Ván cờ… lật ngửa
Nguyễn An Dân
Chốt đầu đã qua sông chiếu tướng
Với việc đem dàn khoan thăm dò dầu khí vào sâu trong hải phận Việt Nam từ cuối tháng 4/2014, Trung Quốc đã đi nước cờ “đem tốt qua sông vỗ mặt tướng”. Ông bạn láng giềng “16 vàng 4 tốt”
đã chạm mạnh vào thể diện và an ninh quốc gia của Việt Nam, bất chấp
những tuyên bố và ký kết của 2 ông to nhất hai nước, Tập Cận Bình và
Nguyễn Phú Trọng. Hai ông này đã ký vào thỏa thuận “Những Nguyên Tắc Cơ Bản Chỉ Đạo Gỉai Quyết Vấn Đề Trên Biển Giữa Hai Nước” vào ngày 15/10/2011, đó là chưa kể đến DOC và những thỏa thuận, hiệp định, tuyên
bố…khác.
Nước cờ hiểm
Muốn xét nước cờ hiểm này cùa Trung Quốc phải đặt nó vào bối cảnh chính trị của hai nước để thấy rõ hơn vì sao Trung Quốc “đẩy chốt qua sông” bằng dàn khoan dầu cắm ngay trước “lỗ mũi” Việt Nam, một nước cờ vỗ mặt tướng trực diện.
Bên
cạnh những lợi ích kinh tế mang lại từ việc bành trướng Biển Đông mà ai
cũng biết, còn có quy luật chính trị trong nước cờ hiểm này. Bên
trong Trung Quốc đang có nhiều vấn đề rối loạn, từ việc đòi ly khai của
Tân Cương, Tây Tạng, đến hậu quả của cuộc thanh trừng phe nhóm Chu Vĩnh
Khang- Bạc Hy Lai đang còn âm ỉ. Nội tình chính trị bên trong Trung
Quốc đã vào giai đoạn căng thẳng đến nỗi Tập Cận Bình phải lên tiếng “Tân Cương, Tây Tạng không được phép tách rời khỏi Trung Quốc”. Rồi sự căng thẳng vì làm phật lòng các nguyên lão Giang Trạch Dân, Hồ Cảm Đào trong chiến dịch “bắt cả ruồi và hổ” mà Tập Cận Bình đang chủ trì, nhằm tiến công liên minh chính trị Chu Vĩnh Khang-Bạc Hy Lai.
Dưới
sức ép căng thẳng từ bên trong như thế, quy luật tất yếu của chính trị
đã và phải diễn ra là hướng ra bên ngoài. Có thể thấy hàng loạt những
hành vi gây hấn về biển đảo và lãnh hải của Trung Quốc kéo dài từ Nhật
Bản, Philipin, MaLaysia, Indonesia…hy vọng làm giảm đi căng thẳng bên
trong. Và đến cao trào và lộ liễu nhất là vi phạm trắng trợn vào lãnh
hải Việt Nam qua nước cờ dàn khoan.
Dĩ
nhiên Thái Bình Dương và Biển Đông không phải là một ván cờ chỉ một
mình Trung Quốc tự bày bố. Nhật Bản, Philipin… bị lôi kéo vào vòng tranh
chấp cũng không hiền lành gì. Họ vốn có một đồng minh thân cận và hùng
mạnh là Mỹ nên họ phản ứng quyết liệt, và nhiều lần những nước cờ “chốt qua sông”
của Trung Quốc với các nước đó đã không hoàn toàn thành công, do phản
ứng cứng rắn của các tay cờ kia và sự dè chừng của tay cờ Trung Quốc
trước đồng minh của họ là Mỹ. Và cuối cùng con chốt đầu của Trung Quốc chọn Việt Nam để thực hiện lần nữa nước đi qua sông vỗ mặt
tướng. Và dĩ nhiên Việt Nam khác với các
tay cờ khác trong bàn cờ quốc tế, đó là yếu nhược hơn các tay cờ khác,
và cũng không có đồng minh nào đủ mạnh bên cạnh mình hiện nay để làm
chùn bước tay cờ láng giếng “16 vàng 4 tốt” nham hiểm kia. Thế là nước chốt đầu vỗ mặt bằng dàn khoan dầu đã đem lại hiệu quả chính trị bước đầu như mong muốn của tay cờ Trung Quốc.
Dựng lại một tay cờ có chút bản sắc
Không
bàn đến những sự gắn bó hay mâu thuẫn trong quá khứ, chỉ xét từ giai
đoạn mà tay cờ Việt Nam tự hô hào là mình “đổi mới” từ năm 1991 đến nay,
thì hội nghị Thành Đô năm 1992 đã đưa tay cờ Việt Nam từ vị thế tương
xứng, bình đẳng trong cuộc chơi trở thành phụ thuộc và đàn em của tay cờ
láng giềng Trung Quốc.
Sự
gắn bó phụ thuộc đó từ sau hội nghị Thành Đô 1992 đã trở nên toàn diện
trong tất cả các mặt, từ vĩ mô như chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh
tế, an ninh quốc gia… cho đến những món hàng lặt vặt như quả dưa hấu,
trái ớt mà người dân ăn hàng ngày cũng phải nằm chờ cho đến hư thúi ở
cửa khẩu hai nước.
Và từ 1 quốc gia tự hào với truyền thống dựng nước và giữ nước, chưa bao giờ tay cờ Việt Nam yếu nhược và bị hạ nhục như lần này. Đây
là hậu quả tât nhiên của việc nhà cầm quyền là đảng cộng sản đã tự đặt
chính quyền, dân tộc và quốc gia vào vị trí đàn em bất chấp trong lịch
sử và quá khứ, các thể chế phong kiến Việt Nam và cả chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa trước đó luôn tự nâng cao mình lên ngang hàng với tay cờ
Trung Quốc.
Bên cạnh sự “tự buông cờ”
(như tự buông đao) sau hội nghị Thành Đô làm Việt Nam đã thua trong ván
cờ Đông Dương với Trung Quốc, còn có một bàn cờ lớn hơn. Đó
là ván cờ giữa Mỹ và Trung Quốc, ván cờ Thái Bình Dương và Biển Đông mà
Mỹ đã dày công gây dựng qua việc hình thành khối Asean và kiên trì lôi
kéo Việt Nam cùng tham gia.
Sự kiên trì của Mỹ và các đồng minh Phương Tây cuối cùng cũng đã có hiệu quả nhất định. Hàng ngũ các tay cờ bạc nhược của Việt Nam cuối cùng cũng xuất hiện một tay cờ có bản sắc, đó là Võ Văn Kiệt. Dù
không hoàn toàn kiểm soát được thế trận, tay cờ Võ Văn Kiệt cũng có
những nỗ lực và vùng vẫy nhất định, hầu đưa Việt Nam thoát bớt được ảnh
hưởng tai hại của hội nghị Thành Đô, nhằm tạo dựng bản sắc lại cho tay
cờ Việt Nam trong bàn cờ khu vực và thế giới.
Phát triển kinh tế xã hội, dù chậm và không ổn định, là một trong nhiều hiệu quả tương đối thành công của chiến lược “dùng kinh tế để chuyển hóa chính trị” mà tay cờ Võ Văn Kiệt đại diện Việt Nam lúc đó đã hợp tác với Mỹ và Phương Tây để thực hiện. Kết quả nhất định đó là đưa đất nước thoát ra khỏi cảnh khốn đốn chạy ăn từng bữa trong nền kinh tế bao cấp duy ý chí cộng sản. Dù
trong nền kinh tế thị trường nửa vời người dân cũng được nâng cao mức
sống phần nào, để từ đó tự giải phóng một phần về dân trí,
gây sức ép và tác động đến các tay cờ bạc nhược trong hàng ngũ lãnh đạo
Việt Nam. Nhờ đó, ngày hôm nay dân chúng
đã không còn để bị bưng tai bịt mắt bởi sự hô hào phỉnh phờ của nhà cầm
quyền. Dân chúng đang mạnh mẽ vùng lên chỉ trích sự bạc nhược yếu kém
của chính quyền.
Trong
quan hệ với Mỹ, dù tầng lớp lãnh đạo của Việt Nam từ 1975 đến nay chưa
bao giờ coi Mỹ là đồng minh, nhưng Mỹ vẫn coi quốc gia và dân tộc Việt
Nam là 1 đồng minh quan trọng trong bàn cờ Châu Á- Thái Bình Dương của
họ. Do đó từ vài thập niên nay Mỹ
vẫn kiên trì tác động vào các tay cờ Việt Nam để từ một Võ Văn Kiệt tìm
ra một Nguyễn Tấn Dũng và những người trẻ hơn sắp tới, hậu thuẫn cho
những tay cờ mới này để một lần nữa chuyển hóa Việt Nam từ một chư hầu
sang đối đầu với Trung Quốc. Tôi cho rằng đến hôm nay Mỹ
đã gần thành công, như tôi đã nhận xét trong bài viết “Bàn về ý kiến của GS Tương Lai”. Biến
cố dàn khoan có thể là một giọt nước làm tràn ly nước đã đầy, càng giúp
xoay chuyển Việt Nam sang thái độ dứt khoát “thoát Trung”, dù đây là
một quyết định khó khăn, chứa đựng nhiều nguy cơ đổ vỡ khó lường.
Nhìn
trở lại tình hình mấy năm qua, tay cờ Nguyễn Tấn Dũng trong những nước
đi kế thừa tay cờ Võ Văn Kiệt, đến hôm nay đã thành công trong việc
“phản phé” lại đàn anh Trung Quốc, và đã làm đàn anh Trung Quốc mất mặt. Thế
là đàn anh Trung Quốc trừng phạt, mà những hành động như bắt giữ tàu
đánh cá, cắt cáp, tổ chức cấm đánh cá Biển Đông… cho đến đóng cửa biên
giới, treo dưa hấu, xoài, thanh long… ở cửa khẩu Việt Nam-Trung Quốc chỉ
là những đòn răn đe dằn mặt trước khi đưa dàn khan đến vùng biển Việt
Nam.
Những cú đá chân ngầm dưới bàn cờ
Từ khi tay cờ Nguyễn Tấn Dũng lộ diện và dẫn dắt bàn cờ Việt Nam, tuy cũng có mang lại hiệu quả nhất định trong việc “thoát Trung” nhưng cũng không phải suông sẻ. Sự lệ thuộc sâu sắc và toàn diện của Việt Nam trong một thời gian lâu dài, mà đỉnh điểm là nước chốt hạ “hội nghị Thành Đô” 1992, cũng gây ra nhiều cản trở lớn. Việt
Nam lại không chỉ được dẫn dắt hoàn toàn bởi tay cờ Nguyễn Tấn Dũng, mà
còn nhiều tay cờ khác có quyền lực và ảnh hưởng còn ghê gớm hơn anh Ba
Dũng. Những tay cờ đó là do Trung Quốc gây dựng và yểm trợ, càng làm bàn cờ Việt Nam rối ren hơn. Ngoài việc dàn trận để tham gia bàn cờ khu vực và quốc tế, thì trong nội bộ thế trận của Việt Nam, sự mâu thuẫn về đường lối “ tiếp tục là chư hầu” của các tay cờ kia và “thoát Trung” của tay cờ Nguyễn Tấn Dũng đã gây ra hỗn loạn và trì trệ. Nội tình Việt Nam lâm vào cảnh rối ren ở ngay tầng cấp lãnh đạo cao nhất, “kẻ làm người phá”, lúc thế này lúc thế khác. Còn dân chúng, vừa là nạn nhân, vừa là nhà quan sát, đã hứng chịu và chứng kiến hết thảy sự
yếu kém lộ ra, khi các tay cầm cờ mâu thuẫn về đường lối. Liệu dân chúng cuối cùng có đứng lên dứt khoát ủng hộ đường lối “thoát Trung”?
Và nếu có, có còn kịp không? Tay
cờ đàn anh Trung Quốc, thấy mình dần dần không còn kiểm soát được bàn
cờ do đàn em tại Việt Nam nắm giữ kể từ khi Nguyễn Tấn Dũng đăng nhiệm,
đã ngầm đá chân đàn em dưới gầm bàn, khích động những tay cờ đàn em này
để cản phá nhóm Ba Dũng. Dĩ nhiên dân chúng không thấy được những cú đá ngầm này, nhưng
khi nó thể hiện ra thành những cú đạp, cú đánh và đàn áp vũ trang thô
bạo của chính quyền vào mặt và thân thể người dân tham gia biểu tình
“thoát Trung”
thì dân chúng thấy hết. Và những cái
đạp công khai vào mặt người biểu tình là một bằng chứng hiển nhiên cho
thấy đã có những cú đá ngầm khích động dưới gầm bàn kia.
Nhưng những tay cờ Việt-Trung “vừa là đồng chí vừa là anh em” kia đã quên
đi một điều quan trọng, đó là sự trưởng thành nhanh chóng của quần
chúng, cùng với quyết tâm “thoát Trung” của tay cờ Nguyễn Tấn Dũng đã
dần dần phát huy hiệu quả vì nó mang tính logic khách quan và tất yếu. Do đó hiệu quả của những cú khích động ngầm của người đồng chí phương Bắc đã giảm hiệu quả đi đáng kể. Hành vi bành trướng của Bắc Kinh ngang ngược lộ liễu quá. Hội Nghị Thành Đô 1992 không còn có thể trói buộc
được ai. Trung Quốc đến hôm nay đã hiểu ra rằng những tay cờ mà họ gây dựng và ủng hộ đã không còn hiệu quả chiến lược nữa. Tay cờ Trung Quốc đành sổ toẹt và tung hê hết thảy. Tấm mặt nạ tình anh em Trung-Việt “đời đời bền vững”, đính bằng “16 vàng 4 tốt”, đã rớt xuống. Tay
cờ Trung Quốc quyết định đưa chốt qua sông vỗ mặt tướng. Khi những
khích động và cầm nắm ngấm ngầm không còn hiệu quả nữa thì công khai uy
hiếp là quy luật đương
nhiên.
Dĩ
nhiên Trung Quốc không chỉ dằn mặt tay cờ Việt Nam, mà còn qua đó thăm
dò thái độ của tay cờ đối thủ mạnh nhất của mình là Mỹ, một ná hai chim,
vừa đe dọa Việt Nam vừa thăm dò phản ứng của Mỹ. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ bàn trong giới hạn quan hệ Việt-Trung.
Hậu quả từ nước cờ vỗ mặt tướng vào bàn cờ chính trị Việt Nam.
Đảng
cộng sản Việt Nam, vốn dĩ là thành phần duy nhất, độc tôn bày bố bàn cờ
Việt Nam lâu nay, đã chịu một hậu quả nặng nề trước nước cờ vỗ mặt
tướng này của Trung Quốc. Vốn
dĩ từ lâu ai cũng hiểu bàn cờ Việt Nam cũng do Trung Quốc bày bố là
chính kể từ cuộc chiến Nam Bắc 1954, nhưng ít ra trước hội nghị Thành Đô
1992, tay cờ Liên Xô cũng còn một phần ảnh hưởng nên mới có cuộc chiến
biên giới 1979. Nhưng sau sự tan vỡ của Liên Xô, và sau Thành Đô thì Việt Nam hoàn toàn
phụ thuộc vào Trung quốc. Vì chọn tư
thế và hành vi sai lầm kéo dài từ hội nghị Thành Đô 1992, Đảng cộng sản
đã không tìm được cho đất nước và dân tộc một đồng minh tốt và lâu bền. Ngày hôm nay đảng đã gánh chịu hậu quả do mình mang lại, đánh mất lòng tin ở nhân dân, ở quốc tế, đưa Việt Nam vào tình thế nguy hiểm chưa từng có. Chưa bao giờ thể diện và an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng như lần này, khi nội lực đã không có mà đồng minh thật sự và mạnh mẽ để giúp đỡ mình cũng không có.
Bên cạnh hậu quả mất an ninh quốc gia, đẩy đảng cộng sàn Việt Nam vào thế kẹt, nước cờ vỗ mặt tướng này còn thâm độc hơn nữa. Nó có khả năng làm phá sản thế cờ cải cách chính trị của tay cờ Nguyễn Tấn Dũng. Những tay cờ khác do Trung Quốc dựng lên tại Việt Nam có lý do để chỉ trích và dẹp bỏ Nguyễn Tấn Dũng, dẹp bỏ chiến lược “thoát Trung”. Họ sẽ một lần nữa hô hào là thế cờ cải cách chính trị quá sớm trong khi chưa đủ mạnh
sẽ làm mất an ninh quốc gia và mất đảng, trong khi họ quên rằng chính tư thế chư hầu và phụ thuộc của họ mới là nguyên nhân sâu xa của hậu quả hôm nay. Các
nhóm lợi ích chính trị trong đảng, đứng trước nguy cơ mất hết, cũng có
thể liên kết lại để phá hoại đường lối thân Mỹ, kiên quyết dẹp bỏ kế
hoạch của Nguyễn Tấn Dũng, để đổi lấy việc dàn khoan kia tạm lui về. Từ đó họ mị dân là ta đã thành công trong việc dẹp bỏ dàn khoan để có lý do tiếp tục duy trì độc quyền cai trị nhân dân.
Cái
khó hiện nay của tay cờ Nguyễn Tấn Dũng trong việc đối phó đòn hiểm
“chốt qua sông vỗ mặt tướng” là Việt Nam chưa hoàn toàn được Mỹ và
phương Tây tin cậy. Quốc tế cũng chưa có được niềm tin là ông ta đã nắm giữ được quyền lực tuyệt đối, nắm giữ 100% thế cuộc Việt Nam. Vì thế, nếu trong tình hình hiện nay Nguyễn
Tấn Dũng có kêu gọi sự ủng hộ của các tay cờ đồng minh thì chưa hẳn sẽ
được ủng hộ. Chính ông ta cũng chưa chứng minh được bằng những hành động
cụ thể trước các đồng minh
tương lai là ông ta là người cầm trịch tại Việt Nam.
Ở
trong nước cũng vậy, đến bây giờ quần chúng nói chung cũng chưa hoàn
toàn tin tưởng vào tay cờ Ba Dũng. Quần chúng Việt Nam vốn dĩ đã bị nhà
cầm quyền cho ăn bánh phỉnh nhiều lần nên đâm ra nghi ngờ và hoang mang
tất cả. Họ đang dần dần có thêm nhiều thông tin, cộng với kinh nghiệm xương máu. Họ
e ngại Việt Nam từ độc tài đảng trị sẽ chuyển sang độc tài gia đình trị
khi Nguyễn Tấn Dũng nắm hết quyền lực, và Việt Nam sẽ rơi vào một bi
kịch từ “vua tập thể” chuyển sang “vua độc tài” và vẫn
mặc lớp áo cộng sản và xã hội chủ nghĩa không tưởng.
Trên bàn cờ Biển Đông hiện nay, tư thế Việt Nam là như thế. Một quốc gia bị thua cuộc, từ tay chơi ngang cơ trở thành chư hầu. Tay
cờ quan trọng nhất, được kỳ vọng có thể đứng ra ứng phó tình hình thì
còn bị nghi ngờ, và có khả năng bị triệt hạ bất kỳ lúc nào bởi những tay
cờ “đồng chí” khác. Và khi mà quyền lợi và sự tồn vong của đảng còn được đặt trên an ninh quốc gia và dân tộc.
Dàn khoan và phong trào dân chủ Việt Nam
Tầm
nhìn rộng và hành động “rộng” của lực lượng dân chủ lúc này cần hơn bao
giờ hết. Phải nhìn sự việc trong thế cờ quốc gia, khu vực và quốc tế. Những
người dân chủ cần phải tiến hành hai bước đi song song, đó là tiếp tục
vận động ủng hộ dân chủ hóa Việt Nam, và biết phối hợp với các miếng đòn
đánh của tay cờ Nguyễn Tấn Dũng trong chiến lược chung: vừa bảo vệ an
ninh lãnh thổ vừa “thoát Trung”. Đừng để rơi vào
thế cờ phục sau nước cờ dàn khoan của Trung Quốc. Đó là thế cờ dàn xếp để dàn khoan lui về nhằm đổi lấy sự an toàn giả tạo tạm thời nhưng kèm theo đó là sự phá sản của chiến lược “thoát Trung” vĩnh viễn. Dù
Nguyễn Tấn Dũng có thật sự hành động để mang lại dân chủ cho Việt Nam
hay không, nhưng chiến lược “thoát Trung” của ông ta cũng mang lại cho
lực lượng dân chủ những lợi ích gián tiếp và cấp thời cần thiết: một không gian hoạt động rộng mở hơn. Một
mặt chúng ta biết đấu tranh và khắc phục những hạn chế trong bản thân
phong trào dân chủ, một mặt chúng ta phải biết phát huy
tối đa ưu thế có được từ lợi ích gián tiếp này.
Nghe đâu nội bộ cao tầng của đảng cộng sản Việt Nam thực sự đang “xám mặt” và “đau hết cả đầu” trước nước cờ dàn khoan này. Giá
như họ đừng thỏa hiệp ngầm dưới gầm bàn với Trung Quốc để quay qua đá
vào mặt dân biểu tình “thoát Trung” thì đến hôm nay đâu đến nỗi phải
“xám mặt” như thế./.
Nguyễn An Dân (8/5/2014)
Khai Dân Trí | Nguyễn An Dân |
No comments:
Post a Comment