2015/05/21

CƠ HỘI NGÀN NĂM: TỔNG THỐNG MỸ VÀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (01)

CƠ HỘI NGÀN NĂM
Bài số 1

TỔNG THỐNG MỸ VÀ NHÂN QUYỀN VIỆT NAM

HỒ TẤN VINH

Ngày 28 tháng 4, 2015 - CTV Danlambao
Hoa Kỳ vừa tiếp tục lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do ngay lập tức cho blogger Tạ Phong Tần, thành viên Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do, hiện đang bị kết án 10 năm tù giam.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 28/4/2015, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Jeff Rathke nói:

“Blogger Tạ Phong Tần - khôi nguyên giải thưởng Phụ nữ Can đảm toàn cầu năm 2013, hiện đang bị kết án 10 năm tù giam vì đã viết blog chỉ trích nhà nước và đảng cộng sản.

Cô là một trong những blogger đầu tiên viết bài và bình luận về các sự kiện chính trị, chủ đề mà lâu nay luôn bị giới hạn bởi nhà cầm quyền.

Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Tạ Phong Tần, cho phép người dân Việt Nam bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách tự do, cả trên mạng lẫn trong đời thực”.

Tuyên bố trên của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ được đưa ra trong nhằm vận động cho ngày Tự do Báo Chí Thế Giới 3/5/2015 sắp tới.

Ngày 2 tháng 5, 2015 - BBC
Tổng thống Barack Obama 'rất quan tâm' tới tình hình tự do ngôn luận, báo chí và nhân quyền ở Việt Nam, theo blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm, người vừa được nhà lãnh đạo Hoa Kỳ mời tới Nhà Trắng để gặp gỡ và trao đổi nhân ngày Tự do Báo chí Quốc tế hôm 01/5/2015.

Trao đổi với BBC từ Washington D.C. hôm thứ Bảy, nhà báo tự do Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải nói:

Khi mà chúng tôi ngồi ở bên cạnh nhau để thảo luận về các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước, mà có các nền báo chí tồi tệ, tôi thấy rằng Tổng thống Obama rất quan tâm đến tình hình của các nước như là Ethiopia, Nga hay Việt Nam Blogger Điếu Cày.

"Chuyến gặp lần này đã cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt. Tổng thống Obama là một người rất bình dị. Khi chúng tôi ngồi ở bên cạnh nhau để thảo luận về các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước có các nền báo chí tồi tệ, tôi thấy rằng Tổng thống Obama rất quan tâm đến tình hình của các nước như là Ethiopia, Nga hay Việt Nam.

"Cách Tổng thống diễn đạt những câu chuyện rất bình dị và ấm áp."

Khi được hỏi vì sao Tổng thống Mỹ chọn gặp ba nhà báo từ Việt Nam, Nga và Ethiopia trong cuộc gặp này, blogger Điếu Cày đáp:

"Đấy cũng là một chỉ dấu cho thấy là ba quốc gia này có nền báo chí tồi tệ nhất.

"Theo tôi được biết có một danh sách trên 30 nhà báo được lựa chọn, nhưng chỉ có 3 người được vào gặp Tổng thống, và như vậy cũng cho thấy rằng những người mà đã bị đàn áp ở những quốc gia có nền báo chí tồi tệ, thì Tổng thống lựa chọn để gặp mặt."

Ngày 16 tháng 5, 2015 - BBC
Một quan chức Hoa Kỳ thúc giục Việt Nam có những hành động thiết thực nhằm cải thiện hồ sơ nhân quyền trong những tuần tới, bao gồm việc trả tự do cho các tù nhân chính trị.

"Rõ ràng đây là một thời điểm quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và nhân quyền là một trong những mục tiêu mà chúng tôi đang nỗ lực đạt được," Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski, được hãng thông tấn AFP dẫn lời nói hôm thứ Sáu.

Ông Malinowski vừa hoàn tất chuyến thăm Việt Nam kéo dài một tuần, nơi ông đã có cuộc gặp với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cũng như các nhóm xã hội dân sự, trong đó có các lãnh đạo tôn giáo.

Việt Nam đã có "một số tiến bộ mong manh" về vấn đề nhân quyền, nhưng "chúng tôi hoàn toàn không ảo tưởng" trước thách thức hiện nay, ông nhấn mạnh.

"Việt Nam vẫn là quốc gia độc đảng và tội phạm hóa mọi hình thức bất đồng chính kiến," ông nói với báo giới.

Tuy nhiên ông cho rằng hiệp định thương mại bao gồm 40% nền kinh tế toàn cầu là "đòn bẩy quan trọng mà chúng tôi có thể sử dụng để khuyến khích Việt Nam đi theo hướng cởi mở hơn'.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của 12 quốc gia, vẫn đang trong quá trình đàm phán.

'Không được bước lùi'

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski

"Rõ ràng là đang có một cuộc tranh luận sâu rộng bên trong xã hội Việt Nam cũng như chính phủ Việt Nam về lộ trình của đất nước".

"Đó là cuộc tranh luận về việc có nên và làm sao để xây dựng một hệ thống chính trị cởi mở và ít cứng nhắc hơn," ông nói.

"Tôi đã để lại cho chính phủ Việt Nam một thông điệp rõ ràng, rằng cách họ giải quyết những vấn đề này, đặc biệt là trong những tuần tới, sẽ có tác động rất lớn đối với tiến trình đàm phán TPP".

Việc tham gia đàm phán TPP đã khiến chính quyền Việt Nam phải "hạn chế" bắt giữ và buộc tội các nhà bất đồng, ông Malinowski nói.

Hiện vẫn chưa có nhà bất đồng chính kiến nào bị buộc tội trong năm nay, so với 61 trường hợp trong năm 2013 và 29 trường hợp hồi năm ngoái.

Washington cũng đang thúc giục Hà Nội trả tự do cho 100 tù nhân chính trị còn lại.

Tuy nhiên ông Malinowski nói vẫn còn nhiều trường hợp các nhà bất đồng chính kiến bị đe dọa, bắt giữ hoặc đánh đập.

Ông cho biết đã trình bày với giới chức Việt Nam lập trường của Washington rằng "không được bước lùi về phía sau".

Việc gia nhập TPP cũng sẽ yêu cầu Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập, điều mà nước này đang cấm đoán.



Ba sự kiện nêu trên đây cho thấy không phải chỉ những công chức cao cấp của chánh quyền Mỹ quan tâm về tình trạng nhân quyền của Việt Nam mà ngay chính Tổng Thống Mỹ cũng đã đích thân lâm trận.

Trước đây và cũng là thông lệ dễ hiểu, Mỹ đã dùng lối ngoại giao kín đáo để CSVN thả các ông Cù Huy Hà Vũ hay ông Điếu Cày. Chừng nào điều kiện đã được thoả thuận thì họ được thả ra và chừng đó dư luận mới biết.

Lần này, chánh quyền Mỹ đơn phương công khai đưa tên chị Tạ Phong Tần ra và yêu cầu thả ngay. Lối ngoại giao ‘họp báo’ này cho thấy Mỹ đã không còn trong thế thương lượng mà đã chuyển qua thế đòi hỏi. Đây là thế thượng phong.

VỊ TRÍ CỦA TỔNG THỐNG OBAMA TRONG LỊCH SỬ MỸ

Còn có mấy tháng nữa là có cuộc bầu cử mới. Tổng Thống Obama chỉ còn có vài tháng nữa để xác định vị trí của mình trong lịch sử của Hoa Kỳ.

Tổng Thống Obama là một người có thiện tâm, có lý tưởng. Nhưng suốt hai nhiệm kỳ – 8 năm qua – ông đã có hai thất vọng lớn. Lý do chánh đáng thì có, nhưng sự kiện là sự kiện. Trước mặt cử tri, ông đã hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo ngay sau khi chấp chánh. Nhưng ông đã thất hứa. Ông vô cùng muốn đem lại hòa bình cho Trung Đông, đở đầu cho một quốc gia Palestine. Nhưng ông không làm được.

Nhưng Ông đã nhận lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình. Bình thường, những người đã lập được thành tích xứng đáng trước rồi mới được tưởng thưởng sau. Ông đã nhận giải trước rồi. Nhưng Ông không thể chịu đứng chung với Kissenger và Lê Đức Thọ là những người gian xảo. Ông phải có một thành tựu tinh thần vẻ vang.

Đứng ra tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, Tổng Thống Obama đã chọn một chiến trường mà Ông chỉ có thể thắng chớ không thể thua.

TPP là cái đòn bẩy mà Tổng Thống Mỹ đã đưa ra để giúp Việt Nam thoát ra khỏi sự lệ thuộc với Trung Cộng.

TPP là một hiệp định kinh tế thương mại, nhưng nó có ẩn chứa những khía cạnh nhân quyền. Việt Nam muốn vào TPP thì phải có thực tâm xây dựng một hệ thống chánh trị cởi mở.

Dầu cho Việt Nam tuân theo lịnh của Trung Cộng không chịu cởi trói cho dân và vì vậy mà không được vào TPP thì đó là chuyện của Việt Nam. Nhưng thế giới đều biết và nhứt là người Việt đều biết rằng Tổng Thống Obama đã thành tâm muốn giúp. Thế Giới, Ủy Ban phát giải Nobel, và người Việt ghi nhận điểm son đó.

Nếu Việt Nam khôn ngoan nắm lấy bàn tay TPP đưa ra thì Việt Nam có cơ hội phát triển kinh tế và từ từ thoát ra sự lệ thuộc vào Tàu. Chế độ sẽ cởi mở hơn, và từng bước thực hiện ước mơ hơn nữa thế kỷ nay: ‘Độc Lập cho Tổ Quốc’ và ‘Hạnh Phúc cho người dân’.

Nếu mọi sự tiến triển như vậy thì công lao của Tổng Thống Obama không nhỏ. Ông đã đảo ngược tình thế, kết thúc vinh quang cuộc chiến tranh mà 58,000 người lính Mỹ đã hy sinh tại một nước xa xôi này.

Đã dấn thân sâu, không còn có thể lùi bước. Phất cao ngọn cờ NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM, dầu cho CSVN có ngã nghiêng bằng lối nào, Tổng Thống Obama cũng là người thắng cuộc.


HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 21 tháng 5 năm 2015
(còn tiếp)

Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí

Khai Dân TríHồ Tấn Vinh

No comments:

Post a Comment