Ở VN bạn muốn làm gì, muốn thi cử vào đâu, muốn hành nghề gì đều phải
khai lý lịch, thậm chí theo quy định của nhà nước cứ đến 80 tuổi là người dân
được hưởng trợ cấp mỗi tháng khoảng hơn hai trăm ngàn tiền VN, vậy mà trong bản
khai cũng có mục lý lịch, năm nào ở đâu, làm gì…
Từ 40 năm nay, chủ nghĩa lý lịch vẫn còn tồn tại. Chẳng nhìn ở đâu
xa, bạn hãy cứ nhìn những anh em thương phế binh VNCH sống lay lắt vất vưởng ra
sao giữa những thôn xóm hoặc ngay giữa đường phố Sài Gòn. Họ chẳng được hưởng
bất cứ một quyền lợi nào của người thương binh. Thậm chí có người đã phải tự
thiêu vì quá nghèo, không muốn làm khổ con cháu.
Thê thảm hơn nữa người tự thiêu ở nhà thuê, sợ cháy nhà con cháu phải
bồi thường nên bò ra bãi đất trống, đổ xăng lên người rồi tự thiêu. Chuyện này
tôi đã tường thuật cùng bạn đọc ngày 3
tháng 8 năm 2008. Bạn có thể xem toàn văn qua bài viết "Câu chuyện thương tâm của một anh thương
phế binh VNCH" . Trong khi thương binh của miền Bắc đều được hưởng phụ cấp và nhiều
thứ ưu tiên khác.
Chỉ cần nhìn thế
thôi bạn đã thấy rõ cái “chủ nghĩa lý lịch” nặng nề biết chừng nào! Kêu gọi “hòa
hợp hòa giải dân tộc”, muốn phát triển và muốn kén chọn nhân tài về phục vụ đất
nước thì trước hết phải làm cho tuyệt nọc cái thứ chủ nghĩa phân biệt đối xử
này.
Nhân ở đây, tôi xin chân thành hoan nghênh một số hội đoàn và nhiều
vị nhân sĩ trí thức ở Mỹ đang có chương trình vận động chính phủ Hoa Kỳ cho phép
mở lại chương trình HO để các anh em thương phế binh VNCH được đi định cư tại
Mỹ.
Đó là một sự công
bằng cần thiết dành cho người
thương binh Việt Nam Cộng Hoà, một thời chiến đấu hy sinh một phần thân thể cho
tự do dân chủ.
Tôi tin rằng sẽ được cộng đồng người Việt ở khắp nơi hưởng ứng yểm
trợ cho chương trình tốt đẹp này. Dù kết quả có thế nào thì anh em cũng cảm thấy
được an ủi, bớt tủi thân trong cuộc sống đấy khổ cực cay đắng này. Tuy nhiên tôi
vẫn hy vọng cuộc vận động sẽ thành công bởi lẽ phải và mọi sự thật được phơi bày
sẽ làm rung động những tấm lòng nhân ái.
Còn cái Nghĩa
trang Quân Đội VNCH cũng biến mất, bức tượng Tiếc Thương bị lật đổ chổng vó lên
trời để phô bày cái hình ảnh “chiến thắng” của phe thắng cuộc. Mãi sau đó bị dư
luận chê trách mới chuyển thành nghĩa trang dân sự, bỏ mặc cho cỏ lau dày đặc và
các nấm mồ liệt sĩ lâu dần trờ thành hoang phế. Sau này một số thân nhân liệt sĩ
mới được xin phép vào tu sửa.
Hãy nhìn ra các nước, sau những cuộc nội chiến, chiến binh tử sĩ hai
bên đều nằm chung trong một nghĩa trang được chăm sóc quy mô, trang trọng. Bởi
cả hai bên đều là những chiến sĩ hy sinh thân mình để bảo vệ hạnh phúc của người
dân.
Còn phân biệt đối xử cả với người chết thì chính sách nhân đạo ở đâu,
làm sao hòa hợp hòa giải được?
Bao giờ có một
cái nghĩa trang chung cho cả hai bên, lúc đó mới nhìn thấy nhà nước có thiện chí
sửa chữa những sai lầm, tiến tới những mục đích khác.
Trở về với chuyện
“cái lý lịch”, chuyện mới nhất hiện đang được các nhà gọi là trí thức ở VN đang
bàn tán xôn xao trên khắp các trang báo trang mạng ở VN lúc này đó là cuộc
thi tuyển, sát hạch công chức
ở Hà Nội.
Mọi
kiểu thi cử chỉ là hình thức…
cho ra vẻ công tâm mà thôi
Mới đây, Sở Nội vụ TP. Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch công
chức thuộc diện đặc cách xét tuyển năm 2015. Trong đó, có 30/63 thí sinh đã
không vượt qua được kỳ kiểm tra, sát hạch này. Đáng lưu ý, có 5 người là thạc sĩ
loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong
nước, cử nhân có bằng loại giỏi ở nước ngoài.
"Tôi
làm bài tốt, sao lại trượt?"
Anh
Quang bày tỏ: “Ngay lúc nộp hồ sơ, nhà tuyển dụng chỉ nhận bằng và bảng điểm của
tôi. Các văn bằng chứng chỉ khác cũng như quá trình làm việc công tác của tôi,
nhà tuyển dụng đều không nhận. Như vậy, vô hình trung đã đánh đồng tôi với các
ứng viên khác”.
Anh
Nam, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài chia sẻ, chuyên ngành anh ứng
tuyển chỉ có một mình anh, không phải cạnh tranh với ai. Do đó, chỉ cần đạt 50
điểm là anh sẽ đỗ. Tuy nhiên, kết quả của anh lại không như mong đợi, anh được
dưới 50 điểm và trượt công chức.
Anh
phân trần: “Tôi
thấy kết quả không phản ánh đúng bài thi. Mặc dù có 2 câu hỏi không nằm trong
nội dung ôn tập nhưng tôi vẫn làm được, vì tôi đã từng đọc qua trong quá trình
công tác. Đặc biệt là ở vòng phỏng vấn, có 3 người trong Hội đồng sát hạch nhưng
không có ghi âm, không có giám sát và cũng không biết giám khảo chấm điểm thế
nào?
Anh
Nam nhận xét: "Câu hỏi trong kỳ thi sát hạch vừa rồi chưa hợp lý, thi như vậy
chỉ dành cho người học thuộc lòng. Câu hỏi đưa ra cần phải yêu cầu ứng viên vận
dụng kiến thức văn bản pháp luật, kiến thức chuyên ngành đã được học để xử lý
tình huống hoặc cho đề bài, soạn thảo đáp án trên máy tính và đứng thuyết trình
đáp án đó cho hội đồng sát hạch. Mấy câu hỏi học thuộc lòng vậy làm sao đánh giá
được trình độ?"
GS Huỳnh Hữu Tuệ, giảng viên Trường Đại học Laval (Canada) cho biết:
Cách thi tuyển công chức của Sở Nội Vụ Hà Nội không phù hợp với kiến thức được
đào tạo của các thí sinh có trình độ chuyên môn. Ông Tuệ cũng cho biết, ở nước
ngoài thi công đơn giản hơn nhiều. Họ chỉ cần dựa vào bằng cấp và vượt qua vòng
phỏng vấn về kiến thức, tâm lý, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm là có thể đỗ
công chức.
Bản chất của vấn đề thi cử này là cái lý lịch
Luật
sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng phải lên tiếng
thừa nhận bản chất của những cuộc thi như thế này:
Thứ
nhất: “Quan
trọng là người đứng đầu có quyết tâm chọn người tài hay
không”.
Ý kiến này rất xác đáng, nếu người đứng đầu quyết tâm chọn người tài
thì chắc chắn sẽ tìm ra người tài. Còn nếu ngược lại, họ tuyển người vì tiền, vì
quan hệ, vì hậu duệ, con cháu, dòng họ, thì họ có đủ mọi mưu chước để đánh rớt
người tài, đưa người được sắp xếp từ trước vào (chữ nghĩa bây giờ ở VN gọi là cơ
cấu). Mọi kiểu thi cử chỉ là hình thức, chẳng qua thi là “làm
phép”.
Tích xưa tuồng cũ đã có nhiều chuyện hay về việc quyết tâm chọn người
tài, tìm người tài. Như chuyện “tam cố thảo lư” còn lưu truyền mãi trong dân
gian.
Sau khi Từ Thứ đến với Tào Tháo, Lưu Bị tìm đến Long
Trung để thỉnh cầu ông ra giúp nhưng hai lần đầu không gặp mãi đến lần thứ ba
mới gặp được nên mới có câu "Lưu Bị tam cố thảo lư cầu hiền". Lưu Bị được Lượng
nói kế sách định quốc an bang vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống
núi mưu tính đại sự.
Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông
chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức
bước vào vũ đài chính trị và làm nên những chiến thắng lẫy lừng như trận Xích
Bích và nhiều chiến thắng vang dội khác.
Thứ
hai: theo
luật sư Trần Quốc Thuận: “Định nghĩa chữ “tài” tùy thuộc vào mỗi nước có quan
điểm khác nhau. Tài ở nước ngoài là giỏi về chuyên môn, giỏi về kỹ thuật, giỏi
về ngoại ngữ, giỏi về vi tính… còn ở nước mình, tài còn phải kèm theo một thứ:
đó là lý lịch”.
Luật
sư Trần Quốc Thuận đã rất thẳng thắn khi nói đến hai chữ “lý lịch”. Dù đất nước
trong 40 năm qua đã có không ít ý kiến lên tiếng xóa bỏ lằn ranh phân biệt đối
xử, nhưng “chủ nghĩa lý lịch” vẫn cứ tồn tại, cản trở sự đóng góp, cống hiến và
phát triển của rất nhiều người có năng lực thực sự.
“Tất
cả các cuộc thi dù bắt buộc có chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, nhưng đó là cái
bề nổi, còn ẩn chứa đằng sau, cuộc sát hạch lý lịch mới là cốt yếu. Đã có một
thời, người ta công khai đưa lý lịch ra làm môn thi. Nay tuy không nói ra, nhưng
nó vẫn còn chi phối ít nhiều…”.
Một
khi người đứng đầu không quyết tâm chọn người tài. Một khi còn “chủ nghĩa lý
lịch”, thì mọi kiểu thi cử chỉ là hình thức.
Mọi sự
đều đã sắp đặt hết
Khi
phóng viên hỏi: Thi công chức, nhiều người cho rằng là kỳ thi tiêu cực nhất hiện
nay, nếu không có tiền là không đỗ, ông nghĩ sao?
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời:
“Việc
tiêu cực trong thi tuyển công chức nói từ lâu rồi. Thi gì cũng tiêu cực, tiêu
cực từ lộ đề thi trước, đánh dấu trong những bài chấm, thậm chí người thi còn
được đưa đề giải trước mang vào phòng thi chỉ việc chép vào bài… việc
này cũng nói nhiều rồi.
Cho
nên, bộ máy ở trên đã không trong sạch thì làm sao mà có sự trong sạch từ
dưới được. Nếu người ở trên không muốn tuyển dụng người tài và tuyển dụng
với lý do lợi ích khác thì sẽ tạo nên lợi ích liền sau khi thi.
PV:
Thưa
ông, đây có phải là vấn đề nhức nhối trong xã hội mà khó giải quyết
không?
Ông
Thuận: “Quá nhức nhối đi chứ
vì cửa vào hé rất nhỏ. Những người vào là những người đã được chuẩn bị sẵn rồi.
Mặc dù thi công khai nhưng còn vấn đề lý lịch nữa.
Cũng về ý công khai như ông nói, nhiều ý kiến cho rằng,
mặc dù thi công chức luôn tổ chức công khai (công khai về chỉ tiêu, tiêu chí,
điểm số…) nhưng dưới sự công khai này là ẩn chứa sự sắp đặt
hết”.
Để kết luận cho bài này mời bạn đọc một trong hàng trăm lời phê phán của
độc giả ở VN.
- Bạn Trần Ngọc Hải viết:
“Khổ lắm. Biết rồi nói mãi. Thi công chức ở Thủ đô bao nhiêu năm nay số người đỗ
đạt vẫn rơi vào đối tượng "biên chế". Phần lớn là con ông cháu cha, người thân
quan và có cả chạy chọt nữa. Nếu lôi bài thi ra đọ thật, thì kể cả thủ khoa xuất
sắc hay thạc sỹ tốt nghiệp ở nước ngoài cũng chào thua. Họ có kế hoạch, chỉ tiêu
và sắp xếp hết cả rồi. Hi..hi vui lắm ! Tôi đã thu lượm được kha khá minh chứng
thông tin những vụ chạy chọt thi tuyển công chức buồn cười lắm, chỉ tốn có 2-3
trăm triệu thôi, từ một nhân viên (người quen bạn tôi) không hiểu gì về tin học
cơ bản, không soạn thảo được văn bản thông thường, ấy thế mà trúng tuyển một
cách ngoạn mục vượt qua cả những thí sinh được đào tạo ở nước ngoài về. Giờ thì
đang chễm chệ làm "sếp" ở TP. HCM rồi.”
Như thế thì thi cử chẳng qua là một trò bịp. Anh là dân đen, nhất là
có dính dáng tới “phản động, Mỹ Ngụy” thì đừng bao giờ dại dột mất công đèn sách
vác giấy bút đi thi vào làm công chức ở bất cứ ngành nào. Hãy tìm đến các công
ty kinh doanh tư nhân của nước ngoài, hy vọng bạn sẽ được trọng dụng. Hy vọng
thôi bởi ngay ở các doanh nghiệp tư này cũng bị áp lực phải ưu tiên cho con ông,
cháu cha mới sống được./-
No comments:
Post a Comment