MỘT CÁI NHÌN LỊCH SỬ
Bài số 4
HỒ TẤN VINH
LỰC LƯỢNG HÒA HẢO
Phật Giáo Hòa Hảo được thành lập năm 1939. Người sáng lập sanh tại làng Hòa Hảo nên có tên Phật Giáo Hòa Hảo.
Huỳnh Phú Sổ chống Pháp, bị Pháp nhốt vào nhà thương điên. Đó cũng là một cái bằng cấp oanh liệt. Huỳnh Phú Sổ chống Việt Minh, bị Việt Minh thủ tiêu, Giáo Chủ đã trở thành anh hùng của dân tộc.
Sau hai chế độ Diệm-Thiệu đến chế độ CS, vì lịch sử là của kẻ đương quyền, nên vai trò của nhân vật lịch sử Huỳnh Phú Sổ đã bị xuyên tạc chớ chưa có cơ hội được đánh giá đúng mức.
Phật Giáo Hòa Hảo là một phái mới của đạo Phật, chủ trương bải bỏ nghi lễ phiền phức, tu hành không cần chùa chiền, tượng đúc, tăng lữ. Lúc bấy giờ, tại miền Tây có hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Ngoài vấn đề tôn giáo ra, Huỳnh Phú Sổ khi nhập thế là một người yêu nước độc đáo. Lúc khai đạo thì chủ trương bất bạo động, nhưng khi chống Pháp thì lại chủ trương cầm súng. Lúc liên kết với Mặt trận Việt minh, lúc tách rời ra khỏi Việt Minh, bề ngoài xem ra như có vẽ tiền hậu bất nhứt. Nhưng khi nghiên cứu kỹ thì mới thấy ở mỗi thời điểm, mỗi ứng biến đều minh bạch nằm trong lập trường dứt khoát chống xâm lăng, giành độc lập cho đất nước.
BS Nguyễn Minh Tân (Paris) có thuật lại cho tôi rằng năm 1945, lúc còn nhỏ ông tình cờ tham dự một cuộc tập họp tại sân vận động Trà Vinh. Huỳnh Phú Sổ mới tham quan miền Bắc trở về. Huỳnh Giáo Chủ thuật lại cho đồng bào miền Tây biết cái khổ của dân miền Bắc bị đói và kêu gọi cứu trợ. Ông đã nói chuyện hai tiếng đồng hồ mà không có chuẩn bị giấy tờ gì cả và ông đã làm cãm động đồng bào.
Ngày 14 tháng 3 năm 1945, Huỳnh Phú Sổ cùng Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân và bảy tổ chức quốc gia khác thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt.
Sau này, khi Hồ Văn Ngà bị bắt, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt tan rả. Khoảng tháng 4 năm 1946, Huỳnh Phú Sổ do Nguyễn Văn Sâm hướng dẫn tiếp xúc với BS Lê Văn Hoạch, đại diện Cao Đài giáo và thành lập MẶT TRẬN QUỐC GIA LIÊN HIỆP. Bộ phận Chánh trị do Huỳnh Phú Sổ làm Chủ Tịch với bí danh Huỳnh Anh, BS Hoạch làm Phó Chủ Tịch, Nguyễn Văn Sâm làm Cố vấn Chánh trị. Bộ phận quân sự do Bùi Hữu Phiệt phụ trách, liên quân kháng chiến gồm có Bình Xuyên (Mười Trí), Đại Việt Quốc Dân Đảng (Bùi Hữu Phiệt), Việt Nam Quốc Dân Đảng (Phạm Hữu Đức) và Đệ Tứ (Nguyễn Thành Long).
Ngày 16 tháng 4 năm 1947, sau khi tham dự Hội nghị Ba Răng (làng An Phong tỉnh Long Xuyên) Đức Huỳnh Giáo Chủ bị Việt Minh bắt giữ và thủ tiêu ngày 20 tháng 4 năm 1947.
Bộ phận quân sự của Phật Giáo Hòa Hảo do các tướng Trần Văn Soái tự Năm Lữa (Trung Tướng), Lê Quang Vinh tự Ba Cụt (Thiếu Tướng), Lâm Thành Nguyên (Thiếu Tướng), Nguyễn Giác Ngộ (Thiếu Tướng) chỉ huy. Tổng Hành Dinh đặt tại Cái Vồn, Cần Thơ.
Các lực lượng Hòa Hảo này do các tướng lãnh tự mình thành lập nên hoạt động riêng biệt. Lực lượng của tướng Lê Quang Vinh hoạt động mạnh nhứt và có tánh cách cách mạng. Đại Tá Lansdale đem tiền xuống miền Tây định mua chuộc Ba Cụt như đã từng mua chuộc được Trịnh Minh Thế, Nguyễn Thành Phương một cách hết sức dễ dàng. Nhưng không dè Ba Cụt chẳng những cự tuyệt mà còn phục kích bắn cảnh cáo Lansdale. Bị thương, Lansdale trở về Saigon tức giận lắm.
Không giống như cái bất trung của một số quân nhân Cao Đài, những lực lượng Hòa Hảo tuyệt đối tuân hành lệnh của Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ lúc Ngài còn sống và sau này cũng vẫn như vậy. Tướng Lê Quang Vinh tự chặt ngón tay mình thề trung thành với Giáo Chủ nên có biệt danh Ba Cụt.
Năm 1954, Lực lượng Hòa Hảo có khoảng 30.000 quân.
HỒ TẤN VINH
Melbourne
Ngày 5 tháng 10 năm 2012
(Còn tiếp)
Những bài viết của tác giả Hồ Tấn Vinh được lưu trữ tại Khai Dân Trí |
Khai Dân Trí | Hồ Tấn Vinh |
No comments:
Post a Comment