2013/03/24

Tư tưởng Phan Châu Trinh và hiện tình Việt Nam

    Đỗ Thái Nhiên

Đối diện với mỗi tình huống của đời sống, con người đều có những suy nghĩ riêng nhằm giúp cho xã hội có được những ứng xử thích nghi. Đó là mối liên hệ giữa tư tưởng và hiện tình của đời sống. Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu tư tưởng Phan Châu Trinh và hiện tình Việt Nam.

Tư tưởng Phan Châu Trinh đã chỉ ra rằng: bất cứ xã hội nào cũng có ba khối vấn đề căn bản: dân sinh, dân trí, dân khí.

Dân sinh Việt Nam

Dân sinh là hoạt động của guồng máy kinh tế ở mỗi quốc gia. Hoạt động này làm cho đời sống thể chất của người dân đạt mức cân bằng. Như vậy phục vụ người dân là mục tiêu hàng đầu của kinh tế. Thế nhưng trong thực tế, một số tư nhân đã nhân danh “quyền tự do kinh doanh” của cá nhân để sản sinh ra chế độ tư bản tư nhân.  Chế độ này mở đường cho tệ trạng cá lớn nuốt cá bé trên lãnh vực sản xuất và tiêu thụ. Dĩ nhiên đây là một hình thức hoạt động kinh tế phản nhân quyền.

Đảng CSVN đã nhân danh “quyền làm chủ tập thể” của quần chúng nhân dân để thâu tóm toàn bộ tài nguyên quốc gia vào guồng máy kinh tế độc quyền của đảng. Từ đó, chế độ tư bản nhà nước ra đời. Tư bản nhà nước kiểu Cộng SảnViệt Nam độc hại hơn tư bản tư nhân vạn phần ở điểm  đảng viên Cộng Sản Việt Nam hành sử quyền ưu tiên trong kinh doanh với sự hổ trợ tích cực của hệ thống quyền bính do đảng CS tổ chức và điều động. Vụ Vinashin 2006 và các năm kế tiếp gây thiệt hại cho ngân quỹ quốc gia khoảng 4 tỷ Mỹ Kim. Mới đây, 01/2013, qua những tranh cãi giữa Thanh Tra Chính Phủ và ông Văn Hữu Chiến Chủ Tich UBND TP Đà Nẵng, dư luận được biết TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác thông qua tác vụ “Chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đã tham nhũng số tiền nhiều tỷ Mỹ Kim( Báo Thanh Niên 19/01/2013).  Hai vụ tham nhũng vừa nêu chỉ là hai giọt nước trong biển tham ô tại Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.  Tham ô là ác quỷ của dân sinh. Vì vậy , một trong những mục tiêu hàng đầu của tư tưởng Phan Châu Trinh là lời dặn dò: mọi người Việt Nam hãy quyết tâm xây dựng cho người dân một đời sống sung mãn trong no và ấm: HÂỤ DÂN SINH.  Muốn có được hậu dân sinh, người dân Viêt Nam phải đấu tranh đòi hỏi CSVN, một tập thể độc tài và tham ô, phải trả lại quyền điều hành guồng máy quốc gia vốn của nhân dân, về lại với nhân dân.


Dân trí Việt Nam

Có ý kiến cho rằng “hiểu biết là sức mạnh”. Thật vậy, muốn có sức mạnh để diệt trừ tham ô và để xây dựng cuộc dân sinh hạnh phúc, dân trí ( hiểu biết của người dân ) phải được nâng cao. Dân trí gồm hai mặt: 

1)Giáo dục đời sống thể chất: Giúp con người có nghề nghiệp để sinh sống tự lập. Đồng thời, nuôi sống gia đình, tiếp tay xây dựng xã hội.

2)Giáo dục đời sống tinh thần: Giúp con người hiểu biết quyền và nghĩa vụ làm người. Đây là lãnh vực giáo dục dân trí mà nhà ái quốc Phan Châu Trinh nhấn mạnh là KHAI DÂN TRÍ . Từ nhiều thập niên qua, do gian ý bảo vệ ngôi vị độc quyền cai trị đất nước để tự do tham ô và củng cố quyền hành, chế độ CSVN áp dụng chính sách giáo dục hai mặt:

                  Một là giáo dục học đường: sinh viên học sinh được nhồi sọ là phải trung với đảng, hiếu với dân. “Hiếu với dân” chỉ là lời dạy sáo ngữ. Trung với đảng là đảng nói sao, phải nghe vậy, mọi phản biện đối với đảng đồng nghĩa với  đaị phản động.

                 Hai là giáo dục xã hội: CSVN ngấm ngầm truyền bá loại văn hoá cá nhân hưởng thụ, tiền bạc là trên hết, dối gạt là thông minh. Từ đó con người sống trong xã hội chẳng khác gì con vật sống với bầy, đàn động vật: chỉ biết “chăm sóc cho bộ lông của chính nó”, tương lai của đất nước đã có đảng lo.  Một cách căn bản, đảng có hai điều lo: lo tham ô và lo hạ cánh an toàn.

Dân trí Việt Nam ngày nay là “dân trí bỏ rơi việc nước”. Đối diện với “dân trí ngu dân” kia. Tư tưởng Phan Châu Trinh hô hào “ Khai dân trí ”.  Khai ở đây là mở trí cho người dân để họ hiểu rằng lương tâm làm dân đòi hỏi người dân có bổn phận tích cực tham dự việc nước thông qua cấu trúc chính trị dân chủ đa nguyên.


Dân Khí  Việt Nam

Dân gian thường nói: “ Có thực mới vực được Đạo”.  Đạo ở đây là đạo yêu nước. Thực là dân sinh. Thấy và hiểu được Đạo là dân trí.  Có đủ sức và đủ can trường để “Vực Đạo” hay không, đó là vấn đề dân khí. Làm thế nào để củng cố và tăng cường dân khí, để chấn dân khí? Những hành động của Phan Châu Trinh trong đấu tranh chánh trị để phục vụ tổ quốc là lời giải đáp cho câu hỏi vừa nêu. 

Tại Quảng Nam, mùa hè năm 1906 cùng với hai nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,  trong một lần vận động cho tư tưởng Duy Tân, Phan Châu Trinh đã kêu gọi quần chúng Việt Nam hãy “Tự lực khai hoá”. Lời kêu gọi vừa kể hàm ý: chỉ có người Việt mới yêu thương người Việt, chỉ có người Việt mới có khả năng bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam. 

Phan Bội Châu sanh năm 1867. Phan Châu Trinh sanh năm 1872. Cả hai nhà chí sĩ này đều chống Pháp dứt khoát.  Phan Bôi Châu chủ trương chống Pháp bằng hoả lực quân sự.  Phan Châu Trinh chủ trương chống Pháp bằng cách vừa tự lực khai hoá quần  chúng ( hậu dân sinh, khai dân trí, chấn dân khí ) vừa vận dụng mọi tác động của mặt trận văn hoá, chính trị, quốc nội, quốc tế để từng bước một lấy lại độc lập cho Viêt Nam. Mặc dầu khác đường lối đấu tranh nhưng hai chí sĩ họ Phan vẫn giữ lòng thân mến và tương kính, giữa hai người không hề có một tranh cãi phủ định đối phương.  Dị biệt tư tưởng nhưng vẫn chấp nhận lẫn nhau trên lý tưởng độc lập dân tộc.  Đó là chân ý nghĩa của dân chủ đa nguyên. 

Phan Châu Trinh vừa chống thực dân Pháp vừa chống những phong tục tập quán tệ hại trong xã hội Việt Nam hồi bấy giờ. Ông chống kiểu học từ chương, chống mê tín, dị đoan.  Ông kêu gọi học quốc ngữ, cắt tóc ngắn, cắt móng tay… Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đấu tranh cho một xã hội Việt Nam văn minh nhân bản.  Phương pháp đấu tranh của Ông có tính can trường, dứt khoát, bền bỉ nhưng tuyệt đối tránh quá khích, tránh vơ đũa cả nắm.

Những suy nghĩ và hành động của Phan Châu Trinh trong nỗ lực chống thực dân Pháp đã cô đọng lại thành lời minh xác rằng: muốn tổ quốc Việt Nam trường tồn và thịnh vượng mỗi cá nhân công dân cần tu học nhiệt tình yêu nước, toàn bộ dân tộc phải bền bỉ xây dựng và phát triển nội lực dân tộc trên nền tảng đoàn kết và tương nhượng của tư tưởng dân chủ đa nguyên.  Đó là dân khí.  Mức độ dân khí tại Việt Nam ngày nay được thẩm định thông qua hai sự kiện: 

Một là thái độ “bỏ rơi việc nước” của một thành phần quần chúng. Thái độ này là hậu quả của chủ trương “dân trí ngu dân” của nhà cầm quyền CSVN. 

Hai là chính sách “ ác với dân, hèn với giặc” của giới đương quyền Hà Nội. 

Các sự kiện nêu trên vừa đẩy dân khí của quần chúng Việt Nam xuống tới mức thấp nhất vừa làm cho đại hoạ Bắc xâm ngày càng tiến gần tới quả tim Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa, chấn dân khí là xuất phát điểm tiên khởi của con đường cứu nước.  

Lịch sử loài người đã cho thấy: giới tu sĩ phải mất biết bao công lao và thời giờ cho công cuộc truyền bá một đạo giáo. Dân khí cần được xem trọng như tôn giáo. Mỗi người Việt Nam hãy là một giáo sĩ của đạo DÂN KHí.  Có như vậy dân khí mới thực sự có cơ hội được chấn hưng. 

Tóm lại,

Dân sinh Việt Nam hiện bị đè bẹp dưới ách kinh tế quốc doanh tham ô và bóc lột. Guồng máy kinh tế phi nhân này được nguỵ danh dưới tên gọi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Dân trí Việt Nam hiện bị hôn mê trong văn hoá bầy đàn của động vật:  mỗi con vật chỉ biết và chỉ có khả năng “chăm sóc cho bộ lông của chính nó”. Cha đẻ của loại văn hoá động vật kia chính là đảng CSVN.

Dân khí Viêt Nam hiện đang bị hai tảng đá dân sinh và dân trí như vừa mô tả kéo tuột dốc theo tốc độ ngựa phi.

Làm thế nào người Việt Nam có thể biến phương châm “Hậu dân sinh, Khai dân trí, Chấn dân khí” trở thành hành động sống cụ thể của xã hội?  Câu trả lời nằm ở lương tri ái quốc của mỗi người Việt Nam và ở kho tàng tư tưởng cách mạng của Chí Sĩ Phan Châu Trinh./.


Đỗ Thái Nhiên  (03/2013)

Khai Dân TríĐỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment