2013/03/06

HIẾN PHÁP 92 NAY SỬA ĐỔI CHO AI?

HIẾN PHÁP 92 NAY SỬA ĐỔI CHO AI?
 
(Kính gửi chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng)
 
Ông chủ tịch ơi, Hiến Pháp 92 nay sửa đổi cho ai?
Cho toàn thể nhân dân cùng non sông yêu dấu?
Hay chỉ sửa để phục vụ cho các nhà lãnh đạo?
Ông phải nói rõ ràng thì góp ý mới khỏi sai!
 
Nếu chỉ để có lợi cho các ông thì Hiến Pháp 92
Theo tôi nghĩ, chỉ cần sửa một số từ là hoàn hảo
Nhấn mạnh thêm quân đội chỉ bảo vệ người lãnh đạo
Để khi nhân dân vùng đứng lên họ biết bắn vào ai!
 
Còn cụm từ “nhân dân” không nên ghi vào Hiến Pháp
“Quân đội nhân dân” nên đổi thành “quân đội vua quan”
“Công an nhân dân” thì bớt đuôi đi để khỏi bị hiểu nhầm
Bởi vì từ bản Hiến Pháp sẽ đẻ ra các điều của luật pháp

Muốn xem Uỷ Ban Nhân Dân có phải là của nhân dân?
Thì ông hãy cải trang làm dân vào các Uỷ Ban khắc biết
Viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân...giống hệt
Ông đeo tóc giả bước vào thì biết ngay cái nào của nhân dân!

Từ ngày 2/1 đến 31/3/2013 ông chỉ nói chung chung
“Mời toàn dân góp ý kiến vào Hiến Pháp 92 sửa đổi!”
Đương nhiên dân chỉ góp ý kiến vào những điều có lợi
Cho nước, cho dân chứ đâu cho quyền lợi của riêng ông!

Dân đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp 92 vì đã 38 năm ròng
Đảng lãnh đạo hoàn toàn mà nhân dân vẫn khổ
Không thể phát triển sản xuất do thiếu tự do dân chủ
Tập đoàn NN thua lỗ khắp nơi vì tham nhũng tràn lan!

Dân muốn được trực tiếp bầu ra người lãnh đạo của nhân dân
Từ trong số những tổ chức được cạnh tranh bình đẳng
Nếu ông giỏi, dân sẽ bầu ông trở thành người chiến thắng
Để tiếp tục lãnh đạo nhân dân, xin ông chớ băn khoăn!

Dân muốn được sở hữu về tư liệu sản xuất để chủ động làm ăn
Và muốn Hiến Pháp công nhận cho người cày có ruộng
Để họ yên tâm sản xuất lâu dài nhằm nâng cao đời sống
Không bị cưỡng cướp đất đai khi giải phóng mặt bằng

Dân muốn “Quân đội là của dân và vì nhân dân phục vụ!”
Như câu khẩu hiệu tướng Giáp đã nêu khi vừa mới ra đời
Theo tôi nghĩ, câu khẩu hiệu này đã đi vào lịch sử
Quân đội chỉ để chống giặc ngoại xâm là đúng lắm ông ơi!

Các phe phái cạnh tranh nhau không nên dùng quân đội
Để khỏi xẩy ra huynh đệ tương tàn làm dân tộc thương đau
Nhiều quốc gia để quân đội không tham gia đảng phái
Là nhằm tránh nội chiến xẩy ra chứ có xấu xa đâu?

Theo tôi nghĩ, quân đội ta luôn vì dân vì nước
Bảo vệ ngư trường và vùng dầu khí ở Biển Đông
Bao năm đảng dùng quân đội để đánh quân xâm lược
Nay giặc quấy phá ta, sao không cho họ đánh thưa ông?

Giặc đang dùng “đường lưỡi bò” đòi chiếm trọn Biển Đông
Vì các ông làm ngơ, nên người dân phải xuống đường gào thét
Nên chăng dùng lại câu HP 80 ghi“Giặc Tàu là kẻ thù truyền kiếp”?
Vào HP sửa đổi 92 để quân đội cùng toàn dân đoàn kết cứu non sông!

Tôi đã “bái phục” ông thuở ông còn làm nghiên cứu sinh ở bên Bun ông ạ!
Một giáo sư Bun sau này dạy tôi “khen”, ông “Khitrôumen” lắm ông ơi![1]
Mong Hiến Pháp sửa đổi lần này ông sẽ làm cho nhân dân phấn khởi
Vì đã thỏa được nguyện ước của toàn dân, của đất nước giống nòi!

Quốc Hội đã kêu gọi dân góp ý kiến cho Hiến Pháp 92 sửa đổi
Góp ý kiến thế nào là tùy tấm lòng và trình độ của mỗi người
Tiếp thu ý kiến dân đến đâu là tùy ông chứ dân đâu bắt tội
Các thầy giáo Bun của ta đòi thay hẳn Hiến Pháp Bun[2]
Mà đâu có phản động, ông ơi!


Hà Nội, 3/3/2013
Ts. Đặng Huy Văn


[1]-“Khitrôumen” tiếng Bungari có nghĩa là láu cá, ranh mãnh, khôn vặt...để chỉ những người sống thực dụng, hay lươn lẹo, chạy chọt, lừa thầy phản bạn. Tôi và ông ta đều làm luận án tiến sĩ ở Bungari. Ông này làm về kinh tế, còn tôi làm về toán, nhưng ông ta được sang nghiên cứu sinh trước tôi 3 năm khác đoàn và về nước trước, nên tôi không quen. Vị giáo sư dạy triết học của tôi cũng là thầy giáo của ông ta trước đây thỉnh thoảng lại hỏi tôi: “Mày có biết thằng Sinh Hùng Nguyễn bây giờ nó ở đâu không? Nó “khitrôumen” lắm!” (Trong tiếng Bun, chữ “mày”, “thằng”, “nó” để thể hiện cách nói bề trên với kẻ dưới, hoặc thân mật, hoặc khinh bỉ).
 
[2]- Năm 1990, Quốc Hội Bun-ga-ri đã xin trưng cầu dân ý để thay đổi hoàn toàn bản Hiến Pháp đã có trước đó do cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng 8 năm 1945 lập ra.


Khai Dân TríĐặng Huy Văn

No comments:

Post a Comment