thoát khỏi số phận đào thải. Ví dụ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị qui hoạch cải đổi mục đích sử dụng cũng là nằm trong tiến trình cải tạo đi lên XHCN vậy.
- Riêng nghĩa trang Biên Hòa là nơi tập trung của 16 nghìn tử sĩ vị quốc vong thân, thực tế đã bị cầm tù cấm cố biệt giam từ năm 1975 cho đến ngày nay, dưới sự quản lý của quân đội, không ai được vào thăm viếng hay nhang khói một cách chính thức.
 
 
 
 
       
Cho đến ngày 27 - 11 - 2007 là thời điểm sau một tuần Việt Nam trải thảm đỏ đón rước tổng thống Bush, đã thực sự chấm dứt lập trường kiên định "Đế quốc Mỹ là kẻ thù số một của nhân dân", ý nghĩa cuộc chiến hoàn toàn sụp đổ, do đó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải thu dọn tàn cuộc bằng một công việc bình thường, đó là:
 
Quyết định số: 1568/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương,
 
QUYẾT ĐỊNH:
 
Điều 1: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
 
Điều 2: Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương:...
Chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4: Bộ Quốc phòng (Quân khu 7) thực hiện việc di chuyển .. hoàn tất trong tháng 7 năm 2007.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ấn ký)
 
 
 
     
Theo thời điểm ký quyết định nêu trên cho thấy bản chất của quyết định này chỉ là một công việc đơn thuần phải làm của một nhà nước trước khi sang trang lịch sử trong giai đoạn mới. Tự thân công việc này không phải là một sự khôn khéo của ông thủ tướng như lời nâng bi của ông Nguyễn Cao Kỳ, mà là một âm mưu xảo trá nhằm xóa sổ nghĩa trang của người bên kia chiến tuyến được che dấu trong bản thân văn kiện sẽ được lần lượt phân tích ở phần dưới.
 
Và sự thành hình quyết định này cũng không phải do công lao của ai cả, không như những kẽ cơ hội đã nhảy ra vỗ ngực xưng tên. Thật vậy nếu Mỹ và Việt Nam không chính thức cải thiện bang giao thì liệu trang sử cuộc chiến đã đóng chưa để cho ra đời quyết đình này?
 
Trước ngày 30/4/75 ông Nguyễn Cao Kỳ từng to mồm hô hào mọi người hãy chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trên vùng trời Tân Sa Châu vào buổi sáng thì buổi chiều đã thấy hình ảnh máy bay ông Kỳ xô xuống biển để bước lên chiến hạm tỵ nạn sớm hơn ai hết, đến giờ phút này người viết vẫn còn ngỡ ngàng với cảm nhận xa xưa khi còn ở tuyến đầu cho đến ngày buông súng.
 
Ông Nguyễn Cao Kỳ có quyền bưng b... hay bợ đ... Nguyễn Tấn Dũng để mưu đồ lợi ích cá nhân nhưng ông không có quyền bán đứng oan hồn tử sĩ tại Nghĩa trang Biên Hòa vì họ là đồng đội từng vào sinh ra tử, họ là những người chết để cho chúng ta sống ngày hôm nay.
 
Với cái nhìn từ chính sách "giữ gìn cây kim... cho đến dâng hiến toàn bộ tài sản" hay chính sách học tập "3 ngày để trở thành những ngày dài thế kỷ" thì quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không ra khỏi thông lệ xảo trá đó.
 
Thật vậy, quyết định số: 1568/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 11 năm 2006 có thể giải thích tường tận một cách không sai như sau:
 
- Trên văn bản quyết định hoàn toàn không sử dụng danh xưng "Nghĩa trang quân đôi Biên Hòa" điều này mặc nhiên đã xóa sổ hoàn toàn hay nói một cách khác là không công nhận đây là một di tích của cuộc chiến.
- Theo tinh thần văn bản nghĩa trang quân đội Biên Hòa sẽ trở thành một nghĩa trang dân sự điều này có ý nghĩa là những biểu tượng hay danh xưng có liên quan đến quân lực VNCH sẽ bị phá hủy như tên họ, cấp bậc, trung nghĩa đài, bệ đài thương tiếc, Cổng Tam Quan, Đền Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Đài sẽ hoàn toàn thay thế bằng những biểu tượng dân sự thích hợp với một nghĩa trang dân sự.
- Với tình hình tham nhũng cũng như lằn ranh quốc cộng chưa chính thức biến mất trong đầu óc những người quản lý nghĩa trang, những thân nhân của những người nằm xuống tại nghĩa trang đó sẽ bị o ép làm khó dễ trên thực tế hay với lý do nhu cầu chôn cất ngày càng tăng bằng một văn bản quy định thời hạn chôn cất nhất định là 30, 50 năm hay vĩnh viễn như đã từng quy định tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, thì những ngôi mộ tử sĩ này sẽ dần dần biến mất, và di tích lịch sử cũng biến mất.
- Điều 1: Đồng ý chuyển mục đích sử dụng 58 ha đất khu nghĩa địa Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương do Quân khu 7, Bộ Quốc phòng quản lý sang sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
 
Theo đúng tinh thần của điều này, khu đất nghĩa trang này sẽ đưa vào sử dụng vào mục đích dân sự để phát triển kinh tế và xã hội như vậy trên thực tế nghĩa trang này sẽ bị đào bới cải tạo quy hoạch di dời để lấy đất phục vụ kinh tế. Chứ duy trì như hiện nay chẳng có giá trị gì để phát triển kinh tế, xã hội cả.
 
 
Như vậy có thể kết luận rằng: dưới chế độ XHCN, những quân nhân chết chôn tại nghĩa trang Biên Hòa tính từ ngày 30 - 4 - 1975 cho đến ngày 01 - 7 - 2007 phải chịu hình phạt 32 năm 2 tháng tù cấm cố biệt giam, sau đó là bị cải tạo mất tích theo tinh thần quyết định của ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký.
 
Phải chăng đây chính là những hành động mở đầu cho giai đoạn xếp lại quá khứ, hòa hợp hòa giải của chế độ cọng sản chăng?
 
Với tinh thần văn bản này, người viết khẩn khoản chính thức báo động rằng: " Nghĩa trang Biên Hòa đang bị xóa sổ trên giấy tờ cũng như trên thực tế trong những ngày sắp tới"
 
Đây cũng chính là câu trả lời cho ông Võ Văn Kiệt khi đặt vấn đề :
Trước có ông Bill Clinton và mới đây là ông Bush. Nếu đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, dẫu trước đây là kẻ thù của nhau vẫn có thể khép lại quá khứ để hòa bình hữu nghị, để cùng phát triển. Bởi vậy không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Đây là vận hội, cơ hội cho sự hòa thuận. Đối với người ngoài còn bỏ qua được không lẽ người Việt Nam với nhau không bỏ qua được hay sao! Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh lên được!"
 
"Xuân đã về! Xuân đã về!" Nhạc...
Nhà nhà vui tươi, đi chạp mả, đầy hương khói chuẩn bị đón rước ông bà về ăn tết, ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN) tại Hà Nội đang trải thảm đỏ rước "Ma cô, đĩ điếm, liếm gót ngoại bang" theo tinh thần nghị quyết 36/CP. Song song với những bàn tiệc rượu thịt ề hề, là chúc từ nâng bi nhau, chúc tụng nhau đoàn kết, quên quá khứ, xóa bỏ hận thù, thì ở một vùng đất hoang tàn, nhang lạnh, hàng ngàn oan hồn tử sĩ lại vang vọng tiếng rên xiết:
- Mẹ Việt Nam ơi! chúng con đói và lạnh quá.
- Mắt mẹ mờ lệ: Tết này con chưa về hả con?
- Dạ! xuân này con chưa được về
- Sao vậy con, đã 32 năm hòa hợp hòa giải dân tộc rồi mà
- Tại con là những kẽ hy sinh để cho họ sống nên chưa được về
- Còn gì để nói nữa không con????
- Dạ câu hỏi này, để đảng CSVN trả lời ạ!
 
Với tình hình tham nhũng băng hoại của nhà nước Việt Nam hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn còn biến thành nghĩa trang của xương "Trâu Bò". Nghĩa trang quân đội Biên Hòa đang dần dần biến mất là điều không tránh khỏi.
 
Chồng báo mộng: Anh đói và lạnh quá em ơi
Vợ; Anh không về sao anh?
Chồng: Xuân này anh chưa về.
Con đau khổ: Sao vậy cha, đã 32 năm hòa giải hận thù rồi mà ba?
Cha: Con hỏi đảng CSVN sẽ rỏ? 
 
 
Kết luận :
Để tránh khơi sâu thêm vết thương hận thù chiến tranh và bước đầu một trang sử xây dựng hòa bình và hòa nhập, người viết dựa trên tình hình thực tế và nguồn tin của Việt Báo:
Được biết, nghĩa trang này được Công Binh QLVNCH khởi công từ năm 1965 để dành mai táng cho 30 ngàn tử sĩ. Sau các trận Mậu Thân 68 qua đến Mùa Hè 72 rồi các trận đánh giành dân lấn đất kỳ hiệp định Paris, nghĩa trang này đã chôn cất 16 ngàn tử sĩ. Một nửa đã có các tấm ciment và mộ bia. Còn một nửa mới đắp đất. Đó là tính đến ngày 30 tháng 4-1975....
Cho đến nay, các kiến trúc chính thức gồm Cổng Tam Quan, Đền Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Đài vẫn còn y nguyên.
 
Một khi kẽ tử thù trở thành bạn, cuộc chiến Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do đó không còn vấn đề ai thắng ai mà là tất cả người Việt nam đều thua. Không còn vấn đề vinh hay nhục mà chỉ còn lại vấn đề nước mắt và lương tâm. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa là một chứng tích lịch sử đau tương của dân tộc tại miền Nam còn sót lại. Không ai có quyền nhân danh bất cứ một lý do gì để xóa đi di tích lịch sử n ày. Trên tinh thần đó người viết xin đưa ra những đề nghị như sau:
 
 
 
- Phục hồi tên gọi lịch sử của nó: Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cho dù ở trong phạm vi nhỏ hẹp và nằm trong địa phận quản hạt của một tỉnh nào.
- Công nhận chính thức là một di tích lịch sử chiến tranh của dân tộc còn sót lại sau trận chiến. Đây là một thực tế đã đi vào lòng người dân miền Nam Việt nam.
- Tôn tạo và quy hoạch lại nghĩa trang trong phạm vi nhỏ hẹp lại có khuôn viên bao bọc nhằm bảo vệ chiến tích lịch sử. Không xen lẫn mồ mả dân sự.
- Phần đất nghĩa trang chưa sử dụng tách biệt hẳn khu vực nghĩa trang Biên Hòa tùy nhà nước dùng làm nghĩa trang dân sự hay sử dụng vào mục đích kinh tế xã hội theo quyết định của thủ tướng mà vẫn không mất đi ý nghĩa và kế hoạch hoạt động của nhà nước.
- Không để những phần mộ dân sự nằm xen lẫn vào phần một của tử sĩ có sẵn , vì như thế sẽ làm mất vẻ tôn nghiêm mà còn đánh mất giá trị lịch sử vốn có của nó.
- Và nếu có thể để cho tập thể cựu quân nhân hải ngoại và trong nước chính thức đứng ra xây dựng và tôn tạo lại nghĩa trang nói trên như là một nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa người chết, bắt tay hòa hợp hòa giải dân tộc, sòng phẳng xếp lại quá khứ xây dựng tương lai trên căn bản tình người và bình đẳng với nhau về các mặt quyền lợi công dân, kinh tế, chính trị, xã hội theo hiến pháp và công pháp quốc tế.
- Làm một cuộc lễ chiêu hồn chung cho tất cả tử sĩ của hai bên cuộc chiến sau khi hoàn thành công việc tôn tạo nghĩa trang.
 
Giá trị của của câu nói xếp lại quá khứ, xóa bỏ hận thù phải bắt đầu bằng hành động đối với người đã khuất cả hai bên cho trận chiến chứ không bằng lời dối trá của những con buôn chính trị thời đại. Lịch sử sẽ phán xét công bằng sự việc hôm nay là kết quả của ngày mai vậy.

Chúng tôi kêu gọi nhà nước CSVN cũng như những cá nhân hay đoàn thể quân dân cán chính miền Nam Việt Nam hãy lên tiếng bảo vệ di tích này trước khi quá muộn. Một khi đã biến khu vực này thành khu nghĩa trang dân sự bình thường./.
 
Thiên Đức
Thursday 18 January 2008

Một Ngày Chủ Nhật…

Một Ngày Chủ Nhật…

Một ngày chủ nhật thật bình thường.
Trẻ em chơi đùa thật dễ thương.
Gái trai vẫn tung tăng dạo phố.
Đời vui chan chứa với người thương.
***
Một ngày chủ nhật thật bình thường.
Chùa xa văng vẳng những hồi chuông.
Tiếng xe vẫn ngân vang đường phố.
Hàng cây xanh mát cạnh mái trường.
***
Ước mơ, ước mơ, tôi ước mơ.
Thiết tha, thiết tha, tôi mong chờ…
***
Một ngày chủ nhật thật tình cờ.
Biển xanh, gió nhẹ quá là thơ.
Bước chân ai đó nằm trên cát
Từng con sóng nhỏ chạy xô bờ.
***
Một ngày chủ nhật thật hiền hòa.
Bầy chim đua hót những bài ca.
Làng trên xóm dưới không thù oán.
Đời sao thân ái từng mái nhà.
***
Một ngày chủ nhật thật tà tà.
Phố phường xe cộ lắm người qua.
Tới lui, khéo lái không người chết.
Bảo nhau ta sống cho đến già.
***
Một ngày chủ nhật thật lặng lờ.
Cùng nhau ta dệt những vần thơ.
Nhìn cô thôn nữ nghiêng vành nón.
Kìa anh trai tráng đứng thẫn thờ.
***
Một ngày chủ nhật chẳng ồn ào.
Trong vườn gió nhẹ lá xôn xao.
Nắng vàng rực rỡ như hoa mộng.
Đời vui em bé vẫy tay chào.
***
Một ngày chủ nhật thật là Thiền.
Nhẹ nhàng hơi thở, tránh nổi điên.
Giữ gìn từng bước, không vội vã.
Đời không phiền não đúng là Tiên.

 
Đào Văn Bình
(California ngày 30/3/2013)

Khai Dân TríĐào Văn Bình

2013/03/30

NGHE TIN CHÚNG XỈ NHỤC ÔNG

Lời Tác Giả: Sau khi nghe cuộc phỏng vấn của phóng viên VTV với cựu bộ trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc trong buổi phát hình của VTV1 lúc 19 giờ ngày 23/3/2013, tôi hơi buồn nhưng không ngạc nhiên. Tôi không giận mà chỉ thương ông ấy! Bởi vì cái bản án bi thương của Tướng Trần Độ ngày xưa chính ông Lộc là một trong những người góp sức, nay vẫn còn in đậm dấu ấn trong cuộc đời ông. Và có lẽ bản án đó nay đang tự kỉ ám thị ông, nên ông ấp úng, ông ngập ngừng là điều thông cảm được! Nhưng ông không rút chữ kí như chủ tich Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng từng rêu rao, chứng tỏ ông đã quyết tâm đứng về phía các nhà trí thức và nhân dân cả nước đang đòi tự do và dân chủ bất chấp sinh mệnh chính trị của ông có thể bị đe dọa. Cám ơn ông!

 

NGHE TIN CHÚNG XỈ NHỤC ÔNG
 
(Viết tặng cựu BT TP Nguyễn Đình Lộc)
 
Nghe tin chúng xỉ nhục ông
Bảo ông “kí đại” chứ không biết gì!
Bêu ông lên cả ti vi
Thanh minh “Mình bị bắt đi trưởng đoàn
“Kiến Nghị thì người khác làm
“Nghiên cứu vài buổi “vội vàng” kí ngay!
“Định sửa chỗ nọ, chỗ này
“Nhưng vì mạng đã post ngay lên rồi
“Nên mình đành tán thành thôi   
“Nhóm còn có Bảy Mốt người nữa cơ!”
Dại gì ông nhận cầm cờ
Gương Tướng Trần Độ sờ sờ ra kia
Biết đâu bè phái phân chia
Đánh “X” không được, tổng chìa sang ông?
 
Đã từng nói có thành không
Nói không thành có nên ông lạ gì!
Khi ông Bộ Trưởng quyền uy
Tổng vào luồn cúi xá gì đến thân
Tiền, quà tổng nhận của dân
Lúc thì biếu tết, lúc tân sửa nhà
Nay hưu rồi thật xót xa!
Vừa “vâng, dạ” đó, đã la nặng lời
“Quy mình tư tưởng suy đồi
“Đạo đức lối sống của người đảng viên!”
Ông thầm nhủ:”Phải ngồi yên!
“Trí thức - Bộ trưởng thì liên quan gì?
“Trời ơi sửa đổi làm chi!
“Chủ Nghĩa Xã Hội còn gì nữa đâu?
“Đảng nay là của người giàu
“Bản Hiến Pháp Cũ làm đau người nghèo
“Thay Hiến Pháp - Dân mới theo!
“Nếu không muốn thấy dân nghèo đứng lên...”

 
Hà Nội, 29/3/2013
Ts. Đặng Huy Văn

Khai Dân TríĐặng Huy Văn

2013/03/25

ÔI THƯƠNG QUÁ CUỘC ĐỜI BẠC MỆNH MỘT TÀI HOA!

Lời Tác Giả: Không hiểu sao, đúng 2 giờ 30 sáng nay, ngày 23/3/2013, tôi chợt thức dậy. Vì sợ ngủ quên giờ ra ô tô để đi thăm Thiền Viện Trúc Lâm và Tây Thiên Thiền Tự tại Vĩnh Phúc nên tôi không ngủ lại được nữa mà thức luôn đến sáng. Tôi bỗng giật mình nhận ra, đó là giờ nhập Cõi của Đinh Vũ Hoàng Nguyên vừa tròn một năm. Khi đến Thiền Viện Trúc Lâm, tôi vừa leo các bậc tam cấp vừa nghĩ đến Nguyên thì như thấy một chàng trai trẻ quần áo dính đầy màu vẽ đang kéo tay tôi bước lên các bậc tam cấp của Thiền Viện và tôi đã xúc động nhận ra, tôi đã gặp chàng trai này đâu đó trong tiềm thức.

Khi bước theo các bậc đá lên tới Tây Thiên Thiền Tự, tôi chợt nhớ lại, là đã gặp người không tên này vào cuối thập niên 90 của Thế Kỷ trước, khi tôi đã có ba năm sống ở xóm bụi Thành Công để ăn chay và ngồi thiền với các đồng tu của mình. Dạo ấy, vào những lúc rỗi, tôi đã vào một xưởng vẽ ngay gần đó và bất ngờ gặp những bức tranh lạ, hễ đứng trước những bức tranh đó là mình nhập định rất dễ dàng, nhưng tôi đã chưa bao giờ biết người vẽ ra những bức tranh đó tên gì. Giờ đây, khi lục xem lại một số bức tranh của Nguyên tôi mới nhận ra, ngày đó tôi đã nhiều lần được xem Nguyên ngồi vẽ một cách say mê như đang ngồi thiền và có lẽ tôi và Nguyên đã có một cái gì đó đồng điệu về tâm hồn cách đây đã tới mười mấy năm. Và bài viết này vì thế đã được ra đời ngay trước Phật Đường Tây Thiên Thiền Tự. Do viết vội nên chắc chắn bài viết còn nhiều sơ sót, nên tôi rất kính mong được quí vị độc giả gần xa lượng thứ.

Nhân một năm ngày cố nhân mãi mãi đi xa, tôi xin gửi đăng bài viết này để kính tặng ba mẹ, vợ và con trai của Lão Thầy Bói Già Đinh Vũ Hoàng Nguyên, một tài hoa bạc mệnh.

ÔI THƯƠNG QUÁ CUỘC ĐỜI BẠC MỆNH MỘT TÀI HOA!
 
(Viết tặng ba mẹ và vợ con của Bói Già Đinh Vũ Hoàng Nguyên)
 
Biết nói gì Nguyên ơi
Khi Nguyên không phải là người đời
Mà là Thiên Sứ từ Trời cao lai vãng
Chỉ ghé qua trái đất này tròn 444 tháng
Rồi nhếch mép tủm tỉm cười
Nhằm ngày sinh nhật ra đi!

Thông điệp mang đến cho quê hương
Thiên Sứ định nói gì?
 
Tình Yêu ư?
Khi xúc cảm khẽ chạm vào con tim mách bảo
Phải yêu đến tận cùng ruột gan
Yêu bầm tim, tím máu
Yêu không những chỉ thốt nên lời
Mà vang vọng tiếng kêu van
Của em thơ
Của mẹ già
Quằn quại giữa trái ngang!
Yêu cả lời hiệu triệu
Của lương tri đang kêu cứu
Đòi quyền tự do để được sống cho nhau
Quyền mưu cầu hạnh phúc
Của người lao động cần lao
Quyền được chọn lựa của toàn dân
Ai sẽ là người lãnh đạo
Không thể chịu mãi lũ lưu manh bát nháo
Vừa khoác áo nhân dân vừa dày xéo đồng bào!

Tuổi trẻ hôm nay
Lẽ ra phải được sống sang giàu
Người tài năng như Nguyên sống trong đời
Sao lại phải lo lắng cả những điều nhỏ nhặt?
Chưa từng được dạy ở trong các trường đại học:
Mồn tụng niệm “Nam Mô” bụng khát vọng đồng tiền
Vi phạm lệ, luật giao thông
Kẹp cụ Hồ dưới bằng lái hồn nhiên
Bệnh viện “không nhận phong bì”  
Mà chỉ thích cầm tiền mặt
Xin vào cơ quan công quyền
Phải tiền tươi, thóc thật
Phong tặng các danh hiệu thi đua
Không có “bác” dẫn đường thì hãy kiếm “ô” che
Các danh hiệu ưu tú, nhân dân
Không nhiều tiền thì nghỉ khỏe con nghe
Đảng kêu gọi góp ý kiến Hiến Pháp 92
Để tỏ ra đảng ta rất “dân chủ”!
Làm trí thức khát tự do bỗng hóa thành “trí ngủ”
Giữa một vương quốc thừa lãnh tụ, thiếu vua hiền!

Cha mẹ đã hi sinh cả cuộc đời
Chỉ mong sao thế hệ trẻ được bình yên
Cố chịu khổ, chịu thương để cháu con 
Được sống cho ra sống
Được nói lên tâm nguyện của mình
Được ước ao hi vọng
Được yêu đất nước của Vua Hùng
Đã trải bốn ngàn năm
Được xuống đường hét thật to
“Đã đảo quân Trung Cộng xâm lăng!”
Mà không bị công an bắt lên xe
Đưa về trại Lộc Hà lần nữa
Khi kẻ tôn thờ Trung Nam Hải là quan tòa
Còn người yêu nước VN đứng trước vành móng ngựa
Xin Mẹ Âu Cơ hãy cho chúng con hay
Tổ Quốc liệu còn chăng?

Nay chợt nhận ra tôi đã gặp Nguyên
Nơi xóm bụi Thành Công(*)
Nguyên đam mê vẽ tranh còn tôi  
Thích được ngồi thiền định  
Thế giới muôn màu kia
Là chốn Bồng Lai
Hay làng quê yên tĩnh?
Hay phố sấu, đường me
Chen mái ngói thẫm mầu?
Là hồn gặp hồn
Tỉnh thức gặp tỉnh thức
Đang thiền định bên nhau
Chẳng hề biết tên mà tưởng từng quen
Đâu đó từ kiếp trước
Bởi tranh của Nguyên là thế giới tâm linh
Về sống giữa cõi người hòa hợp
Nay cố nhân đã đi xa mà ngỡ như  
Đang ngồi say sưa chém gió ở bờ sông
Ngay quán nước nhỏ bên cầu
Đầu xóm bụi Thành Công

Nguyên đã đi qua cuộc đời này
Vội vã dạo chơi, hay để nói:
“Mọi người hãy dẹp đi
“Thói hư danh trong thời đại chúng ta
“Thói tham lam tiền, quyền làm người dân
“Chịu thống khổ xót xa!”
Qua những Bài Thơ, những Trang Văn
Và những dòng Viết Ngắn
Những Bức Tranh ẩn hiện tâm linh
Thấp thoáng đời cay đắng
Phiêu lãng yêu vì thơ, cười ra nước mắt vì văn
Đau viết ngắn lòng ta
Tôi đã gặp một Đinh Vũ Hoàng Nguyên 
Chân thực đến thiết tha!
 
Nhân ngày biệt ly Bói ơi, tôi đã khóc
Ôi thương quá cuộc đời bạc mệnh một tài hoa!


Tây Thiên Thiền Tự, 23/3/2013
Ts. Đặng Huy Văn

 
(*) Xóm bụi Thành Công, nơi Nguyên đã từng thuê một xưởng vẽ ở đây, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa gồm khoảng gần một ngàn hộ dân đã sống tại đây từ năm 1992, và là một cụm dân cư đặc biệt nhất của Thủ Đô Hà Nội vì cho đến nay, họ chưa hề có tổ dân phố, chưa được đăng kí hộ khẩu và vì thế đã 20 năm nay, gần một ngàn hộ dân tại xóm bụi này đã không có quyền công dân. Còn nhớ vào Tết Kỷ Dậu, năm 1789, nơi đây đã chôn vùi xác của gần một vạn quân Thanh đo Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá tại Gò Đống Đa và có thể vì thế mà mảnh đất này thiêng lắm. Thực vậy, đã một số lần khác nhau của các đời lãnh đạo thành phố Hà Nội, kể cả một thời của TBT Nguyễn Phú Trọng, đã lập Dự Án Ma để giải tỏa gần một ngàn hộ dân ở đây nhằm lấy đất chia nhau mà đều thất bại. Lần cuối cùng là năm 2002-2003, một chủ Dự Án Ma ở đây tên là Lã Thị Kim Oanh, người được thủ tướng Phan Văn Khải lúc bấy giờ hậu thuẩn cũng đã phải ngậm ngùi nhận bản án tử hình khi ông Khải còn tại vị. Có lẽ do Phật Độ Người Có Duyên nên nhóm đồng tu thiền và ăn chay của chúng tôi đã tồn tại ở đây được 5 năm trời và đã có một vài người nhập định được (không phải tôi vì mới tu được 3 năm thì đã bỏ giữa chừng).




Khai Dân TríĐặng Huy Văn